Trong 2,5 triệu năm con người sống dựa vào thiên nhiên bằng lối sống săn bắn hái lượm. Trí nhớ, trí thông minh và khả năng học hỏi của họ được đánh giá hơn hẳn loài người ngày nay. Mỗi cá thể trong bầy đều được học cách kiếm sống từ thiên nhiên sao cho an toàn và hiệu quả nhất. Họ ăn mọi thứ họ tìm được từ thực vật cho tới mọi loài động vật. Nhờ đó mà họ luôn có đủ dinh dưỡng cần thiết để duy trì một cuộc sống tương đối lành mạnh về thể chất lẫn tinh thần. Các giác quan của họ cũng phát triển vượt bậc khi phải sinh sống trong tự nhiên và hòa mình vào tự nhiên: tai nghe tốt hơn, mũi thính hơn, mắt tinh tường hơn và khả năng cảm nhận tự nhiên cũng tốt hơn loài người hiện tại rất nhiều.
Nhưng khoảng 10 nghìn năm trở lại đây họ đã thay đổi lối sống ấy khi bắt đầu dành thời gian để tìm hiểu, thao túng tự nhiên theo ý mình. Đó cũng chính là thời điểm cuộc cách mạng nông nghiệp bắt đầu. Con người thay vì hái lượm và ăn mọi thứ đã chuyển qua việc chỉ nuôi trồng một số loại ngũ cốc và động vật có lợi nhất cho việc thu hoạch, dự trữ. Trong hàng ngàn thực phẩm có sẵn trong tự nhiên, con người chỉ có thể thuần hóa một số ít loại dễ dàng cho việc trồng trọt và chăn nuôi như lúa mì, các loại đậu, cừu dê… Đó là lý do cuộc cách mạng nông nghiệp ban đầu chỉ xuất hiện ở ít nơi và sau đó mới lan ra toàn thế giới.
Đối với khoa học lẫn lịch sử thì cuộc cách mạng nông nghiệp đã mang tới bước tiến kỳ diệu cho loài người khi không còn phải săn bắt hái lượm đầy nguy hiểm, cực khổ mà có thể định cư một nơi để sống an nhàn, no đủ hơn. Nhưng thực tế không hẳn như vậy. Lối sống của người săn bắt hái lượm tuy có chút phiêu lưu nhưng lại mang cho họ nhiều thứ mà cuộc cách mạng nông nghiệp không thể bù đắp như: sự đa dạng thực phẩm, chế độ ăn uống tốt hơn, khả năng kết nối với tự nhiên cao hơn và kỹ năng của mỗi cá nhân trong tập thể cũng toàn diện hơn. ời săn bắt hái lượm, mỗi cá nhân trong tập thể đều đóng góp công sức của mình vào việc kiếm ăn. Ở thời đại nông nghiệp, một ngôi làng hay một tập thể vẫn có thể sống tốt chỉ dựa vào sức lao động của một nhóm người. Hệt như ngày nay chúng ta đang sống và ăn uống dựa trên công sức trồng cấy của những người nông dân ở các vùng quê. Chúng ta không cần tự mình trồng cấy trên đồng để kiếm thực phẩm. Dù cho chúng ta vẫn phải “cày bừa” theo một cách khác ở trong văn phòng hay ngoài đường thay vì trên cánh đồng bạt ngàn nắng gió. Dù vậy sự thật không đổi là thời đại nông nghiệp với sản lượng tăng cao đủ sức nuôi sống nhiều người mà không cần tất cả cùng lao động. Lượng thời gian nhàn rỗi của mọi người tăng lên rất nhiều. Chính vì thế nó mang đến cho con người cuộc sống nhàm chán hơn, khó khăn hơn và ít thỏa mãn hơn dù cho tổng lượng thực phẩm dự trữ tăng lên đáng kể.
Điều này xảy ra lần nữa ở cuộc cách mạng công nghiệp khi sự chuyên biệt hóa tới mức tối đa làm cho con người mất dần những kỹ năng sinh tồn và sự cảm nhận cuộc sống một cách toàn diện. Lượng hàng hóa trên thị trường tăng lên chóng mặt nhưng lại khiến cho đời sống con người khó khăn hơn, bất an hơn rất nhiều. Chuyện này cũng sẽ được nói chi tiết trong chương về chủ nghĩa tiêu dùng phía sau.
Tại sao cuộc cách mạng nông nghiệp lại được xem như sự lừa dối lớn nhất trong lịch sử? Bởi vì nó cho rằng con người đã thuần hóa được các loài động/thực vật để phục vụ cho nhu cầu của mình. Nhưng nhìn theo một góc khác thì chính những loài động/thực vật ấy mới thành công khi có thể thuần hóa con người phụ thuộc vào chúng và giúp chúng đi nhanh hơn trên con đường tồn tại, tiến hóa. Ví dụ về “màn lừa đảo hay cú đổi đời ngoạn mục” này sẽ được làm sáng tỏ trong Câu chuyện cây ngô: từ loài cỏ hoang thành vua thực phẩm công nghiệp ở phần sau cuốn sách này.
Cách mạng nông nghiệp là nguyên nhân chính dẫn đến một đại họa khác cho trái đất, một tai ương mà nhiều người cứ tưởng là phúc lành: sự bùng nổ dân số loài người theo cấp số nhân.
Sở dĩ gọi là đại họa vì nó đã kéo theo rất nhiều tiêu cực đẩy nhanh quá trình hủy diệt các nguồn lực trên trái đất và làm khó đời sống con người. Nó là một bước lùi của sự tiến hóa, một cái bẫy cho những người dám tự xưng mình là chủ trái đất này.
Cách mạng nông nghiệp làm thay đổi chế độ ăn uống đa dạng, lành mạnh từ trước đó thành chế độ ăn nghèo chất dinh dưỡng và tàn phá sức khỏe con người từ bên trong. Con người trở nên yếu ớt hơn về mặt sinh học và ngày càng phụ thuộc vào những thực phẩm mà họ nuôi trồng. Nạn đói không xảy ra trong thời kỳ săn bắt hái lượm dù con người ăn ít hơn, nhưng lại xảy ra khá thường xuyên trong thời cách mạng nông nghiệp khi con người đặt nguồn thức ăn nuôi sống mình vào những loại thực phẩm cụ thể. Mặt khác họ bắt đầu chuyển dịch tư duy từ việc sống cho hiện tại bắt đầu thành sống cho tương lai, luôn lo lắng cho ngày mai và làm việc vất vả hơn vì một ngày mai không bao giờ tới. Nó không bao giờ tới bởi vì thời điểm ngày mai tới, nó lại chuyển thành hôm nay. Con người dần tìm cách lãng quên cuộc sống hiện tại của mình qua nhiều cách để rồi ngày nay, thông điệp “sống cho hiện tại” thôi thúc con người thay đổi lối sống của mình một lần nữa.
Vì có thực phẩm dư thừa nên con người cũng bắt đầu quá trình phân chia giai cấp trong xã hội. Người nhiều quyền lực hơn thu mua thực phẩm từ người dân để chu cấp cho bộ máy cai trị lẫn quân đội thực hiện công việc đánh phá, cướp bóc những vùng đất khác. Chiến tranh ra đời không phải vì người ta thiếu ăn mà khi người ta dư cái ăn. Chiến tranh không được tạo ra bởi những đất nước nghèo mà bởi những nước giàu có dư dả nhưng vẫn tham lam. Những cuộc chiến, dù xưa hay nay cũng lấy đi sinh mạng của rất nhiều người và suy cho cùng, đó chính là một sự trừng phạt của tự nhiên nhằm lấy lại cân bằng sinh thái cho muôn loài trên mặt đất. Sự tăng dân số mà cách mạng nông nghiệp mang lại thật ra chỉ là cách tự nhiên chuẩn bị sẵn sàng cho sự cân bằng vốn có.
Giống như câu chuyện về loài thú ăn cỏ và loài thú ăn thịt: thỏ và cáo. Trong một khu rừng, tự nhiên sẽ luôn duy trì trạng thái cân bằng của hai loài này. Chúng tiêu diệt lẫn nhau nhưng cũng giúp nhau cùng tồn tại. Nếu như một sự kiện nào đó xảy ra, chẳng hạn con người bắt và giết hết cáo thì chẳng mấy chốc số lượng thỏ sẽ mau chóng gia tăng đến một điểm mà không cánh đồng cỏ nào có thể nuôi chúng được nữa. Không còn đồng cỏ, thỏ chết dần kéo theo những loài ăn cỏ hay sống nhờ cỏ khác như côn trùng, hươu, nai cũng bị chết đói. Các loài thú không ăn cỏ tưởng chừng không bị ảnh hưởng nhưng vì không còn thú ăn cỏ làm thức ăn nên tất nhiên chúng cũng bị giảm sút theo. Một hệ sinh thái bị phá hủy hoàn toàn chỉ bằng một can thiệp nhỏ như vậy.
Con người bằng trí thông minh của mình đã tác động lên tự nhiên bằng mọi cách có thể để duy trì quyền lợi của mình mà không biết rằng chúng ta đã phá hoại hoàn toàn các cơ chế tự nhiên cân bằng sinh thái. Khi tự nhiên mất cân bằng nó sẽ có cơ chế tự điều chỉnh và một trong những cơ chế đó là các thiên tai, dịch bệnh lấy đi mạng sống của những loài đã quá đông đúc, bất kể là loài ăn cỏ hay ăn thịt hay loài ăn cả hai thứ ấy: loài người.
Câu chuyện làm nông tự nhiên và trang trại nuôi cỏ trong cuốn sách này sẽ cho bạn góc nhìn khác về nghệ thuật làm nông nghiệp, ấy là phải tuân theo những quy tắc của tự nhiên và sinh thái đồng thời tôn trọng bản tính và tầm quan trọng của mọi loài sinh vật.
Trích sách: Tại sao chúng ta không hạnh phúc? (Cuốn sách tổng hợp kiến thức theo phong cách và góc nhìn của Phi Tuyết, 2018)