Thiền: Bay vào trời xanh, không dấu chân nào để lại

Thầy là ai? Có cần thiết phải đi theo thầy?

Thầy vĩ đại không tạo ra người theo sau. Thầy không làm ra con đường cho mọi người theo. Thầy bay lên trời, thầy cho bạn khao khát bay, biến mất vào trong cái xanh thẳm của bầu trời. Thầy tạo ra sự thôi thúc trong bạn để khám phá việc biến mất vào trong điều tối thượng giống cái gì.

Ánh sáng từ những vị thầy chiếu ra những mảnh đất xa xăm và những người có mắt bắt đầu đi tới một chỗ nhỏ bé ẩn trong rừng sâu nơi các vị thầy còn đang hiện diện. Mọi người cứ thế tự tìm tới theo cách của riêng mình.

Hãy nhớ sự khác biệt: khi bạn tới theo ý mình, bạn tới một cách toàn bộ. Khi bạn được gọi tới, còn có ngần ngại, nỗi sợ: có lẽ bạn sẽ bị chi phối. Nhưng khi bạn tới theo ý riêng của bạn, bạn đã sống cuộc đời bạn, bạn đã biết cái vô nghĩa của nó. Bạn đang đến từ hiểu biết lớn rằng cuộc sống chẳng có gì hấp dẫn. Bạn đến với tính toàn thể và toàn bộ của bạn, với sự khẩn thiết, bởi vì chẳng ai biết được: ngày mai bạn có thể còn ở đây trên trái đất này hay không. Cái chết có thể gõ cửa nhà bạn vào bất cứ lúc nào, điều đó không thể dự đoán trước được.

Khoảnh khắc tiếp là không chắc chắn. Tất cả mọi điều bạn có là khoảnh khắc này. Cho nên đừng phân tán tâm thức bạn, tập trung nó vào khoảnh khắc này. Nếu bạn thực sự muốn biết cội nguồn tối thượng của bản thể và phúc lành vô cùng của nó, từng khoảnh khắc này là đủ.

Đừng theo dấu chân của bất kì ai. Chân lý không thể được vay mượn, mà cũng không thể theo con đường của ai đó khác đã đi. Bạn phải đi vào trong mảnh đất nguyên sơ của không gian bên trong của riêng bạn, nơi không ai có thể đi vào được bằng bất kì cách nào.

Bạn càng đi sâu, bạn càng một mình hơn. Bạn và thù, gia đình và xã hội, dần dần, tất cả rơi rụng đi khi bạn vứt bỏ tâm trí bạn. Một khi tâm trí đã kết thúc, bạn bị bỏ lại trong tính một mình toàn bộ. Tính một mình là sự hoàn thành lên chính mình. Người ta là đủ, người ta là cả vũ trụ. Cho nên bất kì cái gì từ điển nói đều tuyệt đối sai. Họ làm cho tính một mình và sự cô đơn thành đồng nghĩa – điều đó không đúng.

Có những vị thầy mà tính một mình của họ huy hoàng rạng ngời tới mức mọi người kéo tới ông ấy theo ý riêng của họ, hướng tới im lặng lớn lao này, cái đẹp mênh mông này của chân lý.

Người này đã về tới nhà: chỉ với sự hiện diện của ông ấy, bạn có thể tìm thấy con đường của bạn nữa. Ông ấy không định cho bạn con đường, nhưng trong sự hiện diện của ông ấy nhiều thứ thành có thể. Một điều là bạn sẽ trở nên chắc chắn rằng kinh nghiệm về chứng ngộ không phải là tưởng tượng của nhà thơ, hay hệ thống triết lý của các triết gia. Nó là việc nhận ra đích thực. Bạn có thể cảm thấy nó, bạn có thể thấy trái tim bạn đang nhảy múa với niềm vui. Toàn thể cuộc sống của bạn gần như tung cánh. Những vị thầy như Isan – Quy Sơn Linh Hựu chỉ đơn giản tung cánh lên trời xanh, hấp dẫn những người đã quên mất đôi cánh của mình: khêu gợi, thách thức những người đã quên bầu trời của mình, tự do của mình. Thế rồi ông ấy biến mất vào bầu trời xa xăm, vào màu xanh thẳm, không để lại dấu chấn nào mà chỉ để lại thôi thúc vô cùng để đi tới những chiều hướng nơi bạn không còn nữa.

Hiện hữu của bạn không còn nữa – là việc hiểu tối thượng về chân lý.

Bạn là rào chắn, bạn là vấn đề. Bạn là vấn đề duy nhất. Khi bạn tan chảy ra, cái gì đó trong bạn vốn là vĩnh hằng, cái không thể gọi là cái ta của bạn, cái gì đó trong bạn mà thuộc vào toàn thể vũ trụ, bắt đầu xuất hiện. Cái bạn hay gọi là cái ta của mình chỉ là bụi bặm.

Người ta nói rằng có những người liên tục lặp lại mãi cùng hành động ngu xuẩn, mà chẳng bao giờ học được gì. Đó là lý do tại sao lịch sử liên tục lặp lại. Đó là vì những kẻ ngốc: bằng không thì chẳng có lý do gì cho lịch sử phải lặp lại. Nó bao giờ cũng sẽ đem bình minh mới tới – không cũ rích, không mục nát, không cuối đời, không kết thúc. Nhưng lịch sử phải lặp lại bởi vì những kẻ ngốc liên tục tự lặp lại họ, và họ là những kẻ làm ra lịch sử. Chính người không thông minh tạo ra những khả năng làm cho lịch sử lặp lại.

Câu nói này là ở chỗ người không thông minh sẽ không học được gì từ những sai lầm của mình, còn người thông minh thậm chí có thể học từ sai lầm của người khác. Và người có thể học từ sai lầm của người khác là những người có tiềm năng rất lớn.

Bản tính Phật của mỗi người chúng ta.

Phật là bản tính của bạn nên bạn không thể tu tập nó được. Bạn không thể trau dồi được chứng ngộ nếu bạn không đạt tới nó. Cho nên trước hết, đạt tới nó, điều này có vẻ kì lạ nhưng trước hết hãy đạt tới những thoáng nhìn và rồi bảo vệ nó, trau dồi nó, đi sâu hơn vào nó, tìm nhiều gốc rễ hơn cho nó. Thế rồi thu xếp sao cho quá khứ không vượt bạn, bởi vì sức nặng của cái cũ là rất lớn còn cái mới bao giờ cũng mảnh mai. Công việc mới bắt đầu khi bạn đã trở nên chứng ngộ. Tất cả mọi việc bạn đã làm trước chứng ngộ có vẻ như nỗ lực rất tí hon.

Nỗ lực lớn bắt đầu bằng thoáng nhìn đầu tiên của bạn về chứng ngộ. Bạn có thể rơi khỏi nó – toàn thể quá khứ sẽ kéo bạn lùi lại, toàn thể quá khứ sẽ nói với bạn rằng đây chỉ là tưởng tượng.

Bạn phải rất tỉnh táo. Quá khứ là kẻ thù của bạn và cái mầm non nớt này, đoá hoa mới này nhỏ bé thế và mong manh thế, nhưng đẹp thế – nếu bạn có thể xoay xở bảo vệ được nó, chẳng mấy chốc nó sẽ trở thành cãi vĩnh hằng của bạn. Chẳng mấy chốc nó sẽ trở thành bản tính của bạn. Thế thì không có nỗ lực.

Khi các thiền sư nói “vô nỗ lực” họ đang nói tới trạng thái khi chứng ngộ của bạn được bắt rễ chắn chắn. Bây giờ không cần nỗ lực gì cả. Bây giờ bạn có thể thảnh thơi và thoải mái, nó sẽ phát triển theo cách riêng của nó. Nó sẽ đem tới nhiều tán lá và nhiều hoa và nhiều phúc lành.

Suối pháp chưa bao giờ cạn. Nó bao giờ cũng sẵn có đấy, chỉ là bạn không sẵn sàng. Toàn bộ trách nhiệm thuộc về bạn. Sự tồn tại ưu ái cho chư phật luôn nhiều như bao giờ cũng vậy, nhưng bạn thậm chí chẳng nhìn đến nó.

Đại dương của suối pháp bao giờ cũng sẵn sàng hấp thu bạn, nó bao giờ cũng có chỗ cho bạn, bạn bao giờ cũng được đón chào. Không ai đã từng bị bản tính pháp loại bỏ cả. Cho dù chỉ một giọt nước rơi ra, nó cũng lan toả vào khắp đại dương, xa và sâu.

Với tâm thức cởi mở, tất cả chư phật đều có sẵn ngay chính khoảnh khắc này để mở hội với bạn, để đưa bạn vào không gian mới mà bạn đã lẩn tránh từ hàng thế kỉ. Nhưng điều đó không tạo ra dấu chân. Nó ở bên ngoài khả năng của chim để làm ra dấu chân trên trời.

Thế giới bên trong cũng gần như bầu trời vậy. Và người đã đi vào thế giới bên trong không thể để lại dấu chân được. Điều đó chỉ để nói lên rằng bạn không thể đi theo họ được từ bên ngoài, qua lời của họ, qua kinh sách của họ. Bạn phải đi vào bên trong bản thân bạn, và bỗng nhiên bạn sẽ ngạc nhiên rằng bạn đã biến mất và phật đã xuất hiện. Bạn không theo dấu chân của phật – ông ấy không thể làm ra dấu chân nào. Trong bầu trời bạn không thể viết được gì.

Tất cả mọi kinh sách và tất cả mọi tôn giáo lớn đều lừa phỉnh và khai thác quần chúng. Người ta phải đi vào bên trong và tất cả các tôn giáo đều hỗ trợ cho bạn đi ra ngoài – hướng tới Jesus, tới Moses, tới Mohammed, tới Phật, nhưng đi ra ngoài. Tuân theo giáo huấn của họ, tuân theo lời răn của họ là điều Phật gọi là đi lạc lối.

Không Phật nào có thể để lại bất kì dấu chân nào, vậy làm sao bạn có thể theo được ông ấy? Đi theo đơn giản là không thể được. Bạn chỉ có thể đi vào bên trong bản thân bạn. Bạn có thể hiểu phật sống, bạn có thể hấp thu năng lượng của ông ấy. Bạn có thể nghe bài ca của ông ấy, bạn có thể hiểu im lặng của ông ấy, bạn có thể được tràn đầy bởi sự hiện diện của ông ấy – nhưng điều này không phải là đi theo. Điều này đơn giản là giả kim thuật của việc ở cùng thầy. Bạn có thể đơn giản biến mất trong sự im lặng của thầy. Nhưng bạn không đi theo dấu chân, bạn đang đi vào bên trong mình, bạn có con đường riêng của mình từ chu vi vào trung tâm.

Trau dồi và chứng ngộ

Một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với bất cứ người tìm kiếm nào là hiểu phân biệt rõ ràng giữa trau dồi và chứng ngộ. Bạn có thể trau dồi chứng ngộ nhưng nó chỉ là giả. Bạn có thể tin vào nó, nhưng niềm tin của bạn không thể làm cho nó đúng được. Cho dù cả xã hội có hỗ trợ cho nó, điều đó cũng chẳng thành vấn đề.

Chân lý không cần hỗ trợ, tự nó phải là rõ ràng. Và làm sao bạn có thể trau dồi chứng ngộ nếu bạn không biết nó? Bạn sẽ chỉ đơn giản bắt chước người chứng ngộ khác. Dù người đó có cố gắng vất vả đến đâu để trau dồi, bắt chước mọi người vẫn không là cách đúng. Nó vẫn sẽ là hành động của tâm trí, và chắc chắn chứng ngộ không phải là hành động của tâm trí. Cho nên không ai có thể trau dồi chứng ngộ được.

Nhưng sau chứng ngộ…

Chứng ngộ xảy ra bất thần. Bạn có thể theo một phương thức mà chẳng có gì đảm bảo rằng nó sẽ dẫn tới chứng ngộ. Nhưng nếu bạn có một thầy sống ở cùng mình, quan sát từng bước nơi bạn đi, đỡ bạn bằng một tay của thầy, như nhà huyền môn Ấn Độ – Gora hay nói… Gora là thợ gốm, một người nghèo nhưng ông ấy đã tới cùng đỉnh cao như Phật Gautam. Ngôn ngữ của ông ấy, tất nhiên là của thợ gốm. Nhưng đôi khi ngôn ngữ thô sơ của thợ dân làng có thể diễn đạt được mọi thứ mà ngôn ngữ rất phức tạp lại không thể diễn đạt nổi.

Gora nói rằng thầy phải dùng cả hai tay mình, như thợ gốm vậy. Thợ gốm đập bùn theo cách ông ấy biến bùn thành chiếc bình từ phía bên ngoài bằng tay này và từ phía bên trong bằng tay kia. Cái đập của ông ấy, hỗ trợ của ông ấy, dần dần tạo ra chiếc bình.

Thầy phải dùng mọi cách có thể để đem bạn tới điểm nơi chứng ngộ là có thể. Chỉ chút ít thúc đẩy – hoặc do hoàn cảnh hoặc do thầy, hoặc bởi bản thân đệ tử – chỉ việc quay vào chút ít thôi. Một bước, và thế giới cũ biến mất và bạn đã đi vào trong bầu trời mới.

Điều này rất bất thần, bởi vì bạn không chuẩn bị cho nó – mặc dầu với thầy điều đó là không bất thần. Thầy đã chuẩn bị cho nó từ mọi phương có thể. Đánh bạn, quát bạn, kính trọng bạn – theo mọi cách có thể thầy đang đưa bạn tới bờ vực để từ đó bạn cần lấy thêm một bước nữa thôi. Bước đó chỉ bạn mới có thể làm. Thầy có thể đem bạn tới bờ vực đó.

Khác biệt của nhà huyền môn và một vị thầy

Điều đó cần thầy giỏi nói. Không thầy thường nào có thể làm được điều đó. Do đó có nhiều nhà huyền môn nhưng rất ít thầy. Là nhà huyền môn đã khó trong bản thân việc đó. Nhưng đem thông điệp tới ai đó khác hay biến đổi tâm thức của ai đó khác hướng theo kinh nghiệm huyền môn, người ta cần có nhiều phẩm chất – cách nói giỏi để tạo khuyến khích cho khao khát của bạn, cách tiếp cận hợp lý, kể cả làm ra điều phi lí mà ít nhất cũng có vẻ có lý, để thậm chí biến điều ngớ ngẩn thành giải thích hay. Và biến hoá các phương thức, cách thiền, theo cách phương khác nhau của sự hiện hữu của bạn – người ta chẳng bao giờ biết được từ phương nào, từ bắc sang tây, đông sang nam, bạn là mong manh nhất. Nhưng thầy dần dần, dễ dàng trở nên nhận biết bạn mong manh nhất ở phương nào. Thế là phương đó phải bị đánh mạnh nhất có thể được. Bởi vì móc xích yếu nhất trong dây chuyền của bạn sẽ lộ trước hết.

Giải thoát của bạn, chứng ngộ của bạn là công trình nghệ thuật vô biên. Đối với thầy, nó là quá trình, gần như giả kim thuật kì diệu. Nhưng đối với bạn, chứng ngộ xảy ra bất thần. Thầy chuẩn bị cho bạn từng bước nhưng chỉ thầy mới biết, bạn không biết. Với bạn, cánh cửa đột nhiên mở ra. Thầy không bao giờ cho bạn biết rằng bạn đã tới cánh cửa. Thầy đợi đến đúng khoảnh khắc: khi bạn sẽ tuyệt đối im lặng, hoàn toàn trống rỗng, mùa vụ tới theo cách riêng của nó. Và khi bạn đã chín muồi, cánh cửa sẵn sàng mở ra cho bạn. Nhưng điều đó bao giờ cũng làm cho bạn ngạc nhiên, không làm cho thầy ngạc nhiên dù thầy đã chuẩn bị trong nhiều năm theo nhiều cách khác nhau, đem bạn tới điểm bạn có thể biến mất và bay hơi.

Sau chứng ngộ bất thần, việc trau dồi nào đó là cần thiết bởi vì sự bất thần có thể trở thành thoáng nhìn. Việc buồn ngủ của bạn sâu thế, vô ý thức của bạn bao la tới mức một thoáng nhìn bất thần, một tia chớp… và rồi mây đen lại chiếm lĩnh. Khoảnh khắc đẹp đẽ đó sẽ chỉ được bạn nhớ lại. Thậm chí bạn sẽ bắt đầu hoài nghi nó là thực đã xảy ra hay chỉ là bạn tưởng tượng? Nó là thực hay là mơ? Nhưng kể cả khi bạn nghi ngờ, cái ngọt ngào của nó sẽ còn lại với bạn. Hương thơm của nó sẽ vẫn còn với bạn.

Việc trau dồi sau chứng ngộ đơn giản nghĩa là tránh bất kì tình huống nào có thể phá huỷ thoáng nhìn của bạn. Bạn phải rót toàn bộ năng lượng của mình vào thoáng nhìn này để làm cho nó ngày một chân thực hơn, ngày một bắt rễ sâu hơn vào trong bạn, để cho nó trở thành chân lý không thể hoài nghi được. Không đám mây nào có thể phá huỷ được nó và không buồn ngủ nào, không quán tính nào có thể lấy nó đi khỏi bạn.

Có nhiều loại thói quen, vài loại có thể vứt bỏ được, nhưng vài thói quen được bắt rễ rất sâu và vẫn còn dốt nát, vô ý thức là một thói quen rất dài, dài hàng triệu năm. Nếu bạn cho phép nó dù chỉ một khoảnh khắc, nó sẽ chiếm lĩnh bạn.

Chứng ngộ là hiện tượng rất mới và có mọi thứ chống lại nó: toàn bộ tâm trí cũ của bạn, vô thức của bạn, xu hướng quên lãng của bạn. Chứng ngộ, đầu tiên nó đến như một thoáng nhìn, phải được bảo vệ khỏi mọi thói quen khổ của bạn, những hình mẫu cư xử cũ, những cách làm vô ý thức với mọi thứ như máy. Đây là nghĩa của việc trau dồi. Bạn đang tranh đấu chống lại quá khứ rất dài đã chỉ biết tới đêm tối, thậm chí không có sao. Và bỗng nhiên bạn đã đi tới có một thoáng nhìn về bình minh, và nghe bài ca của chim chóc, và ngủi hương thơm của hoa nở. Ngay chỗ đầu tiên, bạn không thể tin được rằng điều này có thể đúng – có lẽ bạn đang mơ. Toàn thể kinh nghiệm của bạn là về đêm tối, bạn chưa từng nghĩ rằng đêm tối này có thể chấm dứt. Nó dường như ngày một đen tối hơn và đen tối hơn nữa. Bạn chưa bao giờ hiểu logic này rằng đêm càng trở nên tối hơn thì mình minh càng tới gần hơn. Nhưng bình minh là điều không thể tin được khi nó tới lần đầu tiên.

Bình minh này không phải là thứ bên ngoài bạn. Tất cả mọi hình mẫu, những thói quen cũ của bạn đều ở bên trong. Chúng sẽ cố gắng phá huỷ cái bên trong mới đang phát triển, mong manh, còn thói quen cũ của bạn như đá tảng cứng và nặng. Cuộc tranh đấu giữa hoa hồng và tảng đá. Vấn đề khó là bảo vệ hoa hồng chống lại mọi tảng đá mà bạn đã phát triển trong quá khứ.

Trải nghiệm thoáng nhìn đầu tiên không phải là rất khó. Cái khó thực bắt đầu sau thoáng nhìn này: làm sao giữ được nó. Làm sao làm cho nó đúng, bắt rễ sâu và mạnh tới mức không cái gì là có thể phá huỷ được nó, tới mức không hoài nghi nào có thể nảy sinh về nó, tới mức chân lý của nó trở thành hiển nhiên thế. Bạn phải sống nó, đó là cách duy nhất để trau dồi nó.

Bạn đã trau dồi các thói quan của mình như thế nào? Chỉ bằng việc sống chúng thôi. Nếu bạn chưa sống với một thói quen nào đó, bạn không thể thấy được tại sao ai đó khác không thể bỏ được nó. Người ta cần phải có dũng cảm để cắt bỏ thói quen cũ bằng lưỡi kiếm, chỉ trong một nhát cắt. Dù cho triệu chứng cai nghiện có là bất cứ gì thì thà chịu đựng chúng trong hai hay ba tuần còn tốt hơn là bị thói quen của bạn đánh bại.

Người không phải là chủ thói quen của mình thì không thể vẫn còn chứng ngộ được. Cho dù người đó có đủ may mắn để có thoáng nhìn, thoáng nhìn đó sẽ làm cho người đó thậm chí còn khổ hơn, bởi vì bây giờ người đó biết cái gì là có thể. Bây giờ người đó biết mình có thể tới đâu, bây giờ người đó biết tiềm năng của mình là gì. Nhưng người đó phải sống trong bóng tối của những thói quen cũ và người đó không thể thoát ra khỏi những mẫu hình này.

Trau dồi là cách duy nhất. Đừng coi chứng ngộ chỉ là kinh nghiệm bên trong. Lúc ban đầu nó là kinh nghiệm bên trong – rồi dần dần đem nó vào cuộc sống bên ngoài của bạn. Đó là điều tôi đã bảo các bạn mọi ngày, rằng bất cứ khi nào các bạn trải nghiệm, đừng nghĩ công việc này là kết thúc. Kinh nghiệm xảy ra trong thiền phải hiện diện trong mọi chuyện hàng ngày của bạn.

Dù bạn là người nội trợ nấu ăn hay làm việc trong văn phòng, cửa hiệu. Bất kì loại cuộc sống nào mà bạn đang sống, thiền của bạn phải duy trì tỉnh táo trong mọi hoạt động. Đây là điều trau dồi nghĩa là gì. Bạn càng sống nó nhiều, nó càng trở thành kinh nghiệm bình thường, bạn càng sống nó nhiều, càng ít khả năng nó bị lấy đi bởi thói quen cũ. Chúng sẽ tới như trận lụt, nhưng bạn phải nhớ một điều: rằng ngọn lửa nhỏ của cây nến là đủ để phá đi bóng tối của hàng triệu năm. Bóng tối không thể nói với cây nến “ngươi quá nhỏ bé, đừng ngu thế. Ngươi định tranh đấu chống lại bóng tối đã kéo dài hàng triệu năm sao? Ngươi có điên không đấy?”

Không có loại đối thoại đó xảy ra đâu. Ngọn lửa nhỏ này và bóng tối biến mất, dù cổ lỗ bao nhiêu. Thoáng nhìn của bạn về chứng ngộ đầu tiên – ở Nhật họ gọi nó là satori – là rất mạnh. Nó có thể mong manh, nó có thể mới, sẽ khó bảo vệ nó nhưng nó sẽ chiếm lĩnh toàn thể bản thể bạn. Satori đang trở thành samadhi – tam muội.

Satori là thoáng nhìn đầu tiên về tam muội, và tam muội là khi toàn thể bản thể bạn đều bốc cháy. Bạn không phải nhó, bạn là nó. Nhưng điều này là có thể chỉ nếu bạn trau dồi nó trong tất cả mọi việc hàng ngày của mình.

Việc trau dồi này là cần thiết bởi vì quán tính của thói quen hàng triệu năm là rất mạnh mẽ.

Tâm trí của thiền nhân

Bất kì điều gì bạn thấy bên trong, trước hết bạn phải làm cho nó thành một phần của lý trí của bạn. Cho nên việc trau dồi đầu tiên là đem nó lại gần với tâm trí hơn. Đầu tiên bạn phải làm mọi nỗ lực để đi xa khỏi tâm trí – bây giờ bạn đem chứng ngộ của mình lại gần hơn với tâm trí. Làm cho nó thành chấp nhận được bởi tâm trí để tâm trí trở thành bạn bè thay vì kẻ thù trong cuộc tranh đấu lâu dài giữa quán tính và chứng ngộ của bạn. Bây giờ, làm tâm trí thành đồng minh của bạn.

Cho tâm trí thấy rằng cách sống mới của chứng ngộ là tốt hơn cách sống cũ của vô thức nhiều lắm, trong tình yêu, tình bạn, trong cuộc sống thường ngày. Tâm trí sẽ nhận ra và chẳng mấy chốc sẽ chấp nhận đó là cách sống tốt hơn. Một khi tâm trí chấp nhận chứng ngộ là cách sống tốt hơn, bạn đã tiêu diệt được kẻ thù lớn nhất rồi. Thế thì tâm trí bắt đầu dùng sáng suốt của chứng ngộ và sẵn lòng tự thay đổi mình. Một khi tâm trí được thuyết phục rằng  chứng ngộ cho bạn cuộc sống tốt hơn, cuộc sống tinh tế hơn, duyên dáng hơn, phúc lạc hơn… rằng nó thay đổi mọi thứ, rằng nó làm cho cái chạm của bạn thành cái chạm vàng, rằng bất kì cái gì bạn chạm vào cũng đều thành vàng… tâm trí đủ thông minh để thấy, và để chọn cái gì tốt hơn: cuộc sống vô ý thức cũ hay cuộc sống có ý thức mới?

Một khi tâm trí trở thành bạn, nó sẽ đem ngày càng nhiều chứng ngộ hơn vào trong vận hành của nó, điều này sẽ trở thành công việc riêng của nó.

Một khi tâm trí đã là bạn bè với chứng ngộ, vinh quang và huy hoàng của chứng ngộ sẽ phản chiếu vào tâm trí nữa – thông minh của bạn sẽ phát triển. Mọi thứ trong bạn sẽ bắt đầu đi tới điểm cao hơn. Một khi sự đồng bộ này xảy ra, thế thì tâm trí biết cách đáp ứng một cách trực giác với bất cứ hoàn cảnh nào tương ứng theo chứng ngộ. Bạn sẽ không phải làm nỗ lực gì. Cuộc sống của bạn trở thành ngày một đơn giản hơn.

Nếu bạn chứng ngộ thế thì không có nhị nguyên của thế giới này và thế giới nọ, của thế giới thấp và thế giới cao, của thế giới vật chất và thế giới thiêng liêng. Trong khoảnh khắc của chứng ngộ hoàn hảo, không còn chút bụi nào đọng lại, tấm gương trở nên sạch thế, nó phản chiếu trong tính toàn bộ. Bạn trở thành chân lý, bạn trở thành cái đẹp, bạn trở thành điều thiêng liêng. Bạn mất đi cái ta nhỏ bé của mình vào trong cái ta đại dương, vào trong cái ta vũ trụ.

Thân thể có trí huệ riêng của nó – thứ chúng ta gọi là bản năng. Bạn nên kính trọng trí huệ lớn lao này. Linh hồn của bạn cũng có trí huệ riêng của nó – được gọi là trực giác. Tâm trí bạn là thứ vay mượn, nó không giống như bản năng hay trực giác. Nó chỉ là cái máy liên tục tích trữ đủ mọi loại thông tin. Nhưng nó có quyền năng vô cùng lên bạn bởi vì nó có mọi cái bạn biết. Nếu nó bị xoá đi, bạn sẽ đơn giản câm, chẳng biết mình là ai, mình đang đi đâu, để làm gì? Công chuyện là gì?

Tâm trí vận hành theo tri thức mà nó thu nhặt được. Thân thể vận hành theo tự nhiên và tâm thức cũng vận hành theo tự nhiên. Tâm trí là thứ ở giữa hai điều này, vận hành như một cái máy tính. Xem nó như người hầu thì nó là tốt, xem nó như người chủ thì nó lại nguy hiểm. Một khi trực giác của tâm thức bắt đầu vận hành, tâm trí lập tức nhận ra ai là chủ.

Trước khi bạn chứng ngộ, tâm trí chỉ có thể tin, nó không thể thành người bạn. Nhưng niềm tin không có tác dụng nhiều. Tâm trí phải được kinh nghiệm chứng ngộ trong hoạt động, không như niềm tin mà như hoạt động. Tâm trí sẽ cố gắng kháng cự bởi vì khi bạn chứng ngộ, bạn là nhân chứng, bạn không suy nghĩ và tâm trí không là gì ngoài khả năng suy nghĩ. Nó sẽ cố kháng cự và lực của nó là rất mạnh. Nó đã làm chủ trong hàng thế kỉ rồi, nó sẽ không cho phép bạn làm chủ lâu đâu, nó sẽ cố gắng lôi kéo bạn khỏi chứng ngộ, khỏi việc chỉ là nhân chứng. Nó sẽ lôi bạn về với suy nghĩ và lại làm ngập bạn với mọi loại suy nghĩ trên đời.

Đó là lý do tại sao một thầy giỏi nói, giỏi thuyết phục có thể tạo ra những phương thức kì lạ để gạt tâm trí sang bên mà không làm cho nó thành kẻ thù, vì sớm hay muộn, khi bạn trở nên chứng ngộ, cùng tâm trí đã là kẻ thù phải được dùng như một người bạn. Nó là cái máy rất hữu ích chỉ sau khi bạn đã làm chủ.

Thiền không là gì ngoài việc gạt tâm trí sang bên, gạt tâm trí ra khỏi con đường và đem việc chứng kiến bao giờ cũng có đó nhưng ẩn kín bên dưới tâm trí hiển lộ. Một khi chứng kiến của bạn đạt tới trung tâm, thế thì không vấn đề gì. Thế thì bước tiếp theo sau khi đã làm chủ là hãy biến nó thành bạn, làm cho nó thành hài hoà với bạn. Nó là nghệ thuật lớn. Trước hết phải gạt tâm trí sang bên, thế rồi bạn phải mang nó trở lại, nhưng bây giờ nó tới như nô lệ. Nó đã quen là chủ trước đây, cho nên nếu bạn cố đem nó tới trước chứng ngộ, nó sẽ ném ra đủ loại cáu giận. Không có nhu cầu, vì những cáu giận đó sẽ cản trở tiến bộ của bạn trong việc chứng kiến. Đừng tạo ra kẻ thù.

Bắt đầu chứng kiến một cách im lặng, không tấn công trực diện vào tâm trí. Bạn phải rất cẩn thận để đạt tới trung tâm. Tâm trí sẽ cố gắng bằng đủ cách để lôi bạn đi xa vào chuyến du lịch thế giới. Nó sẽ tạo nhiều thứ, nhưng bạn phải rất đáng yêu và cẩn thận gạt nó sang bên. Nhớ lời tôi, đáng yêu và cẩn thận. Đừng làm tổn thương tâm trí, bởi vì tâm trí sẽ hữu dụng nhiều sau chứng ngộ. Trước chứng ngộ nó là cản trở của bạn, sau chứng ngộ nó là cái máy tinh tế vô cùng có thể được dùng cho mọi thứ. Chỉ người chủ phải được thức tỉnh để có thể dùng nó. Ngay bây giờ, tâm trí đang dùng bạn. Mọi người đều là nô lệ của tâm trí chừng nào người đó còn chưa chứng ngộ.

Nhận biết về sự vô nhận biết

Việc đồng nhất với thân thể, với tâm trí, với của cải, với gia đình, bạn bè đều đem bạn ra ngoài. Mọi việc đồng nhất đều đem bạn ra ngoài. Tất cả mọi sở hữu của bạn đều chỉ là thứ bên ngoài: vợ bạn, chồng bạn, con bạn, thân thể bạn – thân thể bạn là bên ngoài bạn, tâm trí bạn là bên ngoài bạn. Điều duy nhất không ở bên ngoài là việc chứng kiến. Chỉ việc quan sát thôi – đó là Phật của bạn. Đồng nhất nghĩa là mất đi việc chứng kiến, rơi vào bẫy của gắn bó. Đó là khổ của chúng ta, là tình cảnh nô lệ của chúng ta.

Có một điều nền tảng cần hiểu. Tất cả chúng ta đều nghĩ mình có nhận biết, đó là một trong những cái không nhận biết của chúng ta. Chúng ta chỉ nhận biết theo chức năng. Chúng ta Chúng ta đã học làm mọi thứ, đi ngủ, dậy sớm buổi sáng, đi làm. Mọi thứ đều được học và trở thành phản xạ. Thậm chí người máy cũng có thể làm toàn thể quá trình này. Chẳng cần tới ý thức chút nào. Đó là điều đích xác đã xảy ra cho nhân loại. Đó là nhân loại người máy. Bạn đã học mọi thứ cần thiết và trao nó cho tâm trí người máy của bạn, kẻ liên tục làm những điều nhân danh bạn. Khi trao trách nhiệm cho tâm trí, bạn đưa mình vào giấc ngủ.

Toàn bộ nỗ lực của chư Phật là để đem tâm thức của bạn ra và làm cho bạn nhận biết rõ ràng về sự phân biệt giữa tâm thức vận hành và tâm thức thuần khiết nơi không có vận hành nào cả mà chỉ phản chiếu như gương. Gương không có vận hành, nó có tiện dụng nhưng khi bạn nhìn vào gương, gương chẳng làm gì cả, chỉ phản chiếu một cách tự phát. Kể cả khi bạn không muốn gương phản chiếu, nó cứ phản chiếu, bất kể bạn muốn gì hay bạn có ở trước gương hay không.

Trăng sáng phản xạ trong hồ tĩnh lặng

Cách thiền diễn đạt điều đó là thế này: Trăng tròn chiếu sáng trong hồ. Cả trăng tròn không muốn được phản chiếu nhưng nó vẫn được phản chiếu và hồ cũng không muốn phản chiếu nó nhưng nó vẫn liên tục phản chiếu. Cả hai đều không làm bất kì công việc tích cực nào trong việc phản chiếu này. Cả hai chỉ là bản thân chúng và việc phản chiếu tới theo cách riêng của nó. Bạn làm mọi việc của bạn và chỉ trong việc làm mọi việc đó mà bạn mới có thể tách bạch tâm thức vận hành và tâm thức thuần khiết.

Việc gặp gỡ của trăng và hồ là việc gặp gỡ thiền, đương đầu thiền. Nó không đương đầu qua lời nhưng qua giao cảm trong im lặng. Không nói ra một lời là vẫn cứ là gương, gặp gỡ và phản chiếu.

Gương chưa bao giừ nói gì về việc phản chiếu, hồ cũng vậy. Trăng có thể đẹp, trăng được phản chiếu, hồ nhảy múa vui sướng. Điều tương tự với tâm thức. Tại đỉnh tối thượng của nó lời bị bỏ xa phía dưới, dường như bạn vươn cao trên những đám mây. Khoảnh khắc bạn đem bất kì lời nào vào, bạn đã làm hỏng toàn bộ cuộc trao đổi.

Thiền là giáo huấn duy nhất trên thế giới bỏ đi hoàn toàn lời, ngôn ngữ, kinh sách. Nó không tin vào cái phức tạp, vào lối nói mang tính ngôn ngữ không cần thiết. Nó trỏ thẳng vào sự kiện, thậm chí không nhận sự giúp đỡ của lời, bởi vì lời chẳng bao giờ có thể giúp gì cho bạn được.

Thực ra lời là rào chắn. Bỏ lời đi, cho phép vô lời, trạng thái vô trí, và mọi thứ trong suốt như pha lê, sạch sẽ như nó đã từng thế từ vĩnh hằng. Chỉ mắt bạn là bị vẩn đục bởi lời, tâm trí bạn đã thu thập biết bao nhiêu rác rưởi, cái bạn gọi là tính tôn gíao. Thực ra, mọi rác rưởi đều cỏ vẻ mang tính tôn giáo, và ngược lại.

Chức năng của thiền là cắt bỏ đi mọi rác rưởi này như lưỡi kiếm, chỉ trong một nhát, không ngần ngại gì và toàn thẻ bầu trời là của bạn, toàn thể sự mở rộng này là của bạn.

Thiền ngay từ đầu lấy một cách tiếp cận rất khác biệt, nhân bản hơn, mang tính tồn tại hơn, chân lí hơn. Thiền không muốn chân lí phải điều chỉnh theo nó, nó muốn bản thân nó điều chỉnh theo chân lý. Con người của Thiền sẵn sàng vứt đi mọi thứ – mọi huấn luyện của bạn, mọi kinh sách của bạn, mọi trạng thái người đó đều sẵn sàng vứt đi. Và người đó nhận biết rằng chân lý là hiện tượng lớn lao đến mức không ai có thể nói toàn bộ về nó được.

Logic của triết học là thứ rất nghèo nàn, nó chỉ cho phép nói có hoặc không. Nó đơn giản, rõ ràng dầu vậy nó chẳng chứa được chút chân lý nào. Bạn hỏi “Thượng đế có tồn tại không?” Nó nói: “CÓ” hoặc “Không”. Nhưng logic của Phật là thứ rất khác. Nếu bạn hỏi Phật câu hỏi ấy, ông ấy nói “Có”, “Không”, “Cả có và không” và “anirvachana, avyakhya – điều không thể được nói ra”. Phật không quan tâm tới triết lý nhưng quan tâm tới việc đem thật nhiều chân lý tới cho bạn từ nhiều phía nhất có thể được. Đó là lý do tại sao điểm cuối cùng bao giờ cũng là anirvachana – điều không thể được nói ra. Bạn phải đi tơi chỗ bên trong bạn nơi mà không lời nào thậm chí có thể đạt tới. Từ điểm đó bạn không thể đem ra bất kì lời giải thích nào. Bạn có thể đem tới kinh nghiệm. Bạn sẽ được biến đổi, bạn sẽ được tái sinh nhưng bạn không thể đem triết lý từ đó được. Bạn sẽ là con người mới, niềm vui mới, tiếng cười mới. Hoa mới sẽ nở trong bạn, nhưng tất cả những điều bạn có thể làm là ca hát, nhảy múa, thổi sáo. Lời là thấp nhất khi có liên quan tới cáh diễn đạt.

Ngay cả những thứ đơn giản như “màu vàng” cũng trở thành không thể định nghĩa nổi. Ai đó hỏi màu vàng là gì thì bạn định trả lời sao? Bạn định nói gì? Càng cố nói, càng chẳng mấy câu trả lời đủ tốt để được chấp nhận. Lời là bất lực. Bạn sẽ gặp vô lời khi bạn tới gần hơn với thực tại, ở trong thực tại, tiếp xúc với những gì là thực tại.

Chân lý là trạng thái của thực tại, nó là trạng thái tuyệt đối im lặng của bản thể, im lặng tới mức bạn gần như biến mất, im lặng tới mức bạn đơn giản trở thành nhận biết, vô thân thể, vô tâm trí, tất cả bị bỏ lại đằng sau. Chỉ một ngọn lửa nhỏ của nhận biết trong im lặng đẹp đẽ bao quanh bạn. Không gì có thể được nói về nó cả.

Hãy luôn nhớ, trong thức tỉnh của lời, thì im lặng được làm sâu sắc hơn. Núi càng cao, thung lũng bao quanh nó sẽ càng lớn. Có cân bằng vô cùng trong mọi thứ khi có liên quan tới tự nhiên.

Thiền tinh tuý là nỗ lực đem bạn tới ngôn ngữ của sự tồn tại mà bạn đã quên mất hoàn toàn. Bạn đã quên hoàn toàn điều quan trọng nhất và bạn bị chất đầy trong tâm trí bạn với đủ mọi loại rác rưởi. Thiền đã dùng nhiều phương pháp chưa bao giờ được biết tới trước đây. Mối bận tâm của nó là đem bạn vào giao cảm,  vào cân bằng với thực tại bao quanh bạn.

Tâm trí là rào chắn. Nó tách biệt bạn khỏi mọi thứ. Nó đưa bạn ra khỏi chính trung tâm của bản thể bạn. Tâm trí không quan tâm chút nào tới việc thám hiểm bên trong. Nó tuyệt đối tham gia vào thế giới bên ngoài với những đối thể.

Chết để tái sinh và bất tử

Cái chết của một người chỉ ra cách người đó đã sống, liệu người đó đã sống hết hay chưa. Bạn có thể tin rằng bạn đang sống, nhưng đừng chắc chắn thế. Cũng như mọi người trong nhà thương điên đều tuyệt đối tin rằng mình không điên. Họ không hiểu tại sao mọi người lại coi là mình điên và dần dà đi tới kết luận rằng cả thế giới mới là điên.

Chết là tiêu chuẩn trong truyền thống của thiền. Cách một người chết chứng tỏ liệu người đó đã sống hay không. Chỉ người sống mới có thể chết, bạn không thể đảm đương được việc chết nếu bạn chưa sống. Trong thiền, chết là tiêu chuẩn. Nếu bạn có thể chết một cách duyên dáng, phúc lạc, gần như nhảy múa, điều đó chứng tỏ rằng bạn đã sống và đã sống sâu sắc tới mức bạn biết rằng chết chỉ là việc đổi sang một căn nhà mới.

Thiền không phải là Phật giáo cũng không phải là Đạo giáo, nó là thứ lai.

Khi Bồ Đề Đạt Ma vĩ đại gặp các thầy của Đạo giáo ở Trung Quốc, cuộc gặp gỡ và đối thoại của họ đã tạo ra cái gì đó mới, vừa mang hương vị của Phật giáo trong nó nhưng không phụ thuộc vào kinh sách Phật giáo; vừa mang hương vị của Đạo giáo trong nó nhưng cũng không phụ thuộc vào truyền thống Đạo giáo. Nó độc lập với cả hai bố mẹ.

Vì tất cả mọi vật lai đều tốt hơn bố mẹ – ngay cả trong hệ thống triết học, cách thức thượng đế học, thiền đều vận hành theo cùng cách thức như quả cây, như con vật, như con người – giống lai theo bản tính của chính nó nhận cái tốt nhất của cả bố mẹ và bỏ đi những gì không bản chất.

Vĩ đại và chiều cao của Thiền là vì nó đã bỏ tất cả những cái không bản chất của Phật giáo và tất cả nhưng cái không bản chất của Đạo giáo. Hai đỉnh cao này đã hội nhập thành một đỉnh cao hơn, mang theo hương vị từ cả hai, đó là Thiền.

Việc tổng hợp các hương vị làm cho nó thành hiện tượng hoàn toàn mới. Do đó các Phật tử truyền thống lẫn Đạo tử truyền thống đều sẽ không coi Thiền như một phần của hệ thống của họ. Điều ày trở thành một cơ hội lớn để nổi dậy chống lại mọi truyền thống. Thiền là sự nổi dậy thuần khiết.

Nó lấy đi của bạn mọi rác rưởi, dù rác rưởi đó mang tính vật chất hay tính tâm linh. Tham muốn là một loại rác rưởi đầu độc bạn, bất kể tham muốn bạc tiền hay tham muốn giải thoát. Bản ngã, đạo đức, kinh sách cũng là những dạng rác khác, nó không làm sạch bạn chút nào. Thiền là nỗ lực làm sạch bạn khỏi mọi điều bạn đã biết, đã học, đã tin để đưa bạn về trạng thái trống rỗng thuần khiết, trạng thái trong veo tinh tuyền. Thiền là sự nổi dậy, nó dành cho mọi người nhưng đặc biệt cho những người mang tinh thần nổi dậy. Nổi dậy không phải việc dễ dàng. Bạn cần có nguồn lực vô cùng bên trong mình và cả sự thông minh, tỉnh táo, kiên trì, nhẫn nại… đều cần thiết. Nếu không thì việc nổi dậy của bạn là vô tích sự.

Truyền thống mang theo chiều sâu nào đó, sự giàu có nào đó. Lịch sử mang theo những bài học… Người nổi dậy không phải là người phủ nhận sạch trơn truyền thống hay quá khứ nhưng phải là người học được từ chúng những cái tinh tuý, cải tiến những cái bản chất và bỏ đi mọi sự thừa thãi. Mang cái tinh tuý đó làm bàn đạp và nền tảng để tạo ra những cái mới, cuộc sống mới, thế giới mới và nhân loại mới. Đó là công việc của những người nổi dậy.

Người nào mang tinh thần nổi dậy mà không cùng với tinh thần thiền, sự nổi dậy ấy là vô tích sự.

Bạn đã chết và đã được sinh biết bao nhiêu lần. Vòng quay cứ thế lặp lại: sinh, hôn nhân, công việc, khổ, chết rồi lại sinh. Mọi sự cứ lặp đi lặp lại. Bạn đã chẳng thu được gì mang tính bất tử hay mới mẻ cả. Bạn chỉ là một diễn viên trong một vở kịch. Màn vén lên và màn hạ xuống, nó cứ diễn ra mãi. Công việc của Phật là cố gắng để lôi bạn ra khỏi bánh xe này, cho bạn thấy sự vô nghĩa của màn kịch này, để đánh thức bạn, kéo bạn ra khỏi bánh xe sinh tử. Điều vô cùng tốt là bạn không nhớ các kiếp quá khứ của mình, bằng không bạn sẽ điên ngay lập tức, bởi vì bạn đã làm tất cả những điều này biết bao nhiêu lần đến mức bạn sẽ không thể tin mình là người ngu ngốc thế, cổ đại và ngốc nghếch. Bạn sẽ không thể tin việc mình đã không học được một chút gì sau hàng triệu lần sinh và tử. Công việc của Phật là giúp bạn thoát ra cái vòng luẩn quẩn này.

Toàn bộ chức năng của thầy là làm cho bạn nhận biết về khao khát của riêng bạn, về mong mỏi của riêng bạn, về ước ao riêng của bạn mà bạn đã từng lẩn tránh đối diện.

Toàn bộ nỗ lực của thầy đích xác là làm cho bạn khao khát, thèm muốn đạt tới bản thể riêng của mình – bởi vì chừng nào bạn còn chưa đạt tới bản thể riêng của mình thì bạn sẽ vẫn còn mù, và bạn sẽ vẫn còn trong bóng tối. Bạn sẽ chịu đựng sinh và bạn sẽ phải chịu đựng tử, và bạn sẽ chịu đủ mọi điều xảy ra ở giữa hai điều này.

Để đưa các bạn vượt ra ngoài đau khổ, để cho phép bạn có tự do của toàn thể bầu trời… để tạo ra sự khẩn thiết mãnh liệt, để cho bạn có thể tập hợp tất cả sức mạnh của mình vào khoảnh khắc này.

Khi bạn đã tìm ra thầy, bạn có thể ở lại, bạn có thể ra đi, nhưng thầy đã định cư trong tim bạn. Những người cứ đi tìm mãi đơn giản nghĩa là họ chưa tìm thấy người làm cho trái tim họ nhảy múa. Họ chưa tâm đầu ý hợp với ai đó. Họ còn chưa tìm ra con đường của sự hiện diện, người nhận chìm bạn bằng tình yêu và niềm vui, từ bi và ánh sáng, cuộc sống và tiếng cười, cái đẹp và chân lý, và tất cả những điều là thiêng liêng trong sự tồn tại.

Nhớ, để không bỏ lỡ thầy thực, bạn phải tuyệt đối cảm nhận, hoàn toàn cởi mở, không cánh cửa nào đóng lại, không cửa sổ nào đóng lại. Làn gió mát tới cùng hương thơm, sự mát mẻ của nó. Hương thơm của nó bao giờ cũng sẵn có, chỉ mỗi cửa của bạn đóng mà thôi.

Cho nên nếu bạn không tìm thấy thầy, đừng nghĩ rằng không có thầy. Thứ nhất, bắt đầu xem bạn có khả năng nhận ra thầy không? Trái tim bạn có cởi mở không? Tâm trí bạn có đang nặng gánh với nhiều loại định kiến không?

Tất cả các tôn giáo của bạn là gì ngoại trừ các định kiến? Không người thông minh nào có thể phụ thuộc vào sự ngẫu nhiên của việc sinh và những áp đặt của nó. Bạn sinh ra trong gia đình Hindu hay Hồi giáo, điều đó không làm bạn thành Hindu và Hồi giáo. Một việc lớn lao như tôn giáo không thể bị bỏ treo theo một hiện tượng ngẫu nhiên của việc sinh. Bạn phải chọn nó. Bạn phải tìm thấy nó. Mọi người đều phải đi vào tìm kiếm sâu hơn.

Đạt tới trung tâm của bạn không phải là cái gì đó có thể bị trì hoãn. Mọi thứ khác đều có thể hoãn lại, trừ việc bạn đi vào trung tâm của mình, bởi vì đó là chính chủ đích của cuộc sống. Đó là mục đích duy nhất xứng đáng cho bất kì cái gì. Nó là cội nguồn của bạn, cho nên nếu bạn nỗ lực mãnh liệt vì nó, bạn nhất định tìm thấy nó.

Không ai có thể bỏ lỡ việc là Phật, người ta chỉ có thể trì hoãn. Bạn có thể trì hoãn đến mai, đến kiếp sau – nhưng sớm hay muộn, thế kỉ này hay thế kỉ khác, chung cuộc bạn không thể tránh được việc đi tới tiếp xúc với bản tính riêng của mình. Vậy sao không làm nó bây giờ đi?

Nếu bạn có thể ném đi mọi thứ tới từ bên ngoài, trái tim bạn trống rỗng, bản thể trống rỗng của bạn là kho báu vĩ đại nhất, cái đem lại cứu rỗi cho bạn. Những tiếng cười sẽ giúp bạn nhẹ người, chúng giúp làm cho việc thiền trở thành trò đùa vui vẻ, không nghiêm chỉnh. Tất cả các tôn giáo hàng thế kỉ đã làm thiền thành việc nghiêm chỉnh lớn lao. Đó là một bất hạnh, bởi vì không ai muốn nghiêm chỉnh cả. Cuộc sống làm cho mọi người thành nghiêm chỉnh đủ rồi và trên đỉnh của nó, không ai muốn lâm vào rắc rối nghiêm trọng nào nữa.

Nhưng thiền là không nghiêm chỉnh, nó là một trong những điều dễ nhất, im lặng nhất… việc nhảy múa hướng tới bản thể bạn, tìm ra kho báu bên trong. Không cần phải nghiêm chỉnh về nó. Nó có đó – chỉ đi vào bên trong chút ít, thực ra chỉ một bước và bạn đã về tới nhà.

Chứng ngộ là bản tính bên trong của bạn, không phải là thành tích bên ngoài để mà đạt được. Bạn không cần đi đâu cả, bạn chỉ phải ở đây và đào sâu.

Khi bạn vượt ra ngoài cái sọ mình, vượt ra ngoài xương mình, thân thể mình, bạn tìm thấy cội nguồn cuộc sống nơi cuộc sống đang lan tới thân thể và tâm trí bạn, ngay lập tức bạn đã tìm ra sự tồn tại của vũ trụ vĩnh hằng. Dòng sông cuộc sống nhỏ bé của bạn bắt nguồn từ đại dương lớn bao quanh bạn khắp mọi nơi. Cũng là cùng đại dương đó đang nuôi dưỡng cho cây cối, cũng là cùng đại dương đó đang nuôi dưỡng cho chim muông, cũng là cùng đại dương đó đang nuôi dưỡng cho tất cả mọi sự sống.

Con người là con vật được phúc lành nhiều nhất trên thế giới, theo nghĩa con người không chỉ có khả năng sống, con người còn có khả năng ý thức, không chỉ khả năng có ý thức mà còn có khả năng trở nên hoàn toàn có ý thức. Tâm thức toàn bộ này cho bạn tự do, giải thoát, và phúc lạc mà bạn vẫn đang tìm kiếm trong những thứ nhỏ bé và trần tục, nơi không có nó.

Khi người ta nói rằng ai đó đã trở nên chứng ngộ, điều đó đơn giản nghĩa là người đó đã tìm ra cội nguồn của cuộc sống của mình và tâm thức của mình. Nhưng bởi việc tìm ra cội nguồn cuộc sống và tâm thức của mình, bạn đã tìm ra cội nguồn của mọi sự sống và mọi tâm thức. Bằng việc trở thành Phật bạn đã trở thành một với mọi chư phật. Không còn tách biệt nào về thân thể, không còn tách biệt nào về thời gian và không gian.

Khi tôi nói về các chư phật này, tôi không nói như một học giả, tôi nói như kinh nghiệm của chính mình: Phật Gautama, Mã Tổ, Bách Trượng Huệ Hải, Quy Sơn Linh Hựu, Ngưỡng Sơn Huệ Tịch… Tên người là khác nhưng không có kinh nghiệm khác, nó là cùng một đại dương. Tại bất kì đâu bạn nếm nó, nó đều mang vị mặn.

Ở cùng thầy hay không cùng thầy, công việc của bạn cũng là như nhau, bạn phải tan biến bản thân bạn. Thầy tạo cho bạn môi trường hoặc bạn phải tự tạo môi trường cho mình. Thầy cho bạn khao khát hay tự bản thân bạn phải tạo ra khao khát. Nhưng công việc là như nhau: làm bản thân mình tan biến, trở thành hoàn toàn trống rỗng, không ham muốn nào và khoảnh khắc phúc lành có thể xảy ra ngay bây giờ hoặc bất cứ lúc nào. Việc này không cần thực hành khổ hạnh nào hay làm gì lớn lao, nó chỉ cần bạn đi ngược vào trong chiều sâu nhất của bạn. Tại đó bạn đã là Phật rồi. Một khi được nhận ra, bạn biết con đường này. Nó rất nhỏ.

Dần dần bạn có thể bắt đầu đem phật của bạn từ cội nguồn ẩn kín lên bề mặt của cuộc sống của bạn. Mọi hoạt động của bạn, lời nói của bạn, sẽ bắt đầu có hương vị vàng mới. Im lặng của bạn sẽ bắt đầu trở thành bài ca, thành âm nhạc của chiều hướng khác. Việc bước đi bình thường của bạn sẽ trở thành như điệu vũ, vui sướng thế, nhẹ nhàng thế. Toàn thể cuôc sống của bạn sẽ được lan toả như phúc lành, như sự ngất ngây. Bạn sẽ sống bằng tính toàn bộ của bạn, bạn sẽ yêu bằng tính toàn bộ của bạn, và cuộc sống này sẽ là cuộc sống cuối cùng của bạn.

Nếu bạn có thể đạt tới chứng ngộ thế thì bạn không phải lang thang từ bụng mẹ này sang bụng mẹ khác. Bạn đã lang thang hàng thế kỉ rồi từ bụng mẹ này sang bụng mẹ khác.

Nếu bạn trở nên chứng ngộ trong cuộc đời này, thế thì chết sẽ không đưa bạn vào bụng mẹ khác nữa, bạn sẽ biến mất vào cuộc sống vũ trụ, vào trong ngọn lửa vũ trụ. Bạn sẽ trở thành một với cái toàn thể. Bạn sẽ là cái toàn thể.

Nhân chứng cho cuộc sống

Bạn phải tìm ra nhân chứng nguyên thuỷ sâu sắc hơn, người có thể chứng kiến thân thể bạn, tâm trí bạn, ý nghĩ của bạn, hành động của bạn, và vậy mà vẫn còn xa xôi với bất kì gắn bó hay phán xét nào. Khám phá này là khám phá vĩ đại nhất trong lịch sử tâm thức. Không khám phá nào của khoa học hay của bất kì đối thể nào, toán học hay logic học hay triết học – không khám phá nào có thể lớn hơn, vĩ đại hơn, với nhiều huy hoàng hơn, với đặc trưng nhân loại tối thượng hơn khám phá về nhân chứng. Nhân chứng làm cho bạn thành Phật.

Nhân chứng cho bạn nếm trải hương vị của tâm thức nguyên thuỷ mà dù chỉ một giọt nhỏ của nó, cũng còn giá trị đến mức nó sẽ rót đầy cả đại dương. Cho dù một khoảnh khắc của tâm thức thuần khiết nguyên thuỷ, gặp gỡ đơn giản và duy nhất với bản thân bạn, và bạn sẽ không bao giờ như cũ nữa. Bạn sẽ là một con người hoàn toàn mới – con người mới tôi nói tới mọi ngày, chỉ để nhắc bạn rằng con người mới sẵn sàng được sinh ra bên trong bạn. Nó chỉ cần thêm chút ít việc chứng kiến nữa.

Việc chứng kiến là chất nuôi dưỡng để thai nghén ra Phật trong bạn. Và khi việc nuôi dưỡng của bạn đi ngày một sâu hơn hàng ngày, thì một ngày nào đó bạn sẽ đột nhiên thấy: bạn không phải đi về trung tâm, phật đã đi tới gặp bạn ở chu vi. Bỗng nhiên một ngày nào đó bạn có thể tỉnh dậy như Phật, và với việc thức tỉnh đó toàn thể thế giới đổi màu sắc. Mọi sự lấy một cái đẹp khác, sự linh thiêng khác, sự duyên dáng khác. Âm thanh trở nên dịu ngọt hơn và nhạc điệu hơn. Nhưng đoá hoa dại nhỏ sẽ trở nên có giá trị như bất kì hoa sen hay hoa hồng nào.

Bất kì người nào hiểu ra sự kiện mình là phật đều trở thành đoá hoa nở một lần trong hàng nghìn năm. Và cho dù thân thể của phật chết, hương thơm ấy vẫn còn lại. Những người có nhạy cảm đúng đều có thể cảm thấy ngay cả ở những khoảnh khắc này về Phật Gautam hay Bồ đề đạt ma. Thời gian không là vấn đề. Phật tính là kinh nghiệm vĩnh hằng. Bông hoa có thể chết nhưng hương thơm của nó vẫn còn lại. Thân thể của Phật có thể chết nhưng hương thơm tâm linh của ông ấy sẽ phản phất quanh bạn mãi mãi. Ông ấy đã tan chảy vào trong vũ trụ và bạn có thể thấy ông ấy ngay khoảnh khắc này. Chúng ta cứ đi tìm kiếm Phật nhưng Phật là bản tính của chúng ta.

Con đường lấy lại bản tính ấy gồm hai việc: nhớ và học. Nó là con đường hai chiều: lúc đầu bạn phải học để đi vào ngôi đền bên trong của bạn. Và thế rồi bạn phải liên tục nhớ, bởi vì liên tục quên là tính người. Nhưng khi việc nhớ của bạn trở thành việc thở im lặng trong bạn, khoảnh khắc bạn bắt đầu thở Phật vào và ra, thì nó không phải việc học cũng không phải việc nhớ. Nó đơn giản là bạn.

Bạn không đạt được cái gì cả. Bạn đã không phát hiện ra cái gì cả, nó bao giờ cũng ở đó rồi. Dù bạn có nhớ tới nó hay không, nó bao giờ cũng còn ở đó.

Đó là lý do tại sao thiền không coi mọi sự là nghiêm chỉnh. Có vấn đề gì? Trong kiếp này hay kiếp khác kiểu gì bạn cũng sẽ thành Phật.

Phật là con người mới. Ông ấy là con người của tương lai. Toàn thể tâm thức nhân loại đang đi tới phật tính. Điều kì lạ là nó đã có đó bên trong bạn, mà bạn không nhận biết. Do đó, thầy có thể có ích cho bạn.

Là Phật không chỉ là cuộc cách mạng bên trong bạn, nó là cuộc cách mạng trong chính quan niệm của bạn về thế giới, về các mối quan hệ, về tình yêu, về tình bạn.

Cuộc cách mạng này là toàn bộ. Nó thay đổi tất cả sự cảm nhận của bạn, tất cả quan niệm của bạn. Nó thay đổi tất cả mọi thói quen máy móc cũ của bạn. Nó làm cho bạn lần đầu tiên trở thành không phải một người máy.

Khi bạn bước, bạn có biết bạn đang bước không? Khi bạn im lặng, bạn có biết là bạn im lặng không? Khi bạn ăn, có nhận biết nào thường trực quan sát việc ăn của bạn? Nhận biết đó là chứng ngộ vĩ đại. Nó không có vận hành, không có tiện dụng, không phải phương tiện cho bất cứ mục đích nào. Tự nó là đủ cho nó. Nó mãn nguyện, nó thoả mãn sâu sắc với bản thân người ta và vũ trụ, buông bỏ mạnh mẽ tới mức bạn không phải làm gì cả. Chỉ hiện hữu là nhiều hơn bạn có thể quan niệm – niềm vui của việc chỉ hiện hữu, phúc lạc của việc chỉ hiện hữu.

Mọi người đều có ý thức nhưng ý thức này rất hời hợt, rất mang tính tiện dụng, rất tầm thường. Tâm thức là thứ ý thức rất sâu, không mang tính tiện dụng, chẳng giúp được bạn kiếm sống trong thế giới, không thể sống bằng nó, bán nó hay mua nó, cho mượn nó bất cứ gì bạn muốn làm với nó trong thế giới tiện dụng bạn đều sẽ không làm gì được. Nó không phải năng lượng làm. Nó là năng lượng hiện hữu mà không làm. Chỉ như đỉnh Everest, im lặng đứng đó, hàng thế kỉ. Và đây là cái đẹp vĩ đại nhất, chân lý vĩ đại nhất, không có cái khác bên ngoài nó.

Bạn cũng vậy, ngồi im lặng, không làm gì, chỉ là nhân chứng và việc nhân chứng này là nền tảng tồn tại tối thượng của chúng ta. Đây là cái vĩnh hằng của chúng ta.

Tâm thức hời hợt của bạn không nhiều giá trị hơn cơ chế của một người máy. Người máy không thể hành động một cách tự phát. Mọi hành động của nó đều đã được lập trình, được cài đặt sẵn. Nó không thể đáp ứng theo cách riêng vì nó không có tâm thức nguyên thuỷ.

Nếu tên bạn được ai đó gọi, bạn sẽ ngoái đầu nhìn nhưng bạn có nhận biết rằng tên bạn được gọi và bạn đang ngoái nhìn không? Chỉ nhận biết sâu sắc hơn đó mới có thể làm biến đổi cuộc sống của bạn, bằng không bạn sẽ vẫn còn là cái máy tính. Toàn bộ việc giáo dục của bạn là để làm gì? Để làm cho bạn thành cái máy tính tốt hơn, để nạp vào bạn nhiều thông tin hơn.

Bất kì điều gì bạn làm và bất kì điều gì bạn nói, hỏi câu hỏi: đấy là bạn hay mẹ bạn bảo bạn làm theo cách này? Hay bố bạn, thầy gíao hay tu sĩ bảo? Đấy có phải là bạn không hay đấy là ai đó khác đang thao túng bạn? Và bạn sẽ ngạc nhiên rằng bạn chưa bao giờ hành động thậm chí lấy một lần tự phát. Bạn bao giờ cùng dựa vào kí ức. Kí ức tới từ người khác. Nó có thể tới từ kinh nghiệm của bạn, nhưng đáp ứng thật là thứ không tới từ kí ức, nó phải tới từ tỉnh táo của bạn.

Cuộc sống bao giờ cũng là dòng sông mở. Bạn chẳng bao giờ biết nó sẽ lấy lối rẽ ở đâu. Bạn không thể nhận lời hứa từ sông rằng nó sẽ không rẽ ở điểm này hay điểm nọ. Tự nhiên chưa bao giờ hứa với bạn điều gì. Lời hứa chắc chắ có nghĩa là giới hạn, nó nghĩa là tù túng. Nó có nghĩa là bạn đang chấp nhận rằng từ khoảnh khắc này bạn sẽ không sống.

Khi bạn nói “Tôi là người Ki-tô giáo” thế thì bạn chết. Bạn không thể vượt ra ngoài Ki-tô giáo hay chống lại Ki-tô giáo được. Cho dù bạn thấy rõ rằng cái gì đó sai, bạn vẫn phải khép miệng lại. Bạn là người Ki-tô giáo.

Khoảnh khắc bạn thuộc vào một tổ chức, một tôn giáo, một đảng phái chính trị, thì bạn phải từ bỏ tự do tư duy của bạn, bạn phải trở thành mù, bạn không thể thấy được bởi vì mọi thứ có thể khác với ý thức hệ chết của bạn, điều đã được quyết định từ hàng trăm năm trước đây.

Cho nên quan sát… Ngay bây giờ bạn đang nghe tôi, bạn có nhận biết rằng bạn đang nghe không? Tách vận hành của việc nghe ra, và là nhân chứng rằng máy nghe của bạn đang vận hành và bạn chỉ là nhân chứng quan sát nó. Việc tách này có độ khẩn thiết lớn lao, vì chúng ta phải tách mọi thứ rác rưởi đã tụ tập quanh nhân chứng này, để cho nhân chứng trở nên tuyệt đối tự do, trong hiện tại, không có ý thức hệ nào, không định kiến nào, không gì cả – chỉ là gương rỗng. Thế thì khả năng của nó để phản chiếu chân lý là mênh mông. Thế thì khả năng của nó để phản chiếu cái đẹp là vô hạn.

Chứng ngộ đơn thuần sẽ cho bạn tất cả mọi niềm vui trên thế giới này, nhưng bạn sẽ trở thành tuyệt đối câm lặng. Bạn sẽ không nói gì cả, bạn sẽ không tìm thấy cách nào để diễn đạt.

Trước khi chứng ngộ thầy phải chuẩn bị cho những người sắp kế tục mình, để làm cho họ nói thạo hơn, để làm cho họ có khả năng hơn trong việc biến đổi cái vô lời thành lời, cái im lặng tuyệt đối thành bài ca, cái bất động tuyệt đối thành điệu vũ. Chỉ thế thì người đó mới có khả năng truyền đạt điều gì đó và có thể có ích cho nhân loại mù.

A-la-hán và Bồ-tát

Bởi sự kiện này, Phật đã chia những người chứng ngộ thành hai loại. Họ cả hai đều có cùng chiều cao, không có tính chất thấp hơn hay cao hơn – họ thuộc cùng một thực tại vũ trụ, bản tính nền tảng. Nhưng ông ấy đã chia thành hai loại: một loại gọi là A-la-hán. A-la-hán là người đã trở nên chứng ngộ và vẫn còn im lặng. Loại thứ hai ông ấy gọi là bồ-tát. Họ cũng đã trở nên chứng ngộ, nhưng công việc của họ là truyền đạt điều gì đó, phương thức nào đó, hướng dẫn nào đó về kinh nghiệm của họ cho mọi người.

A-la-hán được ông ấy gọi là hinayana – tiểu thừa, một con thuyền nhỏ trong đó một người có thể chèo và đi sang bờ bên kia. Còn bồ tát thì ông ấy gọi là mahayana – đại thừa. Đó là một con tàu lớn có thể chở hàng nghìn người qua bờ bên kia. Bờ bên kia là một, nhưng bồ tát giúp cho nhiều người.

A-la-hán không phải là người nói giỏi. Ông ấy là người giản dị, tốt bụng, hoàn toàn khiêm tốn, nhưng sẽ không thốt ra một lời về điều mình đã đạt tới. Nói ra bất kì cái gì cũng là quá nhiều với ông ấy. Ông ấy hoàn toàn mãn nguyện, sao ông ấy phải nói ra? Và dẫu sao đi nữa, mọi người đều phải tự mình tìm ra con đường riêng của mình, tại sao quấy rối mọi người một cách không cần thiết vậy? A-la-hán có quan điểm riêng của mình.

Phật hay biện luận về A-la-hán và Bồ-tát, bởi vì cả hai loại người này đều đã trở nên chứng ngộ vào thời của ông ấy. Đó là cuộc tranh đấu liên miên. A-la-hán có quan điểm riêng của họ: bạn không thể phủ nhận điều đó, rằng mọi người đều phải tìm ra con đường riêng của bạn, cho nên không cần phải truyền đạt điều gì cho họ cả. Điều đó có thể trở thành cản trở. Tất cả mọi kinh sách đều trở thàn cản trở.

Không A-la-hán nào đã viết ra bất kì kinh sách nào. Ông ấy thậm chí chẳng giơ ngón tay lên chỉ trăng nữa. Bởi vì mối nguy là ở chỗ mọi người có thể bám vào ngón tay của ông ấy mà nghĩ rằng đây là trăng. Ông ấy giữ mình hoàn toàn im lặng. Đừng nghĩ rằng ông ấy không từ bi, ngay từ bi cũng có nhiều cách diễn đạt.

Ông ấy đang diễn đạt lòng từ bi của mình bằng việc không can thiệp vào cuộc sống của bạn. Ông ấy biểu lộ sự tin cậy của ông ấy rằng sự tồn tại sẽ đem bạn đi bằng cách nào đó: “nếu không phải hôm nay thì ngày mai, nếu không phải kiếp này, thì kiếp sau. Nhưng sự sẵn có thì vĩnh hằng, cho nên vội vàng làm gì? Và nếu người nào đó đủ thông minh, người đó có thể thấy con thuyền nhỏ của tôi đang đi sang bờ bên kia. Điều đó là đủ hướng dẫn rồi. Nếu người đó không thể hiểu được điều đó, người đó cũng không thể hiểu được cái gì khác.”

Cho nên Phật cuối cùng đã cho phép hai loại này có cùng chiều cao, không so sánh thấp hơn hay cao hơn. “A-la-hán”, ông ấy nói, “các ông cứ đi theo con đường của mình một cách im lặng đi.” Còn với Bồ-tát, người đã sẵn sàng để cố gắng, ông ấy nói, “Hại gì nào? Các ông đã trở nên chứng ngộ rồi, các ông không thể làm mất nó được, không có cách nào để mất nó, cho nên có hại gì trong việc cố gắng chút ít nỗ lực khêu gợi mọi người và thách thức mọi người, tạo ra thôi thúc và khao khát lớn lao trong họ? Các ông có thể làm việc với hàng ngàn người và có lẽ một người trong số họ có thể sẵn sàng, nhưng ngay cả như thế cũng là vĩ đại rồi nếu so sánh với dốt nát của cả trái đất này? Trong đêm tối tăm nhất thì ngay cả một ngọn nến nhỏ bừng cháy… ánh sáng của nó và sự huy hoàng của nó là lớn lao, bởi vì nó có thể cho những người khác chỉ dẫn để tìm ra các ngọn nến: sao sống trong bóng tối?”

Bồ tát đi vào đám đông giống như những ngọn đuốc, với niềm vui và với điệu vũ và với duyên dáng. Họ sẽ tạo ra niềm thôi thúc, cơn đói bị kìm nén sâu sắc và cảm giác ngon lành với điều tối thượng.

Osho, những bài nói về Isan: Quy Sơn Linh Hựu (cuốn Isan: Không dấu chân trên trời xanh)

Phi Tuyết tổng hợp, lược trích và biên tập

Namaste!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *