Ở Ấn Độ, trong quá khứ những đứa trẻ kết hôn trước khi chúng lên mười. Thỉnh thoảng những đứa trẻ còn bị đính ước từ khi chúng còn ở trong bụng mẹ. Chỉ hai người bạn sẽ quyết định điều đó “Vì hai người vợ của chúng ta đều đang mang thai, nếu một đứa trẻ sinh ra là trai và và con của người kia là con gái, thế là việc đính hôn đã được thiết lập, lời đã được hứa.” Họ không hề hỏi ý kiến của hai đứa bé một chút nào. Vì chúng thậm chí còn chưa ra đời. Họ cũng không hề biết được liệu cả hai đứa có cùng là con trai hay cùng là con gái hay không. Nhưng nếu một đứa là trai và một đứa là gái, việc đính hôn đã được thiết lập. Và người ta thì rất giữ những lời hứa của họ, những lời hứa kiểu như vậy.
Mẹ tôi phải kết hôn khi bà ấy mới bảy tuổi. Và cha mẹ của bà đã phải trói bà vào một cái cột bên trong ngôi nhà khi lễ cưới diễn ra. Trong lễ cưới ấy có rất nhiều pháo hoa, ngoài ra còn có âm nhạc và nhảy múa. Và mọi người đều ở bên ngoài ngôi nhà, mẹ tôi vẫn nhắc lại với tôi rằng “Ta không thể hiểu được tại sao chỉ mình ta bị bỏ lại bên trong ngôi nhà và lại còn bị trói. Họ không để cho ta ra khỏi đó.” Bà ấy muốn thấy, như mọi đứa trẻ khác, những thứ xinh đẹp đang diễn ra bên ngoài – khi mà cả ngôi làng đã tụ tập lại, và bà ấy đã khóc.
Cha tôi thì không quá mười tuổi, và ông ấy cũng không hiểu gì về những thứ đang xảy ra. Tôi thường hỏi cha tôi “Điều tuyệt nhất mà cha thấy thích trong đám cưới của cha là gì?
Ông ấy nói “Được cưỡi một con ngựa.” Thật là tự nhiên, đó là lần đầu tiên ông ấy được cho ăn vận như một vị vua, với một con dao dắt bên hông, và ông được ngồi lên một con ngựa, và mọi người đi vòng quanh ông. Ông ấy rất khoái việc đó. Đó là điều quan trọng nhất mà ông ấy thích trong đám cưới của mình.
Tuần trăng mật không phải là vấn đề. Liệu có nơi nào để bạn có thể mang một đứa trẻ nam mười tuổi và một đứa trẻ nữ bảy tuổi đến ở cho tuần trăng mật chứ? Vậy nên ở Ấn Độ tuần trăng mật là thứ chưa bao giờ tồn tại, và trong quá khứ, không nơi nào trên thế giới biết đến thứ gọi là tuần trăng mật đó cả.
Khi cha tôi lên mười và mẹ tôi lên bảy, bà nội tôi mất. Sau đám cưới, có lẽ một hay hai năm sau đó, toàn bộ trách nhiệm rơi vào mẹ tôi, một đứa trẻ chín tuổi. Bà nội để lại hai đứa con gái nhỏ và đứa con trai nhỏ nữa. Vậy nên bốn đứa trẻ, và trách nhiệm đó thuộc về một cô bé chín tuổi và một đứa con trai mười hai tuổi.
Mẹ – Maan
Mọi người đều được sinh ra trong một gia đình, tôi cũng được sinh ra trong một gia đình. Và gia đình ở Ấn Độ thì thường có đến 50-60 người – tất cả anh em họ hàng sống chung với nhau. Tôi đã thấy toàn bộ những hỗn loạn trong cái gọi là gia đình đó. Trên thực tế, 60 người đó đã giúp tôi rất nhiều trong việc không tự tạo ra gia đình cho riêng mình. Kinh nghiệm đó là quá đủ.
Gia đình ở Ấn Độ không giống với các gia đình ở phương Tây. Ở phương Tây gia đình là con số đơn: người chồng, người vợ, một, hai hay ba đứa con – cùng lắm một gia đình có thể có năm người như vậy. Nhưng ở Ấn Độ người ta sẽ cười vào con số năm: cái gì, năm người trong một gia đình ư? Chỉ năm thôi sao? Họ sẽ cười bởi vì ở Ấn Độ gia đình là con số không thể đếm được. Thường có đến hàng trăm người sống trong một gia đình. Đôi khi có những vị khách ở xa đến thăm một gia đình nhưng không bao giờ rời đi cả, và cũng sẽ không ai nói với họ “Đến lúc anh phải đi rồi”, không ai nói câu đó cả bởi trên thực tế chẳng ai biết anh ta là khách của ai trong nhà. Người vợ sẽ nghĩ anh ta là khách của người chồng và người chồng sẽ nghĩ anh ta có thể là khách của người vợ, thế nên để yên ổn, chẳng ai nói gì với ai. Thậm chí, ở Ấn Độ bạn có thể đến và ở lại hẳn trong một gia đình mà bạn không có thân thích bà con gì cả, sẽ chẳng ai đụng đến bạn chừng nào tất cả những việc bạn làm đơn giản là biết ngậm miệng và biết mỉm cười mọi lúc, thế thì bạn thậm chí có thể ở lại đó mãi mãi.
Tôi không được phép một mình quay trở về ngôi làng, tôi cũng không thể sống trong cái hội chợ gọi là gia đình ấy nên tôi đã ra điều kiện với mẹ tôi về việc đến sống với Nani và tôi biết điều ấy làm mẹ tôi rất đau lòng. Bất cứ điều gì bà ấy muốn, tôi chưa bao giờ thi hành cả, trên thực tế, tôi còn làm điều ngược lại. Tôi không nghe lệnh hay lời sai bảo của bất cứ ai trong nhà, nếu ai đó nhờ tôi làm việc gì đó dần dần họ sẽ nhận ra rằng tốt hơn họ không nên nhờ tôi, tốt hơn hết là họ nên tự đi mà làm lấy.
Mẹ tôi, tất nhiên, đã rất buồn. Một cách tự nhiên, dần dần bà chấp nhận rằng tôi là đứa con bà ấy đã “đánh mất” hoàn toàn. Tôi muốn xin lỗi bà bởi vì từ khi tôi chuyển về sống gần bà thì tôi cứ luôn làm cho bà buồn, hết lần này đến lần khác. Nhưng tôi không làm khác được, điều đó là không thể khi bạn đã sống những năm tháng trong một căn nhà yên tĩnh với tất cả mọi không gian bạn muốn, làm mọi việc với sự tự do toàn bộ – thì làm sao bạn có thể sống tiếp trong một nơi, gọi là nhà, cùng với tất cả những khuôn mặt bạn không hề quen biết, từ chú dì cho đến ba mẹ vợ của chú dì, dâu rể của họ… Thật quá thể. Một người thậm chí không thể tìm hiểu được ai là ai trong cái đám đông đó. Thậm chí tôi còn cho rằng ai đó nên xuất bản một cuốn cẩm nang cho mỗi gia đình, một cuốn để nói rõ ai là ai.
Tôi không bao giờ gọi mẹ tôi là mẹ, bởi vì trước khi tôi được sinh ra bà ấy đã và đang chăm sóc bốn đứa trẻ gọi bà là Bhabhi. Bhabhi nghĩa là “chị dâu”. Và bởi vì bốn đứa trẻ đều luôn miệng gọi mẹ tôi là chị dâu, nên tôi cũng bắt đầu gọi bà ấy là chị dâu. Thậm chí ngày nay tôi vẫn gọi bà là chị dâu, nhưng bà ấy là mẹ tôi, không phải chị dâu. Tất cả mọi em trai em gái của tôi đều gọi bà là mẹ. Chỉ mình tôi đủ điên khùng để gọi bà là chị dâu. Vì tôi đã học cách gọi như vậy từ rất sớm, khi bốn đứa trẻ kia cứ “chị dâu, chị dâu”.
Tôi có mối quan hệ rất tốt với các chú và các cô của tôi, mối quan hệ như những người bạn. Họ chỉ lớn hơn tôi một chút, không quá nhiều. Tôi chưa bao giờ thực sự kính trọng họ như đối với những người lớn. Họ cũng không bao giờ mong chờ việc nhận được sự kính trọng từ tôi. Họ chỉ đơn giản là yêu quý tôi như một người bạn, và tôi cũng yêu họ.
Đó dường như hoàn toàn là một thế giới khác, chỉ bảy mươi năm trước. Những thế hệ cứ chồng chéo lên nhau và họ thường không có tuổi thanh xuân chút nào. Bây giờ tuổi thanh xuân đã dần được biết đến và ngày càng phổ biến hơn khi máy móc trở nên thịnh hành thay thế sức lao động của con người, họ có nhiều thời gian hơn để làm nhiều thứ và đó là khi tuổi thanh xuân được biết đến. Trong quá khứ, người trẻ không có tự do làm bất cứ gì, hoặc là họ phải làm việc như điên để mưu sinh hoặc khi không cần làm việc thì người ta sẽ phải kéo dài thời gian giáo dục tuổi trẻ. Nhờ đó mà tuổi thanh xuân dần được biết đến.
Bây giờ bạn có thể nghĩ đến những vấn đề khi mà khoảng cách giữa các thế hệ được tạo ra. Cha tôi không bao giờ có bất cứ kinh nghiệm nào về sự tự do của những người thanh niên ngày nay. Ông ấy không bao giờ được coi là thanh niên theo cách ấy. Trước khi có thể trở thành thanh niên, ông ấy đã già rồi, bởi việc chăm sóc tất cả anh em trai gái và cái cửa hàng. Và khi ông ấy mới hai mươi ông đã phải sắp xếp hôn ước cho các em gái, rồi lại hôn ước lẫn học hành cho các em trai của ông.
Từ thời thơ ấu tôi đã quen và yêu sự im lặng. Bất cứ khi nào có thể, tôi chỉ đều ngồi yên một chỗ trong thinh lặng. Dần dần mọi người trong nhà nghĩ rằng cứ để mặc tôi ngồi yên không làm gì lại tốt hơn và họ đúng. Tôi thích ngồi yên lặng nhiều đến mức mà khi tôi đang ngồi và mẹ tôi đến và nói gì đó như là: “Có vẻ như không còn ai ở trong nhà nữa cả. Mẹ cần ai đó đi ra chợ mua cho mẹ ít rau”. Và dù tôi đang ngồi đó ngay trước mặt mẹ nhưng tôi sẽ nói: “Nếu con thấy ai, con sẽ nói…”
Một điều dần dần được mọi người trong nhà chấp nhận là sự hiện diện của tôi cũng không ý nghĩa gì, tôi có mặt hay vắng mặt cũng không tạo ra bất cứ khác biệt nào. Một vài lần họ thử vài cách nhưng rồi đều đi đến kết luận rằng: “Tốt hơn hết nên để thằng bé được yên, và đừng bận tâm chút nào sự hiện diện của nó”. Bởi vì buổi sáng họ có thể nhờ tôi ra chợ mua rau và vào buổi tối tôi sẽ đến chỗ họ và nói: “Con quên mất mẹ nhờ con làm gì rồi, hình như mua gì đó, mà giờ chợ cũng đã đóng cửa rồi.”
Mẹ tôi nói: “Đó không phải là lỗi của con, đó là lỗi của chúng ta. Chúng ta đã ngồi đợi con cả ngày, từ sáng đến tối, nhưng ngay từ chỗ đầu tiên, chúng ta không nên nhờ con việc gì cả. Con đã đi đâu vậy?”
Tôi nói: “Khi ra khỏi nhà con thấy một cái cây bồ đề rất đẹp. Cái cây đó quá cám dỗ con nên con đã đến đó định ngồi chỉ một lát thôi nhưng đó thật sự là một nơi tuyệt vời, một cái cây tuyệt vời. Nó không chỉ mát mẻ mà còn yên tĩnh và rất bình an nữa. Thế nên “một lát thôi” là không đủ và tự nhiên con bị cám dỗ phải ngồi đó cả ngày.”
Cứ như vậy vài lần họ bắt đầu nghĩ “Tốt hơn không nên bận tâm hay làm phiền thằng bé chút nào.” Và tôi hoàn toàn hạnh phúc rằng họ đã chấp nhận tôi như là một người vô hình, không hề tồn tại. Điều đó mang lại cho tôi một sự tự do vô cùng. Không ai mong đợi bất cứ điều gì từ tôi cả.
Khi không ai trông đợi bất cứ điều gì từ bạn, bạn trở nên tĩnh lặng hơn. Cả thế giới chấp nhận bạn và không hề mong đợi gì.
Thỉnh thoảng khi tôi về nhà quá trễ, họ biết phải tìm tôi chỉ ở dưới cây bồ đề – và bởi vì họ bắt đầu tìm thấy tôi khi tôi ở dưới gốc cây bồ đề nên sau đó tôi bắt đầu trèo lên cây và ngồi trên đó. Họ sẽ đến và nhìn quanh và nói: “Nó không có ở đây.”
Và tôi sẽ nói với chính mình từ trên cây: “Vâng, đúng vậy. Con không có ở đây.”
Nhưng tôi vẫn sớm bị phát hiện ra bởi vì ai đó thấy tôi trèo lên cây và bảo với họ “Thằng bé lừa mọi người đó. Nó luôn luôn ở đó, hầu hết thời gian nó chỉ ở trên cây” – thế nên sau đó tôi phải tìm một nơi khác xa hơn một chút để được yên tĩnh một mình.
Tôi biết tại sao người ta lại không tạo ra Thượng đế như một người mẹ. Tôi biết từ chính kinh nghiệm của tôi rằng mẹ tôi luôn cố giấu tôi đi khi cha tôi trở nên nổi giận hay khi cha tôi từ chối cho tôi tiền, mẹ sẽ xoay xở để đưa tiền cho tôi. Vậy nên tôi biết rằng một người mẹ không thể trở nên kỉ luật như một người cha được. Người ta cần sự kỉ luật nghiêm khắc của người cha, đó là lý do mọi tôn giáo đều vẽ ra hình ảnh một Thượng đế là người cha, thay vì người mẹ. Tôn giáo đã tự biến đổi nó từ tình yêu thương của mẹ thành tính kỉ luật của người cha. Nó không chấp nhận Thượng đế như một người mẹ vì tình yêu là quá nguy hiểm đối với sự tồn vong của chính nó.
Một người mẹ có thể bị thuyết phục một cách dễ dàng bởi vì họ đầy tràn tình yêu thương, họ luôn chú trọng đến trái tim chứ không phải cái đầu. Cha là đại diện cho cái đầu, tính hợp lý, lý do, kỷ luật. Cha là một người đàn ông và xã hội thì được tạo ra bởi đàn ông.
Mẹ tôi thậm chí còn thích thú mỗi khi tôi tìm đến bà và nói: “Con vừa làm gì đó và con đang trong tình trạng khẩn cấp cần mẹ giúp.”
Bà sẽ nói: “Nhưng trước tiên hãy kể cho mẹ nghe con đã làm gì. Mẹ sẽ cứu con, mẹ sẽ cố gắng, nhưng kể mẹ toàn bộ câu chuyện trước đã. Con có những câu chuyện tuyệt vời đến nỗi chính mẹ cũng ngạc nhiên không hiểu sao cha con lại tức giận. Cha con nên thích thú chúng mới phải.”
Những tu sĩ, người cha trên thiên đàng; cha mẹ ở đây trên trái đất, giáo viên; những nhà lãnh đạo chính trị, tất cả họ đều hoàn toàn muốn bạn vâng lời từ tất cả những người khác để cho không có bất cứ vấn đề nào khởi lên về sự nổi dậy, không thay đổi, để cho những đầu tư của họ được bảo vệ. Chúng ta tất cả đã trở thành nạn nhân cho mối đầu tư của họ. Đã đến lúc để thay đổi mọi sự.
Đứa trẻ vâng lời luôn là đứa tầm thường, để trở nên nổi dậy và bất tuân có nghĩa là bạn phải có chút thông minh, chút can đảm. Đứa trẻ vâng lời sẽ trở thành một công dân tốt, đến nhà thờ mỗi chủ nhật; đứa trẻ bất tuân sẽ trở thành đứa không đáng tin cậy. Nó sẽ làm được gì trong đời nó đây? Nó có thể trở thành một họa sĩ, một nhạc sĩ, một vũ công – những thứ mà chẳng mang lại bao nhiêu lợi nhuận trong mắt cha mẹ – hay nó có thể trở thành không ai cả, một kẻ lang thang, tận hưởng sự tự do của nó.
Tôi muốn bạn nhảy ra khỏi vòng tròn. Hãy từ bỏ nỗi sợ. Không có gì để sợ hãi cả. Không có địa ngục nào để mà bạn phải lo lắng và cũng không có thiên đường nào để mà bạn tham lam.
Thiên đường là ở đây. Và nếu chúng ta từ bỏ ý tưởng về thiên đường sau cái chết, chúng ta có thể tạo ra thiên đường đẹp hơn gấp ngàn lần ngay lúc này.
Cha – Dada
Cha tôi bảo tôi hàng trăm lần rằng: “Chúng ta sẽ không nuôi con nữa.”
Tôi nói: “Vâng, cha cứ làm thế đi. Con có thể bắt đầu đi ăn xin, đây là một thành phố lớn, con sẽ sống sót thôi. Cha có thể không cho con đồ ăn nhưng cha không thể cản con đi ăn xin được. Ăn xin là quyền hợp pháp của mọi người.”
*
Cha tôi là một người đơn giản, cực kì đơn giản và thơ ngây. Ông không thuộc bất cứ loại người phi thường nào và đó chính là sự phi thường của ông ấy. Tôi ở bên cạnh ông khá lâu, suốt từ những ngày tiểu học cho đến khi vào đại học nên tôi biết ông là người thế nào. Ông cực kì đơn giản, ngây thơ, bất cứ ai cũng có thể lừa ông.
Ông ấy rất dễ dàng tin tưởng mọi người. Niềm tin của ông ấy vào người khác là quá lớn và không có gì phá vỡ được. Ông ấy không bao giờ mất niềm tin vào tính nhân loại dù cho bị người khác lừa rất nhiều lần. Mặc dù tôi chỉ là một đứa trẻ nhưng tôi cũng hoàn toàn có thể nhận ra những người muốn lừa đảo ông, điều đó quá rõ ràng đến nỗi tôi thường hay nói với ông: “Cha đang làm gì vậy? Người này đang lừa cha.”
Một lần ông ấy muốn xây một căn nhà và nhà thầu đã lừa đảo ông. Tôi nói: “Căn nhà này không thể nào trụ lâu được, nó nhất định sẽ đổ bởi vì xi măng này không đúng chất lượng mà số gỗ bên trên thì quá nặng.” Nhưng ông ấy không nghe, ông ấy nói: “Anh ta là một người tốt, anh ta không bao giờ lừa đảo ta đâu.”
Và đó chính xác là những gì đã xảy ra, căn nhà không thể trụ nổi qua cơn mưa lớn đầu tiên nó gặp. Cha tôi không có ở nhà, lúc ấy ông đang ở Bombay. Tôi gọi điện cho ông và nói: “Những điều con nói với cha đã xảy ra rồi. Căn nhà đã bị đổ sụp.” Ông ấy thậm chí không trả lời câu nào, chỉ cúp máy.
Bẩy ngày sau ông ấy mới trở về, sau khi đã xong công việc ở Bombay, ông ấy nói: “Tại sao con lại phải tiêu tiền không cần thiết vào việc gọi điện thoại? Căn nhà bị sụp, thì cũng sụp rồi. Ta có thể làm được gì? Nhà thầu đó đã làm lãng phí mười ngàn rupees và tới lượt con lại làm lãng phí thêm mười rupees nữa cho việc gọi điện thoại. Mười rupees đó đáng lẽ đã được tiết kiệm rồi.”
Và sau đó, việc đầu tiên mà ông ấy làm là tổ chức một buổi tiệc lớn để ăn mừng vì chúng tôi đã chưa kịp chuyển vào trong căn nhà – chúng tôi đã định chuyển vào đó sau 2-3 tuần nữa. Trong bữa tiệc ông ấy nói: “Thượng đế thật là từ bi, Ngài ấy đã cứu chúng tôi. Ngài ấy đã làm cho căn nhà đổ sụp trước khi chúng tôi dọn đến.”
Và bữa tiệc đó ông ấy đã mời cả làng tới dự. Mọi người đều không thể tin được điều đó, họ nói: “Đây là thời điểm để ăn mừng sao?” Thậm chí người thầu xây căn nhà cũng được mời tới bởi vì ông ta đã làm tốt công việc: trước khi chúng tôi chuyển dô, căn nhà đã đổ rồi – đó là một việc tốt, ít nhất trong mắt cha tôi.
Ông quả thực là một người đàn ông đơn giản. Và nếu bạn có thể nhìn đủ sâu vào mọi người, bạn sẽ nhận thấy mọi người đều đơn giản. Xã hội đã làm cho mọi thứ trở nên phức tạp nhưng đừng quên bạn được sinh ra trong sự đơn giản và ngây thơ. Tất cả mọi người đều được sinh ra như là một vị Phật, nhưng xã hội đã làm hỏng tất cả.
Tôi mang lòng biết ơn lớn đối với cha tôi. Ông ấy không bao giờ dạy tôi bất cứ thứ gì, trừ việc bơi. Ông ấy không dạy tôi toán học, ngôn ngữ, ngữ pháp, địa lý, lịch sử… Ông ấy thậm chí còn chẳng hề quan tâm đến chuyện học vấn của tôi chút nào. Ông ấy có mười đứa con và tôi đã thấy điều này không biết bao nhiêu lần, rằng bất cứ khi nào có ai hỏi: “Con trai anh học lớp mấy?” thì ông đều phải hỏi ai đó khác để trả lời bởi vì ông không biết. Ông không bao giờ bận tâm với bất cứ hình thức giáo dục nào, hình thức giáo dục duy nhất mà ông trao cho tôi là sự giao cảm đối với dòng sông. Ông ấy yêu những con sông cũng nhiều như tôi vậy.
Ông ấy chỉ dạy tôi duy nhất việc bơi nhưng đó lại là việc quan trọng nhất, tôi yêu việc bơi lội, tôi yêu những dòng sông, và những trải nghiệm bên các con sông đã thay đổi cuộc đời tôi rất nhiều. Bất cứ khi nào nghĩ đến nơi sinh ra, tôi không nhớ bất cứ gì khác ngoại trừ những con sông.
Thói quen hằng ngày của tôi là ở cùng con sông ít nhất từ 5 đến 8 tiếng mỗi ngày. Từ ba giờ sáng tôi thường ở cùng con sông: bầu trời thường đầy sao và những ngôi sao phản chiếu trên mặt nước, đó là một con sông đẹp; nước sông quá ngọt, đến nỗi người ta đã đặt tên nó là Shakkar – shakkar có nghĩa là “đường”. Tôi đã nhìn thấy nó trong bóng đêm với những vì sao, nhảy múa chảy về đại dương. Tôi đã nhìn thấy nó với bình minh. Tôi đã nhìn thấy nó – ngồi một mình trên bờ, hay với những người bạn, thổi sáo, nhảy múa hay thiền định trên bờ nó, bơi xuồng trong nó, hay bơi lội băng qua nó. Dưới cơn mưa, vào mùa đông, vào mùa hạ.
Tôi có thể hiểu Siddharta của Hermann Hesse và kinh nghiệm của nhân vật này với con sông. Nó đã xảy ra với tôi: quá nhiều cái diễn ra, bởi vì một cách chậm rãi, chậm rãi, với tôi, toàn bộ hiện hữu trở thành một con sông. Nó mất vẻ rắn chắc của nó; nó trở nên lỏng, dễ thay hình đổi dạng.
Bất cứ khi nào bạn yêu những sự vật đang tuôn chảy, những sự vật đang di động, bạn có một nhãn quan khác biệt về cuộc đời. Con người hiện đại sống với những con đường nhựa, những tòa nhà xi măng cốt sắt. Đây là những danh từ, hãy nhớ, đây không phải là những động từ. Những tòa nhà chọc trời không tiếp tục phát triển; con đường vẫn là một (như cũ) dù ngày hay đêm, dù là một con trăng rằm hay là một đêm tối mịt. Bất luận cái gì xảy ra, nó không thành vấn đề đối với con đường nhựa, nó không thành vấn đề đối với những tòa nhà xi-măng cốt sắt.
Con người đã tạo ra một thế giới của những danh từ, và rồi dính kẹt vào trong thế giới của chính mình. Họ đã quên đi thế giới của cỏ cây, của sông suối, núi non, và của những vì sao. Ở đó, chúng không biết về bất cứ danh từ nào, chúng chưa từng nghe về những danh từ; chúng chỉ biết có những động từ. Mọi sự là một tiến trình.
Thượng đế không phải là một sự thể, mà là một tiến trình.
*
Cha tôi có một cửa hàng chuyên bán vải vóc quần áo và ở Ấn Độ cửa hàng thường nằm ở mặt tiền ngôi nhà trong khi cả gia đình sẽ sinh sống ngay phía sau cửa hàng đó – điều này giúp mọi người quản lý cửa hàng của họ dễ dàng hơn. Và tôi thường đi xuyên qua cửa hàng để vào nhà với đôi mắt nhắm nghiền.
Cha tôi hỏi “Điều này thật kì lạ. Bất cứ khi nào con đi ngang qua cửa hàng để vào nhà hay từ nhà ra ngoài đường, chỉ khoảng 12 bước chân mà con luôn luôn nhắm mắt. Tại sao? Con đang thực hành nghi thức gì à?”
Tôi nói: “Đúng vậy, con đang thực hành một nghi thức đơn giản để cái cửa hàng này không hủy hoại con như nó đã hủy hoại cha. Con không muốn nhìn thấy nó một chút nào. Con không hứng thú với nó, hoàn toàn không hứng thú với nó.”
Cửa hàng đó là một trong những cửa hàng bán quần áo vải vóc đẹp nhất trong thị trấn đó, nó chứa đầy những hàng hóa tốt nhất nhưng tôi không bao giờ nhìn vào chúng, tôi đơn giản nhắm mắt và đi qua.
Cha tôi nói: “Nhưng mở mắt đi qua thì cũng không có hại gì mà.”
Tôi nói “Ai mà biết được, con có thể bị phân tâm, mà con thì chẳng muốn nhìn bất cứ thứ gì có thể làm con phân tâm cả.”
Sự thật phải được tưởng thưởng
Một ngày khi tôi đang chơi trước tiệm, có một người đàn ông từ xa đang bước đến. Người đàn ông đó là một người cực kì nhàm chán. Cha tôi rất mệt mỏi với ông ta. Vậy nên cha đã gọi tôi lại và bảo: “Người đàn ông đó lại đang đến đây, ông ta làm lãng phí thời gian của ta một cách không cần thiết và thật là khó để có thể thoát khỏi ông ta. Ta cứ luôn phải tìm cớ đi ra ngoài và khi nói với ông ta rằng ‘Tôi có vài việc cần phải đi giải quyết, tôi cần phải đi ra ngoài’, tất nhiên ta nói thế chỉ để thoát khỏi ông ta, thế nhưng thỉnh thoảng điều xảy ra là ông ta lại nói ‘Tôi sẽ đi cùng anh, thế thì trên đường đi chúng ta lại có thể trò chuyện tiếp.’ Và thực tế không hề có cuộc trò chuyện nào hết, ông ta chỉ luôn độc thoại một mình. Ông ta cứ nói và nói mãi, thật là tra tấn”.
Vậy nên cha tôi nói: “Giờ ta sẽ đi vào bên trong. Con hãy cứ ngồi chơi ở đây, và khi ông ta đến con chỉ cần nói với ông ta rằng cha con đã đi ra ngoài rồi.”
Và cha tôi cũng hay thường dạy tôi một điều khác nữa: “Đừng bao giờ nói điều gì không đúng sự thật.” Vậy nên tôi đã bị sốc. Hai việc này mâu thuẫn với nhau, đối lập nhau.
Nên khi người đàn ông đó đến và hỏi tôi: “Cha cháu đâu rồi?” Tôi đã nói: “Ông ấy đang ở bên trong kia, nhưng ông ấy dặn cháu nói với bác là ông ấy đã đi ra ngoài rồi.”
Cha tôi đã nghe được những lời ấy từ bên trong và người đàn ông này thì đang bước vô cùng với tôi, vậy nên cha tôi đã không thể nói bất cứ lời nào trước mặt ông ấy. Khi người đàn ông đó đi rồi – hai hay ba giờ đồng hồ sau đó – cha tôi đã vô cùng tức giận với tôi, không phải với người đàn ông kia.
Ông ấy nói: “Ta đã dặn con nói với ông ấy rằng ta đã đi ra ngoài rồi cơ mà.”
Tôi nói: “Chính xác, con đã lặp lại chính xác những lời của cha. Con bảo với ông ấy rằng ‘Cha cháu dặn cháu nói với bác rằng ông ấy đã đi ra ngoài rồi. Nhưng ông ấy đang ở trong kia, sự thật là ông ấy đang ở ngay trong kia’. Cha đã luôn dạy con phải nói sự thật bất kể hậu quả ra sao. Vậy nên con cũng đã sẵn sàng cho hậu quả rồi. Bất cứ hình phạt nào cha muốn phạt con, hãy làm đi. Nhưng cha phải nhớ, nếu con vì sự thật mà bị trừng phạt, thế thì sự thật cũng sẽ bị hủy hoại. Sự thật nên được tưởng thưởng mới đúng. Vậy nên thay vì phạt, cha hãy trao cho con một phần thưởng, vậy thì con mới có thể luôn nói sự thật bất kể chuyện gì xảy ra.”
Ông ấy nhìn tôi và nói: “Con thật ghê gớm.”
Tôi nói: “Cha biết điều đó mà. Giờ hãy thưởng cho con, vì con đã nói sự thật.”
Và ông ấy đã phải trao cho tôi một phần thưởng, ông ấy đưa cho tôi một rupee. Thời gian đó một rupee có giá trị khoảng 25 rupees ngày nay. Bạn có thể sống với một rupee trong gần nửa tháng. Và ông ấy nói: “Cầm lấy và đi mà mua bất cứ gì mà con muốn.”
Tôi nói: “Cha phải nhớ điều này. Nếu cha bảo con nói một điều dối trá, con sẽ nói với tất cả mọi người rằng chính cha đã bảo con nói như vậy. Con sẽ không bao giờ nói dối. Và mỗi lần cha mâu thuẫn với chính cha, cha sẽ phải thưởng cho con. Vì vậy hãy dừng những lời dối trá lại. Nếu cha không muốn gặp người đàn ông đó, cha nên nói thẳng với ông ta rằng cha không có thời gian và không thích những câu chuyện nhàm chán của ông ta bởi vì ông ấy cứ nói những chuyện giống nhau hết lần này lần khác. Tại sao cha lại sợ? Tại sao cha lại phải nói dối ông ta?”
Ông ấy nói: “Điều khó khăn là, ông ấy là khách hàng lớn của ta.”
Cha tôi có một cửa hàng vải vóc rất đẹp và người đàn ông này lại rất giàu. Ông ấy thường mua một lượng hàng lớn không chỉ cho gia đình mà còn cho cả họ hàng và bạn bè của ổng. Người đàn ông này rất hào phóng nhưng sự nhàm chán chính là vấn đề của ổng. Vậy nên cha tôi nói: “Ta đã phải chịu đựng tất cả những nhàm chán ấy bởi vì ông ta là khách hàng lớn nhất của ta mà ta không thể để mất được.”
Tôi nói: “Đó là vấn đề của cha, đó không phải là vấn đề của con. Cha đã phải nói dối vì ông ta là khách hàng lớn của cha, và giờ con sẽ đi nói cho ông ta biết những điều này.”
Ông ấy nói: “Đừng!”
Tôi nói: “Con không thể đợi được bởi vì cha đã vừa mới bảo con rằng cha đã phải chịu đựng những câu chuyện nhàm chán của ông ấy, chỉ bởi vì ông ấy là khách hàng tốt của cha. Đợi đấy, rồi cha sẽ phải thưởng cho con một lần nữa.”
Ông ấy nói: “Con thật là thích làm khó ta. Con đang phá hủy khách hàng của ta, chuyện làm ăn của ta. Và giờ ta có thể trao cho con thêm một phần thưởng khác nữa cũng được. Nhưng đừng làm điều đó.”
Nhưng tôi đã làm. Và tôi có được thêm cả hai phần thưởng, một từ người đàn ông nhàm chán đó – bởi vì tôi nói với ông ta: “Sự thật nên luôn được tưởng thưởng vì vậy hãy cho cháu một phần thưởng bởi vì cháu đã phải phá hủy một trong những người khách hàng tốt nhất của cha cháu.”
Ông ấy ôm tôi và ông ấy đưa tôi hai rupees. Và tôi nói: “Bác phải nhớ, không được dừng mua hàng từ cửa hàng của cha chau, nhưng bác cũng đừng làm phiền ông ấy nữa. Nếu bác muốn nói chuyện, bác có thể nói với những bức tường, những cái cây. Cả thế giới này đều có thể. Bác cũng có thể đóng cửa phòng bác lại mà tự nói với chính mình, rồi sau đó bác sẽ thấy được sự nhàm chán của bác như thế nào”.
Và tôi về bảo với cha tôi: “Cha đừng lo lắng. Hãy nhìn đây: một rupee con có được từ cha, hai rupees con có được từ khách hàng của cha. Giờ thêm một rupee nữa mà cha sẽ phải cho con, bởi vì con đã luôn nói sự thật. Và cha cũng đừng lo; con đã làm cho ông ấy trở thành một khách hàng tốt hơn, ông ấy vẫn sẽ là khách hàng của cha nhưng cũng sẽ không bao giờ làm cho cha nhàm chán nữa. Ông ấy đã hứa với con rồi.”
Cha tôi nói: “Con vừa làm được một điều kì diệu!”.
Từ đó về sau người đàn ông đó không đến nữa, hay nếu ông ấy đến ông ấy sẽ chỉ ở lại một hoặc hai phút để nói ‘xin chào’ và ông ấy sẽ rời đi ngay. Và ông ấy cũng tiếp tục mua hàng từ cửa hàng của cha tôi .
Ông ấy nói với cha tôi “Vì con trai của anh mà tôi sẽ tiếp tục mua hàng. Mặc dù tôi đã cảm thấy bị tổn thương, nhưng thằng bé đó đã xử lý được cả hai vấn đề đó. Thằng bé đã khiến tôi ngừng làm phiền anh, nó cũng đã, yêu cầu tôi ‘Hãy tiếp tục việc mua hàng từ của hàng của cha cháu. Ông ấy phụ thuộc vào bác’. Và nó đã có được hai rupees từ tôi dù nó nói những điều khiến tôi bị sốc. Không ai từng dám nói với tôi rằng tôi là một người nhàm chán cả.”
Ông ấy là người giàu nhất làng. Mọi người trong làng đều có liên hệ với ổng theo cách nào đó. Người ta mượn tiền của ông ấy, người ta thuê đất của ông ấy để cày cấy. Ổng là người giàu nhất và là chủ đất lớn nhất trong làng. Tất cả mọi người theo cách này hay cách khác đều phụ thuộc vào ông ấy, vậy nên không ai có thể nói với ổng rằng ổng là người nhàm chán. Nên ông ấy nói: “Đó thực sự là một cú sốc lớn, nhưng nó là sự thật. Tôi biết tôi là người nhàm chán, tôi cảm thấy chán chính mình với những suy nghĩ của mình. Đó là lý do tại sao tôi hay đi tới những người khác và tra tấn họ, chỉ để thoát khỏi những suy nghĩ của chính tôi. Nếu tôi nhàm chán với những suy nghĩ của mình, tôi biết rõ những người khác cũng vậy. Nhưng mọi người đều ở dưới sự kiểm soát của tôi theo cách nào đó, chỉ mỗi thằng bé này không có bổn phận gì với tôi và cũng không sợ bất cứ hậu quả nào. Nó ấy dám làm mọi thứ. Nó còn yêu cầu tôi trao cho nó một phần thưởng. Nó nói với tôi ‘Nếu bác không tưởng thưởng cho sự thật, là bác đang tưởng thưởng cho sự dối trá’. Vậy nên tôi đã hiểu và tôi thưởng cho nó.”
Đây là lý do tại sao xã hội này lại giống như một nơi điên rồ. Mọi người dạy bạn phải thành thật, nhưng không ai tưởng thưởng cho bạn bất cứ gì sự thành thật của bạn, ngược lại, họ trừng phạt. Chính vì lẽ đó mà xã hội này là một xã hội của những người tâm thần phân liệt.
Cha tôi đã luôn giữ lời hứa về chuyện tưởng thưởng cho sự thật này, một chuyện xảy ra ngay vài ngày sau.
Sống cách nhà cha tôi 2-3 dãy nhà là một gia đình brahmin, brahmin chính thống – người theo đạo Bà La Môn.
Họ thường cạo tất cả tóc của họ và chỉ chừa lại một búi nhỏ tại vị trí luân xa thứ bảy và cái búi tóc còn lại ấy thường mọc rất dài. Họ thường buộc cái búi tóc ấy lại và giữ nó bên trong mũ hay bên trong cái khăn turban mà họ hay quấn trên đầu. Và tôi đã làm gì? Tôi cắt cái búi tóc của người cha trong gia đình ấy.
Vào mùa hè ở Ấn Độ thường rất nóng, người ta thường ngủ bên ngoài những ngôi nhà, trên những con đường. Mọi người mang hết giường – chiếu – võng của họ ra đường, cả thị trấn ngủ ngoài đường vì ở trong nhà thì quá nóng.
Vậy nên khi nhà brahmins ấy đang ngủ – và đó không phải lỗi của tôi chút nào – khi cái búi tóc của ông ấy quá dài – nó được gọi là choti – cái choti của ổng quá dài đến nỗi nó rơi ra chạm cả xuống đất, từ cái võng mà cái búi tóc có thể chạm tới mặt đất, điều đó quá cám dỗ, tôi không thể nào kháng cự lại được thế nên tôi chạy về nhà, lấy cái kéo ra và cắt cái búi tóc ấy khỏi đầu ông ấy và mang về cất trong phòng tôi.
Vào buổi sáng khi nhận thức được chuyện gì đã xảy ra, ông ấy không thể tin vào điều đó bởi vì cái búi tóc ấy chứa toàn bộ sự trong sạch của ổng, toàn bộ tôn giáo của ổng – toàn bộ niềm tin vào tôn giáo của ổng bị phá hủy. Nhưng những người hàng xóm biết rằng nếu có việc gì đó bất thường xảy ra, họ biết chỉ có thể là tôi. Và ông ấy đến nhà tôi gần như ngay lập tức. Tôi đang ngồi bên ngoài ngôi nhà để chờ vì tôi biết nhất định ông ấy sẽ đến trong buổi sáng. Ông ấy nhìn tôi. Tôi cũng nhìn lại ổng. Ổng nói: “Mày đang nhìn cái gì?”
Tôi nói: “Vậy bác đang nhìn cái gì? Chúng ta cùng nhìn một thứ giống nhau thôi.”
Ông ấy nói: “Cái gì giống nhau?”
Tôi nói: “Vâng, cùng là một thứ, tùy cách bác gọi nó là gì”
Ông ấy nói: “Cha mày đâu rồi? Tao không muốn nói chuyện với mày”
Ông ấy đi vào trong nhà, dẫn theo cha tôi ra và cha tôi hỏi: “Con đã làm gì với người này?”
Tôi nói: “Con không làm gì người này cả, con chỉ cắt bỏ cái choti – là thứ mà hoàn toàn không thuộc về người đàn ông này chút nào, bởi vì khi con cắt nó thì ông ấy đang làm gì chứ? Ông ấy có thể ngăn cản con mà.”
Người đó nói: “Nhưng tôi đang ngủ.”
Tôi nói: “Nếu cháu cắt ngón tay của bác khi bác đang ngủ thì bác có còn tiếp tục ngủ được không?”
Ông ta nói: “Làm sao tao có thể tiếp tục ngủ được nếu ai đó cắt ngón tay của tao chứ”
Tôi nói: “Điều đó chứng tỏ rằng chỗ tóc ấy đã chết. Ai cũng có thể cắt nó mà không gây ra bất cứ đau đớn nào, không có chút máu nào chảy ra cả. Vậy thì cắt nó cũng có phiền gì đâu? Một thứ đã chết cứ treo lơ lửng ở đó và cháu chỉ nghĩ việc bác phải mang theo một thứ đã chết như vậy bên trong cái turban của bác cả đời là một việc hoàn toàn không cần thiết. Cháu chỉ nghĩ tại sao mình lại không giúp đỡ cho bác một chút, giải thoát cho bác một chút – thế nên cháu đã cắt nó. Cái búi tóc ấy đang trong phòng cháu.”
Vậy nên tôi mang cái choti của ông ta ra và nói: “Nếu bác hứng thú với nó, bác có thể lấy lại. Nếu nó là toàn bộ niềm tin của bác, tôn giáo của bác vậy thì bác có thể giữ nó, buộc nó lại và cất vào trong cái turban của bác lần nữa. Dù sao nó cũng chết rồi, nó chết từ khi nằm trên đầu bác, nó chết khi cháu cắt bỏ nó và nó luôn là một thứ đã chết. Bác có thể giữ nó. Niềm tin của bác, tôn giáo của bác cũng là thứ đã chết hệt như cái choti này mà thôi.”
Và tôi quay sang nói với cha tôi: “Phần thưởng của con đâu?” – ngay trước mặt người đàn ông đó.
Ông ta nói: “Nó đang đòi phần thưởng gì thế?”
Cha tôi nói: “Đây là rắc rối riêng của tôi. Ngày hôm qua thằng bé đã làm một thỏa thuận với tôi rằng nếu nó nói sự thật thì tôi sẽ phải thưởng cho nó. Lần này nó không chỉ nói sự thật, nó còn chứng minh nữa. Thằng bé đã giải thích toàn bộ hành động của nó với cả những logic trong đó, tóc của anh rõ ràng là thứ đã chết vậy thì tại sao anh lại phải bận tâm với một thứ đã chết? Và thằng bé cũng không giấu diếm bất cứ gì. Nó đã trả lại anh chỗ tóc đó.”
Và cha tôi đã thưởng cho tôi 5 rupees, những ngày ấy ở Ấn Độ số tiền đó thật sự là một phần thưởng rất lớn.
Người đàn ông Brahmin đó tức điên với cha tôi. Ông ấy nói: “Ông làm hư thằng bé này. Ông nên đánh đòn nó thay vì cho nó 5 rupees mới phải. Giờ chẳng lẽ cứ để nó đi lòng vòng cắt hết tóc của mọi người sao? Nếu với mỗi cái choti nó lại có 5 rupees thì toàn bộ những brahmin vàc choti trong thị trấn này sẽ xong đời hết, bởi vì tất cả chúng tôi đều ngủ ngoài đường mỗi tối, mà trong khi ngủ thì không ai có thể giữ choti trong tay được. Vậy mà ông lại thưởng cho nó sao – thật là không thể nào tin được.”
Cha tôi nói “Nhưng đây là thỏa thuận của chúng tôi. Nếu anh muốn phạt nó, đó là việc của anh. Tôi sẽ không can thiệp vào. Nhưng tôi không thưởng cho thằng bé vì trò nghịch ngợm của nó, mà tôi thưởng vì sự thật mà nó nói và cả đời tôi tôi sẽ tiếp tục thưởng cho nó nếu nó luôn nói sự thật. Tôi không bận tâm những trò nghịch ngợm của nó, anh muốn phạt nó thì đi mà phạt.”
Tóc
Khi ấy, tôi hay để tóc dài như một đứa con gái. Ở Ấn Độ con trai thường không được để tóc dài, ít nhất ở thời điểm đó việc để tóc dài gần như là không được phép. Nhưng tôi lại vẫn thích để tóc dài và bất cứ khi nào khi tôi đi ngang qua cửa hàng của cha tôi thì những vị khách hàng của ông thường nhìn thấy và hỏi:“Đứa con gái đó là ai vậy?”
Cha tôi chỉ có thể nhìn theo tôi rồi nói: “Nó là con trai tôi. Nó không nghe tôi chút nào cả. Tôi còn có thể làm gì đây?” Và ông ấy cảm thấy bị xúc phạm.
Tôi nói: “Cha không cần cảm thấy bị xúc phạm. Con không thấy có vấn đề gì cả. Nếu ai đó tưởng con là con gái thay vì con trai, đó là việc của họ. Con chẳng bị khác đi tí nào bởi nhận xét của họ cả.”
Nhưng cha tôi vẫn cảm thấy bị xúc phạm chỉ bởi vì con trai của ông ấy bị gọi là con gái. Cái ý tưởng về một đứa con là trai hay gái là một ý tưởng rất điên rồ. Ở Ấn Độ khi một đứa bé trai được sinh ra người ta sẽ đánh chiêng, đánh trống và có ban nhạc hát những bài hát rồi thì người ta sẽ mang kẹo ra phân phát cho khắp hàng xóm láng giềng. Nhưng khi một đứa trẻ gái được sinh ra thì không có gì xảy ra – không gì cả. Bạn sẽ ngay lập tức biết được nhà đó sinh con trai hay con gái khi nhìn những gì xảy ra sau đó có chiêng, có chuông, có múa hát hay có kẹo không. Và nếu như không thì sẽ không ai đến để hỏi thăm cả vì khi bạn đến hỏi thăm, người cha – đang ủ rũ trước thềm nhà – sẽ phải trả lời “nó là con gái” điều đó giống như một sự xúc phạm với ông ta.
Vậy nên cha tôi nói: “Điều này thật bực mình. Ta sinh ra một đứa con trai nhưng lại phải nhận những buồn phiền hệt như sinh ra một đứa con gái.”
Một lần nọ cha tôi đã trở nên thực sự tức giận khi một vị khách – một người quan trọng trong thị trấn đang ở trong cửa hàng và hỏi câu tương tự: “Đứa con gái đó là ai vậy? Trông thật lạ vì nó mặc quần áo giống như con trai, chưa kể nó làm gì với những cái túi chất đầy đá sỏi bên người như vậy?”
Cha tôi nói: “Nó là con trai tôi, nó không phải là con gái. Chỉ vì cái mái tóc đó, tôi sẽ cắt nó ngay hôm nay. Nhiêu đó là quá đủ rồi.”
Nói rồi ông ấy liền chạy đi tìm cái kéo, đến chỗ tôi và cắt tóc của tôi. Tôi để cho ông ấy cắt mà không nói bất cứ lời nào. Sau đó tôi đi đến một cửa hiệu cắt tóc – chỉ ngay trước nhà tôi – và nói với người thợ “Kaka (bác), nếu bác có thể hiểu, xin hãy cạo trọc cái đầu này giúp cháu.”
Có cả dãy cửa hàng cắt tóc nhưng tôi cửa hàng này và người đàn ông này – ông ấy tuy nghiện hút cần sa nhưng là một dạng người hiếm hoi mà tôi rất tôn trọng. Tôi hay qua nhà ông ấy chơi và chúng tôi thường trò chuyện hàng giờ dù cho tất cả những điều ông ấy nói đều vô nghĩa! Kiểu như một hôm ông nói: “Nếu tất cả những người nghiện thuốc phiện mà được tổ chức thành một đảng chính trị, chúng ta có thể tiếp quản đất nước này!”
Tôi nói: “Ý tưởng hay đấy.”
“Nhưng,” bác ấy nói, “bởi vì chúng ta tất cả đều nghiện thuốc phiện, bản thân ta cũng quên mất ý tưởng riêng của mình.”
Tôi nói: “Bác đừng lo. Cháu ở đây và cháu sẽ nhớ. Bác chỉ cần bảo cháu những thay đổi nào bác muốn có ở đất nước này, loại ý thức hệ chính trị nào bác muốn và cháu sẽ xoay xở điều đó.”
Nhưng ông thợ ấy vẫn cạo cho tôi vì tôi có một mối quan hệ đặc biệt với ông ấy, tôi không bao giờ làm phiền cái việc lảm nhảm một mình của ổng bất kể ổng nói gì, tôi không bao giờ bận tâm hay thắc mắc hay tỏ ý khó chịu một chút nào.
Khi tôi đến và bảo ông ấy: “Bác cạo trọc đầu giúp cháu đi.”
Ông ấy nói: “Chuyện gì xảy ra vậy? Cha cháu chết rồi sao?” Đấy là một tục lệ khác ở Ấn Độ, chỉ khi cha bạn mất thì bạn mới phải cạo trọc đầu, còn không thì không được.
Tôi nói: “Bác đừng bận tâm về những điều này, đấy không phải là việc của bác! Bác hãy chỉ làm điều cháu nói. Hãy cạo trọc đầu cho cháu, cạo sạch vào.”
“Được”- Ông ấy nói rồi hút một điếu thuốc để đủ can đảm cạo trọc đầu cho tôi. Ông ấy nói: “Được thôi. Cạo trọc đầu tính ra đó là công việc dễ nhất. Biết bao nhiêu lần bác bị rắc rối. Mọi người nói bác cạo râu và bác quên mất nên bác cạo đầu họ. Khi họ nhận ra và nói, ‘Ông đã làm cái gì vậy?’ thì bác bảo ‘Cùng lắm ông không cần phải trả khoản tiền mà tôi đã cạo đầu cho ông – có vấn đề gì nào?'”
Tôi hay ngồi trong cửa hàng của ông ấy bởi vì bao giờ cũng có cái gì đó buồn cười xảy ra. Ông ấy sẽ cắt một nửa râu mép của ai đó rồi nói: “Đợi nhé, tôi vừa chợt nhớ ra một công việc cần kíp.” Và người này sẽ nói: “Nhưng tôi bị buộc ngồi đây trong chiếc ghế của ông với nửa bộ ria cắt rồi. Tôi không thể đi khỏi cửa hàng được!” Ông ấy sẽ nói: “Hãy cứ đợi ở đó.”
Và thế rồi nhiều giờ trôi qua và người đó vẫn ngồi ở đó, lầm bầm: “Người này là cái loại ngốc gì vậy?”
Một lần tôi phải giúp cạo râu mép cho một người. Tôi nói: “Bây giờ ông tự do nhé. Đừng quên là hãy quay lại đây lần nữa bởi vì bác thợ cạo đã chẳng làm hại gì tới ông cả, bác ấy chỉ quên mất mà thôi.”
Bởi vì có mối quan hệ tốt với nhau cho nên khi tôi nói về chuyện cạo đầu, bác ấy nói “Phải đấy. Đấy không phải là mối quan tâm của ta. Nếu ông ấy chết, thì ông ấy chết.”
Khi nhìn thấy cái đầu đã được cạo sạch, tôi nói “Tuyệt” và về nhà.
Cha tôi trông thấy tôi bước vào với cái đầu trọc lóc liền sửng sốt: “Chuyện gì vậy? Chuyện gì đã xảy ra vậy?”
Tôi nói: “Có chuyện gì đâu. Cha đã cắt tóc con bằng kéo, chúng sẽ lại mọc lại ngay thôi, vì vậy con làm một lần cho xong luôn, con nhờ Kaka cạo luôn bộ tóc ấy và con dự định sẽ để như vậy trong một thời gian thật lâu, cho tới khi con thích. Và cha đừng lo về chuyện tiền bạc vì Kaka nói rằng bất cứ khi nào con muốn cạo cứ ghé qua, bác ấy sẽ làm cho con miễn phí. Bởi vì chỉ mình con là người duy nhất nghe những điều bác ấy lảm nhảm cả ngày, chú ấy sẽ không lấy tiền cho việc cạo tóc này bất cứ khi nào con muốn, cha đừng lo.”
Cha tôi nói: “Nhưng con biết rõ việc này sẽ mang lại nhiều rắc rối hơn cho ta”
Và ngay khi ông ấy vừa nói thì có một người đàn ông đến nhìn tôi và nói: “Chuyện gì vậy? Đây là con của ai? Cha của nó mất rồi sao?”
Cha tôi bối rối nói: “Nó là con trai tôi và tôi vẫn còn sống sờ sờ ra đây! Nhưng tôi biết tại sao nó lại làm như vậy. Đó là câu trả lời của nó cho hành động của tôi.”
Cha tôi nói: “Có khi cứ để con bị hiểu lầm như con gái lại tốt hơn. Giờ thì ta chết rồi. Con hãy làm sao để tóc con mọc ra càng nhanh càng tốt đi, hãy đến chỗ Kaka của con mà hỏi xem anh ta có cách nào giúp không. Nếu không thì chắc chắn con sẽ gây thêm rắc rối cho ta. Cả thị trấn người ta sẽ đến đây. Và ta biết con hay đi vòng quanh thị trấn cho nên sớm thôi mọi người sẽ nghĩ rằng cha của thằng bé đó đã chết. Họ sẽ tới đây và ta sẽ phải thanh minh với từng người. Thật phiền phức.”
Và họ bắt đầu tới thật.
Sau lần đó ông ấy nói: “Ta không định làm gì với con nữa bởi vì nó nhất định sẽ kéo theo nhiều rắc rối.”
Tôi nói: “Con không đề nghị điều đó. Con sẽ vẫn cứ tiếp tục làm mọi việc theo cách của riêng con. Việc can thiệp của cha dù bằng bất cứ hình thức nào cũng chỉ là điều không cần thiết.”
Bất kì chỗ nào tôi tới mọi người đều hỏi: “Có chuyện gì vậy? Ông ấy hoàn toàn mạnh khoẻ cơ mà.”
Tôi nói: “Mọi người chết vào bất kì tuổi nào. Tại sao các bác không tới mà lo cho ông ấy mà lại phải đi bận tâm về tóc của cháu?”
Đó là điều cuối cùng cha tôi đã tự ý can thiệp trên tôi, bởi vì ông ấy biết rằng câu trả lời của tôi có thể còn nguy hiểm hơn! Ngược lại, ông ấy đã mua dầu nào đó vẫn dùng cho việc mọc tóc. Đó là dầu rất đắt, bắt nguồn từ Bengal từ loại hoa nào đó, javakusum. Nó rất đắt, hiếm, chỉ những người giầu nhất mới dùng – và không phải bởi đàn ông mà chỉ đàn bà – để giữ cho tóc dài nhất có thể được. Ở Bengal tôi đã bắt gặp những đàn bà có tóc dài chấm đất – dài mét rưỡi, mét tám. Dầu đó đơn giản có tác dụng, cực kì công hiệu cho tóc.
Tôi nói: “Bây giờ cha hiểu chứ.”
Ông ấy nói: “Ta đã hiểu. Con dùng dầu này nhanh lên; trong vài tháng tóc con sẽ mọc lại.”
Tôi nói: “Cha tạo ra cả đống lộn xộn này. Tại sao cha phải xấu hổ? Cha có thể đã nói với họ rằng: ‘Nó là con gái đấy.’ Con chẳng phản đối gì về điều đó cả. Nhưng cha không nên can thiệp vào con theo cách mà cha đã làm. Điều đó là bạo hành. Thay vì nói với con điều gì đó, cha lại cứ thế cắt tóc của con. Thật là một hành động man rợ.”
Cha tôi nói “Ta xin lỗi.”
Không ai cho phép bất kì ai được là chính mình. Ai cũng cố áp đặt ý tưởng của họ lên bạn. Đến nỗi bạn chấp nhận tất cả những ý tưởng của người khác sâu sắc tới mức dường như bạn tin chúng là các ý tưởng của bạn. Thảnh thơi đi. Quên tất cả những ước định, những ý tưởng đó đi, vứt chúng như lá khô rụng khỏi cây. Tốt hơn cả cứ là cây trụi lụi không lá nào còn hơn có lá nhựa và hoa nhựa và quả nhựa; điều đó là xấu. Mọi thứ không thực, đều xấu.
Trang phục
Trong thị trấn ấy, thì tôi là người phi Hồi giáo duy nhất ăn mặc giống như một người Hồi giáo. Cha tôi nói: “Con có thể làm bất cứ cái gì nhưng ít nhất, đừng làm điều này bởi vì cha phải sống trong xã hội, cha phải nghĩ về những đứa con khác nữa không thể chỉ lo mỗi con. Con có ý tưởng ăn mặc như thế này từ đâu thế?”
Những người Hồi giáo trong thị trấn của tôi dùng một loại pajama được gọi là salvar, thay vì cái dhoti mà người Ấn thường dùng. Cái đó được dùng bởi những người Pakhtoon tại Afghanistan và Pakhtoonistan – những nơi xa xôi gần Hy mã lạp sơn, phía bên kia Hy mã lạp sơn. Nhưng nó là một bộ pajama đẹp và không được may một cách hà tiện vải giống như một bộ pajama bình thường; nó có rất nhiều nếp gấp. Nếu bạn có một cái salvar thực thụ, thì bạn có thể may ít nhất 10 cái pajama bình thường khác từ đó. Nó có nhiều nếp gấp và những nếp gấp đó tạo cho nó vẻ đẹp riêng khi chúng kết lại cùng nhau. Và tôi mặc một cái kurtha đặc biệt của người Pakhtoon, không phải loại kurtha của Ấn Độ. Kurtha kiểu Ấn thì ngắn, và những tay áo thì không quá rộng. Kurtha kiểu Pakhtoon có tay áo rất rộng, và cái kurtha thì rất dài; nó xuống tận đầu gối. Và thêm vào đó nữa, tôi có một cái mũ lưỡi trai Thổ Nhĩ Kỳ.
Cha tôi thường bảo tôi: “Con bước vào cửa tiệm với mắt nhắm, và nhắm mắt đi ra. Tại sao không dùng cửa sau?” Ông nói, “Con có thể đi vào từ cửa sau, con có thể đi ra từ cửa sau; con có thể có chìa khóa riêng, bởi vì không ai dùng cửa sau. Ít nhất, chúng ta sẽ khỏi phải mất công trả lời mọi khách hàng, ‘Người Hồi giáo đang nhắm mắt đi vào, là ai thế?’ Thế mà con lại có những ý tưởng kỳ lạ này. Chúng ta có một cửa tiệm vải vóc – đủ loại vải đều có ở đây, y phục may sẵn đều có ở đây, con có thể có bất cứ kiểu nào, nhưng tại sao con lại chọn kiểu Hồi giáo chứ?” Tại Ấn, kiểu y phục Hồi giáo được xem là kiểu tồi tệ nhất.
Tôi nói: “Đó chính là lý do, bởi vì tất cả mọi người đều nghĩ rằng kiểu Hồi giáo là kiểu tồi tệ nhất. Con mặc nó để phản đối tất cả mọi người, con cho rằng y phục của người Hồi giáo là y phục đẹp nhất. Và người ta có thể nhận thấy điều đó một cách dễ dàng, bất cứ nơi nào con đi, chỉ có con là được chú ý, không ai khác được chú ý. Bất cứ khi nào con bước vào phòng học, con cũng đều được chú ý; bất cứ nơi nào con đi, con được chú ý ngay lập tức.”
Và đó là lý do mà tôi sử dụng loại trang phục đó. Nó thực sự là một kiểu trang phục đẹp và với một cái mũ lưỡi trai Thổ Nhĩ Kỳ nữa chứ. Cái mũ lưỡi trai thì dài và có một cái tua treo lủng lẳng một bên; mọi người Thổ Nhĩ Kỳ giàu có đều dùng nó. Tôi còn rất bé nhưng kiểu trang phục đó đã giúp tôi trong nhiều cách.
Tôi có thể đi gặp ông ủy viên hội đồng của thị trấn và người gác cổng thường chỉ nhìn thấy tôi liền nói: “Mời vào” khi ông ấy nhìn thấy bộ trang phục đó. Có lẽ ta ông sẽ không cho phép tôi, một cậu trai nhỏ, bước vào nhưng “Với cái trang phục này, hẳn cậu ta là một sheik hay một ai đó rất quan trọng.” Và ngay cả ông ủy viên hội đồng cũng thường đứng lên, khi nhìn thấy cái trang phục của tôi. “Sheik” được dùng cho những người rất đáng tôn trọng, và ông thường nói, “Sheikji, betye – Sheikji, xin mời ngồi.”
Tôi nói với cha tôi: “Cái trang phục này giúp con trên nhiều phương diện. Chỉ mới hôm kia, con đến gặp một ông mục sư và ông ta cũng nghĩ rằng con là một sheik thuộc về một gia đình Ả Rập hay Ba Tư. Thế mà cha lại muốn con bỏ cái trang phục này, chỉ dùng một dhoti và kurtha – những thứ tầm thường mà chắc hẳn không có ai thèm chú ý đến?”
Một hôm, cha tôi lấy tất cả salvar, kurtha và ba cái mũ lưỡi trai Thổ Nhĩ Kỳ của tôi và gói lại thành một gói rồi đi xuống nhà kho ở tầng hầm. Ông ấy đặt chúng ở đó, nơi cất giữ mọi loại vật dụng bị vỡ, vô dụng, hư hỏng. Khi ra khỏi phòng tắm và chẳng thấy quần áo đâu cả, tôi chỉ đơn giản trần truồng, mắt nhắm lại, cứ thế mà đi vào trong cửa tiệm. Trong khi tôi đang đi ra ngoài, cha tôi nói: “Con đợi đã! Hãy trở lại. Mặc áo quần vào đã chứ.”
Tôi nói: “Cha hãy mang chúng đến, bất kể chúng đang ở đâu.”
Ông nói: “Ta chưa bao giờ nghĩ rằng con sẽ làm điều này. Ta nghĩ rằng con sẽ nhìn quanh tìm áo quần và khi không tìm thấy chúng, bởi vì ta đã đặt chúng trong một nơi mà con sẽ không tìm thấy chúng. Rồi tự nhiên con sẽ mặc những y phục bình thường mà đáng lẽ con nên mặc. Ta chưa bao giờ nghĩ rằng con sẽ làm việc này.”
Tôi nói: “Con thích những hành động trực tiếp. Con không tin vào lời nói không cần thiết.”
Tôi thậm chí cũng không hỏi bất cứ ai, là áo quần của tôi ở đâu. Tại sao lại phải hỏi chứ? Sự trần truồng của tôi sẽ phục vụ mục đích tương tự. Ông nói: “Con có thể lấy lại quần áo của mình và không ai sẽ quấy rầy con về chúng nữa. Nhưng hãy làm ơn, đừng ở truồng, vì điều đó sẽ tạo ra thêm sự rắc rối – rằng một nhà buôn vải vóc, mà lại có một đứa con trai không có y phục để mặc. Con là người tai tiếng và con sẽ làm cho chúng ta bị tai tiếng lây; ‘Hãy nhìn đứa trẻ đáng thương!’ Mọi người sẽ nghĩ rằng ta không cho con y phục.”
Tôi tiếp tục mặc cái trang phục đó cho tới tận kỳ thi tuyển sinh vào đại học. Họ cố hết sức để tôi không mặc nó nữa, nhưng họ càng cố sức thì càng vô vọng. Tôi nói: “Nếu cha mẹ ngừng cố gắng thì có lẽ con có thể bỏ nó; còn như nếu cha mẹ tiếp tục cố sức để ngăn cản, thì con là người cuối cùng bỏ nó.”
Trèo cây
Hồi nhỏ tôi hay trèo cây, có những cái cây rất an toàn để trèo: nhiều cành nhánh và rất vững chãi, bạn thậm chí có thể leo lên tới ngọn cây mà không lo rằng chúng sẽ gẫy; ngược lại cũng có những cây rất giòn, dễ gãy. Tôi thì thường xuyên trèo lên những cái cây để hái quả, những quả chín cây ngon lành thế nên gia đình tôi rất lo lắng và họ luôn phải phái ai đó ra ngăn cản tôi.
Tôi nói với cha tôi “Thay vì ngăn cản con, xin cha hãy giải thích cho con cây nào là nguy hiểm – để con có thể tránh chúng, và cây nào là không nguy hiểm – để con có thể trèo chúng. Nhưng nếu cha không chỉ cho con mà chỉ cứ cấm cản con thế thì nhất định sẽ có nguy hiểm đấy vì con rất thích trèo cây, con sẽ không dừng việc trèo cây đâu, và khi con trèo lên một cây sai và té ngã, ấy thế thì là trách nhiệm của cha vì đã không hướng dẫn con đúng cách – thay vào đó lại cứ cố gắng cấm cản con.
“Công việc của cha là phải nói cho con đích xác cây nào con không nên trèo, vì nếu con trèo lên cây sai và con có thể té gãy xương hay làm đau cơ thể con. Điều đó con biết là không tốt, nhưng cha đừng ra lệnh cấm đoán con, không có hiệu quả đâu.”
Và thế là cha tôi đã phải đi cùng tôi quanh thị trấn chỉ để dặn tôi cây nào là nguy hiểm.
Rồi tôi lại nói với ông ấy: “Cha có biết người nào leo trèo giỏi trong thành phố này không? Người có thể dạy con trèo ngay cả trên những cây nguy hiểm nhất này?”
Cha tôi nói: “Con thật quá quắt, điều này đi quá xa rồi.”
Tôi nói: “Những gì cha dạy, con nhớ rồi, con sẽ chú ý các loại cây theo hướng dẫn của cha bởi vì con đã đề nghị điều đó. Nhưng những cây mà cha nói là nguy hiểm lại hấp dẫn không cưỡng lại được, bởi vì jamun – một loại quả của Ấn Độ – mọc trên những cây đó. Nó thực sự ngon và khi nó chín con có thể không có khả năng cưỡng lại cám dỗ. Cha là cha của con, trách nhiệm của cha là giúp đỡ con làm điều con muốn. Cha phải biết ai đó có thể giúp con chứ.”
Cha tôi nói: “Nếu ta biết rằng làm cha lại khó thế, ta đã chẳng bao giờ trở thành một người cha – ít nhất cũng không phải là cha của con. Thôi được rồi, ta biết một người.”
Và cuối cùng ông ấy giới thiệu tôi với một ông già, người trèo cây giỏi nhất, công việc của ông ấy là làm nghề tỉa cây, bất cứ cây nào dù khó khăn và nguy hiểm đến đâu cũng không phải là vấn đề với ông ấy. Thế là cha tôi bảo ông ấy: “Xin ông hãy dạy cho thằng bé này cách trèo cây, đặc biệt là cách trèo những cây nguy hiểm, những cây có thể gãy.”
Ông già ấy nhìn tôi và nói: “Chưa bao giờ có ai yêu cầu tôi điều này, đặc biệt là một người cha đem đứa con tới. Đó là việc nguy hiểm, nhưng nếu đứa nhỏ này yêu thích việc trèo cây đến vậy, thế thì tôi cũng sẽ thích dạy cho nó.” Và ông ấy đã dạy tôi tất cả các loại sách lược để tự bảo vệ mình trong việc trèo cây, như là nếu bạn muốn trèo cao lên cây và không muốn ngã xuống đất, thế thì trước hết hãy buộc bản thân mình bằng dây thừng tại điểm mà bạn cảm thấy cây còn đủ mạnh, và thế rồi trèo lên. Nếu bạn ngã, bạn sẽ bị treo lơ lửng từ dây thừng, nhưng sẽ không bị ngã xuống đất. Và điều đó thực sự đã giúp đỡ tôi rất nhiều lần khỏi bị gẫy xương.
Những việc như thế cứ tiếp tục mãi – tôi không bao giờ bỏ lỡ một cơ hội để mài sắc trí thông minh của mình. Tôi xoay mọi cơ hội khả dĩ về hướng mài sắc trí thông minh, tính cá nhân của tôi để có thể làm điều tôi muốn. Dù cho trong mắt mọi người lúc ấy, tôi là kẻ điên khùng, họ không biết rằng mọi việc tôi làm đều có lý do và một phương pháp hẳn hòi.
Ngủ
Cha tôi thường bảo tôi phải đi ngủ sớm – đó cùng là cách mọi đứa trẻ ở Ấn Độ được dạy trong hàng thế kỉ. Tôi được bảo rằng: “Đi ngủ sớm và dậy sớm vào buổi sáng, điều đó sẽ làm cho con thông minh.”
Tôi nói với cha tôi: “Điều này thật kì lạ, khi con không cảm thấy buồn ngủ, cha buộc con phải đi ngủ sớm – trong nhà của người Jaina, ngủ sớm thật sự là rất sớm, chỉ sau bữa cơm chiều, khoảng 5-6 giờ, và chẳng còn gì để làm nên trẻ con sẽ được bảo phải đi ngủ.
Tôi nói với ông ấy “Khi năng lượng của con vẫn còn đang hoạt động, cha bắt con phải ngủ. Và vào buổi sáng khi con vẫn còn cảm thấy buồn ngủ cha lại lôi con ra khỏi giường. Đây là một cách kì lạ để làm cho người ta thông minh. Con không thể nhìn ra bất cứ sự liên hệ nào – làm sao con có thể thông minh bằng việc đi ngủ khi con không muốn ngủ? Và con cứ phải nằm yên hàng giờ trong bóng tối – khoảng thời gian quý giá ấy đáng lẽ phải được dùng để làm cái gì đó khác, cái gì đó mang tính sáng tạo – cha bắt con đi ngủ lúc ấy, nhưng giấc ngủ không phải thứ mà cha có thể quản được. Chỉ vì nghe lời cha mà con đã phí hoài biết bao nhiêu thời gian quý báu của mình vào việc chờ đợi giấc ngủ tới. Và buổi sáng con vẫn muốn ngủ cha lại bắt con dậy để đi dạo – làm sao những việc đó lại làm cho con trở nên thông minh? Con không thể hiểu được, xin cha hãy giải thích cho con!
“Xin cha hãy kể cho con, bao nhiêu người đã trở nên thông minh theo cách này? Vì con không thấy ai xung quanh con cả. Thậm chí đến cả ông nội, con đã nói chuyện với ông và ông cũng đã nói rằng đây là một cách ngu xuẩn, vô ích. Ông nói trí huệ không đến bằng việc đi ngủ sớm, nó không đến đâu, đừng để bị lừa bởi những quan niệm vớ vẩn.”
Tôi bảo với cha tôi: “Cha hãy nghĩ về điều đó mà xem, và xin hãy công bằng với con. Hãy cho con điều tự do nhỏ nhoi này – rằng con có thể đi ngủ khi con cảm thấy giấc ngủ tới, và con chỉ dậy khi con cảm thấy rằng đó là đúng lúc tức là khi sự buồn ngủ không còn đó nữa.”
Cha tôi đã suy nghĩ mất một ngày và rồi ngày hôm sau ông ấy nói: “Thôi được có lẽ con nói đúng, con hãy làm nó theo nhu cầu của riêng con, hãy lắng nghe cơ thể con hơn là nghe lời ta.”
Kính trọng
Ở Ấn Độ bạn thường có hàng ngàn người họ hàng xa mà bạn chẳng biết ai là ai cả. Mỗi khi có người nào đó đến nhà tôi, cha tôi thường bảo tôi đến chạm chân người đó.
Tôi nói: “Con sẽ không chạm vào chân ai cả cho tới khi con tìm ra được điều thật sự đáng kính trọng từ người đó”. Dần dần khi những người họ hàng xa khác tới thăm việc đầu tiên mọi người làm là thuyết phục tôi đi ra chỗ khác chơi bởi vì, họ nói: “Điều đó thật là xấu hổ khi chúng ta nói ‘Con hãy chạm chân người đàn ông già này’ thì con sẽ nói ‘Đợi đã, hãy để cho con thấy vài điều đáng kính trọng ở ông ấy trước, không thì làm sao con có thể chạm chân ông ấy khi không biết bất cứ điều gì về ổng, nếu vậy làm sao cha có thể mong đợi con là người thành thật được?’”
Nhưng đó là tất cả những gì xã hội yêu cầu: bạn chỉ cần biết cách mỉm cười, tung hô người khác và nghe lời, thế thì bạn sẽ được yêu quý.
Lúc bé tôi cũng phải nghe đi nghe lại câu này: “Con phải lễ phép. Con phải kính trọng người già”.
Tôi thường nói với cha tôi rằng: “Trước khi cha bảo con kính trọng một người, ít nhất cha cũng phải biết chắc là người đó có đáng được kính trọng không đã chứ; nếu không cha sẽ biến con thành đứa đạo đức giả. Con biết có những người không đáng kính chút nào, thế nhưng họ lớn tuổi hơn con và con phải kính trọng họ. Con sẵn sàng kính trọng người ta nhưng ít nhất họ phải có gì đó xứng đáng. Nếu không thì tại sao con lại phải kính trọng họ?”
Cha tôi thường nói rất nhiều lần: “Con toàn nói ra những điều lố bịch. Chúng ta phải sống trong một xã hội, mà xã hội thì vận hành theo những quy tắc nhất định. Chúng ta phải làm theo những phong tục tập quán, nếu không con sẽ bị xã hội bài trừ. Con đừng lố bịch như thế nữa.”
Tôi nói: “Con không muốn bị xã hội bài trừ, nhưng con không thể cư xử theo logic được trong khi hiện hữu lại đi theo một hướng khác. Những gì cha nói là logic. Cha nói rằng: ‘Đó là cách mà bấy lâu người ta vẫn sống; và người ta cần phải sống theo cách đó’ nhưng nếu không thì sao? Cách thức là do con người tạo ra, con người cũ từng tạo ra những cách thức cũ thế thì hãy để cho con người mới tạo ra những cách thức sống mới. Con sẽ xung phong là người tạo ra cách thức mới ấy.”
Trong nhà tôi thời ấy thường hay có khách, mỗi khi trong nhà có khách họ lại phải tìm cách để đẩy tôi ra ngoài, đi đâu đó. Có lần họ còn bảo tôi hãy đi gặp bác sĩ vì tôi đang bị cảm đã nhiều ngày rồi, tôi nói: “Con biết con bị cảm, con biết chỗ bác sĩ. Con sẽ đi khi tự con muốn đi. Nhưng ngay lúc này thì con không muốn đi và sẽ không ai ép con đi được. Cảm hay ung thư cũng được, con sẵn sàng chết ngay trong nhà lúc này.”
Họ nói: “Tại sao chứ?”
Tôi nói: “Con biết ai đó đang tới nhà, có lẽ một vị khách quý và cha mẹ thì đang sợ.”
Tất nhiên là họ sợ, vì tôi thường làm cho họ mất mặt lẫn lúng túng. Vị khách có thể là một người quan trọng nào đó và tôi thì cứ liên tục làm hỏng những mối quan hệ tốt đẹp đó của họ. Một lần, đang trong bữa ăn tôi bỗng cười lớn. Cả gia đình tôi biết rằng sắp có chuyện xảy ra khi tôi đột nhiên cười như vậy, nhất là khi nhà đang có khách. Cả nhà thì chuẩn bị tinh thần rồi nhưng vị khách tội nghiệp thì không, ông ta nói: “Tại sao cháu lại cười?”
Tôi nói: “Cười đâu cần phải có nguyên nhân. Thực tế, cháu hỏi bác: Tại sao cháu lại không được cười? và Tại sao bác và mọi người không cười mà lại ngồi mặt dài ra như thế? Tiếng cười là thứ có giá trị, mặt dài như bác và mọi người thì có giá trị gì? Trước khi bác tới mọi người còn có chút vui vẻ, từ khi bác tới mọi người bỗng trở nên nghiêm trang, buồn bã, mặt dài và đờ đẫn, không sự sống. Hẳn là có điều gì đó sai với bác. Tại sao bác lại tạo ra bầu không khí này? Những nơi khác bác tới bầu không khí có giống vậy không?”
Họ bị sốc. Họ bị sốc hết lần này tới lần khác. Đó là lý do họ cứ tìm cách đẩy tôi ra khỏi nhà khi nhà có khách. Một lần, giữa buổi trò chuyện của họ, tôi nhảy múa và tất nhiên họ dừng việc trò chuyện lại. Bởi vì tôi không chỉ nhảy múa xung quanh, tôi còn nhảy múa giữa họ nữa. Họ nói: “Cháu ra ngoài chơi đi. Ra ngoài kia mà nhảy múa.”
Tôi nói: “Khi cháu nhảy múa, cháu biết chỗ nên nhảy. Nếu cháu muốn nhảy múa ở ngoài sân, chẳng lẽ cháu không biết tự đi ra đó ngay từ đầu sao? Cháu có quyền nhảy múa ở mọi nơi cháu muốn. Nếu các bác thấy phiền, các bác có thể ra ngoài sân mà nói chuyện với nhau. Những chủ đề ngu xuẩn các bác đang nói, chẳng có gì ý nghĩa trong đó cả. Nhảy múa còn có ý nghĩa hơn những câu chuyện của các bác. Nói về thời tiết, mùa vụ… để làm gì chứ? Tất cả các bác đều biết, ngay cả cháu cũng biết. Nói điều ai cũng biết rồi và không ai thay đổi được, thì có ích gì?”
Ở Ấn Độ, trong các cuộc nói chuyện người ta không bao giờ thảo luận về các chủ đề đang gây tranh cãi bởi vì điều đó có thể tạo ra bất hòa, đối kháng hay xích mích. Họ chỉ thảo luận về các chủ đề không gây tranh cãi chút nào như thời tiết chẳng hạn. Có gì để mà trò chuyện về thời tiết chứ? Nếu trời nóng, thì nó nóng. Nếu trời lạnh, thì nó lạnh. Có gì để mà bàn?
Tôi nói với họ: “Cháu nhảy múa ở đây chỉ để làm cho các bác nhận ra rằng các bác đang lãng phí thời gian của mình trong những câu chuyện vớ vẩn. Tốt hơn là hãy tham gia nhảy múa cùng cháu thì hơn.”
Quyền nói “Có” và quyền nói “Không”
Ngay từ thời thơ ấu tôi đã nhận ra một điều. Tôi có mười anh chị em ruột trong nhà, chưa kể các anh chị em họ con của các chú nữa. Và tôi nhận ra một điều rằng bất cứ đứa trẻ nào biết vâng lời thì đều rất được người lớn yêu quý và xem trọng. Vậy nên tôi đã phải ra một quyết định, quyết định ấy không chỉ vì sự tồn tại của tôi trong gia đình hay trong thời thơ ấu nhưng là một quyết định giá trị cả cuộc đời tôi – rằng nếu tôi là một người vâng lời – theo bất cứ cách nào – chỉ để nhận được sự yêu mến và xem trọng từ họ – thế thì tôi sẽ không bao giờ có thể phát triển và nở hoa cho tính cá nhân của mình. Thế nên ngay từ thời thơ ấu, tôi đã bỏ hoàn toàn cái ý định về việc phải vâng lời ai đó để được họ yêu quý và xem trọng từ người khác.
Tôi đến nói với cha tôi: “Con có một điều cần tuyên bố với cha cho rõ ràng.”
Cha tôi luôn luôn lo lắng bất cứ khi nào tôi tới chỗ ông ấy, bởi vì ông ấy biết rằng kiểu gì cũng sẽ có rắc rối. Ông ấy nói: “Đây không phải cách một đứa trẻ đến nói với cha nó rằng ‘con muốn tuyên bố với cha một điều’”
Tôi nói: “Nó là một tuyên bố thông qua cha để đến toàn thế giới. Ngay lúc này thì toàn thế giới hơi khó với con và cha là đại diện cho cả thế giới. Nó không còn là vấn đề của một đứa con trai và một người cha, nó là vấn đề giữa một cá nhân và một tập thể hay một đám đông. Tuyên bố rằng con sẽ từ bỏ toàn bộ mọi ý tưởng về việc được xem trọng, vậy nên dưới danh nghĩa của “sự tôn trọng” đừng bao giờ yêu cầu bất cứ điều gì từ con, nếu không thì con sẽ chỉ làm những điều ngược lại.
“Con sẽ không luôn vâng lời đâu. Điều đó không có nghĩa con sẽ luôn cãi lời cha, nó đơn giản nghĩa là việc vâng lời hay không vâng lời hoàn toàn là do sự lựa chọn của con. Nếu con cảm thấy điều gì hợp lý, con sẽ làm theo, nhưng khi đó nó không có nghĩa là con đang vâng lời như cha nghĩ đâu, nhưng là tùy thuộc vào trí thông minh của riêng con để phán đoán xem có nên nghe theo hay không mà thôi. Nếu con cảm thấy điều gì không hợp lý thì con sẽ từ chối. Con xin lỗi nhưng cha phải hiểu một điều: chỉ trừ khi con có thể nói ‘Không’ thì cái ‘Có’ của con mới có ý nghĩa được.
“Đây là tuyên bố của con – cha có thể đồng ý hay không, điều đó là tùy ở cha nhưng con đã quyết định rồi, bất kể sự lựa chọn của con có dẫn đến hậu quả nào con cũng sẽ chịu trách nhiệm, con sẽ theo nó đến cùng.”
Và tôi làm cho tuyên bố này trở nên rõ ràng với tất cả mọi người trong nhà, rằng sẽ không ai áp đặt được tôi làm bất cứ việc gì mà không theo ý của tôi. Nếu họ muốn tôi làm gì thì họ nên chuẩn bị sẵn sàng những lập luận để thuyết phục tôi, tôi sẵn sàng nghe theo họ, nếu họ có thể.
Tôi nói: “Cha có thể là cha con nhưng không có nghĩa cha trở thành trí thông minh của con, tính cách của con, cuộc đời của con. Cha giúp sinh con ra nhưng nó không có nghĩa là cha sở hữu con. Con không phải một món đồ vật. Vậy nên nếu cha muốn con làm việc gì, hãy chuẩn bị. Hãy làm bài tập của cha. Con sẽ tranh luận tới cùng, cho tới khi con hoàn toàn cảm thấy hài lòng.”
Và rồi dần dần từ những việc nhỏ nhất họ dần nhận ra rằng: “Tốt hơn là hãy cứ đề xuất điều gì chúng ta muốn sau đó để thằng bé tự quyết định xem liệu nó có muốn làm hay không. Đừng lãng phí thời gian một cách không cần thiết để quấy rầy nó vì còn khổ hơn khi bị nó quấy rầy lại…”
Thế rồi càng ngày họ càng trao cho tôi nhiều tự do nhất trong mọi việc – nhờ đó tình yêu của tôi trở thành thứ rất thật.
Tình yêu trở thành thật khi nó không bị sở hữu, khi nó không biến bạn thành đồ vật. Tình yêu trở thành thật khi nó chấp nhận trí thông minh của bạn, tính cá nhân của bạn, tự do của bạn. Và nó mang lại cho bạn sự tôn trọng của người khác dù cho bạn chỉ mới là một đứa trẻ. Tôi biết họ là những người tôi có thể hoàn toàn tin tưởng, tôi biết họ sẽ không bao giờ lừa dối tôi.
Tôi hoàn toàn được quyền lớn lên theo cách riêng của mình, và họ chấp nhận điều đó. Họ bảo vệ tôi theo mọi cách có thể, họ giúp tôi theo mọi cách có thể, nhưng không bao giờ quấy rầy tôi. Và đó là điều mà mọi bậc cha mẹ nên làm.
Khắp mọi nơi, khoảng cách giữa các thế hệ là rất lớn, các cha mẹ phải chịu trách nhiệm cho điều đó, bởi vì họ đã cố gắng áp đặt học thuyết của họ, chính trị của họ, xã hội của họ, tôn giáo của họ, triết lý của họ – tất cả mọi thể loại rác rưởi đó họ đều cố gắng áp đặt lên đứa trẻ.
Thời thơ ấu của tôi là một cuộc chiến thường xuyên với cha tôi. Ông ấy là một người đáng yêu, rất hiểu biết, nhưng dầu vậy ông ấy vẫn như bao người cha khác khi thường xuyên nói “con PHẢI làm điều này, điều kia” và tôi luôn đáp lại là “Cha không thể ép con PHẢI làm gì được, cha chỉ nên gợi ý thôi và hãy nói rằng nếu con thích thì con hãy làm, nếu con không thích, thì thôi. Việc con sẽ làm nên là quyết định của con, không phải của cha. Con sẽ vâng lời với những gì là chân lý và tự do. Con có thể hi sinh mọi thứ cho chân lý, cho tự do, cho tình yêu, chứ không phải cho sự nô lệ. Và từ “PHẢI” của cha thì quá nặng mùi nô lệ.”
Chẳng mấy chốc cha tôi hiểu rằng tôi không thuộc loại vâng lời hay không vâng lời. Tôi không nói “Con sẽ không làm” nhưng tôi nói “Cha hãy rút bỏ chữ “PHẢI” của cha đi đã. Hãy cho con không gian để quyết định liệu con có muốn nói ‘có’ hay không, và cha cũng đừng phật lòng nếu con nói ‘không’. Đây là cuộc sống của con, con phải sống nó, và con có mọi quyền để sống nó theo cách riêng của con. Cha có nhiều kinh nghiệm hơn, cha có thể gợi ý, cha có thể khuyên nhủ, nhưng con sẽ không nhận mệnh lệnh từ bất kì ai. Dù cái giá là thế nào, dù hậu quả là thế nào, con cũng sẽ không nhận lệnh từ bất kì ai.”
Và dần dần cha tôi đã bỏ cái từ “PHẢI” của mình. Ông ấy bắt đầu nói “Có vấn đề này, nếu con cảm thấy đúng, con có thể làm giúp ta, nếu con cảm thấy không thích, đó là quyết định của con.”
Tôi nói: “Đây mới là cách thể hiện tình yêu đích thực cha dành cho con”
Chỉ có ba thứ nên được đưa ra làm hướng dẫn cho người lớn cách hành xử với trẻ con – với ba thứ đó chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra một thế giới mới với những con người mới – chúng ta sẽ có những con người mang tính cá nhân chứ không phải đám đông hỗn loạn. Và mỗi cá nhân đều là duy nhất đến nỗi việc ép buộc ai đó trở thành một phần của đám đông là phá hủy người đó, phá hủy tính duy nhất của người đó. Anh ta có thể góp phần xây dựng nên một thế giới mới nhưng chỉ khi anh ta được để cho một mình và được hỗ trợ, được giúp đỡ nhưng không bị chỉ thị, áp đặt. Chính là ba thứ đó: bảo vệ, giúp đỡ mà không áp đặt
Lời phàn nàn
Tất cả các giáo viên của tôi, những người hàng xóm, kể cả những người cha tôi không quen biết đều thường xuyên liên tục đến cửa hàng tìm và phàn nàn với cha tôi.
Cha tôi bảo họ: “Các người phàn nàn với tôi thì tôi biết phàn nàn với ai đây? Các người nghĩ là tôi có quyền với nó à? Các người nghĩ là nó sẽ nghe lời tôi sao? Hãy làm mọi thứ các người muốn: trừng phạt nó, đuổi học nó cũng được, không vấn đề gì với tôi cả, tôi đồng ý tất. Nhưng đừng làm phiền tôi với những vấn đề về nó nữa, bởi vì mọi người cứ đến phàn nàn suốt cả ngày. Tôi có thể làm gì đây? Tôi còn có thể làm gì khác được nữa nếu như cả ngày cứ phải ngồi nghe các người đến phàn nàn và kể những chuyện nó làm với mọi người, giáo viên này, giáo viên nọ, hàng xóm này, hàng xóm nọ?”
Và ông ấy bảo tôi: “Con có thể làm mọi thứ con muốn, nhưng đừng làm hỏng việc kinh doanh của ta. Mọi người cứ đến cửa hàng rất đông mỗi ngày, ban đầu ta còn tưởng họ là khách hàng nhưng hóa ra tất cả đều là “khách” của con hết.”
Tôi đề xuất cho ông ấy: “Cha hãy làm việc này. Trong cái cửa hàng lớn này, hãy đề một tấm bảng trong góc nào đó cho mọi người có thể thấy, viết rằng “Phàn nàn tại đây” và con sẽ ngồi ở đó để tiếp chuyện họ. Hoặc là làm một cái hộp nhận những bức thư phàn nàn. Thế thì cha sẽ được thoát khỏi mớ rắc rối ấy. Cứ để họ đến tiếp chuyện với con.”
Ông ấy nói: “Ý tưởng hay đấy, nhưng con có bao giờ thấy cửa hàng nào mà có đề hộp thư phàn nàn như vậy chưa? Mọi người sẽ nghĩ rằng đấy là hộp thư phàn nàn về ta và việc kinh doanh này, không ai sẽ nghĩ rằng họ đến để tìm con, để phàn nàn về con. Và con thì ta hiểu mà, con nhất định sẽ bày thêm trò nghịch ngợm với họ.”
Tôi nói: “Đó chỉ là một ý tưởng để giúp cha thôi.”
Điều đó thật khó cho cha tôi, nó khó cho cả các giáo viên, khó cho những tu sĩ, khó cho tất cả những ai mà không cho phép hay không chấp nhận ý tưởng về sự bất tuân. Thậm chí Thượng đế – người toàn năng nhất, người có mọi sức mạnh trên đời, bạo chúa vĩ đại nhất, nhà độc tài kinh khủng nhất – cũng không thể cho phép điều đó. Ông ấy thậm chí đã không thể tha thứ cho một tội bất tuân nhỏ xíu của Adam và Eva. Họ đã bị ném ra khỏi vườn Eden và trở thành những kẻ tội lỗi chỉ vì ăn một miếng táo. Trên thực tế, từ khi nghe câu chuyện đó, có một cây táo mà tôi luôn cố gắng ăn nhiều táo nhất có thể. Tôi không thấy bất cứ tội lỗi nào có thể nảy sinh chỉ bởi vì ăn quả từ một cây táo.
Nhưng vấn đề không nằm ở cây táo.
Vấn đề nằm ở chỗ sự bất tuân.
Vậy nên điều đầu tiên cần làm là bắt ép mọi đứa trẻ trở nên vâng lời, sợ hãi được sử dụng như một công cụ hữu hiệu. Nỗi sợ hãi lớn nhất trong tôn giáo chính là địa ngục. Để tạo ra sự vâng lời, phần thưởng cũng được dùng đến và nó chính là thiên đàng hay địa đàng. Để giữ cho mọi thứ được nằm trong tầm kiểm soát, hình ảnh một người cha nghiêm khắc được cần tới – và Thượng đế chính là người cha đã được tạo ra như thế.
Giờ giới nghiêm
Bảy năm đầu đời là những năm quan trọng nhất trong đời tôi và bảy năm đó đã quyết định tính cách tôi cho cả 70 năm sau này. Đó là những năm tháng mà những viên đá nền tảng được đặt lần đầu tiên – những tảng đá móng. Vậy nên thật là một sự trùng hợp kì lạ khi tôi được cứu khỏi cha mẹ ruột của tôi những năm tháng đó – và khi tôi quay trở về với họ thì tôi đã gần như có thể sống độc lập theo cách riêng của mình rồi. Tôi trở về với họ khi tôi đã sẵn sàng bay. Tôi biết rằng tôi có đôi cánh; tôi biết rằng tôi không cần bất cứ ai giúp tôi bay; tôi biết rằng toàn bộ bầu trời kia là của tôi rồi.
Tôi cũng thường nói với cha tôi: “Đừng cho con bất cứ lời khuyên nào, ngay cả nếu con hỏi xin. Cha phải rất cứng rắn và làm cho rõ ràng về việc này. Cha chỉ cần nói ‘Hãy tự tìm lấy đường mà đi’. Xin đừng cho con bất cứ lời khuyên nào. Bởi vì khi một người có thể có một lời khuyên với một cái giá quá rẻ, thì ai còn bận tâm tìm kiếm con đường riêng của mình?”
Tôi không bao giờ hỏi bất cứ sự trợ giúp nào của ai, và nếu có bất cứ ai muốn hướng dẫn tôi điều gì tôi sẽ vặn lại ngay rằng: “Đừng xúc phạm con. Cha mẹ nghĩ con không thể tự mình làm việc đó à? Con biết rằng cha mẹ chỉ có ý tốt khi hướng dẫn con mấy việc này – về mặt đó thì con cảm ơn – nhưng cha mẹ không hiểu một điều rằng con hoàn toàn có thể làm những việc đó theo cách của riêng con. Cha mẹ chỉ cần cho con cơ hội để chứng minh năng lực của con là đủ. Đừng quấy rầy con.”
Quả thật khoảng thời gian bảy năm đầu đời tự do đó đã giúp tôi trở nên vô cùng cứng cỏi, như một sợi cáp, và giờ thì đừng hòng ai có thể áp đặt lên tôi điều gì.
Một ngày cha tôi nói: “Con phải trở về nhà trước 9 giờ tối”
Tôi nói: “Nếu con không về, thì sao?”
Ông nói: “Vậy thì cửa sẽ không mở ra đâu”
Tôi nói: “Vậy thì cha cứ đóng cửa cũng được. Con sẽ không thậm chí là gõ cửa và con cũng không định về nhà trước 9 giờ tối đâu. Con sẽ ngồi bên ngoài và nói với mọi người, bất cứ ai đi ngang qua, bởi vì họ sẽ hỏi tại sao con lại ngồi ngoài trời lạnh vào đêm tối như vậy, con sẽ giải thích với họ về lời của cha.”
Ông nói: “Nghĩa là con sẽ mang lại nhiều rắc rối hơn đúng không?”
Tôi nói: “Con đang không tạo ra rắc rối, cha mới là người đang yêu cầu rắc rối tới thêm theo cách ấy. Con đã chưa từng nghĩ về chuyện này nhưng khi cha nói con rằng 9 giờ là giới hạn, mà con thì không thể trở về trước 9 giờ. Điều đó phản lại trí thông minh của con. Con sẽ không làm bất cứ gì cả nhưng nếu bất cứ ai hỏi, con sẽ nói rằng cha không cho con vào nhà, cha nói rằng cửa sẽ không mở…”
Cha tôi nói: “Quên hết mọi thứ về giới hạn đi. Con có thể về nhà mọi giờ con muốn.”
Tôi nói: “Con sẽ không gõ cửa đâu đấy. Cửa phải luôn để mở cho con. Tại sao lại phải đóng cửa chứ? Chỉ để làm phiền con sao? Không việc gì cha phải đóng cửa cả.”
Tại thị trấn đó của Ấn Độ ngày ấy, mọi người luôn thức cho đến nửa đêm bởi vì trời quá nóng và chỉ sau 12 giờ đêm thì mới bắt đầu nguội xuống chút xíu. Vậy nên mọi người thường thức và tiếp tục làm việc. Ngày thì quá nóng đến nỗi họ có thể trốn trong cả ngày và chỉ làm việc vào ban đêm.
Tôi nói: “Không có lý do nào để cha phải đóng cửa khi mà cha đang ngồi bên ngoài làm việc. Hãy để cửa mở.”
Ông ấy nói: “Thôi được rồi, cửa sẽ luôn mở. Nó là lỗi của ta ngay từ lúc đầu khi mà nói với con về vụ 9 giờ nhưng bởi vì mọi người đều vào trong nhà trước 9 giờ cả”
Tôi nói “Con không phải mọi người. Nếu họ thích thú việc vào nhà trước 9 giờ cứ để họ vào, nếu con thích, con cũng sẽ vào. Nhưng đừng chối bỏ tự do của con, đừng phá hủy tính cá nhân của con. Xin hãy cứ để con theo ý mình.”
Quyền lực mềm
Mọi đứa trẻ đều nhận thức được rằng những gì nó thấy về thế giới là rất khác so với cách cha mẹ nó thấy. Không phải cái nhìn mà là cách nhìn. Nó có những giá trị khác biệt lớn lao. Đứa trẻ có thể nhặt nhạnh vỏ sò trên bãi biển và cha mẹ nó sẽ nói “Vứt hết đi, tại sao con phải phí thời gian?” và đối với đứa trẻ thì vỏ sò thật đẹp làm sao. Đứa trẻ rất nhạy cảm và tinh tế, chúng dễ dàng nhìn ra những khác biệt trong cách nhìn, cách nghĩ của mọi người. Cha mẹ thì đang chạy theo đồng tiền còn nó thì muốn chạy theo những cánh bướm. Nó không thể hiểu tại sao người ta lại quan tâm đến tiền nhiều thế? Cha mẹ thì không thể thấy tại sao bọn trẻ lại hứng thú thế với những cánh bướm hay những bông hoa.
Mỗi đứa trẻ đều sớm nhận ra rằng có những khác biệt về cách nhìn nhận. Vấn đề là chúng quá sợ việc khẳng định rằng chúng là đúng. Cho nên cần rất nhiều dũng cảm để cho đứa trẻ được một mình, phát triển cách nhìn của chúng nhưng toàn thể xã hội đã xoay xở để một đức tính tốt đẹp như lòng can đảm đã dần bị mai một đi, trong cả người lớn lẫn con trẻ.
Tôi đã không chịu cúi đầu trong đền thờ trước một pho tượng đá, tôi bảo với mọi người: “Nếu muốn, cha mẹ có thể cưỡng ép con vì cha mẹ mạnh hơn con. Con thì nhỏ bé thế này. Cha mẹ hoàn toàn có thể bắt ép nhưng nhớ rằng đó là một hành động rất xấu. Nó không phải lời cầu nguyện của con, và nó sẽ phá hủy cả lời cầu nguyện của cha mẹ nữa vì cha mẹ đang thực hiện một hành vi bạo lực với một đứa trẻ nhỏ không thể kháng cự.”
Một ngày trong khi họ đang cầu nguyện bên trong, tôi trèo lên mái của ngôi đền – điều ấy là rất nguy hiểm. Một năm chỉ một lần, một người thợ sơn sẽ trèo lên trên mái để sơn lại ngôi đền. Tôi đã quan sát anh ta và học được cách dùng những cái mấu để trèo lên trên đó – không ai khác biết cách này cả, nhưng tôi đã xoay xở để leo lên đó. Khi họ rời ngôi đền, trông thấy tôi trên mái họ đã hét lên: “Con đang làm gì trên đó? Con định tự tử sao?”
Tôi nói: “Không, con chỉ muốn giúp mọi người nhìn ra một điều đơn giản, nếu mọi người cứ bắt ép con làm những điều con không muốn, con sẽ làm cái gì đó mà mọi người không muốn và cũng không can thiệp được. Đây là câu trả lời của con cho mọi người, hãy nhớ rằng mọi người không nên ép con làm bất cứ gì cả.”
Họ van nài tôi: “Hãy yên lặng. Chúng ta sẽ tìm cách đưa con xuống”
Tôi nói: “Đừng lo lắng. Con có thể lên thì cũng có thể xuống được” và rồi tôi trèo trở xuống.
Họ nói: “Chúng ta sẽ không bao giờ bắt ép con làm điều gì nữa, nhưng đừng làm điều gì dại dột, con có thể bị nguy hiểm.”
Tôi nói: “Nếu vậy, mọi người sẽ phải chịu trách nhiệm đó.”
Sau đó việc tôi leo lên mái ngôi đền để tỏ sự cương quyết của mình đến tai mọi người khác trong làng. Tất cả họ đều đến và ngỏ ý lên án gia đình tôi vì cho rằng họ đã xúc phạm Thượng đế trong ngôi đền. Gia đình tôi đã phải họp lại – toàn bộ gia đình.
Họ nói “Hãy để cho thằng bé một mình là tốt nhất. Nó thật sự là đứa nguy hiểm.” Và đó là điều họ đã làm. Sau đó họ không bao giờ bắt ép tôi phải đến ngôi đền nữa và tôi cũng không bao giờ đến. Dần dà họ học được rằng tôi không nguy hiểm nhưng họ không nên dồn tôi vào chân tường – nơi tôi không muốn. Mọi nơi mà tôi không muốn đều là chân tường và khi ở chân tường, tôi sẽ tìm cách thoát ra, kể cả khi phải đập vỡ bức tường ấy.
Mỗi đứa trẻ phải trở nên cương quyết hơn, đó là điều rất quan trọng. Chúng không có gì để mất, chúng quá bị lệ thuộc vào cha mẹ và tôi không thấy chúng phải lệ thuộc như thế chút nào.
Không có sự khác biệt nào về sự thông minh của những đứa trẻ nhưng tôi thấy những khác biệt về sự cương quyết bởi vì trẻ con, đứa nào nghe lời thường sẽ được tôn vinh hơn. Sự tôn vinh đó khiến cho trẻ con không còn giữ được sự cương quyết của chúng.
Nó là một câu hỏi đơn giản về việc bạn có sẵn sàng đứng dậy đấu tranh bảo vệ chính mình trước các sức mạnh khác hay không. Bạn luôn có một sức mạnh tinh tế mà bạn có thể dùng để chống lại những bất công.
Ví dụ, nếu tôi nói “Con sẽ ngồi trên đường” – tôi đang dùng quyền lực của mình. Nếu tôi đang ngồi trên đỉnh ngôi đền, tôi cũng đang dùng quyền lực ấy. Nếu họ có thể hăm dọa tôi, tôi cũng có thể hăm dọa ngược lại. Nhưng trẻ em thì luôn nghe lời vì chúng là những đứa trẻ ngây thơ và yếu mềm, chúng luôn cố làm đúng theo ý cha mẹ chứ không phải ý của chúng.
Tôi học được nghệ thuật sử dụng quyền lực mềm của mình và tôi bắt đầu tinh luyện chúng, mài giũa chúng. Một khi tôi đã biết làm cách nào để đấu lại với những người có quyền lực, tôi ngày càng làm việc ấy tốt hơn. Tôi luôn tìm ra cách. Mọi người cứ luôn kinh ngạc bởi vì họ nghĩ “Giờ thì thằng bé không thể làm bất cứ gì chống lại điều này”. Nhưng họ nhầm.
…
Trích những bài về Cha mẹ trong cuốn Đứa trẻ nổi loạn – thời thơ ấu của Osho, Phi Tuyết dịch
Mời bạn đọc đầy đủ bằng cách mua bộ sách tại page: Cuộc đời Osho
Xin cảm ơn và xin chào Namaste!