Đứa trẻ nổi loạn: “Con viết bằng tay trái thì có gì sai?”

“Viết tay trái thì có gì sai? Chối bỏ tay trái là một trong những tai hoạ cổ đại nhất của loài người. Tay trái kết nối với não phải là nơi mà chứa đựng toàn bộ trực giác, thiên tính bản năng và những gì là kim cương đá quý của cuộc đời con người.”
Tôi thường chạy vội về nhà sau khi tan trường, để đến với con sông. Vâng, tôi sẽ chỉ dừng một lát để kịp ném sách vở vào trong nhà của Nani. Bà thường thuyết phục tôi ít nhất hãy uống một tách trà, bà nói, “Đừng vội vàng thế. Dòng sông sẽ chẳng đi đâu cả, nó không phải tàu lửa.” Đó chính xác là những gì bà thường nói đi nói lại: “Nhớ đấy, nó không phải tàu lửa nên con không thể lỡ nó được. Vậy nên hãy uống trà của con đi đã, và đừng ném sách của con như thế.”
Tôi không nói gì vì nó sẽ tốn thời gian trì hoãn lâu hơn. Bà luôn ngạc nhiên, nói, “Mọi lần khác con luôn sẵn sàng tranh luận, nhưng khi con định ra sông, thậm chí nếu ta nói gì đó vô lý, vớ vẩn hay điên khùng, con vẫn sẽ lắng nghe như thể con là một đứa trẻ ngoan. Chuyện gì xảy ra mỗi khi con định ra sông chơi thế?”
Tôi nói, “Nani, bà biết con mà. Bà biết con rất rõ rằng con không muốn lãng phí thời gian. Dòng sông đang gọi con. Con thậm chí có thể nghe tiếng sóng của nó trong khi con ngồi đây uống tách trà này.”
Tôi đã làm bỏng lưỡi rất nhiều lần chỉ bởi vì uống trà khi nó còn quá nóng. Nhưng vì tôi đang vội, và tách trà phải được uống cho xong. Nani đang ở đó, bà sẽ không để tôi đi trước khi uống xong tách trà.
Mặc dù bà biết tôi muốn ra sông càng nhanh càng tốt, bà vẫn cố thuyết phục tôi mang theo thứ gì đó để ăn – thứ này hoặc thứ nọ. Tôi thường nói với bà, “Đưa con thứ gì cũng được. Con sẽ giữ nó trong túi và ăn trên đường.” Tôi luôn thích hạt điều, đặc biệt là hạt điều rang muối, trong nhiều năm tôi luôn đổ đầy hạt điều vào các túi của mình. Các túi ở đây nghĩa là hai túi quần, quần ở đây nghĩa là quần sooc, bởi vì tôi không bao giờ thích quần dài cả – có lẽ bởi vì mọi giáo viên của tôi đều mặc chúng, và tôi ghét những người giáo viên đó, có thể đó là sự liên quan về chuyện tại sao tôi ghét mặc quần dài. Vậy nên tôi chỉ mặc duy nhất quần sooc.
Ở Ấn Độ, quần sooc thì tốt hơn nhiều so với quần dài, vì lý do thời tiết nữa. Và hai túi quần của tôi luôn chất đầy hạt điều. Bạn sẽ ngạc nhiên: chỉ bởi vì những hạt điều đó mà tôi đã phải đặt người thợ may làm hai chiếc túi trên áo sơ mi của tôi nữa. Tôi luôn có đủ hai túi trên áo sơ mi của mình. Tôi cũng không bao giờ hiểu tại sao người ta chỉ may một túi trên những chiếc áo sơ mi? Tại sao không chỉ một túi trên quần dài và cả quần sooc? Tại sao chỉ một túi trên áo sơmi? Lý do thì không rõ ràng nhưng tôi biết tại sao. Chiếc túi duy nhất của áo sơ mi đó cũng luôn nằm bên tay trái để tay phải có thể lấy đồ ra khỏi bên trái hoặc bỏ đồ vào đó một cách dễ dàng. Và một cách tự nhiên không túi nào được cần tới cho chiếc tay trái tội nghiệp. Người ta có thể làm gì với một chiếc túi?
Tay trái là một trong những bộ phận bị kìm chế và đàn áp nhất trên cơ thể con người, và nếu bạn thử, bạn sẽ hiểu những gì tôi đang nói. Bạn có thể làm bất cứ điều gì bằng tay trái mà bạn có thể làm với tay phải, và có lẽ còn tốt hơn.
Sau ba-bốn mươi năm của thói quen cũ, lúc ban đầu bạn sẽ thấy khó để dùng tay trái, bởi vì tay trái đã bị lờ đi và trở nên vô dụng. Nhưng tay trái thật sự là phần quan trọng nhất trên cơ thể, bởi vì nó đại diện cho phần não phải của bạn. Tay trái được kết nối với não phải và tay phải thì kết nối với não trái, như dấu nhân vậy. Tay phải – não trái và tay trái – não phải. Nên khi bạn lờ tay trái đi nghĩa là bạn cũng đang lờ đi phần nào phải của mình – và não phải lại là nơi chứa đựng những gì giá trị nhất: tất cả mọi kim cương, ngọc lục bảo, hồng ngọc, sapphire, tất cả những gì giá trị, tất cả mọi cầu vồng và những bông hoa và những vì sao.
Phía não phải chứa đựng trực giác, thiên tính bản năng, sự mềm mại nữ tính. Não trái và tay phải là một những kẻ trọng tính nam.
Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng khi tôi bắt đầu viết, việc viết này đã trở thành mối phiền toái lớn vì tôi viết bằng tay trái. Tất nhiên mọi người đều chống lại tôi và cũng tất nhiên, trừ Nani ra. Bà là người duy nhất nói, “Nếu thằng bé muốn viết bằng tay trái của nó, thế thì có gì sai nào? Vấn đề nằm ở việc viết. Tại sao các người lại quá bận tâm chuyện nó dùng tay nào? Nó có thể cầm bút bằng tay trái, các người cứ việc cầm bút bằng tay phải, thế thì vấn đề gì?”
Nhưng không ai cho phép tôi dùng tay trái, và bà không thể ở khắp nơi để nói đỡ cho tôi. Thế nên ở trường, mọi giáo viên và mọi học sinh đều chống lại việc tôi viết bằng tay trái. Dường như họ cho rằng phải mới là đúng còn trái là sai, thậm chí bây giờ tôi không thể hiểu tại sao. Tại sao người ta lại cứ phủ nhận phần bên trái của cơ thể và giữ nó như thể tù nhân? Bạn có biết 10% dân số luôn yêu thích việc viết bằng tay trái, trên thực tế họ đã từng bắt đầu viết bằng tay trái nhưng sau đó hầu hết đã phải dừng lại.
Đó là một trong những “tai hoạ” cổ đại nhất từng xảy ra cho nhân loại, rằng một nửa tiềm năng của anh ta đã không được dùng đến chút nào. Thật là một nhân loại lạ lùng mà chúng ta đã tạo ra. Nó giống như một chiếc xe bò kéo với chỉ một bánh; bánh còn lại ở đó nhưng bị giữ cho vô hình, được sử dụng chỉ thỉnh thoảng theo những cách gần như phải giấu kín. Thật là xấu xí. Tôi đã kháng cự lại điều này ngay từ lúc ban đầu.
Tôi đã hỏi người giáo viên và cả vị hiệu trưởng rằng, “Hãy cho em lý do tại sao em lại chỉ nên viết bằng tay phải.”
Họ nhún vai, vậy nên tôi nói, “Cái nhún vai của thầy không ích gì, thầy phải trả lời em. Thầy cũng sẽ không chấp nhận nếu em chỉ nhún vai mình khi thầy hỏi, thế nên tại sao em lại phải chấp nhận thầy? Em không quan tâm cái nhún vai, làm ơn hãy giải thích cho em đúng cách.”
Tôi bị đưa tới hội đồng nhà trường bởi vì những người giáo viên không thể hiểu hay giải thích gì với tôi cả. Trên thực tế họ hiểu tôi hoàn toàn rõ. Những gì tôi nói là rất mạch lạc, “Điều gì sai với việc viết bằng tay trái? Và nếu em viết đúng những câu trả lời bằng tay trái của em, liệu câu trả lời có bị xem như luôn sai chì vì nó được viết ra bằng tay trái hay không?
Họ nói, “Em thật điên rồ và em cũng làm cho mọi người khác phát điên mất. Tốt hơn cả là chúng tôi nên gửi em tới hội đồng nhà trường.”
Hội đồng là một uỷ ban thuộc thành phố, có quyền điều hành trực tiếp tới ngôi trường. Trong thị trấn đó có bốn trường tiểu học và hai trường trung học, một cho nữ và một cho nam. Thật là một thị trấn đáng nói – nơi mà nam và nữ phải bị giữ cho hòan toàn tách biệt nhau. Nó cũng là hội đồng nơi sẽ quyêt định hầu hết mọi thứ, thế nên một cách tự nhiên tôi bị gửi tới đó.
Những thành viên hội đồng lắng nghe tôi một cách nghiêm túc như thể tôi là một kẻ giết người và họ là thẩm phán, đợi để treo cổ tôi. Tôi nói với họ, “Đừng quá nghiêm túc thế, thư giãn nào. Chỉ cần nói cho cháu biết viết tay trái thì có gì là sai trái?”
Họ nhìn nhau. Tôi nói tiếp, “Điều đó không ích gì. Các bác phải trả lời câu hỏi của cháu và cháu không phải kẻ dễ đối phó đâu. Các bác sẽ phải trao cho cháu câu trả lời trên giấy tờ bởi vì cháu không tin các bác. Cách các bác nhìn nhau rất gian khiến cháu nghĩ ngay đến các chính trị gia và tốt hơn cả là có câu trả lời trên giấy tờ. Hãy viết ra điều gì sai trong việc viết ra câu trả lời đúng bằng tay trái?”
Họ ngồi đó như những bức tượng. Không ai thậm chí cố gắng nói một điều gì với tôi cả. Không ai sẵn sàng viết ra điều gì, họ đơn giản trả lời, “Chúng ta sẽ xem xét vấn đề này.”
Tôi nói, “Xem xét. Cháu đang đứng ngay đây. Ai ngăn cản các bác xem xét trước mặt cháu đâu. Nó có phải việc riêng tư thầm kín như thể một cuộc ngoại tình không? Và các bác đều là những cư dân được kính trọng. Ít nhất, sáu người các bác không nên ở trong một vụ ngoại tình, nó giống như làm tình tập thể vậy.”
Họ hét lên với tôi, “Im ngay. Không được nói những lời như vậy.”
Tôi nói, “Cháu phải dùng những từ như vậy để làm các bác tức giận, nếu không thì các bác sẽ cứ ngồi mãi đấy như tượng thôi. Ít nhất bây giờ hãy dịch chuyển và nói gì đó đi. Ngay bây giờ, các bác hãy xem xét luôn đi và cháu sẽ giúp đỡ bằng cách không tạo ra cản trở nào cả.”
Họ nói, “Cháu làm ơn ra ngoài. Chúng ta không thể xem xét trước mặt cháu được. Cháu nhất định sẽ tạo ra phiền toái. Chúng ta biết cháu, và mọi người khác trong trấn này đều biết. Nếu cháu không đi ra, chúng ta sẽ ra.”
Tôi nói, “Các bác có thể đi trước, đây là phép lịch sự của người đàn ông.”
Họ đã phải rời phòng uỷ ban của họ trước tôi. Quyết định của họ đến vào ngày sau đó. Một quyết định đơn giản: “Các gíao viên đúng, mọi người nên viết bằng tay phải.”
Những ám ảnh kiểu này vẫn đang thịnh hành khắp nơi. Tôi không thể thậm chí hiểu được sự ngu ngốc của nó. Và những người bị ám ảnh này lại là những người quyền lực, những người cầm quyền. Họ rất mạnh, những người trọng tính nam là những người ưa quyền lực. Những nhà thơ thì không quyền lực, hay những nhạc sĩ.
Osho
Cùng nhau dịch cuốn “A glimpses of a golden childhood” với Phi Tuyết trong Học Viện Anh Ngữ Thần Chú nhé các bạn ❤
P/s: mình vẫn nhận đặt hàng bộ sách bằng cách inbox địa chỉ, sđt vào fanpage Cuộc đời Osho nha.
Lần in năm sau sẽ bổ sung thêm nhiều câu chuyện mới (như câu chuyện bên trên ạ). Namaste!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *