Học Viện Anh Ngữ Thần Chú: Báo cáo việc luyện Bảo Bối của Như Quỳnh (28t)

Xin chào Viện trưởng!

Thật ra lúc bắt đầu việc chép và dịch bộ Bảo bối, em đã từng rất quyết tâm sẽ làm đến nơi đến chốn Báo cáo học tập để giật cho bằng được “học bổng” của chị. Thế nhưng khi càng ngày càng đến gần deadline, càng ngày càng đi đến cuối của bộ Bảo bối tự nhiên em không còn muốn viết Báo cáo gì nữa hết cả. Có lẽ em đã tìm thấy thứ giá trị hơn chăng? Em cũng chẳng rõ, chỉ biết rằng ngày hôm qua, khi hoàn thành bộ Bảo bối, lướt qua từng bài học, những bài dịch với câu chữ ngô nghê lúc ban đầu hiện đang dần dần thành hình, tự dưng em cảm thấy nên để chị biết rằng em đã tiến bộ thế nào, tự hào ra sao khi tìm lại được cả sự chăm chỉ, động lực và tình yêu dành cho tiếng Anh. Bản Báo cáo này em viết ra không phải do mong muốn giành “học bổng” nữa, em hy vọng nó sẽ thay em nói lời cảm ơn đối với chị và bộ Bảo bối vì ý nghĩa mà nó mang lại đối với em cũng như các học viên (với điều kiện kiên trì đến phút cuối cùng).

Vậy thì sau đây là hành trình đi hết bộ Bảo bối của em nhé!

Quá trình “theo đuổi” bộ Bảo bối

Suốt thời kỳ cấp 3 và Đại học, ngôn ngữ em học không phải là tiếng Anh. Tuy nhiên em vẫn có nhiều cơ hội được tiếp xúc với tiếng Anh, hơn thế nữa do công việc hiện tại, em tiếp xúc nhiều với các đối tác nói tiếng Anh nhưng đều là ngôn ngữ thứ 2 cho nên tiếng Anh của em hoàn toàn không “chuẩn”. Do đó mục tiêu trước nhất của em đó là: giao tiếp tự nhiên và “chuẩn” hơn.

Khi nhận được bộ Bảo bối, em đã tự đề ra kế hoạch cụ thể như sau:

  • Hoàn thành việc chép dịch bộ Bảo bối trong 2 tháng.
  • Mỗi ngày dành ít nhất 30 phút cho bộ Bảo bối
  • Mỗi ngày chép dịch ít nhất 1 bài

Mặc dù em đã hoàn thành bộ bảo bối trong vòng 2 tháng (11/8-10/10) tuy nhiên các mục tiêu khác lại không theo kế hoạch.

Nguyên nhân đầu tiên: phán đoán không chính xác 

Ban đầu khi nhận được bộ Bảo bối em đã chú định sẽ hoàn thành nó trong 2 tháng, mỗi ngày dành ra 30 phút, do em cho rằng để chép – dịch 1 câu chuyện trong bộ Bảo bối chỉ mất khoảng 15 phút, và thời gian cho mỗi câu thần chú chỉ khoảng 5 phút. Tuy nhiên trên thực tế, những ngày đầu tiên em chép 1 câu chuyện trung bình mất khoảng 12-13 phút, thời gian để dịch câu chuyện đó mất từ 18-20 phút. 

Đối với “thần chú”, với mỗi 3 câu thần chú cả dài và ngắn em mất thêm 30 phút nữa. Vì vậy thời gian trung bình kéo dài lên 1h mỗi ngày. 

Nguyên nhân thứ hai: sự chán nản kéo đến.

Và khi mọi thứ “tệ” hơn tưởng tượng của mình, sự chán nản rất dễ kéo đến. Đâu đó ở khoảng ngày thứ 3, thứ 4 sau khi bắt đầu bộ Bảo bối, em đã thực sự cảm thấy chán nản. Chán nản vì mọi thứ không theo dự tính, chán nản vì cảm giác “trình độ” của bản thân không tốt như trong tưởng tượng, và chán nản vì không nhìn thấy sự tiến bộ ở bản thân mình. Và em đã thực sự nghĩ đến chuyện từ bỏ. Nhưng may mắn thay…

May mắn đầu tiên: Những câu thần chú 

Đúng là những câu thần chú đã kéo em lại. Việc chép và dịch những câu thần chú ngắn thì dễ dàng hơn nhiều so với những câu chuyện dài. Và em đã tự nhủ với bản thân “Tệ nhất chính là từ bỏ”. Suốt những ngày tiếp theo của tuần đầu tiên, em chỉ chép và dịch những câu thần chú. Kế hoạch hoàn toàn đổ bể, nhưng ít ra thì em vẫn tiếp tục.

May mắn thứ hai: Vẫn là những câu thần chú

Ở một mặt khác, ý nghĩa của những câu thần chú không chỉ dừng lại ở mặt ngôn từ, chúng không chỉ là một cách để tập luyện tiếng Anh, chúng còn là sự cổ vũ lớn lao về mặt tinh thần. Một câu thần chú nào đó đã nói rằng: khi bạn ngừng kỳ vọng và bắt đầu học cách chấp nhận, cuộc đời sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Em cũng đã ngừng sự kỳ vọng vào bản thân. Và mọi thứ thực sự đã trở nên dễ dàng hơn.

May mắn cuối cùng: thực ra thì chẳng có sự may mắn nào cả

Ai đó đã từng nói: may mắn không dành cho kẻ từ bỏ. Còn em thì học được “What you send out – comes back”. Nếu em từ bỏ bộ Bảo bối, thì có lẽ chính em cũng chẳng cảm thấy mình là một kẻ may mắn. Và vì em đã không từ bỏ, khi không còn kỳ vọng và áp lực vào bản thân, em tự nhận thấy sự tiến bộ của mình.

Ở tuần thứ 2, em đã quay lại với việc chép dịch 1 câu chuyện mỗi ngày và 2-3 câu thần chú. Em không còn tự hạn định thời gian cho việc học tiếng Anh mỗi ngày nữa. Nhờ đó sang đến tuần thứ 3, có đôi khi em chép 2 câu chuyện trong 1 ngày. 

Em tự nhận thấy thời gian chép ngày càng rút ngắn hơn. Và cũng giống như điều Viện trưởng nói trong bài đăng khi em mới bắt đầu vào học viện, em tự nhận thấy số lần em nhìn một câu tiếng Anh ít dần đi. Trước kia 1 câu có đôi khi em phải nhìn 5-6 lần thì giờ đây chỉ còn 2-3 lần. Số lần tra từ điển cũng ít dần đi, một phần do quen dần với từ, một phần do khả năng đoán nghĩa của từ cũng tốt hơn.

Ở những bài chép cuối cùng trong tháng thứ 2, tổng thời gian chép và dịch của em chỉ còn mất khoảng 20 phút cho những câu chuyện khá dài ví dụ như câu chuyện số 48 (The Thief) hay 53 (Cigarattes). 

Những thứ có được và mất đi

Những điều đạt được thì nhiều lắm: khả năng, tình yêu và sự chăm chỉ đối với tiếng Anh cứ tăng tới tấp. Trước kia xem phim tiếng Anh hiểu ít ít, giờ thì xem đến chỗ cười cũng đã biết cười, đọc tài liệu bằng tiếng Anh không còn thấy đáng sợ, thậm chí chủ động tìm tòi tư liệu bằng tiếng Anh. Điều khiến em ngạc nhiên nhất đó là phản ứng đối với tiếng Anh. Trước kia em cho rằng nếu học theo kiểu học dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt thì phản ứng với tiếng Anh sẽ bị chậm do tư duy phải mất thêm bước dịch nữa. Nhưng sau một thời gian chép dịch, ngạc nhiên là phản ứng khi đối thoại bằng tiếng Anh của em thậm chí nhanh hơn trước. Đặc biệt đôi khi em có thể trực tiếp bày tỏ suy nghĩ của bản thân mà không cần phải suy nghĩ nhiều, dù vẫn hơi trúc trắc nhưng đối phương vẫn có thể hiểu được. Tin rằng sau một thời gian nữa, mọi thứ sẽ còn tốt hơn rất nhiều.

Dĩ nhiên là vẫn có những thứ mất đi. Ví dụ như sự lười biếng của em, hay là thời gian rảnh để suy nghĩ linh tinh hay lướt facebook gần như bị cắt bỏ hoàn toàn. Hay là thời gian dành cho một số sở thích khác cũng eo hẹp hơn. Nhưng với em thì nó cũng không phải là vấn đề quá to tát lắm, có lẽ dần dần em sẽ tìm ra cách sắp xếp thời gian thích hợp hơn và việc chép dịch tiếng Anh có lẽ dần dần cũng sẽ trở thành một thói quen khó bỏ của em. Điều duy nhất em thấy khá đau đầu hiện nay là em rất thích đọc sách, trước kia em chưa từng suy nghĩ đến việc đọc sách tiếng Anh, nhưng hiện tại em đã mon men đến gần với những cuốn sách ngoại văn hơn, mà giá của sách ngoại văn thì đâu chỉ gấp đôi sách tiếng Việt…

Ưu và nhược điểm của bộ Bảo bối

Có lẽ em đã đề cập đến rất nhiều ưu điểm của bộ Bảo bối ở phần trước, nhưng ở đây em muốn đề cập đến một tính chất vừa có thể coi là ưu điểm, vừa có thể coi là nhược điểm của bộ Bảo bối: đó là tính linh hoạt cao.

Với một đứa khá thích sự tự do và linh hoạt như em, đây là một điểm cộng cực kỳ lớn. Bởi vì tính linh hoạt nên em có thể điều chỉnh dễ dàng bộ Bảo bối với kế hoạch của bản thân, kết hợp nó với nhiều cách học khác mà không sợ bị xung đột, thậm chí cá nhân hóa nó theo sở thích và…tâm trạng của bản thân.

Tuy nhiên đây cũng là một nhược điểm của bộ Bảo bối. Do khả năng tùy chỉnh nên đôi khi học viên có thể cảm thấy… không biết phải làm gì, hoặc đôi khi nhàm chán khi chỉ có chép và dịch.

Bộ Bảo bối cũng không hướng dẫn cách học từ mới, ngữ pháp và một số kỹ năng tiếng Anh khác (như nghe, nói) cũng chưa được hoàn thiện.

Tuy vậy chỉ cần học viên có một số kỹ năng học tập cơ bản như: gốc tiếng Anh (dù đã bị “mất”), khả năng tìm tòi tài liệu học tập và hiểu biết cách học từ vựng thì hoàn toàn có thể tự khắc phục được những nhược điểm này, thậm chí tự điều chỉnh để bộ Bảo bối mang lại hiệu quả cao nhất với bản thân.

Có một đặc điểm khác của bộ Bảo bối không trực tiếp liên quan đến tiếng Anh nhưng đối với em đặc điểm này có thể coi là độc nhất: khả năng thay đổi suy nghĩ và hành vi của con người. (Thế mới gọi là Thần Chú chứ nị hí hí- VT)

So sánh với trước khi học bộ Bảo bối, em đã có những thay đổi khá lớn. Đầu tiên là em chăm chỉ hơn rất nhiều. Đáng ngạc nhiên nhất là em không cần nỗ lực nhiều để chăm chỉ hơn. Chỉ đơn giản là…thế. Có lẽ hơi khó diễn tả bằng lời nhưng thực tế là em đã không cần một thời gian biểu hay kế hoạch chi tiết để ngồi chép dịch bài hàng ngày nữa.

Và không chỉ với tiếng Anh, nhiều thứ khác cũng thay đổi tích cực hơn. Bởi vì chính trong suy nghĩ của mình, em tự thấy mình đã tích cực hơn rất nhiều. Vì chính suy nghĩ đã thay đổi nên mọi hành động đều dễ dàng hơn.

Ngoài ra còn rất nhiều thứ đang thay đổi với em: kiên nhẫn hơn, vui vẻ hơn, hợp tác hơn, lắng nghe hơn, linh hoạt hơn, chân thành hơn, trung thực hơn… Thực ra em là người rõ ràng nhất sự thay đổi này là nhờ bộ Bảo bối. Mỗi lần chép và dịch, em có thời gian để suy nghĩ về nội dung của câu chuyện, những gì mà câu thần chú muốn truyền tải, và sự liên quan với những thứ xảy ra xung quanh em.

Có lẽ nhờ những suy nghĩ ấy và cả sự tích cực mà từng câu chữ truyền tải em đều cố gắng để trở nên tốt đẹp hơn mỗi ngày, không cần thiết phải là ai đó, nhưng là phiên bản tốt hơn của chính mình. Đây chính là điều khiến bộ Bảo bối thực sự khác biệt với những tài liệu khác, và chắc chắn là thứ mang lại lợi ích lớn nhất đối với em. 

Đi hết bộ Bảo bối rồi thì phải làm sao?

Không giống như những lần học tiếng Anh trước đây, đi đến bài cuối cùng rồi đều cảm thấy “giải thoát”, lần này em có rất nhiều kế hoạch đặt ra sau khi đi hết 1 lượt bộ bảo bối.

Đầu tiên: học nghe – nói.

Em chưa từng đề cập đến nghe nói ở phần trên. Thực ra em đã học 2/10 bài nghe nói Listening Practice Through Dictation. Bài đầu tiên học ở tuần thứ 1, bài thứ 2 học ở tuần thứ 3. Và em phát hiện ra rằng khi học bài thứ 2 em đã tiến bộ hơn rất nhiều so với bài đầu tiên, mặc dù tiếp xúc với bài nghe không nhiều. Khả năng nghe hiểu tốt hơn, nghe âm tiết cũng tốt hơn, và hơn thế nữa thời gian để luyện nói cũng giảm đi. Em nhận ra rằng việc chép – dịch cũng có thể cải thiện khả năng nghe – nói nữa. Vì thế em đã quyết định hoãn lại việc học nghe – nói một chút: học nghe – nói sau khi chép xong 1 lần bộ Bảo bối. Em sẽ luyện nghe – nói trở lại ở tháng thứ 3 này, và có thể sẽ gia tăng thời gian học nghe – nói lên 2 buổi/tuần, điều này sẽ phục thuộc vào tình hình thực tế và khả năng của bản thân em.

Thứ 2: chép – dịch lại bộ Bảo bối một lần nữa

Nếu như lần 1 chỉ đơn thuần là chép – dịch thôi thì lần này em sẽ tự nâng cao mức độ lên một chút: với 100 câu thần chú cần viết thêm cảm nhận, còn với 55 câu chuyện sau khi chép – dịch cần biết các cấu trúc ngữ pháp được sử dụng và có thể tóm tắt lại câu chuyện theo ý hiểu của bản thân. 

Thứ 3: xem phim tiếng Anh

Có thể em sẽ lựa chọn một vài bộ phim sitcom bởi vì loại phim này là dễ xem hơn cả cho người mới bắt đầu. Nó vừa giúp luyện nghe, luyện từ vựng, luyện ngữ pháp, vừa mang tính giải trí nếu em cảm thấy quá căng thẳng với kế hoạch số 1, 2, 4…

Thứ 4: dịch sách

Viện trưởng đang có những đề nghị rất hấp dẫn trong học viện, riêng bản thân em cũng có những cuốn sách rất thú vị mà em đã gác lại từ rất lâu rồi. Dù là gì đi nữa thì mọi thứ đều có sẵn rồi, em chỉ thiếu thời gian nữa thôi…

… và thứ n…

Em có thể nhìn thấy mình có rất rất nhiều thứ có thể làm với mỗi mức tiến bộ. Con đường thì còn rất dài nhưng chưa bao giờ em cảm thấy tự tin đến thế. Tự tin vì chính em không bỏ dở, tự tin vì chính em vẫn đang nỗ lực từng ngày. Mọi thứ với em có thể chậm, nhưng sẽ không bao giờ dừng lại. Có lẽ bây giờ nói thêm một lời cảm ơn nữa với Viện trưởng sẽ trở thành một lời thừa thãi nhưng em vẫn muốn cảm ơn chị vì những gì chị đã mang tới, nó không chỉ là một duyên may, mà còn là thật nhiều năng lượng tích cực. 

Cuối cùng, em muốn gửi tới chị lời chào mà chị vẫn hay nói:

Namaste!

Viện Trưởng Phi Tuyết, xin chào Namaste và cảm ơn bài báo cáo tuyệt vời của em! <3 Em đã và đang làm rất tốt luôn. Từ việc chép dịch và cảm nhận các câu thần chú, tới việc quan sát sức học và năng lực bản thân, rồi cả tự lên kế hoạch cho phần “Hậu Bảo Bối” cũng tuyệt vời. Viện Trưởng cảm thấy tự hào ghê! (Đã gởi em cuốn A spiritual revolution bản đầy đủ. Chép dịch xong cuốn này là em sẵn sàng tham gia các dự án dịch sách nghiêm túc cùng VT nha)

Còn về những điều chưa ổn ở trên, Viện trưởng xin chú thích miếng nhỏ thôi cho những bạn nếu đang có cùng thắc mắc về các kĩ năng: ngữ pháp, nghe – nói:

  • Cách học từ và ngữ pháp: Viện trưởng đăng trên học viện online nhiều lắm rồi, em chịu khó lục lại các bài học cũ và làm ơn, tham gia các bài tập trên viện online nữa nha. Học viện không chú trọng vào cách học ngữ pháp truyền thống mà có những phương pháp riêng, cụ thể là đặt câu: khuyến khích mọi người muốn phát triển ngữ pháp nhanh nhất chỉ có thể là nhìn vào cấu trúc câu, đọc cách dùng sau đó đặt thật nhiều câu nào. Câu liên quan đến cuộc sống của chính mình chứ không phải Mary, Peter nào đó ở đâu đó nha. Cái này cần sự quyết tâm lớn của mỗi người và tuỳ vào mục tiêu mỗi người tự đặt ra cho bản thân nên Học Viện chỉ chỉ ra phương pháp chứ không kiểm tra hay áp lực chuyện học ngữ pháp đâu nhé. 
  • Tuy nhiên sắp tới khi Học Viện ra mắt version 04 sẽ lập topic riêng cho những bạn muốn thật sự cải thiện ngữ pháp một cách “vùn vụt” nha. Yêu cầu duy nhất là các bạn phải tham gia chứ đừng chỉ “đã xem” đấy!
  • Kĩ năng nghe-nói: Cái này đúng, các video nghe, cách nghe đều đã có và đã chia sẻ nhiều (đôi khi đăng nhiều quá nó bị chôn vùi đi) nhưng quả đúng là những bài nghe trên Học Viện đều được lấy từ các phương pháp học khác (đã được kiểm chứng về tính hiệu quả lẫn tính chán ngắt). Viện Trưởng chưa tìm được người đúng và thời điểm đúng để ghi âm file nghe riêng (cực đi vào lòng người) của riêng Học Viện. Cái này VT xin rất cáo lỗi nha. Dầu vậy nếu bạn theo dõi các bài đăng trên Học Viện online thường xuyên thì sẽ thấy các video phát âm được chia sẻ rất nhiều luôn nhé. Tự sáng tạo cách học nghe của riêng mình dựa trên những quy luật đã chia sẻ là điều tuyệt vời nhất. Luật nghe là gì? Lượng đủ thì chất sẽ đổi; nghe có quy tắc: nghe video 1 phút x 100 lần thì hiệu quả hơn rất nhiều so với video 100 phút x 1 lần. Nghe thứ mà thu hút mình chứ không phải kiểu nghe thời sự. Nghe với sự tập trung cao độ bằng cách kết hợp: chép – dịch – nhìn chứ không phải nghe kiểu “tắm”… nói chung các cái này đều có chia sẻ rất cụ thể trong Topic: The Art of Listening rồi nha. Hãy luyện cái Topic này “đủ lượng”, bạn sẽ thấy hiệu quả của nó cũng rất thần kỳ chứ không đùa đâu nha.
  • Còn sau nữa, phần này chưa được nói nhiều nè: cụ thể kĩ năng nghe – nói – ứng dụng việc nghe nói và viết vào cuộc sống một cách thật thú vị mỹ mãn thì sẽ được chính Viện trưởng chia sẻ trong các buổi workshop trực tiếp sau này nha. Cái này là phần của những Bảo Bối Bí Truyền, những câu chuyện, kinh nghiệm, bài học thực tế thì cũng nên nghe trực tiếp chứ đọc không thôi nó không ép phê hí hí

Tóm lại, bộ bảo bối được chia làm 2 phần: Phần Công Truyền (dạng tài liệu, sách gởi đến các bạn) và Phần Bí Truyền (dạng workshop và chỉ có thể tham gia nghe chia sẻ trực tiếp, không qua online hay tài liệu)

Phần Công truyền thì bạn tự học và tự làm báo cáo tình hình lẫn kết quả học (để nhận học bổng chứ không bắt buộc)

Phần Bí truyền thì… mời bạn tham gia phần công truyền đã thì mới đủ điều kiện để tham gia tiếp phần Bí truyền nè hí hí!

Phi Tuyết, namaste!

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *