Cách mạng giải phóng trẻ em (5): Tại sao có khoảng cách bao la giữa các thế hệ?

Muốn hiểu con bạn, hãy hiểu về cha mẹ của bạn nữa.

Bao giờ cũng là điều tốt để đi tới việc hiểu biết thêm về cha mẹ của bạn.

Gurdjieff thường nói, “Chừng nào bạn còn chưa trong giao cảm tốt với cha mẹ, bạn còn bỏ lỡ cuộc sống của mình”. Bởi vì điều gì đó bắt rễ rất sâu bên trong bạn. Nếu bạn còn chút giận giữ nào đối với cha mẹ bạn, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy thoải mái.

Cùng một cảm giác ấy đối với những người làm cha mẹ, chừng nào con cái còn chưa trong giao cảm với họ, chừng ấy họ không thể hạnh phúc.

Cha mẹ không chỉ là một mối quan hệ xã hội. Chính từ họ mà bạn đã tới. Bạn là một phần của họ. Bạn là một cành vươn ra từ cái cây là chính họ. Bạn vẫn được bắt rễ sâu trong họ.

Khi cha mẹ chết, cái gì đó bắt rễ sâu trong bạn cũng chết đi. Khi cha mẹ chết, lần đầu tiên bạn sẽ cảm thấy một mình, mất gốc. Cho nên trong khi họ còn sống, mọi thứ có thể được làm thì nên làm ngay đi để cho hiểu biết có thể nảy sinh. Để bạn có thể trao đổi với họ và họ cũng có thể trao đổi với bạn. Thế thì mọi sự sẽ được giải quyết và vấn đề sẽ được khép lại. Thế thì khi họ rời bỏ thế giới này, bạn sẽ không thấy mặc cảm, không cảm thấy tội lỗi hay hối tiếc. Thế thì khi họ rời khỏi thế giới này, bạn sẽ biết rằng mọi sự đã được giải quyết, họ đã hạnh phúc với bạn, bạn cũng đã hạnh phúc với họ.

Mọi mối quan hệ yêu đương của bạn với người khác sau này, vốn dĩ đều được bắt đầu từ mối quan hệ yêu thương với bố mẹ và cũng chấm dứt cùng bố mẹ. Nó tạo ra một vòng tròn đầy đủ. Nếu ở đâu đó vòng tròn này bị phá vỡ, toàn thể bản thể của bạn vẫn còn không thoải mái. Người ta cảm thấy cực kì hạnh phúc khi người ta có thể trao đổi một cách thoải mái với cha mẹ của mình. Đó là một trong những điều khó khăn nhất trên thế giới bởi vì lỗ hổng lớn thế. Cha mẹ không bao giờ nghĩ rằng bạn đã lớn cho nên họ chẳng bao giờ trao đổi trực tiếp với bạn. Họ đơn giản ra lệnh cho bạn “làm cái này” hay “đừng làm cái đó”. Họ chẳng bao giờ tính tới tự do của bạn và khả năng trưởng thành tâm linh của bạn. Họ không có nhiều kính trọng cho bạn vì cứ luôn xem bạn như đứa con nít nhỏ. Họ cứ đương nhiên coi rằng bạn phải nghe theo họ và tuân lệnh họ.

Đứa trẻ cảm thấy không vui ngay từ lúc bắt đầu có nhận thức. Bởi vì bất cứ khi nào cha mẹ nói “làm cái này” hay “đừng làm cái kia”, chúng cảm thấy tự do của mình bị cắt xén, bị cướp đoạt. Chúng sẽ kháng cự, sẽ phẫn nộ theo nhiều cách khác nhau. Chính sự kháng cự, kháng chiến liên tục này sẽ tạo ra mâu thuẫn và vết thương lòng bên trong chúng. Vết thương này dần dà tạo ra khoảng cách lớn hơn và cứ lớn hơn nữa giữa chúng và cha mẹ.

Điều đó cần phải được hàn gắn. Điều đó cần được bắc cầu qua. Vết thương đó cần được chữa lành. Nếu bạn có thể bắc cầu mối quan hệ của bạn với mẹ bạn, bỗng nhiên bạn sẽ cảm thấy rằng cả trái đất như được bắc cầu. Bạn được bắt rễ hơn vào đất. Nếu bạn có thể bắc cầu với cha, bạn sẽ cảm thấy như mình sẵn sàng để đi tới tận trời xanh. Cha mẹ như chiếc cầu nối bạn với trái đất này và với cả trời xanh kia nữa. Họ là biểu tượng, là đại diện của đất và trời. Con người giống như cái cây, cần cả đất và trời để có thể đứng vững hiên ngang và khoẻ khoắn.

Nếu bạn là cha mẹ, bạn không nên gây ra vết thương cho con mình theo bất cứ cách nào, nhưng bạn sẽ sẵn sàng để trở thành cái cầu cho con cái của bạn. Cầu là để đi qua, không ai nên ở luôn trên cầu cả.

Đừng bắt con cái phải dính lấy bạn. Hãy tôn trọng chúng, hãy lắng nghe chúng, hãy chấp nhận chúng và cho chúng tự do.

Đấy là công thức rất đơn giản để xoá đi khoảng cách và ranh giới giữa hai thế hệ.

Nếu như toán học có thể cho bạn công thức để tính khoảng cách giữa hai điểm trong thế giới vật chất, thì chỉ tâm linh mới có thể cung cấp cho bạn công thức để xoá nhoà khoảng cách ấy. Nếu khoa học hay toán học phải đưa ra công thức về khoảnh cách giữa hai thế hệ, về độ tuổi thì dễ dàng đo đạc, các thế hệ cách nhau chỉ vài đến vài chục năm; nhưng nếu khoa học phải đưa ra công thức để đo đạc khoảng cách tâm lý giữa hai thế hệ, tôi cho rằng công thức sẽ là: (dương) vô cùng nhân (dương) vô cùng, một khoảng cách bao la thế!

Ngày nay chuyện là các thế hệ sống cùng nhau ngay trong một ngôi nhà nhưng khoảng cách giữa họ thì xa như vạn dặm. Họ có thể gặp nhau, nói vài câu trao đổi nhưng tâm lý bên trong thì là cả hai thế giới khác nhau. Tạm gọi hai thế hệ này là người già và người trẻ nhưng thực tế có thể hình dung như một gia đình có đủ người thuộc các mùa: xuân – hạ – thu – đông.

Trong các mùa ấy chỉ có mùa hạ là khác biệt nhất, nóng bức nhất, sôi bỏng nhất, còn lại các mùa xuân, thu và đông đều mang chung một đặc tính của sự mát mẻ. Có lẽ chính vì vậy mà thế hệ mùa hạ luôn là người không hài lòng với mọi mùa khác một cách rõ nét nhất. Các cha mẹ ngày nay thường là người mùa hạ, họ qua tuổi mộng mơ vui chơi trải nghiệm của mùa xuân nhưng cũng chưa đạt tới cấp độ buông bỏ của mùa thu, họ là những người thực tế, thực dụng, đầy ắp tham vọng, ham muốn và luôn trong tình trạng phán xét lẫn áp chế các mùa còn lại trong gia đình.

Cha mẹ mùa hạ không chấp nhận cho con mình được vui chơi nhiều khi nó ấu thơ. Họ muốn con mình cũng phải “làm”, phải đạt thành tích, phải chiến thắng trong mọi cuộc chiến dù cho là chơi hay là học. Họ nhồi tham vọng vào trẻ con và thường dùng quyền lực để áp đặt lên bọn trẻ. Đối với những đứa con tuổi mới lớn, thanh xuân, họ cũng không thích chúng rong chơi trải nghiệm hay làm bất cứ việc gì mà không có mục đích, không có kế hoạch và mục tiêu. Họ không thích con mình khác biệt hay nổi loạn vì nổi loạn đồng nghĩa với việc họ sẽ bị mất kiểm soát. Họ có xu hướng xem đứa con ở tuổi nổi loạn như là một việc làm sai hay định hướng sai và cần chấn chỉnh. Họ cố hướng con cái đi theo con đường của họ vì cho rằng họ là người biết cuộc đời và cuộc đời là phải như vậy: phải thực tế, phải có hướng mục đích, phải quyết tâm. Có hai lý do giải thích tại sao người mùa hạ ngày nay không chấp nhận sự tự do nổi loạn của bọn trẻ tuổi mới lớn. Một là vì họ không hiểu rằng tuổi mới lớn là tuổi nổi loạn, khi đứa trẻ phải thử qua nhiều phong cách để định hình cá tính của mình. Khi đứa trẻ đang trong giai đoạn chuyển tiếp quan trọng từ tuổi ấu thơ sang tuổi thanh niên, đó là một sự thay đổi lớn trong cuộc đời và đứa trẻ chỉ muốn thử nghiệm để biết đâu là nó. Nói cách khác khi đứa trẻ ở tuổi thơ ấu thì không có bản ngã nhưng khi nó bước qua tuổi thanh niên thì nó bắt đầu xây dựng bản ngã của mình, cá tính của mình và điều này là tự nhiên. Lý do thứ hai giải thích tại sao họ không hiểu, ấy là vì bản thân họ chưa bao giờ được sống mùa xuân cho đúng đắn và tự nhiên cả. Họ chưa bao giờ được vui chơi thoả thích, chưa bao giờ được có đủ điều kiện vật chất và thời gian khi họ còn trẻ để nghĩ đến chuyện làm một cái gì đó mà không lý do hay không mục đích. Họ cũng đã bị cha mẹ họ nhồi nhét đủ thứ tham vọng, mục tiêu khi họ còn thanh xuân. Hoặc họ đã bị những cuộc chiến cơm áo gạo tiền cuốn đi từ sớm đến nỗi chẳng biết thanh xuân thực sự là gì. Người chưa từng được sống vẻ đẹp của tuổi thanh xuân, làm sao biết nó tuyệt vời như thế nào để mà trao quyền cho con cái mình?

Tất nhiên sẽ có nhiều ngoại lệ và rất dễ để thấy các ngoại lệ này trong xã hội. Khi một gia đình có cha mẹ “tân tiến”, cho phép con cái tự do làm theo ý mình, vượt lên trên nỗi lo sợ bị thiên hạ đánh giá, tự dưng gia đình đó sẽ trở thành như một tấm gương xấu cho các gia đình khác bàn tán và phán xét.

Ví dụ một nhà gìau để đứa con họ tiêu xài phung phí theo ý nó sẽ bị thiên hạ đánh giá là làm hư con. Một nhà khác để mặc con cái ăn mặc, tóc tai theo ý của chúng sẽ bị thiên hạ nhìn vào như là “cha mẹ không biết dạy con”. Thật kì lạ, nếu như bạn suy nghĩ kĩ về điều này bạn sẽ thấy, từ “dạy con” ở đây thực chất không có nghĩa “dạy” một cái gì cả mà đơn thuần là nghĩa “áp đặt” mà thôi. Nếu như bạn liên tục nói với một người: cái này mới là đúng, cái kia là sai, vì người lớn luôn đúng còn trẻ con chưa biết gì cả, rồi thì: con phải làm thế này, con không được làm thế khác vì thiên hạ sẽ nói này nói nọ… Bạn gọi đây là “dạy” sao? Không, đây không phải là “dạy” một chút xíu nào cả, đây hoàn toàn là áp đặt, là độc tài, là tự cao bản ngã. Chỉ người rất tự cao mới luôn miệng cho rằng mình biết còn người kia không biết, mình đúng còn người kia luôn sai, kể cả khi người kia ở đây chỉ là những đứa trẻ.

Vậy thế nào mới là “dạy” đúng? Theo tôi, dạy đúng là khi người ta đơn giản nói ra mọi điều họ tin, họ nghĩ, họ đã làm nhưng với một thái độ không áp đặt, không định kiến và sau khi nói ra thì phải cho phép người kia được hành động tự do theo ý của người đó, chứ không phải ý của mình.

Khi cha mẹ nói “con không được xăm mình vì như thế là xấu, là hư, là mất dạy, sẽ bị thiên hạ ghét bỏ và bài trừ…” thế thì đây là áp đặt định kiến. Nhưng nếu cha mẹ thực muốn dạy con về hình xăm thì họ nên nói với con mình lý do nó không nên xăm mình, tại sao xã hội lại đánh giá không tốt về hình xăm, nếu có hình xăm thì một người sẽ phải đánh đổi những gì, tại sao hình xăm lại quan trọng với con? Con định xăm cái gì? Con có chắc chắn một thứ như hình xăm trên cơ thể mình không vì nó là thứ một khi đã làm sẽ không thể nào hồi quy được, không xoá được. Nếu như con vẫn kiên quyết xăm mình, thì cơ thể này là của con nhưng… làm ơn hãy đợi đến khi con sống riêng đã. Có thể như vậy. Việc bạn thành thật sẽ được con cái đánh giá rất cao, không một đứa con nào muốn làm buồn lòng cha mẹ cả. Chúng có thể sẽ không làm nhưng vì thấu hiểu hoặc vì tôn trọng bạn, chứ không phải vì bị áp đặt như một luật bất biến rằng con cái buộc phải nghe lời cha mẹ mọi đàng.

Sinh ra người con như một sinh linh độc lập nhưng đối xử với nó như một người nô lệ, một vật sở hữu, ấy là vấn đề lớn nhất trong toàn bộ sự nghiệp làm cha mẹ của nhân loại từ xưa đến giờ.

Người mùa đông và mùa xuân nói bằng ngôn ngữ của vui chơi, học hỏi, không mang tính hướng đích. Người mùa hạ nói ngôn ngữ bằng tiền, bằng quyền lực, cực kì hướng đích. Người mùa thu nói ngôn ngữ của buông bỏ, của hiện tại. Một cách tất yếu khi gia đình có nhiều thế hệ sẽ chẳng ai nói ngôn ngữ của ai và khi chẳng ai nói ngôn ngữ của ai, khoảng cách thế hệ là điều không tránh khỏi.

Giao tiếp là cách duy nhất giúp xoá nhoà khoảng cách thế hệ, nhưng giao tiếp ở đây là việc hiểu giữa hai con người chứ không chỉ việc nói-nghe bên ngoài. Hiểu và chấp nhận là đặc tính của bên trong, nghe và nói là của bên ngoài. Giữa hai lớp này cần một cây cầu vừa tinh tế vừa thiết yếu: cây cầu của im lặng. Chỉ trong im lặng người ta mới có thể nghe, chỉ khi nghe người ta mới biết, khi biết mới hiểu và khi hiểu rồi sẽ cực kì dễ dàng chấp nhận.

Mọi người đang giao tiếp nhưng thật ra họ chỉ đang nói mà thôi, không ai nghe cả. Nếu như bạn có thể quan sát các buổi trò chuyện bạn sẽ nhận ra rất dễ: mọi người tranh nhau nói, chẳng ai tranh nhau nghe. Các lớp tiếng nói và âm thanh cứ chồng lên nhau, chẳng có lớp im lặng nào chồng lên nhau cả, im lặng là khoảnh khắc hiếm hoi mà ai cũng né tránh. Thậm chí khi mọi người im lặng nghe, thật ra trong tâm trí họ đang nói điều gì đó, họ đang chuẩn bị sẵn những câu nói để khi người kia im là họ sẽ nhảy vào liền. Một người nói “tôi bị đau đầu”, nếu người nghe không phải bác sĩ thì thường người đó sẽ nói gì? “Ngày trước tôi cũng hay bị lắm.” hoặc “Tôi cũng đang bị đau chân”. Cứ im lặng quan sát các cuộc trò chuyện mà xem, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rất nhiều điều thú vị, cách mọi người đáp ứng những câu chuyện giống hệt nhau hết lần này đến lần khác: ai cũng cố lôi bản thân vào trong câu chuyện và mong gom nhiều sự chú ý từ người khác mà thôi.

Giao tiếp đích thực phải bao gồm cả nói và nghe. Mà để nghe bạn cần im lặng, tuyệt đối im lặng. Nghĩa là không chỉ lưỡi bạn nằm im mà tâm trí cũng phải nằm im nữa. Vì giao tiếp có nghĩa gì khi người kia đang tâm sự mà bạn lại chỉ đang nghĩ về việc làm sao để thoát khỏi câu chuyện càng sớm càng tốt? Mọi người đều như thế cả. Họ phát ốm khi nghe mọi người kể về bản thân mình nhưng đến lượt họ, họ lại làm điều tương tự đó là chỉ kể về bản thân mình.

Cha mẹ là những người dở giao tiếp nhất. Họ đã không thể giao tiếp với cha mẹ của họ trong quá khứ, họ cũng chẳng thể giao tiếp được với cha mẹ của họ trong hiện tại. Khoảng cách thế hệ giữa người mùa hạ và mùa thu là bao la. Vì làm sao một người đang dùng ngôn ngữ của tích cóp lại có thể hiểu ngôn ngữ của buông bỏ? Thật bất khả. Và người già cũng không biết làm cách nào để mà giải thích cho người trẻ sự vô nghĩa của việc tích cóp, dường như là không cách nào.

Không chỉ không thể giao tiếp với người già, các cha mẹ cũng chẳng thể giao tiếp với con cái của mình vì họ không cho phép bọn trẻ được dùng ngôn ngữ của mộng mơ ảo tưởng, của vui chơi trải nghiệm. Người trẻ học qua trải nghiệm, tức họ làm nhiều thứ để tìm ra thích mình thích và thứ mình giỏi. Việc trải nghiệm của họ chính là việc học và nó không mang tính mục đích thực dụng. Những người cha mẹ thường là người thực dụng, họ không muốn con mình dàn trải năng lượng cho nhiều thứ, họ muốn con cái tập trung, họ muốn con cái mình phải thật kỉ luật. Nhưng làm sao một đứa trẻ có thể sống tập trung và kỉ luật được? Điều đó là rất khó.

Nó giống như đứa trẻ học lớp một đột nhiên đang được chạy nhảy khắp nơi phải ngồi bó gối một chỗ, chỉ một tư thế và lại còn không được nói, không được nghĩ, chỉ phải nghe và nghe và nghe. Điều đó là khó ngay cả với người lớn chứ huống gì đứa trẻ. Vậy mà bạn cứ nhất nhất bắt con cái phải đạt được điều đó.

Người mùa hạ thường là người nằm trong tay tài chính lẫn quyền lực trong gia đình. Lời của họ thét ra lửa khiến mọi người khác phải nghe theo vì mọi người khác phụ thuộc họ về vật chất. Người mùa hạ thường rất ảo tưởng và yêu thích quyền lực của mình. Càng quyền lực bao nhiêu, khả năng nghe lại càng giảm bấy nhiêu. Họ không thích phí thời gian để nghe và hiểu người khác, thời gian đó để làm gì đó kiếm tiền hoặc nghỉ ngơi chuẩn bị cho các kế hoạch sẽ ích hơn – vì suy nghĩ này mà người mùa Hạ là người ít thấu hiểu người khác nhất.

Người mùa thu có khả năng thấu hiểu mùa đông và xuân rất tốt. Người già có khả năng hiểu và chấp nhận sự vui chơi của con nít lẫn sự nổi loạn của thanh thiếu niên vì họ đã có nhiều thời gian để nghe, để quan sát nên họ hiểu. Vì họ hiểu nên chấp nhận và vì dễ dàng chấp nhận nên họ sẽ bị xem như là “chiều chuộng làm hư” con trẻ.

Thật là khi các cha mẹ thường luôn cho rằng ông bà – người già không biết gì về cuộc sống. Rõ ràng họ đã sống lâu hơn, kinh nghiệm sống nhiều và sâu sắc hơn người trẻ chứ, vậy mà vẫn bị cho là không biết gì về cuộc sống. Lý do là “cái biết” của hai thế hệ và hai mùa là khác nhau.

Người già, họ đã sống nên họ đã “biết”. Biết rằng cuộc đời ngắn ngủi thế, chớp mắt một cái mọi sự đều tan biến như một giấc mơ. Như người tỉnh dậy sau giấc ngủ họ nhận ra rằng trong giấc mơ mọi kìm nén, kỉ luật, tham vọng thành công, tranh đấu mà người ta đã cố gắng cả đời hoá ra đều chả có nghĩa gì. Thứ ý nghĩa và đáng giá hoá ra lại là những khoảnh khắc khi người ta còn trong veo chưa bị cuộc đời làm vấy bẩn, khi người ta biết mình muốn gì và muốn những điều rất nhỏ bé đơn giản: ăn thêm một cái bánh khi thèm, ngủ nướng thêm một chút, tắm một cơn mưa, chạy đuổi theo một con ếch…

Người già biết ý nghĩa của cuộc sống nằm ở đâu nên họ ủng hộ nó. Họ dễ dàng cho bọn trẻ có thêm chút tự do làm điều chúng thích, sống cuộc đời của chúng. Chơi theo cách của chúng và học cũng theo cách của chúng – cách của tự nhiên như là học qua những trò nghịch ngội (tưởng chừng) vớ vẩn nhưng rất hiệu quả như làm nhà cho một con bọ que, trườn lên mặt đất quan sát một bầy kiến… thay vì cách học qua những cuốn sách dày cộp vô nghĩa mà cha mẹ thường bắt con mình học để đua thành tích trên trường.

Trẻ con không có gì ngoài tương lai, mắt nó hướng về tương lai. Người già không có gì ngoài quá khứ, mắt họ hướng về quá khứ. Chính vì vậy mà khi hai bên gặp nhau và ở cùng nhau, người già và trẻ con dường như không có khoảng cách. Bởi vì Thu và Đông kề nhau nên khoảng cách giữa hai thế hệ này rất gần kề. Trong khi khoảng cách tâm trí giữa người mùa hạ và các mùa khác sao mà bao la.

Nói thế không có nghĩa người già – ông bà luôn đúng và cha mẹ – người trẻ luôn sai. Như đã nói, việc phân chia tâm sinh lý theo độ tuổi như vầy là không hề bản chất. Cứ hình dung các thế hệ là các mùa thì sẽ dễ thấy rằng: người mùa thu bất kể ở độ tuổi nào, dù đang là cha mẹ hay ông bà, thì khả năng chấp nhận và yêu thương con trẻ sẽ dễ hơn. Trong khi người mùa hạ, dù cho tuổi già hay trẻ, thì việc chấp nhận con trẻ đều khó khăn. Và chưa kể mỗi trường hợp cụ thể lại chia thành nhiều tình huống.

Ví dụ trong một gia đình: ông bà là người thường chiều cháu, để cháu vui chơi nhiều hơn học trong khi cha mẹ thường ép con học hơn là cho phép chúng vui chơi. Nhưng về khía cạnh khác như tôn giáo, ông bà lại muốn cháu mình chỉ theo tôn giáo của gia đình, phải thật ngoan và chăm việc tôn giáo trong khi những cha mẹ tân tiến bản thân họ khá lơ là nên cũng không muốn bó buộc con mình phải chăm ngoan việc tôn giáo như những ông bà già. Cuộc sống dường như thật là phức tạp.

Cụ thể hơn nữa như tôi vừa viết: ông bà thường để cho cháu mình chơi dơ trong khi cha mẹ không muốn, để cho cháu coi hoạt hình thêm một chút trong khi cha mẹ chỉ muốn nó đi học. Nhưng nếu đứa trẻ không chịu chơi những trò dơ như đuổi bắt, nghịch đất, bắt ếch hay coi hoạt hình mà chỉ muốn ngồi im chúi mũi vào màn hình tivi coi những thứ rất “xàm xí” và “vô bổ” thì sao? Thế thì nên để mặc nó hay là dùng kỉ luật để hạn chế nó? Đây chính là khó khăn của mọi thế hệ khi lên làm cha mẹ, vì họ phải đối mặt với những tình huống và thực tại khác với những gì mà họ đã trải qua cho nên họ không có căn cứ nào để tự tin vào hành động của mình cả.

Sẽ có cha mẹ cho rằng nên thiết quân luật, kỉ luật con cái trong việc xem tivi và chơi game vì không muốn chúng trở thành kẻ nghiện game mà bỏ bê sự học. Hoặc nếu cho chúng coi tivi thì giới hạn những thứ được xem. Nhưng lại có những cha mẹ cho rằng để mặc chúng mới là cách tốt nhất, tự chúng sẽ học được đủ mọi thứ từ cái hay cái dở trên tivi, cái dở cái bạo lực cũng có bài học của riêng nó… Vậy ai mới là người đúng?

Thật đáng buồn, tôi không có câu trả lời cho các bạn vì bản thân tôi chưa từng chứng kiến bất cứ đứa trẻ nào được hoàn toàn tự do làm theo ý mình và đã lớn lên mãn nguyện hạnh phúc, và tôi cũng chưa từng gặp cha mẹ nào hoàn toàn tự tin về việc con cái mình thành công và hạnh phúc là do tính kỉ luật của họ với đứa trẻ từ nhỏ, cho nên đành thú nhận là tôi không biết.

Nhưng ít nhất một điều mà tôi đang làm: tôi đang thay đổi cách tiếp cận của mình với Mon Mon. Hồi trước tôi thường hay áp đặt cậu bé chỉ được xem bao nhiêu giờ và chỉ được xem cái gì, giờ đây tôi đang đi theo hướng hoàn toàn ngược lại, tôi cho phép cậu bé thích xem gì cũng được và thích xem bao lâu cũng được. Mon Mon hoàn toàn tự do nhưng nó ý thức rất tốt. Trước khi xem nó luôn hỏi ý kiến tôi “Mẹ Ngầu, con xem tivi được không?” và khi tôi đồng ý nó mới mở. Hoặc khi đến giờ đi ngủ thì chỉ cần tôi nói “Đến giờ ngủ rồi con” là cậu nhóc tự động tắt tivi ngay lập tức và lên giường đi ngủ. Vì cậu nhóc cũng hiểu rằng nếu không quản giờ ngủ có lẽ nó sẽ không bao giờ thức dậy buổi sáng mà đi học được. Thỉnh thoảng cậu nhóc đang rất hứng thú cái gì đó, nó sẽ xin phép “Cho con coi hết cái này, hết tập này thôi.” Tất nhiên tôi đồng ý ngay.

Chuyện trẻ con xem tivi là một chủ đề rộng lớn, sẽ nói kĩ hơn sau này. Hiện tại có thể nói tôi đang “thí nghiệm” một việc hoàn toàn mới ngay cả với chính tôi: chấp nhận và tôn trọng quyền tự do của đứa trẻ (gần như) hoàn toàn. Tôi chưa biết sự việc sẽ đi về đâu nhưng tôi sẽ quan sát những thay đổi của đứa trẻ để có sự điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ khi Mon Mon coi những video bạo lực người mạnh hiếp đáp kẻ yếu, tôi vốn không thích bạo lực và không muốn thằng nhỏ bị nhiễm tính bạo lực nhưng tôi không thể cứ đơn giản bắt nó chuyển kênh như trước nữa. Thay vào đó, tôi tâm sự với con nhiều hơn. Một đêm nọ Mon Mon hỏi “Mẹ Ngầu ơi dũng khí là gì?” Thế là tôi giải thích với con đại loại dũng khí là người sống dũng cảm và nghĩa khí, dũng cảm là không sợ hãi, mình không làm gì sai thì chẳng có gì phải sợ hãi, và nghĩa khí là đối với người yếu hơn thì mình giúp đỡ, không bắt nạt, đối với người mạnh hơn thì không sợ hãi, không xu nịnh. Đại loại giải đơn giản theo cách cậu bé hiểu được: sống cuộc đời mình sao cho vui vẻ hạnh phúc, không làm hại ai nhưng ai cần thì mình cũng sẽ giúp họ sống vui vẻ hạnh phúc. Và rồi tôi sẽ hỏi những câu đại loại như: nếu con gặp người yếu hơn thì con có bắt nạt không? Cậu bé đáp “không”, “gặp người gặp nạn mình có giúp đỡ không?” “Có”. Vậy là tôi biết cậu bé đã học được bài học đúng từ video bạo lực đó. Cậu bé đã biết chọn lọc thông điệp và biết định hình cá tính của mình: không phải là người bắt nạt người khác, nhưng sống can đảm, nghĩa khí.

Tôi cần đặt niềm tin vào khả năng học của cậu bé thay và chấp nhận thay vì lo lắng và sợ hãi.

Tôi có khả năng đặt niềm tin này có lẽ vì cha mẹ cũng đã đặt niềm tin nơi tôi và chấp nhận tôi. Và thật với bạn, việc có được sự chấp nhận của cha mẹ đối với tự do của mình tuyệt đối không phải việc dễ dàng.

Cha mẹ tôi trao cho tôi tự do tự lập từ sớm, như tôi đã nói trước đây. Nhưng việc trao tự do này không hề chủ đích đâu. Họ trao tự do vì hoàn cảnh sống lúc ấy là như thế và cũng vì tôi đã “làm những cuộc cách mạng nho nhỏ” để có được tự do mà tôi sẽ kế sau này. Nhưng nhiều năm trôi qua, một ngày mẹ tôi nói “Điều khiến mẹ hối hận nhất là cho tụi mày tự do tự lập sớm quá, để giờ đây nói không bao giờ chịu nghe.”

Tôi đáp với mẹ, “Thật ra đó không phải điều mẹ nên hối tiếc đâu, nó là món quà quý giá nhất, là phúc lành lớn nhất mà mẹ đã trao cho tụi con đấy.”

Cần một chút tinh tế để thấy điều này: nếu bạn trao tự do cho trẻ và vẫn muốn nó trở nên như ý bạn muốn, thế thì đây không phải tự do đích thực.

Cha mẹ hài lòng về tôi kể cả khi tôi chẳng nghe lời họ trong mọi sự: kinh doanh, công việc, chuyện kết hôn, lối sống. Nhưng lý do duy nhất khiến mẹ tôi nói câu đó là vì tôi không nghe lời trong cả chuyện tôn giáo nữa.

Như Osho đã nói, khi người ta sống những chu kỳ cuối của cuộc đời, họ trở nên sùng tín và tất nhiên họ cũng muốn người khác sùng tín như họ. Cha mẹ tôi rất sùng đạo. Tôi cũng đã sùng đạo trong suốt 25 năm nhưng 5 năm nay thì không. Đó là điều khiến cha mẹ tôi đau lòng hơn tất thảy, vì niềm tin của họ nói rằng: nếu con cái mà không đi theo đường đạo truyền thống của gia đình, mà đi lạc lối thế thì họ sẽ bị trừng phạt thay, bị trừng phạt đời đời không cách gì chuộc lại cả. Và nỗi sợ trừng phạt này khiến cho họ như ngồi trên đống lửa khi nhận ra tôi không còn là người sùng đạo nữa. Tôi thậm chí còn là kẻ phản-đạo khi lên tiếng về những thứ mà tôi không thích trong việc thờ phụng truyền thống: những hình thức tôn sùng sáo rỗng, những câu giảng vô lý, những phán xét mà người đi đạo có còn nhiều hơn người không đi đạo, những sự thật về thánh chiến khi người ta nhân danh tôn giáo khi làm điều tội lỗi, chiến thuật thưởng-phạt và những vô lý về một Cha nhân từ khoái ném con mình vào lửa đời đời chỉ vì những tội rất không phải tội: ăn thịt vào ngày ăn chay chẳng hạn… Có lẽ trong mắt cha mẹ, tôi đã là một Giu-đa đích thực, kẻ phản đồ tội lỗi, kẻ đáng bị đày vào tầng sâu nhất của địa ngục. Họ nói vậy chỉ để tôi vì sợ hãi mà thay đổi suy nghĩ nhưng khổ cái, khi người ta yêu, người ta không sợ. Tình yêu của tôi là thứ tình yêu đến từ cõi thiên đàng, nó choán lấy tôi toàn bộ đến nỗi không cần phải thốt ra lời yêu làm gì, không sợ hãi trừng phạt gì và yêu trong mọi khoảnh khắc cuộc sống chứ không chỉ mỗi trong nhà thờ. Tình yêu của tôi hiện tại lớn đủ cho mọi người chứ không còn phân biệt, vậy nên khi tôi nói, tôi yêu mến cả Giu-đa và rất cảm thông ông ấy thì… cha mẹ tôi chẳng còn biết nói gì.

Chuyện suy nghĩ khác biệt về tôn giáo đã khiến cho khoảng cách giữa tôi và cha mẹ kéo xa hơn bao giờ. Đỉnh điểm của khoảng cách này là một ngày nọ trong cơn tức giận, mẹ tôi đã gọi tôi là “Con gái của Satan”. Tôi im lặng. Không phải vì thất vọng hay sợ hãi mà vì không muốn làm mẹ tôi… té xỉu khi biết rằng tôi thậm chí cũng yêu mến cả Satan nữa.

Chúng tôi đã im lặng trong nhiều tháng, tôi thậm chí không về thăm gia đình trong một thời gian vì biết khoảng cách giữa chúng tôi là không thể bắc cầu và khi nó không thể bắc cầu, chẳng có gì để nói và cũng chẳng cần làm gì cả.

Tin vui là hiện nay khoảng cách giữa tôi và cha mẹ đã thu hẹp lại hơn bao giờ. Cha mẹ đã dần hiểu và chấp nhận tôi, tôi cũng chấp nhận họ. Một loại hòa bình và chấp nhận sâu sắc cứ nảy nở giữa chúng tôi như chiếc cầu vồng nối bai bờ biển cả. Chúng tôi hiện nay không cần nói với nhau nhiều, việc giao tiếp bên ngoài vẫn ít ỏi như xưa giờ nhưng giao tiếp bên trong thì đã nảy nở nhiều hơn bao giờ. Việc này cũng cần rất nhiều thời gian và công sức. Có lẽ sẽ kể trong các cuốn sách sau về mùa xuân và mùa hạ của tôi. Còn trong cuốn này xin tiếp tục về mùa Đông tuyệt vời mà tôi đã được cha mẹ trao khi còn là đứa trẻ.

Điều tôi muốn nói là sự xác nhận những lời của Osho bên trên, tôi đã trải qua nó và hoàn toàn đồng ý. Rằng “Cha mẹ là những chiếc cầu mà qua họ bạn đi vào thế giới. Nếu bạn có thể bắc cầu với mẹ, bạn sẽ thấy như mình được nối vững chắc với toàn thể mặt đất. Nếu bạn có thể bắc cầu với. cha, bạn sẽ thấy mình có đôi cánh để bay vào cả bầu trời.”

Bất kể cha mẹ có cho bạn bao nhiêu vật chất và sự ủng hộ, nếu họ không ủng hộ bạn về tinh thần, bạn sẽ không bao giờ có thể cảm thấy hoàn toàn thoải mái. Kể cả cha mẹ cho phép bạn cưới bất cứ ai bạn yêu nhưng nếu người bạn yêu không làm cha mẹ bạn hạnh phúc, bạn cũng khó lòng cảm nhận niềm hạnh phúc và mãn nguyện thật sự. Kể cả khi cha mẹ nói rằng họ chấp nhận bạn, nhưng nếu bạn biết họ chấp nhận bạn trong buồn bã, bạn vẫn không thể nào thấy vui được.
Nhưng nếu bạn có sự ủng hộ của cha mẹ về tinh thần, nếu như họ chấp nhận bạn một cách toàn bộ và không phiền lòng chút nào, thế thì bạn sẽ cảm nhận một sự tự do, một sự mạnh khoẻ và một sự tôn trọng cha mẹ hơn bao giờ.

Tôi luôn yêu quý cha mẹ nhưng có nhiều điều tôi không hài lòng, và vì không hài lòng mà tôi cũng không chấp nhận họ một cách toàn bộ. Họ cũng như vậy. Và đó là lý do chúng tôi đã luôn có khoảng cách. Nhưng giờ đây, tôi đã học cách chấp nhận họ sâu sắc hơn, toàn bộ hơn và ngạc nhiên chưa, họ cũng chấp nhận tôi nữa.

Chúng tôi tôn trọng nhau hơn và không còn phán xét và trông mong gì về sự thay đổi nữa. Kì lạ ở chỗ chính sự chấp nhận, tôn trọng, không phán xét này lại tạo ra những thay đổi rất tích cực giữa cả hai bên.

Điều may mắn khi là một người viết ấy là tôi có thể viết ra câu chuyện của mình, và nhờ viết ra câu chuyện của mình mà nhiều người khác có can đảm hơn để viết ra chuyện của họ, chia sẻ chuyện của họ và đồng thời cảm thấy đồng cảm hơn, ít “cô đơn” hơn.

Tôi phải nói với bạn, trong “cuộc chiến” giữa hai thế hệ này, bạn không hề cô đơn đâu. Rất hiếm chúng ta mới có thể tìm được một người con mà không hề có vấn đề gì với cha mẹ. Tôi chưa từng thấy một ai cả. Hầu như mọi người đều có những khúc mắc, không hài lòng, hờn giận với cha mẹ của mình, bất kể họ ở độ tuổi nào. Nếu bạn chịu khó đi hỏi những người xung quanh, bạn sẽ thấy. Người nhỏ có vấn đề với cha mẹ của họ theo cách trẻ. Người lớn cũng có vấn đề với cha mẹ của họ, theo cách già. Ai ai cũng có cả. Và nếu như bạn tìm thấy một người không có vấn đề chút nào với cha mẹ của mình, bạn sẽ thấy nơi người đó một sự biết ơn và tôn trọng vô cùng đến cha mẹ người ấy.

Tôi đang có sự tôn trọng và biết ơn như thế đối với cha mẹ của tôi, nó lớn đến nỗi gần như khiến tôi tức giận khi thấy các anh chị em khác chưa biết ghi nhận công ơn của họ – hệt như tôi đã từng. Thật ra nói đã từng cũng không phải, nói một cách chính xác thì không chỉ cha mẹ có kì vọng nơi con cái đâu, mà con cái cũng có những kì vọng nơi cha mẹ. Và luật về những kì vọng là nó sẽ luôn và luôn sinh ra chỉ thất vọng mà thôi. Không gì khác. Vậy nên mọi cha mẹ đều có những thất vọng về con cái và mọi con cái đều có những thất vọng về cha mẹ.

Khoảnh khắc mà thất vọng này tiêu biến đi là khi người ta không còn kì vọng và trông đợi gì từ nhau mà đơn thuần là chấp nhận và biết ơn. Đấy là khoảnh khắc mà khoảng cách thế hệ tiêu biến. Đấy là khoảnh khắc mà Osho đã nói: bạn vừa được bắt rễ sâu vào đất vững chãi, vừa tự do soải cánh tung bay trên bầu trời.

Tôi từng có những kì vọng về cha mẹ, giờ tôi không còn nữa và khi tôi nhìn thấy các anh chị em khác vẫn còn quá nhiều kì vọng nơi cha mẹ, không thấy và không thể chấp nhận thực tại của họ, điều ấy khiến tôi đau lòng, không chỉ cho anh chị tôi mà cho cha mẹ nữa. Tôi thương họ nhiều hơn bao giờ!

Khi tình cảm là chân thật thì không cần phải nói ra, ai cũng có thể cảm nhận được. Sự vô hình của tình cảm cũng có hình dạng riêng của nó. Và tất nhiên kì vọng của mọi người nơi người khác cũng luôn có hình dạng, muôn hình vạn trạng. Lịch sử nhân loại ngàn triệu năm, biết bao điều thay đổi, bao nhiêu hình dạng của kì vọng thay đổi nhưng thật sự nếu xét về bản chất thì lượng kì vọng là thứ chưa bao giờ thay đổi cả. Con người vẫn cứ nhiều kì vọng như thế từ xưa đến giờ và mọi cha mẹ đều luôn kì vọng về con cái, cũng như một luật bất biến từ xưa đến giờ. Kì vọng này tạo ra gánh nặng lên toàn nhân loại, khiến nhân loại chẳng thể cất cánh bay dẫu cho khoa học không ngừng cải tiến những phương tiện dịch chuyển mới.

Khoảnh cách thế hệ là thứ khoảng cách tâm lý mà khoa học sẽ không bao giờ có thể giải quyết được, nhưng dầu vậy nó lại có thể được bắc cầu một cách cực dễ dàng nhanh chóng nếu như bạn có thể học bài học đơn giản: Ai cũng phải sống qua những mùa của mình, hãy tôn trọng và chấp nhận điều đó vì đó là luật tự nhiên! Và tự nhiên thì luôn luôn tốt, luôn luôn biết việc nó cần làm.

Hãy tìm cách bắc cầu với cha mẹ của bạn đi, để cảm nhận được một luồng sinh khí, một tình yêu, một sự giải thoát mà bạn chưa bao giờ biết nó tồn tại. Để biết rằng bạn hoàn toàn có thể bay trên bầu trời khi rễ vẫn cắm sâu vào đất. Và rồi sau đó hãy bắc cầu tới con của bạn nữa, để trao cho nó luồng sinh khí ấy cho chúng, để chúng cũng có thể bay và nở hoa bất kì nơi nào chúng đậu lại, để chúng biết rằng mặt đất bao la này là mẹ, bầu trời bao la kia là trời và dù chúng có bay và đậu ở bất cứ nơi đâu, đó sẽ là nơi đúng.

Bằng việc rút ngắn để xoá đi những khoảng cách thế hệ, bạn đang học cách thưởng thức vẻ đẹp của mọi mùa trong một khỏanh khắc. Bằng việc thấu hiểu và chấp nhận lẫn nhau, người cha mẹ mùa hạ có thể thưởng thức thời thơ ấu một lần nữa qua việc chơi cùng con nhỏ, họ có thể nhân đó mà nạp năng lượng sống dồi dào từ người con tuổi thanh niên của mình, để nhìn đời với đôi mắt mộng mơ của chúng trong chốc lát và vui sướng nhận ra mình cũng đã từng có những ước mơ đẹp đẽ ngây thơ như vậy. Bằng việc thấu hiểu và chấp nhận những người già, người thế hệ trước trong gia đình – mà bạn có thể nhìn thấy trước một khoảnh khắc tương lai của chính bạn. Sẽ tới một ngày khi năng lượng sống suy giảm tới tuổi già, bạn ngồi đó trên sôpha nhìn mọi ngày trôi qua thầm lặng, bạn có muốn con cái lắng nghe mình và sống chậm lại một chút để cảm nhận cuộc sống kĩ hơn trước khi nó trôi tuột đi mất hay không? Bạn có muốn nhìn những đứa trẻ cười lâu thêm một chút trước con cánh cam ngộ nghĩnh hay vẫn muốn chúng ngồi khóc trước chồng vở bài tập chất quá đầu?

Vâng, bằng cách sống thật sâu mùa của bạn và chấp nhận người khác sống mùa của họ, bạn sẽ thấy vẻ đẹp của mọi mùa đều đáng quý và đẹp đẽ làm sao. Bạn sẽ có khả năng sống nhiều mùa cùng một lúc và đây sẽ là lúc bạn nhận ra mình đang ở giai đoạn chuyển mùa rồi đấy. Càng nhiều nhận biết, mùa càng trôi qua nhanh và khi nó trôi nhanh xin đừng lo sợ vì đó là một phúc lành.

Mùa thu thực là mùa phúc lành khi bạn chỉ thấy phúc lành nở rộ khắp mọi nơi trong từng khoảnh khắc và người mùa thu không ngừng biết ơn lẫn chúc lành cho tất cả mọi sự!

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *