Giá trị của nỗi buồn
Cuộc sống của chúng ta luôn là mạng lưới đan xen của những niềm vui và những nỗi buồn. Bất kể chúng ta bao nhiêu tuổi, làm công việc gì và đang ở đâu cũng không thoát khỏi sự bao phủ của mạng lưới ấy. Nhưng lạ ở chỗ những nỗi buồn dường như “thật” hơn niềm vui. Nếu không thì tại sao chúng ta luôn cảm nhận nỗi buồn tốt hơn việc cảm nhận niềm vui? Cảm nhận nỗi đau tốt hơn cảm nhận niềm hạnh phúc? Nếu không thì tại sao con người lại có nhiều từ ngữ, nhiều cách thức để miêu tả sự đau buồn hơn gấp nhiều lần những thứ có thể dùng để miêu tả niềm vui, niềm hạnh phúc?
Như một người nói về sức khỏe của mình. Khi anh ta khỏe anh ta chỉ có thể nói: “Tôi khỏe”, nhưng nếu anh ta bị đau một bộ phận nào đó trên cơ thể thì ngay lập tức sẽ có hàng trăm cách để miêu tả cùng một cơn đau ấy. Mỗi người khác nhau lại có những cách khác nhau để miêu tả cơn đau, nhưng để miêu tả về sức khỏe thì chỉ duy nhất một cách cho tất cả mọi người: “Tôi khỏe”.
Cũng như vậy, một người đang hạnh phúc anh ta chỉ có thể nói “Tôi đang hạnh phúc. Tôi cảm thấy thật vui. Tôi thấy bình an”. Nhưng khi một người đang đau buồn anh ta có hàng triệu cách để miêu tả về nó: tim tôi đau đớn như có hàng vạn mũi kim cắm vào; tôi cảm thấy thế giới xung quanh đang dần tan biến và mọi sự không còn ý nghĩa gì nữa; tôi thấy mình như đang rơi xuống vực sâu tăm tối; trái tim tôi như đang bị ai đó bóp nghẹt; tôi cảm thấy cô đơn và lạnh lẽo như đang đứng giữa sông băng, tôi cảm thấy cô độc như bị cả thế giới quay lưng lại với mình…
Bạn có nhận ra cách chúng ta thiên vị khi nói về nỗi buồn không? Thiên vị là vậy nhưng dường như chúng ta lại chẳng hiểu gì về nó cả. Cả thế giới nói về nỗi buồn với sự hăng say như một kẻ nhà giàu say mê liệt kê tài sản của mình, nhưng lại nói về niềm vui một cách khó khăn như khi kẻ giàu ấy cố tìm một vài việc tốt mà mình đã làm cho người khác. Cũng như mọi thứ được cho là quý hiếm khác, chính bởi vì “hiếm” mà chúng sẽ được cho là “quý” chứ không phải vì giá trị thực của chúng.
Bạn cho rằng “vàng” với “nước” thì cái gì quan trọng hơn? Tất nhiên là nước rồi vì không có nước người ta sẽ chết nhưng không có vàng thì người ta vẫn sống đấy thôi. Nhưng vậy thì tại sao vàng lại đắt thế còn nước lại rẻ như vậy? Chẳng phải bởi vì hàng ít hơn, hiếm hơn đó sao? Đó chính là thứ logic kì lạ của con người.
Cùng lẽ đó, chúng ta cho rằng niềm vui ít ỏi hơn nên nó đáng giá hơn. Chúng ta chưa bao giờ được dạy cách trân trọng nỗi buồn hay đi sâu vào nỗi buồn để nhận ra tầm quan trọng của nó. Dù cho chúng ta vẫn không ngừng nói về nó. Hệt như việc mọi người cứ ra rả không ngừng nói với nhau về việc sức khỏe thì quan trọng thế nào, nhưng tay họ lại truyền cho nhau những thứ độc hại tàn phá sức khỏe nhất: thuốc lá, rượu bia. Chỉ duy nhất những người trong cơn đau mới biết trân trọng sức khỏe của mình.
Dù có nhiều cách để thể hiện nỗi buồn ra bên ngoài nhưng sâu bên trong chúng ta lại thường chọn cách lờ nó đi mỗi khi nó xuất hiện. Nhưng cũng như một cơn đau trên cơ thể, nó không thể biến mất chỉ bằng việc ta lờ nó đi. Nỗi buồn cũng vậy, nó sẽ không biến mất chừng nào bạn còn không đi sâu vào thấu hiểu nó và nhận ra nó quan trọng như thế nào thay vì chỉ biết tránh né.
Nếu cuộc sống là một cái cây thì niềm vui giống như những cành nhánh vươn lên bầu trời, trong khi nỗi buồn giống như bộ rễ đâm sâu vào lòng đất. Cành nhánh đem lại cho bạn chiều rộng nhưng bộ rễ giúp đem lại chiều sâu. Cành nhánh giúp giữ thăng bằng cho cây nhưng chính bộ rễ mới là quan trọng nhất giúp cho cây đứng vững. Cả hai đều cần thiết như nhau.
Cây càng muốn vươn lên phía trên bao nhiêu thì nhất định rễ cây cũng càng phải đi sâu xuống dưới bấy nhiêu. Cây càng muốn to lớn vững chãi bao nhiêu thì bộ rễ cũng cần to lớn vững chãi theo bấy nhiêu. Nhưng bạn đừng nghĩ chỉ cây cao to mới cần bộ rễ, ngay cả những búi cỏ nhỏ bé nhất cũng không thể tồn tại nếu thiếu đi bộ rễ của chúng.
Bạn có biết một búi cỏ bình thường cũng luôn được cân bằng bởi một tỉ lệ hoàn hảo giữa số lượng lá và rễ? Nếu vào một ngày đẹp trời có chú thỏ tiến đến và nhâm nhi hết những lá cỏ non xanh thì ngày ấy cũng sẽ có một điều thần kì xảy ra nơi bộ rễ. Phân nửa số rễ của búi cỏ sẽ tự động chết đi và phân hủy thành mùn bổ dưỡng, tạo ra đường dẫn mang ô-xi từ bên ngoài cung cấp cho những con côn trùng và vi sinh vật bé nhỏ khác. Những nhánh rễ còn lại sẽ được cây tập trung toàn bộ sức lực để giúp chúng đâm sâu hơn vào lòng đất, thu nhiều chất dinh dưỡng hơn từ các nhánh rễ chết để nuôi dưỡng lớp lá non mới đang chờ vươn lên. Khối năng lượng mà rễ tạo ra khi búi cỏ bị gặm lớn gấp nhiều lần khối năng lượng nó tạo ra cả đời nếu không bị chú thỏ kia nhấm nháp.
Đó chính là sự cân bằng hoàn hảo, sự tương tác tuyệt vời của mọi loài, mọi vật trong cuộc sống khi được phát triển thuận theo các quy luật tự nhiên. Con người thì ngược lại ngày càng sống xa rời các quy luật tự nhiên và thắc mắc tại sao mình luôn đau khổ. Chúng ta tìm mọi cách để giới hạn những nỗi buồn và nhân đôi niềm vui mà đâu biết nỗi buồn có tầm quan trọng đến thế nào.
Có khác gì bạn trồng một cây cổ thụ trong chậu rồi đem chôn xuống đất. Cây ấy không thể nào vươn cao như tiềm năng tự nhiên của nó. Hoặc nếu nó có thể vươn cao thì bộ rễ ấy cũng rất nông và ngắn, chỉ cần một cơn gió mạnh hay một trận bão cũng đủ làm cây bật gốc và đổ rạp.
Bằng việc xem thường tầm quan trọng của nỗi buồn chúng ta cũng đang đối xử với mình hệt như những cái cây ấy. Chỉ cần một chút sóng gió thoáng qua cũng đủ khiến ta sợ hãi, lo lắng, bất an vô cùng.
Vậy nên bạn không cần phải xa lánh nỗi buồn vì cũng như không cái cây nào xa lánh bộ rễ của nó cả. Ngược lại bạn hãy nên cảm thấy biết ơn. Biết ơn một cách sâu sắc vì nhờ bộ rễ mà cây mới vươn được cao thế. Nhờ bộ rễ mà bạn mới trở nên sâu sắc thế, thấu hiểu cuộc đời đến thế. Nếu bạn có thể đắm mình trong nỗi buồn, thừa nhận tầm quan trọng của nó, suy nghĩ sâu sắc về nó thì bạn sẽ thấy nó cũng dần biến mất. Khi mọi nỗi buồn biến mất bạn mới nhận ra cuộc đời này sao thật đẹp đẽ và bình an.
Nhiều người gặm nhấm nỗi buồn và chìm đắm trong đau khổ triền miên dai dẳng, đó là cách sai. Cách đúng là bạn phải dùng cả trí óc tỉnh táo để suy nghĩ thật sâu và sau đó nhìn ra sự vô nghĩa của nó.
Giả sử một ngày nọ bạn gặp lại những người bạn cũ và nhận ra họ đều rất thành công, sang trọng và giàu có trong khi bạn thua kém họ về mọi mặt. Bạn vẫn có thể tiếp tục trò chuyện với họ một cách hòa đồng vui vẻ nhưng sau đó khi trở về ngôi nhà trong hẻm, ngồi lại một mình trên chiếc sô pha cũ mèm, bạn mới cảm thấy thật buồn làm sao.
Khi nhìn thẳng vào nỗi buồn ấy bạn sẽ nhận ra đó là sự ghen tị, là nỗi thất vọng về bản thân, là sự than trách cuộc đời không công bằng. Nhưng khi đi sâu hơn vào những nguyên nhân thì bạn sẽ nhận ra bạn xứng đáng với những gì bạn đang có, kể cả sự thất bại và thua kém. Bạn nhận ra chính mình tạo nên thực tại của mình, không phải ai khác cả. Bạn cũng thấy luôn sự ngớ ngẩn của cuộc sống và sự vô lý của chính mình: đáng lẽ mình nên vui khi bạn bè thành công mới phải chứ? Và nếu như họ thành công hơn mình thì mình nên học hỏi những điều hay từ họ không tốt hơn là ghen ghét, đố kị với họ sao?
Một ngày nọ bạn vượt qua cảm giác ghen ghét và quyết định nhắn tin thăm hỏi những người bạn ấy để học hỏi từ họ. Khi trò chuyện thân mật hơn bạn mới biết họ cũng đang có rất nhiều những đau khổ riêng mà chuyện thành công bên ngoài không giải quyết được. Ai đó ghen tị với bạn vì bạn được làm công việc mà bạn đam mê trong khi họ phải làm việc vì yêu cầu của cha mẹ. Ai đó ngưỡng mộ bạn vì gia đình bạn thật êm đềm, vợ chồng thấu hiểu và thông cảm cho nhau trong khi cô vợ đẹp của họ chỉ biết đòi hỏi và ghen tuông. Ai đó ghen tị với sức khỏe và sự lạc quan của bạn… Bỗng bạn nhận ra những nỗi buồn của bạn trước đây thật vô nghĩa làm sao. Rồi sẽ đến một điểm bạn nhận ra dường như mọi nỗi buồn đều vô nghĩa cả.
Khi bạn nhìn ra mọi sự vô nghĩa của nỗi buồn cũng là lúc bạn sống yên an hơn, hài lòng hơn. Lúc này bộ rễ của bạn đủ sâu để giúp bạn chống chọi với mọi sóng gió cuộc đời như cây cổ thụ trong rừng sâu và cũng như búi cỏ sau khi bị thỏ chén sạch sẽ vươn lên mạnh mẽ không ngờ.
Nhưng trước khi nhận ra sự vô nghĩa của nỗi buồn, bạn phải trân trọng nó đã. Người không biết trân trọng nỗi buồn thì cũng không thể nếm mùi vị của niềm vui. Cũng như không có rễ thì cây làm sao sống mà vươn lên trời cao được?
Đó là một vài ví dụ về việc làm cách nào để nghĩ khác đi. Bất kể bạn đang trong vị thế nào của cuộc sống, được giáo dục và định hướng bởi hệ thống niềm tin nào. Hãy tin tôi, bạn có quyền và khả năng để thoát ra khỏi những tư duy suy niệm truyền thống mà tạo nên hệ giá trị của riêng mình. Chỉ khi có nhận thức, tư duy, góc nhìn của riêng mình bạn mới có khả năng để sống một cuộc sống khác đi.
Hãy bắt đầu bằng việc gieo mầm suy nghĩ như một con sói, kể cả khi bạn đang đứng giữa bầy cừu.
Phi Tuyết, sách ‘Nghĩ khác để sống khác’ 2018