Phản Bội

– Đứa trẻ thích ăn kẹo nhưng sau đó lại chuyển qua thích ăn kem thì có phải đứa trẻ đó đã phản bội kẹo?
– Cô gái thích mặc bộ đầm đỏ cho tới khi mua một bộ đầm đen đẹp hơn vậy bộ đồ đỏ có coi cô ấy là kẻ phản bội?
– Chàng trai thích uống bia nhưng sau lại chuyển qua thích uống rượu thì bia có coi anh ta là kẻ phản bội?
Tại sao chỉ con người mới coi nhau là kẻ phản bội khi một trong số họ thay đổi thói quen và suy nghĩ? Vậy phản bội là gì?
Là khi mình dành niềm tin và tình cảm lại cho một người nhưng người đó lại “dám thay đổi”, “dám” dành tình cảm cho người khác không phải mình, trong khi mình vẫn đang dành tình cảm cho anh ta? Thế là phản bội? Nói một cách đơn giản là mình cho anh ta một cái kẹo, anh ta không ăn cũng không cho lại mình, mà lại tặng cho người khác. Ấy thế là phản bội!
Phản bội về thực chất chỉ là sự thay đổi được biểu hiện một cách đột ngột khiến người kia không kịp thích nghi, thế là họ bị sốc, không thể tin và trở nên uất ức, căm hận.
Phản bội xảy ra bởi hai lý do: một là do ta đặt quá nhiều niềm tin và tình cảm vào một nơi; hai là do ta không nhận thức được sự thay đổi từ nơi ấy. Sự thay đổi này diễn ra từ cả hai phía: phía người khác và phía chính bản thân bạn.
Vậy có ai bắt ép ta phải dành niềm tin và tình cảm cho họ hay tự ta làm thế rồi bắt người ta phải sống mà đền đáp cái niềm tin của mình? Khi người ta không hợp ý mình thì mình tức điên lên đổ hết lỗi cho người ta mà không chịu thừa nhận rằng ai rồi cũng sẽ thay đổi?
Một người hứa sẽ yêu bạn trọn đời, lúc đó anh ta hoàn toàn thật tâm không hề dối trá nhưng thời gian trôi đi mọi thứ đều thay đổi và anh ta không thể yêu bạn được nữa nên anh ta bị coi là kẻ phản bội?
Không cái gì là không thay đổi theo thời gian. Tại sao chúng ta không thể làm quen với điều đó để điều chỉnh niềm tin và tình cảm của mình cho phù hợp mà lại đi trách sự thay đổi.
“Thay đổi” là một trong số các quy luật thường hằng của cuộc sống, của mọi loài và mọi vật. Ai thích nghi được với sự thay đổi thì sẽ sống hạnh phúc hơn nhiều so với người không thể chấp nhận và chịu đựng sự thay đổi.
Chúng ta không có nghĩa vụ phải đặt trọn niềm tin và tình cảm cho một ai cũng như không ai có nghĩa vụ phải đáp trả 100% cái niềm tin và tình cảm của chúng ta dành cho họ. Kể cả là người bạn đời, vợ chồng, con cái, bạn bè, đối tác.
Nếu ai đó hứa và họ giữ lời, hãy biết ơn.
Nhưng nếu ai đó hứa và không làm được thì nghĩa là họ không muốn làm nữa hoặc không có điều kiện để thực hiện lời hứa đó. Thế thì trách gì? Bắt một người phải làm cái điều họ không muốn làm hay không có điều kiện để làm thì là bạn quá đáng hay họ quá đáng?
Đừng trách sự thay đổi nơi người khác mà hãy trách mình quá chậm chạp trong việc nhận ra, thích nghi với sự thay đổi hay thậm chí là tạo ra sự thay đổi mình mong muốn.
Bởi vì, thay đổi bản thân thì dễ hơn nhiều so với thay đổi người khác và dễ gấp ngàn lần việc mong chờ thứ gì đó không bao giờ thay đổi.
Hãy đặt niềm tin và tình yêu vào một trọng tâm khác, đó là chính bản thân mình, trước tiên và sau hết. Bởi lẽ việc phản bội bản thân mình để không phản bội người khác đó mới là sự phản bội lớn nhất.
Phản bội bản thân mình là gì?
Là khi bạn muốn theo học nghệ thuật nhưng lại chọn một trường kinh tế để làm vui lòng cha mẹ.
Là khi bạn không muốn kết hôn, nhưng vẫn đồng ý kết hôn với một người nào đó vì không muốn nghe lời cằn nhằn từ mọi phía.
Là khi bạn tiếp tay cho ai đó làm một điều xấu để rồi sau đó cắn rứt lương tâm và xấu hổ với bản thân.
Là khi bạn vì hành động của người khác mà tự dày vò bản thân trong đau khổ, oán giận. Bạn tự làm đau bản thân mình một cách không cần thiết vì “lỗi lầm của người khác”, ấy là phản bội bản thân.
Là khi bạn không muốn nhậu nhẹt bia rượu nhưng vì cả nể với bạn bè đồng nghiệp chiến hữu mà vẫn tham gia những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, tự đầu độc bản thân mình, lãng phí thời gian của mình, cướp thời gian đáng lẽ nên dành cho gia đình, con cái.
Là khi bạn không muốn làm một việc gì đó nhưng vẫn cắn răng làm chỉ để khiến người khác vui.
Là khi bạn cố níu kéo một người đã kiên quyết muốn ra đi.
Là khi bạn làm bất cứ gì trong vô thức, vô nhận biết và để lại hối tiếc trong lòng bạn hay mắc mứu trong lòng người khác mà khiến bạn cũng không an lòng.
Bất cứ hành động nào khiến bạn không cảm thấy bình an, hạnh phúc, không mãn nguyện, không hài lòng, dù là những điều nhỏ bé, tất cả những điều như vậy đều là phản bội bản thân mình.
Đừng bận tâm chuyện ai phản bội ai ngoài xã hội, cũng đừng chỉ quan tâm ai phản bội mình, hãy quan tâm xem mình có đang phản bội bản thân mình không đi.
trích sách “Nghĩ khác để sống khác”, Phi Tuyết 2018
Những dòng trên tuy bạn đọc thấy có hợp lý hay không, nó vẫn là của thế giới tâm trí. ‘Phản bội’ là từ của thế giới tâm trí, khi bạn vẫn còn đặt mình là trung tâm của sự tồn tại, bản ngã của bạn vẫn đầy ắp sự tham lam mong cầu và dính lứu. Khi bạn có thể nhận ra không có sự phản bội trên đời này mà chỉ có sự thay đổi thì đột nhiên khái niệm ‘phản bội’ cũng vì đó mà biến mất. Giống như khái niệm về ‘kẻ thù’ vậy. Còn bản ngã mới còn kẻ thù chứ nếu bạn đối xử với cả thiên hạ như người thân yêu, thì bạn lấy đâu ra kẻ thù? Ai rảnh đâu đi thù hằn bạn? Hay giả như nếu họ còn thù thì đấy cũng là việc của họ chứ không phải của bạn.
Khi bạn đi sâu hơn vào con đường tâm linh bạn sẽ dần nhận ra sự ngớ ngẩn của ngôn từ là vì vậy. Bản ngã biến mất, cái tôi biến mất thì ‘kẻ thù’ biến mất, ‘phản bội’ biến mất, ‘đúng-sai’ biến mất, mọi định nghĩa và phân biệt cứ tan biến dần tỉ lệ thuận với sự tan biến cái tôi của bạn. Sự tan biến của thế giới nhị nguyên tỉ lệ nghịch với sự tăng trưởng nhận thức của bạn. Nhận thức càng lớn, góc nhìn của thế giới nhị nguyên càng nhỏ. Cái tôi càng lớn, sự tổn thương do “sự phản bội” đem lại càng sâu sắc.
Bạn có muốn sống một cuộc sống mà không có chữ PHẢN BỘI không? Thế thì đơn giản là thay đổi cách bạn nhìn về nó đi.
Phản bội = Thay đổi và Thay đổi = Quy luật tất yếu của sự tồn tại
Thế thì tập sống cùng với luật đi, đừng phản đối luật, đừng chống lại luật vì như thế thì… cũng hổng sao, chỉ là hổng có thông minh thôi. Sống không thông minh, tự làm đời mình khó khăn mệt mỏi, ấy là ‘phản bội bản thân’ zồi và phản bội bản thân là “tội” nặng nhất ấy.
Namaste!
Phi 2021

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *