Động lực và Kỷ luật – ai mạnh hơn?
Trong hành trình chinh phục Anh (chàng) Văn, có một thứ còn quan trọng hơn cả động lực – đó là tính kỷ luật.
Tính kỷ luật là thứ sẽ khiến bạn kiên trì bước tới, kể cả khi động lực không còn lại chút nào.
Kỷ luật là khi bạn phải dùng đến sức mạnh thực sự của chính bản thân mình, được biết như sức mạnh của ý chí, để kéo bản thân vượt lên trên những cảm xúc mà đang kéo trì bạn xuống, đang hãm bạn lại.
Bạn hay nghe về thực lực, bạn biết thực lực là gì không? Nó không chỉ về sự thông minh, ứng biến, sáng tạo, nó còn là sự kiên trì, nhẫn nại, quyết tâm.
Vậy sự kiên trì quyết tâm này lấy ở đâu ra? Xin thưa là lấy từ tính kỷ luật mà ra.
Kỷ luật chính là thứ giúp chứng minh thực lực của mỗi người một cách rõ nét nhất. Và thực lực này lại là thứ quyết định bạn thành công hay thất bại trong đời mình.
Động lực thì không phải thực lực. Động lực có thể tới từ bên ngoài, nó rất chớp nhoáng và thường là không bền vững, dễ dàng tan biến. Nó tồn tại trong khoảnh khắc.
Hành động trong thực tế mới là thứ chứng minh bạn có thực lực hay không. Nếu bạn có thực lực thì nó sẽ không bao giờ tan biến dễ dàng, nó âm ỉ bên trong bạn.
Thứ giúp bạn hành động mỗi ngày khi mà động lực cũng bó tay, ấy chính là kỷ luật.
Nếu bạn có động lực mạnh nhưng lại không có kỷ luật trong việc hành động, thế thì động lực của bạn sẽ là vô ích, giống như bạn có nhiên liệu nhưng lại không có máy móc động cơ để sử dụng nhiên liệu ấy.
Nhưng ngược lại, nếu như bạn có tính kỷ luật tốt thì kể cả khi bạn không có động lực mạnh, bạn vẫn có khả năng thành công. Giống như một chiếc xe không cần nhiên liệu bởi vì nó là xe chạy điện, hoặc kể cả khi là xe đạp, nó chậm nhưng cứ từ từ tiến tới, nhiên liệu cũng là vô dụng với nó.
Vậy tính kỷ luật trong việc học Anh Văn là gì?
Là sau khi bạn có mục tiêu và kế hoạch, bạn phải thiết lập kỷ luật cho bản thân hoàn thành kế hoạch ấy.
Để kỷ luật này hiệu quả hãy lên kế hoạch phù hợp với năng lực của bản thân.
Ví dụ bạn kỷ luật bản thân trong việc thức dậy sớm buổi sáng để học Anh Văn, đừng một phát ép bản thân phải dậy sớm hơn bình thường 2-3 tiếng, việc thay đổi đột ngột đồng hồ sinh học quá nhanh quá vội sẽ không hiệu quả mà còn dễ khiến bạn phát điên.
Thay vào đó hãy quyết tâm dậy sớm hơn 10-15 phút mỗi ngày. Đầu tiên thức dậy sớm hơn bình thường 10 phút, đợi 2-3 ngày cho quen rồi lại chỉnh sớm thêm 10-20 phút, cứ thế tăng dần lên tới khoảng thời gian ưng ý. Cho bản thân được thích nghi dần dần với thói quen mới.
Tính kỷ luật thường được cho là đồng nghĩa với việc thiết lập những hành động mới và giữ nó cho đến khi hành động ấy thành thói quen cố hữu. Vậy những thói quen nào là tốt và nên được là thói quen cố hữu? Ví dụ như việc dành thời gian mỗi ngày để: vận động cơ thể, thức dậy sớm, đọc sách, thiền định, suy tư… đây là những hành động tốt và cần tính kỷ luật để đưa nó thành nhịp điệu mới, thói quen mới của cơ thể.
Sáng tạo có cần tính kỷ luật không?
Có một điểm chung giữa những người thành công trong cuộc sống dù ở bất cứ lĩnh vực nào, dù họ có thể do may mắn, do thông minh, do nhạy bén và thời cơ khác nhau nhưng đa phần đều có một điểm chung là tính kỷ luật. Bất kể một vận động viên, một nhà khoa học hay một người làm công việc sáng tạo – tính kỷ luật luôn là yếu tố quan trọng quyết định tới 50% thành công của một người.
Bạn sẽ cho rằng làm công việc sáng tạo thì không cần tính kỷ luật, điều này sai. Một ví dụ nhỏ thôi là Lý Tử Thất chắc ai cũng biết, cô ấy đạt giải thưởng người làm nội dung sáng tạo youtube hay nhất Trung Quốc. Các video của cô ấy thật nhẹ nhàng dịu dàng, đầy chất thơ và màu sắc. Trong một bài phỏng vấn gần đây khi mọi người hỏi về thành công của cô ấy dường như quá nhanh và dễ dàng, cô ấy đã đáp, “Thành công sau một đêm chỉ là kết quả của hàng ngàn đêm nỗ lực không ngừng nghỉ.”
Sẽ tương tự như vậy nếu bạn hỏi một ngôi sao thần tượng Hàn Quốc hay một ca sĩ Âu Mỹ; cũng là như thế khi bạn hỏi bí quyết thành công của một nhạc công hay một cầu thủ bóng đá; một người bán hàng hay một nhà nghiên cứu – tất cả bọn họ nếu đang có thành công thì thành công đó chỉ là kết quả của rất nhiều ngày, rất nhiều đêm nỗ lực không ngừng, kể cả khi mỏi mệt.
Khi bạn hành động từ sức mạnh của động lực, bạn không thấy mệt thấy chán đâu, và vì thế nó không gọi là nỗ lực.
Nhưng hành động của bạn khi bạn mệt mỏi, chán nản, khi không còn chút sức lực nào và chỉ muốn bỏ cuộc cho xong, nhưng dầu vậy bạn vẫn cố gắng, đó chính là nỗ lực của bạn. Đó chính là thực lực của bạn. Và hành động khi không còn động lực, nó là hành động của kỷ luật. Kỷ luật tạo ra rất nhiều khác biệt.
Ngay cả người làm việc vì đam mê, học vì đam mê. Đam mê là nguồn động lực của họ thì cũng không ai đam mê 24/7 cả. Trên hành trình chinh phục đam mê, không thiếu những lúc người ta chán nản mỏi mệt và chỉ muốn buông xuôi. Rất nhiều người buông xuôi ngay tại điểm này để rồi sau đó hối hận và thất vọng về bản thân. Nhưng bất cứ ai đứng trước điểm này mà không buông xuôi, thì do người ấy có sức mạnh của kỷ luật. Và sức mạnh của kỷ luật sẽ đưa bạn đến vạch đích, đến mục tiêu của mình dù cho việc đưa này không phải là kiệu hoa mà là lôi đi xềnh xệch.
Kỷ luật không chống lại tự do. Kỷ luật mang lại tự do.
Khi bạn kỷ luật bản thân tốt và nó trở thành một thói quen, thế thì nó trở thành con người bạn. Lúc này bạn làm nó một cách nhẹ nhàng như không chứ không còn cảm giác “phải cố gắng”. Khi cơ thể sinh học của bạn quen với việc thức dậy từ năm giờ sáng, đến lúc ấy tự bạn sẽ thức dậy, bạn không còn phụ thuộc chiếc đồng hồ báo thức một chút nào. Đó là một kiêủ tự do rất khác so với kiểu tự do của vô ý thức và vô kỷ luật. Tự do này do chính bạn tạo ra chứ không phải bị ai ép buộc cả.
Tôi thường được những người quen đánh giá là thông minh, sáng tạo và chăm chỉ. Thông minh thì có lẽ đúng, sáng tạo cũng ok nhưng chăm chỉ thì tôi chưa bao giờ dám nhận. Tôi chăm chỉ chỉ những lúc động lực dạt dào hoặc lúc bị tình thế ép buộc mà thôi. Sự chăm chỉ này không hề của tính kỷ luật. Tự bản thân tôi cũng thừa nhận mình không phải người của kỷ luật chút nào. Tôi thậm chí còn từng ghét kỷ luật. Và tôi cũng thường đổ thừa bản thân là do mình mạng khí và lại còn thuộc chòm Song Tử – chòm sao ít kỷ luật nhất trong 12 chòm sao theo Hoàng đạo học.
Đôi khi tôi tự nghĩ, nếu bản thân mình mà có tính kỷ luật thì không biết tôi đã tiến xa đến cỡ nào. Bởi vì dù ba mươi tuổi nhưng tôi cũng đạt được một số thành tựu nho nhỏ có thể coi là vừa lòng bản thân. Nhưng để tôi bật mí cho bạn một sự thật nhỏ, tất cả những thành tựu mà tôi có được, đều là do những ngày tháng tôi kỷ luật bản thân mà có, tuyệt đối không có thành tựu nào ăn may hay trên trời rơi xuống cả.
Ví dụ nhỏ như việc tôi mua được miếng đất thổ cư ngay trung tâm phố với giá rất rẻ từ năm 24 tuổi. Tất nhiên cũng là do tôi may mắn nhưng bạn không biết rằng để tìm được miếng đất đó tôi đã phải đi lòng vòng hỏi thông tin hàng trăm miếng đất khác trong phố suốt mấy năm ròng. Đi hỏi thăm đất khi không có tiền và miếng nào cũng vượt quá khả năng có chán không? Chán lắm chứ nhưng tôi vẫn tiếp tục, chẳng tin mình sẽ kiếm được miếng nào nhưng vẫn tiếp tục.
Ví dụ khác về công việc dịch thuật những cuốn sách: đôi khi bạn gặp những câu chuyện hay và ngôn từ dễ, thế thì việc dịch rất nhanh và vui. Nhưng đến 90% quá trình còn lại thì không may mắn như thế. Đôi khi thứ bạn phải dịch rất nhàm chán và buồn tẻ, tối nghĩa, lủng củng và lan man khiến bạn chỉ muốn vứt ngay tập sách. Rồi đôi khi có những từ vựng khó nhớ đễn nỗi bạn tra 7749 lần rồi nhưng vẫn không nhớ. Bạn biết là bạn biết nó, bạn chỉ không thể nhớ ra được nó là gì. Cảm giác ấy bạn chán nản chỉ muốn gập ngay máy tính lại, dừng không làm nữa. Rồi nếu bạn dở IT như tôi thì bạn còn phải trải qua rất nhiều khoảnh khắc của việc đãng trí không lưu file dẫn đến mất tất cả công sức làm việc cả ngày dài. Chán lắm… Muôn vàn những trường hợp như thế chính là lúc bạn cần đến sự kỷ luật, cần gạt bỏ cảm giác chán nản của bản thân trong khoảnh khắc ấy để mà tiếp tục.
Thế rồi có những ngày bạn uể oải chán nản đến nỗi không biết mình đang làm gì, mình làm để làm gì bởi vì đường sao xa quá mà bạn chẳng thấy cái đích đâu cả. Bạn sẽ muốn buông xuôi. Ví dụ nhiều người muốn học Anh văn nhưng không nhìn ra việc học để làm gì vì cuộc sống giờ đã yên phận. Họ học nhưng nhiều lúc vẫn tự hỏi, tại sao mình phải làm thế này? Nhưng thế rồi trong tận cùng cái chán, bạn lại tiếp tục. Đây chính là sức mạnh của kỷ luật, của ý chí dù cho ý chí cũng chẳng thấy lối ra nào. Và đây cũng là cách mà tôi tiếp tục dịch những cuốn sách mà tôi đang dịch. Nếu giao phó công việc này hoàn toàn cho cảm hứng có lẽ tôi sẽ mất 10 năm để ra được một cuốn sách, chứ đừng nói 10 năm 8 cuốn như những gì tôi đã làm.
Ai cũng cần kỷ luật bản thân, đặc biệt khi là người không có nhu cầu kỷ luật
Tôi tin nếu mình kỷ luật bản thân tốt hơn, chăm chỉ hơn hoặc thậm chí nếu làm việc được như một cái máy không cảm xúc thì một tháng tôi có thể ra tới cả một bộ sách chục cuốn. Tôi biết mình làm được vì chất liệu và khả năng viết tôi đều có, chỉ là kỷ luật và động lực thì không có mà thôi.
Song tử là người rất hay chán nản, rất dễ bỏ cuộc và tôi lại là người may mắn không bị áp lực cơm áo gạo tiền, trách nhiệm hay áp lực thành công danh vọng. Một người như thế khi phải đưa mình vào kỷ luật sẽ khó hơn nhiều so với những người mà kỷ luật là điều bắt buộc, điều sống còn – như các vận động viên hay những người lính chẳng hạn.
Nếu tôi kỷ luật bản thân mình nhiều hơn, tôi biết mình sẽ làm được nhiều điều hơn nữa. Ví dụ trong việc tập yoga, cơ thể tôi rất thích hợp với bộ môn này nhưng tôi không có kỷ luật để trở nên giỏi, vậy nên dù cho có bằng giáo viên và đã thiết kế ra hẳn một trường phái yoga của riêng mình, tôi vẫn chưa thể lên được những động tác như bọ cạp chẳng hạn. Điều này không liên quan gì đến khả năng hay sức khoẻ, nó đơn thuần là vấn đề kỷ luật. Tôi không có chút kỷ luật nào của việc thực hành các tư thế ấy cả vì thấy không cần thiét. Nhưng giờ thì tôi đang cố gắng đưa bản thân mình vào trong nhiều kỷ luật hơn ở mọi mặt, từ sức khoẻ, thể chất cho đến công việc, rồi tâm linh tinh thần.
Sở dĩ tôi phải kỷ luật bản thân mình, không phải vì mục tiêu thành công hay đạt được điều này điều nọ – tất nhiên việc đạt cái này cái kia nghe cũng thú vị đấy – nhưng lý do thật sự khiến tôi muốn kỷ luật bản thân mình trong những ngày này là bởi vì tôi muốn biết. Tôi muốn biết bản thân mình có thể sống với những kỷ luật hay không. Tôi muốn biết mình có làm được hay không mà thôi. Tôi muốn biết bản thân mình. Tôi biết mình là người lười. Tôi biết mình là người hay chán, giờ tôi muốn biết liệu mình có là người chịu được kỷ luật hay không.
Vâng, lý do là vì tôi muốn biết thêm về bản thân mình. Điều đó thật thú vị. Cứ như thể bạn đang khám phá những lớp tính cách khác nhau bên trong con người bạn – một người vừa lạ vừa quen.
Sáng nay các em trai của tôi (Tùng, Thông, Phong) rủ tôi đi vào farm để đi chơi thác, sẽ có màn tắm suối và nướng gà nữa. Tôi yêu thích tiết mục này vì con thác đó rất hoang sơ rất đẹp, hôm nay trời nắng đường dễ đi, Tùng đến tận cửa nhà rủ đi, Thông liên tục mang hương vị món gà nướng ra để dụ dỗ – nó biết tôi thèm ăn gà nó nướng nhiều thế nào. Và chuyến đi nào của bốn chị em tôi cũng ngập tràn tiếng cười không dứt. Một dịp hoàn hảo để đi chơi làm vậy mà tôi kiên quyết từ chối khiến các em ấy cũng ngạc nhiên.
Tôi nói với các em ấy lý do này nọ, nhưng đây mới là lý do đích thực: Tôi đang trong những ngày kỷ luật bản thân và động lực còn rất lớn. Tôi khao khát thực hành kỷ luật còn nhiều hơn cả khao khát đi chơi nữa. Khao khát này khiến tôi cảm thấy việc ngồi ở nhà hàng giờ trên ghế trước máy tính thế này còn đáng giá hơn cả việc ngồi dưới tán cây nghe thác đổ và nghe mùi gà nướng thơm lừng bên những người anh em thân thiết.
Nếu là tôi của tuần trước thôi thì tôi sẽ ngay lập tức chọn đi chơi và tự an ủi bản thân rằng chữ không viết thì vẫn còn có đó. Dịp thiên thời địa lợi nhân hoà như hôm nay thật không dễ dàng. Vậy mà tôi của hôm nay lại rất khác, rất kiên quyết với quyết định của mình và kiên quyết một cách tự do, một cách hài lòng chứ không hề cảm thấy ép buộc hay mâu thuẫn chút nào.
Nếu bạn có cả động lực lẫn kỷ luật, thành công dường như là điều tất yếu
Vâng, khi bạn có sức mạnh của động lực, kỷ luật và ý thức gộp lại, chẳng gì có thể ngăn cản hoặc cám dỗ được bạn đi chệch khỏi con đường mà bạn đã chọn cả.
Nhưng nhớ, con đường phải là do bạn chọn nha. Vì chúng ta là những “chú lính tự do”, chúng ta nghe lệnh và đấu tranh cho chính bản thân mình, dưới sự chỉ đạo của bản thân mình, chứ không phải thừa lệnh từ ai hay nghe ai sai khiến cả.
Việc gầy dựng tính kỷ luật trong nhận biết và chủ động luôn đi liền với việc gầy dựng thói quen mới và lên kế hoạch thực hiện chúng.
Kế hoạch của tôi trong các ngày tới là: thức dậy từ 5:30AM – thiền, đọc sách, làm việc (Học viện Thần Chú) – yoga – viết một bài cho Mantras Academy. Hôm qua tôi viết về động lực và hôm nay là kỷ luật, như lời đã hứa. Ít nhất trong một tuần này.
Luôn giữ mọi lời mình nói ra cũng là một kỷ luật tốt mọi người cần giữ.
Tính Kỷ Luật làm tăng Nhận thức và là khởi đầu của hành trình tâm linh
Có một điểm hay về kỷ luật là nó yêu cầu rất nhiều sự tự giác. Sự tự giác này là khởi điểm của sự tự ý thức, tự nhận thức – con đường của tâm linh giác ngộ.
Bạn phải rất có ý thức tự giác và tâm trí của bạn phải rất mạnh thì mới sống kỷ luật được.
Việc làm mạnh tâm trí này là một nửa con đường. Bạn phải trải qua hành trình lên dốc của việc làm mạnh tâm trí theo ý mình, làm chủ nó chứ không để nó làm chủ bạn, không để nó kéo lê bạn đi như một nô lệ trên suốt hành trình.
Kỷ luật là việc làm chủ tâm trí, khi làm chủ nó rồi thì một ngày sẽ tới lúc bạn tự do khỏi nó. Ngày đó sẽ đến, đó là ngày bạn đạt tự do, tự do này chưa tối thượng nhưng cũng xứng đáng lắm. Chỉ khi làm chủ tâm trí thì bạn mới cảm thấy lần đầu tiên trong đời bạn thực sự sống, như một con người tự do chứ không phải như một sự lệ thuộc, nô lệ.
Khởi động hành trình đó đi, bằng việc thiết lập kỷ luật trong cuộc sống của bạn.
Thiết lập kỷ luật cho cuộc sống nghe to quá, tóm nó lại là thiết lập kỷ luật cho việc học Anh văn sẽ cụ thể và dễ hơn chút xíu.
Hiện thực hoá quyết tâm ấy, kỷ luật ấy vào trong kế hoạch học tập trong tuần tới của bạn nào:
- Bạn sẽ dành bao nhiêu thời gian để học mỗi ngày? Học vào lúc nào là hiệu quả nhất? Sáng hay tối hay vào giờ nghỉ trưa trong văn phòng?
- Trong giờ học bạn sẽ học những môn gì: thần chú, bùa cười, câu chuyện Osho, phát âm?
- Mỗi môn bao nhiêu về thời gian hoặc khối lượng?
Hãy viết ra thật rõ ràng, cụ thể, chi tiết càng tốt. Và viết kế hoạch cho từ nay tới cuối tuần thôi là đủ. Hết tuần bạn tự tổng kết lại và lại đặt mục tiêu, kế hoạch cho tuần mới.
Đây là kế hoạch của tôi chỉ riêng cho việc học Anh văn để bạn có thể tham khảo:
Thức dậy 5:30Am
- Đọc/dịch một bài của cuốn 365 days vs Osho
- Video luyện phát âm 1-3 câu thần chú cho Học viện
- Mỗi ngày nói chuyện “sâu” với một người bạn nước ngoài ( nói lâu nhất có thể, chán cũng phải nói) – qua tin nhắn – để thực hành kĩ năng giao tiếp và sự nhẫn nại
- Viết một bài cho Tập san Mantras Academy
- Ngồi vào bàn dịch ‘Guru nổi loạn’ mỗi ngày, bất kể ít nhiều
- Viết cho cuốn sách tiếng Anh đầu tiên Sweet Philosophy – cái này thì tuỳ cảm hứng chứ không muốn kỷ luật.
Bạn thì sao? Xin hãy dành thời gian viết ra kế hoạch của bạn ngay lúc này.
Trước khi kết thúc bài hôm nay về tinh thần kỷ luật, sức mạnh của kỷ luật hoặc để khái quát hoá kỷ luật là gì, xin dừng việc nói lý thuyết dài dòng và tóm gọn lại tất cả tinh thần bài viết trong những câu “thần chú về kỷ luật” sau đây, mà tôi (người Viện trưởng đang ngùn ngụt quyết tâm) mới tìm được sáng nay thấy rất ưng ý. Mời các bạn chép – dịch để thấm đẫm tinh thần Kỷ Luật vào tâm trí nha.
Link các câu chú về tính kỷ luật:
https://www.facebook.com/HocVienGiaKim/
Namaste!