Nhật kí quá trình đọc những cuốn sách đầu tiên

Nếu như những năm cấ hai quá nhiều thời gian rảnh nên tôi đọc ngấu nghiến mọi thứ, từ truyện tranh đến báo tuổi teen Mục Tím, Hoa Học trò thì khi bước vào cấp 3, tôi không đọc một cuốn sách nào cả.

Thứ nhất do lịch học chính, học thêm vô cùng bận rộn rồi những buổi đi chơi với lớp, với bạn thân, với người yêu, việc yêu thích mua sắm thời trang, sống cuộc đời rất… ngon lành của cô gái lần đầu biết sử dụng tiền và thưởng thức cuộc sống… chà chà ai mà bận tâm đến sách cơ chứ.

Tôi ít đọc nhưng viết nhiều hơn và mỗi khi đi nhà sách thì chẳng bao giờ mua sách nhưng mua rất nhiều sổ tay để viết nhật kí. Chẳng ai bảo tôi nên đọc sách hay cho tôi biết rằng có nhiều cuốn sách hay đáng đọc. Tôi không thích truyện tranh nữa và không có chút manh mối nào về những cuốn sách khác nên cứ thế, suốt những năm cấp 3, tôi không đọc một cuốn sách nào.

Việc này kéo dài cho tới khi tôi rời thị trấn vùng quê để xuống Sài Gòn theo học đại học, chính xác hơn là học ngành marketing thương mại tại ngôi trường cao đẳng kinh tế đối ngoại.

Môi trường mới, hong cách sống mới, những mối quan hệ mới và sự quan tâm mới khiến tôi và sách như hai đường thẳng song song chẳng biết đến sự tồn tại của nhau chút nào. Những cuốn sách mà tôi biết là những cuốn sách lý thuyết chuyên ngành vô cùng nhàm chán, vô cùng đau thương mà mỗi lần mở ra là đôi mắt lại nặng trĩu và trái tim thì đau đớn khôn nguôi. Tôi ghét những cuốn sách chuyên ngành khô khan đến nỗi ghét… lây luôn việc đến nhà sách hay cầm lên tay bất cứ cuốn sách nào.

Ấy rồi ngày định mệnh ấy đã thay đổi tất cả, một cuối tuần đẹp trời không hải đi học, tôi đạp xe nhiều cây số từ Tân Bình qua Gò Vấp để thăm nhà một cô bạn học chung hồi cấp 3. Phòng trọ xinh xắn có căn gác gỗ nho nhỏ là nơi cô bạn và hai chị gái ở cùng nhau. Tôi thoáng ghen tị vì cả hai chị gái của tôi đều bỏ học đại học giữa chừng chỉ để làm một việc hết sức… “ngu ngốc và vớ vẩn”, ấy là lấy chồng. Họ lấy chồng từ rất sớm, bỏ dở việc học hành và cuộc sống phố thị để về quê sống trong nhà chồng của họ. Cô bạn tôi tên Uyên, chị gái lớn của cô ấy tên Ý Anh cũng là bạn học của chị gái tôi. Nhìn cách chị em họ chăm sóc nhau, cùng nấu ăn, cùng tâm sự chuyện quần áo, chuyện các chàng trai mà tôi thấy vừa ghen tị vừa thích thú. Nếu các chị tôi vẫn ở Sài Gòn thì chắc đời tôi sung sướng lắm vì hai chị của tôi có tính cách rất khác nhau, rất tuyệt vời, chị hai cực kì ham học hỏi, thích đọc sách báo, thích viết truyện, giỏi chăm sóc người khác; chị ba rành rẽ mọi món chơi bời, cực kì biết cách đầu tư bản thân và hưởng thụ cuộc sống. Nếu tôi có hai chị ở bên hậu thuẫn những năm tháng sinh viên thì có lẽ tôi sẽ là đứa trẻ may mắn nhất trên đời. Nói vậy thôi chứ kể cả khi không có họ, đời tôi vẫn may mắn lắm. Tôi sống độc lập tự do một mình cũng rất tốt, chỉ có điều không có nhiều điều kiện để học hỏi cái hay của những người đi trước mà thôi.

Uyên, cô bạn mời tôi ở lại ăn cơm trưa, tôi còn nhớ nguyên xi bữa ăn trực ngon lành ấy. Lâu lắm tôi không được ăn cơm nhà nấu ngon lành như vậy dù chỉ là món rau muống xào tỏi và thịt bắp heo chiên lên ăn kèm mắm chua ngọt. Tôi ngạc nhiên lắm khi cô bạn xào rau muống chỉ ăn cọng chứ không ăn lá và nói rằng chẳng ai ăn rau muống xào mà lại ăn lá cả, thế giới thật diệu kì với phong cách sống khác nhau của mọi người. Tôi thì chưa từng tưởng tượng ra việc bất cứ ai ăn rau muống mà lại bỏ lá. Chỉ một điều nhỏ xíu vậy thôi nhưng cũng khiến tôi cứ miên man suy nghĩ cả buổi về việc mình quả thật chăng biết một tí gì về cuộc đời.

Khi cô bạn nấu cơm, tôi đi lang thang trong căn phòng và bắt gặp một cuốn sách với cái tên rất lạ: Đắc nhân tâm của Dale Carnegie do Nguyễn Hiến Lê dịch.

Đắc nhân tâm là cái quái gì cơ chứ, mặc dầu vậy với sự tò mò sẵn có tôi vẫn mở sách ra đọc và có lẽ khoảnh khắc đó đã đánh dấu bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp đọc sách của tôi cho đến mãi sau này. Cuốn sách ấy hút lấy hồn tôi như thể một cái bẫy khéo léo chộp lấy chú thỏ con đang đi dạo trong khu rừng hoang dại.

Trước khi ra về, tôi dùng hết can đảm để mở lời mượn cuốn sách của cô bạn. Cô bạn nói rằng sách của chị gái cô ấy không thể cho mượn được. Tôi chẳng nhớ bằng lời lẽ thuyết phục nào hay do tấm chân tình của mình đã cảm hóa được cô bạn mà cô ấy đã bảo “Ừ thôi cứ cầm về đọc đi, nhớ trả lại là được.” Tôi còn nhớ mình chưa từng hạnh phúc đến vậy khi cầm một cuốn sách trên tay.

Suốt cả quãng đường đạp xe về nhà, khi đi ngang công viên Hoàng Văn Thụ xanh mát với những đồi cỏ mấp mô và những đôi tình nhân tình tứ, tôi không thể chờ đợi thêm được nữa, tạt xe vào lề đường, khiêng chiếc xe X-game lên vỉa hè và đi thẳng một mạch tới ụ cỏ xanh gần đó và mở sách ra đọc vì không thể đợi nổi tới khi về nhà.

Một cuốn sách tuyệt vời với những ý tưởng, những lý thuyết, những câu chuyện giản dị mộc mạc nhưng chứa đầy sức mạnh khiến người ta khát khao hành động, khát khao thay đổi.

Tôi đọc cho tới khi hết cuốn sách cũng là lúc đèn trong công viên bật lên, tôi ngẩng đầu dậy nhìn ra xung quanh và hạnh phúc như một đứa trẻ sơ sinh lần đầu mở mắt trông thấy một thế giới khác xung quanh mình. Tôi cũng sực nhớ ra chiếc xe đạp tội nghiệp đang bị vứt chỏng chơ đâu đó mà nếu mất nó có lẽ tôi sẽ khóc cho tới hết đời về sự vô trách nhiệm của bản thân mình. May quá chiếc xe đạp vẫn còn đó, những đôi tình nhân vẫn còn đó, cây vẫn xanh, cỏ vẫn êm, mọi thứ dường như giữ nguyên tình trạng vốn có, chỉ có tôi là không còn như cũ nữa.

Tôi thực hành những gợi ý trong sách Đắc Nhân Tâm và cảm thấy bản thân mình khác đi mỗi ngày. Nhưng quan trọng hơn tất thảy, cuốn sách ấy đã tưới vào tâm trí lẫn tâm hồn tôi một làn mưa tươi mát khiến cho hạt mầm “đọc sách” cứ tưởng đã chết khô nay sống lại và bắt đầu đâm chồi chảy lộc.

Cả đời tôi cho đến giờ vẫn luôn thực hành những điều mình học được trong cuốn sách ấy, với một trái tim tinh khiết mong cho thế giới này ngọt ngào hơn, con người dịu dàng và tử tế với nhau hơn chứ không vì mục đích giả tạo mong phần lợi cho bản thân mình.

Tôi nhận ra giá trị to lớn của những hành động bé nhỏ và dần dà nó giúp tôi hình thành một nhân sinh quan ngọt ngào về cuộc đời và giờ đây bạn thấy trong bộ sách này, nhân sinh quan ấy đã tiến hóa và phát triển thành cả một hệ thống triết học của riêng tôi: Triết học ngọt ngào.

Sau cuốn sách Đắc nhân tâm, tôi bắt đầu yêu thích việc đọc và đọc chăm hơn, dẫu vậy không phải khi nào bạn cũng gặp được những cuốn sách sách hay ho đáng nhớ.

Bộ sách tiếp theo mà tôi nhớ, cũng là bộ sách đã dẫn cả đời tôi theo một hướng đi khác với mọi người. Bộ sách này do anh bạn trai tôi hẹn hò thời sinh viên giới thiệu. Anh ấy rất đẹp trai lại ăn mặc cực kì có gu, chúng tôi “bắt sóng” nhau có lẽ do gu thời trang cùng thích nổi bật và khác biệt. Anh chàng tên Trường, đang theo học chuyên ngành thiết kế thời trang thì bỏ ngang vì yêu thích việc kinh doanh hơn, nhưng dù thế anh ấy vẫn giữ đam mê với việc thiết kế quần áo kết hợp cùng những dự án kinh doanh của mình. Đặc biệt hành động có phần hơi vội vàng ấy đã được anh chàng tính toán kĩ lưỡng và cân đo đong đếm rất cẩn thận sau khi nghiền  ngẫm bộ sách Dạy con làm giàu của Robert Kiyosaki.

Bộ sách này, đặc biệt các cuốn 1-2-3 đã cho tôi một cái nhìn hoàn toàn khác về thế giới về kim tứ đồ: người làm công – người làm tư – người làm chủ và nhà đầu tư.

Chính nhờ bộ sách này mà tôi đã thử kinh doanh khá nhiều thứ từ thời sinh viên và thu gom không ít kinh nghiệm cùng bài học sống trong cuộc đời. Tôi… khôn hơn anh bạn trai lúc ấy, tôi đã không bỏ học giữa chừng để chuyển hướng kinh doanh dẫu cho việc tự kinh doanh lúc ấy khá thành công. Dẫu vậy bộ sách vẫn thay đổi cuộc đời tôi tính từ khi ra trường, vì tinh thần khởi nghiệp của bộ sách, tôi từ chối ở lại Sài Gòn học liên thông hay kiếm việc như các bạn khác mà kiên quyết về lại quê nhà để mở shop thời trang thỏa đam mê kinh doanh nung nấu bấy nay. Hành động này đã thay đổi đời tôi như thế nào mời bạn đọc thêm ở cuốn tự truyện cuộc cách mạng hoa dại nhé vì nó khá dài và nhiều điều để kể.

Ngoài việc chuyển hướng đời tôi sang kinh doanh, làm chủ thay vì đi làm công ăn lương, bộ sách này còn cho tôi cơ số ý tưởng và bài học khác trên đường đời. Tôi bắt chước cách Robert bán bộ trò chơi Cashflow với giá thật đắt, thay vì thật rẻ – tôi cũng bán bộ sách mình tự dịch với giá khá cao so với mặt bằng chung của sách, thay vì bán rẻ cho những người không có nhiều tiền. Việc “bắt chước” này rất thành công cả mặt tiền bạc lẫn thay đổi tư duy người mua về giá trị của bộ sách, tôi rất hài lòng. Chưa kể, ý tưởng của Robert về việc trở thành nhà đầu tư để có cuộc sống tự do tài chính đã được tôi nâng cấp lên một cấp độ mới mà bạn đang cầm trên tay lúc này: một bộ sách về nghệ thuật đầu tư quan trọng nhất trong đời một con người đó là đầu tư vào chính bản thân người đó, đầu tư vào lối sống, tư duy, kiến thức, cảm xúc, sức khỏe và trải nghiệm mới làm cho cuộc sống trở nên giá trị nhất có thể theo mọi hướng, thay vì chỉ mỗi khía cạnh tiền bạc tài chính như sách của Robert.

Bạn thấy đấy, việc đọc sách là quan trọng nhưng việc đọc sách và suy ngẫm, rút ra bài học, tìm cách ứng dụng bài học vào cuộc sống cá nhân của mình còn quan trọng hơn nữa.

Bộ sách này không gì khác hơn chính là toàn bộ những suy nghĩ, kiến thức, ý tưởng, những bài học và thực tế thực hành mà tôi đã trải qua trong suốt cuộc đời của mình.

Bạn đọc nhưng cũng đừng quên việc quan trọng hơn cả đọc, không chỉ bộ sách này là mọi cuốn sách khác, ấy là việc thực hành.

Không có chiêm ngẫm và thực hành, rồi lại chiêm ngẫm đúc kết kiến thức sách thành tri thức của riêng bản thân bạn thì việc đọc khá là vô nghĩa. Vô nghĩa hệt như bạn ăn kiêng bằng cách ăn thật no rồi lại móc họng nôn ra vậy, vừa vô nghĩa vừa ngu ngốc và thật là thê thảm.

Nên nhớ nhé, đọc phải đi đôi với cả thực hành, đấy là thông điệp quan trọng nhất mà tôi cứ nhắc đi nhắc lại xuyên suốt cuốn sách này mong bạn bực thì cứ bực nhưng đừng có quên.

***

Tôi chưa bao giờ hối hận về việc từ bỏ con đường học vấn để đi theo hướng tự làm chủ, tự kinh doanh. Cơ mà nói vậy chứ tôi cũng đã học xong chương trình và lấy được tấm bằng cử nhân khoa Marketing thương mại của trường Cao đẳng kinh tế đối ngoại rồi đó chứ. Cả đời tôi chưa từng dùng đến tấm bằng ấy cho bất cứ việc gì, kể cả khi đi phỏng vấn làm việc. Tấm bằng không có giá trị với cuộc đời tôi cho lắm ngoại trừ là bằng chứng cho việc đã hoàn thành một giai đoạn trong đời.

Việc kinh doanh có lúc thuận lợi, có lúc khó khăn, có lúc thì bí bách đến nỗi hơn mười lần mỗi ngày tôi  nghĩ đến chuyện từ bỏ, mặc dầu vậy tôi vẫn kiên trì với con đường ấy và sau cùng, trải qua nhiều bài học đau thương tôi đã thành công. Những chuyện về kinh doanh xin được chia sẻ trong cuốn sách khác còn cuốn này xin cứ được phép dùng việc đọc sách và lợi ích của việc đọc sách làm trọng tâm để tránh bay lan man khắp thiên hà bạn nhé.

Điều khiến tôi yêu thích về lợi ích của việc kinh doanh ngoài chuyện tự do tài chính là chuyện tự do về thời gian. Tôi có rất nhiều thời gian rảnh mỗi ngày khi không có khách ghé cửa hàng và tôi đã tận dụng khoảng thời gian rảnh này một cách triệt để nhất cũng như hữu ích nhất để đọc sách. Trong vòng 2 năm, tôi đọc số sách nhiều hơn 20 năm trước đây sống trên đời và trong số những cuốn sách đó, có cuốn tôi nhớ như in nội dung, có cuốn tôi nhớ một chút và tất nhiên rất nhiều cuốn tôi chẳng nhớ một tí teo nào từ nội dung cho đến tựa đề sách.

Một trong số những cuốn mà tôi yêu thích và ghi nhớ nhiều nhất, cũng như đổi hướng đời tôi một cách sâu sắc nhất, ấy là cuốn Hành trình về Phương Đông do dịch giả Nguyên Phong phóng tác. Cuốn sách mở ra cho tôi một chân trời nhận thức mới mà từ đó, tôi không còn thuộc về thế giới cũ nhàm chán đơn điệu nữa. Cuốn sách mở cửa cho tôi bước vào một thế giới mới, thế giới tâm linh.

Tôi đọc đi đọc lại cuốn sách rất nhiều lần và lần nào cũng giữ nguyên một sự trầm trồ thán phục lẫn kinh ngạc sửng sốt về những ý tưởng vĩ đại được diễn tả một cách đơn giản, mộc mạc và dễ hiểu đến vậy. Từ đây tôi thích tìm đọc rất nhiều những bộ sách mang tính tâm linh khác do đã tìm ra chủ đề mà mình khao khát tìm hiểu nhất, những cuốn như Chúng ta thoát thai từ đâu? Bức thông điệp bi thảm của cổ nhân, bộ sách khác do Nguyên Phong dịch: đường mây qua xứ tuyết, hoa sen trong giếng ngọc, các sách của Osho, bộ Đối thoại với Thượng đế… Bên cạnh sách về kí sự, lý thuyết thì những tiểu thuyết tâm linh cũng được tôi yêu thích rất nhiều: Dấu chân trên cát, Nhà giả kim… là những ví dụ tiêu biểu.

Nguyên Phong cực kì nổi tiếng do phóng tác ra bộ sách bán chạy nhất tại Việt Nam, bộ Hành trình về Phương Đông và ngay lúc này tôi cũng đang nhận lãnh một sứ mệnh tương tự Nguyên Phong, ấy là phóng tác một cuốn tiểu thuyết cực kì thú vị, rất sâu sắc, rất hài hước về cuộc đời của vị chân sư nổi tiếng “nổi loạn” Osho. Bộ sách về thời thơ ấu của ông ấy do tôi sưu tầm, biên tập, in ấn và lưu hành nội bộ được rất nhiều bạn đọc yêu thích. Đó cũng chính là bộ sách tôi bán với giá 500 ngàn đồng, một mức giá không rẻ cho bộ hai cuốn sách khoảng 600 trang được in ấn với chất lượng giấy tốt nhất. Điều đáng nói là nhiều người không chỉ mua sách đọc mà còn viết thư cảm ơn tôi vì đã làm ra bộ sách này, một bộ sách không thể kiếm được trên thị trường sách dẫu bạn có bao nhiêu tiền chăng nữa, bạn đọc cảm ơn tôi vì đã dành nhiều thời gian đến thế (3 năm) để hoàn thành bộ sách và mang nó đến cho mọi người. Một người anh làm việc bên nhà xuất bản đã thuyết phục tôi xuất bản công khai bộ sách ấy nhưng để tránh rắc rối bản quyền thì hãy phóng tác lại nó bằng ngôn ngữ và văn phong của tôi. Tôi từ chối lời đề nghị ấy vì cho rằng mình không đủ giỏi để làm điều ấy và một lần nữa anh lại thuyết phục tôi rằng tôi hoàn toàn đủ khả năng và biết đâu nhờ xuất bản công khai như vậy mà nhiều người biết đến Osho, biết đến những thông điệp tâm linh giải thoát của Ngài ấy để rồi họ có khả năng cũng giải thoát cuộc đời mình. Lần này thì tôi đồng ý. Những câu chuyện quá hay, quá hài hước, thông minh và ý nghĩa nếu chỉ giới hạn một ít người được biết thì đúng là một sự phí phạm. Ngày xưa nếu Nguyên Phong không phóng tác lại thành ra cuốn Hành trình về Phương Đông thì làm sao đời tôi có thể trở nên ý nghĩa và tự do như thế này? Tôi nhận lời phóng tác lại câu chuyện cuộc đời của Osho vẫn trên những tình tiết có thật nhưng chỉ là đổi ngôn từ cho mượt mà dễ đọc hơn. Tôi nhận công việc ấy là một trong những sứ mệnh mà mình phải hoàn thành trong cuộc đời này cũng hệt như sứ mệnh biến tất cả mọi người thành những nhà đầu tư thành công vào bản thân họ mà việc đọc sách là món đầu tư đầu tiên mà tôi thành tâm khuyên bạn nên dành nhiều thời gian hơn để thực hiện.

Tôi sẽ review những bộ sách tâm linh mà ảnh hưởng tới cuộc đời tôi nhiều nhất sau, giờ trở lại với những cuốn sách tôi đọc trong giai đoạn tự phát triển bản thân mình. Như đã nói, có những cuốn tôi nhớ như in nhưng rất nhiều cuốn tôi chỉ nhớ một vài ý, như là cuốn 10 điều khác biệt giữa người giàu và người nghèo, tôi học được từ cuốn sách này một công thức kinh doanh đảm bảo thành công mà sau này tôi đã ứng dụng công thức ấy rất nhiều lần không chỉ trong việc kinh doanh mà còn trong nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống. Công thức ấy cực đơn giản thôi và đã được chứng minh bởi mọi thương hiệu lớn nhỏ trên thế giới, công thức đó là “Nếu như bạn xây dựng được một mô hình kinh doanh đem lại lợi nhuận, hãy nhân nó ra nhiều lần.”

Tôi không chỉ nhân cửa hàng của mình mà còn nhân rất nhiều hành động khác: nhân việc đọc sách, nhân những hành động đem lại giá trị tốt đẹp, nhân giống những tư tưởng tốt đẹp, nhân những gì mang lại tự do, hạnh phúc, kiến thức và sự giàu có cho mọi người. Cách nhân tốt nhất cho những giá trị này, là chia sẻ. Bạn càng chia sẻ nhiều, đem cho nhiều bạn lại càng giàu hơn, mạnh hơn – tôi tin câu này vì tôi chính là nhân chứng.

Những cuốn sách khác được cho là rất nổi tiếng, có cuốn tôi yêu thích như là 7 thói quen của bạn trẻ thành đạt, tôi tài giỏi bạn cũng thế, người giàu có nhất thành Babylon… có những cuốn tôi đọc nhưng không yêu thích lắm như sức mạnh của sự tử tế, cuốn này không dở nhưng đối với tôi mọi sách dạy về hành xử không cuốn nào qua mặt được Đắc Nhân Tâm. Đắc Nhân Tâm là cuốn kinh thánh về nghệ thuật ứng xử, giao tiếp nên càng đọc nhiều tôi lại càng chỉ yêu quý cuốn này hơn tất thảy. Ngoài ra còn có Đừng bao giờ đi ăn một mình, ai che lưng cho bạn, phụ nữ thông minh không ở góc văn phòng… là những cuốn tôi đọc nhưng không thật sự yêu thích, không phải vì sách không hay nhưng chỉ là tôi biết nó không hợp với mình. Mặc dù vậy tôi đều thực hành những ý trong sách mà tôi yêu thích nhất.

Những cuốn sách tôi không ưa cho lắm, như là Mặt dày tâm đen – đây là cuốn tôi được tặng nhưng càng đọc càng thấy sách không hợp với mình. Sách nói về việc đừng tốt quá mà nên biết căn ke tính toán nhiều hơn tránh để người khác lợi dụng mình hay làm hại mình. Đừng sống quá tình cảm nhưng hãy thiên về lý trí, càng lạnh lùng càng dễ thành công – có lẽ do không thích và không học nhiều từ cuốn này cho nên tôi mới hay bị người khác lợi dụng và lừa gạt đến thế. Nhưng tôi không hối hận. Ai đó lừa gạt mình là quyền của họ, tôi để mình bị gạt là quyền của tôi. Thà ngu ngốc một chút nhưng sống thanh thản nhẹ nhàng thay vì suốt ngày đa nghi và nhìn mọi người với cặp mắt nghi ngờ, xét nét. Tôi không giỏi đánh giá người khác, đặc biệt người xấu nên thay vì cố gắng đánh giá ai đó, tôi tập trung phát triển năng lực giác quan thứ sáu của mình để tránh xa những người đó ngay từ đầu. Thay vì cứ phải giả tạo, cố gắng lấy lòng và ở cạnh họ để làm lợi lẫn nhau.

Cho nên việc đọc sách, thích đọc cuốn nào, ghét đọc cuốn nào cũng sẽ giúp bạn định hình tính cách và tư duy sống cho cả đời bạn sau này. Hãy cẩn trọng trong việc chọn sách và tin theo sách bạn nhé. Bạn có thể đọc mọi thứ bạn muốn nhưng không nhất thiết phải thực hành tất cả mọi ý tưởng trong sách bạn đọc, đặc biệt những cuốn bạn không thích.

Cũng có khi bạn sẽ nhìn thấy sự phát triển của bản thân, sự trưởng thành của chính bạn thông qua sở thích đọc sách thay đổi theo thời gian. Ví dụ ban đầu đọc cuốn Đừng bao giờ đi ăn một mình tôi rất thích và cả thực hành nó trong việc hẹn gặp nhiều người để học hỏi từ họ, để tạo mối quan hệ và mạng lưới kết nối. Tôi từng cảm thấy những ai đi ăn một mình thật cô đơn và đáng thương nhưng rồi mọi chuyện thay đổi khi tôi đi sâu vào tâm linh và sáng lập ra một lối sống mới cho bản thân: lối sống đơn giản. Tôi đơn giản hóa mọi hành động của mình, kể cả việc ăn uống. Tôi đi ăn với tâm thế thưởng thức đồ ăn chứ không phải ăn vì mục tiêu kinh doanh tạo mối quan hệ nên dần dà tôi học cách đi ăn một mình và cảm thấy việc ăn uống chưa bao giờ ngon lành đến như vậy. Để đọc nhiều hơn về lối sống đơn giản mời bạn đọc cuốn Simplism Sống đơn giản – Sống thông minh cũng trong bộ sách này.

Tôi không chê cười ý tưởng dùng bữa ăn để học hỏi, tạo kết nối trong cuốn sách Đừng đi ăn một mình nhưng do bản thân đã thực hành cả hai và cảm thấy cách số hai “Chỉ nên đi ăn một mình” phù hợp với cuộc sống của mình nên tôi chọn thực hành nó nhiều hơn. Việc nhìn thấy sự thay đổi và trưởng thành của bản thân là một trong những cảm giác tuyệt vời và bạn thấy đấy: việc đọc sách cho bạn rất nhiều cơ hội để cảm nhận điều đó.

Chưa hết, việc chuyển thị hiếu từ sách dạng self-help sang những thể loại sách khác như triết học, tâm linh, kiến thức cũng là một bước chuyển biến lớn đối với những ai thích đọc sách.

Nếu bạn đã qua thời thích đọc sách Self-help thì tốt thôi nhưng đừng chê cười những ai vẫn đang cần đến nó và cũng chẳng cần tốn thời gian đi chê bai sách selfhelp làm gì, thời gian đó hãy tìm đọc những cuốn sách mới sẽ có giá trị hơn.

Tôi đọc nhiều sách self-help sau đó chuyển qua sách kiến thức, triết học rồi tiểu thuyết và rồi sau cùng là sách tâm linh. Một khi bạn đọc những cuốn sách tâm linh, nghĩa là những cuốn chạm vào sâu nhất trong linh hồn bạn, thay vì mỗi lý trí và tâm hồn thì tin tôi đi, rất khó để bạn quay trở lại đọc những loại sách mà trước đây bạn yêu thích. Giống như khi bạn lớn sẽ rất khó để bạn quay trở lại chơi với búp bê hay ô tô nhựa vậy. Dù vậy, mỗi loại sách đều thích hợp với bạn trong mỗi giai đoạn phát triển. Hãy nhìn vào thể loại bạn yêu thích đọc để nhận ra mình đang ở tầm mức nào của sự trưởng thành nhé.

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *