Trong khoá học Nhà Giả Kim của mình, có một môn mà các bạn buộc phải học đầu tiên: môn Thuật Tẩy Não.
Môn này giải thích về cách não bộ vận hành, cách tâm trí được thiết lập và huấn luyện để hoạt động như thế nào. Rồi từ đó sẽ cho bạn các bài tập để thực hành việc thay đổi thay đổi nhân sinh quan, thay đổi cách nhìn và từ đó sáng tạo ra những mô típ hành xử mới cho tâm trí.
Một trong số các bài tập của môn này, mình yêu cầu các bạn mentee tìm các phương án vi mô lẫn vĩ mô để trả lời câu hỏi: “Làm cách nào để mô hình: trường học/bệnh viện/chợ truyền thống/nhà tù (hiện đang tồn tại trong xã hội) biến mất?
Phản ứng đầu tiên của mọi người luôn là ngạc nhiên, bối rối. Tại sao chúng phải biến mất? Làm sao mà chúng biến mất được? Chúng là những thứ cần thiết thế, cơ bản thế, thiếu chúng thì phải làm sao? Thật là điều bất khả. Thật là câu hỏi ngớ ngẩn.
Đây nữa, cũng là một mô típ hành xử của tâm trí.
Khi mọi sự là bình thường thì việc phải hình dung một viễn cảnh không bình thường, là rất khó. Nhưng thực tại về cơn dịch bệnh hiện nay có lẽ đã làm bạn thay đổi cách nghĩ một chút rồi đúng không? Rằng quả thật chuyện gì cũng có thể xảy ra. Rằng nếu như chúng ta đồng lòng tạo ra giải pháp một cách đồng bộ và quyết tâm, thì không gì là không thể.
Lấy ví dụ về việc làm cho trường học biến mất. Một xã hội không có trường học, đơn giản nghĩa là việc giáo dục không còn là việc tập trung và độc quyền nữa. Nghĩa là các phương pháp giáo dục tân tiến, phân tán và sáng tạo nên được phổ cập nhiều hơn. Đứa trẻ có thể học tại nhà, học tại câu lạc bộ, tại các trung tâm chuyên biệt. Chúng có thể đến học tại thư viện nếu cần đọc sách, đi đến các trang trại nếu muốn quan sát cách động vật và hoa màu nảy mầm. Chúng có thể được đi vào rừng để học sinh tồn, kết nối thiên nhiên hoặc vào những khu bếp để học cách nấu nướng. Thầy cô hoàn toàn có thể được thay thế bởi những chương trình online hấp dẫn. Thay vì thầy cô thì mô hình mới chỉ cần những người quản lý để giúp bọn trẻ lên chương trình học và giúp chúng tự định hướng để phát triển tiềm năng của mình.
Việc dạy học sẽ được một hội đồng chuyên môn thẩm định và cấp quyền. Một hoạ sĩ có thể nhận dạy vẽ, hoạ sĩ dạy nhạc, vũ công dạy múa, nhà nghiên cứu địa lý dạy địa, nhà sử học dạy về lịch sử, nhà văn dạy về cách viết văn…. Mọi người đều có thể lên giáo án và chương trình do chính họ soạn thảo và được đánh giá bởi chuyên gia lẫn học sinh, không cần điểm số.
Rất rất nhiều phương án khả thi nếu như toàn xã hội cùng đồng lòng. Chỉ cần nhìn ra bản chất vấn đề nằm ở đâu, thấy những gì chưa ổn cần thay đổi và cái gì đang làm tốt cần phát huy. Học cách nhìn vào bản chất vấn đề sẽ cho chúng ta rất nhiều giải pháp. Tất nhiên những gỉai pháp này chỉ mang tính lý thuyết, tức là xã hội sẽ không vì ý tưởng của bạn mà thay đổi. Nhưng việc bản thân bạn nhìn ra bản chất vấn đề để thay đổi cách hành xử của bạn, thì cực kì quan trọng.
Ví dụ một người cha người mẹ khi nhìn thấy sự bất cập và vô dụng của hệ thống giáo dục hiện hành, họ có thể muốn nghĩ đến phương án giáo dục tốt hơn cho con của họ. Họ có thể đăng kí cho con một chương trình home-schooling quốc tế hoặc tự lên chương trình học theo nhu cầu và mong muốn của đứa con. Điều này hoàn toàn có thể, chỉ cần cha mẹ và người con biết mình đang làm gì. Ví dụ đứa nhỏ cực kì có năng khiếu múa ba lê, yoga, thể thao, viết chương trình máy tính, diễn xuất… Thế thì liệu nó có thật sự cần 12 năm đi lên trường học đủ mọi loại kiến thức căng thẳng mà sau đó sẽ quên rốt ráo? Nếu 12 năm này được phân bổ lại và đứa trẻ được phát hiện sớm tiềm năng lẫn sở thích, nó có nhiều cơ hội thành công hơn rất nhiều. Có thể chỉ 10 tuổi nó đã có triễn lãm tranh vẽ riêng. Có thể 15 tuổi nó đã ra mắt cuốn sách truyện đầu tay. Có thể 18 tuổi nó đã có show diễn thời trang do chính nó thiết kế. Có thể 20 tuổi nó đã có bằng cấp để dạy yoga quốc tế. Có thẻ 25 tuổi nó đã am hiễu lĩnh vực đầu tư tài chính và có thể lập công ty riêng… Ai biết được? Có thể chứ.
Việc học không theo chương trình này sẽ làm đời mỗi đứa trẻ đầy màu sắc và không nhàm chán, lặp đi lặp lại. 10 tuổi nó chỉ muốn học tiếng Anh, 13 tuổi rành thêm tiếng Pháp, 15 tuổi học tiếng Trung và 18 tuổi thêm tiếng Tây Ban Nha… Bạn có cho rằng con đường tương lai của nó bị thu hẹp so với đứa trẻ 18 tuổi có bằng tốt nghiệp chính quy?
Có thể năm nay nó thích nấu ăn, năm sau thích du lịch và trở thành hướng dẫn viên du lịch, năm khác nữa lại muốn là người huấn luyện thể hình, rồi thành nhiếp ảnh gia… Một người có thể làm rất nhiều việc và sẽ làm rất tốt nếu người đó quyết tâm và được đào tạo chuyên nghiệp. Nghề dạy nghề là cách học tốt nhất và nhanh nhất, không cần lãng phí quá nhiều năm ngồi trên ghế nhà trường làm gì cả.
Nếu cha mẹ có suy nghĩ như vậy và nếu họ tìm được một chuyên gia năng lực giúp họ thiết kế chương trình học dựa trên thực lực và nhu cầu đứa trẻ, điều đó chẳng tuyệt sao?
Nếu nhiều cha mẹ cùng suy nghĩ và hành động như vậy, thì sao? Thế thì bạn không cần bận tâm chuyện trường học biến mất bởi vì cuộc sống thực tế này là thầy dạy tốt hơn cả. Không có trường học con người không chết, thậm chí có khả năng sống tốt hơn ấy chứ.
Nhưng nên nhớ đây chỉ là một khả năng, khi cha mẹ và người con đồng lòng theo con đường này họ sẽ phải chịu trách nhiệm cho quyết định của mình. Trách nhiệm với cuộc đời mình là một trong những thứ người ta nên học đầu tiên, chứ không chỉ trách nhiệm với bảng điểm và các kì thi tuyển.
Thay đổi được suy nghĩ nền tảng sẽ thay đổi được cách hành xử lẫn phương cách sống của mỗi người. Bạn thay đổi là được, đừng quan tâm quá đến xã hội.
Cũng như vậy với câu hỏi về việc làm sao để cho chợ truyền thống biến mất.
Khi đưa ra bài tập ấy, câu trả lời của mọi người thường là, “tại sao lại phải làm nó biến mất? chợ hay mà. Tôi thích đi chợ mà”. “Nhưng tôi đâu hỏi bạn chợ có hay hay không. Tôi đâu hỏi bạn có thích chợ hay không? Bản thân tôi cũng thích chợ mà. Câu hỏi ở đây là ‘làm cách nào để mô hình chợ truyền thống biến mất’ cơ mà. Hãy tập trung vào giải pháp.”
Tâm trí rất khăng khăng trong việc tiếp nhận ý tưởng mới, chính vì thế mà chúng mới cần được làm sạch lại. Chúng cần được luyện cách nhìn ra nhiều giải pháp hơn, sáng tạo hơn, nhạy cảm hơn và tích cực hơn. Chúng ta luôn cần giải pháp mới vì cuộc sống hiện tại của chúng ta chưa phải là tốt nhất. Nếu có thể tổ chức cuộc sống tốt hơn, xanh hơn, tiện hơn, bền vững và thân thiện hơn, tại sao không?
Để chợ truyền thống biến mất rất đơn giản, tạo ra mô hình mua-bán mới và phổ cập nó đến mọi người là xong.
Về mô hình chợ mới thì hiện tại có Bách Hoá Xanh là một ví dụ. Không nói đến việc trong đợt dịch này họ đã làm tổn hại hình ảnh thương hiệu thế nào với chiến lược kinh doanh của mình, nhưng mô hình “chợ phi truyền thống” kết hợp giữa chợ và siêu thị là một mô hình thực sự rất hay có thể thay thế chợ truyền thống trong tương lai.
Rồi những mô hình khác chuyên về nông nghiệp như chị Hồng ở Hà Nội có hệ thống cửa hàng Nông Nghiệp Sạch đang phát triển rất mạnh. Mô hình của chị cũng tương tự như BHX nhưng tập trung vào mảng nông sản và có dịch vụ “đi chợ hộ” rất thích hợp trong bối cảnh dịch bệnh này. Phía nam ở Sài Gòn thì có anh Tùng với app foodmap cũng là một sự nhảy vọt tư duy trong bối cảnh đưa nông sản chất lượng từ thịt cá rau củ trái cây tới tận nhà người tiêu dùng thông qua vài cái “chọt tay” trên bàn phím.
Đây là những cánh cửa mới rất tiềm năng trong tương lai mà qua mùa dịch này bạn càng thấy sự cần thiết của chúng. Nếu như các mô hình chợ mới này được đồng bộ hoá trong khâu quản lý chất lượng, bảo vệ môi trường, việc vận chuyển, thế thì tương lai người dân không cần đi chợ là điều hoàn toàn có thể. Và nghĩ đến việc lượng túi nilon của các chợ truyền thống được thay thế bằng các phương án đóng gói khác thân thiện môi trường hơn, nghĩ về nó sẽ cho bạn thấy việc thay thế mô hình chợ truyền thống bằng mô hình chợ hiện đại hơn không phải là điều quá vớ vẩn.
Những ngày dịch bệnh này, chợ truyền thống là một trong những nơi dễ lây nhiễm nhưng lại rất cần thiết mà ngay cả chính quyền cũng phân vân bối rối trong việc đóng hay mở. Mở thì nguy cơ lây nhiễm cao. Đóng thì không đủ thực phẩm cho dân. Nếu như lúc này chúng ta có các mô hình chợ mới và các phương án vận chuyển hàng hoá trơn tru hơn từ vườn về phố, vừa đảm bảo lượng lẫn chất, giá thành lẫn sự an tâm của người dân, điều đó chẳng tuyệt sao?
Chợ truyền thống là một nét văn hoá hay, bản thân mình khi đưa ra đề bài cũng không hề muốn nó bị biến mất chứ đừng nói tới việc có một ngày nhìn thấy các chợ thật sự bị đóng cửa như hôm nay. Nhưng không bài học nào là vô dụng nếu bạn có thể nhìn ra bản chất vấn đề, nhìn ra sự liên quan của một vấn đề tưởng chừng như viễn vông nhưng đùng phát lại thành thực tế, và nhìn nhận lại cách sống của mình để thay đổi. Kể cả khi chưa thể thay đổi thực tại, hãy tập cho não bộ cách nhìn vấn đề theo góc độ mới và xem mình có thể làm gì để thích ứng nếp sống mới hay không.
Thời đại internet kết nối mọi người ở mọi nơi, lại thêm hệ thống công ty dịch vụ vận chuyển cũng đang nở rộ, việc mua bán dễ hơn bao giờ. Ai cũng có thể mua và ai cũng có thể bán. Lại thêm lối sống hồi quê, quay về tự nhiên, chủ động quy trình tự cung tự cấp, tự nuôi trồng thực phẩm cũng bắt đầu nở rộ. Việc tương lai mỗi nhà đều có vườn rau nhỏ của riêng mình vừa kết hợp nuôi cá, trồng rau hay thậm chí nuôi gà ngay trong sân thường nhà phố cũng là điều hoàn toàn có thể.
Thời buổi dịch bệnh khiến kinh tế lao đao, chính quyền lao đao, người dân lao đao, mọi nếp sinh hoạt cũ đều chứng tỏ có vấn đề, không bền vững, hời hợt mong manh, vô nghĩa vô dụng. Nhưng đừng chỉ nhìn nó như tai hoạ. Nó không chỉ là tai hoạ đâu, hãy học cách nhìn ra cơ hội trong nó nữa.
Càng trong hoạn nạn người ta càng có dịp để mài sắc sự quan sát, sự nhận biết, tính nhạy cảm nhạy bén, tinh thần trách nhiệm và khả năng sáng tạo nữa.
Anh hùng không xuất hiện trong thời bình đâu, mà là thời chiến. Chúng ta đang sống trong một thời chiến đúng nghĩa đen. Đây là cơ hội cho các “anh hùng” trỗi dậy, cơ hội cho mọi người phát huy tố chất anh hùng vốn sẵn có trong mình. Khoan nghĩ đến việc là anh hùng của xã hội, hãy là anh hùng của bản thân mình đi. Trước khi có thể nhận ra và thay đổi những hiện trạng không mong muốn trong cuộc sống xã hội. Hãy nhận ra và thay đổi những hiện trạng không mong muốn trong cuộc sống của riêng bạn đã.
Bạn có bất kì ý tưởng nào để biến thời kì “loạn lạc khó khăn” này thành một bước ngoặt trong đời của bạn không?
Bạn có bất kì kế hoạch nào để tận dụng khoảng thời gian “kì lạ” này và khiến nó trở nên đáng giá không?
Bạn muốn mình là nhà kiến tạo, người đầu tư, hay chỉ là nạn nhân của những biến cố cuộc đời?
Một môn học khác trong khoá Nhà Giả Kim, là môn “Nghệ thuật đầu tư thông minh”. Cách thức đầu tư thời gian, năng lượng và tiền bạc vào bản thân bạn như thế nào để tối ưu hoá lợi nhuận. Lợi nhuận không chỉ là tiền và vật chất. Lợi nhuận của việc đầu tư thông minh còn là những cảm xúc cảm giác, niềm vui, sự bình an, mãn nguyện và sự nhận biết trong cuộc sống.
Bạn đã bao giờ làm bất cứ gì, đầu tư bất cứ gì vào bản thân mình để có những lợi ích bền vững ấy chưa? Nếu chưa thì hãy bắt đầu ngay. Và bắt đầu bằng việc học “thuật tẩy não” là điều cần thiết lắm!