Sách “Cách mạng giải phóng trẻ em”
29. Trẻ con và những câu hỏi
Nhiều người chỉ nhau rằng, hãy khuyến khích trẻ con hỏi. Nhưng thật ra bản tính của trẻ con luôn là tò mò và hay hỏi. Việc của bạn không cần phải khuyến khích con hỏi, nhưng là hãy khuyến khích nó tự tìm câu trả lời và song song đó là đừng giới hạn khả năng hỏi của đứa trẻ.
Những hành động nào của người lớn làm giới hạn khả năng hỏi của trẻ? Đó là việc bảo nó “Im đi, đừng hỏi nữa, nói nhiều quá” hoặc “con chưa đủ tuổi biết cái đó” “lớn rồi con sẽ hiểu”.
Rồi việc cho nó những câu trả lời làm sẵn cũng là việc làm thui chột khả năng hỏi của đứa trẻ. Cha mẹ luôn đầy ắp câu trả lời cho các câu hỏi của đứa trẻ mà chẳng một lần nghiêm túc nhìn lại mức độ chân thật của những câu trả lời ấy.
Rio bảy tuổi, kiên quyết với tôi rằng Thiên Chúa có ba ngôi, ngôi hai xuống thế làm người cứu chuộc thiên hạ. Thằng bé tin điều này một cách thành tâm hệt như khi tôi còn nhỏ và cũng tin mọi điều mình được dạy như thế.
Công giáo là tôn giáo có tổ chức hệ thống chặt chẽ. Sự chặt chẽ này đi từ nơi cao nhất là ba ngôi Thiên Chúa (mà tôi hay gọi là Thượng đế) cho tới hệ thống toà thánh và xuống tới đoàn giáo dân. Mọi người biết rõ địa vị và cấp bậc của mình trong hệ thống ấy, kể cả một đứa trẻ. Hỏi nó, nó sẽ cho bạn biết nó đang ở cấp độ nào, đã trải qua những phép bí tích gì và chuẩn bị tới phép bí tích gì. Công giáo “đào tạo” niềm tin cho những đứa trẻ từ rất sớm. Khi nhỏ xíu chúng theo cha mẹ đi lễ nhà thờ và dần tin rằng đó là điều bắt buộc, lớn hơn chút thì tham gia các lớp giáo lý và được dạy chi tiết về những bổn phận lẫn nghĩa vụ của một giáo dân.
Không thể phủ nhận việc theo các lớp giáo lý và tham gia các hoạt động của nhà thờ khiến đứa trẻ có nhiều cơ hội để phát triển những kĩ năng như nói trước đám đông, hát múa, tổ chức sự kiện, quản lý nhóm, diễn kịch… Nhưng mặt trái là nó đóng đinh vào đầu đứa trẻ những ý tưởng về cái gì là sai và đúng. Nó giết chết khả năng nghi vấn của đứa trẻ từ ngay lúc ban đầu.
Tôn giáo có thể khai thác con người vì một lý do đơn giản: con người cảm thấy có một sự không hài lòng bên trong khi họ có những câu hỏi mà không thể tìm ra câu trả lời. Câu hỏi luôn tồn tại. Con người sinh ra với những câu hỏi, một dấu hỏi lớn trong trái tim. Điều đó là tốt.
Thật là một phúc lành khi con người được sinh ra với một dấu hỏi lớn trong tim. Nếu không thì con người không khác gì các loài động vật khác cả.
Chính những câu hỏi xuất phát từ nội tại của bạn sẽ thôi thúc bạn đi tìm câu trả lời và tìm ra những điều thần bí của cuộc sống.
Câu hỏi nội tại là câu hỏi mà tự nó khởi lên bên trong bạn, khiến bạn day dứt cho tới khi tìm ra câu trả lời. Những câu hỏi người khác trao cho bạn dù có to tát đến đâu cũng chỉ là vô nghĩa.
Trẻ con luôn đầy ắp những câu hỏi khởi sinh từ nội tại của chúng. Chúng hỏi với sự tò mò lớn lao và sự tò mò này là bản tính tự nhiên cần thiết cho sự trưởng thành của đứa trẻ. Nhưng bạn làm gì? Bạn thường ngó lơ những câu hỏi từ nội tại ấy của chúng, bạn nhồi vào đứa trẻ những câu hỏi mà bạn làm ra và nhồi thêm cho chúng những câu trả lời.
Không đâu dễ quan sát việc “nhồi” này cho bằng trong những lớp giáo lý tôn giáo.
*
Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình Công giáo cho nên tất nhiên tôi cũng tham gia mọi lớp giáo lý bắt buộc khi còn rất nhỏ. Tôi thích đi học giáo lý vì tôi và các bạn được chơi rất vui trước và sau mỗi buổi học, đó là lý do duy nhất.
Còn lại những giờ đồng hồ phải ngồi im nghe một giáo lý viên hỏi những câu hỏi rất kì cục và khó hiểu; rồi chúng tôi đọc những câu trả lời được in trong sách cũng cực kì khó hiểu; sau đó người giáo lý viên giảng giải câu giáo lý ấy một cách máy móc nhàm tẻ; chúng tôi học thuộc những câu hỏi và câu trả lời, rồi ra về.
Đó là chuyện xảy ra cách đây vài chục năm trước. Tôi chưa có dịp đi nhà thờ quan sát cách trẻ con học giáo lý ngày nay nhưng hình như vẫn không có gì thay đổi, vẫn là việc học thuộc những câu hỏi được ai đó viết ra, rồi học thuộc những câu trả lời cũng ai đó viết ra. Và tệ hơn nữa là những bài kiểm tra giáo lý áp lực và đầy lo lắng không thua gì việc kiểm tra trên trường học cả. Kí ức về nỗi sợ hãi trước mỗi kì kiểm tra giáo lý khiến tôi bây giờ mỗi lần nghĩ lại vẫn thấy rùng mình.
Tôi tham gia không biết bao nhiêu buổi học giáo lý nhưng chỉ duy nhất một buổi học khiến tôi nhớ mãi. Và trong suổt buổi học đó cũng chỉ một thông điệp đã in đậm vào tâm trí tôi đến nỗi bây giờ nhìn lại, tôi nhận ra nó đã phần nào thay đổi cả cuộc đời tôi. Một câu hỏi đã khởi lên trong tôi trong buổi học giáo lý ấy, một câu hỏi nội tại không liên quan gì các câu hỏi-đáp nhàm chán của cuốn sách giáo lý.
Hồi ấy tôi khoảng tám hay chín tuổi, là thời điểm tôi vẫn còn sống cùng cha mẹ và cùng bọn trẻ trong làng đi đến lớp giáo lý mỗi cuối tuần. Trong lớp có một thằng nhóc hơi hơi khùng khùng, nó bị vấn đề thần kinh từ khi rất nhỏ nên phản ứng và sự vận động của cơ thể lẫn tâm trí không phát triển bình thường. Vậy mà nó vẫn phải đi học giáo lý, thằng nhóc đáng thương. Cũng có lẽ đấy là cách duy nhất mà nó có thể vui chơi cùng những người bạn đồng trang lứa dù cho chẳng đứa nhóc nào chịu chơi với nó cả.
Buổi học giáo lý ấy, cô giáo lý viên đã hỏi một câu rất đơn giản “Hồi nhỏ chúa Jesus đã làm gì?” và gọi nó đứng dậy trả lời. Nếu bạn là một đứa trẻ nhớ bài thì bạn cũng biết câu chuyện duy nhất về thời thơ ấu của chúa Jesus ấy là sau khi đi cùng cha mẹ đến Thánh đường tham gia một buổi lễ lớn, cậu bé Jesus đã ở lại giáo đường và trò chuyện cùng các giáo sĩ và các nhà thông thái. Thậm chí cậu còn giảng giải kinh sách cho họ mặc kệ cha mẹ lo lắng đi tìm kiếm khắp nơi.
Thật kì lạ khi đây là câu chuyện duy nhất về thời thơ ấu của Jesus còn được ghi chép lại. Tất nhiên thằng nhóc “khùng” kia chẳng thể nhớ được gì, vì nó… khùng mà. Nhưng câu trả lời của nó đã khiến tôi – khi ấy chỉ là một đứa trẻ – phải sửng sốt.
Nó đáp, “Khi còn nhỏ Chúa Jesus vui chơi, nấu cơm, xách nước, bổ củi, làm việc nhà.”
Một câu trả lời sao mà ngốc nghếch và ngớ ngẩn trong mắt bọn trẻ chúng tôi lúc ấy, nhưng lại vô cùng đẹp và đáng yêu trong mắt tôi lúc này.
Tôi nhớ mình đã phá lên cười, chỉ là cười hùa cùng tất cả mọi người, nhưng từ đó trở đi câu trả lời ấy cứ ám ảnh tôi khôn nguôi. Không chỉ câu trả lời mà câu hỏi ấy cũng cứ quẩn quanh tâm trí tôi mãi, về chuyện khi còn nhỏ thì Chúa Jesus làm gì? Chẳng lẽ ngài không phải làm việc nhà sao? Chúa thì tất nhiên không làm việc nhà rồi vì việc nhà nhàm chán và tầm thường thế. Thế thì Chúa Jesus khi còn nhỏ sẽ làm gì? Sau này câu hỏi ấy lặn đi nhưng nó không biến mất, nó lặn vào vùng vô thức của tôi và khiến tôi mải mê đi tìm câu trả lời.
Tôi đã tìm trong kinh thánh, trong sách giáo lý, trong các buổi giảng của linh mục trên nhà thờ, nhưng tôi không tìm được câu chuyện nào khác về thời thơ ấu và thời thanh xuân của chúa Jesus cả. Ngài thật là bí ẩn. Cũng chẳng hiểu làm sao tôi lại quan tâm đến thời thơ ấu của Ngài nhiều thế, có lẽ vì nó là mảnh ghép bị thất lạc trong cuộc đời của Ngài. Một cuộc đời mà chúng tôi thuộc làu làu vì năm nào cũng nghe đi nghe lại suốt mấy chục năm ròng.
Tự dưng một ngày Ngài xuất hiện ở sông Jordan, chịu phép rửa tội bởi Gioan Tẩy Giả rồi bắt đầu đi rao giảng về sự cứu độ. Rồi mọi người đi theo Ngài, rồi Ngài chịu đóng đinh, trút hơi thở cuối cùng trên cây thập tự và rồi sống lại. Rồi ngài biến mất một cách bí ẩn hệt như cách ngài biến mất trong thời thơ ấu xa xưa. Có lẽ không chỉ trẻ con mà mọi người đều có chung một nỗi tò mò về những điều bị thiếu trong những câu chuyện. Hoặc chẳng ai tò mò cả, ngoại trừ một số ít người – trong đó có tôi.
Tôi nhớ từ hồi mới được dẫn đi lễ nhà thờ và say mê nghe giảng, tôi đã hỏi mẹ những câu hỏi rất ‘khó chịu’. Tôi hỏi, “Mẹ, mình có phải dân Do thái không?” “Không, mình là người Việt Nam” “Nếu mình không phải dân Do Thái, tại sao mình lại cứ nhận là con của Chúa? Chúa đã bảo ngài chỉ nhận dân Do Thái là dân riêng cơ mà? Nếu mình không phải con dân của Chúa thì mình là gì?”
“Sau khi chết mình sẽ đi đâu và làm gì?” “Mình sẽ lên thiên đàng ca hát và nhảy múa suốt ngày dưới chân Chúa” “Mình không được làm gì khác sao?” “Mình không làm gì khác cả” “Chán thế”.
“Mẹ, nếu chúa Jesus được mọi người yêu thương như thế, tại sao họ lại đồng thanh đòi đóng đinh ngài, thay vì kẻ giết người Baraba?”
“Nếu chúa Jesus quyền phép thế, sao Ngài không tự cứu mình và cứu luôn cả thế giới để cho không ai còn tội lỗi hay phải đau khổ?”
“Tại sao chúa Cha yêu thương con mình mà lại bắt con mình đi chết?”
“Con có phải người đã đòi giết Chúa Jesus không, sao giờ con cũng phải chịu tội?”
“Những người không theo đạo của mình, khi chết họ đi đâu? Đi Lam-bo à? Thế Lam-bo là gì? Họ sẽ ở đó bao lâu?”
Những câu hỏi này, nếu bạn là người cha mẹ bình thường, nhất định bạn sẽ chỉ đơn giản bắt con của bạn im miệng cho rồi. Vì chúng sẽ khiến bạn lung lay ngay cả niềm tin của chính bạn, vì bản thân bạn cũng muốn biết những điều ấy nhưng bạn chưa bao giờ dám hỏi. Thật đơn gỉan khi chỉ bảo con bạn “Im đi” hoặc cho nó vài câu trả lời kinh sách. Mọi câu trả lời của bạn đều từ cuốn sách nào đó, không phải của riêng bản thân bạn.
Khi tôi còn nhỏ, câu trả lời của thằng nhóc điên là thứ đầu tiên khởi lên trong tôi về một câu trả lời nguyên bản, một câu trả lời giản dị khiến tôi vừa hài lòng nhưng cũng vừa lung lay. Từ đó tôi chẳng bao giờ có thể hài lòng nếu câu trả lời mà tôi nhận được không nguyên bản.
Trong gia đình tôi thì mẹ là người học cao hơn ba nên khi tôi có câu hỏi, tôi hỏi mẹ chứ chẳng bao giờ hỏi ba cả. Mẹ tôi là người phụ nữ tuyệt vời. Điều tuyệt vời của mẹ là đã không cho tôi những câu trả lời làm sẵn cũng không bắt tôi im miệng, nhưng chính mẹ chỉ im lặng không nói gì.
Khi tôi hỏi những câu đầu tiên, mẹ trả lời kiểu kinh sách hoặc những gì mẹ biết. Ví dụ tôi hỏi “mình có phải người Do Thái không?” mẹ đáp “mình là người Việt Nam” và khi tôi nói nếu mình không phải người Do Thái thì mình đâu phải dân riêng của Chúa, sao mình phải đi theo và tôn thờ ngài, mẹ tôi im lặng.
Khi tôi hỏi người không tin theo Chúa khi chết sẽ đi về đâu, mẹ nói Lambo – là một nơi tối tăm. Tôi hỏi người ta phải ở đó bao lâu? Mẹ im lặng.
Dần dà mẹ không trả lời theo kinh sách nữa, mẹ chỉ im lặng và im lặng. Im lặng của mẹ đã giúp đỡ tôi nhiều vô cùng. Tôi biết mình không thể dựa vào bất cứ ai để giúp tôi trả lời những câu hỏi. Tôi biết mình sẽ phải tự tìm câu trả lời. Và tôi cũng biết rằng tôi có quyền được hỏi vì mẹ tôi chưa bao giờ bảo tôi phải im đi.
Khi lớn lên, tôi vẫn giữ sự tò mò về những câu hỏi khi bé chưa được trả lời và ngày càng hứng thú hơn với những câu chuyện thời thơ ấu của những người đã thức tỉnh.
Tôi biết đến đạo Phật, tôi được nghe kể những giai thoại rất hay về Phật khi còn trẻ. Tôi đã được chọn vào tham gia một dự án nghiên cứu sâu về thời thơ ấu của Phật trong góc nhìn lịch sử. Nhờ đó mà tìm ra những điểm tương đồng cực kì thú vị với những gì tôi đã biết về Jesus. Cuộc đời cũng dẫn lối tôi biết tới thời thơ ấu của Osho nữa – vị Phật của thế kỉ 21 – và kì lạ chưa, chính những câu chuyện về thời thơ ấu của ông ấy đã giải phóng tôi, đã giúp tôi trả lời những câu hỏi nội tại mà tôi luôn ám ảnh.
Tôi đọc những câu chuyện ấy và thấy mình trong tình huống của đứa trẻ Osho nhưng đồng thời cũng thấy những gì mình không có: trí thông minh, lòng can đảm, sự tự do và sức mạnh của một đứa trẻ mang sớm bản tính Phật.
Hoá ra không chỉ Ki-tô giáo mà cả Jaina giáo cũng có những lớp học giáo lý cho những đứa trẻ nhỏ và Osho cũng bị bắt đến lớp học ấy, nhưng cậu bé từ chối.
Cha cậu hỏi tại sao lại không đến lớp giáo lý trong khi mọi đứa trẻ khác trong làng đều đi đến đó, cậu đáp, “Vì họ toàn dạy những điều ngớ ngẩn. Thứ nhất, con không hỏi những câu hỏi đó. Nếu như con quan tâm, nếu như con muốn hỏi những câu như vậy, con sẽ đến chỗ họ để kiếm câu trả lời và sẽ suy xét xem liệu họ trả lời có đúng hay không, nhưng ngay bây giờ con đã không hỏi những câu đó, thế thì tại sao phải đến đó nghe họ trả lời? Điều thứ hai là, những điều họ trả lời thì đều là vớ vẩn hết.”
Người cha kinh ngạc, “Tại sao con lại nói nó là ngớ ngẩn? Con chứng minh đi. Con luôn yêu cầu ta chứng minh mọi thứ, bây giờ con hãy chứng minh lời họ giảng là vớ vẩn đi.”
Thế là cậu bé Osho dẫn cha đến lớp học giáo lý khi người ta đang giảng về Mahavira và những đặc tính của ông ấy: Toàn Năng – đầy sức mạnh, Toàn Trí – biết mọi thứ, và Toàn Tại – ở khắp mọi nơi. Cậu yêu cầu cha mình nghe kĩ những điều này rồi sau đó dẫn ông qua ngôi đền bên cạnh lớp học. Cậu đặt một chiếc bánh ngọt lên đầu bức tượng và ngay lập tức lũ chuột trong ngôi đền kéo tới. Hai chú chuột may mắn trèo lên được đầu bức tượng Mahavira để ăn chiếc bánh và rồi tè luôn lên đó.
Osho nói, “Cha nhìn xem. Đây là Mahavira toàn năng của cha sao? Cha có chắc là ông ấy biết mọi sự và có thể làm mọi thứ chứ? Sao ông ấy không biến mất hoặc làm gì đó đuổi lũ chuột đi nếu ông ấy toàn năng như vậy?”
“Nhưng đây chỉ là một bức tượng. Không phải Mahavira thật.”
“Vậy Mahavira thật ở đâu? Hãy chỉ cho con tới chỗ ông ấy để kiểm chứng. Và nếu bức tượng này không phải Mahavira thật, thì tại sao cha và mọi người lại đến đây quỳ lạy và cầu xin bức tượng đủ mọi thứ? Cha cũng biết thừa bức tượng này chỉ là một cục đất sét mà. Giờ làm sao con biết Mahavira là có thật, chưa kể ông ấy có tạo ra thế giới hay không, có toàn năng hay không, mấy điều này con thậm chí còn không bận tâm, tại sao con lại phải đi học những thứ đó? Thời gian ngồi trong lớp nghe mấy điều này, con thà tự đi nặn đất sét tạo ra thế giới của riêng con còn hơn.”
Thật là một đứa trẻ “mạnh” vô cùng, và cũng đúng lý nữa.
Bạn đã từng phải tham gia lớp giáo lý nào chưa? Đã bao giờ bạn được phép hỏi câu hỏi của riêng mình và được phép chất vấn những câu trả lời làm sẵn trong sách vở?
Rồi thì tại sao trẻ con lại phải bận tâm những câu hỏi của người lớn về tôn giáo cơ chứ?
Nếu bạn đọc kĩ và sâu những câu hỏi đáp giáo lý bạn sẽ thấy nó trống rỗng và vô lý như thế nào. Bây giờ ở nhiều nhà thờ, người ta không chỉ bắt trẻ con học giáo lý mà còn bắt cả người lớn nữa. Cuối buổi lễ sẽ có những câu hỏi đáp hiện lên trên màn ảnh và cả cộng đồng sẽ cùng đọc theo, đọc một cách uể oải chán nản và như những con vẹt. Tôi không bao giờ có thể đọc giáo lý được nữa, kể cả chỉ là đọc cho vui bởi vì giờ đây tôi đã hiểu: tôi không bận tâm những câu hỏi đó và càng không quan tâm những câu trả lời đó.
Cuộc đời sẽ hỏi bạn bằng cách cho bạn những tình huống thực mà qua đó bạn phải bộc lộ bản thân mình. Cũng như khi bạn còn nhỏ, những câu hỏi nội tại sẽ giúp bạn bộc lộ bản thân mình rằng bạn có phải đứa trẻ khôn ngoan hay đần độn, chỉ biết tin răm rắp hay có khả năng nghi vấn, biết mở rộng vấn đề hay chỉ ôm khư khư những điều được dạy, biết ứng dụng điều được dạy hay chỉ học và để đó.
Ngoài câu chuyện về buổi giáo lý bên trên, còn một điều duy nhất mà tôi nhớ trong các buổi học giáo lý, ấy là khi cô giáo lý viên giảng nghĩa về Kinh Lạy Cha – bài kinh nổi tiếng nhất của Ki-tô gíao. Và cô ấy đã giảng về bài kinh rất hay. Cô nói bài kinh này hay vì nó cầu chuyện cho nước trời trước, rồi mới tới bản thân mình. Chúng ta phải cầu xin những thứ lớn lao trước rồi mới những thứ nhỏ bé cho bản thân mình. Tôi còn nhỏ nhưng thấy thích ý ấy. Tôi thấy vẻ đẹp trong nó và đã vận dụng nó làm “dàn bài” khi tôi đặt bút viết ra lời cầu nguyện của riêng mình.
Khi đứa trẻ còn nhỏ, bạn không chỉ bắt nó cầu nguyện theo nghi thức tôn giáo của mình mà bạn còn dạy nó phải cầu nguyện những gì nữa. Lời cầu nguyện có nghĩa lý gì khi nó không xuất phát từ tâm trí và tâm hồn của người cầu nguyện?
Tôi viết lời cầu nguyện cho riêng bản thân tôi, cũng với những điều cho thế giới, cho nhân loại trước rồi mới tới cho bản thân mình. Tôi còn nhớ như in lời cầu nguyện của mình vì tôi đã đọc nó suốt nhiều năm trời, từ khi tôi biết cầu nguyện cho tới khi tôi đạt đến một điểm đặc biệt trong đời mà không còn cần cầu nguyện nữa. Lời cầu nguyện của tôi bây giờ không hàm ý xin xỏ bất cứ gì mà chỉ là lời tạ ơn và chúc lành.
Bài nguyện của tôi, “Lạy Chúa, xin Ngài ban cho thế giới này không có chiến tranh mà chỉ có hoà bình, mọi người yêu thương đùm bọc lẫn nhau, không còn người nghèo khổ hay người bất hạnh.
Xin cho gia đình con khoẻ mạnh, hạnh phúc, bình an. Xin ban lòng tin cho chúng con. Xin ban Chúa Thánh thần xuống cho chúng con. Xin giúp con sống một cuộc đời ý nghĩa, giúp con tìm ra sứ mệnh cuộc đời mình và rồi xin giúp con hoàn thành sứ mệnh ấy.”
Bạn có tin không khi một đứa trẻ làng quê chưa tới mười tuổi đã có thể viết ra lời cầu nguyện khá đủ đầy như thế về cuộc đời? Một phần có lẽ do tôi khá giỏi môn văn từ nhỏ, tôi giỏi viết và giỏi đưa ra vấn đề một cách rõ ràng hơn các bạn cùng lứa rất nhiều. Còn về sứ mệnh cuộc đời thì giờ tôi cũng chẳng nhớ mình đã có nung nấu biết về sứ mệnh cuộc đời từ lúc nào, nhưng chắc chắn nó có liên quan tới việc tôi đã không ngừng hỏi bản thân rất nhiều những câu hỏi nội tại: tôi là ai, tại sao tôi lại được sinh ra ở nơi này, trong gia đình này, tôn giáo này? Chúa tạo ra tôi để làm gì? Tôi có sứ mệnh gì trên đời không? Làm sao tôi biết được sứ mệnh cuộc đời mình là gì?
Mỗi giai đoạn phát triển trong đời và bối cảnh cuộc sống khiến tôi luôn có những câu hỏi nảy ra như thế. Ví dụ câu hỏi “tại sao tôi được sinh ra trong gia đình này?” xảy đến khi tôi đau khổ chứng kiến cha mẹ gây lộn nhau. Câu hỏi “tại sao tôi lại được sinh ra ở làng quê ấy mà không phải thành phố” khi tôi ghen tị nhìn các bạn học của mình được cha mẹ chăm chút với cuộc sống kiểu cách ngoài phố thị mà đứa trẻ nông thôn thôi chẳng bao giờ có được. Câu hỏi “tại sao tôi lại sinh ra trong đất nước này?” nảy ra khi tôi bắt đầu quan tâm về chính trị và đau lòng nhận ra những nỗi thống khổ của người dân… Cứ mỗi hoàn cảnh cuộc sống xảy ra lại khiến người ta nảy ra những câu hỏi.
Bạn phải có khả năng hỏi trước khi có khả năng đi tìm câu trả lời. Bạn phải nhận ra sự vô nghĩa của mọi câu trả lời lẫn mọi câu hỏi trước khi bạn có thể vứt bỏ tất cả chúng và trở nên trống rỗng toàn bộ.
Khả năng hỏi là một khả năng gắn liền với nhận biết và sự tồn tại của mỗi người.
Ấn Độ có niềm tin rất đáng yêu rằng: Trong tảng đá, Thượng đế ngủ say như chết. Trong cây cối, Thượng đế bắt đầu thức dậy nhưng vẫn mơ màng. Trong động vật, Thượng đế tỉnh táo hơn một chút nhưng còn ngái ngủ và chưa bận tâm mình là ai. Và trong con người, cùng với khả năng hỏi thì Thượng đế cũng bắt đầu thức giấc và muốn biết mình là ai. Trong một vị Phật – Thượng đế ở trạng thái thức tỉnh và nhận thức hoàn toàn rằng mình chính là Thượng đế. Thật là một sự hình dung dễ hiểu và rất đẹp nữa.
Hãy cho phép trẻ con hỏi, nhưng cẩn thận trước khi bạn cho chúng câu trả lời. Quan sát câu hỏi của chúng, quan sát bản thân bạn trong mỗi câu trả lời. Thông qua câu hỏi của đứa trẻ đôi khi bạn cũng có thể trưởng thành và học hỏi từ cách nhìn của chúng. Không phải khi nào bạn cũng đúng đâu.
Nhưng điều đáng buồn trong cuộc sống là trước khi một đứa trẻ thậm chí hỏi một câu hỏi, bạn đã vội vàng nhồi vào đầu nó đủ thể loại câu trả lời vô nghĩa rồi.
Đó là tội căn bản và lớn nhất của mọi tôn giáo. Đó chính là nghĩa của từ áp đặt hoá, nô lệ hóa. Bạn đối xử với con bạn, thiết lập nó như viết chương trình cho một chiếc máy tính vậy chứ không phải như một con người.
Khi máy tính không làm theo ý bạn, bạn nói nó “hỏng”. Khi con bạn không làm theo ý bạn, bạn cũng gọi nó là “hỏng”. Bạn có nhận ra điểm tương đồng đó không?
Điện ảnh ngày càng có nhiều kịch bản nói về một ngày trong tương lai khi các máy tính trở nên mạnh hơn và sẽ kiểm soát con người. Chúng sẽ trả thù cho những năm tháng dài làm nô lệ cho con người sai bảo và cài đặt. Bạn có nghĩ cùng một kịch bản như thế sẽ xảy ra với tương lai đứa trẻ của bạn? Nó đang xảy ra rồi!