Chân lý và sự độc quyền chân lý
Trong cuốn “đúng việc”, mình đọc chú Giản Tư Trung nhắc một câu nghe khá hợp lý rằng “Không ai độc quyền chân lý”
Thật kì lạ khi nghe câu này thì mình lại chỉ có cảm giác muốn nhấn mạnh rằng, mặc dù không ai độc quyền chân lý nhưng mặt khác chân lý lại là thứ độc quyền nhất nhất trên đời. Không thứ gì mang tính độc quyền nhiều như chân lý.
Bạn có thể thắc mắc và muốn hỏi tại sao?
Trước tiên cần tách riêng chân lý và việc truy tìm chân lý.
Quyền truy tìm chân lý thì không độc quyền, nó dành cho tất cả mọi người mọi sinh linh.
Nhưng khi một người “tìm ra” chân lý thì người ấy sẽ thấy rằng chân lý là thứ riêng tư, độc quyền và cá nhân nhất trên đời hay thậm chí là thứ duy nhất trên đời manh tính cá nhân tuyệt đối.
Chân lý là sự nhận thức, việc truy tìm chân lý là hành trình của sự tự nhận thức. Không ai, không một ai có thể nhận thức thay cho bạn. Cũng như không ai có thể ăn thay bạn, ngủ thay bạn hay thở thay bạn cả.
Chân lý là thứ độc quyền thuần khiết đến nỗi chừng nào bạn chưa tự mình có nó, không Phật nào, Chúa nào hay bất cứ ai có thể trao nó cho bạn bất kể họ có muốn đến đâu.
Nếu chân lý có thể được truyền trao như một món đồ thì có lẽ Thích Ca và Jesus hay Lão Tử hay Osho đã làm di chúc trước khi chết để truyền lại chân lý của họ cho cả nhân loại một lần cho xong rồi. Đâu cần vất vả giảng dạy khản cổ nhiều chục năm ròng mà vẫn bị thiên hạ hiểu sai tung toé.
Hình ảnh “ngón tay chỉ trăng” luôn là hình ảnh đơn giản nhưng tuyệt vời nhất để diễn tả tình cảnh “độc quyền chân lý”. Chân lý như mặt trăng, nó chẳng thuộc về ai nhưng đồng thời thuộc về bất cứ ai ngắm nhìn nó. Những vị Phật đã thấy trăng, họ dùng bản thân như những ngón tay chỉ đường cho nhân loại cũng thấy trăng, chứ bản thân họ không phải trăng và không có khả năng trao trăng đó cho ai cả.
Tôn giáo hệ thống mang niềm tin “trao trăng” này từ những vị Phật trong quá khứ (những người đã nhận biết) tới các tín đồ hiện tại và đó là điểm họ đi sai. Bản thân Phật còn không thể trao trăng, sao mà những tu sĩ có thể nghĩ họ có thể?
Bạn phải nhìn ra tính độc quyền này của chân lý thì bạn mới có cơ may hành động khác đi, không lệ thuộc, không dựa dẫm, không hi vọng, không đổ lỗi hay mong chờ ai đó giúp bạn, kể cả Thượng đế. Bạn phải nhìn ra tính độc quyền này của chân lý để biết rằng bất kể bạn tôn thờ các vị phật bao nhiêu, thực hiện bao nhiêu nghi lễ, đọc bao nhiêu kinh sách cũng đều vô dụng, bạn không được kế thừa chân lý một chút nào cả. Nó là thứ bạn phải tự mình đạt được và khi đạt rồi thì bất kể bạn có hào phóng cỡ nào bạn cũng không thể trao nó cho ai cả.
Làm sao bạn trao được cảm giác ngon miệng khi cắn một trái táo hay cảm giác sảng khoái khi uống một trái dừa ngọt ngào trong ngày nắng nóng cho ai? Điều duy nhất bạn có thể làm cùng lắm là chia sẻ trái dừa ấy cho người ở gần bạn hay chia sẻ cách thức để thưởng thức vị ngon của trái táo qua đầy đủ các giác quan. Chân lý không như trái táo, nó gần hơn với cảm giác ngon miệng. Và cảm giác là thứ độc quyền không ai có thể truyền đạt lại cho ai, không ai có thể kế thừa từ ai cả.
Cho nên xin nhắc lại điểm nhấn mạnh của post này: Chân lý là thứ tuyệt đối độc quyền và mang tính cá nhân. Đừng trông đợi vào bất cứ sự kế thừa nào cả nhưng bạn phải tự mình “đạt” tới.
“Hãy là ánh sáng lên bản thân ngươi” chứ không phải “Hãy thắp ánh sáng cho nhau” nếu không thì Phật thắp một phát cho cả nhân loại sáng om rồi, nhờ!