1. Chuyến trekking Lomburr
Từ Đà Lạt, xe bus đưa cả đoàn rời thành phố men theo rừng đi hướng làng Cù Lần, vượt qua làng thêm vài cây số, đi ngang qua cả khu đồi thông và hồ Suối Vàng – nơi tôi thường tìm đến để picnic, thiền định mỗi khi đi Đà Lạt một mình và rồi dừng ở bìa rừng.
Chúng tôi xuống xe, chuẩn bị tư trang, nhận nước suối, gậy leo núi, túi ngủ và chuẩn bị vượt rừng. Cảm giác thật phấn khích làm sao khi được đi dưới những tán cây to lớn, bước đi trên con đường lạo xạo lá khô, trèo qua những thân cây to lớn bị đổ ngang đường và lội qua những con suối trong veo chảy róc rách.
Tiếng ve kêu át hết mọi tiếng khác nhưng mỗi khi bắt gặp một tiếng chim vọng đến từ xa, dù rất nhỏ, tôi cũng đều nhận ra và thấy hạnh phúc vô cùng. Thật lạ khi nhà tôi trong phố nhưng tiếng chim lại ồn ào nhiều hơn cả trong rừng lớn thế này. Lý do là trong phố chim chóc có nhiều đồ ăn hơn, không phải rừng nào cũng có nhiều cây ăn trái, ngũ cốc dại hay sâu để lũ chim rừng có thể sống sót. Những thứ ấy trong phố xem ra nhiều hơn. Nhà tôi thật là một phúc lành khi lúc nào cũng ngập trong tiếng chim như thế, dù chỉ là chim sẻ, chim ri.
Ở trong rừng thật thích, kể cả khi không có tiếng chim thì vẫn có những âm thanh mà trong phố hiếm khi có được, như tiếng suối chảy róc rách, tiếng lá cây reo lên trong gió, đặc biệt trong rừng thông thì tiếng gió nghe thú vị và đa dạng hơn rất nhiều. Rồi những con côn trùng nhỏ như dế, ve mỗi loài một vẻ cũng làm cho bản giao hưởng của núi rừng thật vui tai. Âm thanh của tự nhiên tôn vinh sự tĩnh lặng của khu rừng.
Tôi không thích tiếng nói chuyện râm ran, gọi nhau í ới thậm chí hát hò của những người cùng tham gia chuyến đi. Có thể tôi khó tính quá nhưng thật sự, càng nghe những câu chuyện của họ tôi càng không hiểu, họ vào rừng làm gì? Để bàn về ông sếp, đồng nghiệp, tin tức và những vụn vặt đời sống hay sao? Rồi những lời đùa cợt về sự mệt mỏi, than thở, trách anh trưởng đoàn đến trễ (xe anh ấy bị hỏng giữa đường) cứ nhắc đi nhắc lại càng khiến tôi muốn bịt miệng tất cả lại. Duy có một âm thanh tôi yêu thích do con người gây ra, ấy là tiếng lạo xạo của lớp lá khô khi những bước chân giẫm lên. Tôi yêu âm thanh ấy. Ngay cả những chiếc lá chết cũng có thể tạo ra âm nhạc, giai điệu ngay trong cái chết của mình. Lá chết còn sống động hơn cả nhiều người đang sống. Rất nhiều người sống một cuộc đời nhàm chán và đơn điệu không có bất cứ giai điệu nào. Tôi thích thú đá tung đám lá, nghe chúng xô vào nhau lạo xạo. Bản giao hưởng của núi rừng thật đáng yêu.
Chỉ vài cây số trong rừng mà chúng tôi đã vượt qua bốn – năm con suối. Con thì nhỏ bé xinh xinh, con thì to với đá xanh lởm chởm nhưng nước thì như nhau về độ lạnh. Lạnh như nước đá vậy. Nhúng chân xuống nước đột nhiên khiến bạn tỉnh táo tới từng tế bào trong cơ thể. Ít nhất tôi cảm thấy vậy.
Thảm thực vật trong rừng mới là thứ đáng bàn, chúng đa dạng phong phú, rực rỡ đầy màu sắc và thú vị nữa. Tôi mê đi khi nhìn thấy những đoá hoa dại màu sắc sặc sỡ hay cây nấm nhỏ đỏ chót như mặt trời nhỏ nổi bật trên thảm rêu xanh. Dừng chân nhiều lần để lại gần ngắm nhìn những loài thực vật thú vị, tôi tiếc hùi hụi vì để quên cặp kiếng cận ở nhà. Thật ra không phải là quên. Là do tôi cứ tưởng nó nằm trong ba lô rồi. Thế mà!
Thích nhất được đi theo sát cạnh bạn hướng dẫn. Đoàn có hai bạn người đồng bào K’ho và tôi thích đi gần họ để được nghe về những loài cây rừng. Bạn Nu dẫn đầu đoàn mang trên vai có lẽ tới 30kg hành lý gồm cả lều bạt và đồ ăn cho đoàn. Nhìn chàng trai trẻ vác nặng trên vai leo núi hay bò qua những thân cây đổ, trông đến là thương. Thỉnh thoảng cậu ấy dừng lại hái những loại rau rừng gặp trên đường đi để tối nay chúng tôi sẽ có món rau rừng và thịt nướng. Lá rau tuyết xuân, cây trà tiên, dương xỉ… mỗi loài thực vật đều thú vị vô cùng nếu bạn hiểu về chúng. Tôi không rành nên thích đi theo người rành và thích thú khi thấy lại những loại cây quen thuộc từ thủa ấu thơ hay nếm lại những trái mâm xôi rừng chua chua ngọt ngọt. Tôi cũng thử cả những thứ trái không ai dám thử và cảm ơn đời vì mình vẫn còn sống để viết những dòng này.
Sau khi vượt rừng, chúng tôi leo lên một quả đồi thông và trải bạt ăn trưa. Bữa trưa có bánh tét, chà bông, dưa leo, cà chua, bánh mì và chả thịt. Tôi không đói như lần trước nhưng vẫn ăn ngon lành. Suốt bữa ăn những bạn naga (nam-gay) liên tục không nghỉ nói những chuyện đùa mang tính dục. Tôi nghe mà thấy nhàm tai quá thể và chỉ ước gì tất cả cùng im lặng ăn trưa, nghe tiếng dế tiếng ve tiếng gió thổi trong rặng thông không thôi thì hay quá.
Ơn trời cuối cùng tất cả cũng chịu ngậm miệng ấy là ngay khoảnh khắc này khi cả đám nằm nghỉ trưa tranh thủ đánh một giấc trước khi trở lại hành trình. Tôi cũng đang nằm trên tấm áo mưa của mình, dưới một tán cây xanh mát viết vội những dòng này khi cảm xúc vẫn còn thật tươi nhưng tai tôi thì biết ơn lắm vì chỉ duy nhất âm thanh của núi rừng đang vang vọng.
Kìa, một cơn gió lớn vừa lùa qua rặng thông cứ như thể một cơn bão lớn đang từ xa kéo tới…
Tôi mong chuyến đi này không có bão táp gì!
Đoạn đường băng rừng thật đẹp, những tầng cây cao vút đâm vào khung trời trong vắt, bên dưới là những loài rau rừng như xuân tiết, thu hải đường. Chàng Nu chốc chốc lại dừng hái những lá rau mà chúng tôi sẽ được thưởng thức trong buổi tối. Cung đường này men trong rừng không quá rậm nên cũng khá dễ đi. 4:30 chúng tôi ra khỏi rừng và ngay lập tức ai cũng ồ lên vì trước mặt là những đồi cỏ xanh rì trải dài thật thơ mộng, thật đẹp. Trên đỉnh ngọn đồi cao nhất là nơi chúng tôi sẽ cắm trại đêm nay. Khung cảnh vừa nên thơ vừa hùng vĩ, mặt trời vừa ló ra khỏi đám mây chiếu sáng lên từng cọng cỏ rung rinh trong gió nhẹ.
Mọi người bắt đầu kiếm củi đốt lửa, trong khi tất cả những người khác theo chân anh Cường xuống chỗ khe nước để tắm rửa, tôi ở lại cùng Nu giúp cậu dựng trại, xiên thịt, chăng đèn. Việc sống đơn giản khiến tôi rất dễ thích nghi với mọi điều kiện sống. Việc làm những công việc nho nhỏ phụ giúp team hậu cần khiến tôi cảm thấy có nhiều tình cảm, cảm xúc hơn với mọi thứ, từ đồ ăn, chỗ ngủ, bếp than hồng và cả những người bạn mới.
Buổi tối khi cả nhóm tụ tập quanh đám lửa đợi ba xiên thịt heo, hai con gà và mấy củ khoai chín là lúc vui nhất. Vài bạn trong nhóm còn mang theo cả khô mực đặc sản địa phương và cả nhóm xé chia nhau. Ai cũng ước ao vài lon bia lạnh dù cho gió đã bắt đầu nổi lên và ai cũng đã mặc thêm nhiều lớp áo. Ba chàng Anh Nuôi của nhóm thoăn thoắt nướng thịt, nấu cơm, làm salad cá mòi, xào rau rừng với tôm khô và có cả súp rau thu hải đường nữa. Tôi ngồi bên bếp lửa ấm “cày” cho miếng con mực nướng cuối cùng rồi nhâm nhi những củ khoai vừa dẻo vừa ngọt lịm. Sao mà ngon thế. Sao mà thảnh thơi thế.
Bữa tối cả nhóm bày đồ ăn trong lều lớn rồi vừa ăn vừa trò chuyện. Tôi và hai anh khác trong đoàn – hai người tôi hạp tính nhất – ăn xong trước ra ngồi bên bếp lửa, vừa xì xụp húp súp rau nóng hổi vừa trò chuyện hỏi thăm về cuộc đời nhau. Thật ra là anh H. người lớn nhất đoàn, hỏi thăm về công việc viết lách của tôi là chính. Thật lạ khi chuyến trước có chị Nga 51 tuổi là sếp một phòng ngân hàng lớn và chuyến này thì anh H 50 tuổi thấy bảo cũng là sếp gì đó trong hãng bia lớn. Tôi luôn hạp tính trò chuyện với những anh chị lớn như vậy, không biết vì sao.
Thế rồi mọi người cùng kéo nhau ra ngồi quanh bếp lửa vừa uống rượu vang vừa trò chuyện. Tôi ngồi thêm một lát, tách mình ra khỏi những câu chuyện của họ, lặng im ngắm nhìn bầu trời đêm phủ kín tấm thảm sao lấp la lấp lánh đẹp tuyệt vời.
Khi thấy đủ, tôi đi ngủ. Ước gì ngủ thật no say một đêm không mộng mị. Hoặc ước gì tôi ngủ và mơ thấy… “anh”. Tự dưng thấy hơi cô đơn, giữa rừng núi thế này, trong chiếc lều đập phập phồng vì những cơn gió lạnh buốt, sẽ thật tuyệt biết bao nếu có người ta yêu thương cùng ở đó, trốn trong lều bạt, cuộn vào nhau, nồng nàn…
Điều duy nhất đáng buồn là, tôi không biết và cũng không quyết định được nhân vật “anh” này là ai. Ngay lúc này tôi không cảm thấy có một ai mà tôi đủ khao khát được ở bên ngay lúc này. Điều này thật lạ, và cũng thật đáng buồn!
Và tôi đã mơ thấy anh trong những cơn mơ mập mờ…
26/10
2. Khóc trên đỉnh đồi
Tôi thức giấc từ 4:30 sáng và cuốn mình trong chiếc túi ngủ cố giữ chút hơi ấm khi tiết trời khá lạnh. 5 giờ cô bạn Minh cùng lều hẹn giờ thức giấc. Cô ấy ra ngoài trước trong khi tôi ngồi thiền với tiếng nhạc mantra khe khẽ tránh đánh thức những lều xung quanh.
Khi tôi bước ra khỏi lều, mặt trời chưa thắp sáng đồi cỏ nhưng đã kịp thắp sáng những đám mây đàng chân trời bằng những dải ánh sáng màu cam tuyệt đẹp. Tôi và Minh là hai người thức giấc sớm nhất nếu không kể tới Quy – chàng trai hậu cần người dân tộc đang chất củi vào đống tro tàn để chuẩn bị thắp một đống lửa mới nấu đồ ăn sáng và đun nước pha trà pha cafe. Tay tôi lạnh cóng nên cứ xun xoe bên cạnh đốm lửa mong tìm chút hơi ấm, mắt thì không thể rời khỏi những đám mây đang dần sáng rực phía chân trời.
Lửa thắp lên, những người khác cũng bắt đầu thức giấc, anh Hậu anh Lam cũng ra ngồi bên đám lửa nướng lại những củ khoai để dành từ tối qua. Chúng tôi chia nhau củ khoai nóng hổi thơm dẻo ngọt lịm. Tôi đặt ấm nước lên bếp lửa và vào lều lục tìm cà phê cúng chiếc tách sứ màu đen khắc hình chùm lá tre mà mình đã cố công mang theo từ nhà. Nước sôi tôi tự pha cho mình một tách cà phê nóng hổi rồi rời khỏi bếp lửa ra đứng đối diện với những ánh mặt trời đầu tiên của ngày mới đang bắt đầu lấp ló. Hơi ấm của lửa thì tuyệt nhưng hơi ấm của những tia nắng sớm đầu ngày, đặc biệt ở một nơi lạnh và thanh tịnh thế này thì thật không còn gì bằng.
Tôi đứng đó trên triền cỏ, cảm nhận hơi ấm của từng tia nắng đang thấm vào làn da mình, bất giác mỉm cười thấy mình hệt như một cái cây mỗi ngày khát khao người tình là những tia nắng ấm đến thăm.
Những cơn gió tiếp tục thổi lùa vào những tán cây dày đặc trong khoảnh rừng ngay trước mặt rồi lùa tới chơi đùa trên đồi cỏ, thổi dạt những cọng cỏ may về một phía, phía tôi. Tự dưng không còn là cái cây, tôi thấy mình như cành cỏ nhỏ bé, an vui trong cuộc sống, chẳng mộng ước gì. Những tiếng chim đầu ngày vọng lại từ xa, rất hay, rất trong trẻo, dường như là chào mào hay vành khuyên.
Khoảnh khắc ấy, tiếng chim, mây trắng, nắng vàng, hơi ấm, những cơn gió miên man, triệu cành cỏ nhảy múa trong cơn gió và tôi với tách cafe thơm lừng bốc khói… bất giác tôi chợt khóc. Những giọt nước mắt như cơn mưa không gì giữ lại được cứ thế trào ra. Tôi thấy bình yên quá. Tôi thấy hạnh phúc quá. Tôi thấy cuộc đời sao tuyệt diệu, thiên nhiên sao xinh đẹp và mình sao nhỏ bé nhưng an yên.
Tôi khóc mà không hiểu sao mình khóc. Ai đó đang bước lại gần với tiếng chân lạo xạo nhưng có lẽ thấy tôi đang khóc ngon lành quá nên tự giác bước ra xa không làm phiền.
Và tôi cứ thế đứng khóc ngon lành như một đứa trẻ!
(Đó là khoảnh khắc chứng ngộ của tôi,
suỵt.)

Khi cảm xúc vơi bớt, nước mắt ngừng rơi, tôi lại gần đám lửa và ăn sáng cùng mọi người với món nui hầm rau củ và sườn heo, rồi chuẩn bị lên đường!
Một ngày mới hoàn hảo lại bắt đầu!
Men theo những con đường mòn, chúng tôi xuống chân núi. Việc xuống núi không quá khó nhưng cũng có nhiều thứ hay ho thú vị: những thân cây lớn bị đổ chặn lối đi khiến chúng tôi phải leo hoặc đi vòng qua, nhờ đó phát hiện những búi nấm đủ màu bám vào thân cây trông thật thích mắt. Thảm thực vật trên núi mùa này cũng không quá phong phú nhưng cảm giác đi dưới những tán cây, lắng nghe tiếng lá chen qua chòm lá, sờ tay vào những thân cây xù xì, có những cây già đến gần ngàn năm tuổi… Đối với tôi đây không chỉ là chuyến đi băng rừng băng núi, đây là một cuộc viếng thăm đầy cảm xúc của tôi đối với từng cái cây, cọng cỏ nơi chúng tôi đi ngang qua.
Vẫn như thường lệ, tôi bám theo sát người dẫn đầu, lần này là Phreng và nghe cậu nói về những cái cây với đầy yêu thương và hiểu biết: cây này gỗ thẳng và chắc, người ta dùng làm cột dựng nhà, cây này gỗ trắng người ta dùng để vẽ tranh, cây này là cây đa bóp cổ vì thân nhỏ mọc lên cuốn vào thân lớn và bóp nghẹt thân lớn đến chết.
⁃ Tại sao chúng ta không gọi nó là đa tình yêu hay đa quấn quít? Hai thân cây quyện vào nhau, sống cùng nhau cho đến chết. Chẳng ai trách than gì, chẳng ai nuối tiếc gì!
⁃ Vậy thì mình có thể gọi nó là đa “hiếp xong giết” được không?
⁃ Không. Nếu theo phong cách đó thì ta có thể gọi nó là “đa hiếp xong… hiếp tiếp”
Cả bọn phá lên cười.
Tôi không biết nên vui hay nên buồn khi nghe giới thiệu đặc tính và công dụng các loại cây. Người ta chỉ thấy nó giúp làm nhà, làm bàn ghế, làm khung tranh. Chẳng ai được dậy để thấy những thứ khác, quan trọng hơn nữa: cây để cung cấp oxi, để lọc không khí, để giữ mạch nước đầu nguồn, để làm nơi trú ẩn cho những chú chim… Nếu chúng ta có thể luyện mắt mình để nhìn những thứ mà bình thường ta không để ý, ta sẽ nhận ra một chiều hướng khác của tự nhiên, của cuộc đời. Từ đó đời ta sẽ không bình thường nữa. Ta nhận ra và trân trọng giá trị của từng cành cây ngọn cỏ. Rồi ta trân quý cả con vật, con người và mọi sự trên đời. Khi ta trân quý cuộc đời như thế, cuộc đời cũng tự nhiên trân quý ta vô cùng.
Cái hay của việc đi trong rừng là nó khiến bạn phải nâng cao khả năng nhận thức của mình lên. Bạn phải nhận thức trong từng bước chân để không vấp ngã, không vướng chân vào đá hay vào dây rừng mọc lan trên đất. Thế rồi lên thêm một bậc, bạn nhận thức không chỉ dưới chân mà xung quanh bạn nữa, vẻ đẹp của những loại thực vật xung quanh, này hoa, này lá, này cỏ. Bạn chạm vào những chiếc lá với sự thích thú khi cảm nhận độ mịn, độ mượt hay độ nhám khác nhau của từng loại lá cây. Bạn thích thú nhìn cách hai loại cỏ may mọc cạnh nhau nhưng lại khác nhau nhiều thế. Bạn quan sát những búi nấm, những loài hoa dại mọc rải rác điểm xuyết cho bức tranh khu rừng thật xinh động. Bạn cảm nhận độ êm của từng loại rêu bám trên thân cây khô… Thế rồi lên cao một bậc nữa. Bạn không chỉ nhận thức được những bước chân, thực vật và cảnh vật trong tầm tay mà bạn còn nhận thức được những thứ bên ngoài tầm tay bạn, đó là cách mà lá cây reo trong gió, đó là tiếng côn trùng réo rắt ồn ào, tiếng những chú chim hót từ xa vọng lại, tiếng của dòng suối róc rách nghe thật gần, thật tinh khiết. Vâng khi nhận thức đủ cao, bạn thậm chí cảm nhận được cả cái mát rượi, vị ngọt của dòng nước suối chảy ra từ khe đá khi mà bạn mới chỉ nghe tiếng của nó từ xa vọng lại.
Đừng bước đi trong rừng như một anh lính hành quân, nhưng hãy bước đi như một vị Phật, hoặc ít nhất như một nhà thơ, một người tình của khu rừng!
Càng đi lâu, đi sâu, càng cảm nhận nhiều, bạn sẽ quan sát thấy tình cảm bạn dành cho rừng càng thêm sâu đậm. Bạn sẽ cảm thấy buồn khi nhìn những thân cây lớn già mục bị bão tố quật ngã và đặc biệt bạn sẽ thấy đau đớn pha lẫn tức giận khi nhìn những thân cây to khoẻ bị hạ gục bởi chiếc máy cưa và đôi bàn tay tàn nhẫn của con người. Họ xẻ gỗ ra, lấy đi phần “kinh tế” nhất, vứt lại chỏng chơ những khúc gỗ xấu, nhỏ. Bạn vuốt những ngón tay lên những thớ gỗ ấy mà không nói lên lời trong khi tiếng ‘xin lỗi’ dường như đang bật lên từ đâu đó trong trái tim. Khi người ta yêu, người ta muốn nói xin lỗi khi thấy người kia đau, bất kể cái đau có phải do mình gây ra hay không.
Càng ra gần tới bìa rừng, số cây bị hạ gục và xẻ nhỏ càng nhiều, tôi biết chúng tôi đang đi xa khỏi tự nhiên mà tới gần hơn tới “văn minh”. Thế rồi văn minh thật sự xuất hiện khi những tán cây rừng biến mất thay thế vào đó là những cây cà phê và từng quả đồi cà phê hiện ra trước mặt. Một khung cảnh bạt ngàn cây cà phê bao phủ khắp thung lũng, sườn đồi và đang lan dần lên sườn núi khiến tôi đau lòng quá. Tự dưng thấy mệt mỏi. Cả chuyến đi leo núi, xuống núi nhiều cây số tôi không mệt nhưng chỉ nhìn thấy bóng dáng cây cà phê, chòi canh vườn cà phê tự dưng chân tôi chùng lại, tim cũng không còn thổn thức bồi hồi hay thích thú.
Tôi và Phreng ra khỏi rừng trước tiên, chúng tôi ngồi đợi những người sau. Khi họ ra tới nơi, thấy khung cảnh hùng vĩ liền thi nhau chụp ảnh. Với họ dường như mọi màu xanh đều như nhau bất kể màu xanh của cây rừng hay cây cà phê, hay là do tôi nhạy cảm quá?
Chúng tôi len qua những rẫy cà phê và dừng lại bên một con suối để rửa chân và ngồi nghỉ trong khi đợi xe “mui trần” đến đón về làng người K’ho. Trong lúc mọi người ngâm chân trong làn nước mát lạnh, hai bạn Quy và Phreng toả ra xung quanh, người thì tìm măng tre, người thì tìm nõn thân chuối. Tôi thấy măng nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên thấy người ta chặt cây măng còn tươi và róc bỏ phần vỏ để lấy đi phần ruột nõn nà. Cây chuối cũng tương tự, anh Quy chặt hai cây chuối bên bờ suối, tôi cố cản nhưng họ bảo đây là chuối rừng rất nhanh mọc lại nên không sao. Dù biết vậy nhưng tôi vẫn thấy hơi đau lòng khi thấy những thân cây chuối phút trước còn đang hiên ngang hít thở khí trời bỗng dưng đổ xuống cái rụp, toàn bộ vỏ cây và lá bị bỏ đi, anh Quy chỉ lấy đi phần lõi trắng muốt to bằng bắp tay để tối nay về trộn gỏi gà. Măng thì dự định được dùng để nấu món lẩu gà nấu măng tươi.
Tôi bị một chú vắt “tấn công” khi vừa bước xuống suối, vết cắn có lẽ đến từ loài vắt xanh khiến vết thương sau hai ngày vẫn còn hơi ngứa ngáy khó chịu. Anh H. “trưởng lão” của nhóm đưa cho tôi lọ thuốc chống nhiễm trùng và một miếng băng cá nhân nhờ đó mới cầm máu lại được vì điều tệ của việc bị vắt cắn không phải là đau, mà là việc nước miếng của nó có chất chống đông máu nên nếu bạn không dán lại ngay thì máu sẽ cứ rỉ hoài. Tôi đã băng lại mà hôm sau miếng băng dán cá nhân vẫn thấm máu tới tận mặt bên ngoài. Tôi không sợ vắt, không sợ đau nhưng tôi yêu quý những giọt máu của mình. Tiếc thay bọn vắt cũng yêu thích máu của tôi.
Trong cả bọn, tôi là người bị vắt “đu” nhiều nhất. Tôi đùa:
⁃ Bọn vắt này khá sành ăn đó. Biết chọn người có loại máu “quý tộc” để đu. Máu của em buổi sáng được tắm nắng, nghe chim hót, hít hà hương thơm hoa hồng dại, buổi tối ngắm trăng sao, đọc sách, ngồi thiền… Máu thơm ngon như thế chả biểu sao bọn vắt thích là đúng rồi.
Vắt rút máu con người.
Con người rút máu rừng!
Xe mui trần tới, một chàng trai người K’ho khá bảnh tên The đến đón chúng tôi trên chiếc xe máy cày rất ngầu của anh chàng. Cả bọn chất hành lý và leo lên xe, xe chạy bon bon, mà đúng hơn là xình xịch trên những con đường rất đáng yêu, khi thì qua những bụi dã quỳ chuẩn bị vào mùa, khi thì qua những ruộng bậc thang lúa đủ màu sắc thật thích mắt, khi thì băng qua ngôi làng của đồng bào và thích nhất là khi băng qua những dòng suối lớn với những người dân đang tắm gội rất hồn nhiên. Một khung cảnh yên bình, thật sự rất… làng.
Chúng tôi ghé một nhà hàng địa phương ăn cơm trưa, ai cũng ăn thật ngon miệng dù đồ ăn không quá đặc sắc. Câu nói của cha ông muôn đời đúng “đói ăn cái gì cũng ngon”. Tôi ăn tới hai chén cơm và thích nhất không phải món heo quay, trứng chiên, gà kho, cá kho mà là món cà ngâm mắm nêm đặc trưng của người đồng bào nơi đây. Một món dân dã mà ngon tuyệt đối. Mắm nêm hay mắm gì đó rất thơm quyện trong từng lát cà giòn rụm. Đánh bại tất cả mọi loại thịt thà, ít nhất theo khẩu vị của tôi.
The không chỉ là chàng tài xế mà hoá ra còn là host của chúng tôi. Cả bọn được đưa về nhà anh chàng để nghỉ ngơi, một căn nhà gỗ màu nâu đen với những ô cửa gỗ đủ màu sắc rất đẹp. Tiết mục đặc sản của buổi chiều là màn tắm suối nước nóng trong rừng rậm. Tôi mong chờ tiết mục này vì nó gợi cho tôi nhiều kỉ niệm đẹp trong quá khứ. Không phải tôi đợi để so sánh hai nơi mà đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy háo hức để được đi tắm nước nóng giữa thiên nhiên thay vì “bị ép” đi hết suối này tới suối khác như chuyến thăm Pai hồi năm ngoái khi đi cùng Mark. Tôi cứ tưởng suối nước nóng là đặc sản của vài vùng đất đặc biệt thôi, thật không thể tin ngay trong địa phận Lâm Đồng cũng có suối nước nóng. Phát hiện này khiến tôi vừa ngạc nhiên vừa thích thú vô cùng.
Khu suối nước nóng này nằm rất sâu trong và xa nên dù trong cùng tỉnh Lâm Đồng nhưng chẳng mấy người biết, ngoài dân làng và dù có biết cũng không mấy người muốn đi, vì xa quá. Chúng tôi phải ngồi trên mui trần xình xịch gần tiếng đồng hồ vượt qua những ngôi làng, xuyên qua những đám ruộng bậc thang vàng ruộm màu lúa chín, sau đó phải leo bộ một con dốc dài mới tới nơi. Quả thật tuyệt vời. Một dòng suối nhỏ róc rách tụ vào một hồ nhỏ giữa núi rừng với những tảng đá và cây cối bao quanh. Nơi đây thậm chí còn tuyệt hơn cả những con suối nổi tiếng ở Pai nữa vì lý do đơn giản: nó không nổi tiếng và chưa bị du lịch hoá chút nào. Không công trình xây dựng, không chòi canh, không hàng rào nào bao quanh hồ nước nóng ngoài những rặng cây xanh rì xào xạc và tiếng chim hót rả rích bốn xung quanh.
Tôi nhanh chóng thay bộ đồ ít vải nhất và ngâm mình vào làn nước nóng ấm, cảm giác thật thư giãn và thoải mái. Tuyệt hơn cả sauna xông hơi vì xông hơi là đồ nhân tạo còn suối nước nóng này là món quà của mẹ thiên nhiên, thứ mà không phải cứ có tiền là mua được.
Hồi ở Pai cùng Mark, chúng tôi cũng phải đi xe máy xa rất xa mới tới những dòng suối nước nóng và nơi nào cũng phải mua vé vào cổng, dù họ vẫn giữ cho cảnh vật khá hoang sơ nhưng cảm giác bạn phải trả tiền để được thưởng thức một món quà của mẹ thiên nhiên vẫn khiến bạn có đôi chút lăn tăn về lòng tham của con người. Dù nói vậy nhưng nếu gần nhà tôi có suối nước nóng, dù phải trả tiền để được vào, tôi vẫn sẽ trả thôi.
Còn điều khác khiến dòng suối này tuyệt hơn ở Pai là độ nóng của nó khá vừa phải. Tôi có thể ngâm mình cả nửa tiếng mà vẫn thấy dễ chịu. Trong khi ngâm ở Thái Lan, chỉ 5-10 phút là bạn phải ngoi lên vì nước nóng quá khiến tim bạn đập mạnh và khó thở. Tất nhiên khi ngâm mình trong làn nước ấm nóng ấy thì tôi chỉ ngâm thôi, không suy nghĩ quá nhiều vì khi người ta mải suy nghĩ, so sánh người ta sẽ khó mà thưởng thức được. Dầu vậy cứ xin so sánh một chút ra đây cho bạn dễ hình dung. Và nếu bạn có cơ hội được ngâm mình trong suối nước nóng ở đâu đó, nhớ chỉ tận hưởng thôi, đừng so sánh nhé.
Buổi tối hôm ấy chúng tôi có món gỏi nõn chuối trộn thịt gà, mướp xào lòng gà và lẩu măng rừng. Món đặc biệt nhất có lẽ là ché rượu cần của người K’ho được ưu ái đặt vào giữa mâm cơm và mọi người thay phiên nhau uống theo vòng tròn. Rượu cần thơm nhẹ, hơi chua, mỗi người phải uống một ca nhỏ mỗi lượt, có người châm nước vào bình để đảm bảo ai cũng uống như nhau. Rốt cuộc ai cũng no căng rượu trước cả khi no đồ ăn. Tôi no cả hai.
Tôi từng uống rượu cần hai lần, lần này lần ba. Lần một là khi đi cùng đoàn phượt xe máy từ Hà Nội lên Mai Châu, Mộc Châu. Rượu cần ở đây giống cơm rượu rất ngọt và ngon. Lần hai khi tôi theo chân một người anh vào thăm một làng người đồng bào ở ngay tại Đà Lạt và uống rượu cần trong bữa cơm cùng gia đình ấy. Lần thứ ba này rượu không ngọt nhiều, hơi chua nhưng cảm giác thân tình vui vẻ khiến nó vẫn ngon như thường. Tôi uống tổng cộng cỡ nửa lít là cùng, trên tổng số tám lít rượu một ché chia mười một người. Cơm no, rượu say, mới tám giờ rưỡi khi mọi người còn đương trò chuyện tôi đã cuộn mình vào túi ngủ và ngủ ngon lành.
Tôi thức dậy khá sớm, như mọi hôm tầm năm giờ sáng bởi tiếng gà gáy le te khắp xung quanh. Mọi người vẫn đang ngủ, tôi thức dậy hít thở khí trời.
Namaste!