Cái chết, nấm mồ và một thông điệp cho những người đương sống

Bạn đã ăn cuộc sống rồi
Giờ để cho nó ăn bạn đi,
và hạnh phúc về điều đó.
“Cuộc sống của bạn là sự thao túng người khác, bạn muốn cái chết của bạn cũng là sự thao túng. Trang Tử nói với đệ tử trước lúc chết, khi họ hỏi ông muốn được chôn cất như thế nào. Trang Tử nói, “Không chọn lựa. Nếu các ông để thân thể ta trên đất, cũng được, nó sẽ bị ăn; nếu các ông chôn sâu nó dưới đất, nó cũng sẽ bị ăn. Cho nên sao lại thiên vị hay lo lắng về chim chóc hay sâu bọ? Cứ để nó như nó sẽ xảy ra. Ta chưa bao giờ hỏi cách thức cội nguồn xây dựng thân thể này. Tại sao ta lại phải quyết định cách thức để vứt bỏ thân thể này? Để cho cội nguồn quyết định. Ta không sợ việc thân thể này sẽ bị ăn. Tại sao ta lại sợ rằng nó sẽ bị ăn? Thế là tốt.”
Chúng ta sợ bị ăn, tại sao? Đây là điều gì đó cần phải được hiểu. Tại sao chúng ta lại sợ bị ăn thế?
Tất cả các kiếp sống chúng ta đều ăn, và chúng ta đều phá hủy cuộc sống qua việc ăn. Bất kỳ cái gì chúng ta ăn, bạn đều giết hại. Bạn phải giết hại, bởi vì cuộc sống chỉ có thể ăn cuộc sống. Không có cách khác.
Cho nên không ai thực sự là người ăn chay cả, không người nào. Mọi người đều là không ăn chay, bởi vì bất kỳ cái gì bạn ăn thì cũng đều là cuộc sống. Bạn ăn quả, quả là cuộc sống. Bạn ăn rau, rau cỏ là cuộc sống. Bạn ăn bột mì, gạo, chúng là hạt mầm cho cuộc sống nảy sinh. Bất kỳ cái gì bạn phụ thuộc vào thì đều có cuộc sống cả.
Cuộc sống ăn cuộc sống, và mọi thứ đều là thức ăn cho thứ gì đó khác.
Vậy tại sao bạn bảo vệ bản thân mình và cố gắng đảm bảo rằng bạn sẽ không bị ăn? Điều này là ngu ngốc. Bạn đã ăn nhiều trong suốt cuộc sống của mình, bây giờ hãy cho phép cuộc sống có cơ hội để ăn bạn đi.
Đó là lý do tại sao tôi nói rằng người Parsee có phương pháp khoa học nhất để vứt bỏ thân thể.
Người Hindu đốt nó. Điều này là xấu, bạn đang đốt thức ăn của cuộc sống, của tự nhiên. Nếu mọi cây cối đều đốt quả của nó, và mọi con vật chết đi và con vật khác đốt chúng, điều gì sẽ xảy ra? Chúng tất cả đều sẽ là người Hindu nhưng cuộc sống sẽ khó tồn tại, sẽ không có ai ở đây cả.
Tại sao lại đốt? Bạn đã ăn cuộc sống, bây giờ cho phép nó, cho phép cuộc sống một cơ hội để ăn bạn đi, tiêu hoá bạn, biến bạn thành chất nuôi dưỡng cho cuộc sống.
Hạnh phúc với điều đó đi, bởi vì là thức ăn có nghĩa là bạn đã được cuộc sống hấp thu. Chẳng có gì sai cả. Nó có nghĩa là sự tồn tại đã lấy lại, thân thể bạn đã hội nhập vào nguồn, dòng sông đã rơi vào đại dương.
Đây là cách tốt nhất để được hấp thu – được ăn- để cho bất kỳ cái gì có ích trong bạn sống ở đâu đó khác, trong ai đó khác.
Cây cối nào đó, chim nào đó, con vật nào đó, sẽ sống qua cuộc sống của bạn. Hãy hạnh phúc vì cuộc sống của bạn đã được phân phối lại cho muôn loài. Tại sao cảm thấy rằng có gì đó là sai với nó?
Người Hồi giáo và Kito giáo chôn người chết dưới đất trong những quan tài loại tốt, để bảo vệ họ. Điều này là xấu, là ngu ngốc, bởi vì chúng ta không thể bảo vệ được cuộc sống, vậy thì làm sao chúng ta có thể bảo vệ được cái chết? Chúng ta không thể bảo vệ được cái gì cả, chẳng cái gì có thể được bảo vệ cả.
Cuộc sống vốn dĩ đã là mong manh, và bạn thậm chí lại cố làm cho cái chết thành không mong manh. Bạn muốn bảo vệ, gìn giữ thứ đã chết.
Người Parsee có phương pháp tốt nhất, họ đơn giản để thân thể trên tường hay nơi vắng, thế rồi chim kền kền và các chim khác sẽ tới và ăn nó.
Mọi người đều chống lại người Parsee, ngay cả người Parsee cũng chống lại người Parsee, bởi vì toàn bộ việc này trông có vẻ xấu thế.
Nó không xấu đâu. Khi bạn ăn hay mọi loài khác ăn, điều đó có xấu không? Thế thì tại sao khi kền kền ăn, nó lại xấu? Nếu bạn ăn thế thì đấy là bữa tối. Còn khi chim kền kền ăn bạn thế thì đấy cũng là bữa tối chứ.
Bạn đã ăn kẻ khác, hãy để kẻ khác ăn bạn, hãy cho cuộc sống hấp thu bạn nữa.
Nếu bạn sống vô chọn lựa và cho phép cuộc sống xảy ra, thế thì bạn đơn giản trở thành một cánh đồng: cuộc sống xảy ra trong bạn, nhưng bạn không là người quản lý. Bạn không quản lý nó, bạn không kiểm soát nó. Khi bạn không phải là người kiểm soát, mọi căng thẳng tan biến, chỉ thế thì mới có thành thơi, thế thì bạn thảnh thơi toàn bộ.
Thảnh thơi đó là điểm tối thượng, Alpha và Omega, cái bắt đầu và cái kết thúc. Dù đó là cuộc sống hay cái chết, bạn không nên lấy bất kỳ quan điểm nào.
Đó là ý nghĩa của câu chuyện này: bạn không nên lấy bất kỳ quan điểm nào. Bạn không nên nói cái này đúng và cái kia sai, cái này phải và cái kia trái. Bạn không nên phân chia. Để cuộc sống là một toàn thể, không phân chia.”
Đây là đoạn trích thiệt là hay trong chương cuối cuốn “Thuyền Rỗng” của Osho mà mình mới đọc xong hôm qua. Chương này có tên “Cái chết của Trang Tử”.
Nơi thiêng liêng cô tịch
Nơi sự sống gặp gỡ sự chết
Giữa đám cỏ đung đưa cùng làn gió
Có cô gái ngồi bên những nấm mồ…
Sáng nay yoga xong mình lại ghé thăm khu nghĩa trang giáo xứ, lần này chẳng biết can đảm từ đâu ra mà mình không chỉ ngồi ven lối vào mà ngắm nhìn nữa, mình đi sâu vào trong, chọn một bãi đất trống đầy những cỏ dại đẹp ngây hồn mà ngồi xuống, vừa ngắm cỏ cây đung đưa trong gió, vừa lắng nghe tiếng nhạc hoà vào tiếng chim rộn lên khắp xung quanh.
Sương sớm còn đẫm trên những búi cỏ, thảm cỏ chen đủ loại xuyến chi, cỏ hồng, bồ công anh và đầy loại khác mình chẳng biết tên. Một thôi thúc bừng lên trong lòng mà thú thật mình vẫn chưa đủ can đảm để thực hiện, ấy là nằm ra trên bãi cỏ ấy, trên trảng trống đầy hoa dại giữa nghĩa trang với những nấm mồ rêu phong bao quanh như bảo vệ. Thế thì đó sẽ là việc thiền tuyệt vời, thiền trong tư thế xác chết. Liệu còn nơi nào tuyệt vời hơn? Nhưng mình vẫn chưa dám. Kể ra với một người sợ ma, sợ năng lượng âm như mình mà buổi sáng dám ra nghĩa trang ngồi giữa các nấm mồ như vầy cũng là bạo gan rồi, bản thân mình chưa bao giờ nghĩ tới việc một ngày mình sẽ dám làm việc ấy. Vậy mà… Cuộc sống thiệt thú vị làm sao. Mình mới giống… ma làm sao.
Có một chú đi xe máy vào nghĩa trang tìm gì đó, thấy cảnh mình ngồi ngay giữa thì dừng xe lại nhìn chằm chằm rồi lái đi. Chắc chú tưởng chú thấy ma. Mình bật cười vì tình cảnh ấy. Kẻ sợ ma hù ma người khác. May hôm nay mình không mặc đồ trắng và không xoã mái tóc đen dài. Nếu mình là chú ấy, vào nghĩa trang buổi sớm thấy có cô gái tóc đen dài điểm vài cọng trắng ngồi ngay giữa các nấm mồ ngêu ngao hát, có lẽ mình xỉu tại chỗ luôn chứ nói gì đến bỏ chạy.
Tự dưng thấy ngộ nghĩnh. Thấy mắc cười ghê!
Chú đi rồi mình lại thả hồn vào điệu nhạc, những bản giao hưởng réo rắt của Mozart nghe trong cảnh cây cỏ đung đưa thi thoảng lại rạp mình trong cơn gió cứ như dàn đồng ca của thiên nhiên mà khán giả là những người đã chết và người đương sống đang cùng nhau chia sê vậy. Khoảnh khắc ấy thật quá đỗi mê hồn!
Được một lát lại có tiếng xe máy, một chú khác cũng dạo một vòng xe rồi đứng lại nhìn mình với ánh mắt tò mò lẫn thăm dò. Mình nhìn lại và gật đầu. Chắc lúc này chú mới thôi tưởng mình là ma và dựng xe bước vào trảng cỏ chỗ mình ngồi. Chú hỏi, “Làm gì ở đây?” “Ngồi chơi ạ?” “Chơi cái gì ở đây?” “Thì ngắm hoa cỏ đung đưa nè, ngắm mây trườn trên đỉnh núi nè, ngắm các nấm mồ tĩnh mịch nè.” “Hay quá nhờ. Mà nhà cháu ở đâu mà ra đây?”
Phải thú thật lúc ấy mình phải ráng kềm lắm để không đùa nhây chú một phát, nếu mình chỉ vào một nấm mồ mà bảo “nhà cháu đây” không biết chú sẽ phản ứng thế nào. Nhưng không nên đùa cợt quá ở nơi yên tịnh này nên mình nói thiệt thôi, “Nhà cháu gần đây à.”
Chú cong môi lên gật đầu một cái, khen “Gan thiệt!” rồi đi sâu hơn vào trong, khuất sau những nấm mồ, hồi sau trở lại. Mình hỏi, “Chú tìm gì à?” “À, chú đợi mấy ông thợ tới xây lại mồ mà chưa thấy ai.” “Nãy có một chú mặc áo xanh bảo hộ đi xe máy vào rồi đi ra rồi.” “Đi rồi à?” “Đi rồi. Có khi ổng tưởng cháu là ma nên sợ quá đi rồi.” “Cháu ngồi đây lâu chưa?” “Chắc nửa tiếng rồi.” “Sao gan quá vậy? Tự nhiên đi vào nghĩa trang ngồi?” “Thì chú thấy nè, nó đẹp quá chừng. Địa thế đẹp và năng lượng cũng tốt.“
Chú hỏi, “Sao cháu biết?” “Biết gì?” “Biết địa thế nó đẹp và năng lượng các thứ…” “Mình có thể thấy và cảm nhận mà. Thấy nó nằm trên một ngọn đồi thoáng đãng, núi ngay sau lưng, thấy không gian đầy chất thơ hoa cỏ và nhất là mình có thể cảm nhận được chất lặng, chất yên, chất thiền của nó, rất bình an chứ không đáng sợ, không âm u. Nó mà đáng sợ âm u thì sức mấy cháu dám ngồi đây. Cháu sợ ma bỏ mẹ. Bình thường cháu dựng xe chỗ kia rồi đứng đó ngắm thôi. Hôm nay mới dám dô tới đây ngồi á chớ.”
“Ồ ra đó là xe của cháu hả? Xe ngầu quá. Nó là xe gì vậy…. (bla bla về cái xe một hồi) Mà cháu vẫn phải cẩn thận nha. Thi thoảng bọn xì ke nó vào đây, coi chừng nó trộm nó cướp, con gái đi một mình nó hiếp cho nữa đấy. Lần sau rủ vài người hãy vào. Kiếm bạn trai mà đi cùng cho nó bảo vệ.”
“Đáng sợ thế! Nhưng dân xì chắc ghé buổi chiều, sáng họ phải ngủ chớ.” “Ai biết được. Đề phòng vẫn hơn.”
“Thật kì lạ chú hả? Đôi khi mình không sợ người chết bằng người sống. Đôi khi người sống còn đáng sợ hơn cả người chết nữa.”
Mà quả thực đúng là như thế, đúng không?
Người sống mới là người làm hại nhiều nhất?
Ít nhất trong khu nghĩa trang này hoa cỏ sống cùng nhau thanh bình yên ả nên thơ thế. Chính người chết nuôi dưỡng đất nơi này, cây cỏ nơi này, vậy mà người sống sắp tới sẽ mang thuốc xịt cỏ ra đây phun chết hết chúng đi để chuẩn bị cho tháng tưởng nhớ linh hồn trong Ki tô giáo.
Thay vì chỉ thương nhớ linh hồn và người đã khuất, mình thương cuộc sống bằng việc thương mọi thứ của cuộc sống, từ cỏ dại cho đến những con người còn đương sống, được không?
Namaste!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *