[osho] – bị trục xuất khỏi trường đại học vì luôn biết nhiều hơn các giáo sư

Bị trục xuất dường như là chuyện thường xuyên đối với tôi ở trường đại học. Tôi đã bị thuyên chuyển hết trường này qua trường khác.

Lý do đơn giản bởi vì tôi luôn biết nhiều hơn những vị giáo sư. Tôi đã đọc rất nhiều và các ông giáo sư thì thường ngừng đọc 30 năm trước khi ông ta có được cái bằng và trở thành giáo sư. Có bằng là coi như đã xong xuôi, họ không đọc nữa. Nhưng trong 30 năm đó biết bao nhiêu thứ đã xuất hiện và phát triển. Trong 30 năm đó một người có thể lớn lên trong mọi chiều hướng của kiến thức, nhiều hơn anh ta có thể làm trong ba ngàn năm trước.
Vậy nên khi tôi bước vào lớp triết học, giáo sư của tôi đã không hề có một ý tưởng nào về Jean-Paul Sartre, không ý tưởng nào về Jaspers, Martin Heidegger, Soren Kierkegaard. Những cái tên này không có trong thời ông ấy đi học, bởi vì khi ông ấy đi học thì những người này thậm chí còn chưa tồn tại. Họ không nằm trong chương trình giáo dục. Và những gì mà ông ấy nhớ là về Bosanquet, Kant, Hegel, Feuerbach… thì đều đã lỗi thời rồi. Họ đã bị thay thế bằng những bộ não tốt hơn, thông minh hơn rất nhiều. Tôi biết tất cả về Kant và Hegel và Bosanquet, nhưng tôi biết nhiều hơn về Wittgenstein, Bertrand Russell, Sartre, Marcel. Mấy vị giáo sư trong trường không hề có ý tưởng gì về những người này cả.

Đó là một tình huống rất lạ, bởi vì với mỗi luận điểm đưa ra họ đều cảm thấy bị tôi đánh bại. Tôi bị trục xuất chỉ bởi lý do đơn giản rằng các giáo sư đã liên tục than phiền chống lại tôi, rằng tôi là kẻ phá rối, rằng tôi không cho phép họ nhúc nhích dù chỉ một inch nào nếu họ không chịu thảo luận với tôi mỗi ngày. Họ nói với thầy hiệu trưởng “Không biết khi nào chúng tôi mới có thể kết thúc lớp học nữa? Cậu ta dường như không hứng thú với những thứ ở trong lớp học chút nào và cậu ta lại còn mang vào lớp những cái tên mà chúng tôi chưa từng nghe tới. Và giờ, ở độ tuổi của chúng tôi, chúng tôi không định đọc thêm tất cả những gì mà cậu ta đã đọc, và thật là một trò hề khi phải đứng trước mặt tất cả những sinh viên khác với cảm giác rằng mình không biết chút gì về những phát triển mới nhất của nền triết học.”

Hiệu trưởng của tôi đã gọi tôi và ông ấy nói “Chúng ta biết rõ rằng cậu không sai. Cậu không nên bị trục xuất trong khi không làm sai điều gì cả. Ta cảm thấy buồn và xin lỗi cậu, ta muốn cậu hãy tha thứ cho ta, nhưng ta không thể để mất vị giáo sư này. Ông ấy đã quá già, là một người có uy tín, và ông ấy đã hăm dọa rằng hoặc cậu tiếp tục ở lại trường, hoặc ông ấy. Ông ấy thậm chí đã nộp đơn xin từ chức.” Họ đưa tôi xem thư từ chức của ông ấy. Nó viết “Hoặc nhà trường phải trục xuất cậu ta hoặc nhận lấy đơn từ chức này.”
Tôi nói “Tốt hơn là thầy hãy trục xuất em, bởi vì những gì em đang làm ở đây nhất định em cũng sẽ làm ở những nơi khác nữa. Nhưng nếu không thì trường của thầy sẽ mất một vị giáo sư uy tín. Và em không muốn ông ấy ở độ tuổi này phải đi tìm một công việc khác ở nơi nào đó. Không, đó không phải điều em muốn. Thật là ngớ ngẩn. Thầy hãy gọi cho vị giáo sư, trả lại thư từ chức của ông ấy, và nói với ông ấy rằng em đã bị trục xuất rồi.”
Tôi thấy nước mắt trong mắt của thầy hiệu trưởng và ông phó thủ tướng, khi họ phải trục xuất một người mà người đó không làm gì sai cả. Và tôi nói với họ “Thầy không cần phải cảm thấy có lỗi về điều đó. Emkhông làm gì sai nhưng em đã làm gì đó quá xa, quá nguy hiểm, và nó làm cho vị giáo sư của thầy cảm thấy xấu hổ mỗi ngày.”

Đáng lẽ những vị giáo sư ấy đã có thể thu nhỏ cuộc chiến. Họ có thể đơn giản nói “Có lẽ em đã đúng và chúng ta đã sai, nhưng lý do là vì chúng ta đã học từ ba mươi năm trước, và chúng ta không biết chút gì về những thứ đang diễn ra trong những năm này. Wittgenstein – cái tên này ta được nghe lần đầu tiên là từ em nên tất nhiên chúng ta không thể tranh luận với em được.”
Nếu như họ có thể nói như vậy là đã đủ, thế thì họ đã có thể có được sự tôn trọng của tôi và họ cũng sẽ có khả năng nhận ra sự thiếu hụt kiến thức của họ. Họ có thể là những người khiêm tốn với những câu nói đơn giản như “Ta không biết, tốt hơn em không nên mang những thứ trong 30 năm sau này tới đây. Những gì ta biết ta có thể thảo luận với em với tất cả sự tự tin nhưng em lại mang những cái tên, những lý thuyết, những ý tưởng của những người mà chúng ta không biết chút nào. Nhưng nếu chúng ta giả vờ rằng chúng ta biết và chúng ta tranh luận với em, thế thì tất nhiên chúng ta sẽ bị đánh bại bởi vì chúng ta không nhận thức được một chút nào những gì em đang nói và chúng ta cũng không hiểu được những hàm ý trong nó.”

Họ đã biết Aristotle và lý thuyết của ông ấy, nhưng họ không biết rằng vật lý hiện đại đã vượt lên trước Aristotle, và toàn bộ lý thuyết của ông ấy đã bị chứng minh là sai. Tôi đã đọc về Albert Eistein, về toàn bộ những thí nghiệm, triết lý của ông ấy đã loại bỏ Aristotle – nhân vật trọng yếu của lý luận học thế giới trong suốt hai ngàn năm qua, từ gốc rễ. Aristotle được xem như cha đẻ của ngành lý luận học phương Tây. Họ không hề nhận thức được rằng Albert Einstein đã xuất hiện và đã xóa sổ Aristotle như thế nào. Aristotle không còn một chút ý nghĩa nào trong thế giới hiện đại nữa.
Họ cũng đã biết về Euclid với hình học của ông ấy, nhưng họ không hề biết hình học của ông ấy không còn được ứng dụng chút nào nữa. Vật lý hiện đại đã phát triển lý thuyết hình học phi-Euclidian. Mấy vị giáo sư bị sốc bởi vì họ không hề nghĩ được rằng Euclid có thể sai.

Trường đại học đầu tiên tôi nhập học, tôi muốn học môn lý luận học. Và vị giáo sư già, với rất nhiều huân chương danh dự, với rất nhiều sách được xuất bản dưới tên ông ấy, bắt đầu nói về cha đẻ của lý luận học phương Tây, Aristotle.
Tôi nói “Đợi một chút. Thầy có biết rằng Aristotle viết trong sách của ông ấy rằng phụ nữ thì có ít răng hơn đàn ông không?”
Ông ấy nói “Lạy Chúa, đây là loại câu hỏi gì vậy? Nó thì liên quan gì đến lý luận học?”
Tôi nói “Nó là thứ rất nền tảng để tạo ra toàn bộ quy trình lý luận học. Thầy có biết là Aristotle có hai vợ không?”
Ông ấy nói “Ta không biết. Từ đâu mà em có những thông tin này?”

ở Hy Lạp, dường như là một hiểu biết mang tính truyền thống hàng thế kỉ rằng người phụ nữ bị giới hạn trong mọi thứ họ đều có ít hơn người đàn ông. Và theo đó, họ không thể có cùng số răng như đàn ông được.
Tôi nói “Và thầy gọi người đàn ông Aristotle này là cha đẻ của nền lý luận học sao? Ông ta thậm chí còn không biết đếm, vậy mà ông ta lại còn có những hai bà vợ nữa chứ, mà vẫn không chịu đếm. Mọi tuyên bố của ông ta đều là bất hợp lý. Chỉ là những điều lấy ra từ niềm tin truyền thống. Và em không thể tin tưởng người đàn ông có hai vợ mà lại còn viết rằng phụ nữ có số răng ít hơn đàn ông. Đây hoàn toàn là một thái độ trọng nam quá đáng. Một nhà lý luận học thì phải vượt lên trên mọi định kiến mới phải.”

Giờ hãy nhìn lại cái tình thế lúc ấy, vị giáo sư tuyên bố tới hiệu trưởng rằng nếu tôi không bị trục xuất ra khỏi trường thì ông ấy sẽ từ chức. Và ông ấy đã không đi dạy nữa thật. Ông ấy nói “Tôi sẽ đợi trong ba ngày.”
Vị hiệu trưởng không thể mất một giáo sư đầy kinh nghiệm như vậy. Ông ấy đã gọi tôi tới văn phòng và nói “Chúng ta chưa từng có bất cứ rắc rối nào từ ông ấy, ông ấy là một người dễ mến. Nhưng chỉ trong ngày đầu tiên mà… Em đã làm gì vậy?”
Tôi kể với ông hiệu trưởng toàn bộ câu chuyện và nói “Thầy có nghĩ điều đó đáng để đuổi học em không? Em chỉ hỏi một câu hỏi hoàn toàn thích hợp, và nếu như một giáo sư lý luận mà còn không thể trả lời, thì ai còn có thể trả lời đây?”
Thầy hiệu trưởng là một người đàn ông tốt. Ông ấy nói “Ta sẽ không trục xuất em, bởi vì ta không thấy em làm gì sai trái cả. Nhưng ta cũng không thể để mất vị giáo sư này, vậy nên ta sẽ làm một sắp xếp cho em đến học một trường khác.”
Nhưng tin đồn về tôi đã được lan truyền khắp trường. Cả thành phố có khoảng 20 trường đại học và trường tôi đang học là một trường đại học uy tín nhờ việc liên kết với 20 trường khác. Vị hiệu trưởng đã gửi tôi đến một vị hiệu trưởng khác với một bức thư giới thiệu, nhưng ông ấy phải gọi điện tới trước để nói “Đừng tin vào bức thư giới thiệu. Tôi phải viết nó bởi vì tôi phải làm như vậy. Cậu ấy không sai, nhưng cậu ấy hoàn toàn là một người đặc biệt và điều đó thì cứ tạo ra rất nhiều rắc rối.”

Tôi đi đến gặp vị hiệu trưởng mới, và ông ấy đang đợi. Ông ấy nói “Ta có thể nhận cậu với chỉ một điều kiện duy nhất: cậu không được tham gia các lớp học.”
Tôi nói “Vậy chuyện gì xảy ra khi đến kì thi?”
Ông ấy nói “Ta sẽ ghi cho cậu một tỷ lệ phần trăm hiện diện cần thiết trong sổ sách, nhưng điều này là bí mật giữa ta và cậu.”
Tôi nói “Điều này tuyệt đối tốt, dù sao thì các giáo sư của thầy cũng đã lỗi thời rồi. Nhưng em có thể vào thư viện chứ?”
Ông ấy nói “Thư viện thì hoàn toàn ổn, nhưng không bao giờ được vào bất cứ lớp nào bởi vì ta không muốn nghe từ bất cứ vị giáo sư nào than phiền rằng cậu lại gây ra rắc rối.”

Và tôi đã bao giờ tạo ra rắc rối nào đâu? tôi chỉ đơn giản hỏi những câu hỏi mà họ không thể trả lời. Nếu họ là những quý ông thật sự thì họ đã có thể nói “Tôi sẽ tìm hiểu. Ngay lúc này, tôi không biết.”
Thật là một điều khó khăn nhất trên đời khi phải thừa nhận rằng “tôi không biết”.
09/12/2016 – 2

Ở trường đại học, tôi thường mặc một cái áo choàng dài, với một cái lungi bao quanh như người ta hay mặc ở Ấn, và không có bất cứ cái nút nào trên cái áo choàng cả, vậy nên phần ngực luôn bị hở ra. Và tôi lại rất khỏe mạnh và cường tráng nữa, một trăm chín mươi pao.
Thầy hiệu trưởng bảo tôi “Đến trường mà không cài nút như vậy thì thật không phải phép lịch sự chút nào.”
Tôi nói “Thế thì hãy thay đổi định nghĩa về phép lịch sự đi, bởi vì ngực của em cần chút không khí trong lành. Và em định sẽ nghe theo nhu cầu của em, chứ không nghe theo ý tưởng về phép lịch sự của bất cứ ai cả”.

Năm đầu tiên của tôi ở trường đại học, tôi đã thắng mọi cuộc thi tranh luận trong các trường đại học ở toàn Ấn Độ, và vị giáo sư phụ trách, ông ấy giờ đã chết rồi, Ngài Indrabahadur Khare – một người ăn mặc rất đúng cách. Mọi thứ về ông ấy đều rất đúng cách. Ông ấy đưa tôi tới một hiệu chụp ảnh gần trường, bởi vì họ muốn một bức hình của tôi để đăng lên báo, tạp chí và đặc biệt là tờ tạp chí của trường vì tôi đã thắng cuộc thi trên toàn Ấn Độ và tôi lại mới chỉ là một sinh viên năm nhất.
Ông ấy đã rất căng thẳng khi chúng tôi trên đường đến hiệu ảnh. Và khi chúng tôi bước vào trong, ông ấy nói “Đợi đã, nhưng nếu em không cài những cái nút lại làm sao mà em có một bức hình tử tế được?”
Tôi nói “Bức hình sẽ trông hệt như con người em. Thầy không phải người chiến thắng cuộc thi tranh luận. Em mói là người chiến thắng. Và khi em tranh luận thì không có cái nút nào được cài cả vậy nên bây giờ thì có vấn đề gì? Nếu em có thể thắng cuộc tranh luận mà không cần nút áo thì bức hình của em cũng không cần nút áo làm gì cả”.
Ông ấy nói “Em hãy làm một việc. Em có thể lấy áo khoác của ta, nó sẽ vừa với em. Em chỉ cần khoác nó ra bên ngoài là em sẽ trông rất tuyệt.”
Tôi nói “Vậy thì tốt hơn là thầy nên đứng đây và tự chụp một bức hình về một người ăn vận đúng cách đi. Hãy chụp bức hình như vậy đi.”
Ông ấy nói “Không thể làm vậy được. Thầy hiệu trưởng sẽ nói “Đây là bức hình của ai, và…”
Vậy nên tôi nói “Thầy nên nhớ, bức hình của em thì phải trông giống như em. Em không thể dùng áo khoác của thầy. Mặc kệ chuyện lên hình có cần phải cài nút áo hay không, em hoàn toàn không hứng thú gì với việc chụp hình cả. Nên thầy có thể quyết định.”
Và ông ấy đã phải quyết định một việc mà với ổng là rất không đúng cách. Ông ấy nói “Ta không bao giờ làm bất cứ gì mà không đúng cách và ta cũng không bao giờ cho phép bất cứ ai làm bất cứ gì không đúng cách. Nhưng vì em là một người quá lạ.”
Tôi nói “Đây không phải là thứ gì không đúng cách cả”.
Mỗi đứa trẻ sinh ra hoàn toàn khỏa thân – nó là đúng cách.
Mỗi con thú hoàn toàn khỏa thân, nó cũng là đúng cách.
Nhưng chỉ có con người mới nghiện cái sự đúng cách giả dối mà họ tự đặt ra và áp đặt lên mọi người.

Osho’s Life and teaching
Phi Tuyết dịch

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *