Nhà thờ đang dạy người ta cầu nguyện cái gì vậy?

Khi tôi đi nhà thờ, dù không thường xuyên lắm, nhưng có lẽ mình tôi là người để ý nghe và suy nghĩ mọi thứ đang diễn ra trong đấy hay sao ấy?

Xen kẻ khắp buổi lễ là rất rất nhiều những lời cầu nguyện, đại loại nay còn nhớ được mấy cái như là:
– cầu cho mọi người không sống ích kỉ, phải sống vì người khác, chúng ta sinh ra là để sống cho người khác
– cầu cho các nước giàu phải biết giúp đỡ các nước nghèo
– cầu cho các cặp vợ chồng trung thành với nhau

What’s the *beep*!

Nghe này:

Hãy đi sâu hơn một chút để thấy những lời cầu nguyện này ngớ ngẩn ra sao

1. Chúng ta sinh ra để sống vì người khác, đó là nghĩa vụ, là trách nhiệm, là tất cả, chúng ta không được sinh ra chỉ để sống cho bản thân?

Cái thông điệp “sống vì người khác” thì tốt thôi, nhưng cái phần “không được sống vì bản thân” thì sai bét be rồi. Chính cái thông điệp đó không chỉ không giúp người ta sống tốt cuộc đời họ mà còn làm cho họ không thể vì người khác được. Hãy hình dung một cái cây, nếu nó sống vì nó thì bộ rễ sẽ phát triển, nếu nó sống vì người khác thì cành lá của nó phát triển. Thế thì cách tốt nhất để cái cây phát triển và cống hiến một cách toàn diện là phải cho nó được phát triển song song cả bộ rễ và cành lá, bộ rễ càng lớn càng sâu bao nhiêu thì cái cây càng vững chãi, càng sum suê cành lá và mang lại nhiều hoa thơm trái ngọt cho đời. Có nghĩa gì khi bắt cái cây phải vươn cành lá thật rộng trong khi không cho phép nó phát triển bộ rễ của nó?
Con người cùng vậy, chỉ một người có cuộc sống cá nhân thật đủ đầy thì mới càng giúp người dễ hơn, nghĩa gì khi bắt một người vừa nghèo túng, vừa bệnh tật, vừa đau khổ… phải quên bản thân đi mà đi giúp đỡ những người khác? Bằng cách đó toàn những người bệnh chăm sóc cho nhau mà không một ai khỏe mạnh toàn diện cả chứ đừng nói đến bác sĩ.

Nên nhà thờ, thay vì dạy người ta không được sống vì bản thân thì hãy làm rõ lại cái định nghĩa thế nào là sống vì bản thân, thế nào là ích kỉ, làm sao để người ta sống vì bản thân một cách đúng đắn, để từ đó mới có đủ năng lực và trác nhiệm đi giúp đời, giúp người.
Bởi, kẻ không thể chăm sóc, chăm lo cho bản thân mình thì tuyệt đối không thể chăm sóc, chăm lo cho bất cứ ai được cả. Và chăm lo cho bản thân mình thì không có gì là ích kỉ hết. Nhà thờ nên làm rõ nó thay vì những lời cầu nguyện vô nghĩa như vậy.


2. Cầu cho nước giàu biết chia sẻ trách nhiệm mà giúp đỡ các nước nghèo nhiều hơn, nhiều hơn nữa

Trách nhiệm của nước giàu là “phải” giúp đỡ nước nghèo? Trách nhiệm của người giàu là phải giúp đỡ người nghèo?
Thế thì cả thế giới nên là những người nghèo trong các nước nghèo cho rồi, sẽ có người giúp đỡ, cố gắng làm gì cho mệt?
Thông điệp ngớ ngẩn.
Thay vì vậy, hãy cầu cho các nước nghèo biết cố gắng, biết tìm cách thay đổi để mà tốt hơn, để mà không trông chờ sự giúp đỡ của người khác mới đúng.
Hãy cầu cho các nước nghèo bớt sinh đẻ như ruồi giấm mà hãy ý thức kiểm soát dân số. Hãy cầu cho các nước nghèo biết ý thức đào tạo con người chuyên về giáo dục, về ý thức, về văn hóa… để họ có thể tự lo liệu cho cuộc sống của họ, biết học tập từ các nước khác, biết tự nhận trách nhiệm về chính bản thân họ thay vì cứ mãi trông chờ sự giúp đỡ từ nước ngoài. Những điều này không phải mới là những điều quan trọng sao?
À mà không được, nhà thờ ủng hộ tất cả mọi người hãy cứ đẻ như ruồi giấm mà.
Thật là hết chịu nổi.
Này nhà thờ, hãy nghĩ xem, nếu Chúa không muốn người ta kế hoạch hóa gia đình thì hẳn Ngài sẽ để cho loài người nghĩ ra các biện pháp kế hoạch hóa rồi, đúng không?
Chúa để cho loài người nghĩ ra cả tỉ biện pháp kế hoạch hóa là vì Ngài muốn loài người bớt giống ruồi giấm đi đó.

Và nhà thờ không phải nơi chỉ để cầu nguyện, nhà thờ nên chính là nơi lan truyền những tinh thần ấy, nhà thờ có thể giúp giáo dục con người, giúp tạo nên những suy nghĩ mới, những nét văn hóa mới, hành xử mới.
Bản thân khi đang đứng trong một nước nghèo lại cầu nguyện cho các nước giàu hãy giúp các nước nghèo sao mà tôi thấy ngớ ngẩn quá thể.

Cái đất nước này không phải đã nghèo quá lâu chỉ bởi cái tinh thần dựa dẫm đó sao? Đất nước này có thể giàu mạnh biết bao nếu nó biết tự đứng trên đôi chân của mình, tự nhận thức được điểm mạnh yếu của mình để mà thay đổi, mà cải tiến. Thay vì mãi mãi duy trì một tình trạng nghèo đói và van xin mọi người hãy viện trợ, hãy giúp đỡ mình. Cứ như thể nghèo nàn là một việc đáng tự hào lắm, đáng thương hại lắm và mọi người khác phải thương hại mình. Thật ngớ ngẩn.

3. Cầu cho các cặp vợ chồng trung thành với nhau…

Tại sao là trung thành? Tại sao không phải là yêu thương nhau?
Trong yêu thương người ta sẽ tự động trung thành nhưng không có chiều ngược lại, sự trung thành không làm cho người ta yêu thương nhau, người ta có thể giả vờ nhưng không thể giả vờ lâu được.
Điều cốt yếu nhất của một mối quan hệ, đặc biệt trong quan hệ vợ chồng, là hai người ấy tốt hơn hết hãy yêu thương nhau. Khi yêu thương nhau người ta không chỉ trung thành mà người ta còn san sẻ, còn thấu hiểu, còn đồng cảm, còn quan tâm và hàng trăm những thứ tuyệt vời khác… Nhưng tất cả phải đi sau tình yêu.
Hãy làm sao để các cặp vợ chồng yêu thương nhau, tự động họ sẽ trung thành.
Nghĩa gì mà lại chỉ cầu cho các cặp vợ chồng trung thành với nhau, thế thì tình yêu thì sao? Làm sao để trung thành khi không có tình yêu? Đó sẽ chỉ là một sự bó buộc, một sự gượng ép, một sự miễn cưỡng. Làm sao người ta có thể tạo ra một gia đình vui vẻ, hạnh phúc khi cả hai người cùng bị gượng ép miễn cưỡng như vậy?
Thông điệp này sai rồi nhà thờ ơi.
Đừng dạy ai phải trung thành với ai, nhưng hãy khuyến khích người ta yêu thương, trong yêu thương sẽ sinh ra gắn kết lâu dài.
Đừng dạy ai phải giúp đỡ ai, nhưng hãy khuyến khích người ta tự giúp đỡ chính bản thân mình.
Đừng dạy ai phải sống vì người khác, nhưng hãy khuyến khích người ta tìm ra cách sống sao cho không ai phải vì mình cả. Thế thì cả thế giới sẽ là những người độc lập tự chủ, cả thế giới sẽ là những người mạnh mẽ biết bao nhiêu.

Loài người là đàn con tồi tệ nhất hay tuyệt vời nhất? Theo nhà thờ thì rõ là tồi tệ nhất rồi. Thật tội nghiệp Thượng đế khi có một đàn con như vậy.

Nhà thờ bao năm qua chẳng những không thể lan truyền được cái thông điệp yêu thương đúng nghĩa mà còn góp phần hủy hoại sự chủ động tự lập của con người, khiến cho người người ngày càng dính vào nhau trong một cộng đồng yếu ớt và đau khổ.
Làm sao người ta có thể hạnh phúc khi ngày ngày nghe cái thông điệp “chúng ta là những kẻ yếu hèn, tội lỗi, không đáng được tha thứ, không đáng được yêu thương…”
Cho nên, tôi thật với các bạn, tôi không thích đến nhà thờ, dù tôi vẫn yêu mến Thượng đế biết bao nhiêu.

Trong 25 năm cuộc đời lời cầu nguyện của tôi luôn là “xin cho thế giới không còn chiến tranh, chỉ có hòa bình, mọi người yêu thương đùm bọc lẫn nhau, không còn những mảnh đời nghèo khổ và bất hạnh. Xin cho con biết chăm chỉ học hành, vâng lời cha mẹ và…” tự nhiên quên béng mất cái vế sau này vì khoảng 1 năm nay tôi không còn cầu nguyện những điều này nữa. Còn thêm gì đó ở khúc cuối như là “xin cho con biết sống xứng đáng là con cái của Ngài” – có lẽ đây là thứ duy nhất có chút giá trị trong tất cả 25 năm cầu nguyện của tôi, mà cũng chẳng giá trị lắm…

Giờ đây, một năm nay, tôi chuyển từ van xin sang tạ ơn, mỗi sáng và mỗi tối tôi chỉ cầu nguyện đúng một câu ngắn gọn “Xin cảm tạ Người vì tất cả những điều tốt đẹp Người đã ban cho con” chỉ thế, tuyệt đối đơn giản và ngắn gọn.
Thế rồi sau lời cầu nguyện ấy tôi bắt đầu hành động nhiều hơn, làm mọi việc trong khả năng của mình để làm cho cuộc đời này tốt đẹp hơn, không phải đời người khác, mà là đời tôi. Và tôi nhận ra cái sự thật lạ lùng rằng tôi càng làm cho đời mình tốt đẹp bao nhiêu thì tôi cũng có thể giúp cho cuộc đời những người khác tốt đẹp hơn bấy nhiêu.
Một năm nay tôi sống trong hạnh phúc, vui vẻ và biết ơn mà 25 năm qua cộng lại cũng không bằng.
Đó một phần công có lẽ do ảnh hưởng từ việc thay đổi cách cầu nguyện xin xỏ sang tạ ơn, chờ đợi sang hành động, bị động sang chủ động, mơ hồ sang tỉnh thức…

Lời cầu nguyện đúng đắn, không phải lời xin xỏ cái này cái kia, kể cả xin sức mạnh để thay đổi bản thân hay thế giới. Không. Lời cầu nguyện đúng đắn là lời tạ ơn.
Hãy tạ ơn Thượng đế, tạ ơn Chúa vì tất cả những điều đang xảy ra xung quanh chúng ta, với chúng ta, bất kể điều đó tốt đẹp hay đau thương. Vì đau thương cũng có giá trị riêng của nó.
Và đặc biệt là hãy tạ ơn Thượng đế vì đã cho chúng ta được làm con người – thứ loài duy nhất trên đời có khả năng thay đổi hoàn cảnh sống của mình, thứ loài duy nhất có khả năng sáng tạo hoàn cảnh – đó chính là khả năng tối thượng của Thượng đế – sự sáng tạo.
Và sau đó, sau sự tạ ơn về khả năng tự lập, sáng tạo mà mình đã có thì đến bước thứ hai: hãy hành động.
Hành động để có thể sống tự lập, hành động để có thể sáng tạo.
Sáng tạo nên cuộc đời mình, sáng tạo ra cái môi trường mà mình muốn sống, hãy sáng tạo sao cho mỗi ngày nhìn lại ta lại cảm thấy biết ơn hơn, thấy vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn, thấy mình mạnh mẽ hơn, xứng đáng là con cái của Thượng đế hơn nữa.

Nhà thờ, thay vì cứ luôn xem loài người như đàn con ngu dốt, yếu đuối, tội lỗi thì nên bắt đầu nghĩ đến việc làm cho đàn con ấy trở thành một đàn con xứng đáng là con Thiên Chúa: mạnh mẽ, thông minh, được chúc phúc, vô tội và luôn sống trong tình yêu thương.

Hãy thay đổi cách rao giảng, hãy thay đổi cách nhìn, hãy thay đổi cách cầu nguyện đi

Nếu tôi được quyền biên tập những bài giảng của cha xứ trong nhà thờ, tôi hứa sẽ làm cho người ta yêu thương nhau yêu thương Chúa và yêu thương nhà thờ thêm gấp 3 lần hiện nay.

“Cầu xin Chúa cho con có cơ hội làm được điều đó.”

Nhưng mà nếu có cha xứ hay người sùng đạo nào đọc được bài này chắc hẳn họ sẽ cầu nguyện những điều như là “cầu xin Chúa hãy tống đứa con gái tội lỗi, kiêu căng, ngu dốt này vào địa ngục đi.”

Hãy nhìn vào lời cầu nguyện của bất cứ ai, bạn có thể biết được họ là kiểu người gì.

Và cũng hãy nhìn vào lời cầu nguyện của chính mình để nhận ra kiểu người mình đang là.
Theo tôi, bất cứ lời cầu nguyện nào chỉ xin và xin và xin… thì đều không đáng được nhận lời.
Không ai thích những kẻ tối ngày xin xỏ, kể cả Thượng Đế. Ngài ấy đã cho loài người tất cả mọi tài nguyên, mọi khả năng, mọi bài học… đủ để chúng ta làm được mọi điều ta muốn. Tại sao cứ tham lam van xin hoài như một kẻ ăn xin, dai dẳng như một con đỉa đói?

Tôi không chọn là kẻ ăn xin trước Chúa, tôi chọn tìm cách trở thành một đứa con có thể làm Ngài ấy tự hào.
Và tất cả mọi người đều nên như vậy mới phải.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *