Osho ra đời tại làng Kuchwada, ngày 11 tháng 12 năm 1930
“Phương Đông không bao giờ bận tâm về ngày sinh. Phương Đông đơn giản cười vào toàn bộ sự ngớ ngẩn của nó.
Tôi đã hiện thân trong cơ thể này vào ngày đó. Đây là ngày mà lần đầu tiên tôi nhìn thấy màu xanh của cây và màu xanh của bầu trời. Đây là ngày mà lần đầu tiên tôi mở mắt và nhìn thấy Thượng đế khắp xung quanh. Tất nhiên từ ‘Thượng đế’ không tồn tại vào thời điểm đó, nhưng điều tôi nhìn thấy là Thượng đế.
Bạn có thể hỏi mẹ tôi một điều gì đó… Sau khi chào đời, trong ba ngày tôi thậm chí không uống một chút sữa, và tất cả họ đều lo lắng. Vị bác sĩ đã rất bận tâm, bởi vì làm sao mà đứa trẻ này có thể sống được nếu nó cứ từ chối uống sữa? Nhưng họ không hề biết gì về những khó khăn của tôi, hay những khó khăn mà họ đã tạo ra cho tôi. Họ cố ép bằng mọi cách có thể. Nhưng không có cách nào để tôi có thể giải thích cho họ, và cũng không cách nào để họ có thể tự hiểu được.
Ở trong tiền kiếp, trước khi tôi chết, tôi đang thực hiện một kì nhịn ăn. Tôi muốn hoàn thành một kì nhịn ăn 21 ngày, nhưng tôi đã bị giết trước khi kì nhịn ăn được hoàn thành, trước ba ngày. Ba ngày đó vẫn còn trong sự nhận thức của tôi, thậm chí trong lần sinh ở kiếp này. Tôi phải hoàn thành kì nhịn ăn của tôi. Tôi là một đứa trẻ bướng bỉnh. Thông thường, người ta không mang theo bất cứ gì từ một kiếp sống này đến một kiếp sống khác, khi một chương đóng lại, nó đóng lại luôn.
Nhưng trong ba ngày họ không thể làm cách nào để bỏ bất cứ gì vào miệng tôi. Tôi đơn giản từ chối. Nhưng sau ba ngày tôi hoàn toàn bình thường trở lại và họ đã rất ngạc nhiên “Tại sao đứa trẻ này lại từ chối trong ba ngày? Không hề có bệnh tật, không có vấn đề gì cả, và sau ba ngày nó trở lại bình thường hoàn toàn.” Đó luôn là điều bí ẩn đối với họ.
Nhưng những điều này tôi không muốn nhắc lại bởi vì với bạn tất cả những việc ấy chỉ giống như những giả thuyết, và không có có cách nào để tôi chứng minh chúng theo cách khoa học cả. Và tôi lại không muốn trao cho bạn bất cứ niềm tin nào, vậy nên tôi tiếp tục bác bỏ những điều có thể tạo nên bất cứ hệ thống niềm tin nào trong tâm trí bạn.
Bạn yêu tôi, bạn tin tôi vậy nên bất cứ gì tôi nói bạn đều tin. Nhưng tôi cứ cố nài bạn, lần nữa rồi lại lần nữa, rằng bất cứ thứ gì mà không được đặt trên nền tảng kinh nghiệm của chính bạn, hãy chấp nhận nó chỉ như một giả thuyết. Đừng biến nó thành niềm tin. Nếu thỉnh thoảng tôi đưa ra một vài ví dụ, đó là điều cần thiết – bởi vì có người đã hỏi “Làm sao thầy có thể quá can đảm và sắc bén từ thời thơ ấu của thầy như vậy?”
Tôi đã không làm bất cứ gì cả, tôi chỉ đơn giản tiếp tục làm những gì tôi đang làm trong kiếp trước của tôi. Và đó là lý do tại sao trong thời thơ ấu tôi đã bị mọi người nghĩ là điên, là kì dị – bởi vì tôi sẽ không đưa ra bất cứ lời giải thích nào về việc tại sao tôi muốn làm điều gì đó. Tôi chỉ đơn giản nói “Tôi muốn làm việc đó. Có lý do với tôi để làm, tại sao tôi lại làm thì tôi không thể đưa cho bạn những lý do bởi vì bạn cũng chẳng thể hiểu được.”
Tôi vẫn luôn nhớ lại về ngôi làng nhỏ nơi mà tôi được sinh ra. Tại sao sự tồn tại lại chọn ngôi làng nhỏ đó là nơi đầu tiên thì thật không thể giải thích được. Nó chính xác là nơi mà nó phải là. Ngôi làng đó rất đẹp. Tôi đã đi du lịch rất xa và rất rộng nhưng tôi chưa bao giờ đi qua nơi nào có được cùng vẻ đẹp ấy. Không từng có nơi nào giống như nó. Nhiều thứ đã đến và đi nhưng không bao giờ có thứ nào như nhau.
Tôi vẫn nhìn thấy ngôi làng nhỏ đó. Chỉ có vài túp lều gần bên một cái ao, và một vài cái cây cao nơi tôi thường chơi. Không có ngôi trường nào trong cái làng đó. Đó là điều vô cùng quan trọng, bởi vì tôi cứ tiếp tục giữ được tình trạng vô học thức trong gần như chín năm, và đó là những năm tháng kiến tạo nên tính cách một con người nhiều nhất. Sau đó, bất kể bạn cố gắng thế nào, bạn không thể trở nên học thức được nữa. Vậy nên bằng cách nào đó tôi vẫn giữ nguyên là một người vô học thức, mặc dù tôi sở hữu rất nhiều bằng cấp. Bất cứ một kẻ vô học thức nào cũng có thể có được chúng. Và không chỉ những bằng cấp, nhưng một cái bằng thạc sĩ hàng đầu đi chăng nữa cũng có thể được đạt bởi bất cứ tên ngốc nào. Vậy nên rất nhiều những tên ngốc vẫn luôn giành lấy cái tấm bằng mỗi năm qua mà không biết rằng chúng không có bất cứ ý nghĩa nào hết.
Ở đó không có trường học, không có những con đường, không có xe lửa, không có bưu điện nào cả. Thật là một phúc lành. Ngôi làng nhỏ đó tự nó là một thế giới thu nhỏ theo cách của riêng nó. Thậm chí sau khi tôi đi xa khỏi ngôi làng đó tôi vẫn luôn còn ở trong thế giới đó – vô học thức.
Tôi đã đọc cuốn sách nổi tiếng của Ruskin, Unto this class – và khi tôi đọc nó tôi nghĩ về ngôi làng của tôi. Cho đến cuối cùng… ngôi làng đó vẫn không thay đổi. Không con đường nào nối với nó, không đường rày nào chạy qua nó, thậm chí bây giờ sau gần 50 năm, không bưu điện nào, không trạm cảnh sát nào, không bác sĩ nào – trên thực tế không có ai ốm yếu trong ngôi làng đó cả để mà cần bác sĩ, nó rất trong lành và không bị ô nhiễm chút nào.
Tôi biết những người trong ngôi làng đó – những người mà chưa từng nhìn thấy một đoàn xe lửa, những người mà sẽ rất kinh ngạc nếu trông thấy những thứ như vậy, những người chưa từng thấy thậm chí một chiếc xe bus hay một chiếc xe hơi. Họ không bao giờ rời khỏi ngôi làng. Họ sống đầy tràn phúc lành và thầm lặng.
Nơi tôi sinh ra, Kuchwada, là một ngôi làng không có tàu lửa lẫn bưu điện. Nó có những quả đồi nhỏ và khá nhiều những đụn đất, nhưng có một cái hồ rất đẹp, và một vài túp lều, chỉ là những túp lều rơm. Có một ngôi nhà bằng gạch là nơi mà tôi đã sinh ra trong đó, và cũng không có nhiều những căn nhà bằng gạch như vậy. Nó chỉ là một căn nhà rất nhỏ.
Tôi có thể nhìn thấy nó ngay lúc này, và có thể miêu tả nó đến từng chi tiết, nhưng hơn cả ngôi nhà hay ngôi làng, tôi nhớ những con người ở đó. Tôi đã đi qua hàng triệu con người, nhưng con người ở trong ngôi làng đó thì chất phác hơn bất cứ ai, bởi vì họ cực kì nguyên thủy. Họ không biết gì về thế giới, thậm chí không một tờ báo nào đã từng đến được với ngôi làng. Bạn có thể hiểu tại sao ở đó không có trường học, thậm chí cả trường tiểu học. Thật là một phúc lành! Không một đứa trẻ hiện đại nào có được diễm phúc đó.
Tôi vẫn còn trong trạng thái vô học thức những năm còn ở đó và đó là những năm tháng tươi đẹp nhất.
Kuchwada được bao quanh bởi những ngọn đồi nhỏ và nó cũng có một cái ao nhỏ. Không ai có thể miêu tả cái ao đó trừ Basho. Thậm chí ông ấy cũng không miêu tả cái ao, ông ấy đơn giản nói:
“Ao xưa
Ếch nhảy vào
Tõm!”
Đây là thứ miêu tả gì chứ? Cái ao chỉ là một sự đề cập, con ếch cũng vậy. Không chút miêu tả nào về cái ao hay con ếch, và … tõm!
Ngôi làng có một cái ao xưa, rất xưa cũ, với những cái cây xưa cũ xung quanh nó – chúng có lẽ đến hàng trăm tuổi – cùng với những phiến đá đẹp ở xung quanh và dĩ nhiên có con ếch đã nhảy vào. Ngày qua ngày bạn có thể nghe tiếng “tõm” đó, lần nữa rồi lại lần nữa. Tiếng con ếch nhảy vào thật sự giúp tôn vinh sự im lặng ở đó. Âm thanh đó làm cho sự im lặng đó tràn đầy hơn, ý nghĩa hơn.
Đó chính là vẻ đẹp của Basho: ông ấy có thể miêu tả thứ gì đó mà không thật sự miêu tả nó. Ông ấy có thể nói về thứ gì đó mà thậm chí không đề cập tới dù chỉ một từ liên quan tới nó. “Tõm” – đây là một từ sao? Không từ nào có thể so sánh với âm thanh của một con ếch nhảy vào trong cái ao xưa đó, nhưng Basho đã so sánh được nó.
Tôi không phải Basho, và ngôi làng đó cần một Basho. Có lẽ ông ấy sẽ tạo ra những bản phác họa đẹp, những bức tranh, những câu chuyện… Tôi không có bất cứ gì để làm với ngôi làng đó – bạn sẽ ngạc nhiên khi biết tại sao – tôi thậm chí không ghé thăm lại ngôi làng lần nào. Một lần là đủ. Tôi không bao giờ đến một nơi nào hai lần. Với tôi số hai không tồn tại. Tôi từng rời khỏi rất nhiều ngôi làng, rất nhiều thị trấn, không bao giờ quay trở lại. Một lần rời đi là rời đi mãi mãi, đó là cách của tôi. Vậy nên tôi đã không quay trở lại ngôi làng đó. Dân làng đã gửi thông điệp muốn tôi quay trở lại đó ít nhất một lần nữa. Tôi đã phải nhắn cho họ thông qua người đưa thư “Tôi đã từng ở đó một lần và nhiêu đó là đủ, ghé lần thứ hai không phải cách của tôi.”
Nhưng sự tĩnh lặng của cái ao xưa đó thì đã ở lại với tôi.
Tôi là một đứa trẻ cô độc bởi vì tôi đã được đưa đến cho ông bà ngoại nuôi. Tôi không ở cùng cha mẹ mình. Ông bà ngoại tôi là hai người già cô độc vậy nên họ muốn một đứa trẻ ở bên để làm họ vui vẻ hơn trong những ngày cuối đời. Vậy nên cha mẹ tôi đã đồng ý: tôi là đứa trẻ lớn nhất, đứa con đầu lòng, vậy nên họ đã gửi tôi đến đó.
Tôi không nhớ bất cứ mối liên hệ nào với gia đình cha tôi trong những năm đầu đời ấy. Với hai người đàn ông đã già – ông ngoại tôi và người giúp việc già của ông ấy, người mà thật sự là một người đàn ông rất đẹp và một người già nữa là bà ngoại tôi… Tất cả là ba người già. Khoảng cách thế hệ thì quá lớn. Tôi hoàn toàn cô độc. Nó không phải là một tập thể, nó không thể được xem là một tập thể. Họ cố gắng bằng mọi cách để trở nên thân thiện với tôi nhưng đơn giản là không thể.
Tôi bị bỏ mặc với chính mình. Tôi không có bất cứ điều gì để nói với những người già ấy, tôi cũng không có ai khác bên cạnh, bởi vì trong ngôi làng nhỏ đó nhà chúng tôi là giàu nhất, và nó là một ngôi làng rất nhỏ – tất cả không nhiều hơn 200 người- và họ thì quá nghèo nên ông bà không cho phép tôi chơi cùng với những đứa trẻ nhỏ khác trong làng. Chúng quá bẩn, và tất nhiên chúng đa phần chỉ là những đứa trẻ ăn xin. Không có cách nào để kết bạn cả. Những điều này đã tạo nên một tác động lớn. Suốt cả đời tôi chưa bao giờ là bạn của ai, tôi chưa bao giờ được ai biết đến như một người bạn cả. Vâng, người quen thì có.
Trong những năm đầu đời đó tôi đã luôn một mình đến nỗi tôi bắt đầu thưởng thức nó. Đó thật sự là một niềm vui. Vậy nên việc một mình đó không phải một thiệt hại gì đối với tôi cả, nó đã chứng minh là một phúc lành. Tôi bắt đầu thưởng thức nó, tôi bắt đầu cảm thấy rất độc lập, không phụ thuộc vào bất cứ ai.
Tôi không bao giờ hứng thú với những trò chơi vì lý do đơn giản rằng từ thời thơ ấu đã không có cách nào để chơi cả, không có ai ở đó để chơi cùng cả. Tôi có thể nhìn thấy lại chính tôi trong những năm tháng đầu đời, chỉ ngồi lặng yên.
Nhà chúng tôi ở một nơi rất đẹp, ngay trước nó là một cái hồ. Hồ rộng hàng dặm, quá đẹp và quá tĩnh lặng. Chỉ thỉnh thoảng bạn mới có thể thấy những đàn cò trắng bay qua, hay chỉ khi chúng gọi nhau để tìm bạn tình, chỉ lúc ấy sự yên bình mới bị quấy nhiễu. Nếu không thì đó gần như một nơi tuyệt vời để thiền định. Và sau những cuộc gọi tìm bạn tình ấy của đàn chim, sự yên bình còn trở nên đậm đà hơn, sâu sắc hơn nữa.
Cái hồ thì đầy những hoa sen, và tôi cứ ngồi đó hàng giờ với sự mãn nguyện, như thể cả thế giới đều không phải là vấn đề khi mà xung quanh: những bông sen, đàn cò trắng, sự tĩnh lặng…
Ông bà tôi đã sớm nhận ra một điều, rằng tôi đang thưởng thức sự một mình đó. Họ tiếp tục nhận ra rằng tôi không có mong muốn đi vào làng để gặp bất cứ ai, hay chỉ là để trò chuyện. Thậm chí nếu họ muốn nói chuyện, câu trả lời của tôi cũng chỉ là vâng, hoặc không. Tôi không hứng thú việc trò chuyện một chút nào. Vậy nên họ trở nên nhận biết một điều, rằng tôi đang thưởng thức sự một mình, và họ đã tự nhận thức rằng một trong những nghĩa vụ thiêng liêng của họ là không được làm phiền tôi.
Vậy nên trong bảy năm tiếp theo không hề có ai cố phá vỡ sự ngây thơ của tôi cả. Không ai cả. Ba người già sống trong ngôi nhà, gồm người giúp việc và ông bà tôi, tất cả họ đều bằng mọi cách có thể để bảo vệ tôi, không ai làm phiền đến tôi. Trên thực tế tôi đã bắt đầu có cảm giác – một chút khi tôi lớn hơn – cảm giác bối rối bởi vì tôi mà họ không thể nói chuyện, họ không thể bình thường được như những người khác.
Việc thường xảy ra với những đứa trẻ là bạn bảo chúng “Hãy yên lặng bởi vì cha của con đang suy nghĩ, ông của con đang nghỉ ngơi. Hãy yên lặng, ngồi im.” Trong thời thơ ấu của tôi nó xảy ra theo cách hoàn toàn ngược lại. Giờ tôi cũng không thể trả lời tại sao và như thế nào, nó cứ xảy ra như vậy. Có lý do tại sao tôi nói nó cứ đơn giản xảy ra. Bởi vì những thứ như những luật lệ, điều khoản đơn giản là không bao giờ có tác dụng gì với tôi.
Ba người già ấy cứ tiếp tục ra hiệu với nhau “Đừng làm phiền thằng bé – nó đang tận hưởng rất nhiều.” Và họ bắt đầu yêu cái sự im lặng của tôi.
Sự im lặng tự bản thân nó có một rung động, nó là một thứ có thể lây truyền, đặc biệt là sự im lặng tự nhiên của một đứa trẻ không bị ép buộc. Không phải vì bạn nói “Ta sẽ đánh con nếu con có bất cứ hành động quấy rầy hay làm ồn nào”. Không, đó không phải là im lặng. Điều đó không tạo ra bất cứ rung động hân hoan nào mà tôi đang nói đến, khi một đứa trẻ im lặng vì chính nó làm chủ sự yên lặng đó, tận hưởng sự im lặng đó mà không có lý do, niềm hạnh phúc của nó cũng không cần lý do. Những rung động đó tạo ra những gợn sóng lớn lan tỏa khắp xung quanh.
Trong một thế giới tốt hơn, mỗi gia đình sẽ học được từ những đứa trẻ. Bạn cứ luôn vội vàng đòi dạy dỗ chúng. Dường như không ai học được gì từ bọn trẻ cả, chúng có rất nhiều thứ để dạy bạn. Và bạn không có gì để dạy chúng cả.
Chỉ bởi vì bạn già hơn và mạnh hơn nên bạn bắt đầu làm cho chúng trở nên giống như bạn, mà thực tế bạn chưa từng bao giờ nghĩ bạn là ai, bạn đã đạt được những gì, trạng thái sâu nhất của thế giới bên trong của bạn là đâu. Bạn chỉ là một kẻ bần cùng, và bạn muốn cùng điều đó cho những đứa trẻ của bạn nữa sao? Nhưng không ai nghĩ cả, nếu không thì người ta có thể học được từ những đứa trẻ nhỏ. Những đứa trẻ mang rất nhiều điều từ thế giới khác tới đây bởi vì chúng dường như tinh khiết thế. Chúng vẫn còn mang theo sự tĩnh lặng của tử cung dày đặc bóng tối, đó là sự im lặng của tất cả tồn tại.
Vậy nên thật ngẫu nhiên cho tới năm bẩy tuổi tôi vẫn không bị quấy rầy – không ai quở trách tôi, hay chuẩn bị cho tôi bước vào thế giới của kinh doanh, chính trị, ngoại giao. Ông bà ngoại thích thú khi để tôi được lớn lên tự nhiên thuần khiết nhất có thể – đặc biệt là bà ngoại. Bà là một trong những nguyên do – loại nguyên do sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ khuôn mẫu cuộc đời bạn sau này – bà là một trong những nguyên do khiến tôi tôn trọng toàn bộ phái nữ.
Bà là một người phụ nữ đơn giản, không học thức, nhưng hoàn toàn nhạy cảm. Bà làm cho mọi thứ trở nên rõ ràng với ông ngoại và người giúp việc: “Tất cả chúng ta đã sống cùng một loại cuộc sống mà không dẫn chúng ta đến bất cứ đâu cả. Chúng ta vẫn trống rỗng như xưa giờ, và giờ cái chết đang đến rất gần.” Bà nài nỉ, “Hãy để đứa trẻ này đừng bị ảnh hưởng bởi chúng ta, loại ảnh hưởng gì mà chúng ta có thể tạo ra chứ? Chúng ta chỉ có thể làm cho nó giống như chúng ta, và chúng ta không là gì cả. Hãy cho nó một có cơ hội được là chính nó.”
Ông ngoại tôi – tôi nghe họ trò chuyện trong buổi đêm, khi họ nghĩ rằng tôi đã ngủ – thường nói với bà, “Bà bảo tôi làm điều này, thì tôi đang làm đây, nhưng thằng bé là con trai của người khác, và sớm muộn nó cũng trở về với cha mẹ nó. Chúng sẽ nói gì chứ? -‘Ông bà không dạy thằng bé cách làm bất cứ việc gì, bất cứ nghi thức gì, thằng bé hoàn toàn là một người hoang dại.”
Bà nói “Đừng lo lắng về chuyện đó. Trong thế giới này mọi người đều là người văn minh, kiểu cách, nghi thức, nhưng rồi họ thu được gì? Ông cũng là một người văn minh – ông có được gì từ nó? Chắc chắc phần lớn rằng cha mẹ thằng bé sẽ tức giận với chúng ta. Thì sao? cứ để chúng nổi giận. Chúng không thể làm hại chúng ta, và cùng lúc đó thì thằng bé đã đủ mạnh để chúng không thể thay đổi phương hướng cuộc đời thằng bé được nữa.”
Tôi biết ơn người phụ nữ đó rất nhiều.
Ông tôi cứ tiếp tục lo lắng rằng sớm muộn ông ấy cũng sẽ phải chịu trách nhiệm: “Chúng sẽ nói, ‘Chúng con đã để con của chúng con cho ông bà nuôi dạy và ông bà đã không dạy nó bất cứ gì.”
Bà ngoại tôi thậm chí không cho phép bất cứ sự dạy dỗ nào. Bởi vì có một người đàn ông trong ngôi làng ít nhất có thể dạy tôi một chút về ngôn ngữ, toán học, một chút địa lý. Ông ấy đã học tới lớp bốn – lớp cao nhất của cấp thấp nhất, đó là những gì được gọi là giáo dục tiểu học tại Ấn Độ. Nhưng ông ấy vẫn là người được giáo dục nhiều nhất trong ngôi làng.
Ông tôi đã cố gắng hết sức: “Anh ta có thể đến và dạy thằng bé. Ít nhất nó sẽ biết bảng chữ cái alphabet, một chút toán, vậy thì khi nó về với cha mẹ nó chúng sẽ không nói rằng chúng ta đã hoàn toàn lãng phí 7 năm của nó.”
Nhưng bà tôi nói “Cứ để chúng làm bất cứ gì chúng muốn sau bảy năm đó. Trong bảy năm này thằng bé phải được phát triển tự nhiên, và chúng ta sẽ không can thiệp vào.” Lý lẽ của bà luôn là “Ông cũng biết bảng chữ cái alphabet, thì sao chứ? Ông cũng biết toán học, thì sao chứ? Ông đã kiếm được một ít tiền, ông có muốn nó cũng kiếm một ít tiền và sống cuộc đời như ông?”
Vậy là đủ để khiến cho người đàn ông ấy im lặng. Làm gì bây giờ? Ông ấy đã ở trong tình thế khó khăn bởi vì ông ấy không thể thuyết phục, và ông ấy cũng biết rằng ông sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm, không phải bà tôi, bởi vì cha tôi sẽ hỏi ông “Cha đã làm gì vậy?” Và tất nhiên điều đó sẽ là một tình cảnh khó xử, nhưng may mắn thay ông ngoại tôi đã chết trước khi cha tôi có thể hỏi.
Nhưng cha tôi vẫn tiếp tục nói “Ông ấy phải chịu trách nhiệm, ông ấy đã làm hư thằng nhỏ.” Nhưng lúc ấy tôi đã đủ mạnh, và tôi đã phải làm rõ điều đó với cha tôi “Trước mặt con, đừng bao giờ nói một lời nào chống lại ông ngoại. Ông đã cứu con khỏi sự làm hư của cha, đó mới thực là nguyên do sự phẫn nộ của cha. Nhưng cha còn có những đứa con khác mà, hãy cứ làm hư chúng. Và đến màn cuối cùng cha sẽ biết ai mới là người bị làm hư.”
Ông ấy có những đứa con khác, và ngày lại càng thêm nhiều đứa khác. Tôi thường chọc tức ông ấy, “Cha hãy sinh thêm một đứa nữa đi, cho thành một tá luôn. Mười một làm gì? Mọi người sẽ hỏi “Anh có bao nhiêu đứa?” Mười một nghe không hay lắm, một tá nghe ấn tượng hơn nhiều.”
Và trong những năm sau đó tôi vẫn thường nói với ông “Cha hãy tiếp tục làm hư những đứa con khác của cha, con thì cứ hoang dại vậy và con sẽ tiếp tục hoang dại như vậy”
Những gì mà bạn nhìn thấy là sự ngây thơ thì không là gì ngoài sự hoang dại. Những gì bạn thấy là thuần khiết thì không là gì ngoài sự hoang dại. Bằng cách nào đó tôi đã tiếp tục giữ cho mình thoát khỏi sự kềm tỏa của nền văn minh. Và cứ tiếp tục cho tới khi tôi đủ mạnh.
Đó là lý do tại sao mọi người lại cứ nói “Hãy uốn nắn đứa trẻ càng sớm càng tốt, đừng lãng phí thời gian bởi vì uốn nắn càng sớm thì càng dễ dàng. Một khi đứa trẻ đã đủ lớn thì việc uốn nắn chúng theo mong muốn của bạn sẽ rất khó khăn.”
Và cuộc sống có những chu kì bảy năm. Sau bảy năm đầu tiên của thời thơ ấu đứa trẻ sẽ hoàn toàn đủ mạnh: bây giờ bạn không thể làm gì được nữa. Bây giờ nó biết nơi nó phải đi, biết những gì nó phải làm. Nó có khả năng để tranh luận. Nó có khả năng để nhìn nhận những gì là đúng và sai. Sự thuần khiết của đứa trẻ đạt cực điểm ở độ tuổi lên bảy. Nếu bạn không quấy rầy chúng những năm đầu tiên này, sau bảy năm nhận thức của đứa trẻ sẽ trở nên rất rõ ràng – như pha lê, về mọi thứ mà cả đời nó sẽ sống, mà không có bất cứ sự nuối tiếc nào.
Tôi đã sống mà không có bất cứ sự nuối tiếc nào. Tôi đã cố để tìm hiểu: Tôi đã từng làm điều gì sai chưa? Không cần mọi người phải nghĩ những việc tôi làm là đúng, điều đó không thành vấn đề. Tôi không bao giờ nghĩ ra bất cứ điều gì tôi đã làm là sai. Toàn bộ thế giới có thể nghĩ rằng nó sai, nhưng với tôi thì chúng hoàn toàn và chắc chắn là đúng, mọi việc luôn là việc đúng đắn để làm. Vậy nên không có câu hỏi về việc nuối tiếc gì với quá khứ. Và khi bạn không có nuối tiếc về quá khứ bạn sẽ được tự do khỏi nó. Quá khứ giữ lấy bạn, làm cho bạn bị dính mắc vào chúng giống như một cái vòi bạch tuộc khi bạn cứ tiếp tục nghĩ về nó. “Điều đó đáng lẽ tôi không nên làm” hay “Việc đó tôi có nên làm hay không làm” Tất cả những điều này chỉ đang cố đẩy bạn lùi lại về phía sau.
Tôi không thấy bất cứ gì phía sau tôi, không quá khứ.
Nếu tôi nói gì đó về quá khứ của tôi, nó đơn giản là những kí ức thuần khiết, không có sự tham mưu của tâm trí. Tôi đang kể với bạn như thể tôi đang kể về câu chuyeejnc ảu một ai đó khác. Thực tế là vậy. Không có gì để làm với tư cách cá nhân của tôi để can thiệp trong các câu chuyện ấy. Cứ dường như mọi thứ đã xảy ra với ai đó khác.
Osho’s life and teaching
Phi Tuyết dịch