Tại vì khi kết hôn là người ta chấp nhận đánh đổi tự do của bầu trời lấy sự an toàn của nhà tù
Có con chim nhỏ xinh đẹp hót rất hay sống trên một cây xoan rất to, một ngày kia có một người kia mang đến một chiếc lồng rất đẹp và thuyết phục chim nhỏ chuyển vào đấy ở. Chú chim nhỏ nghe thấy những thứ như được an toàn, được nuôi nấng, không cần phải kiếm ăn, chỉ cần ở trong lồng và tha hồ hót mọi ngày… thế thì chú ấy rất bằng lòng và chuyển vào trong lồng ở luôn trong đó. Mỗi ngày sống trong sự an toàn và thảnh thơi tha hồ hót bất cứ gì mình muốn, chim ta rất sung sướng. Và khi nhìn thấy những chú chim khác đang soải cánh bay trên bầu trời đầy mưa gió sấm sét, chú chim trong lồng rất hả hê, cho rằng sự lựa chọn của mình thật sáng suốt và không những thế chú ta còn chê cười cả những con chim đang bay lượn ngoài bầu trời là ngu dốt nữa.
Bạn chính là chú chim đó và xã hội đã mang đến cho bạn một chiếc lồng hôn nhân thật đẹp, bạn bước vào hôn nhân với đủ loại ảo tưởng về một sự an toàn ấm áp, về một trách nhiệm thiêng liêng nào đấy cần phải hoàn thành… Bạn có mọi thứ bạn cần nhưng chỉ một thứ duy nhất bạn đánh mất đó là khả năng bay lượn tự do trên bầu trời. Đôi khi bạn quen với chiếc lồng đến nỗi bạn quên luôn mình từng có khả năng bay, bạn quên món quà tuyệt vời nhất của loài chim ngoài giọng hát hay còn là khả năng bay lượn cùng làn gió trong bầu trời bao la đầy hương vị của tự do. Bạn chê cười những người từ chối bước dô cái lồng ấm áp đó chỉ bởi vì bạn đã đánh mất đôi cánh của mình.
Hôn nhân chính là chiếc lồng tiện nghi và hấp dẫn mà xã hội tạo ra để nhốt bạn lại cho dễ quản lý hơn, dễ bị kiểm soát hơn. Xã hội không thích người tự do, xã hội thích những người bị cầm tù, bị cột dính vào nhau bằng sợi dây bện bởi đủ loại nghĩa vụ và trách nhiệm. Lý do xã hội làm vậy vì nó phải bảo vệ sự tồn tại của chính nó: xã hội được hình thành bởi một đám đông dính chùm nhau trong một đống nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi chung.
Xã hội đã mất rất nhiều công sức để ca tụng chiếc lồng, để tung hô, quảng cáo, PR, marketing cho chiếc lồng hôn nhân-gia đình vì mục đích của xã hội là càng nhiều người chui vào đó càng tốt. Bạn biết quảng cáo có nghĩa là gì mà, xã hội bán chiếc lồng cho bạn và nói bạn cần nó như cần đồ ăn thức uống, cũng như cách các quảng cáo khác nói bạn cần điện thoại, cần sữa tắm, cần nước tăng lực… thì cuộc sống của bạn sẽ rất viên mãn hạnh phúc vậy. Nhưng bạn quên mất rằng để tạo ra một chiếc lồng thì những cái cây đã bị chặt đi, ngươi ta hi sinh những thứ còn sống để đổi lấy những thứ đã chết vì mục tiêu lợi nhuận. Xã hội có lợi trong việc biến mọi người thành nô lệ, xã hội sợ con người tự do. Xã hội làm cho mọi người mất tự do nhiều nhất có thể và nó đã thành công – người ta sợ tự do, người ta lên án người tự do và tìm mọi cách để không ai được tự do cả. Con chim trong lồng cố dụ những con chim tự do hãy chui vào lồng nhanh lên – đó là cách mọi người luôn khuyên người khác hãy kết hôn, hãy lấy vợ lấy chồng sinh con nhanh lên, họ luôn khuyên người khác như thế bất kể họ có đang hạnh phúc trong chiếc lồng của họ hay không- kệ, cứ khuyên cái đã. Những lời khuyên vô nghĩa nhất thế giới khi người nô lệ khuyên người tự do hãy bỏ tự do đi, đổi lấy an toàn đi.
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà không một ai muốn người khác được tự do vì tất cả đều sợ: tôn giáo không muốn bạn tự do, nó trói bạn vào hàng ngàn thứ tội lỗi, xã hội không muốn bạn tự do, văn hóa không muốn bạn tự do, giáo dục không muốn bạn tự do, gia đình không muốn bạn tự do, người yêu của bạn không muốn bạn tự do… không một ai muốn bạn có tự do vì không ai biết tự do là gì, tự do đẹp như thế nào. Xã hội phá hủy tình yêu và sự tự do qua việc mang lại cho bạn hôn nhân cũng hệt như cách người ta phá hủy cái cây để tạo ra một chiếc lồng chim đẹp. Lồng đẹp đến đâu làm sao so sánh với một cái cây xanh tươi còn sống? Dù cho đang ở trong lồng hay ngoài lồng, bạn cũng chỉ là một con chim.
Nếu bạn cho rằng nghĩa vụ của loài chim chỉ là hót thật hay cho ai đó nghe và hót thì ở đâu cũng được, thậm chí khi ở trong lồng nó có thể hót nhiều hơn vì không phải bận tâm kiếm ăn nữa – thế thì bạn chọn cuộc sống trong lồng, thế thì bạn chọn cuộc sống hôn nhân với niềm tin vào việc hoàn thành những nghĩa vụ mà xã hội giao phó.
Nếu bạn tin rằng loài chim chẳng có nghĩa vụ gì ngoài tận dụng tối đa khả năng của nó để bay lượn đi khắp nơi và ca những bài ca tự do trên bầu trời, hít thở hương thơm của gió, nô đùa với những hạt mưa và hát những bài hát ca mừng sự tồn tại này, không hát vì muốn ai nghe hay vì trách nhiệm gì cả, thế thì bạn chọn cuộc sống tự do không cần thiết phải tới hôn nhân làm gì cả. Vì hôn nhân không gì khác hơn một loạt cam kết để giam hãm sự tự do của bạn, nó mang lại cho bạn một chút cảm giác tự tin an toàn nhưng nó lấy đi của bạn khả năng làm tất cả những điều tuyệt vời khác. Bạn phải lựa chọn, bạn được sinh ra để đạt tới tự do làm mọi điều mình muốn hay bạn được sinh ra chỉ để lấy chồng – có con và chết!
Bạn đã bao giờ nghĩ tôn giáo bạn đang theo là tự bạn chọn hay là cha mẹ đã chọn cho bạn từ truyền thống gia đình? Hôn nhân cũng vậy, bạn đã bao giờ nghĩ nó là ý muốn của chính bạn hay bạn đã bị cài đặt cái mệnh đề “phải kết hôn-sinh con” từ khi bạn còn chưa có đủ nhận thức về tình yêu?
Người ta rất hay nhầm lẫn, bởi vì người ta không từng suy nghĩ lấy một lần: họ có thật sự muốn kết hôn, liệu họ đã thật sự sẵn sàng để kết hôn. Ai đó muốn kết hôn và họ nghĩ đó là mong muốn của họ, không phải đâu, họ sống quá lâu trong gia đình, trong xã hội, trong truyền thống và họ tưởng mong muốn của gia đình của văn hóa là mong muốn của họ. Nếu họ biết suy nghĩ và suy nghĩ một cách sâu sắc họ sẽ phải tự đặt rất nhiều câu hỏi trước khi kết hôn: mình có thật sự muốn ở cùng người này cả đời không? mình có thật sự cần kết hôn không? mình có thật sự thích sinh con không? sứ mệnh trên đời của mình là gì? liệu có thực hiện được không nếu kết hôn và không kết hôn? cuộc đời mình không lẽ chỉ có kết hôn – sinh con – nuôi con – kiếm tiền tài sản để lại cho con – rồi chết? nếu mình không kết hôn có cách nào để mình vẫn sống được hạnh phúc không? người ta muốn lấy mình vì lý do gì? để chia sẻ cuộc sống hay để về làm nô lệ?… Hàng ngàn câu hỏi thuộc bản chất người ta có thể đặt ra trước khi quyết định tiến tới hôn nhân nhưng người ta không bao giờ chịu hỏi, người ta chỉ hỏi : anh ta tuổi gì, có hợp không? gia đình có giàu có không môn đăng hậu đối không? hai người nhìn có đẹp đôi không? đám cưới xong có thu được nhiều tiền không? họ hàng hai bên sẽ cho những gì? thu nhập của người đó bao nhiêu, người đó làm nghề gì… Vâng, đó thường là những câu hỏi người ta đặt ra trước khi bước vào hôn nhân – những câu hỏi hời hợt vô nghĩa, thế nên hôn nhân của người ta cũng trở thành thứ hời hợt vô nghĩa. Hôn nhân của đa phần mọi người là thứ hời hợt vô nghĩa – nó được duy trì bởi đủ thứ, trừ tình yêu.
Nếu bạn yêu ai đó và biết rõ ai đó cũng yêu bạn, thế thì tại sao phải kết hôn? Tại sao lại cần một tờ giấy hay cần một ai đó hay một buổi lễ để chứng nhận cho tình yêu đó? Hãy cứ yêu nhau, chia sẻ cuộc sống với nhau như những người trưởng thành tự giác đi, hãy trách nhiệm với sự lựa chọn của chính mình, trách nhiệm với cuộc đời mình đi thay vì cứ luôn miệng nói về trách nhiệm với người khác? Bản thân bạn nếu không thể tự chịu trách nhiệm cuộc đời mình thì có thể chịu trách nhiệm cuộc đời của ai đây, bất kể bạn đã hứa hẹn gì khi kết hôn. Hà tất gì phải quan trọng hóa những nghi lễ thủ tục rườm rà? Tình yêu không được đảm bảo bằng các thủ tục. Hôn nhân lại chỉ chú trọng đến thủ tục và dần dà quên luôn tình yêu. Đó là lý do hôn nhân trở nên vô nghĩa, nó không quan tâm đến tình yêu, nó chỉ quan tâm đến thủ tục. Nếu hai người không yêu nhau nhưng thủ tục kết hôn đầy đủ – tốt – mọi người vẫn dành cho họ những lời tốt đẹp. Nhưng nếu hai người yêu nhau nhưng không thích tổ chức thủ tục nghi lễ kết hôn ư? Tiêu họ rồi, họ sẽ bị phán xét, bị dèm pha, bị chê cười, bị đủ thứ… Cứ thế hôn nhân bắt đầu đặt nền tảng của nó vào các thủ tục và quên béng đi thứ cốt lõi nhất: tình yêu.
Ngày nay người ta không kết hôn chỉ vì yêu mà vì rất nhiều thứ khác: vì nghĩa, vì tuổi tác, vì gia đình, xã hội, dư luận thúc ép, vì sợ hãi phải sống một mình hay thậm chí đôi khi người ta kết hôn vì mục tiêu kinh doanh nữa – họ chỉ không dám thừa nhận họ kết hôn vì những điều này và thường thì hò nhận vơ rằng mình kết hôn vì yêu – nhưng trên thực tế thành thật mà nói chẳng ai trong số họ thật sự biết yêu là gì. Yêu là không phán xét, không có nhu cầu thay đổi người kia một chút nào bất kể họ có những điều tồi tệ, yêu là không so sánh, không trông đợi, không nhìn về quá khứ và không hi vọng vào tương lai, đặc biệt tình yêu thì không kiểm soát lẫn nhau, nó mang lại tự do chứ không phải nhà tù theo bất cứ cách nào.
Con người bản chất là tự do nhưng thông qua việc kết hôn người ta lại thích bị xem như đồ vật và thích xem người khác như đồ vật – thích sở hữu và thích bị sở hữu, rằng tôi là của ai đó và ai đó là của tôi – cái giây phút người ta sung sướng vì ai đó thuộc sở hữu của mình cũng chính là giây phút người ta biến người kia thành đồ vật. Tất cả mọi người đều trở thành đồ vật khi họ kết hôn vì con người thật sự thì không thể nào bị sở hữu được, kể cả là sở hữu của cha mẹ hay người chồng/vợ. Không ai được phép sở hữu ai vì sở hữu là đặc thù tính chất chỉ dành cho đồ vật.
Người ta kết hôn là người ta tự biến mình thành đồ vật, thay vì là con người tự do.
Chiếc lồng hôn nhân giam hãm tính tự do của mỗi cá nhân và biến người ta thành đồ vật – đó là lý do hôn nhân là ngu ngốc.
Nhưng xin đừng nhầm lẫn giữa kết hôn vì tình yêu và kết hôn vì thủ tục. Tôi ca ngợi tinh yêu, tôi lên án các nghi thức thủ tục. Bạn có thể sống trong yêu thương chia sẻ cả đời với ai đó mà không cần các thủ tục của hôn nhân một chút nào. Tôi phản đối việc kết hôn không có nghĩa tôi bảo mọi người không được yêu nhau, không được sống cùng nhau hay chia sẻ cuộc sống với nhau… Không, khi không bước vào hôn nhân bạn có tự do để làm bất cứ gì bạn muốn, chia sẻ cuộc sống của bạn với bất cứ ai bạn muốn. Và từ “Chia sẻ” thì đẹp hơn từ “kết hôn” rất rất nhiều lần.
Người ta nên thay việc cầu hôn câu “Lấy anh nhé” thành “Hãy cho phép anh chia sẻ cuộc đời này với em” – chỉ thế thôi, hãy đưa hôn nhân về đúng bản chất của nó là sự chia sẻ mọi điều trong cuộc sống.
Chừng nào bạn còn không biết đến việc chia sẻ cuộc sống, chừng nào bạn còn chỉ nghĩ đến nghĩa vụ và trách nhiệm thì bạn chưa trưởng thành đâu, mà khi bạn chưa trưởng thành thì bạn không nên kết hôn một chút nào cả.
Nếu bạn là một người hời hợt bạn chỉ thấy rằng tôi phản đối chuyện kết hôn, phản đối hôn nhân – phản đối một nghĩa vụ “bắt buộc” – bạn sẽ cho rằng tôi cũng hời hợt.
Nếu bạn có một chút chiều sâu bạn sẽ thấy rằng tôi không phản đối chuyện kết hôn nhưng tôi phản đối việc người ta đặt nền tảng hôn nhân trên thủ tục, giấy tờ, dư luận, trách nhiệm… nhiều hơn là tình yêu. Tôi ca tụng tình yêu, tình yêu nên được làm nền tảng cho tất cả vì thế nên tôi phản đối những nghi thức người ta áp đặt cho chuyện kết hôn.
Còn nếu như bạn có thể thật sự hiểu tôi, bạn sẽ thấy, tôi phản đối nghi thức nhưng thực chất tôi ca tụng tính chất hôn nhân của tình yêu. Nó là một thứ rất đẹp chỉ khi hai người đã trưởng thành muốn chia sẻ cuộc sống với nhau, muốn gắn kết cuộc sống với nhau, trên nền tảng yêu thương-chia sẻ, không phải trên nền tảng trách nhiệm-nghĩa vụ. Tôi muốn đưa hai chữ “hôn nhân” trở về đúng với ý nghĩa thiêng liêng của nó là sự gắn bó-chia sẻ-yêu thương, chứ không phải kiểu hôn nhân “tới tuổi thì lấy thôi” “đàng nào cũng phải lấy lấy đại cho rồi” “không lấy người ta cười cho” “lấy cho vui”… Tôi ca tụng những cuộc hôn nhân gắn bó dựa trên tình yêu và sự san sẻ cùng nhau mọi thứ, kể cả trách nhiệm và nghĩa vụ. Hôn nhân đích thực khiến cho mỗi người vừa có thêm sức mạnh, thêm tự do và thêm khả năng để hoàn thành cuộc đời mình theo cách viên mãn nhất. Hôn nhân thủ tục giam hãm người ta và biến người ta thành nô lệ.
Xin nhắc lại: tôi ca tụng hôn-nhân-tình-yêu, tôi phản đối hôn-nhân-nghĩa-vụ.
Bạn cần phải phân biệt được hai thứ này trước khi muốn phán xét tôi là điên rồ, ngu ngốc hay bất cứ gì.
Bởi vì tôi đang nhìn hôn nhân không phải theo góc nhìn của xã hội muốn tôi nhìn, dư luận muốn tôi nhìn. Nhưng tôi đang nhìn hôn nhân theo góc độ của một người theo đuổi tâm linh – theo đuổi một cuộc sống tự do thật sự, ý nghĩa thật sự, giải thoát thật sự, phúc lành thật sự.
Tôi không dám chắc mình sẽ không bao giờ kết hôn nhưng nếu có, tất nhiên là vì tôi muốn, không phải vì bất cứ ai muốn tôi làm; nếu có thì chắc chắn nó là vì tình yêu chứ không phải nghĩa vụ; nếu có thì các nghi thức của nó sẽ do tôi tự nghĩ ra chứ không tuân theo một áp đặt nghi thức nào cả; nếu có thì là do tôi muốn chia sẻ bớt đi những gì tôi đang có, chứ không phải vì tôi muốn nhận thêm điều gì… Đó mới thực là hôn nhân đúng nghĩa.
Còn bạn, nếu bạn chưa kết hôn, đã bao giờ bạn thật sự suy nghĩ nghiêm túc về việc bạn có thật muốn/cần kết hôn không chưa?
Nếu bạn đã kết hôn, đã bao giờ – ít nhất một lần – bạn ước mình chưa kết hôn, không lấy con người này, lấy trễ hơn… đã bao giờ bạn từng ước không phải ở nơi bạn đang ở chưa? Bạn dám trả lời thành thật không dối lòng không? Và khi bạn trả lời, hãy nghĩ về chính bạn, đừng lôi con cái vào làm nhiễm độc sự khách quan của câu trả lời ấy, đừng lấy con cái ra làm ngụy biện cho tất cả những đau khổ, cố gắng, cam chịu… của bạn.
Bạn nghĩ niềm vui lớn nhất của con chim là hót hay là bay hay là cả 2? Ở đâu thì nó có cả 2? Trong hay ngoài chiếc lồng?
Tại sao hôn nhân là ngu ngốc (2) – hôn nhân đặt nền tảng trên thứ vô nghĩa: những lời cam kết và hứa hẹn