Trường tiểu học hay doanh trại quân đội thu nhỏ”
Lớp yoga của tôi bên cạnh một trường tiểu học và vì thế, cứ thứ hai đầu tuần là lớp học lại bị tra tấn bởi những hoạt động của ngôi trường ấy. Giọng một ông thầy oang oang trog loa những câu nói khô khan mệnh lệnh “đứng vào hàng nhanh lên, im lặng đi, hát to lên, quay trái quay, quay phải quay, bước lên đây, trở lại hàng đi, vỗ tay, đi về lớp… bla bla” Và như mọi lần trong tôi lại trào dâng quyết tâm tôi không muốn có con, tôi không muốn nhét nó vào cái môi trường lốn nhốn ấy, cái lò biến con người thành robot ấy.
Trường học, đặc biệt trường tiểu học, là một doanh trại quân đội thu nhỏ. Bọn trẻ còn rất ngây thơ, rất đáng yêu và tự do nhưng một khi đã bị nhồi vào cái môi trường ấy thì chúng bắt đầu mất đi cái sự ngây thơ, sự tự do vốn có của chúng. Và nếu như trách nhiệm của trường học là làm khai mở những tiềm năng nơi bọn trẻ thì tôi nghĩ hệ thống trường học hiện tại đã hòa toàn thất bại với nhiệm vụ này. Họ không chỉ không làm khai mở được tiềm năng, tính duy nhất và độc đáo của riêng mỗi đứa trẻ nhưng ngược lại, họ làm mất đi tất cả những khả năng ấy vì một mục đích: rèn bọn trẻ vào một khuôn phép chung, qua tắc chung rồi sau đó bắt chúng học những thứ nhàm chán và vô nghĩa. Một đứa trẻ không được học cách yêu thương động vật, tái chế rác, chăm sóc cây cối, làm việc nhà hay bất cứ thứ gì ý nghĩa một chút nhưng ngược lại chúng bắt đầu phải học những thứ vô nghĩa như lịch sử, địa lý, văn học, toán học… Địa lý là bên ngoài sân trường kia, ngoài công viên kia chứ không phải trong trang sách. Tại sao những cái đầu tươi mới thế lại phải học những thứ xấu xí cũ nát như lịch sử?
Cái nền giáo dục ấy, tôi từ chối cho con tôi tham gia, nếu như tôi có con, tất nhiên. Tôi không chịu nổi khi nó phải đứng trong một cái hàng, phải ngậm miệng, bị khóa tay khóa chân không được cử động và nghe những lời mệnh lệnh vớ vẩn ngu ngốc của những người đang xưng là giáo viên kia. Giáo viên không gì khác hơn chỉ là những cai ngục giam hãm sự hồn nhiên và tự do của bọn trẻ, giam hãm tài năng sẵn có bên trong của những đứa trẻ. Họ chỉ đang làm nhiệm vụ của họ, tất nhiên rồi, ai cũng nghĩ vậy. và nghĩa vụ ấy họ cứ nghĩ là họ đang giúp bọn trẻ, không có đâu, họ đang hại chúng, họ chỉ đang giúp xã hội đào tạo nên những cỗ máy, những con robot biết làm việc và biết nghe lời thôi.
Quốc ca – một bài hát thấm đẫm hận thù và bạo lực
Lại nói, toàn trường phải đến hàng trăm đứa trẻ ngây thơ ấy cùng nhau hát theo ông thầy những câu hát rác rưởi ngập tràn máu me, hận thù, tranh đấu và chúng lại còn bị bảo rằng phải tự hào. Tại sao lại tự hào về máu me, về những xác chết chất chồng, về một cuộc chiến vô nghĩa đã từng xảy ra trong quá khứ và góp phần đập nát những thứ xinh đẹp từng có?
Tôi không thích bài quốc ca ấy, nếu được chọn tôi sẽ muốn chọn một bài hát nào đấy khác làm quốc ca cho đất nước này, một bài hát nói về tình yêu, lòng nhân ái, sự sẻ chia hay đơn thuần là sự ngợi ca cuộc sống. Tôi muốn bọn trẻ hát vang những ca khúc yêu đời, yêu người, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống thay vì ca tụng máu me, xác quân thù…
Ai cũng nói một người là điên rồ khi người đó đi vượt ra khỏi con đường chung của xã hội. Ví dụ nếu có một người mẹ nào đấy không muốn đưa con đến trường mà muốn bỏ thời gian để tự dạy dỗ đứa trẻ ở nhà, hẳn mọi người xung quanh sẽ bàn tán rồi phản đối, rồi chê bai, rồi lo lắng… Rồi tương lai đứa trẻ sẽ về đâu nếu không được học hành nọ kia. Xin thưa, nó sẽ đi về chính xác nơi nó cần được đến: tương lai của nó, một tương lai mà nó tự tạo ra cho chính mình chứ không phải tương lai mà xã hội muốn nó phải ở trong.
Bao nhiêu thời gian chúng ta đã lãng phí cho việc “bị giáo dục, đào tạo”?
Mới hôm qua tôi có việc vào bưu điện và lần nào cũng như lần nào, mỗi lần nhìn những cô nhân viên bưu điện cân bưu phẩm, ghi chép, đóng gói, tính tiền… tôi đều có một suy nghĩ buồn. Họ đã phải bỏ ra bao nhiêu năm trong trường học, rồi trường đại học, học đủ thứ kiến thức và nghiệp vụ bưu điện, vâng, đủ mọi thứ trong nhiều năm trời và rồi tất cả những việc họ làm trong cả đời chỉ là ngồi một chỗ làm những công việc không đụng chút xíu chất xám nào ấy. Tôi thấy vô nghĩa, không phải công việc họ làm là vô nghĩa nhưng khoảng thời gian họ học hành cật lực để chuẩn bị cho công việc này là vô nghĩa, bị phí hoài. Một người chỉ cần một tháng đào tạo là đủ để làm những công việc mà những người này đã mất nhiều năm trời học hành mới làm được. Rồi cùng một suy nghĩ ấy khi tôi nhìn thấy những người làm việc trong bệnh viện, những người hướng dẫn, người ghi chép… họ đã mất nhiều thời gian học hành hơn hầu hết những người khác và sau cùng tất cả những gì họ mong đợi được cống hiến cũng chỉ là vậy: vài công việc chân tay, ghi chép, điều phối…
Điều ấy làm tôi suy nghĩ nhiều lần: liệu cái công cuộc giáo dục ấy có thật sự cần thiết như cách người ta vẫn tưởng, vẫn nghĩ không?
Đi học mục tiêu lớn nhất là để lấy một tấm bằng và dùng tấm bằng ấy để xin một công việc nhằm tự nuôi sống bản thân mình và những người thân của mình. Vậy nếu như một người không cần đến trường mà vẫn có thể tự nuôi bản thân, nuôi gia đình, không chỉ nuôi mà còn nuôi rất tốt, thế thì có tốt hơn không?
Tôi đọc hàng đống những bài báo về những nhân tài ở khắp nơi, từ những nông dân, ngư dân, học sinh trung học… họ có một khả năng rất lớn trong việc sáng tạo ra những thứ mà những người học cao thật cao chưa chắc đã làm được. Họ sáng tạo ra những máy móc, nông cụ phục vụ công việc của họ, họ khám phá ra những thứ giúp ích không chỉ cho họ mà còn cho loài người, cho nhân loại và đa phần những thứ ấy chẳng có trường nào dạy họ cả, họ học từ đời sống, họ học từ thực tế.
Tất nhiên tôi không hoàn toàn phản đối giáo dục, nó là cần thiết, nhưng tôi cũng không đồng tình với những phương cách giáo dục hiện nay của xã hội. Giáo dục phải là khai phóng, phải làm bật ra cái tài năng ẩn kín của mỗi người. Giáo dục không bao giờ nên là nhồi sọ, là robot hóa, là nô lệ hóa, là quân đội hóa, là khuôn mẫu hóa như hiện tại. Ấy thế thì nó không phải là giáo dục, nó là sản xuất. Bọn trẻ đến trường không phải để được học, mà là để bị robot hóa, nô lệ hóa. Ấy thế thì tôi phản đối giáo dục chừng nào nó còn đi lạc đường như thế.
Học sinh ngu hay giáo viên thiếu năng lực?
Bao nhiêu giáo viên đi dạy vì đam mê, vì yêu thương con trẻ? Bao nhiêu giáo viên đi dạy vì tiền, vì danh, vì trách nhiệm? Bao nhiêu giáo viên có thể truyền được tình yêu môn học của họ cho học sinh?
Tôi từng nghĩ một học sinh học ngu là vì nó lười, vì nó… ngu thật. Nhưng càng ngày tôi càng thấy mình sai. Thực tế hoàn toàn ngược lại: không có học sinh ngu, chỉ có những học sinh không đủ hứng thú để học môn học ấy. Và lý do họ không đủ hứng thú là vì giáo viên của họ không đủ năng lực, không đủ đam mê, không đủ sáng tạo, không đủ tình yêu với môn học mà họ đang dạy. Khi họ không có những thứ đó thì họ lấy gì để truyền cho học sinh ngoài một mớ kiến thức chết khô trong sách giáo khoa? Và bao nhiêu giáo viên không ngừng mở rộng kiến thức của mình vượt ngoài khuôn khổ giáo khoa? Tất cả giáo viên đều là những con robot, họ dạy học như những con robot và làm sao họ dám mong đợi học sinh của họ sẽ thật hứng thú với những gì họ dạy đây? Tôi đã gặp những giáo viên thật sự có tâm, họ cực kì dễ nhận ra: học sinh của họ yêu mến họ, yêu môn học của họ, họ có nhiều cách để làm cho môn học trở nên hứng thú và thú vị hơn bao giờ. Nếu mọi giáo viên đều có năng lực sáng tạo và cái tâm để truyền đạt sự thú vị của từng môn học đến học sinh thì tôi hứa không học sinh nào học ngu cả. Nếu nó vẫn ngu, tức là nó có tiềm năng ở môn khác, không phải môn này. Đơn giản thế thôi, hãy chấp nhận thực tế rằng mọi học sinh đều giỏi hay rất giỏi ở môn nào đó và thế là đủ. Không ai cần phải giỏi mọi môn học cả, các giáo viên cũng nên bỏ cái suy nghĩ rằng học sinh ngu vì nó ngu đi, không đâu, vì các người không đủ năng lực thôi.
Theo thiển ý của tôi, chừng nào nền giáo dục này không được đổi mới thì chừng ấy toàn bộ tiềm năng tuổi trẻ còn bị lãng phí, lãng phí vô cùng, lãng phí khủng khiếp. Và trong mọi sự lãng phí như lãng phí tài nguyên, lãng phí thời gian… thì sự lãng phí tiềm năng con người là đáng tiếc nhất, là đau buồn nhất và gây hậu quả nghiêm trọng nhất!
Nếu tôi có con… Mà tốt hơn tôi không nên có vì nó sẽ không được phúc phần “sống cuộc đời giống những đứa trẻ bình thường, mà nó sẽ phải sống cuộc đời đặc biệt nào đấy”
Nếu tôi có con, tôi sẽ hạnh phúc để dành thời gian tự dạy nó những điều tôi cho là quan trọng, thay vì nhồi nó đến một ngôi trường để học cách trở thành một tù nhân, một robot và bản thân mình thì dành thời gian để kiếm tiền trả cho những người ấy. Không ai thấy sự vô lý sao? Mọi người đều đang từ chối quyền dạy dỗ con cái mình , họ thà dành thời gian để kiếm tiền trả cho người khác dạy dỗ con mình, mà những người khác này cũng chẳng mấy người xứng đáng cả. Họ là những người đang sống trong cả đống rắc rối, đau khổ, buồn phiền… thế thì họ lấy gì để truyền cho bọn trẻ ngoài những rắc rối, đau khổ ấy? Đừng nghĩ chỉ việc giao tiếp mới gây ảnh hưởng, năng lượng mới là thứ gây ảnh hưởng lớn nhất đến một con người. Môi trường năng lượng là vô cùng quan trọng trong việc tác động đến tâm lý những người khác, đặc biệt là bọn trẻ. Và môi trường năng lượng của trường học thì…
Một đứa trẻ nếu có thể tự đọc những cuốn sách tốt thì còn giá trị hơn cả năm học trên trường, tôi tin vào điều đó. Và tôi tin hơn nữa rằng nó nên được học từ đời sống nhiều hơn là từ sách vở, nó nên được thực hành nhiều hơn là lý thuyết, nó nên được nói ra nhiều hơn là chỉ ngồi nghe, nó nên tự đánh giá được bản thân hơn là đợi người khác đánh giá nó qua số điểm, nó nên tự tìm ra con đường nó muốn đi hơn là ngồi nghe người khác bảo nó phải đi con đường nào, và nhất là nó nên yêu mến và trân trọng những sai lầm, những lần té ngã rồi học hỏi từ đó hơn là tìm mọi cách tránh né và sợ hãi sai lầm.
Nếu tôi có con, tôi mong sao đời nó là bài thơ mà nó là tác giả; một bài thơ bất quy tắc, đầy tràn sự tự do, niềm cảm hứng, hạnh phúc và niềm vui hơn là việc biến cuộc đời nó thành một bài toán: phải làm sao cho có lợi nhiều nhất, phải tính toán cuộc đời bằng hết định luật này tới phương trình kia… Sống vậy thật là khổ quá đi.
Và giả như con tôi rất thích toán và muốn đời nó là một bài toán thế thì tốt thôi, nó hoàn toàn quyết định, tôi thậm chí không có ý định can thiệp một chút nào, miễn nó hạnh phúc, không phải như mọi người khác rằng “miễn nó thành công”. À nếu như có một điều tôi ưu tiên dạy con mình thì đó sẽ là “người thành công là người hạnh phúc, người hạnh phúc là người thành công” thế thì con tôi sẽ theo đuổi thứ đó: niềm hạnh phúc.
Lý do mọi người đều sống trong khổ vì ai cũng nghĩ cuộc đời là một cuộc đua
Cuộc sống hiện tại này 99% mọi người cho nó là cuộc đua, cuộc tranh đấu, thế nên mọi người đều khổ. Ai cũng nghĩ người khác là kẻ cạnh tranh, là kẻ thù, là đối thủ thay vì mọi người đều là bạn bè, là anh em, là người yêu. Thế rồi ai cũng phải căng thẳng, phải đề phòng, phải xây hàng rào phòng thủ, phải chuẩn bị vũ khí, chiến lược, phải quan sát kẻ thù không rời một giây. Phải đánh trước khi bị đánh, phải phán xét trước khi bị phán xét, phải đâm lén, phải mưu mô và cứ thế đời sống của mọi người trôi qua lúc nào chẳng hay – một đời lãng phí cho một cuộc đua tranh vô nghĩa.
Bằng việc xem cuộc đời là một cuộc đua tranh mà mọi người đã giới hạn cuộc sống của mình vô cùng.
Bằng việc xem cuộc đời là một bài thơ mà tôi đã có thể mở giới hạn cuộc sống của mình tới vô cùng. Tôi có thể thậm chí nhìn thấy cái nên thơ của một cơn bão tố, sự thú vị của một vết thương sâu, sự hài hước trong những chủ đề nghiêm trọng và hơn thế nữa. Một quả cam chỉ đơn giản là quả cam hình tròn nặng 0,3kg giá 20k trong mắt một nhà toán học nhưng trong mắt nhà thơ nó là cả một thế giới đầy thi vị, nhà thơ là người có thể thưởng thức trọn vẹn hương vị của đất trời, của tinh túy cuộc sống, của tình yêu Thượng đế cũng chỉ thông qua một quả cam ấy.
Ai cũng có thể trở thành nhà thơ, biến đời mình thành bài thơ nhưng vì xã hội tôn thờ, ca tụng những nhà toán học nên mọi người đều nhất nhất muốn trở thành nhà toán, họ quên cách làm thơ, quên cách sống nên thơ và quan trọng nhất rằng họ quên họ có quyền lựa chọn cuộc đời họ là bài toán hay bài thơ.
Sống trong một thế giới toán học, những người thơ cảm thấy thật cô đơn.
Nhưng vì là người thơ nên cái cô đơn cũng có vẻ đẹp rực rỡ và giá trị riêng của nó.
Tôi thà tận hưởng từng giọt cô đơn đó trong tự do còn hơn tham gia một cuộc thi đấu khổng lồ cùng đám đông các người!
14/3/2017
Sống trong một thế giới nơi mọi người đều đang say ngủ, đang mộng du, nếu bạn tỉnh, bạn sẽ bị nói là điên!
Điên thì sao? Điên là một trạng thái mà không ai có thể hiểu bạn. Và suy cho cùng tại sao lại cần ai đó hiểu mình? Chẳng cần thiết!