Những thất bại của Chúa Jesus và Hội Thánh Công giáo trong việc truyền đạt những thông điệp

1. Jesus là người bất bạo động hay là người bạo động?

“Hãy đưa má trái cho kẻ nào tát má phải của ngươi” đây chắc chắn là tư duy của một người bất bạo động, rằng không nên kháng cự nhưng hãy chịu đựng, hãy chấp nhận, hãy dùng yêu thương đáp lại thù hằn để cải biến thù hằn.
Vâng, Jesus hẳn đã dạy các môn đệ như thế. Nhưng có thật Đức Jesus là người bất bạo động?
Vậy thì hãy nhìn lại một câu chuyện được ghi chép trong kinh thánh khi vào đền thờ và thấy người ta buôn bán tập nập trong đền thờ. Ngài đã làm gì? Xin thưa rằng Ngài đã nổi giận, đã la hét và đập phá tất cả, Ngài lại còn đánh đuổi những tay con buôn đó ra khỏi đền thờ nữa và nói họ không được phép buôn bán ở đấy nữa chứ. Vâng, Ngài ấy đã làm như vậy. Thế thì Ngài ấy có phải là một người bất bạo động nữa không?

Một người nói về bất bạo động nhưng lại hành động rất bạo động như vậy thì không có gì ngạc nhiên khi thông điệp của Ngài không đủ mạnh, không đủ “ép-phê” khiến người ta noi theo. Và cũng không ngạc nhiên khi chẳng có mấy giáo dân có thể làm theo lời Ngài dạy “đưa má trái cho kẻ tát vào má phải của ngươi”. Không, người ta không làm như thế, chẳng có ai làm như thế cả. Và đặc biệt nhất là Hội Thánh công giáo Roma sau đó đã dùng danh nghĩa Thánh chiến để mang quân lính đi chinh phạt các nơi khác, thông điệp bất bạo động của Ngài đã bị thất bại và thất bại lớn nhất không phải việc hai người nào đó tát nhau ngoài đường, nhưng là ở chỗ Hội Thánh Công giáo đã biến Ngài thành một quân bài ngụy trang cho tham vọng chính trị của họ.

Bao nhiêu người Công giáo có thể phân định rạch ròi việc Đức Jesus và Hội Thánh là hai thứ hoàn toàn khác nhau? Tôi tin là không có nhiều cho lắm. Và 99% giáo dân ngoài kia cũng không phải do đức Jesus thu phục lòng họ, mà là Hội Thánh, hội thánh đã đưa các nhà truyền giáo đi truyền đạo khắp nơi, người giáo dân bị thuyết phục bởi Hội Thánh, và vốn dĩ là đã và luôn đang tôn thờ hội thánh, chứ không phải đức Jesus.

2. Jesus bị loài người giết chết hay là tự tử?

Tự tử là một tội trọng trong đạo Công giáo. Nhiều người thậm chí còn cho rằng Judas phạm trọng tội phải sa xuống hỏa ngục là vì tội tự tử chứ không phải vì tội chối Chúa thì có thể thấy tự tử là tội lớn như thế nào.
Nhưng không ai nhìn ra một vấn đề quan trọng: đức Jesus chính là người tự tử trước tiên, Ngài ấy đã cố tình đi đến cái chết thông qua việc đóng đinh trên cây thập tự, chứ không phải là bị ai giết cả.
Kinh Thánh có nói “Ngài đã xuống trần và đi vào cõi chết” tại sao Jesus biết nơi mình đi vào là cõi chết mà Ngài vẫn đi vào? Còn nói rằng nó là cái chết được định trước, được Chúa Cha sắp đặt và giao phó? Kiểu cha nào lại đi sắp đặt cái chết cho chính đứa con của mình? Kiểu Cha nào mà đứa con này có tội liền bắt đứa con kia phải gánh chịu, phải chuộc tội thay? Công bằng ở đâu? Yêu thương ở đâu? Nhân từ ở đâu?
Đức Jesus đã hoàn toàn có thể tránh được cái chết chỉ cần Ngài ấy làm theo lời của quan tổng trấn Phitalo, vì chính Philato cũng nhận thấy Jesus không có tội gì cả. Ông ây đã cho Jesus cơ hội để thoát khỏi tội tử hình nhưng Jesus không chịu nhận lấy nó. Ngài ấy chấp nhận chết! Vâng, chính Ngài ấy chấp nhận đi vào cái chết để minh chứng cho thông điệp của Ngài ấy về sức mạnh của Tình yêu. Thế thì đáng ra phải gọi là tự tử, sao lại gọi là bị giết. Chính Ngài ấy từ chối quyền sống và muốn đi vào cái chết để sau đó phục sinh từ cái chết cơ mà. Biết một việc mình làm sẽ đưa mình tới cái chết mà vẫn cố làm, đấy là tự tử.

Tại sao người dân thành ấy khi được chọn tha một trong hai người: Jesus và Baraba thì lại chọn Baraba? Nếu như Baraba đơn thuần là một tên trộm cướp giết người thì tại sao nhiều người lại muốn thả hắn ra đến thế? Tôi từng đọc được một câu chuyện đã quên nguồn, trong câu chuyện đó nói rằng Baraba không phải một tên trộm cướp giết người bình thường, nhưng ông ấy là một người Do Thái, một công dân Do Thái yêu nước, một người hoạt động cách mạng, ông ấy đã giết chết một tên lính La Mã trong một cuộc ẩu đả để bảo vệ người dân của mình vì thời điểm ấy người Do Thái vẫn đang bị đàn áp tại Jerusalem và Baraba (cũng như Judas) là những nhà cách mạng được lòng dân chúng. Họ bị quân lính bắt giam vì tinh thần dân tộc của họ và tất nhiên họ được người dân của họ yêu mến và kính trọng hơn. Đó là lý do họ xin tha cho Baraba, chưa kể, bạn có nghĩ nếu bạn ở trong trường hợp ấy liệu bạn có xin tha cho Jesus – người mà bạn biết rằng chỉ là con trai của một ông thợ mộc, người mà dám tự xưng mình là con trai duy nhất của Thượng đế xuống thế làm người, người mà thân thiết với những người bị cả xã hội xa lánh, ghét bỏ như những cô gái điếm, những người thu thuế… Vâng, chắc chắn nếu bạn trong trường hợp đó thì bạn cũng sẽ xin tha tội cho Baraba vì Jesus là ai chứ, ngoài một kẻ ngạo mạn?

Tất cả những gì Đức Jesus làm, là theo một kịch bản được sắp đặt (theo kinh thánh thì chúa Cha là người sắp đặt tất cả, theo một số bằng chứng mới được tìm thấy thì vở kịch ấy là do chính đức Jesus sắp đặt với sự hợp tác của môn đồ thân tín nhất: Judas ((trước có viết một bài về chuyện này rồi, ai quan tâm thì tìm đọc lại)) nhưng dù ai sắp đặt thì nó cũng là một vở kịch và đức Jesus đã hoàn thành một cách hoàn hảo). Đến giây phút cuối cùng Ngài ấy cũng đã thừa nhận khi nói câu “Cuối cùng, mọi sự đã hoàn tất”
Vậy nếu như một người tự nguyện tuân theo một sự sắp đặt để đi vào cái chết, đặc biệt khi người ấy tự nguyện, thì phải gọi toàn bộ câu chuyện là “Sự tự tử của đức Jesus” chứ không nên gọi là “Cuộc khổ nạn của đức Jesus” được.
Loài người không có lỗi trong cái chết ấy, vì người ta không thể cứu một người không muốn mình được cứu và đức Jesus chính là người ấy. Ngài không muốn được cứu dù bất cứ giá nào cả, vì nếu Ngài thật sự không muốn chết có lẽ việc duy nhất mà Ngài phải làm chỉ là: trốn đi. Ngài không đi vì đó là mong muốn của Ngài, là vì chính Ngài đi muốn vào chỗ chết, nói toẹt ra là Ngài cố tình tự tử cho một thông điệp quan trọng hơn. Ngài là người tử vì đạo đầu tiên!

3. Jesus dạy loài người tham lam hay không tham lam?

Ai cũng nghĩ Jesus dạy người ta thông điệp về buông bỏ lòng tham, rằng không được tham lam, kiểu như “Con lạc đà chui qua lỗ kim khó hơn người giàu vào nước Thiên đàng”. Nhưng tất cả những câu chuyện ngụ ngôn Ngài dùng để dạy dỗ cho các môn đồ đều là những câu chuyện về lòng tham: lòng tham nước trời.
Hãy nhớ lại những câu chuyện ấy: Jesus dùng rất rất rất nhiều những câu chuyện về kho báu để nói với các môn đồ trong các bài giảng “Nước trời giống như kho báu”. Ngài ấy dạy người ta hãy đánh đổi, hãy cho đi ở thế gian này và sẽ được Thượng đế trả công bội hậu ở đời sau. Và tất nhiên đó là một lời hứa rất bùi tai, cho đi 1 đồng ở đời này, buông đi 1 đồng ở đời này và đời sau được trả bội lần ở vương quốc thượng đế, ai mà không thích, ai mà không ham?
Nhưng bạn thấy không? Lòng tham được chuyến hướng, nhưng nó vẫn còn đó. Ngài dạy người ta buông của cải vật chất đời này, nhưng lại dạy người ta lo tích cóp cho kho báu đời sau. Thế thì thông điệp về buông bỏ của Ngài, một lần nữa, giống như thông điệp về bất bạo động, hoàn toàn thất bại. Làm sao người ta có thể thanh thản khi được dạy buông thứ này và chuẩn bị cầm những thứ khác?
Đức Jesus là dân Do Thái và Ngài cũng nói rằng dân Do Thái là dân được chọn và đầu óc dân Do Thái vốn từ đâu đã giỏi việc tính toán, tích trữ thế nên đó cũng là điều hiển nhiên, nếu không nói về những tính toán, lợi nhuận, lời lãi thì làm sao lời của Ngài thấm vào đầu óc những người dân Do Thái tham lam kia được. Ngài buộc phải dùng hình ảnh một kho báu khác, một kho báu vô giá trong đời sau để thu hút những người dân Do Thái và vô tình thông điệp về buông bỏ lòng tham chẳng có một chút tác dụng nào. Chẳng ai buông bỏ được lòng tham, nếu ai đó không tham đời này thì lòng tham vẫn còn đó, chỉ là chuyển về đời sau – nước trời. Nhưng lòng tham vẫn còn đó.

4. Jesus có thật là “đứa con duy nhất” của Thượng đế?

Tôi luôn thắc mắc điều này. Có lẽ Jesus chỉ nói rằng Ngài ấy là con của Thượng đế và Hội thánh đã thêm vào mấy chữ “đứa con DUY NHẤT” để dễ bề truyền đạo hơn chăng? Hẳn là thế, vì chữ duy nhất kia nó làm cho mọi thứ trở nên rối rắm kinh lên được.
Nếu đức Jesus là đứa con duy nhất vậy hàng triệu những người công giáo khác, là gì? Và hàng tỉ những người không theo Công giáo, nếu họ cũng không phải con của Thượng đế, thì là gì?
Nếu Thượng đế chỉ có mình Jesus là con duy nhất và không nhận ai là con nữa, thế thì chẳng phải loài người đang tự nhận vơ mình là con cái Thượng đế sao?
Nếu không phải con cái Thượng đế thì loài người là gì đây?
Nếu loài người cũng là con cái của Thượng đế, như cách Hội Thánh nói loài người là đoàn con tội lỗi, thế thì làm sao Jesus lại là đứa con duy nhất được?
Điều này luôn là điều tôi thắc mắc từ khi còn rất nhỏ, nhưng giờ tuy tôi lớn hơn rồi nhưng thắc mắc vẫn còn đây.
Tại sao Kinh thánh nói rằng Do Thái là dân riêng được chọn vậy những người không phải dân Do Thái thì sao? Chúng tôi không được Thượng đế chọn mà chúng tôi tự chọn Thượng đế làm cha mình sao? Thấy sao thật là giống câu nói của Việt Nam mình “Thấy sang bắt quàng làm họ” quá!
Nếu Thượng đế đã không chọn tôi mà chọn chỉ dân Do Thái làm dân riêng? Vậy tôi là cái quái gì, tôi đang làm gì ở đây? Tại sao tôi phải thờ lạy Ngài ấy? Tại sao tôi lại mong muốn mình là dân được chọn? Được chọn để làm gì? Để làm đầy tớ sao? Ngài tạo ra tất cả chúng tôi để làm đầy tớ cho Ngài sao? Tại sao Ngài lại cần đầy tớ? Tại sao Ngài lại cần được thờ phụng? Sao Ngài nhiều bản ngã thế mà lại gọi là Thượng đế được? Sao Ngài nhiều bản ngã thế mà lại dạy chúng tôi phải buông bỏ bản ngã đi?

Nói chung là hỏi cho vui vậy thôi, ý chính là: thông điệp của Jesus cực kì đơn giản: mọi người đều là anh em, đều cùng là con của Thượng đế. Đức Jesus tuyệt đối không tạo ra đạo Công giáo cũng như không bắt ai phải thờ lạy mình, chỉ có Hội Thánh mới đòi hỏi những điều ấy.
Và nếu phải chọn theo thông điệp của Jesus hay theo các nghi thức của Hội thánh, tôi chọn Jesus.

5. Jesus ghét chính trị và bị chính quyền ghét bỏ?
Đức Jesus bị chính quyền ghét bỏ vì Ngài ấy mang thông điệp về giải phóng, tự do. Ngài ấy bị tất cả mọi học giả, học sĩ quay lưng vì Ngài ấy không phải là một người học vấn cao. Ngài ấy nói về những thứ chẳng mấy người hiểu được. Nhưng bằng những phép lạ mà Ngài đã làm nên dân chúng đi theo Ngài. Bất cứ ai được đông đảo dân chúng đi theo thì đều là một mối nguy đối với chính quyền, chính quyền xưa hay nay đều vậy. Người nào chống lại chính quyền mà lại được dân chúng yêu mến thì cực kì nguy hiểm. Đó là lý do chính quyền thời ấy bao gồm các học sĩ, học giả, quan quân đều không yêu mến gì Jesus, tới mức tìm mọi cách để tử hình Ngài ấy. Và Ngài ấy chắc chắn cũng không ưa gì hệ thống chính trị của đất nước Ngài lúc bấy giờ.
Vậy Hội thánh công giáo hiện nay thì sao? Nó là một hệ thống chính trị hoàn hảo – không có gì để bàn cãi. Nó có một hệ thống cấp bậc rõ ràng từ trên xuống dưới, với người đứng đầu, cao nhất, như một vị vua hay một tổng thống – là đức Giáo Hoàng, sau đó là một lô lốc các cấp bậc khác và người ta muốn lên các chức vị cao hơn thì cũng phải tranh giành nhau, đấu đá nhau không thua một trường chính trị nào. Cao cấp hơn nữa là hệ thống chính trị này có mặt ở khắp mọi quốc gia, trên mọi vùng lãnh thổ, sở hữu một lượng dân chúng khổng lồ với nguồn tiền không bao giờ cạn. Vâng, hội thánh công giáo cực kì giàu có, một kiểu kinh danh dựa trên sự sợ hãi và lòng quyên góp của các tín đồ.
Các nhà truyền giáo được đào tạo bài bản từ những trường Thần học, ở khắp mọi nơi lời cảnh báo về hỏa ngục được lan truyền và Hội thánh dựa vào đó để tạo cai trị người giáo dân của họ.
Hội thánh là một thể chế chính trị giống hệt như tẩt cả mọi thể chế chính trị trên thế giới. Và điều này tôi không nghĩ đức Jesus sẽ đồng tình cho lắm đâu.

Lần cuối xin nhắc lại.
Bạn có thật sự cho rằng Đức Jesus dùng Hội Thánh để lan truyền thông điệp của mình, hay chính Hội Thánh đang dùng đức Jesus như một tấm lá chắn cho những mục tiêu khác? Như là mục tiêu cai trị loài người?
Đức Jesus có thật muốn cai trị người ta hay chỉ muốn người ta sống trong yêu thương nhau? Và để yêu thương nhau thì người ta có cần những luật lệ, lễ nghi, phép tắc, đọc kinh, cầu nguyện hay chỉ đơn thuần cứ yêu thương nhau hết lòng là đủ? Vì tình yêu mà cần đe dọa, lễ nghi, nghi thức, điều răn thì làm sao ai mà yêu thương được? Đấy là ép buộc!
Thông điệp sau cùng của Đức Jesus là “các con hãy yêu thương nhau, như chính thầy đã yêu thương các con”, Ngài ấy không hề nói “các con hãy yêu thương TA, như chính ta đã yêu các con” Vậy tại sao 1000 các quy tắc lễ nghi của hội thánh không phải là giúp cho loài người yêu thương nhau mà chỉ làm sao để loài người yêu thương Jesus nhiều hơn dựa trên những khổ nạn Ngài ấy đã chịu?

Như tôi đã nói trước đây, hơn 2000 năm rồi mà Hội Thánh không làm được một điều đơn giản là khiến mọi người yêu thương nhau, thì 2000 năm nữa cũng sẽ không làm được điều đó.

Và này, nếu tôi theo thông điệp yêu thương của Jesus và sống hết mình với thông điệp ấy, để cho tình yêu và thông điệp ấy ngấm vào tim mình, vào đời sống của mình. Thế thì tôi có cần phải đến nhà thờ mỗi tuần để nghe cha xứ nhắc nhở đi nhắc nhở lại câu chuyện về cuộc khổ nạn ấy?

Nhà thờ nếu muốn truyền thông điệp về tình yêu? Tốt thôi, mỗi tuần khi mọi người tập trung đến nhà thờ, các cha xứ hãy thôi luyên thuyên đi mà kiếm thật nhiều những câu chuyện về tình yêu để mà kể cho giáo dân nghe, họ sẽ được thấm tình yêu thương một cách dễ dàng hơn gấp vạn lần những lý thuyết!

Nhà thờ hiện tại không phải nơi lan truyền yêu thương một chút nào nhưng lại là nơi vô cùng hiệu quả để lan truyền những khổ đau, chỉ duy nhất sự khổ đau, khổ đau của Jesus ngày xưa và của loài người tội lỗi hiện nay.
Đó là lý do tôi xin phép từ chối đi nhà thờ! Tự tôi sẽ đi tìm tình yêu trong đời sống và lan truyền tình yêu trong đời sống, không cần nhà thờ nữa, nhà thờ thất bại đối với tôi rồi!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *