Chủ nghĩa cha mẹ độc tài – tình yêu của cha mẹ không vô điều kiện như họ nghĩ

Cha mẹ đều cư xử như nhữn dì ghẻ đối với những đứa trẻ không phải con ruột mình

Cả xã hội đều đồng ý, đều nhất trí rằng gia đình là nơi tốt nhất, nơi tuyệt vời nhất, nơi người ta được yêu thương nhất.
Cả xã hội đều vô cùng tự tin tuyên bố rằng tình mẹ là thiêng liêng nhất, vĩ đại nhất vì mọi người mẹ đều sẵn sàng làm mọi thứ, hi sinh mọi thứ cho đứa con của mình, kể cả những việc tồi tệ nhất họ cũng không nề hà và thế là họ trở nên vĩ đại, họ được tung hô và họ vô cùng tự hào về sự hi sinh của họ.
Nhưng họ có bao giờ hi sinh điều gì vì con cái người khác không hay chỉ có thể hi sinh vì con cái của họ? Các bậc cha mẹ có yêu thương mọi đứa trẻ như nhau hay ai cũng chỉ yêu thương và chỉ có thể hi sinh vì con cái mình? Câu hỏi này tuy ngu nhưng tôi vẫn muốn hỏi – chỉ để chắc chắn thống nhất một câu trả lời: mọi bậc cha mẹ chỉ sẵn sàng hi sinh và yêu thương vô điều kiện duy nhất con của họ chứ không phải con người khác.
Vậy.
Thế thì xã hội lấy quyền gì để lên án “mụ dì ghẻ” – Dì ghẻ trong Tấm Cám ấy.
Với những điều đã thống nhất ở trên thì đáng lý ra xã hội này phải tuyên dương, phải tặng thưởng cho Dì ghẻ một bằng khen mới phải. Vì sao? Vì bà ta là người mẹ tuyệt vời nhất đối với con của bà ấy – một người yêu thương con mình theo cách hiếm bà mẹ nào làm được: sẵn sàng làm mọi điều vì đứa con của mình, kể cả những điều tồi tệ nhất.
Tấm không phải con ruột của bà ta, mà là Cám. Thế thì bà ấy mua quần áo đẹp cho Cám, không cho Cám làm việc nhà, chiều chuộng Cám… có gì là sai? Bà ấy rõ là bà mẹ Việt Nam gương mẫu khi biết con mình sai, con mình lười, con mình xấu tính nhưng vẫn vô cùng yêu thương nó. Điều sai của bà ấy chính là tình yêu vô điều kiện này dành cho Cám – chính tình yêu ấy đã làm hư Cám, và hư luôn cả bà ta khi xem tất cả những người khác, kể cả Tấm – như đối thủ cạnh tranh, như kẻ thù của con mình. Vì sao? Vì bà ấy không muốn ai khác có thứ gì hơn con gái của bà.

Và thông qua Dì ghẻ tôi nhìn thấy những bậc cha mẹ hiện đại ngày nay, kể cả khi họ lên án, họ căm ghét, họ kinh tởm những người như Dì ghẻ thì chính họ, cũng đang hành động chẳng khác gì Dì ghẻ. Và cũng như Dì ghẻ – họ không bao giờ nghĩ rằng họ sai. Sai làm sao được khi “sự hi sinh” và “công cha nghĩa mẹ” là thứ được cả xã hội tôn thờ?

Adolf Hitler, ai nhớ ông ấy? Ông ấy cũng hệt như Dì ghẻ. Ông ấy yêu thương đứa con “Dân tộc Đức” đến mức mù quáng, đến mức sẵn sàng tiêu diệt mọi dân tộc khác chỉ vì “Dân tộc Đức” là số một, là đẳng cấp cao nhất, tất cả mọi dân tộc khác đều sinh ra chỉ để phục vụ dân tộc Đức… Và bạn biết không, dù cho đã giết chết hàng triệu sinh mạng nhưng cho tới lúc chết Hitler vẫn không nghĩ là mình sai đâu. Ổng vẫn cho rằng mình đúng 100% đấy, làm sao ổng nghĩ mình sai được khi hàng triệu người Đức lúc bấy giờ cũng đồng tình với ông ấy cho rằng Đức Quốc Xã là số một, chủ nghĩa phát xít là số một?

Và giờ bạn nghĩ Hitler chết rồi, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa độc tài chết rồi sao? Không đâu. Nó vẫn đang còn đấy trong xã hội này, nhưng nó đã tiến hóa thêm một bước cao hơn, thâm sâu hơn và biến chuyển thành Chủ nghĩa Cha mẹ được cả xã hội tôn thờ, kính trọng.

Chủ nghĩa cha mẹ – chủ nghĩa độc tài.

Cha mẹ luôn cho rằng mình đúng, rằng con cái phải nghe lời mình. Họ dạy con cái họ theo cách biến chúng thành robot, không phải con người; họ muốn biến con cái họ thành quân lính, không phải người tự do. Vì robot thì chỉ tuân theo lệnh, không thể trái lời, và quân lính cũng vậy. Đặc điểm số một của Robot và Quân đội là chỉ làm theo lệnh, không trái lời. Và đó cũng là tất cả những gì các bậc cha mẹ mong muốn hiện nay ở con cái họ: Sự vâng lời.
Vâng lời nghĩa là sao? Là cha mẹ bảo sao thì con nghe vậy, cha mẹ luôn đúng, con cái có thể đúng có thể sai, nhưng bất kể con cái đúng hay sai thì cha mẹ vẫn luôn đúng – mọi cha mẹ đều nghĩ như thế.
Họ luôn cho rằng những gì họ nói ra là chân lý, rằng những gì họ muốn là tốt nhất cho con cái. Nhưng sự thật có phải là như vậy?

Sự vâng lời là ưu tiên hàng đầu của mọi bậc cha mẹ mong muốn cho con cái. Và con cái phải nghe lời cha mẹ là lời răn dạy của tất cả mọi cấp bậc giáo dục: từ trường học, tôn giáo, truyền thống, văn hóa… tất cả mọi nơi đều dạy cho những đứa trẻ một điều này: vâng lời cha mẹ. Và các cha mẹ cũng làm mọi cách để trừng phạt con cái mình khi nó không nghe lời. Đó là cách chủ nghĩa cha mẹ biến con cái thành Robot, thành Quân đội cho mình. Và đó cũng là cách mà thông minh và tự do của mọi đứa trẻ bị biến mất.
Làm sao một người có thể thông minh nếu như họ được bảo không cần suy nghĩ, không cần xem xét mà chỉ cần nghe lời?
Làm sao một người có thể tự lập và tự do nếu như họ được bảo rằng họ không được phép quyết định cuộc đời họ, nhưng sẽ có người làm thay, và người đó tất nhiên là cha mẹ của họ?

Cha mẹ là những người độc tài nhất. Họ không cho phép con họ được thông minh hay tự do, tự lập. Họ làm mọi cách để con cái nghe lệnh mình như những con robot, như những người lính trong quân đội. Nhưng họ lại được cả xã hội thừa nhận và tuyên dương thế thì làm sao họ nhận ra cái sai của họ?

Cái sai của họ là:
1. Mong muốn con cái nghe lời, thay vì muốn con cái thông minh.
Một đứa trẻ thông minh sẽ rất khó để nghe lời, vì nó sẽ có những nhận định của riêng nó, ý kiến của riêng nó, sức mạnh của riêng nó để phản đối hay chống lại.
Một đứa trẻ thông minh sẽ suy nghĩ và xem xét trước những lời đề nghị, yêu cầu của cha mẹ để xem điều đó có đúng không, có hợp lý không.
Một đứa trẻ thông minh sẽ luôn nhìn thấy những mâu thuẫn mà chính các cha mẹ cũng không hề biết họ đang có.
2. Cha mẹ muốn con cái phụ thuộc, thay vì tự lập.
Họ luôn quyết định thay con cái mọi thứ: ăn cái gì, chơi với ai, học trường nào, làm nghề gì, cưới ai và nếu có thể thì họ sẽ thậm chí còn can thiệp cả chuyện sinh đẻ của con cái họ nữa.
Nếu cha mẹ muốn con mình tự lập thì họ nên tạo điều kiện cho con cái được tự làm mọi việc theo ý nó mới phải. Tất nhiên họ sẽ phải trông chừng, phải ở bên hướng dẫn và giúp đỡ khi con họ cần giúp đỡ. Nhưng chỉ đơn thuần là giúp đỡ chứ không phải quyết định.
3. Cha mẹ luôn nghĩ mình đúng.
Thỉnh thoảng họ cũng nhận sai, nhưng hiếm, có lẽ chỉ sau khi con cái họ đã phải trải qua đau khổ vì đã nghe lời họ, hoặc con cái họ đã có thể sống hạnh phúc nhờ không nghe lời họ… chỉ qua hai trường hợp đó họ mới nhận mình sai.
Mọi cha mẹ đều tin rằng mình biết điều gì là tốt nhất cho con cái, nhưng cái sai của họ là chưa từng đặt mình vào vị trí người con. Họ luôn nhìn từ góc độ cha mẹ và điều đó thì có nghĩa gì? Nghĩa là họ biết con họ nên làm gì là tốt nhất – cho họ, chứ không phải cho đứa con.
Cha mẹ cũng có thể sai chứ, họ có phải thần thánh đâu mà đúng hết trong mọi chuyện? Họ có thể có nhiều kinh nghiệm sống hơn, nhưng kinh nghiệm là kinh nghiệm, nó không phải là chân lý để áp dụng cho tất cả mọi trường hợp có thể xảy ra. Một người sống trong nghèo khổ tin rằng phải có thật nhiều tiền mới hạnh phúc, điều đó đúng không? Không chắc, vì nếu vậy thì những người giàu đã hạnh phúc hết rồi, nhưng trên thực tế, người càng giàu càng sống nhiều trong đau khổ và bất an, hiếm có người giàu nào sống trong hạnh phúc thật sự. Nhưng ai quan tâm? Cứ lấy người giàu đã, hạnh phúc tính sau. Đó là logic của họ, rằng họ đã trải qua nên họ biết, nên lời họ là chân lý.

Nhắc tới hạnh phúc lại thấy đau lòng.
Bao nhiêu bậc cha mẹ thật lòng mong muốn cho con mình “HẠNH PHÚC” thay vì “VÂNG LỜI” và “THÀNH CÔNG”?

Hãy hỏi 1000 những người đang làm cha mẹ xem họ mong muốn con mình hạnh phúc hay thành công – hai thứ này rất khác nhau. Vì cha mẹ có thể định nghĩa thế nào là Thành công cho con cái, nhưng họ không thể định nghĩa Hạnh phúc của con họ là gì được, họ chỉ có thể định nghĩa hạnh phúc của họ và từ đó họ áp lên đứa con, nói rằng đó chính là hạnh phúc: làm cho cha mẹ hãnh diện là hạnh phúc, thành công hơn con cái nhà người khác là hạnh phúc…

Đã có bao giờ các cha mẹ thật sự hỏi và nói với con mình “ĐIỀU GÌ THẬT SỰ KHIẾN CON HẠNH PHÚC? HÃY LÀM ĐIỀU ĐÓ”
Không, tôi chẳng thấy cha mẹ nào nói câu đó cả. Vì nếu họ nói câu đó thì tôi đã không nhận được nhiều buồn rầu khổ sở của các bạn trẻ đến thế. Rất nhiều câu chuyện nhưng luôn là một vấn đề: cha mẹ muốn họ đi con đường khác với con đường chính họ muốn đi, và bởi những áp lực họ đành chọn con đường cha mẹ muốn nhưng họ chưa bao giờ thấy hạnh phúc. Cha mẹ luôn vui vì con mình chọn con đường họ muốn, họ chưa bao giờ nhìn xem con mình có hạnh phúc hay không, có hài lòng hay không? Điều đó không quan trọng, cha mẹ cứ phải làm sao để bản thân họ được hài lòng trước đã – và họ nói tình yêu của họ vĩ đại…

Tôi gọi những cha mẹ như vậy là những người của chủ nghĩa cha mẹ độc tài, phát xít. Bạn nghĩ họ đông hay ít ngoài kia? Tôi dám đảm bảo là không ít!

Họ luôn cho rằng họ biết hạnh phúc là gì, nhưng sự thật, họ chẳng biết hạnh phúc là gì cả. Hạnh phúc là được sống cuộc đời mình muốn sống, theo cách mình muốn. Các cha mẹ thậm chí còn chẳng biết con mình muốn sống cuộc đời như thế nào, huống gì là tạo điều kiện cho nó, giúp đỡ nó.

Họ luôn cho rằng họ yêu con họ vô điều kiện nhưng sai rồi, cha mẹ chưa bao giờ yêu con họ vô điều kiện. Vô điều kiện là gì? Là yêu trong tôn trọng, trong chấp nhận tất cả. Bao nhiêu cha mẹ thực sự tôn trọng con cái họ trong khi luôn cho rằng chúng phải tôn trọng mình? Tôn trọng là hãy cho con cái lên tiếng, cho con cái được quyền thể hiện suy nghĩ của nó, mong muốn của nó, đi con đường của nó… Bao nhiêu cha mẹ làm được điều ấy?
Yêu vô điều kiện là không mong đợi được đáp trả, chỉ khi không mong đáp trả thì đó mới là tình yêu vô điều kiện. Nhưng mọi cha mẹ đều mong muốn con mình đáp trả lại cho họ một thứ gì đấy vào một lúc nào đấy. Họ luôn luôn mong đợi, tôi chưa từng thấy một cha mẹ nào không hi vọng ở con cái mình. Có thể sự đáp trả không phải bằng vật chất nhưng bằng việc làm cho họ nở mày nở mặt, đáp trả bằng việc khiến họ tự hào, đáp trả bằng việc không được làm gì khiến họ mất mặt, đáp trả bằng việc phụng dưỡng họ khi về già hay chăm lo hương hỏa sau khi họ mất… 1001 cách để đáp trả và các cha mẹ luôn luôn mong con mình đáp trả – luôn luôn – thế thì một tình yêu mà luôn luôn mong đợi được đáp trả như vậy có phải là tình yêu vô điều kiện không?

Tình yêu của cha mẹ không phải là tình yêu vô điều kiện. Nó chỉ là vô điều kiện khi họ có thể:
– Tôn trọng con cái họ, tôn trọng mọi quyết đinh của nó kể cả khi quyết định đó trái ý mình
– Yêu thương nó ngay cả khi nó trái ý mình
– Không mong đợi nó đáp trả bằng bất cứ hình thức nào, không cần nó mang lại bất cứ thứ gì, ngoài hạnh phúc của nó
– Xem hạnh phúc của con cái là hạnh phúc của mình
– Luôn luôn ở bên cạnh để hướng dẫn, không phải để áp đặt. Giữ nó an toàn nhưng phải cho nó tự do. Tình yêu mà không có tự do thì không phải tình yêu.
– Phải tạo điều kiện cho nó tự lập, cho nó tự đứng trên đôi chân của nó, sống cuộc đời nó muốn sống, không phải cuộc đời cha mẹ muốn nó sống. Hai thứ này khác nhau. Và đa phần cha mẹ luôn không biết con mình muốn sống cuộc sống thế nào cả. Họ chả quan tâm.

Nếu được vậy thì ấy mới là tình yêu vô điều kiện và trong góc nhìn của tôi, tình yêu của các cha mẹ hiện nay hoàn toàn không phải tình yêu vô điều kiện. Tôi mong sao xã hội hãy bỏ ngay cụm từ “vô điều kiện” “thiêng liêng” khi nhắc về tình yêu cha mẹ dành cho con cái và thay vào đó là cụm từ “tình yêu có điều kiện, tình yêu độc tài” – Đa phần các bậc cha mẹ đều yêu thương con mình một tình yêu độc tài và có điều kiện, họ chỉ không nhận ra và không muốn thừa nhận điều đó thôi!

Nếu bạn không phải một cha mẹ độc tài như vậy, hãy đến bên con bạn, hỏi nó muốn sống cuộc sống như thế nào và tìm mọi cách để giúp đỡ nó sống cuộc sống nó muốn, tôn trọng nó cũng như quyết định của nó, nó có thể sai nhưng qua cái sai nó sẽ biết cái gì là đúng, đừng tước mất quyền quyết định, quyền được trải nghiệm, quyền được học hỏi của nó.

Mọi cha mẹ đều bận rộn tìm hiểu họ muốn gì, thay vì con cái họ muốn gì.
Mọi cha mẹ đều đang cố ngăn cản con cái họ sống cuộc đời chúng muốn sống, thay vì giúp đỡ chúng.
Mọi cha mẹ đều tự hào về sự độc tài của họ, họ càng độc tài, con cái họ càng nghe lời thì họ càng hãnh diện.
Mọi cha mẹ đều không thích con cái mình thông minh, tự lập, họ thích con mình vâng lời và phụ thuộc vào họ trong mọi thứ. Người tuyệt đối vâng lời là người tuyệt đối không thông minh, bởi người đó không có một chút suy nghĩ riêng nào cả. Người đó là búp bê, là người thực vật, là robot, là quân lính… Cha mẹ không muốn có con cái thông minh đâu, họ muốn có con cái như búp bê nhất!

Những cha mẹ như vậy ở khắp mọi nơi và họ đang bắt mọi đứa con phải tôn thờ họ.
Kiểu xã hội gì vậy?

Chẳng mấy cha mẹ xem hạnh phúc của con cái là thành công của mình, nhưng dường như mọi cha mẹ đều xem thành công-nghe lời của con cái là hạnh phúc của minh. Và họ gọi đó là tình nghĩa thiêng liêng. Người chỉ nghĩ cho hạnh phúc của mình bất chấp người khác có hạnh phúc hay không, đấy là tình phụ mẫu thiêng liêng sao?
Cha mẹ đúng nghĩa đơn giản là người có thể làm cho con cái mình hạnh phúc, không phải là bắt con cái làm cho mình hạnh phúc.

*nếu bạn cho rằng mình ngoại lệ, thế thì không cần bực mình, phản đối hay phân bua. OK
*Bản thân tôi là một trường hợp ngoại lệ: Lý do tôi tôn trọng cha mẹ của tôi, không phải vì họ luôn đúng, họ có đầy cái sai, tôi thấy hết và không phải khi nào tôi cũng đồng tình với họ. Nhưng lý do tôi tôn trọng họ là vì họ tôn trọng tôi, họ cho phép tôi tự quyết định mọi bước đi trong đời.
Tôi thay mặt mọi người con xin cúi đầu cảm tạ mọi bậc cha mẹ để cho con cái tự quyết định đời mình trong tôn trọng và yêu thương.
Họ rất nhiều ngoài kia, xin đừng hiểu lầm bài viết này lên án “mọi” cha mẹ. Không, tôi chỉ đang nói về những bậc cha mẹ không tôn trọng con cái họ, không cho con cái họ quyết định cuộc đời chúng.
Đôi khi trong bài viết có dùng những từ ngữ hơi nặng hoặc hơi phiến diện, đừng bận tâm đến chúng mà quên đi thông điệp chính này:

Chừng nào các cha mẹ còn không tôn trọng quyền tự do của con cái, còn không biết chúng muốn gì, chúng muốn sống cuộc sống thế nào và chừng nào cha mẹ còn không hết sức hết lòng giúp đỡ chúng sống cuộc đời chúng muốn sống… thì xin đừng quá tự hào rằng tình yêu của mình là thiêng liêng, là vô điều kiện.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *