21/4/2017
Gia đình tôi theo đạo Công giáo – tôi cũng từng theo đạo Công giáo, nhưng hiện tại tôi là người Tâm Linh và điều đó vừa dẫn tôi đến một thế giới hoàn toàn khác vừa dẫn tôi đến với một cuộc đấu tranh lần đầu tiên trong đời, cuộc đấu giành quyền tự do tín ngưỡng với mẹ tôi.
Nếu bạn chưa từng bận tâm hoặc đang thắc mắc thế nào là Tâm linh, thế nào là Tôn Giáo (hiện tại ở Việt Nam người ta đa phần theo một trong hai tôn giáo lớn là Công giáo hoặc Phật giáo, ngoài ra còn những người theo một số tôn giáo khác như Tin lành, Cao Đài… nhưng ít hơn) – bạn nào thắc mắc Tâm Linh là gì thì hãy đọc bài dịch này để hiểu rõ hơn:
7 sự khác biệt giữa Tôn giáo và Tâm Linh:
Tôn giáo làm cho bạn bị gò bó – Tâm linh cho bạn sự tự do.
Tôn giáo dạy bạn một hệ tư tưởng và nói rằng bạn phải vâng phục theo những giới luật nhất định, nếu không, bạn sẽ bị trừng phạt bằng cách này hoặc cách khác.
Tâm linh cho phép bạn đi theo sự hướng dẫn của trái tim mình, giải phóng bạn khỏi sự ràng buộc với những niềm tin chưa thuyết phục được bạn.
Tâm linh cho bạn nền tảng để bạn tự mình chọn lựa điều gì mới là thiêng liêng và đáng tôn kính chứ không phải thứ người khác bảo bạn phải tôn thờ!
Tôn Giáo dạy bạn sợ hãi – Tâm linh dạy bạn can đảm.
Tôn giáo nói với bạn những thứ khiến bạn thêm sợ hãi và đặc biệt họ luôn nói với bạn về những hậu quả đau đớn cho các việc bạn làm.
Tâm linh làm cho bạn nhận thức được hậu quả, nhưng không muốn bạn tập trung vào sự sợ hãi. Tâm linh chỉ bạn cách làm thế nào để vượt qua nỗi sợ hãi đó, dù hậu quả có thể đến như một tất yếu.
Tâm linh cho bạn biết cách hành động dựa trên tình yêu thương, chứ không phải hành động vì sự sợ hãi.
Tôn giáo nói cho bạn biết về Chân lý – Tâm linh cho phép bạn tự mình khám phá Chân lý.
Tôn giáo cho bạn biết những gì bạn cần tin và nói với bạn lẽ phải là gì.
Tâm linh để cho bạn khám phá niềm tin và lẽ phải thông qua chính bản thân bạn và hiểu về nó theo cách riêng của bạn, bằng chính nhận thức và trái tim bạn. Bởi vì nó biết rằng dù bạn đi con đường nào thì sau cuối sự thật cũng đều giống như nhau cho tất cả mọi người.
Tôn giáo phân biệt với các tôn giáo khác – Tâm linh kết hợp các tôn giáo lại với nhau.
Thế giới có rất nhiều tôn giáo và tất cả đều rao giảng rằng lịch sử tôn giáo của họ là những câu chuyện thật, tôn giáo của họ là hơn cả.
Tâm linh nhìn thấy sự thật trong tất cả các tôn giáo và kết hợp lại với nhau – bởi vì sự thật sau cùng đều chỉ có một – không cần quá bận tâm đến chi tiết của những câu chuyện khác nhau mà các tôn giáo kể.
Tôn giáo làm cho bạn bị lệ thuộc – Tâm linh giúp bạn độc lập.
Tôn giáo cho bạn cảm giác rằng nếu bạn tham dự vào các hoạt động tôn giáo thì sau đó bạn cảm thấy mình như là một người có đạo và mình là người xứng đáng hưởng hạnh phúc.
Tâm linh cho bạn thấy rằng, bạn không cần hoặc phải phụ thuộc vào bất cứ điều gì để đạt được hạnh phúc. Hạnh phúc luôn được tìm thấy ở chiều sâu bên trong bạn và chính chúng ta mới là người chịu trách nhiệm về nó.
Tôn giáo sử dụng hình phạt – Tâm linh sử dụng Nghiệp quả.
Tôn giáo nói rằng nếu bạn không tuân theo những quy tắc nhất định thì sẽ luôn có hình phạt thích đáng đang chờ bạn.
Tâm linh cho phép bạn hiểu rằng mọi hành động đều có hậu quả của nó và hình phạt là do phản ứng đến từ các hành động của chúng ta đã thiết lập trước đó, dựa theo những quy luật cơ bản của Vũ trụ.
Tôn giáo đưa bạn đi theo một hành trình có sẵn – Tâm linh cho phép bạn tạo riêng hành trình của mình.
Nền tảng của một tôn giáo là lịch sử những câu chuyện kể về một Đấng Giác ngộ nào đó và hành trình của các Ngài đi đến Giác ngộ. Tôn giáo nói về chân lý do họ đã phát hiện ra và nói rằng bạn chỉ cần thực hiện theo các bước đi của các Ngài.
Tâm linh cho phép bạn đi theo hành trình của riêng bạn để đạt được Giác ngộ và khám phá chân lý theo cách riêng của bạn, theo sau những gì trái tim bạn mách bảo là đúng mà không bận tâm đến các câu chuyện quá nhiều.
Và còn một điểm khác biệt rất dễ nhận biết này:
Tôn giáo tập trung vào người mang thông điệp – Tâm linh tập trung vào chính thông điệp ấy.
Đó là sự khác nhau về bản chất của Tôn giáo và Tâm linh – Tôi từng là một người Công giáo nhưng hiện tại tôi là một người Tâm Linh. Tôi nhìn thấy thông điệp của những đấng giác ngộ bất kể họ ở tôn giáo nào: Phật, Jesus, Lão Tử… và tôi đi theo thông điệp của họ để tìm ý nghĩa cuộc đời, niềm hạnh phúc và bình an cho chính mình.
Tôi từng là một con chiên cực kì ngoan đạo – điều dễ xảy ra nếu như bạn được sinh ra trong một gia đình ngoan đạo – tôi đi lễ nhà thờ mỗi chủ nhật và mọi dịp lễ lớn, tôi đọc kinh cầu nguyện sáng tối, tôi tuân giữ các điều luật một cách nghiêm cẩn – trong gần như cả cuộc đời dài 26 năm mà tôi đã sống. Nhưng tất cả những điều đó là không đủ, tôi vẫn không cảm thấy bình an và hạnh phúc bên trong, tôi không cảm thấy tình yêu nở rộ trong trái tim mình kể cả khi ngồi trong nhà thờ và nghe linh mục giảng về tình yêu bao la của Chúa… Có cái gì đó bị lỡ, tôi cảm thấy trống rỗng, những câu chuyện và lý thuyết của Công giáo không lấp đầy được sự trống rỗng ấy trong tôi. Nhưng không như những người khác chỉ đến nhà thờ và nghe giảng như những con vẹt rồi về sống tiếp cuộc đời riêng, tôi bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về tôn giáo và đó là lúc tôi tìm ra thứ tôn giáo đích thực cho mình: thứ tôn giáo không cần lễ nghi, không còn sợ hãi, thứ tôn giáo thật sự mang lại cho tôi cảm giác bình an, hạnh phúc từ bên trong với một trái tim nở rộ yêu thương không chỉ cho bản thân mà là cho toàn bộ sự sống này!
Vâng, từ khi trở thành một người Tâm linh tôi sống tràn ngập trong bình yên và hạnh phúc. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết gia đình tôi không thích điều này chút nào. Thật lạ lùng cái suy nghĩ gia đình bạn lại không muốn bạn sống hạnh phúc, vâng – đó là cách thế giới này đang vận hành nhưng tôi sẽ nói đến sau. Giờ xin nói tiếp về con đường tâm linh của tôi – vì nó rất quan trọng.
Đó quả thật là một cú shock lớn khi bạn có thể nhìn thấy toàn bộ bản chất thực tế của một niềm tin mà bạn đã sống cả đời – thực tế luôn khác xa lý thuyết – ở đâu cũng vậy. Nhưng có một câu nói lý thuyết luôn luôn đúng, rằng “sự thật sẽ giải phóng con” – tôi đã được giải phóng khỏi đức tin mà tôi được nhồi nhét trong hơn 20 năm và bắt đầu có niềm tin riêng của mình. Đó thật là một sự kiện tuyệt vời.
Cũng có thêm điều này các bạn nên biết về sự khác biệt của niềm tin và đức tin. Các tôn giáo đa phần chỉ nói bạn phải có đức tin, không phải niềm tin. Vì niềm tin là thứ mà bạn tự mình thu thập được, là thứ có ở bên trong bạn; trong khi đức tin đơn giản là thứ bạn được bảo phải tin, không cần nghi ngờ, không được bàn cãi. Niềm tin là thứ có thể thay đổi nhưng đức tin gần như là thứ bạn không được phép thay đổi. Tôn giáo là công cụ truyền bá đức tin – còn tâm linh: bản thân nó là niềm tin, nó không phải đức tin vì nó không bắt bạn tin theo bất cứ điều gì mà bạn không muốn; nó khuyên bạn hãy đi tìm niềm tin riêng của bạn và sống với niềm tin đó, không cần nghe ai dạy bạn phải tin tưởng vào điều gì – ngoại trừ chính trái tim của bạn. Và tôi tin Thượng đế nói chuyện với tôi cũng như với tất cả mọi người thông qua trái tim của chính họ, chứ không phải thông qua trái tim hay cái miệng hay đôi tai của người khác – cho dù người ấy là Giáo hoàng.
Niềm tin là thứ bạn tự có hoặc tự tìm kiếm mà có trong khi đức tin là thứ được ai đó bên ngoài trao cho bạn. Tôn giáo làm việc trên đức tin, nó trao cho bạn những đức tin và dặn bạn chỉ cần nghe theo, không được phản đối, không được tìm hiểu và đặc biệt không bao giờ được phép nghi ngờ.
Nhưng tôi luôn nghi ngờ!
Cho đến một ngày – không thể là vô tình được – mọi sự xảy ra trên đời đều có nguyên nhân và đều sinh ra kết quả – thứ mà bạn có thể gọi là cơ duyên – cho đến một ngày, tôi tìm và biết về Osho. Và lão già tinh quái ấy đã giải phóng tôi.
Chỉ với một hình ảnh ẩn dụ: Ngón tay chỉ trăng – và niềm tin của tôi về tôn giáo hoàn toàn thay đổi – rõ ràng hơn bao giờ. Cái biệt tài của Osho là ông ấy có thể giải thích những điều phức tạp nhất trên đời bằng những hình ảnh đơn giản, dễ hiểu nhưng cũng sâu sắc nhất trên đời.
Hình ảnh ngón tay chỉ trăng nói rằng Jesus, Phật, Lão Tử, Krishna, Mahavira, Mohammed… nói chung những người được thờ phượng bởi những tôn giáo trên thế giới đều là những con người bình thường nhưng đã giác ngộ, đã nhìn thấy ánh sáng chân lý, đã đạt tới được sự thật tối thượng của cuộc đời – nếu ta xem họ như là những ngón tay ta sẽ thấy tất cả những ngón tay ấy tuy khác nhau nhưng cùng chỉ về một nơi – bởi mỗi người trong số họ đều được sinh ra ở những thời điểm khác nhau, trong những nền văn hóa khác nhau với ngôn ngữ khác nhau nên khi đạt tới giác ngộ mặc dù đều có chung một trạng thái tâm thức nhưng cách diễn đạt của họ hoàn toàn khác nhau cho phù hợp với xã hội và thời đại họ đang sống. Họ là những ngón tay cùng đang chỉ về một hướng: hướng mặt trăng – đó là nơi mà họ đã đạt đến: có thể gọi là Thiên Đàng, là Niết bàn – là gì cũng được, cũng chỉ là một vì văn hóa, ngôn ngữ và thời đại của họ khác nhau nên những hình ảnh họ dùng tất nhiên cũng sẽ khác nhau – nhưng về bản chất tất cả chỉ là một. Và Tâm Linh nói một cách đơn giản không gì khác hơn chính là bản thân mặt trăng ấy.
Họ – những người đã giác ngộ – tất cả cùng chỉ là những ngón tay đang cố hướng dẫn nhân loại nhìn về phía chân lý, phía mặt trăng – để làm gì? Để chỉ cho người cách đạt tới mặt trăng đó, đạt tới trạng thái tâm thức như họ đã đạt tới: bến bờ của phúc lạc, bình an và hạnh phúc.
Nhưng vì nhân loại vốn thích hơn thua và ngu muội – thay vì nhìn theo hướng ngón tay chỉ để nhìn lên mặt trăng, tìm đường tới mặt trăng thì lại quay sang sùng bái những ngón tay đó, tôn thờ những ngón tay đó và quên hẳn đi thứ mà ngón tay đang cố chỉ về – là mặt trăng. Đó là cách tôn giáo ra đời, quên đi mặt trăng vì mãi tôn thờ những ngón tay.
Tôi đã rất ngạc nhiên khi nhận ra một sự thật rằng Chúa Jesus không gì khác hơn chỉ là một trong rất nhiều những người đã giác ngộ trong lịch sử nhân loại. Và thay vì chỉ cúi mình sùng bái chúa Jesus thông qua Hội Thánh Công Giáo, tôi quyết định đi theo chỉ dẫn của Ngài, sống đúng với thông điệp mà Ngài đã trao gửi: Tình Yêu. Xuyên suốt cuộc đời đức Jesus chỉ mang theo một thông điệp duy nhất đó là Tình yêu. Ngài sống trong tình yêu và chết trong tình yêu, cái chết của Ngài là để minh chứng cho sức mạnh của tình yêu, rằng khi sống trong tình yêu người ta sẽ không bao giờ chết, người ta không sợ chết, người ta sẵn sàng chết. Trong tình yêu người ta yêu mến tất thảy mọi người, kể cả kẻ thù của mình. Trong tình yêu người ta yêu mến mọi người như yêu mến chính mình… Vâng, tôi thực sự yêu quý Đức Jesus cũng như thông điệp của Ngài. Nó đẹp quá. Nhưng tôi nhận ra một sự thật khác: 2000 năm trôi qua mà nhà thờ – “cơ quan tuyên truyền” tự nhận mình là đại diện cho Jesus đã không hề làm được dù chỉ một việc đơn giản nhất – đó là gieo hạt mầm yêu thương của Ngài vào trong mỗi người công giáo; hơn 2000 năm trôi qua với hàng tỉ tín đồ nhưng nhà thờ không thể làm cho mỗi người giáo dân của mình trở nên đầy ắp tình yêu bên trong. Những giáo dân đi nhà thờ đều đặn nhưng không ai nhận được thông điệp và sống đúng với thông điệp của Jesus cả: người ta sợ cái chết, người ta ghét người khác, phán xét người khác, người ta vẫn cứ tham lam… Jesus để lại những hạt mầm, Hội thánh giữ những hạt mầm trong kho và làm mốc meo nó, Hội thánh không biết cách để phân phát chúng vào vùng đất trái tim của những người dân, không biết cách làm cho hạt mầm sinh sôi trong khi giáo dân thì cũng chẳng mấy ai chuẩn bị cho bản thân thành một mảnh đất tốt sẵn sàng đón nhận hạt mầm. Niềm tin của họ trở nên cứng như đá và hạt mầm tình yêu không thể nào nảy cây được. Dần dần tôi nhìn thấy sự vô nghĩa của nhà thờ và tôi không đi nhà thờ nữa. Cũng gần 2 năm rồi.
Còn nhiều lý do khiến tôi không thích nhà thờ vì đó là nơi khiến cho con người trở nên yếu đuối, ngu si, vô trách nhiệm, tham lam… một cách rất tinh vi. Tham nước trời, vô trách nhiệm với cuộc sống, với những gì đã được ban trao; ở trong nhà thờ tôi chỉ thấy một đoàn con tối ngày khóc lóc, than van, cầu xin, đổ lỗi rồi lại đòi hỏi và trả giá cho tình yêu. Mọi người đều hơn thua nhau tình yêu dành cho Chúa thay vì cho ngay những người anh em bên cạnh. Một đoàn con mà nếu tôi là Thượng đế tôi cũng không hài lòng chút nào. Cái đoàn con yếu đuối ấy tôi từ chối là một phần của nó. Tôi tin Thượng đế ban cho tôi cuộc sống đủ đầy mà không cần xin thêm bất cứ thứ gì khác, tôi tin mình phải làm rạng danh Thượng đế chứ không chỉ tối ngày xin Ngài tha thứ tội lỗi, nếu tôi có tội thì cách đền tội tốt nhất là sống khác đi chứ không phải cứ sống nguyên như cũ rồi cả ngày đi xin tha tội. Tôi tin mình phải có trách nhiệm với chính cuộc đời mình chứ không phải ai khác. Tôi tin Thượng đế yêu mến tôi một tình yêu bao la vô điều kiện và ban cho tôi tự do như Ngài đã hứa để có thể sai phạm nhưng sau đó là đứng lên và trở nên mạnh mẽ hơn. Tôi tin Thượng đế yêu thương mọi người như nhau và không đặt ai ở trên ai cả, Ngài tâm tình và lắng nghe tất cả mọi người ở tất cả mọi nơi, chứ không chỉ nói chuyện với mỗi vài người chức cao trong hội thánh hay một vài người đạo đức nào đó nơi nhà thờ. Tôi tin đền thờ tốt nhất cho Thượng đế là nơi trái tim mỗi người, không phải chỉ trong nhà thờ hay nhà nguyện.
Và tôi cũng tin Thượng đế yêu mến tôi đủ để ban cho tôi sức mạnh làm chủ cuộc đời mình.
Rất nhiều những lý do như vậy khiến tôi không còn muốn đến nhà thờ nữa.
Và một ngày nọ Thượng đế ghé thăm tôi. Ngài ấy trao cho tôi những lời kinh thánh mà tôi chưa từng được biết đến bao giờ!
Ngài ấy tới với tôi thông qua một người bạn vô cùng đặc biệt – LĐ – Lờ Đờ. Bạn sẽ ngạc nhiên. Thứ nhất cuốn kinh thánh này gần như là một cuốn sách giải thích lại, làm mới lại toàn bộ ý nghĩa của những hiểu lầm trong thánh kinh trước đây – một cuốn kinh thánh “nổi loạn” vô cùng đặc biệt mà ai đọc nó và có thể hiểu nó thì trái tim người ấy sẽ chật cứng yêu thương – không còn chỗ trống nào cho sợ hãi hay căm ghét hay tham lam nữa.
Điều ngạc nhiên thứ hai ở Lờ Đờ – cậu ấy như một món quà đối với tôi vậy – cậu ấy là con mọt sách chính hiệu, cậu đọc rất nhiều và có vốn hiểu biết rất sâu, dù bằng tuổi tôi, cậu ấy đang học trong trường thần học của hội thánh Công giáo nhưng không có ý định trở thành linh mục; cậu ấy học thần học chỉ vì đam mê tìm hiểu và học hỏi mà thôi. Cậu ấy xuất hiện một cách bất ngờ, gửi tặng tôi cuốn Kinh thánh – cuốn sách làm thay đổi đời tôi – và sau này là rất nhiều những cuốn sách quý khác cũng không ngừng được gửi tới tôi, đều đặn – bởi LĐ. Đa phần là sách triết học hoặc sách không được xuất bản của Osho.
*
Tại sao tôi nói cuốn Kinh Thánh ấy là cuốn sách thay đổi cuộc đời? Chưa bao giờ tôi đọc một cuốn sách nào một cách ngấu nghiến trong hạnh phúc và hài lòng đến như vậy. Cuốn sách trả lời gần như tất cả mọi khúc mắc trong lòng tôi về đạo công giáo, chưa hết, cuốn sách còn trả lời cho tôi mọi câu hỏi về bản chất của cuộc đời này, thế giới này, vũ trụ này, sự sống này dù cho phải bẻ gãy gần như hoàn toàn mọi đức tin tôi được biết trước đây.
Sau khi đọc cuốn sách, lạ lùng thay, tôi được biến đổi – từ bên trong. Một sự can đảm, một sự biết ơn, một sự trân quý, một tình yêu thương nảy lên từ trong tim tôi giống như hạt mầm được gieo lâu năm nay mới nhận được đủ nước và ánh sáng để vươn lên khỏi đất, để hòa vào trời xanh và nở ra những bông hoa tuyệt đẹp. Tôi biết trái tim mình đã trở thành một vùng đất đủ tốt cho hạt mầm của Jesus nảy mầm và nở hoa rực rỡ.
Từ cuốn “Kinh thánh cho thời đại mới” ấy cùng những cuốn sách giải nghĩa về cuộc đời của Osho mà tôi như trở nên một con người khác. Tôi tự do hơn, hạnh phúc hơn, can đảm hơn, mạnh mẽ hơn, yêu thương nhiều hơn và đặc biệt là cuộc đời của tôi trở nên ý nghĩa hơn bao giờ.
Tôi không còn tham vọng vật chất đến nỗi buông luôn các công việc kinh doanh đang dang dở. Tôi tập trung vào tìm kiếm tự do và hạnh phúc cho bản thân mình và sau đó chia sẻ với mọi người. Tôi đi con đường mình muốn đi và làm cho con đường ấy trở thành con đường thú vị và đẹp đẽ nhất có thể. Tôi khao khát chia sẻ những thông điệp về tự do, về tình yêu, về cuộc sống tới thật nhiều người. Tôi không còn sợ hãi bất cứ thứ gì – kể cả cái chết. Tôi nhìn mọi việc, dù tệ đến đâu chăng nữa cũng không còn tức giận, buồn phiền hay nuối tiếc nhưng bằng góc nhìn khác lạc quan hơn, toàn diện hơn và thấu hiểu hơn.
Và tất nhiên khi sống cuộc sống bằng một trái tim ngập tràn yêu thương thì bạn sẽ không cần ai dạy bạn tình yêu là gì hàng tuần nữa. Thế nên nhà thờ đối với tôi không còn nhiều giá trị khi mà tôi có thể biến trái tim mình thành đền thờ cho Jesus. Và vì tôi sống rất hạnh phúc thế nên tôi chia sẻ chúng với mọi người, kể cả chia sẻ những góc nhìn của tôi về tôn giáo, tâm linh; về hội thánh công giáo, nhà thờ và các linh mục; chia sẻ với bạn bè cuộc sống tự do an bình của mình như mỗi sáng thanh thản nghe nhạc thiền và ngồi thiền trên bãi cỏ xanh mướt…
Những thay đổi ấy tính từ lúc bắt đầu xảy ra cho đến giờ chắc cũng đã hai năm rồi.
Và chỉ mới đây thôi ba mẹ tôi mới biết về nó – về việc tôi không chỉ không đi nhà thờ mà còn viết những điều tôi thực nghĩ về nhà thờ, về hội thánh (những điều tiêu cực) và tệ hơn nữa là lại còn ngồi thiền và nghe nhạc thiền – dưới lời của mẹ tôi là nhạc Phật. Và kìa, chẳng ngạc nhiên chút nào, họ nổi giận lôi đình với tôi – họ gọi tôi là đứa con lạc đường phản Đạo. (Thật ra tôi chỉ nói chuyện với mẹ, nên từ họ không chuẩn xác lắm, tôi chưa biết suy nghĩ thật sự của ba tôi)
Hẳn có “kẻ mách lẻo” nào đó đã kể với họ bởi vì cha mẹ tôi là những người chất phác, họ sống một cuộc sống thực mà không biết gì về thế giới ảo của internet cả – tất nhiên họ cũng không hề biết tôi là một người hay viết, trong mắt họ tôi chỉ là một đứa ham chơi nhưng cũng biết làm ăn một chút và biết tự lập – hết.
Mẹ và tôi đã có những cuộc đấu khẩu dài. Trước giờ tôi vẫn thường hay cãi nhau với mẹ bởi vì mẹ tôi là người rất nóng tính và tôi cũng học mẹ ở điểm ấy – tôi cũng rất nóng tính. Mẹ tôi lại là người bảo thủ số một. Nếu như bạn theo đuổi một niềm tin gần như cả đời bạn, tới gần 60 năm và nếu như bạn lại đã già thế thì 99% không cách nào có thể thay đổi suy nghĩ và định kiến của bạn được nữa. Và mẹ tôi cũng vậy. Bà ấy nhắn với tôi sau một cuộc gọi chất vấn dài mà tôi đơn giản để điện thoại ra xa không nghe – tôi đã không cúp máy nhưng cũng không nghe – vì những gì bà nói đối với tôi giờ không còn ý nghĩa nữa. Tôi xin lỗi nhưng đó là sự thật – giống hệt cách các cha sứ giảng trong nhà thờ vậy. Tôi nghe họ giảng và chỉ muốn đứng lên chất vấn mà thôi, mà trong nhà thờ thì bạn không thể làm việc ấy – đó là một trong những lý do tôi không đến nhà thờ. Tôi không muốn nhọc công cãi lại họ ngay trong nhà của họ. Mẹ tôi nói: (thật ra trong buổi nói chuyện này tôi biết mình không thể thay đổi được suy nghĩ của mẹ, nên tôi chỉ muốn nói cho hết suy nghĩ của tôi mà không để ý lắm các lý lẽ “cổ xưa” của mẹ và vì mẹ tôi nhắn tin không dấu nên có đôi chỗ tôi cũng không hiểu lắm)
“Bố mẹ quá thất vọng, không ngờ lại có một người con dám giơ chân đạp mũi nhọn, đầu óc bị tư tưởng lệch lạc của mấy người vô thần tiêm nhiễm. Tuần này là tuần thánh, thứ 5 lễ trọng, thứ 6 ăn chay kiêng thịt 2 đứa thay phiên nhau đi, 2 đứa mà không đi thì cho bố mẹ biết, nếu muốn bỏ đạo thì cũng cho bố mẹ biết luôn.
Bố mẹ sinh con ra không ai muốn con mình phải khổ, cố gắng lao động ngày đêm để nuôi con ăn học bằng bạn bằng bè. Đùng một cái như sét đánh ngang tai thấy con mình lầm đường lạc lối đi chống đối mổ xẻ niềm tin của đấng tạo hóa, đấng đã chịu chết để gánh lấy tội lỗi của con người. Dám chống đối lại dòng họ, bố mẹ, anh chị em cũng vì bị mấy tên vô thần tôn thờ chủ nghĩa duy vật, quay lưng lại với Chúa, người mà sẽ tống con vào lửa luyện ngục đầy nhục hình và sẽ phạt ngay tại đời này, như vậy là quá nguy hiểm và ngu dốt đó con. Con đã vô tình gây ra cú sốc quá lớn cho bố mẹ, 3 ngày nay mẹ đổ bệnh rồi còn bố thì quá chán nản nhưng vẫn một mực khẳng định ‘không đến mức đấy đâu, không có chuyện như vậy đâu’ (ôi bố tuyệt vời của con). Hôm nay về đây rồi mang cho mẹ đống sách mà nó đã làm cho con sa ngã để cho mẹ xem.
Đạo tại tâm ư? Đó mới là thứ đạo làm người mà thôi, chưa đủ làm con thiên chúa đâu, muốn làm con thiên chúa phải tuân phục hội thánh.”
Ôi thật mệt khi phải đọc lại những dòng này và viết lại ra đây, nhưng tôi chỉ muốn cho các bạn thấy một sự thật về bản chất của tôn giáo và của thứ gọi là tình yêu của cha mẹ là như thế nào. Một tình yêu cầm tù và gia trưởng.
Đây là những dòng đáp lại mẹ tôi – mẹ tôi nói rất nhiều nhưng xin phép đăng vài điều căn bản thôi. Tôi không muốn mang mẹ vào quá sâu cuốn tự truyện này vì dù không đồng quan điểm lẫn niềm tin nhưng tôi vẫn luôn yêu mến và tôn trọng bà.
“Con đang sống rất tốt, rất hạnh phúc và ý nghĩa. Ấy thế mà bố mẹ lại thấy thất vọng. Nếu như bố mẹ không muốn con sống hạnh phúc mà chỉ muốn con vâng lời, thế thì con sẽ vâng lời. Con sẽ đi lễ lại nhưng cũng đồng thời sẽ không về nhà bố mẹ nữa. Vì bố mẹ không quan tâm con cái hạnh phúc hay không, bố mẹ chỉ quan tâm bố mẹ có hạnh phúc hay không. Chừng nào bố mẹ vui khi thấy con mình hạnh phúc và sống ý nghĩa thì con sẽ về.
Còn chừng nào bố mẹ hạnh phúc chỉ vì con vâng lời thì con sẽ không về.
Còn hiện tại con đang sống rất tốt mà lại làm cho bố mẹ không vui thì tốt hơn là bố mẹ không nên nhìn thấy mặt con nữa, con có về cũng không vui vẻ gì.
Nếu bố mẹ sợ tội thì để con gánh hết tất cả mọi tội lỗi cho. Con không cần bố mẹ phải chịu trách nhiệm cuộc đời của con nữa.
“Vậy ư? Cái hạnh phúc đời này không tồn tại đâu, vậy là con đã bỏ chúa từ bao lâu nay rồi?”
Con không bỏ Chúa gì hết. Con chỉ là không đi nhà thờ thôi. Chúa không tạo nên nhà thờ. Chúa muốn mọi người sống hạnh phúc và yêu thương nhau. Chúa không cần người ta phải đến nhà thờ để thờ lạy. Mẹ còn không phân biệt được Chúa và Hội Thánh. Hai điều đấy khác nhau. Con đi theo Chúa. Con không cần theo Hội Thánh.
“Nếu hạnh phúc ở đời này mà là vĩnh cửu thì không còn phải bàn cãi nữa nhưng ai cũng phải chết, chết đi về đâu mới là quan trọng hơn tất cả.”
Chúa là con đường. Người ta đi trên đường để đến nơi hạnh phúc, người ta không nên chỉ thờ lạy con đường. Con giờ tôn sùng Chúa Cha, không chỉ mỗi chúa Jesus. Người nào sống trong hạnh phúc thì cũng sẽ chết trong hạnh phúc. Không thể khác được. Chúa cần những đứa con trưởng thành, trách nhiệm, mạnh mẽ. Chúa không cần đoàn con ngu si tối ngày cầu xin cái này cái nọ, đạo đức giả trong nhà thờ.
“Sai lầm rồi nhà thờ là nơi để mình đến thờ lạy, không đến là không yêu kính tôn thờ ngài, đó là chúa, hoàn toàn là con cái của chúa. Không tuân theo luật chúa là phản nghịch, là chống đối, là bề ngoài thôi, chúa cần trong tâm đó.”
Một người đi nhà thờ cả đời mà không yêu thương được những người xung quanh thì không bằng một người không đi nhà thờ nhưng luôn yêu mến tất cả mọi người xung quanh bằng cả trái tim.
Mẹ ghét đạo Phật, mẹ không ưa người theo đạo Phật. Con yêu quý tất cả mọi người bất kể họ theo đạo nào. Mẹ nghĩ Chúa sẽ thưởng cho mẹ vì mẹ ghét đạo khác và Chúa sẽ phạt con vì con yêu mến mọi người à? Chúa mà như vậy thì có thật là Chúa đáng kính đáng tôn thờ không?
Trong tâm con không chống đối một chút nào cả, thậm chí con còn yêu Chúa hơn cả mẹ nữa cơ. Nhưng cái mẹ đang cần không phải là trong tâm, mẹ chỉ muốn con tôn sùng bề ngoài thôi. Đi nhà thờ là 1 việc bề ngoài. Sống tốt mới là cách tôn thờ thật tâm.
Giờ con không nói nữa, giờ mẹ chọn đi. Mẹ muốn con vâng lời hay mẹ muốn con hạnh phúc? Nếu mẹ muốn con sống hạnh phúc thì cứ kệ con làm gì thì làm, con sẽ gánh tất cả tội lỗi cho. Còn nếu mẹ muốn con vâng lời thì con sẽ vâng lời. Con sẽ đi lễ lại nhưng con sẽ không muốn về nhà một chút nào nữa.
“Đúng mẹ không thích đạo Phật nhưng cũng không ghét những người bên lương mà tiếc thay cho họ những người không nhận biết chúa, họ vô tội còn khốn thay kẻ biết chúa mà đi chối bỏ.”
Họ đang tiếc cho sự cao ngạo và độc đoán của mẹ đấy.
“Con phải phục tùng giáo hội bởi vì giáo hội là đại diện cho chúa.”
Nếu Chúa không muốn con có suy nghĩ này thì ngài đã không tạo ra suy nghĩ ấy.
Chúa không tạo ra giáo hội. Giáo hội tự nhận vơ là đại diện. Chúa không hề biết tới sự tồn tại của giáo hội và chúa cũng không cần giáo hội.
Nhà thờ là vô dụng. Chúa Jesus chỉ có một thông điệp là “các con hãy yêu thương nhau như chính thầy đã yêu các con” và hơn 2000 năm qua mà nhà thờ vẫn không làm cho mọi người yêu thương nhau được. Nhà thờ vô dụng con không thích đến nữa. Tự con yêu thương tất cả mọi ngừoi đúng như mong muốn của chúa Jesus rồi.
“Mẹ không cao ngạo không độc đoán, con học cao rồi xét đoán mẹ vậy ư?”
Mẹ xét đoán mọi người trước. Mẹ tội nghiệp người khác tức là mẹ nghĩ mẹ tốt hơn họ. Nhưng trong mắt họ thì họ không cần mẹ tội nghiệp đâu. Cả Phật và Chúa Jesus đều là những người đã giác ngộ ra chân lý. Họ đều đáng kính trọng như nhau. Bao nhiêu con đường cũng dẫn về một cái đích là giúp mọi người sống tốt sống hạnh phúc. Và con đang sống tốt, sống hạnh phúc rồi.
Mẹ chỉ tôn thờ chúa trong nhà thờ, con tôn thờ chúa ở khắp mọi nơi trong cuộc sống. Tại sao mẹ lại nghĩ là con phản đạo? Con sống đạo tốt hơn tất cả những người chỉ thờ chúa trong nhà thờ.
“Nhà thờ là nơi tập trung con cái đến để tôn vinh tôn thờ ngài, còn vẫn dậy các con hãy yêu thương nhau còn loài người thực hiện được hay không thì là do họ chứ, chỉ có thiên chúa là đáng tôn thờ còn tất thảy chỉ là thụ tạo mà thôi không thể đạo nào cũng hoàn toàn giống nhau.”
Con sẽ không nói chuyện nữa. Chừng nào mẹ còn tự cao như vậy.
“Mẹ tự cao chỗ nào?”
Mẹ luôn cho rằng mẹ là đúng còn tất cả đều là sai hết. Đấy là tự cao. Và con sẽ vẫn sống tốt sống hạnh phúc bất kể bố mẹ có thất vọng hay không. Nếu việc con sống hạnh phúc làm bố mẹ thất vọng thì con xin lỗi vậy. Con hết cách rồi.
“Không được, thà móc mắt mà được vào nước trời còn hơn có hai mắt mà ném vào lửa luyện ngục”
Thì bố mẹ cứ vào nước trời đi. Nếu con có bị ném vào luyện ngục thì con chịu. Bố mẹ sẽ không phải chịu đâu. Vì con sẽ nhận tất cả trách nhiệm của tất cả mọi việc con làm. Con sẽ không để bất cứ ai chịu trách nhiệm cho việc làm của con cả. Kể cả bố mẹ.
“Làm gì có chuyện đó, cái gì sai là sai cái gì đúng là đúng, nếu con hỏi tất cả thành viên nhà mình mà ai cũng bảo con đúng thì mẹ ok còn không thì con không đúng, vậy nhé. Hay con xem tất cả đều ngu? Đừng để cáu đến khi nghĩ lại thì đã muộn rồi. Vậy hạnh phúc của con là viết lên những câu chống đối nhà thờ và chúa ư?”
Con không chống đối Chúa. Con chỉ chống lại những cái sai của nhà thờ. Nhà thờ không phải Chúa. Nếu con muộn thì cũng là con chịu cơ mà. Không ai phải chịu thay con hết. Bố mẹ đừng lo. Bố mẹ cứ sống hạnh phúc đi là được.
“Nhà thờ sai những gì? Tầm bậy hết sức tầm bậy. Đó là do con người, không phải do nhà thờ dạy họ, họ ngu vậy không được ơn ích gì. Những kẻ môi mép hay những kẻ yêu mến người mà không phục tùng hội thánh thì đều như nhau.”
Con có thể đi nhà thờ lại cho bố mẹ vui nhưng con sẽ không về nhà nữa. Vậy được chưa. Mẹ hạnh phúc rồi chứ? (Các bạn nên hiểu tại sao tôi cứ hay nhắc đến chuyện về hay không về: tôi ở riêng, có cuộc sosngp tự lập hoàn toàn, chỉ thỉnh thoảng ghé về thăm nhà ba mẹ trong một vài dịp nào đấy. Họ chắc chắn vẫn có cuộc sống tốt đẹp đầy đủ khi không có mặt tôi nhưng tôi biết chắc chắn một điều khác rằng nếu tôi vẫn giữ niềm tin này thì sẽ không thể yên ổn mỗi khi về nhà được, nhất định sẽ có những cãi nhau, những chống đối, những chiến tranh – tôi không giỏi cãi tay đôi càng không thích những điều đó nên tôi không muốn về nhà. Tôi muốn làm rõ với mẹ bằng việc không về nhà đồng nghĩa với tôi sẽ luôn giữ niềm tin của mình, khỏi thuyết phục mất công.)
“Hạnh phúc được sao khi con cái đi sai đường lạc lối làm tay sai cho ma quỷ chứ, thà rằng bị con bỏ rơi bố mẹ chứ bố mẹ không cam tâm con vô lễ với chúa là đấng toàn năng quyền lực có quyền giết chết và cho con sống. Khốn thay cho kẻ nhạo báng và chối bỏ chức linh mục. Mai 2 đứa về ăn mừng lễ rồi đối chất với mẹ.”
Con không về. Chẳng có gì phải đối chất cả.
“Phải nói rõ vì đâu mà chống đối lại hội thánh như vậy. Mẹ cứ nghĩ là chuyện đó chỉ có ở ngoài đời ai ngờ ở ngay trong nhà mình như vậy. Bố bảo nếu 2 đứa cứ ngang bướng thì đóng cửa lại về đây.”
Tôi không trả lời tin nhắn nữa nhưng tự nhiên mẹ tôi lại nguôi giận, bà xuống nước:
“Về ăn mừng lễ đi con gái, nhà mình ăn trưa”
Con tự mừng lễ trong tim rồi. Con sẽ không về! – tôi cũng ngạc nhiên sao nay mình lại cứng vậy.
“Tùy con thôi đó là tự chia rẽ, hoàn toàn không ai bắt buộc”
Con đường nào dẫn tới hạnh phúc thì con đường đó là đúng và đáng để đi. Con đang hạnh phúc trên đường của con nên sẽ chẳng ai bắt buộc được con làm gì cả. Mẹ tin vậy được rồi. Chúc gia đình mình ăn lễ vui vẻ và đừng nhắc tới con trong bữa ăn là được. – và sau đó tôi được biết họ quả không hề nhắc tới tôi, thật hạnh phúc làm sao, có lẽ trong mắt họ tôi là một sự xấu hổ mà họ không muốn nhắc lại nhưng trong mắt tôi – đó là tự do.
“Hạnh phúc là muốn nằm ngang được nằm ngang, nằm dọc được nằm dọc ư? Không được phải trong khuôn khổ, trong phạm vi của loài người”
Nếu vậy mẹ bảo với Chúa đừng nói dối là chúa cho phép con người được tự do.
“Đừng suy luận tầm bậy”
Bất cứ thứ gì nếu đủ tốt đẹp hoàn hảo thì sẽ không bao giờ sợ bị bất cứ ai thắc mắc hay chỉ trích cả. Dù cho đó là một con người, một tổ chức, một lý thuyết hay một niềm tin.
Và tôi phát mệt với việc nhắn tin như thế này, tốn tiền điện thoại quá – nghĩ có lẽ đã đến lúc để làm nguôi cơn giận nên tôi nói:
À mà mẹ này. Tức là như vầy. Tại mẹ chưa hiểu hết thôi. Hội Thánh là con đường dẫn loài người tới chúa Jesus, chúa Jesus là con đường dẫn mọi người tới với Đức Chúa Cha đúng không?
“Đúng rồi”
Giờ con biết con đường đi thẳng tới chỗ Đức Chúa Cha và không cần qua trung gian nữa. Đó là lý do con không cần nhà thờ. Con giờ tôn thờ Đức Chúa Cha luôn. Mẹ hiểu không?
Không phải là phản đạo hay lạc đường gì hết. Mà là một con đường khác nhanh hơn và trực tiếp hơn. Thế thôi ạ! Ai hỏi thì mẹ cứ nói thế. Rằng giờ con tôn thờ Đức Chúa Cha.
“Con không được chống đối hội thánh và phải sống theo đúng luật nữa. Ngồi thiền tốt cho sức khỏe nhưng hầu như đều bị ám ảnh theo đạo vô thần và nhập tâm luôn đó”
Con có con đường của riêng con và trí thông minh của riêng con để xem xét mọi sự, mẹ hay không ai áp đặt được đâu.
“Bố nói cái sai là để cho tụi nó tự lập sớm quá nên giờ mới ngang bướng như vầy. Bố kêu hai chị em đóng cửa nhà lại về nhà này ở.” – Khi mẹ tôi viện đến bố thì tôi biết mẹ rất là đuối lý rồi. Mẹ hay mang bố ra để dọa chúng tôi khi hết cách mà không hề biết đấy là cách dọa tệ nhất bởi lẽ chúng tôi quá yêu quý bố và hiểu bố quá rõ: ông rất tôn trọng, rất hiểu chúng tôi, ông không bao giờ ép buộc chúng tôi làm điều gì và 26 năm trong đời chưa một lần bố đánh chúng tôi một đòn roi nào. Tôi nói:
Không bao giờ. Điều tuyệt vời nhất cho đến giờ là con đc tự lập, đc ở riêng. Nếu có điều gì con biết ơn nhất thì đó là bố mẹ đã để cho con đc tự lập từ sớm.
Sau đây là những câu trả lời khác của tôi khi tiếp tục nói chuyện với mẹ, các bạn đọc câu trả lời này và hình dung câu hỏi nếu muốn, tôi hơi lười viết lại tất cả các lý lẽ của mẹ!
– Con được ngta cảm ơn nhiều lắm đấy. Con nghĩ hiếm có linh mục nào nhận đc nhiều lời cảm ơn như con đâu. Và giúp người khác thì chẳng có tội gì cả.
– Tại sao giúp ngta sống hạnh phúc hơn mà lại gọi là huỷ diệt? Con là tay sai của Chúa cha. Không phải của hội thánh.
– Sao mẹ biết hạnh phúc này chớp nhoáng? Nói thật vs mẹ giờ con giống hệt chúa Jesus rồi. Con có thể ăn chay cả đời, không hại ai, yêu thương tất cả mọi người, lan truyền tình yêu của chúa Cha và cũng không sợ chết tí nào nữa. Và mẹ nghĩ người như vậy là quỷ à?
– Hội thánh chỉ là đại diện, không phải chân lý – mẹ thấy các cặp vợ chồng có cần tìm ông đại diện nhà trai nhà gái lúc cưới để dạy họ cách sống hạnh phúc không?
– Đấy là việc của chúa Jesus. Giờ con đi tự tử và nói là để chuộc tội lỗi cho bố mẹ. Bố mẹ có tin nổi không? Ví dụ ông cố của con phạm tội thì đến khi con ra đời con có phải là tội nhân không? Tại sao một đứa bé trong trắng mới ra đời mà đã bị mắc một tội mà tổ tông adam eva nào đấy phạm phải từ trong truyền thuyết. Có hợp lý không?
– Thế thì mẹ cứ lo cho đời mẹ lên thiên đàng đi. Đời con đến đâu cứ để con lo. Một đứa con trưởng thành nghĩa là sẽ tự chịu trách nhiệm cuộc đời nó.
Và con SỐNG, chứ con không THI để mà cần điểm. (Mẹ tôi bảo cuộc đời là cuộc thi lấy điểm để vào nước trời)
– Mẹ nói thêm câu nữa con tự bỏ nhà đi chỗ khác ở luôn khỏi mất công mọi người phải dùng bạo lực. (Mẹ tôi nói rằng bố nói nếu tôi không chịu về nhà giải trình thì họ sẽ phải dùng biện pháp mạnh bắt tôi về nhà)
– Ok mẹ nói sao cũng được. Vậy đi! (Mẹ dùng những lời rất nặng: Nếu tôi biết được vì đâu mà ra nông nỗi này tôi móc mắt nó, một đứa con ngỗ ngược phỉ báng đấng thay mặt chúa, nghe theo ma quỷ chối bỏ đức tin dòng họ, coi bố mẹ anh em là đầu đất, đừng tưởng mình khôn ngoan)
– Bữa giờ con vốn dĩ đã đi nhà thờ lại. Nay mẹ nói vậy thì chắc là thôi! (mẹ gọi tôi là “đồ ngu làm tay sai của ma quỷ”)
– Mẹ muốn đốt gì con mời mẹ ra đốt. (mẹ nói rằng sẽ ra đốt hết đống sách láo toét của tôi vì nó mà tôi gần mực bị đen)
– Mẹ chỉ đang xin lỗi giả vờ thôi. (mẹ tôi nói xin lỗi vì đã xúc phạm tôi và gọi tôi là tay sai của ma quỷ, mẹ bảo tôi đừng vậy nữa)
– Con nghe nhạc thiền, là nhạc sáo trúc không lời, chẳng liên quan gì tới Phật cả. Mẹ yên tâm. (mẹ tôi nói đừng nghe nhạc Phật nữa không tốt đâu. Và tin nhắn sau cùng mẹ nói tôi đừng làm bố mẹ lo lắng nữa), tôi nói:
– Lo lắng cái gì không biết. Bố mẹ chỉ cần hạnh phúc vì con đang sống rất hạnh phúc và ý nghĩa thôi. Con làm gì thì bố mẹ đừng quan tâm vì con trưởng thành rồi, đâu phải con nít nữa mà lo. Hihi”
Quả là một cuộc nói chuyện không hề kinh điển.
Thật lạ là mấy ngày nay không thấy mẹ tôi nhắn tin nữa, không thấy động tĩnh gì luôn. Dầu vậy, tôi không tin là mình đã thuyết phục được họ. Mẹ tôi có đời sống đạo rất nghiêm túc, bà hát cho ca đoàn, tham gia không sót bất cứ hoạt động nào của nhà thờ; ba tôi một thời gian dài làm ông “trùm” – không giống các ông trùm xã hội đen đâu ạ, tôi cũng không hiểu sao gọi là “ông trùm” nhưng từ này để chỉ những người làm công tác phục vụ cho nhà thờ. Gia đình tôi thậm chí quyên góp một số tiền lớn để xây dựng ngôi nhà thờ mới ngay trong làng – đó là lý do họ có một khuôn mặt, một thể diện cần phải giữ gìn trước những người khác – nhưng xui cho họ, tôi không có!
Tôi yêu quý cha mẹ mình, tôi biết họ đã bị “nhồi” quá lâu những thông điệp một chiều, bị động đầy bạo lực, sợ hãi và yếu đuối của nhà thờ nhưng hiện tại tôi đã đi đến một điểm: họ có thể từ mặt tôi nhưng tôi không thể từ bỏ niềm tin của mình được nữa – hệt như cách mẹ sẽ chấp nhận không thấy mặt tôi cả đời còn lại còn hơn phải thay đổi niềm tin của mẹ. Chúng tôi là hai con người nóng tính và cứng rắn ngang nhau, biết sao được. Đó là một hiệp đấu bất phân thắng bại. Và tôi tuy không thắng nhưng cũng không chấp nhận thua nữa. Khi niềm tin của bạn đủ mạnh bạn không bao giờ bị đánh gục một lần nào nữa kể cả khi cả thế giới không đồng tình với bạn và bạn cũng không hề hoảng sợ hay lo lắng một chút nào kể cả khi cả thế giới quay lưng lại với bạn.
Nhưng các bạn không cần lo lắng cho tôi – vì sự việc không đến mức căng thẳng đâu, đến cuối cùng sự thật sẽ luôn giành chiến thắng. Một lúc nào đấy nếu cần thiết tôi cũng chẳng ngại xuống nước một chút xíu để họ vui lòng – chỉ là không phải hôm nay. Và cái sự xuống nước ấy cũng không có nghĩa tôi sẽ thay đổi niềm tin của mình, chỉ đơn giản là tôi có thể xoay chuyển chúng, biến chúng thành rượu cũ bình mới hoặc bình cũ rượu mới – ôi đau đầu quá tua nhanh khúc này nhé…
Và ấy là lúc tôi nhận ra: trên lý thuyết chúng ta luôn bảo nói rằng chúng ta được trao cho tự do nhưng trên thực tế chúng ta chẳng có một tí-tị-tì-ti TỰ DO nào cả các bạn ạ. Nếu bạn cũng như tôi bạn sẽ thấy:
Đi học – chúng ta không có tự do để nói thích đi học hay không, thích học môn nào hay không thích môn nào; chúng ta cũng không được quyền nói lên ý kiến của mình khi chưa được phép. Giáo viên cũng không tôn trọng chúng ta nhiều lắm, họ cóc quan tâm chúng ta muốn gì, họ chỉ quan tâm họ muốn gì.
Ở nhà – chúng ta cũng không hề có tự do, chúng ta phải sống dưới áp lực làm vừa lòng cha mẹ, thỏa mãn cái tôi của họ về một đứa con ngoan ngoãn; họ cũng không tôn trọng chúng ta qua việc chẳng quan tâm chúng ta muốn gì, chỉ cần điều họ muốn được thỏa mãn, là đủ. (ít nhất trong trường hợp của tôi: mẹ tôi không quan tâm việc tôi sống hạnh phúc và ý nghĩa hay không – bà chỉ quan tâm tôi có nghe lời bà, có là đứa con ngoan đạo hay không)
Ở nhà thờ, hay chùa chiền chúng ta càng không có tự do để có suy nghĩ của riêng mình, tất cả đều bị áp đặt theo những nghi thức khuôn mẫu, những câu kinh sáo rỗng lặp đi lặp lại. Không ai được phép hỏi, không ai được phép thắc mắc, không ai được phép nghi ngờ. Không ai được phép quan tâm tìm hiểu một tôn giáo khác… Thế thì tự do ở đâu? Tôn trọng ở đâu?
Trong xã hội cũng chẳng khá gì hơn, xã hội làm mọi cách biến bạn thành nô lệ và công cụ hữu ích nhất cho đến nay vẫn là thông qua chủ nghĩa tiêu dùng. Toàn bộ cuộc đời bạn được lập trình để sống, làm việc, mua sắm, thi đua và chết – hệt như những con robot. Không ai được dạy cách để sống hạnh phúc, sống ý nghĩa, sống tự lập nhưng ai ai cũng được dạy cách để hơn thua nhau, ghanh ghét nhau và phụ thuộc vào nhau càng nhiều càng tốt. Văn hóa cũng là một công cụ khác của xã hội, nó bảo bạn phải phụ thuộc gia đình, phụ thuộc dư luận, phụ thuộc vào các mối quan hệ xung quanh, phải thế này phải thế nọ phải thế kia… Văn hóa chưa bao giờ hỏi bạn muốn nó thay đổi thế nào, nó chỉ muốn thay đổi bạn, điều khiển bạn.
Tôi nhìn xung quanh, tất cả dường như cũng chỉ là những nô lệ – nô lệ cao cấp. Không ai nhận ra mình đang bị mất tự do nhiều đến thế nào, không ai nhận ra mình là nô lệ bởi vì buồng giam của họ được trang hoàng quá đẹp bởi đủ loại vật chất, danh vọng và cái tôi.
Bạn cũng có thể cho là tôi cứ hay làm quá, quan trọng hóa vấn đề – và bạn đúng. Vấn đề trầm trọng lắm rồi. Chừng nào bạn còn muốn sống hạnh phúc thì bạn không thể duy trì mãi cái xã hội ấy, lối sống ấy. Khắp mọi nơi ai cũng nói về hạnh phúc nhưng không một ai bận tâm đi tìm hạnh phúc hay chỉ nhau cách tạo ra thêm hạnh phúc cho thế giới; ngược lại họ chỉ dạy nhau cách đi tìm tiền, cách làm ra thêm tiền, cách tiêu xài thêm tiền… Làm sao có một thế giới hạnh phúc khi mà không ai bận tâm về nó: nó là gì, tìm nó ở đâu, tạo ra nó như thế nào… những câu hỏi này chẳng ai quan tâm cả vì họ đang bận quan tâm tiền ở đâu, kiếm thêm tiền như thế nào!
May mắn làm sao tôi luôn có con đường riêng của mình. May mắn làm sao tôi thoát được ra khỏi cái hố đen của đám đông để tự mình đi trên con đường mình muốn. Tất nhiên con đường không tuyệt đối dễ dàng, nhưng cho tới giờ, nó hoàn toàn xứng đáng.
Phi Tuyết 21/4/2017