thế giới này không cần nhà tù, nếu…

Nhà tù dùng để làm gì?
Để cách ly những người vi phạm pháp luật tức những người có tội – tội là việc mà họ đã làm gây hại cho người khác hoặc cho xã hội.
Những người từng bị đi tù – tức tù nhân thường bị xem là cặn bã của xã hội, bị khinh ghét và bị xem thường – kể cả khi họ đã chuộc tội của họ bằng khoảng thời gian trong tù – họ vẫn bị khinh ghét.
Vậy nhà tù có là nơi cần thiết không? Có nhất thiết phải duy trì mô hình nhà tù không?
Nếu câu trả lời của bạn là có, hãy khoan, hãy im lặng và suy ngẫm đôi chút.
Bạn có biết tại nhiều nơi trên thế giới nhà tù đã bị bỏ hoang trong nhiều năm vì không có một phạm nhân nào cả? Đó chính là câu trả lời vô cùng sống động và thực tế cho câu hỏi “thế giới có cần nhà tù không?”
Thế giới này hoàn toàn có thể loại bỏ mô hình nhà tù, nếu:

1. Các chính quyền làm tốt nhiệm vụ của họ trong việc: tập trung chú trọng giáo dục nhân cách con người – thay vì chỉ kiến thức khô khan; tạo ra môi trường sống tốt đẹp nơi luôn có đủ công ăn việc làm cho tất cả mọi người, cho người dân công việc để họ lao động nuôi sống bản thân và gia đình, để họ phấn đấu vì tương lai của họ, nếu người ta không quá đói quá khổ thì tội phạm sẽ giảm đi rất nhiều; tập trung vào xây dựng một nền văn hóa tốt đẹp, nhân văn nơi mọi cá nhân đều ý thức quyền và trách nhiệm của họ đối với tập thể, đối với đất nước thay vì chỉ nghĩ cho quyền lợi của riêng mình. Những nước có tỉ lệ tội phạm thấp nhất trên thế giới đa phần đều là những đất nước phát triển, giàu có. Nơi đó con người sống trong nền văn hóa văn minh với tinh thần trách nhiệm cao. Ngược lại, những đất nước có tỉ lệ tội phạm cao nhất đều là những đất nước đói nghèo. Họ đói nghèo nên họ mới phải tìm nhiều cách để sống – phạm tội là một trong những cách đó. Vậy thì làm sao để giảm đói nghèo? Cách thức có mà đầy chẳng qua người ta có muốn làm hay không thôi.
Ví dụ có hai gia đình nghèo sống cạnh nhau, một gia đình vất vả cực khổ chăm chỉ làm việc để thoát nghèo, để giàu có hơn trong khi gia đình còn lại chẳng làm gì mà vẫn sống thoải mái bằng tiền trợ cấp của xã hội thế thì gia đình kia sẽ nghĩ “tại sao tôi phải làm việc? nhìn họ đi, họ chẳng làm việc mà vẫn sống khỏe đấy thôi” thế rồi họ cũng không làm việc nữa mà chỉ ngồi chơi xơi nước chờ sự giúp đỡ. Nghèo cũng có cái hay của nó, là chẳng cần làm việc cũng sống tốt – nhờ sự thương hại của người khác. Và đất nước chúng ta cũng đang sống kiểu gần như vậy. Một năm hàng tỷ đô trợ giúp từ các nước phát triển đồ vào Việt Nam và góp phần tạo ra một đất nước sống khỏe nhờ sự thương hại. Tại sao phải giàu nếu làm việc vất vả mới đủ ăn lại còn đi giúp các nước khác? Chi bằng cứ nghèo mãi.
Tôi không giỏi bàn về các chính sách nhưng nếu tôi có quyền tôi sẽ làm một vài việc như sau:
– miễn visa hoàn toàn không cho tất cả mọi người nhưng ít nhất là cho công dân các nước phát triển để họ tự do ra vào VN thoải mái. Hành động này có thể gây thất thoát một ít thu nhập cho nhà nước nhưng chắc chắn sẽ làm cho toàn bộ nền kinh tế, dịch vụ du lịch của VN khởi sắc. Khách du lịch quốc tế khắp mọi nơi sẽ tạo điều kiện cho người dân sáng tạo ra những loại hình dịch vụ mới với chất lượng cao hơn, hay ít nhất khả năng ngoại ngữ của người dân cũng được cải thiện nhanh hơn vì nhu cầu giao tiếp nhiều đột xuất. Khách du lịch tới VN sẽ mang theo nhiều tiền chi xài lúc này nhiệm vụ của nhà nước là khuyến khích từng địa phương phát triển tiềm năng du lịch họ có sẵn hay khai phá thêm những tiềm năng mới. Mỗi địa phương Việt Nam đều có những địa điểm, những cái hay, những nét văn hóa, ẩm thực đặc sắc mà nếu chúng ta biết khai thác nó sẽ mang lại tiềm năng vô cùng lớn cho cả đất nước.
– bên cạnh du lịch, hãy tập trung nguồn lực để phát triển nông nghiệp cho thật tốt. Vn có niềm năng về nông nghiệp vô cùng lớn, thật tiếc khi nông nghiệp không được quan tâm phát triển đúng cách khiến cho nông sản độc hại TQ tràn ngập thị trường gây ảnh hưởng uy tín của nông sản Việt trên trường quốc tế. Nếu có thể hãy nói không hoàn toàn với thực phẩm từ Trung Quốc, biến toàn bộ đất nước VN thành đất nước của nông nghiệp sạch, xanh, chất lượng thế thì VN không chỉ giàu, mà vô cùng giàu có. Bởi lẽ thế giới không cần nhiều sắt thép cho bằng đồ ăn, luôn là như vậy. Và VN là đất nước nông nghiệp, tại sao không chỉ tập trung cho nông nghiệp mà lại đi đổ tiền bạc vào những ngành công nghiệp vừa độc hại vừa yếu thế như gang thép, hóa chất?
Như đã nói, tôi không rành các chính sách để làm cho đất nước này phát triển cái vù nhưng tôi tin con người Việt Nam rất giỏi. Nếu người dân có được quyền đưa ra những ý kiến, những suy nghĩ của họ để làm cho đất nước giàu hơn, hoặc kêu gọi sự đóng góp chất xám từ những người Việt trên khắp thế giới về xây dựng đất nước – thế thì tôi tin đất nước mình sẽ thay đổi sẽ chuyển mình rất nhanh thôi.
– một đất nước phát triển là nhờ đất nước ấy có nhiều ý tưởng mang lại thay đổi, cách duy nhất để người ta đưa ra những ý tưởng là hãy khuyến khích những ý tưởng mới càng nhiều càng tốt – khuyến khích mọi thể loại ý tưởng bất kể chúng đến từ đâu và nghe có vẻ điên rồ như thế nào. Để khuyến khích người ta sáng tạo thì đất nước ấy phải tạo ra một môi trường tự do cho người dân được thoải mái thể hiện quan điểm của họ, suy nghĩ của họ, cách nhìn của họ. Và việc đề cao sáng tạo ý tưởng, thay vì kiến thức cũ kĩ phải được nhấn mạnh trong mọi lĩnh vực: kinh doanh, văn hóa, đặc biệt là mọi cấp bậc giáo dục. Giáo dục là cái nôi tạo ra con người. Hãy đổi mới toàn bộ cách tiếp cận, nội dung lẫn cách thức giáo dục nhằm tạo ra những con người mới: can đảm, sáng tạo, trách nhiệm… thế thì từng lớp từng lớp người ấy sẽ là những bậc thang đưa đất nước lên cao.

Nhà tù sẽ chỉ còn là một tàn tích, một nơi vắng bóng tù nhân nếu như người ta được giáo dục tốt, được trao cho những công ăn việc làm tốt, được có những cơ hội để trở thành một người mang lại thay đổi: thay đổi đời họ, gia đình họ, xã hội họ đang sống và sau cùng là cả thế giới.

Tất nhiên đây chỉ là những việc làm để giảm thiểu tối đa khả năng phạm luật của một người. Trên thực tế sẽ luôn luôn và luôn luôn có những người vượt giới hạn, vượt qua những quy tắc chung để làm theo ý họ, đôi khi những người vượt giới hạn ấy giúp mang lại sự thay đổi lớn lao và quan trọng; nhưng cũng đôi khi sự vượt giới hạn của họ làm phương hại đến quyền lợi của người khác – thế giới sẽ luôn luôn tồn tại những người như vậy. Thế thì nảy ra lý do thứ hai cho câu hỏi “Thế giới có cần nhà tù không? Khi mà luôn có những kẻ đáng bị trừng phạt vì thói vô trách nhiệm làm ảnh hưởng xấu tới người khác?”

Câu trả lời của tôi vẫn là “KHÔNG”

2. “Thế giới không cần nhà tù để trừng phạt những kẻ phạm lỗi, thay vì vậy hãy dùng những hình phạt nhân văn hơn, ý nghĩa hơn, hiệu quả hơn”

Giam cầm một người là việc làm vô nghĩa, vừa phí sức lao động của người đó vừa lãng phí nhân lực tài lực để canh giữ họ. Thay vì vậy hãy nghĩ ra những cách khác để tận dụng thời gian của họ và trao cho họ những công việc “nhân văn” hơn – loại công việc khiến họ phải thay đổi suy nghĩ từ đó thay đổi cách hành xử của họ sau này.
Có một số công việc rất đáng làm như là:
– chăm nuôi người già, người đau ốm bệnh tật, kể cả các bệnh nhân tâm thần, bệnh nhân bệnh nặng trong các trại, viện dưỡng lão, bệnh viện
– trồng rừng, phủ xanh đồi trọc, dọn dẹp bãi biển, dọn rác cho các khu đô thị
– mỗi người đều có một năng lực riêng, kể cả khi họ là tù nhân – có người sẽ rất giỏi vẽ, giỏi hát, giỏi thể thao, giỏi nấu ăn… hãy tạo điều kiện cho các tội nhân vừa làm việc phục vụ xã hội vừa tận dụng được năng lực của họ. Họ có thể nấu ăn cho các tổ thức phát cơm cháo từ thiện, dạy trẻ mồ côi vẽ, hát, chơi thể thao…
– hay thậm chí có thể mang các tội nhân đi về các vùng nông thôn để họ làm những công việc đồng áng giúp người nông dân, xây dựng cầu cống, trường học, làm đường xá…
– nếu như mô hình nhà già – nhà trẻ mà tôi có đề cập trước đây được triển khai thì các tội nhân hoàn toàn có thể làm việc tại đó: họ sẽ chăm sóc những người già cả và cả chăm nom những đứa trẻ nữa. Nếu chúng ta trao cho họ trách nhiệm để họ phấn đấu thì tốt hơn là cách ly họ khỏi toàn bộ trách nhiệm.
– nếu những người cứ tái phạm tội hoài hay phạm những tội rất nguy hiểm thì có thể cách ly họ nhưng không phải sau xong sắt nhà tù nhưng là trên một hòn đảo nào đó. Hãy gom những người đó ra một hòn đảo và giao cho họ làm cho hòn đảo ấy xanh hơn, đẹp hơn hoặc giao cho họ chăm nuôi một đàn chó mèo hoang trên đảo ấy :))
Tôi là một người thuộc về tương lai, thuộc về những ý tưởng nên tôi có thể nói bất cứ điều gì dù cho nó chưa xảy ra hay khó xảy ra. Tôi không phụ thuộc vào quá khứ và càng không muốn mang những định kiến của quá khứ áp vào tương lai. Bạn có thể nói những ý tưởng của tôi là điên rồ và nhảm nhí, không sao cả. Hãy xem đây như một trò chơi nhằm mở rộng giới hạn của tâm trí – hãy nghĩ về những thứ chưa ai từng nghĩ, hãy mơ về một thế giới chưa ai từng mơ – không ai có thể ngăn cản bạn cả.
Như đã nói, thế giới thay đổi nhờ vào những ý tưởng mới chứ không phải những định kiến cũ kĩ. Hãy nghĩ về điều đó.
Sau đây tôi bổ sung thêm vài ý tưởng điên rồ về những hình phạt dành cho những người tội nhân mà tôi chợt nảy ra, bạn cũng có thể đóng góp ý tưởng nếu bạn muốn – sau bài viết này:
– hình phạt “100 lời cảm ơn” – người tội nhân phải làm những việc tốt mà anh ta có thể sao cho thu thập đủ 100 lời cảm ơn chân thành từ 100 người khác nhau thì coi như bù xong tội.
– trồng cho mỗi khu phố một vườn hoa và chăm sóc vườn hoa đó
– vận động người dân trong thành phố góp tiền xây dựng những thư viện cho trẻ em, vận động trẻ em đến đó đọc sách vui chơi và chịu trách nhiệm coi sóc thư viện đó trong khoảng thời gian bị phạt (3 năm – 5 năm – 10 năm)
– đi xin các nhà tài trợ tiền viện phí cho 10 bệnh nhân nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn.
– trồng và chăm sóc 100 cây xanh cho một con đường được quy định
– …

Cả tỉ việc người ta có thể làm để tận dụng sức lao động của những người tù nhân vào mục đích nhân văn và ý nghĩa hơn thay vì chỉ giam họ sau xong sắt và bắt làm những công việc sản xuất hàng hóa.
Hãy trao cho họ những việc làm mà từ đó giúp họ có giá trị hơn với cộng đồng, trách nhiệm hơn với cộng đồng và đặc biệt tạo điều kiện cho họ hòa nhập lại với xã hội với những phẩm giá của con người tự do.

3. Bạn có nhớ câu chuyện “kết bạn với một tên trộm” của Osho mà tôi từng đăng tải không?
Osho kết bạn với một tên trộm khét tiếng và suốt ngày mời anh ta đến nhà chơi đến nỗi cha của ông đã phải lên tiếng cảnh báo. Osho nói “Tại sao cha lại tin anh ta mà không tin con? Con mới là con của cha cơ mà?” Cha ông ấy nói “Con đang nói kiểu lí lẽ gì vậy?” osho nói “Tại sao cha luôn sợ anh ta sẽ gây ảnh hưởng xấu lên con mà không tin rằng chính con sẽ gây ảnh hưởng tốt lên anh ta? Cha thậm chí không tin tưởng con chút nào như vậy sao?”
Và sau đó, sau một thời gian dài đối xử với tên trộm bằng sự tôn trọng và tin tưởng thì một ngày tên trộm nói “Tại sao cậu lại vì tôi mà chống lại cả gia đình? Cậu không cần đối tốt với tôi như vậy, thật ra chính sự đối xử tốt của cậu mà giờ tôi gặp rắc rối to: tôi không thể đi ăn trộm nữa vì niềm tin cậu đặt ở tôi quá lớn, nhưng tôi cũng không thể làm gì khác được vì không ai lại đi thuê một tên tù phạm tội trộm cắp để làm việc cả. Tôi trở thành vô dụng mất rồi”. Sau khi nghe vậy Osho đã đến chỗ cha ông ấy và nói “Cha hãy thuê anh ta, hãy giao cho anh ta một công việc, nếu không ai chịu thuê anh ta thì anh ta sẽ phải đi ăn trộm lại, và khi đó việc anh ta trở lại nhà từ là lỗi tại cha, cha phải chịu trách nhiệm về việc đó.” Thế là cha của Osho đã nhận tay trộm đó vào làm việc và anh ta đã trở thành một người công nhân làm việc tốt nhất, chăm chỉ nhất, cần mẫn nhất và trung thực nhất mà ông từng thấy.
Osho rất có lý khi nói “cái xã hội này nên chịu trách nhiệm với việc người ta phạm tội và tái phạm và lại vào nhà tù. Bởi vì khi một người ra khỏi nhà tù anh ta không được trao cho bất cứ cơ hội nào để làm lại cuộc đời cả, thế thì việc phạm tội lại sẽ là tất nhiên.”

4. Tiếp theo là đoạn trích vô cùng giá trị từ cuốn sách “đối thoại với Thượng đế” nổi tiếng khắp thế giới

“- Địa cầu trong hình dáng hiện tại là do các ngươi – do những gì các ngươi đã chọn làm và không làm. Cuộc đời của các ngươi ra như hiện tại cũng là do các ngươi – do những gì các ngươi đã chọn làm và không làm.
– Nhưng tôi đâu có chọn để bị cướp bóc, bị kẻ điên cuồng nào đó cưỡng bức…
– Ngươi là toàn bộ nguyên nhân gốc rễ cho các điều kiện xảy ra. Những hoàn cảnh ấy tạo ra ham muốn trong tên cướp, hay nhu cầu cướp đoạt của hắn. Các ngươi đã tạo ra ý thức khiến cho việc cưỡng hiếp xảy ra. Chính khi các ngươi thấy nguyên nhân bắt đầu từ chính mình thì các ngươi mới có thể bắt đầu chữa lành và thay đổi các điều kiện mà tội ác kia xảy ra.
Hãy cho người đói miếng ăn và trao cho người nghèo phẩm giá xứng đáng của họ. Hãy tạo cơ hội cho những người kém may mắn. Hãy chấm dứt những thành kiến đã làm cho đám đông bị rối loạn và giận dữ. Hãy dẹp đi các cấm đoán hạn chế vô ích của các ngươi về tính dục – thay vào đó hãy giúp người khác hiểu cho đúng về sự kì diệu của nó, và dẫn dắt nó sao cho phù hợp. Hãy làm các điều ấy và các ngươi sẽ tiến đi một bước dài hướng về việc chấm dứt mãi mãi nạn cướp bóc và hãm hiếp…”

5. Sâu hơn một chút về hướng tâm linh và bản chất, thay cho lời kết: tất cả chúng ta đều đang là những tù nhân, nhà tù thay đổi từ một căn phòng nhỏ sang một trái đất bao la nhưng bản chất tù nhân của chúng ta, của cả nhân loại vẫn chưa từng thay đổi. Song sắt và bốn bức tường được thay thế bởi tiền bạc, vật chất, danh vọng, quyền lực… Chúng ta không hề tự do như chúng ta tưởng. Nhân loại chỉ có một số ít người đã đạt đến tự do thật sự và họ vẫn luôn làm mọi cách có thể để hướng dẫn chúng ta thoát khỏi kiếp nô lệ để đến với tự do. Vấn đề chỉ là chúng ta có nhận ra họ không? có quan tâm đến tự do không? có muốn thoát ra khỏi nhà tù không mà thôi.
Và một khi có thể thoát ra khỏi nhà tù tâm trí rồi thì không nhà tù nào có thể giam hãm chúng ta được nữa, nếu có cũng chỉ có thân xác là bị giam hãm thôi và thân xác thì trước sau gì cũng chết, sao phải bận tâm quá nhiều?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *