Sự khác biệt và tiến bộ của nền giáo dục Phần Lan

Những điều khiến nền giáo dục Phần Lan đứng đầu thế giới

Theo cuộc nghiên cứu kéo dài 3 năm của tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, học sinh Phần Lan đạt tiêu chuẩn tri thức cao nhất trên thế giới. Các em đọc nhiều sách hơn một cách rõ rệt so với học sinh những quốc gia khác, xếp hạng nhất về bộ môn khoa học, hạng năm về toán học. Khác với nhiều nước, giáo dục ở Phần Lan gồm 2 giai đoạn, tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 6) và trung học (từ lớp 7 đến lớp 9). Lớp 10 được thành lập riêng cho những học sinh muốn cải thiện điểm số.

Dưới đây là những điều làm nên nền giáo dục phát triển rực rỡ ở Phần Lan.

1. Bình đẳng
– Bình đẳng giữa các trường: Tất cả các trường đều được tài trợ cơ sở vật chất và trang thiết bị như nhau. Hầu hết các trường công lập đều giảng dạy cùng một giáo trình. Ngoại trừ một số trường bán công lập dạy bằng tiếng Anh, tiếng Đức hoặc tiếng Pháp, còn lại người Phần Lan luôn muốn bảo tồn ngôn ngữ của đất nước mình. Họ dạy tiếng Thụy Điển dùng làm ngoại ngữ thứ hai hoặc tiếng Sami, một dân tộc thiểu số ở Phần Lan.
– Bình đẳng giữa các môn học: không môn nào được ưu tiên hơn các môn khác.
– Bình đẳng giữa phụ huynh: Giáo viên không được phép biết nghề nghiệp của phụ huynh học sinh.
– Bình đẳng giữa học sinh: Học sinh không được chia thành lớp chọn hay lớp thường, cũng không chia theo khối. Không có học sinh ngoan hay học sinh cá biệt, tất cả đều phải trải qua những thách thức về thể chất và trí tuệ như nhau. Nguyên tắc cơ bản của một giáo viên là đối xử với học sinh với thái độ khách quan, công bằng.

2. Học sinh được hoàn toàn miễn phí
Không chỉ học phí, học sinh không phải chi trả cho những khoản sau đây:
– Bữa trưa.
– Các tour du lịch, tham quan bảo tàng, hoạt động ngoại khóa.
– Xe buýt đưa đón nếu nhà cách trường hơn 2km.
– Sách giáo khoa, tài liệu học tập, máy tính, máy tính bảng. Phụ huynh không được mua cho con dụng cụ riêng.

3. Tiếp cận từng cá nhân
Chương trình học được thiết kế để có thể tiếp cận với từng học sinh. Từ sách giáo khoa, sách thực hành, bài tập về nhà và bài giảng trên lớp đều được chọn lựa và phân loại sao cho phù hợp với từng học sinh. Ngoài ra, nhà trường có những lớp phụ đạo và gia sư kèm cho những học sinh cần cải thiện thành tích.

4. Không có những kỳ thi
Người Phần Lan có câu nói: “Nếu phải chọn lựa giữa chuẩn bị hành trang cho cuộc sống hay cho những kỳ thi, tôi chọn điều thứ nhất”. Đó là lý do không có kỳ thi nào trong những trường học ở Phần Lan. Giáo viên sẽ tự quyết định thời điểm tiến hành các bài kiểm tra. Chỉ có một kỳ thi duy nhất là bài thi viết để xét tiêu chuẩn tốt nghiệp trung học. Không có một lớp ôn luyện nào trước kỳ thi.
Trường học là nơi đào tạo những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Sau khi tốt nghiệp, trẻ em Phần Lan sẽ biết cách trả tiền thuế, lập trang web quảng cáo, tính phần trăm chiết khấu hoặc vẽ bản đồ.

5. Tin tưởng
Mọi mối quan hệ trong trường học đều được xây dựng trên cơ sở niềm tin. Giáo viên không kiểm tra đột xuất cũng không áp đặt luật lệ cho học sinh. Hệ thống giáo dục chỉ đưa ra những đề xuất chung và giáo viên sẽ chọn áp dụng một trong số đó. Học sinh được quyền tự do làm việc mình thích trong yên lặng nếu đã xong bài tập hoặc cảm thấy bài giảng là vô bổ. Họ quan điểm rằng học sinh luôn tự biết điều gì là tốt nhất cho mình.

6. Sự tự nguyện
Không thể tiếp thu kiến thức một cách ép buộc. Mọi giáo viên sẽ cố gắng khuyến khích học sinh học tập, nhưng nếu học sinh đó không muốn học hoặc không có khả năng học, họ muốn tập trung tìm kiếm một công việc thực tế hơn, giáo viên sẽ không vì thế mà liên tục cho học sinh đó điểm thấp. Việc học lại một năm cũng không phải điều đáng xấu hổ nếu nó cần thiết cho tương lai.

7. Chú trọng tính độc lập thay vì kiến thức
Giáo viên không dạy học sinh quá nhiều kiến thức mà dạy phương pháp ghi nhớ cũng như cách tự mình suy nghĩ, phân tích, tìm kiếm thông tin từ những nguồn bên ngoài lớp học, đặc biệt là internet.

Ngoài 7 nguyên tắc trên, giáo dục Phần Lan không chấm điểm học sinh từ lớp 1 đến lớp 3. Các trường đều có một hệ thống bảng điện từ gọi là Wilma, giúp giáo viên, viên chức, bác sĩ, nhà tâm lý học có thể phản hồi về học sinh và liên lạc với phụ huynh. Không có học sinh nào sợ nhận điểm xấu ở Phần Lan. Lớp học là nơi khuyến khích trẻ, không phải nơi răn đe trẻ. Tiền lương và danh tiếng của giáo viên cũng không phụ thuộc vào thành tích của học sinh.

Khuôn viên nhà trường không có rào chắn. Học sinh được tự do ngồi trên sàn hoặc thảm cỏ, cũng không có quy định nào về đồng phục. Khi thời tiết đẹp, các lớp học sẽ diễn ra ngoài trời. Học sinh trung học được phép ra khỏi trường trong giờ nghỉ trưa.

Hầu như không có bài tập về nhà , vì thế trẻ em được tận hưởng thời gian vui chơi giải trí sau khi kết thúc giờ học. Giáo viên cũng khuyến khích các bậc phụ huynh không nên kèm con học, thay vào đó nên đưa bé đi tham quan triển lãm, đi dạo hoặc đi bơi.

Người Phần Lan không cho rằng hệ thống giáo dục của mình là hoàn hảo, vì thế họ không ngừng nghiên cứu và cải thiện cho phù hợp với những thay đổi của xã hội. Người Phần Lan làm những gì họ cho là tốt nhất cho con cái mình. Trẻ em không ghét trường học, không bị áp lực về điểm số hay thành tích. Các em giành nhiều thời gian tận hưởng cuộc sống ngay cả trong việc học tập.

8. Tầm quan trọng của giáo viên – coi giáo viên là nhà khoa học.

Bắt đầu từ những năm 1970, người Phần Lan đã tiến hành đổi mới việc tuyển chọn và đào tạo những giáo viên tương lai của họ. Đây là một bước căn bản trong quá trình cải cách giáo dục. Tất cả giáo viên đều phải có bằng thạc sĩ và tất cả phải được đào tạo trong cùng một chương trình đào tạo chất lượng cao. Nơi mà người ta không chỉ học mấy khóa học vớ vẩn về lịch sử và học thuyết giáo dục. Họ học những khóa học với nội dung giúp họ chuẩn bị tới một mức độ cao về mặt tri thức trong lớp học. Và ngoài ra, khác với nền giáo dục của các quốc gia khác về giảng dạy, Phần Lan định nghĩa sự chuyên nghiệp trong giáo dục là làm việc tập thể hơn. Họ dành cho giáo viên thời gian trong trường học hàng ngày và hàng tuần để làm việc cùng nhau, để nâng cấp chương trình học và các bài giảng cùng nhau, chia sẻ với nhau mọi kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ.
Kể từ đó dạy học trở thành một nghề được tôn trọng nhất trong xã hội, không được trả lương cao nhất nhưng cao quý nhất. Họ đã tạo ra một mức độ chuyên nghiệp rất cao trong nghề giáo để họ có thể hoàn toàn tin tưởng vào các giáo viên của mình. Khẩu hiệu ở đây là: “Niềm tin thông qua sự chuyên nghiệp”. Giáo viên trở nên như những nhà nghiên cứu khoa học và lớp học là phòng nghiên cứu của họ.

Ở Phần Lan, giáo viên là những chuyên gia đáng tin cậy và được ngưỡng mộ nhất sau bác sĩ. Họ cho rằng “Nhiệm vụ của người lớn là bảo vệ trẻ em khỏi các chính trị gia. Chúng ta phải có trách nhiệm đúng đắn và yêu cầu những nhà kinh doanh tránh xa khỏi môi trường giáo dục”.

Các giáo viên tại đây không bị phụ thuộc vào các giáo án hay những mẫu bài giảng rập khuôn mà thay bào đó, họ có thể tự do cải tiến và sáng tạo cách dạy để phù hợp với môn học và kiến thức giảng dạy.

9. Môi trường giáo dục không áp lực

Ở Phần Lan, trẻ em không được học chính thức cho đến khi 7 tuổi. Cho đến lúc đó, nhiều trẻ em được gửi vào lớp chăm sóc ban ngày và học qua các trò chơi, bài hát và trò chuyện. Hầu hết trẻ em đi bộ hoặc đạp xe đến trường cho dù còn rất nhỏ tuổi. Thời gian học ở lớp ít và dường như không có bài tập về nhà.

Các trường ở Mỹ đang cắt giảm giờ nghỉ của trẻ. Trái ngược với Mỹ, cứ mỗi một tiếng, học sinh Phần Lan luôn có 15 phút chơi tự do ngoài trời. Không khí trong lành, thiên nhiên và hoạt động thể chất thường xuyên được coi là năng lượng cho việc học. Theo châm ngôn Phần Lan: “Không có thời tiết xấu, chỉ có quần áo không đủ”.

Phần Lan không lãng phí thời gian và tiền bạc vào các bài kiểm tra tiêu chuẩn dày đặc nhưng không đem lại kết quả. Thay vào đó, trẻ em được đánh giá mỗi ngày qua quan sát trực tiếp, đăng ký và các câu đố. Trong lớp, trẻ được vui chơi, cười đùa và mơ mộng cả ngày. Người Phần Lan luôn nói: “Hãy để trẻ em là trẻ em”, “Công việc của một đứa trẻ là chơi đùa”, “Trẻ em học tốt nhất qua việc chơi”.

Không khí lớp học luôn là ấm áp, an toàn, tôn trọng và hỗ trợ. Không có một bài học được viết trước hay những yêu cầu chuẩn mực như đi trên một đường thẳng hay ngồi thẳng lưng. Một sinh viên kiêm giáo viên Trung Quốc học ở Phần Lan đã làm ông Doyle ngạc nhiên: “Trong trường học Trung Quốc, bạn sẽ cảm thấy như đang ở trong quân đội. Còn ở đây, bạn cảm thấy mình là một phần của một gia đình tuyệt vời”.

Các trường học ở Phần Lan được đầu tư và trang bị kỹ lưỡng: các giáo viên có trình độ, uy tín cao, và chuyên nghiệp; quy mô lớp học vừa phải; giáo trình phong phú và chính xác; hoạt động thể chất thường xuyên; rất ít hoặc không có các bài kiểm tra tiêu chuẩn không đem lại kết quả; không có thời gian và năng lượng bị lãng phí hay độc hại. Học sinh được đánh giá hàng ngày từ giáo viên; không khí lớp học an toàn, hợp tác, ấm áp và tôn trọng dành cho trẻ.

10.

Vào đầu những năm 1970, Phần Lan có một hệ thống giáo dục bị xuống cấp trầm trọng và một nền kinh tế lâm nghiệp dựa vào một sản phẩm duy nhất – gỗ, và họ cứ thế chặt cây xuống với một tốc độ chóng mặt. Lúc đó họ nhận ra rằng chặt gỗ chẳng thể đưa họ đi tới đâu nên họ đã quyết định thay đổi hoàn toàn hệ thống giáo dục của mình nhằm tạo ra một nền kinh tế tri thức thực sự.
và ngày nay Phần Lan được xếp hạng cao nhất trên thế giới về cải tiến, khởi nghiệp và sáng tạo.

– Khi đạo diễn Michael Moore viếng thăm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, điều bà nói khiến mọi người đều kinh ngạc, bà chỉ ra rằng lý do lớn nhất cho sự thành công của giáo dục Phần Lan là: “Trẻ em của chúng tôi không cần giao bài tập”. Họ tin rằng trẻ em nên được hưởng thụ thời thơ ấu của mình, tìm hiểu làm thế nào để tận hưởng cuộc sống.
Đạo diễn sốc hỏi: “Các em không làm bài tập về nhà của họ, sau đó chúng sẽ làm gì? Chẳng phải sẽ đi leo cây?”. Một giáo viên tiểu học trả lời: “Nếu các em muốn leo lên cây, để cho chúng leo lên đó! Vì khi leo cây, trẻ em có thể nhìn thấy côn trùng chưa từng thấy, ngày hôm sau đi học có thể chia sẻ với giáo viên.”

– Vào một ngày cuối tháng 11/2015, ông Doyle nghe thấy một tiếng động mạnh bên ngoài cửa sổ văn phòng giảng viên và gần khu vui chơi ngoài trời. Ông đã ra đó để tìm hiểu.
Sân chơi tràn ngập trẻ em. Chúng đang thưởng thức những bông tuyết đầu tiên của mùa đông. Người phụ trách giờ giải lao, một giáo viên đặc biệt, trong bộ áo khoác bảo hộ màu vàng hỏi ông: “Ông nghe thấy chứ?”. Và rồi cô tự hào trả lời: “Đó là âm thanh của hạnh phúc”.

– “Hãy học hỏi Phần Lan, quốc gia có nhiều trường tốt nhất và nền giáo dục ở đó có nhiều điểm khác biệt với Mỹ”, Howard Gardner, chuyên gia giáo dục của Harvard từng khuyên người Mỹ.
Theo lời khuyên của Gardner, William Doyle, người giành được học bổng Fulbright khóa 2015-2016 và là giảng viên về truyền thông giáo dục tại Đại học Đông Phần Lan, đã đăng ký học cho con trai 7 tuổi vào trường tiểu học Joesuu. Và ông Doyle đã không phải thất vọng. Chỉ mới 5 tháng, gia đình ông đã được trải nghiệm hệ thống giáo dục “tuyệt vời và không áp lực”.

Một buổi tối, ông Doyle hỏi con trai về những gì cậu bé đã làm vào giờ thể chất hôm đó và nhận được câu trả lời: “Chúng con được đưa vào rừng với một tấm bản đồ và la bàn. Chúng con phải tìm đường ra”.

Chính sách giáo dục học Phần Lan là “Lấy trẻ em làm trung tâm”, học sinh có thể thảo luận với các kiến ​​trúc sư để thiết kế cơ sở vật chất cần có những gì mà các em kỳ vọng, giảm thiểu những quy định cứng nhắc.

“Khi học sinh có thời gian để vui chơi, cùng học tập đạo lý làm người, các em sẽ có một nhân cách hoàn thiện và hạnh phúc.” Giáo viên Phần Lan cho biết họ chú ý hơn đến giáo dục nhân cách của học sinh, hy vọng mỗi cá nhân có thể học cách tôn trọng người khác, chăm sóc chính mình, sức ép học tập quá mức trái lại sẽ kìm hãm sự phát triển của trẻ.

Phương pháp giáo dục của Phần Lan đã tạo cảm hứng cho nhiều người trên thế giới.

Toàn bộ thông tin trong bài đăng này đều được tổng hợp từ google- nhưng mà này bạn có nghĩ giống mình không: VN thay vì cứ đi copy sự tiến bộ trong giáo dục của các nước khác mỗi nơi một tý hoặc thay vì các Ngài công chức trong bộ giáo dục tốn chất xám nghĩ ra cả đống ý tưởng sáng tạo giá trị ngang tầm vứt sọt rác như vẫn thấy bữa giờ… nếu họ chỉ làm 1 việc đơn giản: cứ mạnh dạn copy 100% từ nền giáo dục tiên tiến nhất mà áp dụng thế thì có phải đỡ bao nhiêu công sức suy nghĩ và tiết kiệm được biết bao nhiêu công sức lẫn nguồn lực không?

Bonus thêm cho các bạn một bộ phim tài liệu khá chi tiết về nền giáo dục Phần Lan

Xin lỗi vì mình chưa có thời gian xem và sub lại – cứ đăng đã.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *