Mỗi khi tết đến gần là mọi người lại tranh cãi nhau về ý tưởng nên gộp tết cổ truyền vào tết dương lịch hay không. Cuộc chiến ấy ngày càng gay gắt và khiến cho dân tộc ta vốn đã không mấy đoàn kết lại càng thêm chia rẽ sâu sắc.
Liệu có ý tưởng nào dung hòa được cả hai phe tranh cãi? Tôi xin đưa ra ý tưởng của mình: Đừng bỏ tết nhưng thay vào đó, hãy bỏ hết những tiêu cực của ngày tết.
Những tích cực của ngày tết
Tết là thời gian mọi người nghỉ ngơi sau một năm lao động làm việc hăng say miệt mài. Là thời điểm đoàn tụ sum họp của bao gia đình trên khắp đất nước. Là lúc người ta được thể hiện bản thân mình với mọi người xung quanh, thể hiện sự quan tâm của mình đến những người thân, bạn bè, gia đình…
Gì nữa nhỹ? Tôi đã suy nghĩ rất nhiều nhưng bản thân tôi cũng đã rất ngạc nhiên khi không tìm thêm được lý do nào thể hiện sự tích cực của ngày tết nữa. Thôi thì nói qua tiêu cực vậy.
Những tiêu cực của ngày tết
Đầu tiên và rõ ràng nhất, là sự lãng phí. Quan niệm cổ hũ rằng ngày đầu năm mọi thứ phải dư đầy để cả năm sung túc đã khiến chúng ta mua đồ ăn thức uống cho ngày tết vô tội vạ, lãng phí một cách không cần thiết. Thực phẩm cho ngày tết thường là những thứ đắt tiền nhưng vì quá thừa mứa nên không chỉ không mang cảm giác ngon miệng mà thậm chí còn khiến nhiều người cảm thấy sợ hãi mỗi khi nhìn thấy đồ ăn. Sau những ngày ăn uống no say rất nhiều người sẽ phải nghĩ tới chuỗi ngày kiêng khem giảm cân lấy lại vóc dáng. Như vậy, ăn uống dư thừa để làm gì?
Bên cạnh đồ ăn thức uống thì tiền bạc cũng là thứ một mặt thì lên ngôi nhưng mặt khác lại bị lãng phí hơn cả. Người ta ném tiền vào những trò chơi đỏ đen ở khắp nơi, ban đầu là cho vui, sau đó là cho bỏ tức rồi sau nữa nhiều người bị mất rất nhiều tài sản họ tích cóp bao năm vào trong các chiếu bạc. Ngày thường cờ bạc thường bị lên án nhưng trong ngày tết chẳng hiểu tại sao nó lại trở thành một thứ không thể thiếu và được mặc nhiên thừa nhận như thể một thứ hợp pháp công khai.
Chưa hết, người ta lại “ném” tiền vào những người xung quanh để mua sự vui vẻ và quan tâm. Ngày tết, người ta biến tiền thành quà cáp, thành sự hối lộ, thành thể diện, thành sự nuông chiều làm hư con trẻ. Ngày xưa tết được biết đến là ngày trẻ con khoe nhau áo mới nhưng ngày nay thứ duy nhất mà trẻ con quan tâm dường như chỉ là tiền lì xì: ai được nhiều tiền lì xì hơn, ai là người lì xì nhiều nhất trong dòng họ, ấy mới là thứ đáng bận tâm nhất.
Điều quan trọng thứ hai, tết ngày càng trở nên dịp để người ta phô diễn những thứ giả tạo, hình thức. Ai cũng phải cố tỏ ra mình đẹp nhất, giàu có thành đạt nhất, vui vẻ nhất nhưng sâu trong thâm tâm bao nhiêu người thật sự hạnh phúc như vẻ ngoài của họ?
Nhìn sâu hơn, tết là ngày của lòng lam. Lòng tham ấy thể hiện qua việc người ta mong cầu và chúc nhau đủ thứ cho mình và cho người thân trong những ngày này. Lòng tham này là thứ rất tinh tế. Nó được thể hiện qua những lời cầu chúc đẹp đẽ nên chẳng mấy ai nhìn ra được. Dường như chẳng mấy ai nhân ngày tết để nhìn lại những gì mình có mà thể hiện lòng trân trọng, biết ơn tới cuộc đời. Ai cũng muốn có nhiều hơn rồi lại nhiều hơn nữa bất kể thực tế họ đã có rất nhiều, rất đủ đầy rồi. Sẽ thật tốt biết mấy nếu như ngày tết người ta không chúc nhau “sức khỏe hơn năm cũ, tiền tài hơn năm cũ, may mắn hơn năm cũ” nhưng là chúc nhau trân trọng những gì mình đang có, hãy biết chia sẻ những gì mình có với những người bất hạnh hơn và hãy luôn mang trong mình tâm thế biết ơn cuộc đời.
Điều sau nữa, kì nghỉ tết của chúng ta kéo dài quá lâu, điều này tạo nên một tâm lý rất sợ và rất chán chường khi phải nghĩ đến chuyện quay trở lại làm việc. Kì nghĩ càng lâu càng khiến người ta ít trân trọng thời gian nghỉ ngơi của mình và trở nên lười biếng hơn.
Mặc dù tết có nhiều tiêu cực như vậy tuy nhiên chúng ta không nên bỏ tết vì:
Tết là một nét văn hóa truyền thống đặc trưng của phương đông. Đông Tây mỗi nơi mỗi khác, điều đó tạo sự phong phú đa dạng về văn hóa cho nhân loại trên toàn thế giới. Tại sao không trân trọng và phát huy sự khác biệt ấy mà lại phải xóa bỏ và đồng hóa mọi nền văn hóa? Văn hóa Tây Âu có nhiều cái hay, điều đó chúng ta phải thừa nhận nhưng cũng chỉ nên học hỏi những cái hay của họ chứ không nên bắt chước một cách rập khuôn mù quáng. Ví dụ phương Tây họ không bày vẽ nhiều nghi lễ thờ cúng mà chú trọng việc nghỉ ngơi, đi du lịch và tận hưởng sự thư thái của ngày lễ. Điều này chúng ta nên bắt chước và học hỏi để giảm thiểu bớt các quy tắc lễ nghi rườm rà. Nhưng đừng bỏ tết chỉ vì phương tây họ không ăn tết hay vì nước nào đó ở phương Đông đã bỏ tết cổ truyền rồi. Lý do này chẳng thuyết phục được ai cả đơn giản vì nó chẳng có tí giá trị thuyết phục nào.
Nhiều người cho rằng việc nghỉ tết quá lâu gây ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế. Họ cho rằng bỏ tết để mọi người làm việc nhiều hơn và nhờ đấy đất nước giảm nghèo đi. Điều này cũng chẳng có căn cứ nào cả. Đất nước ta dù cho có làm việc nhiều hơn thế giới một tháng/năm hay làm việc thêm nhiều năm trong khi cả thế giới nghỉ ngơi thì thực tế cũng chẳng giúp cho đất nước giàu hơn, văn minh hơn được.
Một số người khác thì cho rằng nên bỏ tết vì quá nhiều những nghi lễ phiền phức nhiêu khê của ngày tết khiến họ mỏi mệt. Điều này đúng nhưng không thể vì một cành cây bị sâu mà chúng ta chặt cả cái cây. Nếu nghi lễ nhiêu khê là điều bận lòng thì sao không bỏ hết các nghi lễ nhiêu khê thôi, tại sao cần bỏ tết? Và thiết nghĩ, chúng ta cũng không cần một bộ luật yêu cầu ta bỏ các nghi thức nhiêu khê nhưng tự bản thân mỗi người hoàn toàn có thể làm điều ấy trong chính gia đình mình. Mỗi gia đình đều có quyền để làm cho tết trở nên đơn giản, ấm cúng hơn, ý nghĩa hơn mà chẳng cần luật nào yêu cầu cả.
Cho nên có một phương pháp khả dĩ đẹp lòng cả đôi bên đó là thay vì phương án bỏ tết cổ truyền, tự bản thân mỗi người hãy làm sống lại, làm mới lại ý nghĩa của ngày tết dựa theo mong muốn và hoàn cảnh cá nhân. Hãy để tết trở lại thành ngày của sum vầy tình thân, ngày nghỉ ngơi và trân trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp. Những ý tưởng như là thay vì mừng tuổi cho trẻ con thật nhiều tiền thì hãy tặng chúng những món quà nhỏ ý nghĩa thiết thực hơn, sách là một ví dụ. Thay vì đồ ăn phải mua đủ các thứ, làm đủ các món như truyền thống và quan niệm ngày tết phải dư dả thì hãy chỉ mua những món quan trọng với lượng vừa đủ, tránh gây dư thừa lãng phí. Dịp tết khi mọi người cùng nhau dọn dẹp nhà cửa thì cũng nhân tiện thu gom những món đồ cũ còn tốt trong gia đình như đồ nội thất cũ, gia dụng cũ, quần áo cũ… tập trung chúng đến một nơi mà tất cả những người nghèo khổ thiếu thốn có thể đến lấy về sử dụng. Ngày đầu năm khi các đại gia đình tập trung ăn bữa sum họp, thay vì một gia đình phải lo tất cả đồ ăn thì hãy chia ra mỗi nhà phụ trách một vài món và mang theo đến bữa sum họp ấy. Ai có thế mạnh gì thì mang theo món ấy như nhà làm bánh chưng bánh tét, nhà bó giò luộc chả, nhà khác thì làm mứt làm ô mai…
Thời gian sum vầy là đáng trân quý nhưng hãy tôn trọng cả những người mà họ muốn thời gian này cho việc nghỉ ngơi toàn diện. Nếu một người trong gia đình không muốn tụ họp ăn uống mà muốn đi du lịch, hãy để họ đi. Nếu một người vợ muốn được về quê ngoại những ngày tết, hãy để cô ấy về. Người chồng nếu không muốn về quê ngoại cùng vợ thì hãy giúp cô ấy được về chứ đừng cấm cản và đay nghiến. Đừng mang việc sum họp ra để áp đặt như một nghĩa vụ nếu người ấy không muốn. Sum họp gia đình cũng chỉ là một trong những giá trị của ngày tết thôi chứ không phải tất cả. Giá trị quan trọng nhất của ngày tết mà mọi người đều lãng quên, theo tôi là: Hạnh phúc.
Tết nên là ngày của hạnh phúc. Mọi người nên được cổ vũ để làm mọi điều khiến bản thân họ hạnh phúc và tạo điều kiện để những người xung quanh họ cũng được hạnh phúc.
Tết hạnh phúc, ấy là tết tròn đầy.
Nhưng, thế nào là hạnh phúc và làm cách nào để ai ai cũng được hạnh phúc? Xin được chuyển những câu hỏi ấy tới mỗi người đang đọc bài viết này hôm nay.
Nếu được chúc duy nhất một điều, tôi xin chúc mọi người hạnh phúc. Vì nếu không hạnh phúc thì mọi sự may mắn, an khang, tiền tài còn có ý nghĩa gì? Tết còn có ý nghĩa gì?