Cuộc đời như một tà áo dài

Ngày đầu tiên vào học lớp 10, là ngày đàu tiên tôi mặc áo dài. Phải nói thật, tôi ghét nó. Vốn nhỏ con ốm yếu lại đen đủi, tôi mặc áo dài trông chẳng khác gì que củi cháy khô mặc áo dài vậy, xấu xí vô cùng.
Cái đẹp của áo dài là ở chỗ tôn các đường nét trên cơ thể người phụ nữ một cách thật tinh tế và mềm mại. Tôi chẳng có đường nét gì đã đành, lại còn hay chạy nhảy nên việc mặc áo dài vừa nóng bức vừa vướng víu. Có thể nói, chính tôi đã làm xấu cả hình ảnh tà áo dài trong mắt mình. Thậm chí lúc ấy còn có suy nghĩ kiểu như là sẽ không bao giờ mặc áo dài nữa nếu như không phải bị bắt buộc. Vâng ấu trĩ vậy đấy!
Ấy thế mà đúng là kể từ rời trường cấp ba tới giờ tôi không mặc lại nó thật. Trừ một lần mặc để giúp bê quả cho một chị kia. Một lần mặc thử bộ áo dài của mẹ vì mẹ… có nhiều quá. Mỗi lần mặc chắc được 5 phút rồi bỏ ra và vẫn nghĩ: mình chẳng hợp với áo dài chút nào.
Vậy mà giờ đây không hiểu tại sao tự nhiên tôi lại trở nên mê áo dài khủng khiếp. Tôi trân trọng nó và thưởng thức việc ngắm nhìn nó mỗi khi thấy bất cứ ai mặc nó. Dù tôi vẫn chưa có bộ áo dài nào cả. Áo dài Việt Nam thật đẹp làm sao. Trong mắt tôi, nó là bộ trang phục truyền thống đẹp nhất nếu như phải so sánh với trang phục các nước khác. Lý do thì vẫn như cũ: Áo dài là loại trang phục tuyệt vời để tôn vinh những đường cong duyên dáng của người phụ nữ. Một trang phục “khoe tất cả nhưng không khoe gì” vừa sang trọng quý phái, vừa đằm thắm nhẹ nhàng. Nói chung là đẹp đến mức không biết dùng từ gì để diễn tả bây giờ.
Tháng trước tôi đi Đà Nẵng – Hội An du lịch gần một tuần. Một trong những thứ gây ấn tượng với tôi nhất là hình ảnh tà áo dài truyền thống Việt Nam ở khắp nơi. Các cô thiếu nữ xuân thì mặc áo dài đi dạo khắp phố phường, hình ảnh đó thật đẹp. Sẽ đẹp hơn nữa nếu như đó là những thiếu nữ Việt Nam, nếu được vậy thì hẳn là tôi sẽ tự hào lắm. Nhưng sự thật những cô gái mặc áo dài đó là khách du lịch Hàn Quốc. Họ muốn mặc trang phục Việt Nam để có những bức hình cho đúng chất Việt Nam mà thôi.
Tôi chợt nhớ những bộ ảnh về Sài Gòn hoặc Hà Nội ngày xưa, cái thời trước “giải phóng” ấy. Những người phụ nữ Việt tự tin mặc áo dài dạo khắp phố phường, đi chơi, đi làm, đi dạo. Thật thanh lịch, duyên dáng. Thật Việt Nam. Tôi yêu hình ảnh đó và lòng thầm mong rồi một ngày thế hệ trẻ cũng sẽ yêu bộ áo dài, mặc áo dài thường xuyên hơn như các bà, các cô, các mẹ của chúng mình thời ấy. Hẳn là đẹp lắm. Vâng, tôi vẫn đang mơ!
Một lý do khác về chuyện tại sao tôi lại thích áo dài. Nó giống như việc tôi nhận ra giá trị đích thực của bộ áo vậy. Sao mà độc đáo thế! Nhưng mà này, xin hiểu cho là tôi đang nói về bộ áo dài truyền thống, chứ không phải áo dài cách tân đâu nhé. Ngày nay áo dài cách tân ở khắp mọi nơi, khiến nó trở nên thân thiện với tuổi trẻ hơn và tất nhiên là nhiều người mặc hơn. Nhưng không hiểu sao mỗi khi nhìn những bộ áo dài cách tân ấy, tôi chẳng có cảm xúc giống như nhìn một bộ áo dài truyền thống. Có lẽ bởi phong cách truyền thống là tuyệt nhất, là “hoàn hảo” nhất chăng?
Thật ra, thứ tôi trân quý về áo dài đó là nó là thứ trang phục được may đo riêng, cắt vải riêng cho từng người. Tuyệt đối không trộn lẫn. Tuyệt đối không giống nhau. Tìm được hai bộ áo dài giống hệt nhau thật khó. Mỗi bộ dường như đều có một cái hồn rất riêng biệt tùy thuộc vào người thợ cắt vải và phân bố các hoa văn trên vải như thế nào. Đôi khi cùng một miếng vải cắt may thành hai bộ áo dài nhưng chúng cũng không giống nhau. Cái thì họa tiết được đặt ở ống tay, cái khác thì cùng họa tiết đó những lại đặt ở phần vạt áo, vậy là đủ khác nhau rồi. Chưa kể, nếu như hai bộ cùng một miếng vải trơn cắt ra, như áo dài trắng chẳng hạn, thì dáng vóc hai người khác nhau cũng tạo ra hai cái hồn khác nhau cho bộ áo dài.
Tôi phải thừa nhận một điều tuyệt vời nhất về áo dài là tôi chưa từng thấy hai người nào giống hệ nhau khi mặc áp dài. Kể cả khi hai bộ áo dài ấy giống hệt nhau chăng nữa. Điều ấy không phải quá tuyệt vời sao?
Đó cũng là lý do tôi không thích áo dài cách tân. Đó là cách làm công nghiệp để tạo ra áo dài, không dựa trên số đo riêng của người mặc nên cho dù người mặc hay bộ áo có đẹp đến đâu chăng nữa thì ai trông cũng na ná, giông giống nhau. Đẹp thì cứ cho là cũng có đi, nhưng không có cái hồn của người mặc nó. Mà với tôi, cái hồn còn quan trọng hơn cả cái đẹp nữa!
Bạn có nghĩ như tôi không? Tại sao lại có loại trang phục lạ lùng như áo dài được nhỹ? Nó bao phủ toàn bộ cơ thể người phụ nữ, từ cổ cho tới tận gót chân. Vậy mà lại có thể giúp người phụ nữ ấy “khoe ra” mọi thứ mình có, từ những đường nét của cơ thể cho tới cái khí chất dịu dàng, nữ tính bên trong. Một cô gái bình thường tom-boy cỡ nào mà mặc áo dài dô tự nhiên cũng thấy toát ra ít nhiều phần duyên dáng thiếu nữ. Thật kì diệu thay!
Từ chuyện cái áo dài tự nhiên ngẫm nghĩ đôi chút về cuộc đời, về con người.
Cuộc sống này, tạo hóa này chẳng phải quá tuyệt vời sao khi tạo ra mỗi cá nhân chúng ta đều là độc đáo và duy nhất, không bao giờ trùng lặp kể cả khi dân số thế giới là 2 tỷ hay 6 tỷ hay 10 tỷ. Mỗi người lại có những nét tính cách, suy tư, tâm hồn khác nhau giống như những hoa văn khác nhau trên các tà áo dài vậy. Kể cả hai người xinh đôi nếu thoáng nhìn thì có thể tưởng giống nhau nhưng tiếp xúc lâu dần sẽ thấy họ cũng hoàn toàn khác biệt. Nếu như chúng ta biết cách trân trọng sự khác biệt, trân trọng vẻ đẹp tự nhiên của mình, phát huy những nét đẹp ấy thì chẳng phải thế giới sẽ trở nên phong phú tuyệt vời? Nhưng bởi vì truyền thông, vì chủ nghĩa lợi nhuận và xu hướng thị trường, người ta ngày càng đánh mất nét riêng của mình để chạy theo những quy chuẩn chung, từ quy chuẩn sắc đẹp cho tới quy chuẩn về tính cách, nếp sống. Thế giới sẽ ra sao nếu như ai cũng có điều kiện đi phẫu thuật thẩm mỹ theo ý mình? Tôi e rằng khi ấy chúng ta ra đường sẽ nghĩ mình đang sống trong một thế giới của nhân bản vô tính hoặc một cơn ác mộng khi đâu đâu cũng là những người giống nhau. Nếu như ai cũng có đôi môi sexy của Angielia Jolie, đôi mắt lúng liếng của Selena Gomez, cái mũi nhỏ xinh của… ai không biết nữa. Đó hẳn sẽ là một cơn ác mộng khủng khiếp.
Hệt như cảnh tượng nếu mọi người đều chỉ mặc áo dài cách tân, đối với tôi chắc cũng là một cơn ác mộng tương tự. Tôi có quá khắt khe không? Chẳng biết nữa. Nhưng tôi dám chắc một điều rằng càng trân quý sự khác biệt, sự đa dạng và sự thần kì của cuộc sống bao nhiêu. Tôi càng trân trọng những vẻ đẹp thuộc về tự nhiên, trân trọng tạo hóa, trân trọng cuộc sống và trân trọng… tà áo dài truyền thống bấy nhiêu.
Tôi sẽ mặc áo dài một ngày nào đấy và từ giờ cho tới lúc đó tôi phải làm cho cơ thể mình thật khỏe thật đẹp để xứng đáng với tà áo dài duyên dáng ấy.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *