Đời thật lắm chuyện lạ lùng và kì diệu. Bạn không thể nhận ra sự kì diệu ấy cho tới khi bạn trải qua nhiều việc và rồi ngồi chiêm ngẫm lại cuộc đời mình. Tôi đã ngẫm và giờ tôi tin. Cuộc đời không có ngẫu nhiên. Tất cả mọi sự xảy ra đều có nguyên nhân và mục đích của nó. Việc chúng ta không biết nguyên nhân, không tìm ra mục đích, không thấy được bức tranh toàn cảnh của cuộc đời, cũng là một sự sắp đặt của tạo hóa. Và tạo hóa làm công việc của nó một cách hoàn hảo, bất kể chúng ta có nhìn ra hay không.
Tôi đã tự nhiều lần từng hỏi mông lung, hỏi bản thân mình, hỏi toàn bộ sự tồn tại. Tại sao tôi lại được sinh ra trong gia đình này, ngôi làng này, trong vùng đất này mà không phải một nơi nào khác? Tôi có tư tưởng tiến bộ, “tây hóa”, rất hợp với văn hóa phương Tây, tại sao linh hồn tôi không chọn sinh ra ở một đất nước khác, thành phố khác mà lại là đất nước này, vùng đất này, ngôi làng này? Tôi đã tự hỏi mình không biết bao nhiêu lần và giờ thì tôi đã hiểu. Chính những điều kiện tuyệt vời ở ngôi làng ấy đã góp phần tạo ra một “tôi” của ngày hôm nay. Kiếp này được sinh ra và lớn lên ở đây, là món quà tuyệt vời nhất, là một bước thang để tôi tiến lên cao hơn trên con đường thức tỉnh tâm linh của chính mình. Tôi tin như vậy.
Giờ nhìn lại thời thơ ấu của mình, hoàn cảnh ra đời của mình. Tôi cảm thấy biết ơn vô hạn cái ngôi làng nhỏ bé ấy. Thật xấu hổ khi thừa nhận rằng đã từng có những khoảnh khắc, giai đoạn trong cuộc đời tôi cảm thấy xấu hổ về nó, về xuất thân “làng quê” của mình. Tất nhiên giờ thì không. Khi nhìn lại toàn bộ bức tranh, tôi hạnh phúc vì nhờ ngôi làng yên ả ấy mà tôi đã có một thời thơ ấu tuyệt vời. Và tôi biết ơn cả ba mẹ mình nữa. Không có họ tôi đã không có một cuộc sống xinh đẹp và ý nghĩa như ngày hôm nay. Tôi chưa bao giờ nói lời biết ơn này tới họ. Đây là lần đầu tiên và tất nhiên, sẽ không là lần duy nhất.
Ba mẹ tôi xuất thân từ những gia đình nông dân thuộc các huyện khác nhau của tỉnh Thanh Hóa. Họ là những người Bắc di cư và sinh sống trong Nam khá muộn nên không có “cửa” để mua đất xây nhà tại thị trấn mà phải đi sâu hơn vào xa hơn, thời ấy làng của tôi còn được gọi là “rừng”. Chị gái hơn tôi ba tuổi được sinh ra ở Bắc trong khi tôi ra đời vào ngày 2/6/1990 ở trong Nam. Cả gia đình tôi sinh sống ại một làng quê nhỏ bình dị thuộc huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, thật ra là cách trung tâm huyện cả gần nửa tiếng xe máy luôn, tức là rất “làng”.
Ba mẹ tôi vừa làm nông dân vừa buôn bán tạp hóa nhỏ đã nhiều năm, từ khi tôi ra đời họ đã vậy rồi. Do ông bà nội ngoại khi ở ngoài Bắc đều vừa là nông dân vừa buôn bán mới đủ sống nên ba mẹ tôi cũng vậy. Sống trong môi trường buôn bán tạp hóa từ nhỏ nên tôi có rất nhiều thuận lợi so với chúng bạn. Các chị em chúng tôi được tiếp xúc với nhiều người nên khá dạn dĩ, giỏi tính toán và lanh lợi. Chúng tôi cũng “nhiễm máu kinh doanh” ấy từ truyền thống trong nhà, dù chỉ là buôn bán nhỏ nên giờ đây ngoại trừ anh hai, các chị em còn lại đều làm buôn bán một cái gì đó. Sau này tôi thử sức kinh doanh nhiều thứ mà không bị gia đình phản đối, dù thua lỗ, có lẽ cũng nhờ truyền thống này. Một điều tuyệt vời khác về cửa hàng tạp hóa đó là chúng tôi luôn có rất nhiều bánh kẹo trái cây để ăn. Tôi sinh ra là một đứa trẻ mập ú. Có thể bạn sẽ không tin nhưng nhìn những hình ảnh hồi nhỏ tôi không thể tin mình lại có thể mập như vậy. Tôi ăn quà vặt nhiều nên khoảng 4-5 tuổi thì bị đau răng rất nặng. Mẹ tôi bán tạp hóa, không chỉ đồ ăn, gạo thóc, đồ dùng trong nhà mà cả thuốc tây nữa. Thế nên cứ đau răng là tôi khóc ầm lên. Cứ khóc là lại được cho thuốc giảm đau để uống. Trước khi đi nhổ những cái răng đáng ghét ấy tôi đã kịp uống một lượng thuốc giảm đau đủ để bị… gầy sọp đi. Người ta bảo do kháng sinh gì đó. Kết quả là tôi gầy cho đến bây giờ, dù cho có ăn gì ăn bao nhiêu cũng không mập lên được. Cao 1m60 nhưng đỉnh điểm nhất trong đời tôi chỉ nặng 46kg nhờ đi tập gym chăm chỉ. Âu đó cũng là một lợi thế. Thân hình nhỏ nhắn giúp tôi ăn uống, tận hưởng đồ ăn thả ga mà chẳng lo bị mập phì, ngược lại còn rất thích hợp để theo đuổi bộ môn thể thao mà tôi yêu thích nhất: Yoga.
Việc ba mẹ là người Bắc với những nếp suy nghĩ truyền thống ngoài Bắc nhưng lại sống trong Nam, ảnh hưởng những nét tư tưởng tiến bộ của người Nam nên cuộc sống của chúng tôi khá dễ dàng và tiến bộ. Nếp sống trong nhà hòa trộn những nét đặc trưng tốt đẹp của cả Nam lẫn Bắc. Ví dụ như trong nhà ai cũng làm việc rất chăm chỉ chịu khó như mọi người dân vùng miền Bắc Trung Bộ nghèo nàn ngoài ấy. Chúng tôi cũng học rất giỏi trên trường, sùng đạo nhà thờ. Rồi thì giỏi việc tính toán chi tiêu, giỏi tích cóp tiết kiệm, chứ không tiêu xài hoang phí. Bên cạnh những nét này từ miền Bắc mang vào, chúng tôi cũng nhập thêm những nét tuyệt vời của người miền Nam như sự phóng khoáng trong tư tưởng và truyền thống. Nhà tôi chẳng bao giờ có bánh chưng ngày tết hay phải làm lễ cúng tổ tiên ông bà, ông công ông táo và các nghĩa vụ dòng họ cũng chẳng bao giờ thấy ai nhắc tới. Ba mẹ tôi trao quyền tự do tối đa cho con cái chứ không áp đặt gia trưởng như đa phần người ngoài bắc. Họ cũng có tư tưởng thông thoáng cởi mở về rất nhiều lĩnh vực mà tất cả là nhờ việc sống ở trong Nam. Tôi sống đơn giản nhưng hào sảng, biết kiếm tiền nhưng cũng biết tiết kiệm, kính trọng người trên nhưng vẫn đầy tự do tự tại không phụ thuộc… tất cả là nhờ việc sống trong gia đình “đa văn hóa vùng miền” như vậy đó. Thật là một đặc ân.
Trở lại với ngôi làng Tiền Yên của tôi ngày ấy.
Ngôi làng nằm gọn trong một thung lũng ngập tràn sắc xanh thẫm của những cây café – loại cây trồng chính của cả vùng, bên cạnh cây trà. Mùa hoa café bung nở, cả thung lũng sẽ chìm trong màu trắng muốt rất đẹp kèm theo một mùi hương thơm đặc trưng thoang thoảng. Trên đỉnh đồi phía đông ngôi làng là một ngôi nhà thờ nhỏ bằng gỗ, vốn chỉ là một nhà nguyện địa phương, nay được xây mới thành ngôi nhà thờ bê tông xinh đẹp với tháp chuông vươn cao ngân nga trước mỗi giờ lễ. Ngôi nhà thờ là niềm tự hào cho người dân cả làng. Nhưng hồi tôi còn nhỏ, nhà thờ gỗ mới thật là thiên đường. Nó có cái sân to rộng rãi và hàng cây bạch đàn lớn tỏa bóng mát xung quanh. Thỉnh thoảng người ta tổ chức những buổi sinh hoạt chung gồm rất nhiều trò chơi dân gian cho người dân cả làng đến chơi vô cùng vui vẻ. Thật tiếc khi cuộc sống càng hiện đại, càng ít người chịu đứng ra tổ chức những trò chơi như vậy. Tôi chưa bao giờ chơi vì còn nhỏ, nhưng vẫn nhớ như in những trò như nhảy bao bố, bịt mắt ăn bánh đa, quệt nhọ nhồi, đi xe đạp chậm… thật thú vị ngày ấy.
Đối diện cái nhà thờ gỗ ấy cũng là cả một vùng đất diệu kì cho lũ trẻ chúng tôi. Một khu đất hoang đầy ắp hoa rừng và thảo quả dại. Nhất là quả dung dúc, tôi không biết quê bạn gọi nó là gì, hình như là quả trân châu thì phải. Loại quả nhỏ xíu kết trong từng chùm to to, khi xanh thì màu xanh vị chua và chát, khi chín thì màu tím đen chua chua ngọt ngọt. Chúng tôi cứ hái cả túi xong về rửa và sóc với muối ớt ăn rất vui. Rồi còn những loại quả khác nữa như quả mì gà rất chua và thơm. Quả ké là loại tôi thích nhất, mùi thơm và vị ngon không bao giờ có thể tìm lại ở bất cứ đâu được nữa. Thích nhất là khi mùa sim rừng tới, cả mảnh đất rực một màu tím hồng rất đẹp và thứ quả ngọt lành rất ngon. Thỉnh thoảng chúng tôi còn nhặt được những quả trứng cút và trứng gà rừng trong khu vườn ấy nữa. Ngày nay mảnh đất chỉ toàn là café và café, không còn cây quả dại nào nữa rồi.
Một quả đồi khác ngay trước mặt nhà tôi, bên kia con suối, là nơi lũ trẻ chúng tôi thường leo lên chơi. Tuổi thơ trèo đồi lội suối ấy như đang sống lại trong kí ức tôi rõ mồn một. Đặc biệt con suối trong xanh uốn quanh ngôi làng dài tầm vài cây số mới là phần quan trọng nhất của bầu trời kí ức ấy. Lũ trẻ trong làng, tất nhiên có tôi, thường xuyên ra suối chơi và tắm, tắm trần truồng cùng nhau cũng không hề thấy xấu hổ vì con nít mà, ai quan tâm chuyện giới tính đâu. Sau này tất nhiên mặc quần áo tắm luôn nhưng cái thời cởi trần truồng tắm suối tắm mưa mới là vui nhất. Chúng tôi bày biết bao nhiêu trò chơi quanh con suối ấy. Từ thi xem ai lặn lâu hơn, thi trốn tìm hòn đá sỏi dưới lòng suối xem ai tìm được, chơi rượt bắt và bơi thi nữa. Có những lần chúng tôi còn cùng nhau kết bè chuối rồi thả từ đầu này con suối tới đầu kia. Một vài khúc suối đặc biệt có những cây lớn rễ to là nơi chúng tôi rất thích leo trèo và xem đó như nhà mình. Quanh suối cũng rất nhiều loại quả dại thú vị như quả mâm xôi, quả cơm nguội, quả đũa, quả vối, quả mì gà, quả trân trâu… Đường từ làng ra bờ suối phải đi qua nhà một cụ già, bà Dần. Nhà Bà ấy thật là một thiên đường, luôn luôn sạch bóng từng cái lá khô và đầy ắp những bụi hoa bà tự trồng, trong đó hoa thược dược hồng tím là tôi còn nhớ nhất. Lúc ấy chúng tôi chẳng quan tâm gì hoa đâu, nhưng nhà bà vẫn được cho là thiên đường bởi vì trong vườn nhà bà có rất nhiều cây ăn trái, cây xoài, cây ổi mà chúng tôi thường lẻn vào hái trộm cho tới hai hàng cây mít cổ thụ tỏa bóng mát rợp ngõ vào nhà, là nơi chúng tôi “nhất định phải trèo” lên mỗi ngày, không chừa một ngày nào, kể cả mùa sâu bọ lẹt gớm ghiếc ngứa um. Bà lại rất thảo với tụi con nít, mỗi lần nhổ khoai nhổ sắn và đều luộc rồi chia cho lũ con nít tụi tôi. Khoai nhà bà tôi nhớ chỉ to bằng ngón tay cái, cỡ của mấy củ nhân sâm mà chả hiểu sao ngon đến thế. Chuối nhà bà cũng ngon lạ thường. Quả thật đồ ăn trộm thì luôn ngon hơn đồ nhà nhỹ. Điều cuối cùng biến nhà bà thành thiên đường là vì cái tivi đen trắng mà bà sở hữu. Cứ mỗi tối chúng tôi lại tụ tập đông đủ khi thì xem Bao Công xử án có Triển hậu vệ đẹp trai; khi thì Tây Du Ký nhiệm màu; kể cả Hoàn châu cách cách nữa. Trời ơi sao lại có một thế giới trong phim tuyệt vời và mê đắm đến vậy?
Sau này khi tôi rời khỏi làng một thời gian, bà chặt bỏ hết hàng mít cổ thụ và bít luôn đường không cho ai xuống suối nữa, mà cũng chẳng ai còn muốn xuống suối chơi hay giặt đồ nữa do nước suối ngày càng khô cạn đi, rác nhiều hơn và cây rừng cũng bị chặt bỏ. Con suối như đã chết nhưng thật may vì nó đã có một thời sống rực rỡ trong tuổi thơ tôi.
Toàn ngôi làng phải vài chục ngôi nhà và tất nhiên vài chục đứa con nít. Có một thời chúng tôi đoàn kết và chơi với nhau rất thân. Mỗi tối sau khi ăn cơm là cả bọn lại hẹn hò nhau ở trung tâm ngôi làng và chơi đủ mọi trò trên trời dưới đất. Từ trốn tìm trong vườn trà tối thui cho tới những trò truyền thống khác như chơi keo, chơi ù, chơi cướp cờ… rất nhiều trò nhưng phải thú thật tôi đã quên gần hết tên của chúng, những trò mà phải tù xì, rồi xí hạng cờ… nói chung là chơi mọi trò mà chúng tôi biết. Ban ngày thì mỗi đứa học mỗi lớp nên nhóm chia nhỏ ra chơi những thứ như bắn bi, tạt dép ăn thun, ăn hình, chơi banh, chơi truyền, chơi ô ăn quan… Riêng tôi và lũ con gái thì còn những trò khác nữa là chơi đồ hàng, chơi búp bê cũng thật vui. Tôi rất thích búp bê. Tôi may nhiều quần áo cho búp bê và cưng búp bê đến nỗi sẵn sàng lang thang ngoài vườn cả ngày để nhặt lông gà lông vịt hòng may cho búp bê một cái áo choàng lông vũ cho đúng điệu. Rồi may cả quần áo giống trên phim hoàn châu cách cách, thậm chí tôi còn lén lén cắt một góc cái vỏ chăn in hình phượng hoàng của mẹ để may áo phong cách cung đình cho búp bê nữa. Chỉ nhớ là bị la một trận tưng bừng vì bị phát hiện vụ đó. Còn vụ tôi giả vờ ốm rồi giả vờ thèm ăn thịt gà, nài nỉ bố mẹ làm thịt gà cho ăn mà mục tiêu thật là muốn… lấy thêm lông gà máy áo choàng cho búp bê thì hên quá không bị ai phát hiện. Xin lỗi mày nhé Gà!
Một trong những kỉ niệm tuyệt vời khác của thời thơ ấu là đêm trung thu. Lũ trẻ ban đầu chỉ có đèn ông sao, mỗi đứa một cái. Sau này tiến bộ hơn thì có đèn con cá, đèn con thỏ, con gà nói chung đủ các loại muôn thú, rồi tới đèn điện tử phát ra tiếng nhạc hay hay. Trung thu nào chúng tôi tụ họp nhau mỗi đứa một đèn làm thành đoàn tản bộ vô cùng đông vui, vừa đi vừa nói chuyện đùa cười om xóm làng.
Nhà tôi bán đồ tạp hóa mà, nên không chỉ kẹo bánh trái cây ăn thả ga thì đồ chơi như đèn lồng cũng luôn được cái đẹp nhất. Tôi ghét mỗi vụ trung thu tới là mấy chị em phải ngồi chống đèn lồng, nghĩa là lấy các thanh tre nhỏ chèn vào sao cho cái đèn ông sao phổng ra. Cả mấy chục cái như thế thật là chán. Chán nhưng vẫn phải làm vì sợ mẹ la. Hồi ấy nhỏ mà nên hay sợ lắm, muốn ăn quả xoài hay quả táo là lấy trộm mẹ rồi trốn lên gác ăn một mình. Sau một thời gian, phía bên ngoài cái cửa sổ của gác mái là một bãi chiến trường đủ loại rác đồ ăn của tôi: này vỏ kẹo, vỏ xì-nách, hột xoài, vỏ chôm chôm, vỏ chai nước ngọt, vỏ hộp kẹo ngậm… Tôi tự hào tuổi thơ mình không thiếu bất cứ thứ ăn chơi gì mà các bạn trẻ fb ngày nay hay share về “tuổi thơ dữ dội” ngày ấy. May sao ba mẹ không hề để ý và các chị em tôi thì ai cũng ăn vụng giống tôi nên tuổi thơ với mọi loại bánh kẹo trôi qua êm đềm như vậy đấy.
Cái tật ăn vụng có từ thời ấy, vẫn còn cho tới bây giờ. Mỗi khi giúp gia đình nấu tiệc, tôi thích nhất là ăn vụng trước khi tiệc bắt đầu. Mỗi thứ vài miếng, ăn một chút xíu thôi nhưng sao mà ngon lành thế. Người ta nói không sai, ăn vụng là đồ ăn ngon nhất. Vì ăn trước nên trong các bữa tiệc tôi chả còn đói và cũng chả thèm gì nữa, nên tôi ăn rất ít. Mọi người thấy thế thì cứ bảo “giữ dáng à” “ăn thêm đi” “vậy sao lớn” “vậy sao mập”… nào ai biết rằng tôi ngán rồi, vì ăn vụng từ trước rồi. Chẳng lẽ bảo “Cháu ăn vụng trước rồi” thì kì quá nên thôi, im lặng và mỉm cười là thượng sách. Chẳng ai biết vụ ăn vụng của tôi, trừ ông anh hai, vì anh ấy cũng ăn vụng cùng tôi mà. Tới giờ hai anh em vẫn là vua ăn vụng trong nhà.
Một lợi thế khác của việc bán tạp hóa là ba mẹ luôn có đủ “đồ nghề” để chiều chuộng cái sở thích sáng tạo của tôi. Tôi rất thích làm những món đồ handmade. Tôi xem tivi và làm theo mọi thứ có thể. Giấy màu, bút chì màu, keo dán, băng keo, kim chỉ… mọi thứ để làm đồ thủ công mẹ đều có bán không thiếu thứ gì. Nếu như tôi đang cắt giấy màu để làm gì đó mà đột nhiên phát hiện ra cái kéo biến mất thì tôi sẽ chẳng đủ kiên nhẫn đi tìm lâu, thay vì vậy sẽ đi lấy ngay một cái kéo mới. Nhờ vào sự cung ứng vật liệu không bao giờ ngưng của mẹ mà trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của tôi ngày càng được phát huy. Có lần, đọc truyện Doremon, nhìn cách người ta xây dựng thành phố ở Nhật Bản sao mà đẹp thế, tôi liền bắt tay xây một thành phố cho riêng mình. Ban đầu tôi dựng thành phố trên gác xép nhưng gác xép chật dần khiến tôi phải chuyển nó tới nơi lớn hơn. Mỗi buổi chiều khi không phải đi học tôi đều dành trọn thời gian ở trong căn nhà bỏ trống mà ba mẹ tôi mua nhưng không ở tới. Tôi cắt bìa cứng (bán tạp hóa sẽ có rất nhiều) làm thành mô hình nhà một lầu, hai lầu và nhà trệt. Tôi đi xin vỏ bao thuốc lá để làm thật nhiều xe hơi xe tải. Tôi thậm chí còn dựng được cả tòa nhà trường học, bệnh viện và trạm xăng cho thành phố của mình nữa. Đó là thành phố trong mơ của tôi cho đến một ngày tôi đi học về và phát hiện ra mẹ cho ai đó mượn căn nhà để ở. Họ đã dọn dẹp và đốt tất cả thành phố của tôi mà không một lời thăm hỏi. Tôi đã khóc nhiều ngày trời sau sự kiện đó.
Nhờ việc được thỏa chí sáng tạo từ nhỏ nên lớn lên tôi cũng khá sáng tạo. Bạn có thể nhận ra qua việc tôi tự mình thiết kế, bài trí cho mọi thứ trong cuộc sống của mình. Từ cửa hàng kinh doanh, túi xách vải bố tự viết thông điệp sống, chiếc xe cub không giống ai, cho tới căn nhà nhỏ và những vật dụng trong nó. Tôi không bao giờ bỏ bất cứ cơ hội nào để sáng tạo nên những món đồ mang dấu ấn của riêng mình. Dù cho dấu ấn ấy chẳng ai công nhận cả. Cảm ơn ba mẹ tôi vì đã có một cửa hàng tạp hóa tuyệt vời. Cửa hàng nhỏ xíu trông thật nhếch nhác, bẩn thỉu, luộm nhuộm mà ngày nay tôi chỉ nhìn cũng thấy ngán ngẩm ấy chính là thiên đường cho tuổi thơ sáng tạo của tôi như vậy đó.
Vì tạp hóa nghĩa là phải trông hàng và bán hàng cả ngày nên cha mẹ tôi rất bận. Mẹ dậy từ 3-4 giờ sáng để ra tận chợ Bảo Lộc lấy hàng hóa về, ba tôi mở cửa hàng lúc 6h sáng rồi đợi mẹ đi chợ về, cả hai sẽ cùng bày hàng ra bán với sự giúp sức của bà nội. Sau đó ba tôi sẽ đi lên vườn café để làm việc cả ngày ở đó. Mẹ bán hàng tới khuya tầm 9h tối thì mới nghỉ ngơi và đi thẳng đến giường ngủ để mai còn dậy đi chợ sớm. Nhà tôi đi ngủ sớm và dậy sớm như vậy dần đã tạo thành một thói quen cho tất cả chúng tôi. Công việc của bố mẹ bận rộn từ sáng đến tối phần nào tạo điều kiện cho chúng tôi tự do vui chơi trong mọi hoàn cảnh. Chúng tôi không bao giờ bị gọi về nhà khi đang chơi, cũng chẳng bao giờ bị cấm đoán không được chơi cái gì, không được chơi với ai. Chúng tôi (tôi và em gái, chứ thời thơ ấu của các chị tôi thì tôi không biết), chúng tôi hoàn toàn tận hưởng trọn vẹn thời thơ ấu tự do tuyệt đẹp như vậy đó.
Khi Osho kể lại thời thơ ấu của mình, ông ấy đã nói “7-14 năm đầu đời là một cột mốc vô cùng quan trọng trong cả đời của những đứa trẻ. Nhận thức của chúng được hình thành 60-70% trong suốt giai đoạn này và sau đó sẽ khó lòng thay đổi.” Tôi đồng ý với ông. Tôi đã có một tuổi thơ tự do tự tại tận hưởng từng giây phút cuộc sống. Thật là điều hiếm có so với trẻ em ngày nay.
Sẽ rất thiếu sót nếu không kể đến chuyện tôi đi học. Mẹ kể tôi đã khóc mỗi ngày trong suốt năm đầu đi học mẫu giáo vì ghét đi học. Ba phải cõng tôi đến lớp mỗi ngày mà tôi vẫn không thôi khóc. Thật khủng khiếp, thật ác mộng. Tôi là cơn ác mộng cho ba, nhưng cũng là cô con gái rượu của ba nữa. Lên các lớp của cấp một thì tôi khá hơn, không khóc nữa, học cũng giỏi nên ba không còn phải bận tâm nhiều. Hầu hết các kỉ niệm bên trên diễn ra vào thời tôi học cấp một chứ từ hồi mẫu giáo đổ về trước tôi gần như chẳng nhớ được gì. Đi học thật là vui. Tôi và những người bạn thân không ngày nào không bày những trò vui vẻ. Hồi ấy đường xá còn là đường đất, mỗi mùa mưa là con đường nào cũng trở thành một nỗi ám ảnh cho tất cả mọi người do cứ trơn tuột và nhầy nhụa. Chúng tôi thì thích lắm, vừa tắm mưa vừa xỏ dép vào tay rồi trượt bằng chân không dọc theo đường lằn của bánh xe trên con dốc trơn tuột, cứ lao đi vèo vèo như trượt patin vậy. Lần nào về đến nhà cũng bị bùn đỏ phủ khắp người, thế mà tôi chẳng nhớ mình bị la mắng chút nào cả. Thật tuyệt.
Mỗi khi có đứa nào trong nhóm được mua dép mới thì nhất định hôm sau cả nhóm đều có dép mới bởi vì chúng tôi sẽ kiếm lưỡi dao lam để… tự cắt hết dép của mình. Một lần có thằng bé kia vì nhà nghèo nên không có cặp để đeo, nó bỏ hết sách vở vào cái túi nilon trông thật… lạ làm sao. Ngay ngày hôm sau đó cả đám tụi tôi không ai còn dùng cặp nữa mà nhất loạt chuyển qua xài bịch ni lon để đựng sách vở. Lần khác thì học theo nhau đi tắm ao. Ao thường rất sâu chứ không cạn như suối. Tôi mém sặc nước một lần khi không đủ hơi để lặn sâu, từ đó không dám tắm ao nữa nhưng suối thì tất nhiên không thể chối từ. Những trò nghịch ngợm như thế thật không sao kể hết. Nghĩ lại thấy nếu mình mà có con cái cũng làm như vậy, chắc tôi phát điên hoặc cho ăn đòn nát đít mất.
Hồi đi học thật ngây thơ những cũng đáng yêu làm sao. Nhớ một lần cô giáo dặn “Các em gặp người lớn là phải chào nghe chưa?” Hơn cả nghe, chúng tôi thi hành lời dạy ấy một cách tuyệt đối. Cả đám đi bộ từ trường về nhà, hễ thấy bất cứ ai đi ngược chiều hay cùng chiều, xe máy hay xe đạp hay đi bộ là cả đám lại đồng thanh “Cháu chào cô. Cháu chào bà. Cháu chào chú” Họ cũng chào lại thế nên chúng tôi khoái lắm. Đi từ trường về tới nhà mà đứa nào cũng đau họng mất mấy ngày vì khản cổ. Không biết tụi kia ra sao chứ tôi còn thi hành triệt để hơn. Một đợt có một bác họ hàng ở ngoài Bắc vào thăm nhà ba mẹ tôi. Bác ấy tên là Hội, dáng người mập tròn phúc hậu tôi vẫn còn nhớ. Mỗi lần gặp bắc ấy ở bất cứ đâu trong nhà, dù cho phòng khách, nhà bếp, nhà tắm hay nhà vệ sinh, tôi cũng phải “cháu chào bác”. Hồi đầu thì bác ấy chào lại hoặc ừ, nhưng sau chắc mệt quá nên chỉ cười mà thôi. Cho tới khi bác ấy nói lại với bố mẹ tôi là cái con bé kia không hiểu sao gặp bác ấy ở đâu cũng chào, vừa chào ở nhà trên xong xuống nhà bếp lại chào tiếp, chưa kể vừa bước ra khỏi nhà vệ sinh nó cũng chào thêm lần nữa. Bác ấy và ba mẹ tôi cười to. Tôi đang gần đấy nghe thấy, xấu hổ quá mà không chào nữa.
Tôi đi học rất giỏi. Các bài văn tập làm văn của tôi rất sáng tạo và thường được điểm cao. Cô giáo hay đọc to cho cả lớp nghe để làm mẫu. Tôi tự hào lắm. Cứ như sinh ra để viết văn vậy. Bắt đầu từ một lần cô bạn thân được đọc bài của nó cho cả lớp nghe, không phải tôi. Ấy là lần đầu tiên tôi nghe một bài văn xưng “tôi” thay vì xưng “em”. Từ giây phút ấy trong tôi như bừng sáng một cảm giác lạ lùng và tôi không bao giờ dùng nhân xưng “em” trong bất cứ bài viết nào nữa. Hình như hồi lớp 3 hay 4 gì đó. Mọi bài viết luôn là “tôi”: nhà tôi ở cạnh con suối, bà tôi nấu ăn rất ngon… Ngẫm lại thấy thật lạ lùng làm sao. Chỉ một vụ danh từ nhân xưng đó thôi mà tôi cứ nhớ mãi về sự “trưởng thành hơi sớm” của mình.
Một lần cô giáo ra đề làm văn là tả về buổi sinh hoạt của gia đình em. Tôi còn nhớ mình đã có những chi tiết tưởng tượng bạn khó mà hình dung được nếu ở cùng cái tuổi ấy. Tôi kể về việc có một người họ hàng xa ghé thăm nhà mình (không nhớ có phải trúng dịp cái bác Hội bên trên không nữa) nhưng câu chuyện về buổi tối sum vầy này chỉ là xạo thôi. Vì bạn biết rồi, ba mẹ tôi đi ngủ rất sớm, chỉ sau chương trình thời sự, lấy đâu mà ngồi đến khuya tám chuyện chứ. Nhưng tôi không thể kể trong văn rằng ba mẹ em đi ngủ sớm, nhà em không có buổi sinh hoạt nào cả, thì thật kì. Thế nên bài văn của tôi kể về một tối khi gia đình tôi có người họ hàng xa ghé thăm. Cả gia đình sum vầy ăn cơm tối rồi ngồi cùng nhau ôn lại kỉ niệm xưa của những người lớn, hỏi thăm về những người họ hàng khác. Rồi người đó mang quà quê ra biếu ba mẹ tôi, đó là những món rất lâu ba mẹ tôi không ăn nên họ rất đỗi vui mừng. Đang trò chuyện thì “phựt” điện cúp tối om. Vì nhà bán tạp hóa nên nhà tôi có đầy những cây nến sáp. Mẹ tôi thắp lên cả chục cây nến thắp sáng khắp nhà rồi mọi người lại cùng trò chuyện trong không gian vô cùng thân mật ấm cúng. Trò chuyện được hồi lâu thì lại “phựt” cả nhà có điện lại trở nên sáng choang. Ánh điện hắt vào bốn bức tường vôi trắng làm mọi người lóa cả mắt trong giây phút. Sau đó mọi người quyết định tắt điện đi để trò chuyện trong ánh nến vì thấy ấm áp hơn… Đại loại tôi còn nhớ mấy chi tiết như vậy đó. Bạn cũng thấy khó tin đúng không? Nhưng quả thật trí tưởng tượng cùng khả năng văn thơ của tôi như một hạt mầm luôn có sẵn ở đó, chỉ đợi nảy mầm vươn lên.
Đó cũng là một nền tảng để tôi có thể viết sau này, viết như một cái máy không mệt mỏi. Ngay lúc này là gần 9h tối, ngày hôm nay tôi đã viết khá nhiều bài trên trang cá nhân từ Sự chuyên nghiệp, Thần thái, Áo dài và giờ là bài viết này. Tôi cũng chưa ăn gì cả ngày nay trừ một ly cappuccino và vài trái vú sữa. Cứ ngồi viết lại những kí ức tuôn ra như suối như vậy đấy. Chẳng ngờ lại dài đến thế này rồi.
Cảm ơn các bạn đã đủ kiên nhẫn để đọc bài dài đến vậy.
Đấy là kể sơ về phần kỉ niệm tuổi thơ tuyệt vời mà tôi vẫn nhớ như in.
Tất cả những kỉ niệm bên trên đều 100% sự thật không hề thêm bớt bất cứ gì.
Lần kế tiếp tôi sẽ kể về những năm tháng đi học xa nhà và ý nghĩa cái tên cũng như thời điểm tôi sinh ra đã ảnh hưởng cuộc đời tôi như thế nào nhé.
Nếu bạn vẫn muốn đọc!