Thay đổi thế giới từ… một tàu lá chuối
Liệu chúng ta có thể tạo ra thay đổi cho thế giới từ những tàu lá chuối?
Hồi ở Philipines tôi hay đến một nhà hàng có cái tên rất dễ thương: Banana Leaf – Lá chuối. Đồ ăn ở đây rất ngon với đủ loại món ăn pha trộn phong cách cả phương Tây và phương Đông. Tuy nhiên có một điều khiến tôi ấn tượng nhất, và cũng thích nhất. Là cách họ dùng lá chuối để thay cho dĩa đựng đồ ăn. Mọi thực khách đến đây đều ăn trên những miếng lá chuối trông thật dễ thương và thân thiện. Tất nhiên trừ những món canh súp hay cari thì nhà hàng sẽ mang thêm chén sành ra cho khách nữa.
Nhìn những miếng lá chuối được dùng thay cho dĩa ăn, tôi thấy thích thú lắm. Nó gợi cho tôi nhớ về những vùng quê Việt Nam nơi mà người ta nấu xôi bán trong những gói lá chuối như vậy. Hình như ở Sài Gòn cũng có một hệ thống bán xôi tên Xôi lá chuối thì phải. Tôi chưa ăn bao giờ nhưng tôi thích cái ý tưởng ấy.
Trưa qua tôi ăn trưa món bánh xèo trong một quán ở gần nhà. Người ta cũng đặt chiếc bánh xèo vàng rộm lên trên một miếng lá chuối xanh rì và đặt lên một cái “mẹt” nhỏ đan bằng tre trông thật đẹp mắt.
Cả ngày tôi đã nghĩ về những tấm lá chuối ấy và tưởng tượng ra một cuộc cách mạng mà lá chuối chính là nhân vật chủ đạo.
Bạn có biết, con người chúng ta vì một cuộc sống “tiện lợi” đã sản xuất và thải ra môi trường cơ man nào là rác thải độc hại. Mỗi năm hàng ngàn tấn rác của đồ dùng một lần như chén dĩa dùng một lần, ống hút, túi nilon, băng tã giấy… được thải xuống biển không chỉ gây ô nhiễm mà còn gây đau đớn, thậm chí cái chết khủng khiếp cho hàng ngàn sinh vật biển, từ sinh vật sống dưới biển như các loại rùa biển, cá biển cho tới các loài trên cạn mà ăn các loài cá ấy như chim mòng biển…
Trước tình hình ô nhiễm khủng khiếp đó, nhiều loại vật liệu thân thiện với môi trường được nhiều nhóm người trên thế giới nghiên cứu, đưa vào sử dụng thay thế cho đồ nhựa công nghiệp như một cách để xin lỗi môi trường và cũng là để tự cứu chính tương lai cho loài người chúng ta.
Tôi được biết người ta đã nghiên cứu công nghệ tạo ra các chén dĩa tiện lợi dùng một lần từ lá cây. Tức là lá cây, không nhớ là lá gì vì công nghệ này của nước ngoài, sẽ được rửa và ép khô sao đó để dùng thay cho chén dĩa nhựa. Tuy nhiên công nghệ này còn mới và giá thành của những chiếc dĩa này khá đắt đỏ, chưa thể phổ cập.
Tôi cũng được nghe chuyện Nhật Bản sản xuất báo in từ loại giấy không chỉ tự phân hủy nhanh mà còn có những hạt giống hoa ép khô bên trong. Người ta đọc báo xong chỉ cần quăng tờ báo xuống đất, hoa sẽ mọc lên.
Rồi tôi cũng biết về một công nghệ mới giúp người ta sản xuất ra loại vải thân thiện môi trường làm từ lá dứa nữa. Ấy là loại vải không chỉ bền đẹp mà còn mát vào mùa hè, giữ ấm rất tốt vào mùa đông.
Rất nhiều những phát minh nghe khá đơn giản, nhỏ bé, đôi khi điên rồ như vậy thôi nhưng lại có tác dụng thay đổi thế giới này đấy, bạn tin không?
Hồi ở Phil tôi ngạc nhiên vì tinh thần bảo vệ môi trường của họ lắm. Mọi cửa hàng tiện lợi đều dùng túi giấy thay cho túi nilon. Các quán xá đa phần dùng ống hút giấy hoặc ống kim loại thay cho ống hút nhựa. Thật tuyệt vời. Riêng những khoản này Việt Nam mình còn thua họ nhiều. Tất nhiên có những mặt trái và những sự thật phía sau nữa nhưng tôi không bàn đến ở đây.
Lan man nghĩ về lá chuối tôi chợt nghĩ: nếu như chúng ta có thể nghiên cứu và tạo ra những loại dĩa dùng một lần từ lá chuối, hay thậm chí làm ống hút từ lá chuối thì liệu có khả thi không, có khó quá không?
Lá chuối ở Việt Nam mình không thiếu vì cây chuối rất thích hợp với vùng đất nhiệt đới của chúng ta. Nếu chúng ta có thể sản xuất ra loại ống hút làm từ lá chuối ép và cuốn lại, tôi tin đó sẽ là một phát minh tuyệt vời. Nó có thể thay thế cho hàng tấn ống hút nhựa đang được thải ra và giết chết hàng ngàn sinh vật biển mỗi ngày. Bên cạnh đó, nó có thể tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người nông dân thông qua việc trồng chuối để lấy lá bên cạnh việc lấy quả. Nó cũng có thể tạo ra những thương nhân xuất khẩu ống hút lá chuối ra nước ngoài nữa chứ đùa. Tại sao không nhỹ?
Có thể bạn không tin nhưng tôi tin. Bạn không cần phải giỏi cỡ Leonardo Da Vinci hay cỡ Bill Gates, Steve Job, Henry Ford mới có thể tạo ra sản phẩm thay đổi thế giới. Chỉ cần bạn có thể nghĩ và tạo ra một sản phẩm ống hút thân thiện với môi trường thay cho ống hút nhựa thôi, là bạn đã có thể được vinh dự góp mặt trong hàng ngũ những người tạo ra thay đổi cho thế giới rồi. Nếu không phải thế giới loài người thì ít nhất cũng là thế giới của những loài sinh vật biển khác, như loài rùa biển chẳng hạn – một trong những loài chịu nhiều đau đớn nhất từ rác thải nhựa xuống biển.
Ống hút là thứ vật dụng phổ biến ở mọi đất nước dù giàu hay nghèo, mọi quán nước dù sang trọng hay vỉa hè. Nó dần trở nên một đồ vật mà đôi khi tôi nghĩ, có những người ngày nào cũng buộc phải dùng tới nó ít nhất một lần, đôi khi rất nhiều lần mỗi ngày. Ống hút cũng có nhiều loại khác nhau. Tôi từng dùng ống hút giấy, cảm giác không thích lắm. Ống hút kim loại cũng vậy. Tôi chưa dùng ống hút tre nên không biết cảm giác ra sao. Nhưng nếu so tất cả các chất liệu ấy với lá chuối. Tôi tin ống hút lá chuối sẽ có tương lai tốt hơn trong việc phổ biến đến mọi người. Vấn đề còn lại là làm sao để sản xuất ra nó mà thôi.
Philipines nổi tiếng việc trồng và xuất khẩu chuối. Nhưng khi tôi ở đó, họ chỉ có một loại chuối duy nhất, đại loại như chuối tiêu của ta nhưng quả to hơn. Việt Nam mình quá nhiều chuối nên chuối rất rẻ và phần nào bị xem thường. Chúng ta được thiên nhiên ưu đãi với thổ nhưỡng đa dạng có thể trồng ra rất nhiều loại chuối khác nhau: chuối tiêu, chuối bơm, chuối cau, chuối lùn, chuối sáp… Sự đa dạng về chủng loài chuối ấy khi không được quan tâm có thể biến mất và đó sẽ là một thiệt thòi lớn cho chúng ta. Nhất là trước tình hình trái cây biến đổi gen đang định nghĩa lại toàn bộ thị trường và thị hiếu tiêu dùng.
Hồi ở VN tôi chẳng mấy khi ăn chuối nhưng qua Phil vì thèm, vì bên đó đồ ăn quá “khủng khiếp” nên khi tôi thèm ít vitamin, tôi mua chuối. Bạn biết không, một quả chuối bán trong cửa hàng tiện lợi bên đó có giá bằng cả… nải chuối ở Việt Nam mình. Đó là sự thật.
Bạn tôi người Úc cũng nói về điều tương tự khi ăn chuối ở Phil và sau này được tôi cho ăn các loại chuối khác ở Việt Nam. Anh ấy khen chuối ở VN thật lạ, thật ngon, thơm và độ ngọt rất khác. Không hiểu sao lại không được phổ biến và bán ra nước ngoài. Đó là điều đáng tiếc. Phải chăng vì chúng ta quá xem thường cây chuối, xem thường lợi thế của mình, hoặc cũng có khi chúng ta không hề biết nó là một lợi thế để mà tận dụng và khai thác phát huy?
Chúng ta có thể tận dụng mọi thứ và biến nó thành một cuộc cách mạng, bạn biết chứ? Như cách lão nông Fukuoka đã tạo ra một cuộc cách mạng khổng lồ trong việc làm nông nghiệp tự nhiên từ những lợi ích của cọng rơm khô vậy.
Tôi theo dõi một nhóm “cọng rơm” trên facebook và đọc được một bài viết của một thành viên trong ấy rằng, vì không kiếm được rơm nên chị đã sáng tạo và tìm ra phương án thay thế rơm để ủ đất và làm màu mỡ đất trước khi trồng cây. Ấy là dùng bã mía. Vâng, bã mía từ những quầy nước mía ở khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam cũng có thể tạo ra một cuộc cách mạng nho nhỏ, nếu chúng ta biết cách và chịu khó sáng tạo thêm những lợi ích mới cho nó.
Vậy tại sao không là lá chuối?
Thế giới đang bước vào kỉ nguyên Bảo Bình là kỉ nguyên của sáng tạo và những phát minh “tầm cỡ” giúp con người sống theo cách hoàn toàn khác quá khứ. Tôi đọc một bài viết nói về những dự đoán trong tương lai của loài người. Họ nói về những thứ rất lớn lao như năng lượng mặt trời sẽ hoàn toàn thay thế cho năng lượng từ dầu mỏ, than đá. Họ nói về chuyện oto sẽ được tự động hóa không cần người lái, robot sẽ làm mọi việc, con người sẽ di chuyển vào trong không gian một cách dễ dàng… Tất nhiên tôi “ưng bụng” những dự đoán này lắm. Chúng đều là những bước tiến lớn cho loài người nói chung. Nhưng bên cạnh những dự đoán ấy, tôi hài lòng hơn với những “bước tiến nhỏ bé” khác ngay cạnh đây, ngay lúc này mà tôi trông thấy được và cảm nhận được “sự vĩ đại đơn sơ” của nó. Một trong số đó là… cốc nguyệt san.
Bạn có biết, mà có thể bạn sẽ không bao giờ biết, nếu như bạn là một người đàn ông. Rằng có một phát minh gần đây, tuy rất nhỏ bé nhưng lại hoàn toàn có tác dụng cứu trái đất này khỏi một lượng rác thải độc hại khổng lồ. Đó là thứ có tên gọi Cốc Nguyệt San. Nó là một sản phẩm nhỏ bằng nhựa đặc biệt mà mỗi người phụ nữ nếu sỡ hữu một cái thì sẽ thay thế cho lượng băng vệ sinh mà họ dùng trong cả chục năm. Đồng nghĩa với việc một vật dụng nhỏ như một cái cốc sẽ thay thế cho lượng tiền bạc và lượng rác thải khổng lồ mà mỗi người phụ nữ đều đang thải ra mỗi tháng.
Bạn có thấy lợi ích khủng khiếp của một thứ nhỏ bé như vậy hay không?
Phụ nữ chiếm khoảng ½ dân số thế giới. Cứ cho ½ trong số đó trong thời kì sinh sản, tức có kinh nguyệt mỗi tháng. Bạn có tính được lượng băng vệ sinh mà tổng phụ nữ trên đời sử dụng và thải ra môi trường không? Không thể đốt chúng vì đốt chúng sẽ rất độc hại. Còn nếu chỉ thải ra môi trường như một loại rác bình thường, bạn có biết sẽ mất 500-800 năm để một thứ như một cái băng vệ sinh được phân hủy hoàn toàn. Nghĩa là cái miếng băng bé nhỏ độc hại ấy sẽ tồn tại trên trái đất này 500-800 năm trước khi biến mất? Chưa kể một phụ nữ sẽ phải thay rất nhiều miếng băng nho nhỏ như vậy mỗi lần. Một con số giật mình đúng không?
Tương tự, một cái ly nhựa sẽ mất 50 năm, một cái chai thủy tinh cần 1 triệu năm, tã giấy loại tự phân hủy cần 450 năm, lon nhôm mất 80-200 năm… để phân hủy. Những con số thật đáng giật mình.
Chúng ta đang sống trong một bãi rác khổng lồ, nói một cách khác, một bãi phân khổng lồ do chính chúng ta tạo ra. Con số rác thải ra môi trường không hề thuyên giảm trong bao năm qua thậm chí còn tăng thêm khi mà những dụng cụ đồ dùng một lần càng được ưa chuộng, giờ người ta có cả đồ lót dùng một lần nữa. Chúng ta vứt rác đi, chôn rác xuống lòng đất, không có nghĩa chúng sẽ biến mất đâu các bạn ạ. Nó vẫn ở đó, phân hủy rất từ từ, tan ra, ngấm xuống mạch nước ngầm và chúng ta lại ăn uống chính những chất độc hại bẩn thỉu mà chúng ta đã thải ra. Điều đó là sự thật. Những con cá con cua dưới biển vô tình ăn phải rác thải nhựa hoặc các hạt nhựa trong rác thải, chúng ta bắt chúng lên và ăn luôn các hạt nhựa ấy mà không hề bận tâm. Có thể nói, chúng ta đang ăn chính những gì chúng ta thải ra mỗi ngày. Thấy ghê ghê không?
Nói vậy không để bạn cảm thấy sợ hãi nhịn ăn. Nhưng nói vậy là để bạn tin rằng chỉ cần một phát minh nhỏ xíu xinh xinh cỡ Cốc nguyệt san thôi cũng đủ để tạo nên sự thay đổi vĩ đại cho môi trường chúng ta đang sống đến mức nào. Hoặc phát minh lạ lạ kiểu ống hút từ lá chuối, tuy chưa có mặt trên thị trường nhưng biết đâu một ngày nào đó trong tương lai lại trở thành thứ không thể thiếu trong mọi quán nước thì sao?
Bạn cũng nên dừng cái suy nghĩ rằng thay đổi thế giới là chuyện của những vĩ nhân kì tài hay những phát minh thay đổi thế giới phải là những phát minh tầm… vũ trụ hoặc vũ khí hạt nhân…
Bạn, tôi, bất cứ ai, cũng có thể nghĩ ra những sản phẩm, dịch vụ góp phần làm thay đổi thế giới. Điều quan trọng đầu tiên là bạn phải tin mình có thể, và nhận về chính mình cái nghĩa vụ đó. Mỗi người một tay, mỗi người một ý tưởng, thế giới này luôn thay đổi mỗi ngày bất kể bạn có làm gì hay không. Thế thì tại sao không góp một ý tưởng vào tiến trình thuận tự nhiên ấy?
Nếu như bạn không biết phải lấy ý tưởng từ đâu, tôi có hai gợi ý:
– Tập trung vào những gì bạn đang làm, lĩnh vực bạn đang quan tâm để xem có cách nào cải tiến nó theo hướng thân thiện môi trường hơn hay không? (ví dụ nhà bạn bán nước mía, bạn có thể nghĩ cách gì để dùng bã mía có ích hơn. Nhà bạn có miếng đất bỏ hoang, liệu có cách nào dùng miếng đất này tốt hơn không? Có cách nào tận dụng vỏ café sau khi tách hạt? giấy vụn, tái chế chai thủy tinh thành sản phẩm trang trí…)
– Xem lại bộ truyện tranh Đô-rê-mon là một gợi ý không tồi chút nào! Cả đống những bảo bối của Đô-rê-mon đã có mặt trong đời sống thực từ một trí tưởng tượng điên rồ hàng chục năm trước, trong tư duy một gã họa sĩ lập dị…
Hoặc bạn cũng có thể lấy ý tưởng của người khác, người mà có ý tưởng nhưng không biết làm sao để thực hiện, như tôi (haha), nếu bạn cũng thấy lá chuối là thứ giá trị. Hoặc là lá sen, lá tre, lá ổi, lá mít… nhiều thứ để làm lắm, chỉ là chúng ta có muốn bỏ công sức và quan tâm vào nó hay không thôi.
Tháng trước tôi đi mua bộ đồ chơi rút gỗ làm quà cho nhóc Rio. Tôi đã rất ngạc nhiên khi biết giá của bộ đồ chơi ấy là 120 ngàn đồng, chỉ là đôi ba chục miếng gỗ bé con con nhẵn mịn. Người ta giải thích với tôi rằng nó đắt như vậy là vì phải nhập từ nước ngoài. Tôi không hiểu sao Việt Nam mình với ngành công nghiệp sản xuất chế biến gỗ cộng với hàng ngàn hecta rừng bị phá hủy đều đều mà lại không thể tự sản xuất một thứ đơn giản như bộ rút gỗ đó sao mà phải nhập?
Đó cũng là một cơ hội cho bạn nếu như bạn tìm ra cách nào đó để tận dụng những thứ xung quanh để sản xuất ra bộ rút gỗ made in Việt Nam đấy. Ví dụ như tái chế từ những đồ gỗ cũ bỏ đi, tạo ra một loại gỗ ép mới, thu nhặt mảnh gỗ vụn trong các xưởng gỗ chẳng hạn.
Nếu bạn không làm việc trong ngành sản xuất, tôi vẫn tin bạn có thể làm gì đó để góp sức vào công cuộc “thay đổi thế giới” này. Như là nghĩ ra một dự án tư vấn free bao gồm các ý tưởng giúp chuỗi cửa hàng trà sữa Gong Cha bỏ dần ống hút nhựa, ly nhựa, túi nilon mà thay bằng ống hút giấy, ly giấy, túi giấy mang về chẳng hạn… Ví dụ thế thôi. Hay nếu bạn là người quan tâm công nghệ hơn thì hãy tìm gặp những người có cùng quan điểm để bắt đầu viết nên một app giáo dục mà trong đó là những câu chuyện hoạt hình về ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường nhắm đến đối tượng trẻ em. Vì chẳng có cách nào dạy trẻ em tốt hơn phim hoạt hình cả. Nhất là thời đại của kĩ thuật số hiện nay. Đấy, cơ man những ý tưởng mà nếu chúng ta có thể cùng nhau thực hiện thì thế giới nhất định sẽ được thay đổi.
Sau cùng, nếu ai có ý tưởng gì để biến giấc mơ về một cuộc cách mạng lá chuối (chén dĩa nhựa, ống hút lá chuối) bên trên thành hiện thực, xin hãy liên hệ với tôi!
Đọc thêm về sự phân hủy rác thải tại link sau
http://khoahoc.tv/rac-thai-hang-ngay-cua-ban-mat-bao-lau-de-phan-huy-82088
Đừng google về những chú rùa biển đang phải chịu đau đớn vì những cái ống hút, nếu bạn không muốn bật khóc…