Cái ngàn vàng liệu có quý hơn cái móng tay?

Hướng dẫn trước khi đọc: bài viết mang vài quan điểm phiến diện và châm biếm đả kích. bạn đọc vui lòng cân nhắc trước khi đọc. Xin cảm ơn!

Khi cái ngàn vàng chẳng đáng ngàn vàng
Phương Đông
Con gái, phụ nữ Việt Nam từ nhỏ đến lớn đều bị thấm cái tư tưởng về cái ngàn vàng, tức cái màng trinh. Dần dà họ cảm thấy như là cái màng trinh là thứ cực kì quan trọng, là thứ đảm bảo cho danh tiết, cho thể diện, cho tương lai của họ đối với người chồng và xã hội. Thì tất nhiên, ngàn vàng cơ mà.
Điều này bắt nguồn từ văn hóa Khổng giáo Nho giáo vô cùng trọng nam khinh nữ vốn cho rằng nam giới làm chuyện lớn, nữ giới là vô dụng. Kiểu như nữ giới sinh ra chỉ để mua vui cho đàn ông, giúp việc cho đàn ông và là nô lệ cho đàn ông. Đối với văn hóa Khổng giáo, phụ nữ nói chung chả đáng kí lô gram nào cả. Họ không có tự do (tòng phụ – tòng phu – tòng tử), không được có cá tính riêng mà phải theo một quy chuẩn áp đặt của xã hội về cách hành xử trong cuộc sống (công dung ngôn hạnh), đặc biệt nữ giới không “có cửa” để làm chuyện liên quan quốc gia đại sự (1 nam cũng đủ, 10 nữ như không). Riết dần phụ nữ Việt trở nên rất thụ động, rất nặng nề định kiến và xem thường chính bản thân mình. Họ đồng hóa giá trị bản thân với cái trinh và xem đó là tài sản quý giá nhất.
Nếu một người tin rằng cái màng trinh là thứ quý giá nhất của họ, thì làm sao mong đàn ông xem trọng họ nhiều hơn cái màng trinh đó được?

Phương Tây
Văn hóa tự do ngôn luận lâu đời khiến phụ nữ cũng được bình quyền với đàn ông. Họ có quyền làm mọi thứ họ muốn, nói mọi thứ họ nghĩ, theo đuổi phong cách sống mà họ thấy phù hợp. Chẳng có truyền thống ngàn năm nào cản trở hay ép buộc họ trở thành nô lệ cho đàn ông cả.
Nên phụ nữ, từ khi còn là các bé gái đã được giáo dục từ xã hội lẫn gia đình dạy rằng: con là một người tự do, con có quyền làm mọi điều con muốn, trở thành người con muốn trở thành, không ai trên đời đáng giá hơn bản thân con và hạnh phúc của con cả.
Dần dà cái suy nghĩ ấy thấm sâu, mọi phụ nữ phương Tây đều tin rằng bản thân họ đáng giá, tương lai họ đáng giá, cuộc đời họ đáng giá. Ai bận tâm về cái màng trinh chứ, nó chỉ là một bộ phận nhỏ của cơ thể như cái móng tay thôi, chẳng quan trọng hơn cái đầu, hơn tâm hồn, cơ thể hay tương lai của họ.
Chính vì biết cho rằng bản thân đáng giá nên họ không đánh giá mình lẫn người khác quan một bộ phần của cơ thể. Càng không chấp nhận người đàn ông đánh giá con người họ qua những ấy. Thế là họ càng độc lập và tự tin. Tự do sống cuộc đời của mình và nhận được sự tôn trọng từ nam giới nữa.

Cái ngàn vàng chỉ là bảo bối của đàn ông để biến phụ nữ thành nô lệ

Đàn ông Phương Đông xem phụ nữ như một món tài sản hoặc một người giúp mình quản lý và giữ tài sản, sinh ra con cái để truyền lại tài sản. Họ được truyền thụ văn hóa Khổng giáo nên tự xem mình là rất quan trọng, là người đứng đầu gia đình và quản lý mọi chuyện quốc gia đại sự đất nước.
Màng trinh, theo bác Nguyễn Gia Kiểng trong cuốn sách nổi tiếng Tổ Quốc Ăn Năn, là một “phát minh” của đàn ông nhằm thể hiện quyền chiếm hữu và nô lệ hóa phụ nữ. Nguyên nhân sâu xa là vì họ rất sợ. Họ sợ người phụ nữ đã từng trải qua chuyện giường chiếu với người khác thì dễ sinh ra so sánh và đánh giá về “khả năng đàn ông” của họ. Họ sợ hơn nữa những người phụ nữ dám xem thường trinh tiết, tức là xem thường truyền thống văn hóa lâu đời, những người phụ nữ như vậy có tinh thần độc lập tự chủ cao khiến đàn ông không thể kiếm soát và sai bảo được. Đàn ông sợ những phụ nữ độc lập vì phụ nữ độc lập không phụ thuộc và không cần đàn ông. Không người này thì sẽ có người khác tốt hơn. Đàn ông sợ nhất bị phụ nữ so sánh mình với những đàn ông khác, đặc biệt nhất là khoản năng lực giường chiếu. Vậy nên chắc ăn nhất là nên cấm phụ nữ ngay từ lúc đầu, không cho phép phụ nữ biết đến ai khác ngoài bản thân mình. Về khoản này thì bảo bối “màng trinh” cực kì hữu dụng.
Đàn ông nào càng đồng hóa giá trị người phụ nữ với bộ phận của cơ thể cô ấy thì càng chứng tỏ rằng người đàn ông đó rất lo lắng sợ hãi việc bị phụ nữ so sánh và phán xét. Để bảo vệ bản thân, họ chủ động so sánh và phán xét phụ nữ trước khi để phụ nữ có cơ hội so sánh mình.
Đàn ông phương đông không ủng hộ phụ nữ làm chuyện lớn vì văn hóa Khổng giáo ăn sâu xem thường phụ nữ và vì không muốn phụ nữ hơn mình chút nào. Bởi nếu phụ nữ giỏi hơn họ thì họ sẽ bị mất mặt, mất thể diện lắm. Để ngăn chặn chuyện đó, họ áp đặt luôn tư tưởng lên cả xã hội rằng phụ nữ sinh ra là để quanh quẩn xó bếp, làm vài công việc lau chùi, nấu nướng, may vá là đủ. Phụ nữ càng không độc lập, càng phụ thuộc họ thì họ càng vui và cảm thấy hài lòng.
Xã hội Khổng giáo nói chung là Việt Nam nói riêng không thích những người phụ nữ độc lập tự chủ. Nhưng xu thế xã hội và thế giới là du nhập văn hóa của nhau nên phụ nữ ngày càng trở nên độc lập hơn. Đàn ông chia làm hai phe: một phe cố bảo vệ quyền lợi là những suy nghĩ truyền thống giá trị xưa cũ. Một phe còn lại thức thời hơn, biết không thể cản trở tiến trình hội nhập văn hóa nên thay vì chống đối, họ ủng hộ. Họ tôn trọng phụ nữ hơn, xem trọng tự do ngôn luận, bình quyền của cả hai bên và tạo điều kiện cho phụ nữ độc lập hơn và tự do hơn nữa. Tất nhiên khi phụ nữ được tự do thì đàn ông cũng có không ít quyền lợi đính kèm: Như là chuyện phụ nữ san sẻ gánh nặng cơm áo gạo tiền với đàn ông; chuyện phụ nữ thoáng hơn trong các vấn đề giường chiếu; Đặc biệt, phụ nữ trở thành không chỉ vợ mà còn là một người bạn, người bạn đời, người tư vấn, người chăm sóc cho đàn ông trong mọi hoàn cảnh nữa. Đàn ông có nhiều bạn bè và đối tác làm ăn tới đâu thì cũng mong muốn có một người phụ nữ quan tâm yêu thương họ khi họ mệt mỏi.
Những người đàn ông này là đàn ông thông minh. Họ cho trước, ủng hộ trước để rồi sau đó được nhận lại, chứ không hẳn ủng hộ chơi chơi cho vui. Họ nói về bình quyền, tự do ngôn luận đấy nhưng sâu trong thâm tâm cũng chỉ là làm sao để mình được nhiều lợi ích nhất mà thôi.

Đàn ông Phương Tây được dạy về sự bình đẳng từ sớm nên chuyện bình đẳng giới đối với họ là chuyện bình thường như quyền hít thở của mỗi người vậy. Nên họ chẳng bao giờ phản đối chuyện phụ nữ lên tiếng hay theo đuổi cách sống cũng như mục tiêu của riêng họ. Họ đặc biệt coi trọng sự tự lập của mỗi người cũng như không quan tâm nhiều đến các định kiến văn hóa. Đối với họ chuyện giường chiếu là để thỏa mãn một nhu cầu và cũng là cách để thưởng thức cuộc sống nên họ rất cởi mở chuyện này. Cũng như đánh giá cao sự hòa hợp lẫn kĩ năng của hai bên thay vì tầm quan trọng của một cơ quan không quan trọng trên cơ thể người phụ nữ như cái màng trinh ấy. Họ không đánh giá phụ nữ qua bộ phận cơ thể nên càng không muốn chịu trách nhiệm với người phụ nữ chỉ vì lỡ lấy mất cái … ngàn vàng của cô ta. Phương Tây họ đề cao chất lượng chuyện giường chiếu, tức là kĩ năng, nên đối với họ những cô gái còn trinh là những người ít kĩ năng và nhàm chán. Cho nên khi tiếp xúc với phương Đông và nhận ra suy nghĩ của các cô gái phương Đông về cái màng trinh họ thấy rất… tức cười.

Tất nhiên những phát biểu trên đây mang tính giải trí, thư giãn châm biếm là chính nên không hoàn toàn khách quan mà có đôi chút phiến diện và đáng cười. Mong bạn đừng vội nổi đóa lên hỡi các anh trai truyền thống.
Ai chả biết xã hội nào văn hóa nào cũng có người này người kia. Phương Đông đầy ắp người tôn trọng phụ nữ và phương Tây cũng đầy ắp những người xem thường phụ nữ. Phương Đông đầy phụ nữ xem thường chuyện trinh tiết lẫn tình dục trong khi phương Tây lại có không ít những cô gái thuộc hội “giữ trinh tiết đến cho khi kết hôn”. Thế giới phẳng mà, văn hóa đông-tây ngày càng hòa nhập nhiều hơn và khắp nơi ngày càng xuất hiện nhiều triết lý sống mới lạ, đáng xem xét và học hỏi.

Từ chuyện ấy cho đến chuyện văn hóa

Bạn có thể cho rằng cái ngàn vàng mang lại cho bạn sự tôn trọng của đàn ông và sự chung tình của họ. Chúc may mắn vì chẳng có ai đảm bảo điều đó cả đâu. Bạn cũng có thể cho rằng nắm giữ lần đầu tiên của phụ nữ là đủ để cô ấy yêu mến, tuân phục, chung tình với bạn thì cũng chúc may mắn luôn.
Con người được sinh ra là những cá thể tự do. Mọi người có thể tựa vào nhau để sống tốt hơn nhưng về bản chất không ai là tài sản hoặc nô lệ của ai cả. Bạn có thể nắm giữ thân thể một người trong tù lao nhưng không thể nắm giữ được suy nghĩ, trí tưởng tượng, giấc mơ lẫn tình cảm của họ. Vậy tại sao phải làm khó nhau ngay từ ban đầu? Tại sao không cho nhau tự do và giúp nhau cùng sống hạnh phúc trong tôn trọng và chia sẻ? Tại sao phải đánh giá lẫn nhau, so sánh với nhau và kì thị nhau?
Bạn đánh giá một người qua cái màng trinh hay bạn để người khác đánh giá mình qua cái ấy thì bạn vẫn còn là nô lệ của văn hóa. Nó chẳng khác gì chuyện bạn đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài hay thu nhập vậy. Riêng cái này đông-tây vẫn còn khá giống nhau. Không ai thích bị đánh giá nhưng lại rất khóai chí đánh giá người khác.

Chúng ta nên xem xét nhiều tư tưởng và nếp văn hóa khác nhau của mọi nơi trên trái đất. Thấy cái nào thích hợp và tiến bộ thì mang ra ứng dụng, thay đổi chính mình. Cái nào cực đoăn gò ép và kì cục quá thì loại bỏ. Đã đến lúc tự bản thân chúng ta phải tách rời khỏi những định kiến suy nghĩ, giáo dục cũng như sự phân định Đông-Tây để xây dựng cho bản thân mình một văn hóa riêng. Tốt nhất là các nét ấy nên dựa trên nền tảng của những điều cốt lõi: sự cởi mở, sáng tạo, chia sẻ, tôn trọng, từ bi và yêu thương.

Tự bản thân mỗi phụ nữ phải nhận ra suy nghĩ của mình là gì, nguyên nhân nào đã tạo nên nó, nó có tốt không, có cách nào để thay đổi không, thay đổi như thế nào. Đàn ông cũng vậy.

Thay đổi văn hóa là việc rất khó khăn. Thay đổi về giáo dục và truyền thống cũng vậy. Nhưng thay đổi suy nghĩ cùng cách ứng xử của bản thân mình là điều ai cũng có thể làm được và nên làm càng sớm càng tốt. Nếu mỗi người trong chúng ta có thể đặt nền tảng suy nghĩ, hành động của mình dựa trên sự tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác. Chẳng sớm thì muộn cả xã hội cũng sẽ đầy ắp những người biết tôn trọng nhau như vậy. Bởi văn hóa không gì khác hơn là cách hành xử của xã hội và xã hội lại không gì khác hơn là tập hợp một đám đông với rất nhiều phần tử mà mỗi chúng ta chính là một phần tử, một cá nhân trong tập hợp ấy.
Đủ lượng, chất sẽ đổi.
Đủ người thay đổi, văn hóa và xã hội sẽ thay đổi.
Sao lại không thể chứ?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *