Lập trình bộ não để sống khác đi

Lập trình bộ não

Như đã nói, đây là công việc không dễ dàng nhưng lại cực kì đáng giá.
Trong ít nhất 30 ngày hãy lên kế hoạch để thay đổi lối tư duy, suy nghĩ của bạn. Một trong những việc cần làm là hãy tập nhìn cuộc sống một cách khác đi, không để bản thân bị cuốn theo cách nhìn của đám đông ngoài xã hội.
Có hai lĩnh vực bạn cần làm trong công cuộc lập trình não bộ này, một là những việc thuộc đời sống cá nhân, hai là những việc thuộc đời sống xã hội.
Tôi sẽ kể cho bạn nghe những gì tôi đã làm thay cho việc đưa ra lời khuyên bảo bạn phải làm gì.

Một ngày nọ sau khi đi xa trở về, tôi chứng kiến căn nhà trong tình trạng lôi thôi lộn xộn: giày dép vứt chỏng trơ dưới sàn thay vì trên kệ, rác đầy thùng không được vứt, chén dĩa trong bồn không được rửa… nói chung là một cảnh tượng khiến tôi vô cùng bực mình và tức giận. Nhưng hôm đó, thay vì trách móc cô em gái như thường làm, thay vì cằn nhằn cáu bẳn khi dọn dẹp mọi thứ. Tôi quyết định thay đổi tâm trạng của mình. Tôi nghĩ về việc mình may mắn như thế nào khi có một căn nhà riêng; tôi nghĩ về việc cô em gái đã phải vất vả như nào trong việc quản lý cửa hàng để tôi đi công tác hay đi du lịch đây đó; tôi nghĩ về việc không phải ai cũng “giỏi xoay xở” như Song tử để có thể làm 4-5 việc cùng một lúc… Thế là mặt tôi liền giãn ra, môi nở một nụ cười thanh thản và bắt tay vào công việc dọn dẹp ngôi nhà sau khi đã bật một bản nhạc thật tươi vui để tăng thêm phần hưng phấn.

Trong bất kì hoàn cảnh nào bạn cũng có thể thay đổi tâm thế của mình từ tiêu cực sang tích cực hơn, từ bi quan sang lạc quan hơn, từ bị động sang chủ động hơn và dần lấy lại tâm thế “người lập trình của não bộ” chứ đừng để não bộ lập trình mọi suy nghĩ và hành động của bạn theo lối cũ.

Cùng một cách thức như vậy với những sự kiện xảy ra ngoài xã hội. Thay vì a dua chạy hùa theo đám đông để ca tụng hay phê phán một thứ gì, hãy bắt đầu đặt ra những câu hỏi ngược lại, những góc nhìn khác đi để thấy được cái toàn cảnh của vấn đề một cách sâu sắc hơn, từ đó sống an nhiên bình thản hơn.

Tôi có rất nhiều ví dụ trong việc này, một số như là:

Trong khi cả xã hội lên án anh chàng bí thư Sở khanh ép bạn gái phá thai, tôi nhìn vào những góc cạnh khác của vấn đề: sự nhu nhược ngu ngốc và lệ thuộc của những cô gái vào bạn trai, sự vô trách nhiệm của giáo dục trong việc không trang bị kiến thức tình dục an toàn lẫn mối nguy tiềm ẩn cho những người trẻ, sự vô tâm của gia đình khi quá chú trọng vào danh dự hơn hạnh phúc của con cái, sự ác độc của đám đông trong việc lên án người khác thay vì đặt mình vào vị trí của người khác và sau cùng là sự tàn nhẫn của xã hội khi họ luôn có cái nhìn phiến diện, thiếu thiện cảm đối với những người phụ nữ dám hành động khác đi như làm mẹ đơn thân hay muốn sống độc thân. Tất cả mọi người trong chúng ta đều phải chịu trách nhiệm một phần cho những tiêu cực xảy ra trong đất nước. Chúng ta đã tạo nên môi trường thuận lợi cho cái xấu nảy sinh thì đừng chỉ lên án người khác nhưng hãy nhìn vào lỗi của chính mình nữa.

Lần khác khi một vị doanh nhân thành đạt lên tiếng dạy dỗ người trẻ rằng “Tuổi trẻ đừng nghĩ về cân bằng cuộc sống, hãy nghĩ về công việc thôi”. Thay vì cho đó là chân lý sống như những người trẻ khác thì tôi lại tìm ra những lý do của riêng mình để… phản đối. Lời khuyên này, theo tôi, thích hợp cho những người đặt thành công trong công việc làm mục tiêu của cuộc sống. Còn đối với những người đặt Hạnh phúc làm mục tiêu, chú trọng vào những trải nghiệm mới để làm phong phú cuộc sống như tôi thì lời khuyên ấy xem ra thật vô nghĩa. Vì tôi cho rằng nếu tuổi đôi mươi mà bạn chỉ tập trung cho duy nhất một thứ là công việc thì chẳng mấy chốc bạn sẽ bị cuốn theo vòng xoáy đó đến một ngày bạn giật mình quay đầu nhìn lại và nhận ra mình đã 40-50 rồi, ngoài một công việc tốt và một sự nghiệp thành công, bạn có gì?
Tôi nghĩ, dù cho bạn đang ở bất cứ độ tuổi nào chăng nữa, không phải công việc, nhưng là sự cân bằng trong cuộc sống mới là thứ quan trọng nhất bạn cần chú tâm. Đôi mươi có thể bạn nên dành nhiều thời gian hơn để lo nghĩ về tương lai và tập trung cho công việc, nhưng không có nghĩa vì thế mà bạn lãng quên đi những khía cạnh khác của cuộc sống. Sống một cách cân bằng cả về mặt vật lý lẫn tâm trí, tâm hồn, đấy là bí quyết để chúng ta có thể sống cuộc sống vui vẻ bình an.

Bằng việc nhìn mọi thứ theo cách khác đi mà càng ngày tôi càng thấy cuộc sống dễ dàng hơn, thú vị hơn và đáng sống hơn rất nhiều. Tôi trở nên biết đồng cảm, bớt đi những lời than trách thay vào đó là sự thấu hiểu và cảm giác bình an.

Tôi cũng dừng luôn việc lấy lý do và đổ lỗi cho thứ này thứ nọ. Thay vào đó tôi đặt trách nhiệm lên chính bản thân mình, mọi việc xảy ra ngoài kia đều do tôi góp phần và tôi cần làm gì để dừng lại sự góp phần ấy? Đó là cách đặt vấn đề của tôi. Ví như việc đọc tin tức, tôi cho rằng sở dĩ báo chí toàn đăng tin tiêu cực như vậy là vì tâm trí con người thích chuyện tiêu cực. Vậy thì tôi không chỉ dừng việc đọc tin tức tiêu cực mà còn dừng luôn cả việc đọc tin tức. Hành động này là một trong những việc làm đáng giá vô cùng mà tôi khuyên mọi người hãy nghĩ về nó, lý do sẽ được nói đến ngay sau.

Còn bạn, hãy dần làm quen với việc nhìn mọi thứ theo một góc độ mới, bắt đầu bằng việc tách mình ra khỏi đám đông càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *