Sống tử tế 1 – những người tử tế quanh tôi

Trong bài viết này, xin tạm đồng hóa Lịch thiệp với Tử tế thành một nghĩa chung, dù cho thực tế chúng khác nhau khá nhiều.

Hãy để Lịch Sự là phong cách sống mới

“Sức mạnh của sự tử tế” là một trong những cuốn sách đầu tiên tôi đọc viết về sự tử tế. Không nhớ nội dung nó là gì nữa, chắc cũng hay nhưng không thực sự ấn tượng với tôi nên tôi mới không nhớ gì.
“Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie là cuốn sách nói về lối sống tử tế mà tôi yêu thích nhất. Cuốn sách thay đổi nhân sinh quan của tôi rất nhiều sau mỗi lần đọc nó. Tôi còn nhớ nguyên si những câu nói kinh điển trong cuốn sách ấy dù cho đã nhiều năm trôi qua, những câu như là:
Chỉ một tháng thật sự quan tâm tới người khác, tôi có nhiều bạn hơn ba năm cố gắng khiến người khác quan tâm đến mình.
– Trong mọi cuộc hội thoại, từ “Tôi” luôn là từ được nhắc đến nhiều nhất. Ai cũng chỉ quan tâm đến bản thân mình, bất kể bên ngoài họ tỏ ra thế nào.
– Trong mọi cuộc tranh cãi, không bao giờ có người thắng. Người thua cuộc cho dù có chấp nhận thua lúc đó thì trong thâm tâm vẫn tin là mình đúng, vẫn sẽ âm thầm tìm cách đánh trả lại. Cách tốt nhất để thắng là hãy tránh xa mọi cuộc tranh cãi.
– Tên của một người là âm thanh êm ái nhất trong tai người đó.
– Nếu muốn câu cá, bạn phải móc thứ mà cá thích làm mồi câu, bạn không thể móc vào mồi câu thứ mà bạn thích và mong cá cắn câu được.
– Lời khen chân thành là món quà vô giá mà bạn có thể trao tặng mọi người.
– Nếu như bạn thành tâm xin lỗi, thay vì cố gắng phản biện bảo vệ cái lỗi của mình, thế thì vấn đề sẽ được giải quyết cực kì mau chóng.
– Người nói chuyện có duyên nhất không phải là người nói hay, mà là người có thể lắng nghe và khuyến khích người khác nói.
– Nếu trái tim bạn không lớn hơn trái ổi rừng, nếu bạn làm mọi việc tử tế chỉ vì mong cầu cái lợi cho riêng mình, thế thì cuốn sách này không dành cho bạn.

Vài ngày trước tôi có bài kiểm tra thử trong khóa học IELTS, phần thi nói (tiếng Anh) tôi bốc thăm trúng câu hỏi về chủ đề sự lịch sự. Vị giám khảo hỏi:

“Hãy kể về một người lịch sự mà bạn từng gặp”

Hôm ấy, với áp lực thời gian tôi chỉ có 1 phút để chuẩn bị nên trong câu trả lời tôi đã kể về M. một người đàn ông mà tôi gặp trong một chuyến du lịch. Bởi vì sống trong nền giáo dục đề cao cách thức ứng xử nên ý thức về chuyện lịch sự rất cao. Chưa kể M thích tôi nên chuyện anh ấy đối xử với tôi như công chúa đã làm tôi rất khoái chí. Những điều quan trọng là anh ấy không chỉ lịch sự với tôi mà còn lịch sự với mọi người xung quanh nữa. Đó mới thực là điều làm tôi ấn tượng. Sự lịch sự đã ăn sâu vào ý thức và trở thành phản ứng tự nhiên như hơi thở khiến mọi hành động đều rất ngọt ngào, không hề có cảm giác gượng ép như nhiều người khác phải gồng mình lên để cư xử lịch sự.
Vâng, hôm ấy tôi đã trả lời câu hỏi ấy về M.

Cả đêm hôm ấy tôi bị mất ngủ, tôi cứ nghĩ về câu hỏi và câu trả lời ấy. Tôi hối hận vì khi có nhiều thời gian hơn, tôi nhớ ra một người khác mà tôi thật sự nể phục về sự lịch sự mà người ấy có, dù cho người ấy không học cao và cũng chẳng sống trong một thế giới văn minh phát triển nào cả. Người ấy chỉ sống trong một ngôi làng nhỏ ở một vùng thôn quê yên bình. Người ấy chính là bố tôi.

Bố tôi tên Phi, tôi yêu quý bố nhiều nên lấy tên bố đặt lên đầu tên mình thành Phi Tuyết. Bố tôi thuộc chòm Thiên Bình, có lẽ điều ấy đã phần nào ảnh hưởng đến lối hành xử đầy lịch sự của ông.

Ngày trước khi tôi trẻ hơn lúc này và chưa hiểu chuyện, tôi đã buồn và thậm chí đôi lúc còn tức giận bố vì sự tử tế của ông với mọi người. Nhà tôi bán tạp hóa từ trước khi tôi ra đời. Bố ngoài lúc làm việc trong vườn café thì hay giúp mẹ trông cửa hàng tạp hóa. Mỗi khi mùa thu café tới, nhà tôi thường có nhiều nhân công từ ngoài bắc hoặc miền tây đến ở nhà tôi để làm việc. Bố tôi với tư cách là người chủ lao động nhưng ông luôn nhún nhường những người làm công của mình cứ hệt như ông mới là người đi làm thuê vậy. Ông không bao giờ to tiếng hay yêu cầu ai làm gì. Nhiều việc thấy không ổn ông lại tự đi làm lấy khiến tôi nhiều lần thắc mắc thuê nhiều nhân công làm gì để rồi họ vừa làm vừa chơi mà bố thì cực như vậy. Bố tôi chỉ cười xòa nói “Nhà họ nghèo mới đi làm thuê kiếm ít tiền cho gia đình. Nhà mình có hơn người ta, mình chịu cực hơn tí cũng được”. Tôi hậm hực lắm vì cái sự dễ tính của bố. Sau này ai dè tôi giống ông y chang. Những người làm thuê cho tôi ai cũng giống như chủ của tôi vậy. Bực cả mình.

Tôi nhớ như in một lần nọ, tôi và chị gái được phân công nấu cơm và gói cơm vào những cái túi nilon để mang lên vườn cho mọi người ăn trưa. Tôi đã đếm số người cẩn thận để chuẩn bị bát đũa ấy vậy mà thấy quái nào vẫn thiếu một bộ. Bữa trưa hôm ấy nhìn cảnh mọi người ăn cơm trong bát đũa ngon lành còn bố tôi vì nhường mọi người nên ông ăn cơm trong chiếc lá café cuộn lại cùng với đôi đũa làm từ cành café bẻ ra mà tôi bật khóc. Tôi thương ông. Tôi thương cái sự khiêm tốn và chân thật ấy. Tới giờ mỗi khi nghĩ lại cảnh ấy, tôi vẫn muốn bật khóc.
Tử tế đôi khi chỉ là nhường mọi người phần tốt hơn, và nhận một chút thiệt về mình để nhìn mọi người cùng vui vẻ. Bố tôi là người thầy tốt nhất trên đời để dạy tôi về sự tử tế ấy.

Bố tôi chẳng bao giờ xưng mày-tao với chúng tôi, ông luôn xưng bố-con trong mọi trường hợp (trừ đôi lúc xỉn rượu và tức giận chuyện gì đấy). Bố cũng luôn xưng “vâng” với mọi người, kể cả người nhỏ tuổi hơn bố hay mọi khách hàng ghé mua tạp hóa. Một lần tôi hỏi bố “Tại sao bố lại cứ xưng ‘vâng’ với mọi người như vậy? Xưng vậy làm mọi người xem thường mình lắm. Bố cứ ‘Ừ’ đi có sao đâu nào?” Tôi không nhớ bố trả lời thế nào nhưng cho tới bây giờ, câu cửa miệng của ông với mọi người vẫn là “Vâng”. Kể cả một thanh niên trẻ đến mua thùng bia và xin thiếu tiền chăng nữa, bố cũng “Vâng” trong vui vẻ. Tôi chả bao giờ thấy ông nói “không” với ai bao giờ. Điều ấy làm tôi bực lắm khi thấy nhiều người đã lợi dụng lòng tốt của ông mà vẫn xem ông như kẻ ngốc.

Hóa ra bố tôi không ngốc, hóa ra ông chỉ là người quá lịch sự mà thôi. Tôi chưa bao giờ nghe bố tôi nói xấu bất cứ ai. Nếu như ông có nghe được chúng tôi nói xấu ai đó, ông sẽ dạy ngay rằng “Đừng có nói xấu ai cả. Người ta làm việc của người ta, mình cứ làm việc của mình cho tốt là được”. Kể cả đến một chuyện nhỏ xíu như khi mọi người nói về một cô nàng xấu xí nào đó. Bố tôi sẽ dặn ngay rằng “Đừng kêu người ta xấu. Hãy kêu là cô ấy không có được Hoa Hậu cho lắm” Vâng, như thế đó. Và giờ thì bạn cũng thấy tôi đang làm chính xác những điều ông đã và đang làm. Nhiều bạn trẻ comment hay inbox cho tôi và sau đó luôn thấy tôi đáp “Vâng” cũng đã hỏi điều tương tự “Chị lớn tuổi hơn em mà sao chị lại cứ xưng ‘Vâng’ với em vậy?”

Chính tôi cũng không nghĩ mình học theo bố, mọi thứ đến rất tự nhiên, như hơi thở vậy. Nhưng có một điều rõ ràng, bố là tấm gương của việc sống tử tế cho chúng tôi noi theo.

Ông là người rất công bằng, thì bởi Thiên Bình mà. Ông không bao giờ để cho ai thua thiệt bất cứ gì. Cân hàng hóa cho mọi người, chỉ thiếu 1 gram thôi ông cũng phải tìm mọi cách để bù cái gì đó vào cho bằng được, khi là mấy cây hành, khi là cái kẹo. Đôi khi chúng tôi ngồi phân một bao lớn đường cát thành những túi nhỏ 0,5kg cho dễ bán. Tôi cứ làm veo veo đôi lúc xê nhích một hai gram cũng kệ không thành vấn đề vì thành thực mà nói 1 gram đường là rất nhỏ không đáng kể gì. Nhưng bố thì mất rất nhiều thời gian để cân những gói đường ấy và làm cho chúng chuẩn nhất có thể, đa phần là túi đường nào cũng dư ra 1-2gram. Dần dà tôi học được sự chân thật ấy của bố mà trở nên kiên nhẫn hơn.

Còn rất nhiều những việc nho nhỏ khác nữa, như là bố luôn tự mang chén đũa của mình ra bồn rửa chén mỗi khi xong bữa ă. Bố không bao giờ tranh cãi với ai về việc gì, ông cũng chẳng bao giờ đòi hỏi người khác phải hành động theo ý mình. Những việc ấy ban đầu khiến tôi rất bực, tôi từng nghĩ bố không bản lĩnh. Nhưng sau này tôi học được rằng, người bản lĩnh không phải là người làm chuyện lớn, mà là người có thể làm rất nhiều những chuyện nhỏ nhỏ mà không mấy ai làm được, như là chuyện luôn sống tử tế lịch thiệp với tất cả mọi người là một ví dụ.
Đấy, bố tôi là người lịch thiệp nhất là vì vậy.

Một người khác mà tôi nhớ cũng lịch thiệp không kém bố, ấy là Q. – chàng Thiên Bình quá khứ của tôi. Nhớ lần đầu tiên gặp mặt khi cậu ấy bước vào cửa hàng của tôi, câu đầu tiên tôi nói với cậu ấy là “Chà, áo đẹp thế. Áo này em tự cắt hay là mua có sẵn như vậy. Thân hình em cũng đẹp nữa.” Câu đầu tiên cậu ấy đáp lại tôi là “Vâng. Em cảm ơn chị. Áo này em tự cắt” Lần đầu tiên tôi nghe câu “Em cảm ơn chị” mà đầy đủ cả chủ ngữ lẫn vị ngữ như vậy. Điều nhỏ nhặt đó làm tôi ấn tượng dữ lắm. Thường thì tôi chỉ nghe người ta nói “Em cảm ơn” hoặc “cảm ơn chị” là đủ. Chàng trai ấy phải “Vâng. Em cảm ơn chị” mới chịu. Sau ấn tượng tốt đẹp ấy tôi đã quyết tâm tấn công cậu chàng và bạn biết đấy, chúng tôi đã có một khoảng thời gian tuyệt vời bên nhau trước khi cậu ấy về lại Mỹ theo học đại học. Có lẽ cậu ảnh hưởng bởi văn hóa gia đình, văn hóa Việt Nam lẫn văn hóa Âu Mỹ nên mới có lối cư xử hết sức ngọt ngào như thế. Cái tử tế của cậu có thể khiến mọi người tan chảy, tôi tin như vậy. Cậu thích giữ im lặng và chỉ tạo điều kiện cho tôi thể hiện quan điểm của mình. Kể cả khi không đồng ý cậu cũng không ngắt lời tôi chút nào. Cậu cứ lắng nghe thôi và rồi lựa một giây phút nào đó thích hợp để nói với tôi rằng “Em nói cũng đúng. Anh không đồng ý nhiều chỗ nhưng anh vẫn thừa nhận em nói rất hợp lý. Anh ủng hộ em.”
Chàng trai ấy ngoài việc nấu ăn ngon, học giỏi, thể thao giỏi, sống lành mạnh, tử tế thì còn cực kì ngọt ngào nữa. Cậu ấy cứ giữ chặt rồi hôn lên bàn tay tôi mọi nơi mọi chỗ, kể cả chốn đông người hay thậm chí trong nhà thờ. Một hành động nhỏ bé nhưng đáng giá muôn ngàn lời nói. Cậu ấy cho tôi thấy sự tôn trọng và tình yêu tuyệt đối mà một cô gái “già” như tôi đã phải đổ gục trước chàng trai thua mình tới 4 tuổi là bạn có thể hiểu như nào rồi ha.

Sự lịch thiệp, tử tế nghe thì có vẻ bao la to lớn nhưng thật ra lại được xây dựng từ những hành động rất nhỏ bé đơn sơ như vậy thôi.

Phần 2: Những câu chuyện nhỏ về lối sống tử tế

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *