Về con chó – văn học Việt Nam có hai tác phẩm bạn nên tìm đọc và đọc lại thật nhiều lần: Chuyện Lão Hạc và chuyện Trẻ con không được ăn thịt chó. Từ những con chó ấy, chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang sống trong một xã hội mà thân phận con người không khác con chó bao nhiêu và ăn thịt chó đôi khi chẳng liên quan gì tới văn minh cả.
Lão Hạc mua con chó để nuôi với ý định để dành khi nào con trai cưới vợ thì làm thịt nhưng đứa con trai bị chê nghèo đã bỏ đi làm ăn rất xa, lão lại nuôi con chó đợi con trở về thì làm thịt ăn mừng – nhưng đợi mãi con trai không về. Lão ốm xài hết cả tiền tiết kiệm cho việc chữa bệnh, chỉ còn con chó vừa là đứa con, vừa là người bạn, vừa là tài sản duy nhất trong nhà còn đem bán được. Lão bán con chó cho người ta làm thịt mà nước mắt không giấu được vào trong. Lão lấy số tiền bán chó đưa cho ông giáo, nhờ ông giao lại cho con trai nếu nó trở về – rồi lão đi xin một ít thuốc bả chó để tự kết kiễu đời mình trong cảnh thương tâm. Lão có phải người vô văn minh, ác độc không khi đem bán con chó lão thương đứt ruột?
Chuyện “Trẻ con không được ăn thịt chó” còn khiến tôi rơi nước mắt nhiều hơn. Một ông bố ham nhậu nhẹt vì không còn có thể đi ăn thiếu thịt chó được nữa nên đã nói dối rằng con chó bị bả chết để làm thịt nó mà không bị vợ cằn nhằn. Trong mắt bà vợ, con chó ấy đáng giá nửa tháng tiền gạo nuôi sống cả nhà nên thị tiếc lắm. Nhìn cảnh đàn con đói khát thèm một bữa thịt, nàng ta thôi không trách chồng nữa mà bắt đầu nghĩ về cảnh những đứa trẻ được một bữa ngon. Cả nhà vui như mở hội khi tiếng cười nói, tiếng bàn luận về thịt chó sao mà ngon lành thế. Lũ trẻ ngồi co ro đợi trong bếp sắp chết đói vì lả, mong bố và bạn bè nhậu nhanh xong để chúng nó được chia nhau miếng thịt thừa. Tiệc tàn, ông bố hét lên “bọn mày đâu rồi, lên dọn bàn” – mâm tiệc được con bé khiêng xuống trịnh trọng như hành lễ, mâm hạ xuống trước mặt đám trẻ leo nheo: bà mẹ bật khóc, đàn con bật khóc vì trên mâm không còn một mẩu thịt nào, đến nước luộc cũng cạn khô và từng khúc xương cũng đã bị lóc sạch.
Ok, thằng bố này đáng lên án, đáng bị trừng phạt nhưng lũ con thì sao? Chúng có phải người vô văn minh, mọi rợ, tàn ác không chỉ vì chúng rất thèm được ăn một miếng thịt chó và cho rằng mình có quyền được ăn một miếng thịt chó?
Thịt chó, ăn hay không – không là vấn đề. Sự nhận biết của bạn mới là vấn đề. Đối xử với con chó – như con chó – ấy là nhận biết. Đừng tôn sùng nó như một vị thánh rồi bắt người khác cũng phải tôn sùng chó như bạn và cho rằng thế mới là văn minh. Tôi yêu quý loài chó, xin đừng hiểu lầm.
Cái khoảnh khắc anh bạn đồng nghiệp hớn hở khoe “Mỹ nó tuyệt vời ghê không? Nó sắp ban hành luật không giao du với quốc gia nào ăn thịt chó. Việt Nam tiêu nhé nếu mà không cấm ăn thịt chó…” những người khác trong văn phòng ồ lên thích thú và công nhận Mỹ thât tuyệt, thật văn minh. Giây phút ấy tôi thấy thật buồn – thất vọng cho một đất nước mệnh danh là văn minh nhưng rốt cuộc cũng chỉ là mang quyền lực để áp đặt lên người khác dưới danh nghĩa văn minh.
Tôi không phản đối cũng chẳng ủng hộ việc ăn thịt chó nhưng tôi phản đối mọi thể loại áp đặt văn hoá trên danh nghĩa văn minh. Tôi chẳng mấy tự hào về văn hoá Việt Nam, nói thật – thậm chí cuốn sách nói về mặt tối của văn hoá Việt Nam mà tôi viết đã bị từ chối cấp phép xuất bản vì lý do “nhạy cảm” quá. Nhưng tôi tôn trọng những người ăn thịt chó hệt như cách tôi tôn trọng những người yêu chó hay thậm chí cùng cách tôi tôn trọng những người ăn chay vậy. Không thể đồng hoá việc ăn thịt chó là mọi rợ chỉ vì anh yêu chó hơn người ta rất nhiều. Không thể nói việc ăn thịt chó là bẩn thỉu, ác ôn khi mà trong mắt những người ấy họ xem con chó đồng đẳng với các loài khác như heo mèo bò gà.
Gia đình tôi gốc bắc nên họ có ăn thịt chó, không có nghĩa gia đình tôi là ác ôn và vô nhân đạo. Tôi từng chứng kiến bố mình khóc khi thấy chú chó ông nuôi bị bả thuốc sùi bọt mép chết, bố tôi cũng chưa từng động một ngón tay đánh con cái hay chưa từng lên tiếng nói xấu, chửi bới một ai. Nhưng ông vẫn ăn thịt chó vì đó là truyền thống lâu đời ngoài Bắc – cái nơi chó ăn đá gà ăn sỏi, người còn không có cám mà ăn thì chó bị ăn là một việc rất bình thường, thậm chí đó còn là một cách tôn trọng sự sống vì họ đã không bỏ phí một thứ gì. Nếu như ngày xưa họ có đủ các loại heo bò gà, họ có làm thịt con chó mà họ yêu mến không? Tôi cho rằng không. Nhưng vì không có gì ăn mà thịt chó lại nhiều đạm thế, chó chỉ được làm thịt khi gia đình có tiệc tùng – nên nhớ điều đó – chứ không phải nuôi làm thịt ăn cho vui. Nói cách khác con chó thời quá khứ giống như cách người dân bỏ ống heo cho một sự kiện trong tương lai vậy. Thương chứ, quý chứ nhưng đói quá, phải ăn thôi.
Trở lại chuyện bố tôi, gia đình tôi – họ yêu quý chó và họ vẫn ăn thịt chó, đâu có nghĩa họ man rợ và vô văn minh? Suốt tuổi thơ tôi con chó dù đáng yêu nhưng rồi một ngày nó sẽ bị ăn – đó là điều rất bình thường đến nỗi tôi không thể hình dung ở đâu đấy trên thế giới người ta lại không ăn thịt chó. Vâng, tôi ngây thơ vậy đấy. Rồi tôi đi SG học đại học ở cùng một gia đình theo đạo Phật – anh cùng nhà cho tôi biết về việc không bao giờ ăn thịt chó. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao và nhận được câu trả lời “Vì nó bẩn. Nó ăn bẩn nên thịt nó bẩn.” – đấy, đấy là văn minh của bạn sao? Vì chó ăn bẩn nên thịt chó bẩn nên người ăn thịt chó cũng bẩn? Họ sợ bẩn, họ không ăn, họ phản đối những người ăn và rồi họ thành văn minh sao?
Tôi từng ăn thịt chó vì gia đình tôi ăn, lớn lên tôi nuôi chó nên tôi không ăn nữa và giờ thì tôi tuy không ăn nhưng cũng không phán đối lẫn ủng hộ chuyện ăn thịt chó – miễn nó ở trong bối cảnh thích hợp. Không thể nào qua Hàn Quốc – một quốc gia ăn thịt chó rất nhiều – để nói họ từ bỏ thói quen ấy. Cũng như không thể qua Nhật kêu họ bỏ thói quen ăn thịt cá heo và cho rằng họ không văn minh? Văn minh hay không, không nằm ở chuyện ăn thịt chó, mà nằm ở nhận thức của mỗi con người. Người ta nên ngừng ăn vì người ta nhận biết nó không tốt chứ không phải vì một lệnh cấm nào đó. Lệnh cấm sẽ biến những nơi bán thịt chó chui trở nên đắt khách và người ta vẫn ngấm ngầm ăn thịt chó theo mọi cách có thể – chẳng có gì là thay đổi khi mà tâm thức chưa thay đổi. Nếu muốn thay đổi văn hóa ăn thịt chó ư? Hãy khuyến khích người dân nuôi chó, đặc biệt các em nhỏ, hãy cho chúng phát triển tình yêu thương với động vật tới một điểm mà ăn thịt động vật là điều khủng khiếp – lúc ấy chúng ta không chỉ có một thế hệ không ăn thịt chó mà thậm chí còn là ăn chay trường luôn ấy chứ – thế thì rất tốt. Tôi hoàn toàn ủng hộ một Việt Nam ăn chay trường – thay vì một VN không ăn thịt chó. Nó giống như tôi ủng hộ một VN nói thuần tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai chính thức – còn hơn cải cách đủ loại chữ quốc ngữ chẳng thay đổi được gì cho cuộc sống.
Trở lại chuyện văn minh và ăn thịt chó, tôi có một anh bạn mà luôn nổi nóng, tức giận mỗi khi nói về chuyện người VN ăn thịt chó – hóa ra ảnh chẳng phải người văn minh đến thế – nếu như tôi mở miệng nói về việc đừng cuồng chó như thế, ảnh sẽ lập tức nổi sùng lên mà tranh đấu với tôi đến cùng và nhất định cho rằng tôi là một kẻ man rợ khủng khiếp. Ảnh là cái người mà bày bừa mọi thứ, không tôn trọng chuyện giờ giấc, không bao giờ lắng nghe ai nhưng mở miệng ra là nói về văn minh kiểu Nhật, kiểu Mỹ. Rằng bao giờ VN mới được như Nhật như Mỹ. Ảnh là kiểu người mà mở miệng ra là địt đéo nhưng lại kêu mọi người rằng văn minh là phải chấp nhận quyền tự do ngôn luận, tự do chửi bới ấy. Đó là văn minh sao? Tôi thật, tôi thà người Việt Nam ăn thịt chó nhưng văn minh kiểu bố tôi ở quê còn hơn phán đối ăn thịt chó nhưng văn minh kiểu đạo đức giả này. Tôi nói xấu nhưng không có ý phán xét anh ấy, bởi vì tôi cũng chẳng phải tốt đẹp gì – tôi chỉ mong chúng ta tỉnh táo và nhận biết hơn về hành động của chính mình – trước khi quyết định làm gì đó.
Chúng ta không cao quý hơn loài chó xét về mối tương quan trong tự nhiên, chúng ta bình đẳng với mọi loài dưới góc nhìn của thiên nhiên. Nhìn vào sự thật ấy để mà tôn trọng loài chó, tôn trọng mọi loài – là tốt. Nhưng đưa chó lên hàng đầu hơn mọi loài – chỉ vì mình yêu quý nó hơn loài khác và cho rằng nó đáng quý hơn – thì điều ấy chẳng văn minh tí nào. Nhà tôi nuôi rất nhiều gà do bán tạp hóa và gạo thóc rất nhiều, bố mẹ tôi nuôi và nhớ mặt đặt tên từng con gà. Họ nuôi rồi làm thịt bọn gà mỗi khi con cái trong nhà tụ tập. Nhìn con cái ăn thịt đàn gà họ có buồn không? – Không. Họ rất vui là khác vì trong mắt họ, gà là để ăn. Họ nuôi gà, gà nuôi lại họ. Chó cùng hệt như vậy, họ nuôi chó rồi một ngày chó nuôi lại họ – sao lại không? Tất nhiên điều ấy không có nghĩa họ ăn thịt mọi con chó, họ chỉ ăn thịt cái con chó mà họ nuôi để sau này làm thịt – sự nhận biết này là rất đáng quý, nó thay đổi rất nhiều về cảm xúc của một người. Khi họ làm thịt chó họ có thấy đau không, tôi quả thật không biết. Nhưng tôi biết một điều – bố tôi thấy đau khi làm thịt gà: mỗi khi cắt tiết một con gà xong ông sẽ không đụng vào một miếng thịt của nó. Mới đầu tôi không hiểu nhưng giờ tôi mới hiểu tại sao, rằng ông thấy đau, ổng cảm nhận được cái đau của con gà bị cắt cổ, neenoong không ăn, nhưng ông có cấm mọi người trong nhà không được ăn thịt gà không? Không – tôi cho rằng đó là văn minh.
Ngược lại, mẹ tôi dường như không thấy đau khi bà làm những con cá, xẻ thịt những con ếch cho khách hàng – nhà tôi bán tạp hóa và đồ ăn tươi sống nữa. Một lần bạn trai tôi – người Úc về thăm nhà tôi – anh ấy thấy mẹ làm thịt con ếch thì sợ lắm, kéo tôi ra xa và nói rằng mẹ tôi man rợ quá – mẹ tôi cười ồ, bà không tủi thân cũng chẳng thấy có gfi là xấu trong việc đó cả. Nếu bà không làm, thì ai làm? Bạn trai tôi dù thấy cảnh đó thì sợ hãi tránh ra xa nhưng lúc vào mâm tiệc anh ấy có ăn món ếch xào xả ớt, ếch nướng không? Có, anh ấy nói gì khi ăn “Ngon quá” Muốn ăn nữa không “Có” – văn minh đôi khi là biết cách chấp nhận những điều mình chưa ứng ý cho lắm chứ không phải ra lệnh cấm là xong. Lệnh cấm là những thứ vô văn minh nhất trên đời, nó thể hiện việc người có quyền áp đặt ý thức lên người yếu thế theo cách rất bạo động và rất bề ngoài. Chính sự bề ngoài này là nền móng tạo ra mọi loại đạo đức giả trên thế giới. Những người yêu chó nhưng đối xử tệ với những người khác không thiếu – văn minh ở đâu?
Người phương Tây họ giàu nhưng cô đơn, càng giàu người ta càng cô đơn và khi cô đơn người ta bắt đầu nuôi thú cưng. Họ nuôi thú cưng hệt cách một người nuôi con cái vậy. Họ phải đầu tư rất nhiều tiền bạc, công sức lẫn thời gian để chăm sóc thú cưng ấy và đôi khi nó còn quá đáng đến nỗi khiến tôi ghét bọn thú cưng ấy. Một con thú cưng bị ốm khiến cho một người đau khổ còn hơn cả việc cơn bão giết chết trăm ngàn người ở đâu đó. Một cái vòng cổ cho thú cưng đôi khi đủ để mua số thực phẩm nuôi sống một làng nghèo ở Châu Phi, một lần mang thú cưng đi cắt tỉa lông móng ở spa 5 sao họ sẽ chi một số tiền đủ để cho một đứa trẻ nghèo ở đâu đó qua cơn phẫu thuật…Họ vẫn chọn thú cưng thay cho con người và họ nói rằng họ văn minh? Tôi biết sự so sánh này là khập khiễng vì nuôi thú cưng rất vui và người có tiền thì muốn xài sao là quyền của người ta. Thế thì cùng như vậy thôi đối với những người ăn thịt chó, sao bạn so sánh văn minh kiểu Mỹ với một người nhà nghèo nuôi chó để mong bán được chút tiền cho con đi học? Mang văn minh Mỹ áp dụng một cách bừa bãi vào đất nước mà con người còn đang bị xem như con chó – có thích hợp không? Giải phóng con người trước đi, giải phóng tâm trí, định kiến, cuộc sống của họ trước đi – rồi họ sẽ thay đổi tư duy về con chó, thịt chó sớm thôi. Đừng đi tắt. Lối đi tắt không dành cho Việt Nam đâu khi mà người ta còn đói thế, hổ thế, nghèo thế, vô nhận biết về văn minh thế. Chủ nghĩa cộng sản là một lối đi tắt, nhảy cóc qua bước phát triển của tư bản – hãy xem nó mang lại những gì? Phúc lành hay đau khổ? văn minh hay thảm họa?
Không ăn thịt chó tất nhiên là văn minh, nhưng chỉ bằng cách cấm người ta ăn thịt chó không làm cho người ta văn minh hơn đâu mà con người với nhận thức và hành xử văn minh trong cuộc sống mới là thứ quan trọng, hơn chuyện ăn thịt chó nhiều. Là người văn minh trước đi, đừng mãi tranh cãi đấu tố nhau chuyện ăn thịt chó. Ai không ăn cứ không ăn, ai ăn cứ ăn vì nhờ những người ăn này mà bọn chó được nuôi dưỡng. Nếu như không ăn thịt chó tôi cho rằng bọn chó con sinh ra không có ai nuôi sẽ bị giết sạch như cách người ta giết mèo con vậy. Mà đất nước này chưa đủ giàu để nuôi thêm hàng triệu con chó chỉ vì mục đích văn minh đâu. Mình không ăn thịt chó, tốt, hãy làm sao cho thế hệ con mình cũng không ăn, nhưng bằng cách cho nó nuôi chó đi, làm bạn với chó đi, chứ đừng nói rằng ăn thịt chó là không văn minh, là bẩn thỉu – đây không phải cách giáo dục văn minh đâu.
Bạn có biết tại sao người ta lại quý con chó con mèo hơn mọi loài? Không phải ngẫu nhiên mà mèo và chó được lựa chọn là con vật thân cận của loài người đâu. Chó mang tính dương, mèo mang tính âm, hai con này được chọn để thuần hóa và mang sự cân bằng cho cuộc sống loài người nói chung. Trong quá trình thuần hóa ấy loài chó và mèo học được cách “tiến hóa” theo cách riêng của chúng: chúng trở nên rất nghe lời, rất đáng yêu, rất giống người và vì thế mà con người càng yêu quý chúng hơn. Nhưng bản chất việc con chó trở nên giống con người là một việc rất không tự nhiên chút nào. Sẽ đến một ngày khi mà những người yêu chó có quyền hành, họ không chỉ cấm ăn thịt chó đâu, họ còn ra luật bắt mọi con chó phải được cho mặc quần áo, được ngủ trên giường, được đặt lên bàn thờ nữa không biết chừng. Tôi sợ cái ngày mà mọi con chó đều mặc quần áo đi trên đường – chúng đang dần trở thành chủ nhận rồi chứ không còn là thú nuôi nữa. Nếu bạn nuôi chó bạn sẽ hiểu, không phải tự nhiên mà người ta gọi chúng là boss rồi nhận mình là con sen hầu hạ đâu. Chúng quả thật đang trở thành những ông bà chủ một cách rất đường hoàng, rất đáng yêu. Tôi không phản đối người ta ăn thịt chó nhưng tôi cũng không đồng tình cách người ta nuôi chó mèo như chủ nhân và thần thánh vậy.
Đừng để cái mác văn minh biến bạn thành nô lệ, nô lệ của con chó – lại càng không nên.
Tôi từng nuôi chó, tên cô bé là Babie, tôi thích đặt tên này để mỗi khi có ai hỏi “Em kết hôn chưa?” tôi sẽ nói “Em chưa kết hôn nhưng em có một Babie rồi” để xem có ai còn hứng thú nói chuyện tiếp không. Tôi đối xử với Babie hệt như với một con người, thậm chí như là con gái của mình vậy. Tôi có thể nhịn đói vì bận nhưng sẽ không bao giờ để Babie đói. Tôi cho nó chạy nhảy khắp bờ hồ mỗi chiều vì sung sướng nhìn nó được tự do sau ngày dài chỉ quanh quẩn ở shop quần áo cùng tôi. Khi ăn một tô phở, tôi cho nó ăn hết phần thịt còn mình ăn phần bánh phở. Chỉ nhìn nó buồn phiền không chạy nhảy cũng đủ làm tôi lo lắng phát điên… Tôi yêu chó như vậy đấy nên bạn đừng cho rằng tôi chưa từng nuôi chó nên không hiểu. Khi tôi quyết định đi du lịch xa, Babie trở thành gánh nặng vì không ngày nào tôi không nghĩ về nó, kiệu nó có được chăm sóc tốt không, có được chạy nhảy không, có nhớ tôi không? Cái ngày mà tôi nhận được tin báo Babie bị bắt cóc đòi tiền chuộc tôi đã phải bỏ mọi công việc để nhờ người đi chuộc nó về. Rồi ngày tôi – đang pử Philipines – nhận được tin báo rằng Babie đã bỏ đi vì tôi đi văng quá lâu, tôi bật khóc nức nở – buồn vô hạn, thương vô hạn, lo lắng vô hạn nhưng bạn sẽ không tin đâu – đâu đó trong tim tôi một sự nhẹ lòng vô cùng khởi sinh – tôi thoát gánh nặng rồi, gánh nặng của tình yêu đối với Babie khiến tôi nghẹt thở quá, như tù nhân vậy. tôi tin người ta sẽ không ăn thịt nó vì Babie bé nhỏ, lông trắng muốt đáng yêu thế – có thịt đâu mà ăn. Chưa kể nó thông minh và dễ thương vô lối. Người Việt mình nhiều cái ác độc với nhau nhưng tôi có niềm tin vững chắc rằng chúng ta không ác tới mức làm thịt mọi con chó chúng ta thấy chỉ để ăn cho vui. Cũng như tôi tin rằng nhiều người dù mở miệng phản đối ăn thịt chó nhưng nếu nhìn thấy một con chó ghẻ lở bẩn thỉu chết đói bên đường họ cũng sẽ chỉ chép miệng bỏ đi chứ chẳng làm gì giống như mang con chó đi chữa hay mang về nuôi đâu.
Cho nên, bạn ạ, việc tự mình trở nên nhận biết để xét đoán cái gì là đúng là sai, việc tự mình hành động và chịu trách nhiệm cho hành động của mình, tự mình trở nên văn minh từ hành động tới ý thức quan trọng hơn rất nhiều so với việc cãi nhau về chuyện ăn hay không ăn thịt chó. Đừng mang văn minh hay đạo đức ra để ép buộc, lên án nhau vì bản thân ép buộc và áp đặt vốn chẳng phải là hành động văn minh chút nào.