“Chân em trên bàn, không phải đầu thầy, sao thầy cáu thế?”
Thời đi học, tôi thường bỏ chân lên bàn và mọi giáo viên đều cảm thấy bị xúc phạm. Họ đến chỗ tôi và nói: “Em có thái độ gì thế này?”
Tôi đáp: “Có chuyện gì với thầy thế? Tại sao thầy lại tức giận? Em bỏ chân lên bàn, là chuyện riêng của em với cái bàn. Cái bàn chẳng phản đối gì em cả, nó không tức giận thì thôi, tại sao thầy phải giận? Em có bỏ chân lên đầu thầy đâu?”
Vị thầy giáo đáp: “Nhưng học sinh không được phép bỏ chân lên bàn khi thầy giáo đang giảng!”
Tôi nói: “Em đã đọc kĩ bộ luật giáo dục. Không có dòng nào trong đó nói rằng học sinh không được gác chân lên bàn cả. Em không làm gì sai. Thậm chí thầy nên khuyến khích mọi người ngồi như vầy hết mới phải. Bởi vì khi ngồi như thế này em cảm thấy có thể hiểu tốt hơn những điều vô nghĩa mà thầy đang dạy. Thầy nên cho phép mọi người ngồi theo ý của họ nếu như nó giúp mọi người hiểu bài hơn vì nếu ngồi nghiêm chỉnh mà không hiểu được bài, thì có ích gì?”
Vị thầy giáo tức giận lắm, ông ấy chạy ra khỏi lớp, tới phòng của hiệu trưởng và mở cuốn sổ phạt ra, viết vào đó rằng ông ấy phạt tôi 10 rupees vì thái độ sai. Tôi đi theo ông ấy, khi ông ấy đang viết vào sổ thì tôi đứng ngay bên cạnh, thầy hiệu trưởng không có ở đó. Khi ông ấy vừa viết xong và quay đi thì tôi tiến tới cuốn sổ phạt, dùng chính cây bút mà ông ấy vừa dùng, viết vào sổ phạt rằng tôi phạt ông ấy 20 rupees vì thái độ sai của ông ấy.
Ông ấy thấy thế liền la lớn: “Em làm cái gì thế?”
Tôi đáp: “Thầy phạt em vì thái độ sai nên em cũng phạt thầy vì thái độ sai.”
“Nhưng sổ này là dành cho giáo viên phạt học sinh, không học sinh nào được phép phạt giáo viên cả.” – ông thầy nói.
Tôi nói: “Tại sao lại không chứ? Sổ này là để phạt bất cứ ai có thái độ sai trái, nó không hề ghi là chỉ giáo viên mới được phạt học sinh.”
Đúng lúc ấy thì thầy hiệu trưởng bước vào, ông ấy hỏi: “Chuyện gì đây?”
Ông thầy đáp: “Em ấy dám ghi vào sổ phạt tôi 20 rupees”
Tôi đáp: “Thầy chỉ cho em chỗ nào viết rằng chỉ giáo viên mới được phạt học sinh vì thái độ sai trái? Điều ấy có được ghi trong luật không?”
Hiệu trưởng đáp: “Không có luật nào cả, đây chỉ là một biện pháp được mọi người công nhận cùng nhau.”
Tôi đáp: “Vậy thì em không làm gì sai luật. Em sẵn sàng đóng phạt 10 rupees nhưng chỉ sau khi thầy ấy chịu đóng phạt 20 rupees trước. Bằng không, hãy quên nó đi.”
Và bởi vì thầy hiệu trưởng không thể thuyết phục vị thầy giáo đóng phạt nên tôi cũng không đóng. Hình phạt ấy cho đến nay vẫn còn nằm trong sổ ghi chép. Mỗi lần tôi về thăm trường, thầy hiệu trưởng đều nhắc nhở tôi về nó. Tôi nói: “Thầy hãy cứ để nó ở đấy cho mọi học sinh khác được thấy. Học sinh nên biết rằng họ có nhiều quyền hơn là chỉ ngồi im và học như một con vẹt.”
Trích cuộc-đời-của-kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy, Phi Tuyết dịch và phóng tác!