Đời là phép màu

1. Phép màu
Đời thật lắm chuyện lạ lùng và kì diệu. Bạn không thể nhận ra sự kì diệu ấy cho tới khi bạn trải qua nhiều việc và rồi ngồi lại chiêm ngẫm lại cuộc đời mình. Đa phần chúng ta quá bận rộn với cuộc sống và chỉ đến trước khi nhắm mắt lìa đời chúng ta mới chịu dành thời gian nhìn lại tất cả những gì ta đã trải qua.
Là một người sống vội nhưng sống sâu, tôi không muốn về già mới nhìn lại cuộc đời mình nên đã dành rất nhiều thời gian để suy ngẫm. Thế nên giờ tôi tin: cuộc đời là phép màu kì diệu. Bạn cũng có thể coi nó là một sân khấu khổng lồ, một cuộc phiêu lưu kì thú, một giấc mơ tuyệt đẹp… gì cũng đúng cả. Điều quan trọng cần nhớ là không có gì ngẫu nhiên trong phép màu ấy cả. Tôi tin rằng tất cả mọi sự xảy ra đều có nguyên nhân và mục đích của nó. Việc chúng ta không biết nguyên nhân, không tìm ra mục đích, không thấy được bức tranh toàn cảnh của cuộc đời cũng chính là một sự sắp đặt của tạo hóa – và Đấng tạo hóa ấy đã làm công việc của mình một cách hoàn hảo, bất kể chúng ta có nhìn ra hay không.
Một ví dụ nhỏ xíu để chứng minh cuộc đời là một phép màu vĩ đại trong mắt tôi, mà có thể bạn vô tình bỏ qua hay chưa bận tâm tới. Thế giới này hơn 8 tỷ người, hầu hết người nào cũng có hai mắt, một mũi, một miệng vậy mà chúng ta lại có tới hơn 8 tỷ khuôn mặt khác nhau không trùng lặp. Có thể nhiều người có nét na ná giống nhau nhưng tất nhiên cũng không thể giống nhau hoàn toàn được. Rồi tương tự như thế đối với thế giới tự nhiên: hàng tỉ bông tuyết không bông nào giống bông nào, hàng triệu bông hoa không một bông nào giống bông nào – dù cho bạn mang hai bông hoa hồng cùng nở bằng nhau ra so sánh thì chúng vẫn có những điểm khác nhau, mùi thơm và màu sắc cũng sẽ khác nhau. Tương tự như vậy với từng chiếc lá trên cây, từng con cá trong biển và thậm chí từng giọt nước lấy ra từ một hồ cũng sẽ khác nhau nữa. Bạn có hình dung được phép màu nào vĩ đại hơn không?
Ngày xưa khi nghe ai đó nói rằng một hạt bụi trong không khí hay một hạt cát trong sa mạc cũng được sinh ra với một sứ mệnh riêng của nó, tôi đã cười. Nhưng bây giờ khi đã lớn hơn một chút, tôi vẫn cười nhưng là nụ cười của sự đồng tình và cảm tạ.
Tâm trí là thứ khá tuyệt vời – có thể coi như một bảo bối siêu đẳng – bất cứ điều gì bạn tin, bạn sẽ thấy. Niềm tin càng mạnh thì những gì bạn thấy càng rõ ràng hơn.
Đấy là cách tôi dùng để biến đời mình thành phép màu. Tôi đã học được “thuật giả kim” vĩ đại để biến cuộc đời mình từ thứ bình thường ngẫu nhiên thành một phép màu duy nhất. Chỉ bằng cách thay đổi góc nhìn và tâm thức nhìn đời của mình.
Có thể nói, trên đời có hai kiểu nhìn, hai phong cách sống, hai kiểu người mà bạn có quyền lựa chọn: một là tin rằng trên đời này không có phép màu nào cả – tâm trí duy vật/khoa học: muốn mọi thứ phải logic, hợp lý, được giải thích rõ ràng.
Hai là kiểu người tin rằng tất cả mọi thứ trên đời đều là phép màu – tâm trí duy linh: những người này không cần đời phải chứng minh nó là phép màu, cũng không cần cố nhét logic vào trong mọi thứ, họ chấp nhận cuộc sống như một thứ bí ẩn nhiệm màu và rồi họ thả lỏng, thư giãn, tận hưởng và biết ơn với lòng thành kính sâu sắc.
Tôi thuộc kiểu người thứ ba: tôi tìm hiểu mọi thứ để rồi sau cùng kết luận rằng đời quả thật là một bí ẩn, một phép màu. Không dừng lại ở đó, tôi tìm những cách để chứng minh đời mình là một phép màu và muốn tự tay mình tạo ra nhiều phép màu hơn nữa. Tôi muốn đời là một phép màu do chính Thượng đế trao cho tôi và tôi có trách nhiệm làm cho những phép màu sinh sôi nảy nở.
Còn một lý do khác, tôi chọn cách này bởi vì tôi đã thấy, đã chứng nghiệm và tôi tin.
Tôi tin rằng toàn thể sự sống này là một phép màu và rồi phía sau sự sống: sự chết cũng là một phép màu. Khoảng thời gian giữa sống và chết ấy, nhiệm vụ của chúng ta là trưởng thành. Tôi gọi sự trưởng thành là một phép màu kì diệu. Nó biến ta từ đứa trẻ ngây thơ yếu ớt lệ thuộc, tin tưởng mọi thứ thành một thực thể khác biệt hoàn toàn: vững vàng hơn, mạnh hơn, tự do hơn và không ngây thơ nữa.
Thế rồi trên đỉnh của trưởng thành, ta lại ngây thơ một lần nữa, lại tin tưởng một lần nữa, lại tin vào phép màu một lần nữa. Không phải sự tin mù quáng, mà là sự tin có chứng nghiệm.
ĐỜI chính là cuốn kinh vi diệu nhất dạy người ta cách trưởng thành.
Trưởng thành là khi bạn không còn tin một cách mù quáng vào những phép màu trong các câu chuyện cổ tích: ông bụt, cô tiên, phù thủy – nhưng cũng không quả quyết rằng phép màu là không có thật. Bạn đơn giản có niềm tin riêng của mình, dựa vào thực tế của mình, không dựa vào cổ tích hay kể cả những kinh sách nữa. Dấu hiệu của trưởng thành là không quả quyết vào bất cứ gì, bất cứ ai, kể cả chính mình – trừ khi bạn đã có thể tìm ra chính mình.
Trưởng thành thật sự không phải là khi bạn hét to “tôi không phải trẻ con nữa” nhưng là khi bạn trải qua cuộc đời, có những câu chuyện, kinh nghiệm và góc nhìn của riêng mình về mọi sự. Bạn không còn dễ dàng đồng ý với ai nhưng cũng chẳng màng chuyện phản đối ai làm gì cả, thắng thua không còn quan trọng.
Trưởng thành cũng là khi bạn không còn tìm kiếm chỗ đứng cho bản thân mình trong thế giới, cũng chẳng tìm kiếm bản thân trong những người xung quanh mà biết rằng phải tìm nó trong chính mình, dành thời gian để tìm kiếm trong sự im lặng của chính mình.
Mọi kẻ tìm kiếm bản thân dựa vào thế giới bên ngoài đều là chưa trưởng thành.
Mọi kẻ còn đang ngửa tay xin xỏ, xin người ta hay kể cả xin thần thánh thứ này thứ nọ, đều là người chưa trưởng thành.
Mọi kẻ chỉ biết đổ lỗi cho người khác mà không nhìn ra lỗi lầm của bản thân; kẻ chỉ thấy cái xấu của người mà không nhìn ra cái xấu nơi chính mình… đều là người chưa trưởng thành.
Trưởng thành cuối cùng chỉ đơn giản là sự nhận biết. Càng trưởng thành người ta càng trở nên nhận biết nhiều hơn.
Lạ lùng ở chỗ chỉ trẻ con mới tin vào chuyện cổ tích, thanh niên không tin nữa, trung niên càng không tin, nhưng khi về nhà, chính người già lại là người dùng cổ tích để kể cho những đứa trẻ nít. Chính người già sau bao thăng trầm cuộc sống lại muốn bọn trẻ học được nghệ thuật rằng cổ tích là có thật, cuộc đời là phép màu có thật, phép giả kim là có thật và bụt cũng là những người rất thật.

Trẻ em và người già hiểu nhau, không phải cùng độ trưởng thành, nhưng cùng một niềm tin vào cuộc sống, rằng đời là một phép màu vĩ đại. Góc nhìn tuy khác nhau nhưng cái nhìn thì giống nhau.
Trẻ em tin rằng bụt là có thật vì chúng ngây thơ.
Người già tin rằng bụt là thật vì người già hiểu biết: Bụt là từ phiên âm của Buddha – người giác ngộ/người tỉnh thức. Người tỉnh thức là người rất thật, luôn tồn tại và sẽ tồn tại mãi mãi.
Tôi tin vào bụt-tính cũng như tin vào thượng-đế-tính, tôi tin phép màu là có thật, vì đời tôi là minh chứng, nó dường như là một phép màu. Mọi thứ xảy ra với tôi đều là phép màu giúp tôi trưởng thành hơn, lột xác tôi thành con người mới.
Khi một con người cũ đầy tham đắm, si mê, bảo thủ, ích kỉ, vô minh, nô lệ… được biến hóa thành con người mới của nhận biết, của chia sẻ, của tự do, trách nhiệm, yêu thương… Nếu bạn vẫn không cho rằng đây là một phép màu vĩ đại hay thuật giả kim vĩ đại, thì nó là gì?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *