Tự truyện Cô nàng nổi loạn
Kỳ 1: Sự nổi loạn từ một cái tên
“Tôi tin rằng, ngày bạn tự đặt tên cho mình, ấy là ngày bạn được tái sinh thành một con người mới.”
Không có ngẫu nhiên
Tôi thấy lại ngôi làng ấy: một ngôi làng nhỏ bé lọt thõm trong thung lũng xanh rì với những quả đồi bao quanh. Người ta hay gọi nó bằng cái tên “Thung lũng Tiền Yên” nghe gần như “Thung lũng tình yêu” vậy. Ngôi làng không có hồ nước hay ao sen tĩnh lặng như ngôi làng của Osho nhưng bù lại nó có một dòng suối trong xanh mon men ôm gọn lấy ngôi làng theo chân những ngọn đồi. Tôi yêu con suối đó rất nhiều.
Nhìn lại toàn cảnh, tôi cảm thấy biết ơn vô hạn cái ngôi làng nhỏ bé ấy.
Thật ngại ngùng khi phải thừa nhận rằng đã từng có những khoảnh khắc trong cuộc đời tôi cảm thấy xấu hổ về nó, về xuất thân “làng quê” của mình. Tất nhiên giờ thì không. Giờ thì tim tôi đang dạt dào một cảm xúc hãnh diện và hạnh phúc vì chính nhờ ngôi làng bình yên ấy mà tôi đã có một thời thơ ấu đẹp đến như vậy.
Và tôi cũng biết ơn cả ba mẹ mình nữa. Không có họ tôi đã không có một cuộc sống ý nghĩa như ngày hôm nay. Tôi chưa bao giờ nói lời biết ơn này tới họ một cách chính thức, đây là lần đầu tiên và tất nhiên, sẽ không là lần duy nhất. Tôi tin rằng linh hồn tôi đã có sự lựa chọn hoàn hảo những người mà đang là cha mẹ của tôi, gia đình của tôi – dù cho họ chẳng phải những người hoàn hảo. Nhưng dường như chính sự không hoàn hảo của họ lại là thứ hoàn hảo nhất.
Ba mẹ tôi vốn xuất thân từ những gia đình nông dân ở một tỉnh phía bắc lại di cư vào nam khá muộn nên không có điều kiện để mua nhà đất ngoài thị trấn mà phải đi sâu hơn tới những vùng đồi núi để khai khẩn và định cư. Thời ấy làng của tôi còn được những người ở ngoài phố gọi là “rừng” – tôi nghe mà thấy tủi lắm, không vui, một cảm giác tự ti mơ hồ khó hiểu nhưng giờ ngẫm lại nếu như làng ấy giờ mà vẫn còn nhiều cây xanh đủ để được gọi là rừng thì thật là phúc lành biết bao nhiêu. Thật kì lạ làm sao cách tâm trí người ta thay đổi qua năm tháng. Tôi từng ghét sống ở nơi bị gọi là rừng, ghét bị xem là đồ làng quê vậy mà giờ đây sau khi ở biết bao thành phố lớn lại thấy yêu rừng, yêu làng quê vô kể.
Những cái tên
Nhà tôi, như mọi gia đình thời ấy đều rất đông con. Tôi có một anh trai, hai chị gái và một em gái. Cái cách mà ba mẹ đặt tên cho chúng tôi cũng có nhiều điều đáng nói. Tên của mọi người trong gia đình đều là thanh ngang không dấu: Bố tôi tên Phi, mẹ Hoa, anh Phương, chị Mai, chị Mơ, em Nhung – riêng tôi chẳng hiểu sao lại tên là Tuyết với cái dấu sắc đưa thanh âm lên cao chót vót – sao mà lạc loài thế. Giờ thì mọi thứ rõ ràng với tôi rằng đó không phải một cái tên ngẫu nhiên chút nào. Tôi đã chứng tỏ cho mọi người thấy mình là một dấu sắc nổi loạn, một kẻ khác biệt nhất trong nhà, một con cừu đen tự do và sẽ không ngừng vươn lên theo cách của riêng mình.
Cuộc “nổi loạn” đầu tiên của tôi là với cái tên của chính mình. Mẹ tôi khi sinh các chị em thì đều đặt tên cho chúng tôi rất đẹp: Tuyết Mai, Hương Mơ, Ánh Tuyết, Bảo Ngọc Nhung. Nhưng khi sinh chúng tôi xong thì mẹ phải ở nhà chăm còn bố đi khai sinh, chẳng biết bố khai sinh cho chúng tôi kiểu gì, có lẽ tại trí nhớ ông quá tệ nên rốt cục tên chúng tôi bị bố khai tất cả thành “thị” hết lượt: Thị Mai, Thị Mơ, Thị Tuyết, Thị Nhung… Chị em chúng tôi ức lắm nhưng làm gì được đây, tên đâu phải là thứ có thể đổi dễ dàng. Tất cả đành chấp nhận cái tên với chữ “Thị” xấu xí ấy – trừ tôi. May mắn thay, tôi có một bản khai sinh khác được mẹ làm với tên Ánh Tuyết, thế là với hai giấy khai sinh trong tay, tôi nằng nặc đòi bố đi “lấy” bằng được cho mình cái tên Ánh Tuyết. Tôi không chấp nhận chữ “Thị” một cách dễ dàng chút nào. Ngày đổi được tên, tôi vui như mở hội trong lòng dù không dám nói ra, sợ các chị em khác buồn vì họ không có hai giấy khai sinh như tôi. Họ phải chết dính với cái tên kèm chữ “Thị” của họ. Mà thật ra tôi cũng không biết họ có từng bận tâm về tên của họ không, hay chỉ mình tôi là bận tâm nhiều thế.
Đối với tôi, cả lúc ấy lẫn bây giờ, chữ “Thị” mang một tính chất gì đó rất phong kiến, rất áp đặt, rất “đồng hóa”. Nó khiến cho mọi phụ nữ đều trở nên giông giống nhau, kiểu như cùng ở trong một “nhà tù tư tưởng” của truyền thống, văn hóa hay một dạng nô lệ tư duy của Khổng giáo, kiểu “phụ gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” rồi lại “Công-dung-ngôn-hạnh, tam tòng tứ đức”. Ngay từ hồi biết suy nghĩ, tôi đã ghét chữ “Thị”, không phải vì nghe nó quê mùa mà vì nó mang tính áp đặt và phong kiến, kiểu như mọi nữ nhi thì sẽ đều là thị này thị nọ? Tôi phản đối áp đặt, tôi không thích phong kiến, tôi không muốn là một “thị”, tôi muốn là thứ gì đó đặc biệt hơn chữ “thị” ấy – một cái gì đó riêng của mình mà không bị giống ai, không bị áp đặt. Chẳng hiểu sao từ hồi nhỏ tí tôi đã ý thức về tên của mình nhiều đến vậy.
Tôi từng hỏi mẹ ‘Tại sao lại đặt tên con là Tuyết?’ mẹ nói “Chả biết nữa, thấy thích thì đặt vậy thôi”. Đúng kiểu trả lời của mẹ tôi, trả lời mà không bao giờ chứa một câu trả lời thật sự. Mẹ luôn trả lời để trả lời vậy thôi, không phải để giải thích gì cả. Giống như lần tôi hỏi mẹ, con sinh vào giờ nào “Ai mà nhớ”. Thế thì ngày hay là đêm “Chịu thua, không nhớ được”. Vâng, đấy chính là mẹ tôi, dần dà tôi cũng quen dần với việc tốt nhất là không nên hỏi. Từ đó tới giờ không biết bao lâu rồi tôi không hỏi mẹ một câu nào nữa. Tôi bắt đầu tự tìm câu trả lời cho mình, nếu như có câu hỏi.
Câu hỏi cuối cùng tôi hỏi mẹ, gần đây thôi, là: “Mẹ có đang hạnh phúc không? Mẹ có đang hài lòng với cuộc sống không?” Mẹ tôi trả lời: “Hạnh phúc thì cũng không hẳn, nhưng nói chung là chấp nhận vì thấy mọi thứ cũng được được.” Đấy, riết rồi hỏi để làm gì cơ chứ với những câu trả lời như vậy?
Quyền đặt tên là của ai?
Trở lại chuyện cái tên, dù đã đổi thành Ánh Tuyết nhưng tôi vẫn không ưa cái tên ấy chút nào cả, nếu không muốn nói là ghét. Tôi thấy nó xấu xí làm sao ấy khi đặt giữa tên những người bạn học khác: Ngọc Hân, Kiều Nga, Thiên May, Lan Anh, Trâm Anh, Bảo Trâm, Ngọc Hà… Bạn tôi toàn tên đẹp thế vậy mà tên tôi lại là Tuyết, Ánh Tuyết – xấu thế là cùng.
Thêm một lý do nữa là tên tôi cứ phải đứng hàng cuối sổ vì âm T ở cuối bảng chữ cái mà, sau đó lại còn là U và Y mới khủng khiếp chứ. Cùng là T nhưng Tâm và Tuyết lại rất khác nhau, rất xa nhau. Mỗi lần có việc gì bị gọi tên theo thứ tự tôi cứ là người phải chờ đợi đến cuối, rất bực mình. Lúc ấy tôi nghĩ, tại sao cha mẹ lại có quyền đặt tên cho con cái mà con cái không được phép tự đặt tên cho chính mình chứ? Cái tên là thứ theo ta cả đời, tôi muốn có quyền được tự đặt tên cho mình. Chị ba tôi là tấm gương đầu tiên về cái quyền tự đặt tên cho mình, tên chị là Mơ (Hương Mơ) nhưng chị thích tự đặt mình là Thiên Yến. Chị luôn ghi tên trong mọi bức thư tay là Phạm Hân Thiên Yến và cái tên ấy thậm chí còn khiến tôi quên béng cả tên thật của chị. Thật lạ lùng.
Chị tôi tự đổi tên của chị nhưng tôi thì chẳng dám chút nào, tôi cứ sợ rằng mình mà đổi tên thì mình sẽ biến thành một con người khác. Tôi ghét tên mình nhưng chưa bao giờ dám đổi. Tôi chưa đủ mạnh như chị tôi.
Zen ơi!
Những năm cuối cấp ba rộ lên phong trào tự tạo ra nickname, tức tên biệt danh. Tôi cũng tham gia phong trào ấy và tôi lấy tên mình là Zen. Không hiểu tại sao từ sau khi nghe hay đọc thấy cái từ Zen ấy, tôi như bị ám ảnh. Tôi cứ nghĩ mãi về cái từ mà tôi không hiểu nó là gì nhưng lại có một thôi thúc khổng lồ muốn gắn mình dô cái từ ấy. Cho tới giờ vẫn nhiều người bạn gọi tôi là Jen (Zen). Điều tuyệt vời ở chỗ tôi đã quên béng cái tên ấy cho tới khi biết rằng Zen, tiếng Nhật nghĩa là Thiền. Một cách tình cờ cái tên Zen ngày ấy đã trở thành mục tiêu và phong cách sống của tôi lúc này, có lẽ cả mai sau nữa. Zen = Thiền.
Càng ngày tôi càng tin những cái tên có ý nghĩa nhất định đối với cuộc đời chúng ta, dẫu cho chỉ là một biệt danh cho vui hay là tên thật. Quả thật không có gì là ngẫu nhiên cả.
Từ Ánh thành Phi
Sau này, một cách vô tình thôi nhưng ý nghĩa vô cùng, tôi đã đủ can đảm để tự đổi tên cho mình: từ Ánh Tuyết thành Phi Tuyết . Ấy là cả một chặng đường dài của sự thay đổi tâm thức lẫn nhận thức sống bên trong chứ không chỉ là một cái tên nghe hay hay bên ngoài.
Chuyện về cái tên Phi Tuyết thì do hồi đi học bạn bè hay gọi tôi là Tuyết “Phi” để phân biệt với Tuyết “H.” là một cô bạn cùng tên khác có ba tên H.. Hồi ấy có cái mốt là gọi tên con cái gắn với tên ba mẹ sau đuôi nữa. Xong sau đấy khi cái tên Tuyết Phi trở nên thông dụng với bạn bè thì có những bạn gọi tôi bằng cả cụm tên dài mà tôi chẳng hiểu nghĩa là gì như “Tây Môn Phi Tuyết, Tuyết Sơn Phi Hồ” – có lẽ ấy là thời điểm phim kiếm hiệp lên ngôi. Sau này thay vì bị các bạn gọi là Tuyết Phi một cách bị động, tôi đổi tên mình thành Phi Tuyết với chữ Phi đứng đầu như một cách chứng tỏ tình yêu của tôi dành cho ba – người tôi yêu quý và kính trọng nhất. Mà cả cái tên Phi Tuyết nghe cũng hay hay nữa, tôi bắt đầu thích tên mình từ ấy. Tên nghe vừa quen vừa lạ, vừa mềm yếu nhưng cũng rất mạnh mẽ.
Từ ngày đổi tên, tôi nhận ra rằng tên không chỉ đơn thuần là tên, mỗi cái tên có cả rừng ý nghĩa ẩn phía sau nó.
Tôi chưa từng yêu quý cái tên Tuyết của mình cho tới một ngày đẹp trời cách đây 3 năm, tôi nhận được một tin nhắn rất dài trên facebook. Một người lạ với nickname Viet Tran đã nhắn cho tôi những dòng tin nhắn mà tôi sẽ không bao giờ quên.
Anh nói: “Chào em, Phi Tuyết. Cái tên ảnh hưởng tới định mệnh và tính cách một người rất nhiều. Từng chữ cái đều nói lên những thông tin thú vị về người ấy. Tôi đã theo dõi em bấy lâu nay qua những điều em chia sẻ. Tôi nhận ra em là một người đặc biệt – theo nghĩa nào tính sau nhưng trước tiên hãy để tôi thử nói vài điều xem em thấy có đúng không nhé.
Em tên Tuyết, tên Tuyết là tên hiếm hoi trong các tên Việt Nam có tới hai âm “T”. Âm “T” là biểu tượng của cây thánh giá, nghĩa là tính tâm linh. Nên người mang âm “T” trong tên cũng thường có thiên hướng tâm linh. Em có tới hai âm “T” chứng tỏ thiên hướng tâm linh của em rất mạnh – đây chính là lý do khiến tôi chú ý tới em. Hướng tâm linh là gì? Đại loại nói cho dễ hiểu là người quan tâm nhiều về những vấn đề bản chất của cuộc sống, khao khát đi tìm ý nghĩa cuộc đời và sự giải thoát. Dựa trên những điều em thường chia sẻ trên facebook, tôi tin em là người có tính tâm linh này.
Chữ “U” tượng trưng cho khả năng chứa đựng, học hỏi. Em là người có khả năng học hỏi nhiều thứ nhiều điều trong cuộc sống. Một người ham học hỏi, đại loại vậy.
Chữ “Y” với một nửa hướng lên trên, một nửa kéo xuống dưới tượng trưng cho sự mâu thuẫn. Bên trong em luôn có một sự mâu thuẫn nội tâm rất lớn.
Chữ Ê bao gồm E với cái mũ nhỏ bên trên nghĩa là đời em sẽ trải qua rất nhiều ngã rẽ quan trọng và em là một người may mắn, em sẽ luôn có nhiều người đi theo hỗ trợ, giúp đỡ trong cuộc đời.”
Anh nói thêm “Tôi quan sát những bản chữ viết tay em đăng lên facebook, chữ viết tay cũng nói rất nhiều điều về một người, em viết chữ “a” với hai phiên bản khác nhau trong cùng một câu chứng tỏ em là một người rất linh động, thích thay đổi và cũng dễ thay đổi. Chữ “g” thường thêm cái đuôi móc cầu kì nghĩa là em có thiên hướng nghệ thuật, rất sáng tạo…”
Anh ấy còn nói khá nhiều thứ nữa mà tôi chỉ nhớ tới đây thôi.
Đó là lần đầu tiên trong đời tôi ý thức về cái tên liên quan tới tính cách và cuộc đời mình như thế nào. Tim tôi vỡ òa cảm tạ, không phải bởi những lời hay ý đẹp mà bởi vì không thể tin chỉ thông qua cái tên mà một người lạ lại có thể “đọc vị” tôi đúng đến từng chi tiết như vậy. Không sai một chút nào. Sau này tôi tìm hiểu thêm về sức mạnh cũng như ý nghĩa của các mẫu kí tự trong tên thì lại càng ngỡ ngàng hơn khi thấy những người thân xung quanh tôi đều có những tính cách tương đồng với tên của họ.
Ví dụ ba tôi tên Phi, chữ “i” bạn có thể thấy nó như một cây nến nhỏ, nến tượng trưng cho sự nhẹ nhàng ấm áp, người có âm “i” trong tên thường cũng là người rất nhẹ nhàng, tinh tế, thấu hiểu và không thích những xung đột, bất đồng hay tranh cãi. Ba tôi quả thật là một người như thế, trên đời này tôi chưa thấy đàn ông nào tử tế, nhỏ nhẹ và nhiều nội tâm như ông. Còn mẹ tôi, Hoa – chữ “H” là một chữ cái chứng tỏ sự vững chãi, kiên định, chữ “O” là người mong đợi sự tròn đầy, hoàn hảo còn chữ “A” thì là người mang tính lãnh đạo cao, cương trực, độc lập và rất mạnh mẽ. Trong gia đình tôi, mẹ quả thật là nữ tướng, là người nắm giữ mọi quyền hạn và quyết định lớn nhỏ trong nhà. Tôi đã thừa hưởng một cách trọn vẹn cả hai loại tính cách từ hai người. Tôi là một bản sao hoàn chỉnh, vừa “mạnh” như mẹ nhưng cũng vừa “mềm” như ba tôi dù cho tôi không có “A” hay “I” trong tên mình, tên đệm thì tôi có.
Một trong những bài học cũng như điểm nhấn trong đời tôi mà có liên hệ tới cái tên ấy là từ khi tôi quyết định đổi tên của mình từ Ánh Tuyết thành Phi Tuyết. “Ánh” có một chữ “A” rất to, nó tượng trưng cho những ngày trẻ khi còn rất bốc đồng, sôi nổi, luôn muốn làm cái gì đó mang tính lãnh đạo, đứng đầu. Từ khi tôi đổi tên của mình thành Phi Tuyết, chữ “A” biến mất và thay vào đó là một chữ “I” thì tâm tính tôi quả là mềm mại, hiền lành hơn, linh động và sâu sắc hơn rất nhiều so với trước đây. Sự chuyển đổi từ Ánh sang Phi là một sự chuyển đổi rất ý nghĩa đối với cuộc đời tôi.
Từ lúc đổi tên, đời tôi hoàn toàn thay đổi. Vậy mới thấy cái tên quan trọng thế nào. Ngày xưa ông bà ta đặt tên con cái đều có những ý nghĩa nhất định nhưng ngày nay thì cha mẹ đặt tên con chỉ vì tên ấy nghe hay hay, xin được từ một website nào đó.
Tên tôi được mẹ đặt không dựa trên ý nghĩa nào nên tôi thích tự tìm ý nghĩa cho nó.
Phi
Đầu tiên là chữ Phi.
Phi, tôi thích tên Phi nghe tuy đơn giản nhưng lại chứa một ý nghĩa lớn lao: số Phi là xem là con số thần thánh, tỉ lệ vàng trong toán học, khoa học lẫn tự nhiên. Nghĩa này nghe thật oách nhưng tôi không thích nó cho bằng một nghĩa khác của chữ Phi đó là “Không” như trong “Phi thương bất phú” – nghĩa là không làm kinh doanh sẽ không giàu hoặc “Phi tưởng” – nghĩa là không suy nghĩ. Thế thì Phi đi kèm với Tuyết sẽ có nghĩa là không có Tuyết nào cả. Toàn bộ cụm Phi Tuyết cũng có nghĩa là tôi không hề tồn tại, tôi là cái không. Tôi quá yêu cái tên này. Nó là mục tiêu của toàn bộ đời tôi: trở thành cái không, cái không vĩnh cửu, cái không vĩnh hằng – trạng thái được biết đến như giác ngộ.
Dần dà tôi muốn mọi người chỉ gọi mình là Phi, vì cái ý nghĩa về một sự trống rỗng, không có gì tồn tại của nó, chứ không liên quan gì tới chuyện đó là tên của ba tôi nữa hết.
Sau này có một sự kiện kì lạ xảy ra. Bạn cũng biết Việt Nam mình không nhiều người tên Phi cho lắm. Vậy mà đời tôi lại bị gắn với chữ ấy theo cách khá lạ lùng. Năm tôi 27 tuổi và năm tôi 28 tuổi có hai sự kiện bước ngoặt xảy ra thay đổi đời tôi. Hai sự kiện ấy có liên quan tới hai người đàn ông mà tôi làm việc cho. Hai người này không hề quen biết nhau nhưng trùng hợp làm sao, cả hai người đều có con trai tên là Phi. Tôi nhớ như in hai cuộc phỏng vấn trước khi đồng ý làm việc cho họ, họ đều cùng hỏi tôi một câu hỏi: “Anh có một con trai tên giống em, tên Phi. Theo em, tên ấy có nghĩa gì?”
Hai người này đều là người Việt Nam nhưng một người đang sống ở Mỹ và người còn lại thì sống ở Pháp, một là luật sư và một là đạo diễn phim. Cả đời tôi cho đến giờ chỉ làm việc cho hai người duy nhất ấy – mỗi người vài tháng và vài tháng này luôn là một lối rẽ quan trọng trong đời tôi. Lạ lùng thay cả hai đều có con trai tên Phi và họ đều rất quý tôi, họ quý mến tôi cứ như một đứa con lớn của họ vậy. Những sự kiện này tôi sẽ kể tiếp sau vì nó khá quan trọng lẫn thú vị, sẽ cho bạn nhiều ý tưởng hay về định mệnh cuộc đời.
Tuyết
Giờ đến chữ Tuyết, ngoài sự phân tích kí tự mà anh Viet Tran nói khá đúng, tôi chẳng biết nó có ý nghĩa gì khác cho đến khi mọi thứ hiển lộ với tôi qua một… giấc mơ. Vâng, bạn sẽ không tin đâu, nhưng trong một giấc mơ cách đây vài năm, có một người đã đến với tôi và giải thích cho tôi về cái tên của mình. Người đó, tôi không biết là ai cũng chẳng nhớ nổi hình dáng cụ thể nhưng những lời của người đó thì tôi nhớ rõ lắm. Thật lạ khi có những giấc mơ chúng ta quên béng ngay khi vừa thức dậy nhưng cũng có những giấc mơ cứ đeo đẳng bám theo ta hoài hoài qua năm tháng. Tôi tin những giấc mơ đeo bám ấy là những thông điệp mà các soulmate hay người hướng dẫn tâm linh muốn cho chúng ta những lời chỉ dẫn. Nó không phải là mơ, nó là những thông điệp.
Người đàn ông già trong giấc mơ ấy nói với tôi: “Tuyết, trong tự nhiên là thứ rất đặc biệt vì nó có thể thay hình đổi dạng mà không bị biến đổi về tính chất. Nó là nước bị đóng lại trong hơi lạnh, chỉ cần một chút hơi ấm nó sẽ tan ra thành chất lỏng – nước. Nước cũng là một thứ kì diệu vì nó linh động, vừa có thể cực kì mạnh mẽ nhưng lại cũng rất mềm mại, có thể tuôn đi đến mọi nơi và được chứa trong mọi dạng sự sống. Từ dạng chất lỏng của nước, chỉ cần thêm một chút hơi nóng nữa là nước sẽ bốc hơi thành khí. Sự bốc hơi ấy chính là mục tiêu quan trọng nhất trên đời khi một người không còn đông cứng như băng, cũng không còn linh hoạt như nước mà trở nên vô hình, tan biến vào hư không, giải thoát…”
Tôi thức dậy khỏi giấc mơ ấy, cảm thấy lạnh toát sống lưng, mồ hôi ướt đẫm và mắt thì cay xè như chực khóc. Tôi cảm nhận mơ hồ về một nghĩa vụ của mình trên đời là phải phá tan cái sự cứng nhắc của băng tuyết để trở nên mềm mại như nước và rồi từ nước ấy, biết đâu một ngày tôi tìm được mặt trời của riêng mình để bốc hơi vào thinh không bao la đẹp đẽ yên bình.
Ngay lúc này, tôi cho rằng mình cũng đang tan chảy dần, tan chảy cái sự cứng đầu cố chấp, tan chảy cái bản ngã của tâm trí để ngày càng trở nên mềm mại hơn, đáng yêu hơn. Mà điều thú vị nhất trong giấc mơ ấy là ý tưởng về chuyện tôi sẽ cần nhiều hơi ấm, hơi nóng để có thể tan chảy ra hoặc bốc hơi sao mà trùng hợp thế. Cả đời tôi, chỉ một thứ duy nhất tôi cần thật nhiều từ người khác, chỉ một thứ mà tôi dùng để làm thước đo tìm kiếm người bạn đời của mình: sự chia sẻ hơi ấm qua những cái ôm.
Tôi nghiện ôm, tôi thích ôm và được ôm đến nỗi dùng nó như điều kiện cho người bạn trai gần đây nhất của mình: “Em đồng ý làm bạn gái của anh, không phải vì anh tuyệt vời hay vì những lời hứa hẹn. Mà vì anh đã thể hiện tình cảm qua những cái ôm một cách hoàn hảo. Đúng chính xác những gì em mong muốn. Nên để em cho anh hay: nếu một ngày anh trở nên tệ, em vẫn có thể ở bên anh. Nếu một ngày anh làm điều gì có lỗi lớn lao, em vẫn có thể bỏ qua tất cả. Nhưng nếu chỉ một ngày anh không muốn ôm em nữa, nếu một ngày mình vẫn đang bên nhau mà anh ngừng ôm em, thì em sẽ để anh ra đi. Mà không, em sẽ tự ra đi. Em sẽ trả lại cho anh tự do.”
Giờ có lẽ đã đến lúc trở lại với tuổi thơ ngọt ngào, xin lỗi vì đã dắt bạn đi lòng vòng trong mộng mị quá lâu. Tôi chỉ muốn cho bạn một ý tưởng, có thể không đúng đâu nhưng mà tôi rất tin, rằng: mọi đứa trẻ đều lựa chọn hoàn cảnh mà nó ra đời, để hoàn thành một nhiệm vụ, một sứ mệnh hay một câu chuyện nào đó. Không có gì xảy ra một cách ngẫu nhiên, mọi thứ đều là những chọn lựa của chính chúng ta hoặc một vị Thượng đế nào đó sắp đặt, hoặc cả hai.
Nghĩa vụ của chúng ta là phải khám phá lại nhiệm vụ của mình là gì trên đời này để mà tận dụng hoàn cảnh mình đang có một cách tốt nhất. Một gia đình nghèo cũng có thể mang lại lợi thế to lớn cho sự phát triển của một người, nếu người ấy có đủ quyết tâm. Chẳng phải truyền thông nói rất nhiều về những câu chuyện như thế đó sao: vị tỉ phú này sinh ra trong khu ổ chuột, vị tổng thống kia sinh ra trong gia đình nghèo khổ, thiên tài nọ sinh ra trong gia đình nô lệ thất học vân vân mây mây.
Hãy tin rằng bạn cũng có thể đạt những thành quả tuyệt vời nếu như bạn nhìn ra được sứ mệnh mà bạn đã chọn để hoàn thành từ khi còn là một linh hồn. Cũng như không một cuộcđời nào sinh ra là vô nghĩa, trừ khi chính bạn làm cho nó trở thành vô nghĩa. Bạn càng sớm nhận thức về những điều này, bạn càng có cơ hội để sống cuộc đời ý nghĩa tươi vui – như tôi đã và đang làm – bất kể hoàn cảnh gia đình và xuất thân của bạn là gì.
Giờ hãy trở lại chuyến du hành vượt thời gian về tuổi thơ tôi để thấy đời tôi may mắn như thế nào khi được sinh ra trong một hoàn cảnh gia đình “hết-sức-bình-thường” ở một vùng đất cũng “bình-thường-hết-sức” như thế.
Chào Phi Tuyết.
Mình mới nghe hết cuốn “Vì sao chúng ta không hạnh phúc” từ một nhóm đọc sách trên FB. Cuốn sách rất hay và giống như một sự sắp xếp và lý giải cho nhiều suy ngẫm sẵn có trong tâm trí mình. Cảm ơn tác giả!
Cái tên của bạn cũng có thể được hiểu là Tuyết bay, vì chữ Phi còn có nghĩa là bay 🙂
Mình chào bạn!
Cảm ơn bạn đã đọc sách của mình nha. Thật vui nếu nó bổ ích cho bạn!
Đọc bài của chị xong thì em rất vui vì biết rằng tên của em giống tên chị! Em cũng đã nhiều lần tự hỏi mình tại sao mình lại tên là Ánh Tuyết. Trong em có rất nhiều mâu thuẫn y như những gì anh Viet Tran đã miêu tả. Rất vui vì được biết và theo dõi chị!