Nghĩ khác để Sống khác: Tâm An Vạn sự An

“Một cơn bão lớn với sức tàn phá dữ dội được dự đoán sẽ quét qua ngôi làng nhỏ xinh đẹp. Tất cả mọi người đều vô cùng lo lắng bất an, họ họp nhau lại để tìm ra cách ứng phó với cơn bão lớn. Sau cùng có hai phương án được đưa ra thực hiện. Một nửa dân làng bắt tay thu gói đồ đạc, dẫn dắt gia đình di cư tìm đến một vùng đất khác để sinh sống. Một nơi mà họ tin rằng sẽ không bão tố nào có thể tới làm phiền cuộc sống yên bình của họ được nữa. Nhóm còn lại gồm những người già không thể đi xa và những thanh niên trẻ khỏe cùng nhau ở lại. Họ khoét một hầm trú ẩn lớn sâu vào vách núi và chất vào đó đồ ăn thức uống, củi cùng các vật dụng cần thiết, sẵn sàng sống trong cơn bão chờ nó đi qua.
Ngày cơn bão đến thật khủng khiếp. Gió lớn, mưa như trút nước, sấm sét đì đoàng không chỉ quét bay mọi căn nhà, tàn phá mọi cánh đồng mà ngay cả những cây cổ thụ to lớn nhất cũng oằn mình trước sự hung hăng của cơn bão.
Bên trong hang trú ẩn an toàn, nhóm người già sợ hãi than khóc trách số phận sao đáng thương và tiếc nuối những tài sản họ gầy dựng cả đời chớp mắt đã bị cơn bão quét sạch. Vậy mà bên cạnh họ, nhóm thanh niên lại đang đốt một đám lửa, ngồi vòng quanh cùng nhau uống rượu, đàn hát, nhảy múa trông thật vui vẻ làm sao. Một chàng trai trong nhóm cất tiếng mời những người già cùng tham gia bữa tiệc với họ nhưng chỉ nhận lại những cái lắc đầu từ chối. Anh nói “Nước mắt không giúp được gì cả. Bão lớn như thế, chúng ta có thể làm gì? Khóc than hay sợ hãi thì liệu có ích gì? Chi bằng hãy cùng nhau hát ca ăn mừng vì mọi người đều đã an toàn và ấm áp ở đây như thế chẳng tốt hơn sao? Đợi khi bão tan, còn người còn sức lực, chúng ta sẽ cùng nhau gầy dựng lại tất cả. Ông bà có trí khôn ngoan, chúng tôi có sức khỏe. Chúng ta có tất cả mọi thứ cần thiết rồi.”
Sau lời giải thích ấy, những người già bỗng gạt đi nước mắt, thôi than khóc và bước đến nhập hội cùng các thanh niên. Họ bỗng nhiên cảm thấy thật bình an và nhẹ nhõm, mặc cho bên ngoài cơn bão vẫn đang gầm gào dữ dội.
Còn nhóm người chọn việc di cư, dù di chuyển xa đến đâu họ cũng luôn cảm giác như cơn bão đang đuổi ngay sau lưng mình. Vậy nên họ cứ đi mãi, đi mãi và trở thành những người du cư luôn chất đầy bên mình những bất an lo lắng.”

“An” nghĩa là cảm giác an toàn, thanh thản, không lo lắng sợ hãi.
“Bình” nghĩa là trạng thái cân bằng, bằng phẳng, không sóng gió, không xung đột, không tranh đấu. Sự an toàn và bình lặng này được gọi chung là Bình An hay An Yên, là một trạng thái đến từ sâu bên trong nội tâm của mỗi con người. Cũng là thứ trạng thái mà tất cả mọi người trên đời đều mong muốn, bất kể họ ở đâu, thuộc tôn giáo, màu da hay sắc tộc nào.
Bởi vì bình an là một trạng thái của nội tâm không dễ nhận ra nên thường bị đánh đồng với một cuộc sống êm đềm, yên ắng, không rắc rối ở bên ngoài. Nhưng đó không phải bình an thật sự, bình an thật sự có nghĩa kể cả khi bạn ở trong những nơi ồn ào, trong rắc rối hay thậm chí ngay chính giữa cơn bão lớn nhưng bạn vẫn cảm thấy an toàn, lạc quan, vui vẻ và thanh thản.
Có thể xem trạng thái bình an như một cơ thể có tình trạng sức khỏe tốt, không bệnh tật, không ốm đau. Bình an chính là sức khỏe tinh thần của mỗi người.
Bạn thường không trân quý sức khỏe của mình khi bạn đang khỏe mạnh. Bạn chỉ trân quý sức khỏe của mình khi bạn mắc bệnh tật hay không còn khỏe nữa. Cũng vậy khi sống cuộc sống bình an, bạn thường bỏ qua sự quý giá của nó. Rồi khi cuộc sống của bạn lâm vào những rắc rối thì bạn mới bắt đầu nghĩ đến sự bình an trước đây của mình và ao ước tìm lại.
Khi một người không có bình an bên trong thì người đó sẽ không thể nào cảm thấy thoải mái, hệt như một người đau bệnh luôn cảm thấy khổ sở và đau đớn. Một người bệnh sẽ luôn mong về một ngày khỏe mạnh trở lại bởi không có sức khỏe họ chẳng thể làm được bất cứ việc gì. Người không có bình an bên trong tâm trí cũng chẳng còn có tâm trạng làm gì ngoài việc ngày đêm mong ngóng cảm giác bình yên trở lại.
Người ta thường chúc nhau bình an mỗi khi gặp mặt lẫn khi chia tay. Người ta cũng đến nhà thờ, chùa chiền để nghe giảng về tầm quan trọng của bình an và sau đó là cầu xin ơn trên ban cho mình sự bình an. Nhưng liệu bình an có phải là thứ cứ chúc là có hay cứ xin là được? Bạn không thể chỉ nghe giảng về bình an rồi nghĩ mình có nó. Giống như một người đang đói dù cho có nghe mô tả về đồ ăn nhiều thế nào cũng không giúp họ quên đi cơn đói thực sự được. Hãy thôi cầu xin sự bình an nhưng hãy bắt tay vào việc tìm lại bình an cho chính mình.
Việc tìm kiếm cũng không phải ở bất cứ đâu bên ngoài nhưng là bên trong suy nghĩ và nội tâm của bạn. Khi bạn buồn bã, thất vọng thì dù bạn có nhốt mình trong một nơi an toàn, yên tĩnh như một căn phòng tối, một bãi cát mênh mông trước biển cả êm đềm thì lòng bạn vẫn sẽ cứ cuộn sóng rối bời. Sự bất an được tạo ra bởi những cơn sóng cuộn trào bên trong tâm trí bạn chứ không phải những cơn sóng bên ngoài. Việc tránh được những cơn sóng bên ngoài chẳng có tác dụng gì trong việc giúp bạn dẹp bỏ những cơn sóng bên trong cả.
Lý do bạn không bình an là vì suốt cả đời bạn luôn được dạy rằng cuộc đời là một cuộc chiến khổng lồ mà mọi người xung quanh, trừ người thân thì ai cũng là kẻ thù tiềm năng, tình địch hoặc là kẻ cạnh tranh với bạn. Bạn được dạy phải đề phòng với tất cả mọi người, kể cả với lòng tốt của họ nữa. Trước tiên bạn được dạy mọi người xung quanh đều nguy hiểm, sau đó bạn tự học được bài học rằng ngay cả những người thân cận, người trong gia đình đôi khi cũng nguy hiểm không kém người lạ ngoài kia. Cuối cùng bạn được dạy phải chiến đấu với những tội lỗi, cám dỗ, sự không hoàn hảo của chính mình. Cuộc đời bạn cứ thế trở thành một chuỗi những cuộc chiến không bao giờ ngừng nghỉ.
Trong cuộc chiến người ta chỉ có thể làm một trong hai việc: tấn công hoặc phòng thủ, đôi khi là cả hai. Nghĩ về một cuộc sống mà mọi người đều tấn công hoặc phòng thủ mọi người khác xung quanh, làm sao mà thanh thản? Làm sao mà bình an?
Nếu bạn can đảm nhìn lại cách sống của mình một cách khách quan. Bạn sẽ ngỡ ngàng nhận ra cả đời bạn đã sống xa rời những nguyên tắc của bình an như thế nào. Giống như là bạn muốn có sức khỏe nhưng bạn lại làm mọi điều tổn hại đến sức khỏe, từ bên trong lẫn bên ngoài. Bạn không sống lành mạnh nhưng bạn lại đến nhà thờ, đến chùa để xin thần thánh ban cho bạn sức khỏe ư? Chẳng thần thánh nào thèm nghe lời bạn đâu. Muốn sức khỏe thì hãy sống lành mạnh và tránh xa các chất độc hại, đồ ăn độc hại. Muốn bình an thì hãy tránh xa những thứ giật gân, thèm muốn, khao khát, dục vọng… Tóm lại là những thứ tạo ra năng lượng tiêu cực ảnh hưởng xấu đến tâm trí và tâm hồn của bạn.
Đấy là con đường duy nhất.
Bạn luôn nói rằng bạn muốn bình an, bạn mong bình an, bạn sẽ làm mọi cách để có bình an. Làm sao bạn có được bình an khi mỗi lần theo dõi tin tức báo chí bạn chỉ mong đợi những tin giật gân nhất, sốc nhất, chấn động nhất?
Làm sao bạn có được bình an khi mỗi lần ai đó làm điều tệ với bạn, bạn chỉ muốn trả lại cho họ gấp trăm lần hoặc mong họ gặp những điều tệ hại khác. Nếu họ gặp chuyện chẳng lành, bạn hể hả vui mừng thầm trong lòng. Làm sao bạn có được bình an khi tim bạn chất đầy hận thù thay vì tha thứ?
Làm sao bạn có được bình an khi nhìn vào người khác bạn chỉ xem họ người lạ nguy hiểm, kẻ thù, kẻ cạnh tranh chứ không phải là người thân, là đồng loại?
Làm sao bạn có được bình an khi nhìn vào lỗi lầm của người khác bạn thích thú phán xét, chê cười thay vì cảm thông và thấu hiểu?
Làm sao bạn có được bình an khi đôi mắt của bạn chất đầy những tiêu cực bi quan về cuộc sống? Làm sao bạn có được bình an khi không biết trân quý những gì mình có mà chỉ muốn có nhiều hơn, nhiều hơn nữa tất cả mọi thứ trên đời?
Hành động của bạn nói lên tất cả. Nếu bạn thật sự muốn có bình an, bạn phải thay đổi suy nghĩ lẫn hành động của mình.
Việc làm đầu tiên để có được bình an là hãy tìm cách tách mình ra khỏi mọi nguồn gây ra những năng lượng tiêu cực trong cuộc sống của bạn. Nguồn nào tạo ra những bất an, lo lắng, muộn phiền, ghen tuông… hãy tránh xa chúng. Bạn có nhìn ra nguồn nào như thế không? Facebook, tin tức truyền hình, báo chí là những nguồn như vậy. Hãy từ bỏ thói quen đọc tin tức, bớt thời gian theo dõi facebook, bỏ theo dõi những người bạn luôn mang lại cho bạn cảm giác tiêu cực là những bước nhỏ nhưng vô cùng hiệu quả để tìm lại bình an. Báo chí hay các kênh tin tức nói chung lợi dụng sự sợ hãi, lòng tham, tính đố kị, sự ghen tuông của bạn để thu hút chú ý.
Tránh xa những nguồn phát ra năng lượng tiêu cực này là một cách hay để có được bình an lẫn thời gian để chiêm ngẫm về cuộc sống.
Khi rắc rối xảy ra, bất an ập đến, việc bạn cần làm không phải là trốn chạy mà là đương đầu đối diện với chúng, suy ngẫm và tìm ra cách giải quyết hợp lý, nhìn ra được sự toàn diện của vấn đề, nhìn ra tính lạc quan trong mọi sự việc.
Học cách nhìn mọi thứ theo góc khác đi để hiểu đời hơn, thông cảm hơn. Ngay cả mọi khó khăn, thất bại, đau đớn cũng đều có những giá trị riêng. Những bài học quan trọng trong cuộc đời không đến qua những bông hồng nhung, mà đến qua những gai nhọn bảo vệ chúng.
Nhìn ra sự hoàn hảo của bức tranh cuộc đời thì bạn sẽ không còn cảm thấy muộn phiền về những điều tiêu cực, những tai ương và đau đớn nữa. Các tín đồ của các tôn giáo lớn thường học bài học này rất tốt. Khi một sự không mong muốn xảy ra, tín đồ Công giáo sẽ cho rằng đó là ý Chúa sắp đặt, tín đồ Phật giáo sẽ cho rằng đó là số phận nghiệp báo của mỗi người. Đây đều là cách giúp cho mọi người có một thoáng nhìn vào sự hoàn hảo của cuộc đời để rồi vững tâm hơn kể cả trong những hoàn cảnh khó khăn. Nhưng đó vẫn chưa là cách tốt nhất để có bình an. Vì như đã nói, bạn không thể có bình an thực sự chỉ qua việc tin tưởng trông cậy vào một nguồn nào đó bên ngoài an ủi bạn. Sự vững tâm nên được khởi nguồn từ bên trong.
Làm cách nào để có được sự vững tâm từ bên trong? Câu trả lời là bạn phải học cách trưởng thành. Trưởng thành là trở nên độc lập, chịu trách nhiệm với chính cuộc đời mình thay vì đặt nó vào tay ai đó khác. Đó là bước sau cùng nhưng cũng là quan trọng nhất không chỉ để đạt được bình an nhưng là đạt được mọi mục tiêu trong cuộc sống.
An còn một nghĩa khác dễ thấy nhất là An toàn. Bạn không cảm thấy bình an vì bạn không cảm thấy an toàn. Bạn không cảm thấy an toàn vì bạn luôn đặt cuộc đời mình vào trong tay người khác, khi là ông chủ, cha mẹ, khi là vợ chồng, con cái, là bạn bè đồng nghiệp. Càng đặt cuộc đời mình vào tay người khác thì bạn sẽ lại càng dễ trở nên sợ hãi và lo lắng. Vậy nên chịu trách nhiệm với chính cuộc đời mình là con đường duy nhất để tìm đến bình an. Giống như một người tự chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe của mình thay vì trông cậy vào thầy thuốc, bệnh viện hay người thân phải chăm lo sức khỏe cho mình vậy.
Bằng những cách đó, bạn sẽ có được bình an trong tâm hồn và khi có nó rồi thì cuộc sống bên ngoài có bão tố lớn ra sao cũng không làm bạn bận tâm chút nào nữa. Ngược lại, khi bạn không có bình an trong nội tâm thì chỉ một cơn gió thoảng qua bên ngoài cũng đủ khiến bạn lo lắng sợ hãi vô cùng.
Tôi có một cô bạn thân từ thời đại học. Tôi và cô ấy đều có một căn nhà riêng, công việc tốt và cuộc sống bên ngoài tương đối êm đềm nhưng bên trong, cuộc sống của chúng tôi rất khác nhau. Tôi tự kinh doanh riêng rất nhàn hạ và không hề áp lực, cô ấy làm cho một công ty lớn và mỗi ngày đều bị stress nặng vì công việc. Mỗi sáng tôi thức dậy sớm nghe những bản nhạc nhẹ nhàng, tập thể dục, đọc sách, uống cà phê trong khi cô ấy phải đặt báo thức rất nhiều lần, thức dậy một cách khó khăn và việc đầu tiên sau khi thức dậy là bật kênh tin tức buổi sáng trên tivi để nghe những tin tức vụn vặt về cuộc sống như nạn cướp giựt, nạn cháy, tai nạn giao thông xảy ra ở đâu đó. Tôi sống một mình không bị ảnh hưởng bởi ai trong các quyết định thuộc tự do cá nhân. Trong khi cô ấy cũng sống một mình nhưng nhất cử nhất động đều bị theo dõi sát sao từ gia đình và những người đồng nghiệp nhiều chuyện.
Tất nhiên cô ấy có nhiều thứ hơn tôi: một công việc trong tập đoàn lớn, năng lực làm việc rất tốt, chí tiến thủ, khả năng ngoại giao, cô ấy sống rất được lòng bạn bè đồng nghiệp và gia đình, cuộc sống ở thành phố lớn năng động hiện đại chứ không phải ở nhà quê như tôi. Nhưng có một điều tôi tin, cuộc sống của tôi bình an hơn của cô ấy rất nhiều. Tôi không có nhiều điều để phiền muộn sợ hãi trong khi cô ấy cứ luôn phải lo lắng về mọi thứ từ chuyện gia đình, chuyện công việc, ngoại hình, chuyện hôn nhân tuổi tác cho đến những chuyện không thể kiểm soát ngoài cuộc đời như tỉ lệ tội phạm gia tăng, tai nạn giao thông tăng, đồ ăn độc hại, lừa đảo qua mạng. Cô bạn mạnh mẽ trên thương trường bao nhiêu thì tôi nhận ra tâm hồn cô mong manh bấy nhiêu. Cô dễ dàng bị buồn phiền, tức giận, thất vọng về mọi thứ xảy ra xung quanh.
Tôi khuyên cô bạn nhiều thứ nhưng không hiệu quả bởi các thói quen và môi trường sống xung quanh đã định hình cách hành động của chúng ta quá nhiều. Vậy nên bạn ạ, nếu bạn muốn có những thứ không ai có, bạn phải làm những việc không ai làm. Nhưng nếu bạn muốn có bình an thì con đường sẽ rất khác, bạn phải ngưng làm những việc ai cũng làm. Ấy là ngưng hướng ra bên ngoài để hướng vào bên trong nhiều hơn, ngưng phụ thuộc để trưởng thành hơn, ngưng đổ lỗi để chịu trách nhiệm nhiều hơn, ngưng bi quan để lạc quan hơn và nhất là ngưng tìm kiếm bất cứ nơi nào sự bình yên giả tạo bên ngoài để hướng tới sự bình an đích thực bên trong.
Chỉ cần tâm AN, mọi sự sẽ AN, an toàn, an yên, an bình!
Không phải ngẫu nhiên mà chữ A lại đứng đầu bảng chữ cái cuộc đời này. Có Tâm An rồi bạn sẽ có tất cả, cũng như muốn có bất cứ thứ gì, bạn phải có sức khỏe trước tiên.

Phi Tuyết
trích sách Nghĩ khác để sống khác
Link mua sách tiki giảm 40%:
https://tiki.vn/nghi-khac-de-song-khac-p6180943.html?src=search&2hi=0&keyword=sách%20nghĩ%20khác%20để%20sống%20khác&_lc=Vk4wMzkwMDYwMDI%3D

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *