Khẩu nghiệp
Nói một cách đơn giản, khẩu nghiệp là những kết quả xấu sinh ra từ lời nói của bạn. Nó không xa xôi như bạn nghĩ đâu và nó cũng không khó hiểu như bạn nghĩ. Bạn không cần phải trù ai đó chết hay chửi cha mẹ ai đó thì mới có khẩu nghiệp đâu – nhưng bất cứ lời nào bạn thốt ra từ miệng lưỡi của mình đều sẽ sinh ra kết quả và kết quả xấu thì tất nhiên được sinh ra bởi những lời nói xấu. Vậy lời nói xấu là gì:
– lời nói giả dối
– lời hứa hẹn viễn vông
– lời trống rỗng không đến từ kinh nghiệm thực
– lời tham muốn
– lời phán xét
– lời chì triết, than vãn, giận dữ
– lời cay độc làm đau người khác
– lời mê hoặc khiến người khác sùng tín
– lời hạ thấp người
… Tất cả những kiểu lời này đều sẽ sinh ra nghiệp quả.
Bạn thường chỉ nhìn vào khẩu nghiệp của người khác mà chẳng mấy khi nhìn vào khẩu nghiệp của mình. Đôi khi bạn nhìn vào khẩu nghiệp của mình mà chẳng nhận ra nó là khẩu nghiệp.
Để tránh khẩu nghiệp hãy nói một cách ý thức những lời sau:
– xin lỗi, cảm ơn, chúc lành
– lời từ bi, chấp nhận, tạ ơn, trân trọng
– nói những gì là sự thật
– nói những gì mình đã trải qua
– nói những lời an ủi, động viên, cảm tạ…
Ngoài ra nếu không thể nói lời lành, không thể nói sự thật, không thể nói những gì mình đã kinh qua, tóm lại là lời mang năng lượng thiện lành… thì tốt hơn hãy im lặng.
Để tránh khẩu nghiệp cách dễ nhất và cũng khó nhất, là im lặng. Im lặng để lắng nghe nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn, cảm nhận nhiều hơn, thấu hiểu hơn, từ bi hơn, chúc lành hơn… chứ không phải im lặng để cho rằng mình là thần thánh hơn người.
Điều quan trọng là hãy lo về khẩu nghiệp của bạn, tức lời nói của bạn – thay vì khẩu nghiệp của người khác bạn nhé!
Khẩu nghiệp được hoá giải khi: bạn biết mình đang nói gì và biết mình sẽ chịu trách nhiệm cho mọi điều mình nói. Lúc này bạn chấp nhận mình là nguyên nhân chứ không phải nạn nhân. Lúc này bạn chấp nhận nghiệp – kẻ chấp nhận và chúc lành cho mọi nghiệp của mình – kẻ tỉnh thức. Thế rồi thêm một bậc nữa khi bạn biết trước được nghiệp quả của những lời mình định nói ra, thậm chí cả suy nghĩ của bạn rồi chọn lời một cách phù hợp để tạo ra nghiệp quả thiện lành mà bạn mong muốn. Dùng lời để khiến những người khác ngày càng tỉnh thức hơn.
Đừng dùng lời một cách bừa bãi và vô ý thức vì mọi lời nói trong vô thức, đều là khẩu nghiệp!
Đừng sợ khẩu nghiệp khi bạn không nói lời dối trá, lời mang tính phá hủy tiêu cực, lời gây chiến, lời đầu độc hay mê hoặc người khác… Nói chung là hãy giữ im lặng nhiều hơn, càng giữ được im lặng sâu bao nhiêu bạn càng thảnh thơi, yên bình bấy nhiêu và càng dễ nhận ra người ta đang gây khẩu nghiệp cho nhau và cho mình nhiều như thế nào. Người ta nói mà không cần suy nghĩ, không cần biết điều mình nói có đúng không, có làm hại ai hay hại mình không. Những lời nói trong vô thức được gieo vào vùng vô thức của nhân loại tạo thành một thứ virut gây bệnh tâm lý sâu sắc cho tất cả chúng ta. Một câu nói từ người mẹ “Tao vô phúc mới có đứa con như mày”, câu nói của người thầy “Mai này em sẽ chẳng làm nên trò trống gì đâu” hoặc ngay cả đến những người sùng tín khi nói “chúng ta là những kẻ tội lỗi, ngu dốt, đớn hèn” hay một doanh nhân khi nói “Nếu bạn không hi sinh mọi thứ để trở nên giàu có, bạn là kẻ thất bại, cả thế giới sẽ khinh thường bạn”… tất cả những điều này đều gieo mầm xấu vào tâm thức con người mà từ tâm thức ấy, nhiều cuộc đời bị bỏ lỡ, bị phí hoài, bị đầu độc, bị chìm trong đau đớn khổ sở. Ấy cũng là khẩu nghiệp.
Vậy nên, xin hãy ý thức những lời nói của bạn ngay từ hôm nay, ngay từ lúc này. Đừng tham gia những câu chuyện buôn dưa lê bán dưa chuột nói xấu ai đó, đừng phán xét người chỉ để mình không bị phán xét, đừng hạ người xuống để nâng mình lên, đừng dùng từ ngữ để làm đau nhau, làm tổn thương nhau. Thay vào đó hãy dùng từ ngữ, dùng “khẩu” của mình để gieo mầm “nghiệp tốt lành”. Hãy nói những lời yêu thương, quan tâm nhau. Hãy nói những lời xin tha lỗi từ người mà chúng ta từng làm tổn thương họ. Hãy nói lời cảm ơn khi ai đó làm điều gì cho mình, dù là điều rất nhỏ. Hãy nói với người thương xung quanh mình rằng mình rất yêu thương họ, trân trọng sự hiện diện của họ trong đời mình, thể hiện sự biết ơn nữa. Nói nhiều hơn câu “Tôi không biết” khi mình quả thật không biết về ai đó hay chuyện gì đó.
Việt Nam có câu “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hay “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” hai câu này nghĩ theo hướng tích cực thì tốt thôi, nó dạy ta về tầm quan trọng của lời nói. Nhưng nghĩ theo hướng tiêu cực hóa một tí thì có chỗ chưa ổn: Bạn nói lời hay ý đẹp nhưng nếu chúng không xuất phát từ một thiện tâm thật sự của bạn, thế thì nó là vô nghĩa. Đừng nói lời hay chỉ vì muốn lấy lòng hay nịnh bợ người khác. Nếu như vậy, thà im lặng đừng nói gì còn hơn.
Các cuốn sách về nghệ thuật giao tiếp sẽ chỉ bạn cách nói chuyện để lấy lòng người khác nhưng tôi, tôi chỉ muốn khuyên bạn hãy thực hành im lặng nhiều hơn. Trong im lặng ấy bạn sẽ tỉnh thức hơn để không chỉ nghe mỗi lời nói mà còn nghe thấy cả năng lượng trong những lời nói ấy nữa. Có người nói lời hay nhưng toàn năng lượng xấu của sự nịnh hót hay hèn yếu, có người lại nói lời khó nghe nhưng chứa trong ấy là năng lượng tốt lành chỉ muốn giúp đỡ… Hãy cảm nhận năng lượng nhiều hơn trong lời nói của mình lẫn của người xung quanh và điều khiển năng lượng ấy, đưa nó về năng lượng tích cực của chữa lành, yêu thương, an ủi… ấy là lúc bạn không tạo ra khẩu nghiệp nữa.
Chữ viết ngày nay có thể thay cho cái miệng gây ra những hiệu ứng, những nghiệp quả tương đương vì người ta sống bằng màn hình và cái tay nhiều hơn đôi mắt lẫn cái miệng. Cho nên, đừng chỉ lo mỗi khẩu nghiệp, hãy chú ý tới cả “ngón-tay nghiệp” hay “chữ-viết nghiệp” nữa bạn ạ.
Phi Tuyết, ngày 7 tháng 3, 2019