Nghĩ khác để sống khác: Đừng biến đồ ăn thành thuốc độc

“Trong căn biệt thự giàu có, một người phụ nữ xinh đẹp cùng cậu con trai quý tử của cô đang ngồi trước một mâm cơm thịnh soạn đầy ắp những món ăn ngon. Nhưng không ai có hứng thú ăn uống gì cả. Người phụ nữ đang trong cơn giận dữ vì chồng của cô không bao giờ có mặt trong bữa ăn gia đình. Ông ấy quá bận rộn những thương vụ kinh doanh đến nỗi quên cả ngày sinh nhật của con trai mình. Cậu quý tử cũng đang giận dỗi vì không được nhận món quà sinh nhật như ý. Không gian nặng như trì. Người phụ nữ gắp vài miếng đồ ăn cho mình và cho con nhưng cảm thấy vị đồ ăn đắng nghét trong miệng. Món ngon khi ăn quá nhiều cũng sẽ không còn ngon nữa. Cậu quý tử vùng vằng nhất định không chịu ăn gì, thậm chí còn giơ tay hất luôn cái bánh sinh nhật ngon lành trên bàn xuống đất. Người mẹ chán nản ra hiệu cho cô giúp việc thu dọn bữa ăn.
Cúi xuống dọn cái bánh kem đang nằm bẹp trên sàn nhà, cô giúp việc ngước mắt nhìn bà chủ xinh đẹp với sự ngại ngùng “Tôi có thể mang cái bánh này về được không?” Bà chủ cúi xuống nhìn cô giúp việc với ánh mắt như định hỏi điều gì nhưng lại thôi, chỉ thốt ra một tiếng “Ừ” nho nhỏ. Nghĩ thêm một chút, bà nói “Cô có thể mang luôn cả chỗ đồ ăn này về. Dù sao trong nhà này cũng chẳng ai có tâm trạng gì để mà ăn uống cả.”
Tối ấy trên đường trở về nhà, lòng cô giúp việc vui như mở hội. Mở cánh cổng bước vào khu nhà trọ chật chội đầy mùi ẩm mốc nơi vài đứa trẻ đang tụ tập chơi đùa cùng nhau, cô reo lên khi nhìn thấy cậu con trai bé nhỏ “Đoán xem hôm nay mẹ có gì cho con này”. Nói rồi cô mở túi bóng ra để lộ chiếc bánh kem nát bấy đã được làm cho “tươm tất” lại. Đứa trẻ reo lên vui sướng “A bánh kem, bánh kem”.
Tối ấy không chỉ mỗi đứa con của cô giúp việc mà tất nhiên, toàn bộ lũ trẻ trong khu xóm trọ nghèo khổ cũng được hưởng ké đặc ân của một bữa tối ngon lành thịnh soạn nhất trong đời.
Phía sau khung kính cửa sổ chiếc xe hơi sang trọng, bà chủ xinh đẹp bật khóc khi nhìn thấy niềm vui ngây thơ đơn giản của lũ trẻ. Lâu quá rồi, có lẽ từ khi gia đình trở nên giàu có, bà chủ đã quên mất thế nào là niềm vui, thế nào là sự ngon miệng, thế nào là sẻ chia.”

Ăn uống là một trong những thú vui và nhu cầu quan trọng nhất của con người. Đồ ăn là con dao hai lưỡi, nếu bạn ăn đúng cách thì đồ ăn không chỉ nuôi cơ thể mà còn trở thành thuốc bổ nuôi dưỡng cả tâm hồn bạn nữa. Còn nếu bạn ăn sai cách thì đồ ăn không chỉ vô dụng mà còn trở thành thuốc độc gây ra những bệnh tật cho cơ thể.

Bất cứ khi nào bạn ăn gì. Hãy nhớ người nông dân, người đầu bếp đã đổ mồ hôi vất vả để mang nó đến cho bạn và cả triệu người ngoài kia đang ước có được món đồ ăn của bạn. Mỗi ngày trên thế giới có biết bao nhiêu người chết vì đói trong khi bạn lại ăn uống một cách lãng phí vô cùng. Bạn hay tự an ủi rằng mình lãng phí đồ ăn của mình thôi, mình không cướp phần của ai cả. Nhưng thực tế là khi bạn lãng phí đồ ăn của chính mình thì đồng nghĩa với bạn lãng phí công sức lao động của mình và người khác. Bạn cũng lãng phí lòng tốt của mẹ thiên nhiên và không tôn trọng cuộc sống.
Các loài động vật không có nghĩa vụ trở thành đồ ăn của bạn. Chúng không cần bạn bằng bạn cần chúng. Chỉ vì lòng tham ăn của bạn mà hàng triệu con vật bị nuôi nhốt như những nô lệ, sống cuộc sống tàn khốc đau thương trong những trại giết mổ công nghiệp. Lũ gà con bị nghiền nát khi không thể đẻ trứng, lũ bê con không một ngày được uống miếng sữa mẹ vì chỗ sữa ấy phải được dành cho bạn. Nếu như tìm hiểu sâu vào nền công nghiệp thực phẩm bạn sẽ thấy xấu hổ khi nhận ra cách con người đang hủy hoại thiên nhiên, hủy hoại sự sống để nuông chiều nhu cầu vô đáy của mình như thế nào. Lòng tham của chúng ta đã gây ra quá nhiều những nỗi đau cho các loài khác và cho cả những người khác nữa. Điều ấy là sự thật.

Đạo Công giáo có một nghi thức rất hay trước mỗi bữa ăn đó là làm dấu Thánh Giá và nguyện một bài kinh Lạy cha. Hành động này là biểu tượng cho việc biết ơn Thượng Đế, biết ơn cuộc sống và vạn vật vì đã nuôi sống con người. Không chỉ mỗi người Công giáo mà thiết nghĩ, tất cả mọi người thuộc mọi tôn giáo đều nên có thái độ biết ơn và cảm tạ trước mỗi bữa ăn của mình.

Khi bạn ăn uống với sự trân trọng biết ơn, bạn sẽ tạo ra những năng lượng tốt đẹp. Những năng lượng này sẽ được truyền vào đồ ăn và rồi khi bạn ăn chúng lại được hấp thụ ngược trở lại cơ thể, làm cho sức khỏe lẫn tinh thần bạn trở nên tốt hơn.

Hãy tạo không khí thật vui vẻ và hạnh phúc trong bữa ăn, nếu không thể, ít nhất cũng hạn chế ăn khi trong người toàn năng lượng tiêu cực: thù ghét, đau khổ, oán trách. Hẳn bạn cũng nhiều lần quan sát thấy rằng khi bạn đang trong cơn tức giận, đau khổ thì đồ ăn chẳng có vị gì cả, dù cho đó là món ăn bạn yêu thích nhất. Bù lại khi bạn đang cảm thấy đói hoặc đang trong niềm vui sướng, đồ ăn trở nên ngon hơn rất nhiều. Khi càng đói người ta càng trân trọng đồ ăn và càng trân trọng đồ ăn thì bạn sẽ càng cảm nhận được hương vị ngon lành của chúng.

Bạn có thấy khi một đầu bếp chuyên nghiệp nếm đồ ăn? Họ là những người rất yêu đồ ăn nên cách họ cảm nhận đồ ăn thật khác, chỉ một sự khác biệt nhỏ trong hương vị món ăn cũng không thể qua mắt họ. Tôi không khuyên bạn hãy trở thành chuyên gia ăn uống nhưng tôi thành tâm khuyên bạn hãy dành nhiều sự quan tâm hơn cho việc ăn uống của mình. Hãy biến nó thành niềm vui, thành khoảng thời gian ý nghĩa thay vì chỉ là hành động nhai nuốt một cách vô thức như cách chúng ta vẫn làm.

Đặc biệt, hãy dạy cho những đứa trẻ nhỏ về tầm quan trọng và tình yêu với đồ ăn. Việc cha mẹ quá lo lắng về cân nặng, dinh dưỡng dã khiến họ nhồi nhét đồ ăn vào những đứa trẻ như thể đang nhồi bụng một con vịt quay vậy. Việc làm này hoàn toàn phản tác dụng khi khiến cho lũ trẻ trở nên sợ hãi và căm ghét đồ ăn một cách vô thức. Sự ghét này đã khiến chúng truyền năng lượng xấu vào đồ ăn để rồi có ăn bao nhiêu đứa trẻ ấy cũng không thể hấp thụ được, chưa kể việc hấp thụ năng lượng xấu ấy. Vì không có một thái độ đúng đắn với đồ ăn nên khi lớn lên, những đứa trẻ ấy dễ dàng trở thành những người lãng phí thực phẩm. Khi một người lãng phí thực phẩm, họ dễ dàng lãng phí những thứ khác: tiền bạc, công sức, cuộc đời.

Năng lượng của tình yêu thương khi được mang vào trong đồ ăn cũng giải thích phần nào sự ngon miệng và khả năng gây thương nhớ của các bữa cơm gia đình. Người mẹ khi nấu ăn sẽ truyền cả tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc của cô ấy khiến mọi người yêu thích hương vị đồ ăn của cô ấy hơn. Mọi đứa trẻ có mẹ nấu ăn ngon đều vô cùng tự hào. Trong khi những người đi ăn một nhà hàng dù có ngon miệng đến đâu thì cảm xúc cho món ăn cũng không thể bằng hương vị bữa cơm gia đình.

Ăn là một việc thuộc bản năng. Nếu chúng ta để cho cơ thể dẫn dắt chỉ ăn những gì nó cần thì việc ăn sẽ trở nên rất đơn giản và tốt cho sức khỏe. Nhưng do ăn uống là một ngành kinh doanh béo bở nên càng ngày người ta càng tìm cách lạm dụng nó để mưu lợi qua việc tạo thói quen xấu cho mọi người trong việc ăn uống.

Dần dà, ăn gì uống gì trở thành một việc đầy khó khăn nguy hiểm và cả thử thách nữa. Bạn không thể nhận ra mình cần gì, nên ăn gì, ăn như thế nào, thay vào đó bạn chạy theo những lời quảng cáo hấp dẫn và rồi biến đồ ăn thành một thứ gây hại cho cơ thể lẫn sức khỏe của mình.
Nhân tiện xin trả lời câu hỏi của một chị độc giả về chuyện tôi nghĩ gì về việc ăn chay và ăn mặn.

Theo tôi, ăn chay, ăn mặn gì cũng không quan trọng bằng tinh thần tâm trạng của bạn khi ăn đồ ăn ấy. Một người ăn đồ chay với tâm trạng tức giận thù ghét cuộc đời thì cũng không tốt bằng một người ăn thịt với tất cả sự trân trọng biết ơn cuộc đời. Tuy nhiên thực tế là những người ăn chay thường thể hiện nhiều sự trân quý đồ ăn và cuộc đời hơn những người ăn thịt.

Bất cứ ai dù đang bảo vệ việc ăn chay hay ăn mặn cũng nhớ một nguyên tắc duy nhất trước khi đưa ra lời khuyên, lời bình luận cho người khác: làm trước nói sau.
Bạn hãy thử ăn mặn một vài tháng và ăn chay một vài tháng. Sau khi cảm nhận được sự khác biệt và kết quả trên chính cơ thể mình rồi thì hãy nói về nó. Hiện tại rất nhiều người chưa bao giờ ăn chay cứ lên tiếng phản đối việc ăn chay, điều này là vô nghĩa.

Cũng như bản thân tôi biết việc ăn mặn cũng không quá tệ như cách người ăn chay hay lên tiếng phản đối. Lý do không nên bạo hành động vật thì tôi đồng ý. Nhưng lý do cho rằng bản chất con người là ăn mỗi rau cỏ thì tôi không đồng ý. Bởi lẽ chúng ta đều biết bản chất của con người là ăn tạp, cả thịt cá lẫn rau cỏ. Đấy mới là tự nhiên. Ăn tạp là bản tính thuận tự nhiên của con người vì nếu bản chất con người là ăn cỏ, như thỏ như nai thì làm sao cơ thể chúng ta lại tiêu hoá được thịt? Và sự thật là dạ dày con người cũng không hề tiêu hóa được cỏ cơ mà.

Cho nên theo góc nhìn của tôi, tôi không thiên về ăn chay hay ăn mặn, tôi thiên về tinh thần và cảm xúc trong mỗi bữa ăn. Dù vậy khi càng tìm hiểu sâu hơn, trong tôi lại càng khởi lên mong muốn về việc ăn uống lành mạnh chay tịnh nhiều hơn. Có thể một ngày không xa tôi sẽ là một người ăn chay chường, nhưng tôi sẽ không vì thế mà lên án những người thích ăn thịt. Bởi mỗi người đều có quyền lựa chọn cách ăn, cách sống của riêng mình. Họ sẽ đổi khi bản thân họ muốn thay đổi. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là thay đổi cách ăn, cách uống, cách sống của chính mình mà thôi.
Ăn chay tốt hay không, đừng nghe ai khuyên cả. Cứ tự thực hiện đi rồi rút ra kết luận cho mình. Nhưng đừng bao giờ quên nguyên tắc: trân quý đồ ăn. Bởi khi bạn trân quý đồ ăn là bạn trân quý sự sống, trân quý cuộc đời và trân quý chính tiền bạc, công sức của bản thân mình nữa.

Tôi đã thiết lập cho mình một chế độ ăn uống riêng và sẽ theo đuổi nó trong những ngày sống khác này. Khởi đầu là việc cam kết chấm dứt các loại đồ uống có cồn, đồ pha chế có hóa chất, thay vào đó là uống nước trái cây, trà chanh mật ong, rồi tăng lượng cau củ mỗi ngày, giảm lượng thịt động vật. Một tuần sẽ ăn chay 1-2 ngày và thực hiện nhịn ăn một lần một tháng. Bên cạnh đó là xem việc nấu ăn như một niềm vui nhỏ trong cuộc sống, sáng tạo những món mới, trình bày đồ ăn một cách đẹp mắt và không bao giờ quên lời cảm tạ trước và sau mỗi bữa ăn. Lời cảm tạ trước bữa ăn dành cho Thượng đế, cho cuộc đời. Lời cảm tạ sau bữa ăn dành cho người đã nấu những món ăn ấy.
Ăn uống là một thú vui nhưng hãy làm sao để thú vui đó mang lại cho bạn sức khỏe và tình yêu thương cuộc sống. Ấy mới là điều quan trọng nhất.

trích “Nghĩ khác để sống khác” – Phi Tuyết

Mấy nay mạng xã hội xôn xao câu chuyện nước mắm và nước chấm. Đây là một ví dụ điển hình cho việc đừng biến đồ ăn thành thuộc độc cũng như đừng biến chất độc thành đồ ăn. Nước mắm hóa chất và nước mắm cá chỉ là một ví dụ điển hình trong cuộc chiến mà chủ nghĩa tiêu dùng tạo ra nhằm biến bạn thành nô lệ cho nó. Dần dà bạn chẳng còn nhận ra cái gì là tốt và cần thiết, dần dà bạn chỉ mua sắm theo những gì trí não bạn phản xạ mà thôi, và não phản xạ hành động của bạn theo những gì nó thấy thường xuyên, chính là quảng cáo!
Chủ nghĩa tiêu dùng với chiêu bài marketing, quảng cáo khắp mọi nơi mọi lúc đã dần thôi miên bạn và khiến bạn hành động theo những gì nó muốn, ấy là mua sắm những món thực phẩm không thực sự là thực phẩm, mà chỉ là hóa chất độc.
Bất kể bạn chia sẻ bao nhiêu bài về nước mắm nhưng nếu bạn vào siêu thị và vẫn “tiện tay” bỏ những chai nước mắm của Massan vào giỏ hàng vì thói quen hay vì bao bì đẹp… thế thì những lời nói của bạn có ý nghĩa gì không?
Bạn không thể thoát khỏi chủ nghĩa tiêu dùng đâu, chừng nào bạn còn chưa nhận thức được cách thức nó điều khiển bạn, và để biết cách thức nó điều khiển bạn thế nào? Hãy mua cuốn “Tại sao chúng ta không hạnh phúc?” đọc nha, trong ấy mình tổng hợp và trình bày tất tật kiến thức mình biết về chủ nghĩa tiêu dùng rồi đấy ạ!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *