Chủ nghĩa tiêu dùng: Câu chuyện đồ đạc

trích sách “Tại sao chúng ta không hạnh phúc?” – Phi Tuyết

Tuy không nắm trong tay số liệu thống kê cụ thể nhưng tôi tin rằng mỗi người trong chúng ta ai cũng đều sử dụng và làm chủ hàng trăm thậm chí hàng ngàn thứ đồ đạc dụng cụ khác nhau trong đời. Từ những thứ bé nhỏ như cây bút, cuốn vở cho tới những thứ to lớn như cái xe, cái nhà; từ những thứ dùng xong một lần rồi bỏ như lon nước ngọt, trái táo cho tới những thứ được sử dụng lâu hơn như cái giường cái tủ. Sự thật ấy đôi lần khiến tôi bật lên một câu hỏi: cuộc đời liệu có phải là cuộc đua xem ai có khả năng mua sắm nhiều hơn hay không?

Nếu ngẫm kĩ một chút ta có thể dễ dàng nhận thấy sự cạnh tranh giữa các cá nhân trong xã hội hay thậm chí sự cạnh tranh giữa các quốc gia trên thế giới suy cho cùng cũng chỉ là cuộc đua khốc liệt về làm giàu. Nước giàu thì sẽ có nhiều tiền chi cho quân sự lẫn công nghệ và nhờ đó mà trở nên tiên phong về nhiều mặt và được đánh giá là hùng mạnh. Cách duy nhất để trở thành nước giàu thì chỉ có thể là giỏi chuyện kinh doanh. Cuộc đua ai kinh doanh giỏi hơn đã dần trở thành mục tiêu cho mọi quốc gia trên thế giới. Nói một cách phũ phàng nghĩa là ai sản xuất lẫn tiêu dùng mạnh hơn thì sẽ nắm quyền thống trị. Mỹ trở thành một cường quốc nắm trong tay quyền lực kiểm soát thế giới chính là ví dụ điển hình nhất. Và bởi vì Mỹ giàu mạnh như vậy nên mọi quốc gia khác yếu hơn đều sẽ bị chính sách Mỹ định hướng hay nói cách khác là các quốc gia khác sẽ không ngừng chạy đua hay đôi khi chỉ là chạy theo Mỹ. Đấy cũng là một trong những lý do khiến thế giới có bộ mặt như ngày hôm nay: bộ mặt của một cuộc đua vật chất, quyền lực thông qua việc kinh doanh sinh lợi nhuận. Vậy hướng đi của Mỹ có thật sự là đúng đắn cho thế giới nói chung và nhân loại nói riêng không? Làm cách nào mà Mỹ đã sinh ra và áp đặt chủ nghĩa tiêu dùng lên chính đất nước họ để rồi dần đạt mục tiêu chi phối toàn thế giới? Để có câu trả lời hãy quay ngược thời gian một chút trở về lịch sử.

Sau thế chiến II, các tập đoàn lớn ở Mỹ cùng nhau nghĩ cách để làm tăng trưởng kinh tế. Công nghiệp hóa máy móc như đã kể ở trên giúp sản xuất ra rất nhiều hàng hóa nhưng việc làm sao để tiêu thụ hết đống hàng hóa ấy mới là thứ tối quan trọng nhất trong việc giúp nền kinh tế đi lên. Nói một cách ngắn gọn thì khi cung vượt quá cầu là lúc Mỹ phải đau đầu nghĩ cách sao cho cầu vượt lên bằng hoặc lớn hơn cung thì càng tốt. Vào lúc ấy, một người tên Victor Lebow, vốn là một nhà phân tích bán hàng đã đưa ra một giải pháp trở thành tiêu chuẩn cho toàn hệ thống kinh tế Mỹ sau này. Ông nói “Nền kinh tế sản xuất khổng lồ đòi hỏi chúng ta phải tiêu thụ hóa mọi thứ, nghĩa là chúng ta phải biến mua sắm và tiêu thụ thành thói quen thỏa mãn ham muốn tiêu dùng của chúng ta. Mọi thứ cần phải được tiêu thụ thật nhanh, hủy bỏ thật nhanh và thay thế cái mới thật nhanh. Có thế thì nền kinh tế mới đi lên được”. Mỹ đã hoàn toàn đồng tình với chiến lược này khi một vị cố vấn kinh tế khác đã công khai thừa nhận “Mục tiêu cơ bản của Hoa Kỳ là thúc đẩy kinh tế, tạo ra ngày càng nhiều hàng hóa tiêu dùng”. Vâng và Mỹ đã theo đuổi mục tiêu ấy không ngừng nghỉ cho đến ngày nay. Thậm chí trong giai đoạn đen tối nhất của chính trị Mỹ khi tòa tháp đôi bị khủng bố tấn công ngày 11/9, tổng thống Mỹ đã ra lời kêu gọi người dân hãy bình tĩnh và… đi mua sắm nhiều hơn. Thật là một sự thật xem chừng quá khó hiểu. Không chỉ Mỹ, mọi quốc gia khác đều được định hướng theo đuổi mục tiêu này, rằng tăng trưởng kinh tế, tức đẩy mạnh sản xuất-tiêu dùng mới là thứ tối quan trọng hơn mọi mục tiêu khác kể cả y tế, giáo dục, phát triển bền vững hay tự do nhân quyền… Và chủ nghĩa tiêu dùng ra đời từ đó.

Vậy bạn có biết quá trình một sản phẩm được ra đời như thế nào không? Có thể tóm gọn quy trình sản xuất một sản phẩm của chủ nghĩa tiêu dùng thành sơ đồ đơn giản này:
Sản xuất -> Phân phối –> Tiêu dùng -> Tiêu hủy -> Sản xuất mới->…
Một quy trình đơn giản nhưng thật ra không hề đơn giản như bạn nghĩ chút nào. Giờ chúng ta sẽ đi sâu hơn một chút để tìm hiểu sự thật gì đang ẩn chứa bên trong quy trình ấy.

Đầu tiên là sản xuất
Để sản xuất ra bất cứ thứ đồ dùng nào kể cả hàng tiêu dùng hay thực phẩm hay công nghệ thì người ta cũng phải lấy nguyên liệu từ thiên nhiên. Bởi con người không thể tự mình làm phép thần thông biến cái gì từ hư không ra thực tại cả. Họ phải lấy nguyên liệu thô từ đâu đó. Đâu đó ở đây chính là trái đất mà chúng ta đang sống. Từ lúc ấy, rừng bắt đầu mất đi, đất đai bị đào bới đến kiệt quệ, sông ngòi biến mất, các loài động thực vật biến mất và môi trường sống ngày càng ô nhiễm một cách trầm trọng…
Để lấy tài nguyên, con người đã khai thác thiên nhiên một cách bừa bãi vô ý thức mặc kệ những giới hạn. Mọi nguồn tài nguyên đều đang cạn kiệt dần trong khi nhu cầu sản xuất chưa bao giờ dừng lại. Sự thật là nội trong một vài thập kỉ qua, 1/3 tài nguyên trên trái đất đã bị con người khai thác hết. Cứ một phút trôi qua 2000 cây xanh lại bị chặt hạ và đưa ra khỏi các khu rừng trong khi chúng ta đều biết phải mất hàng chục thậm chí hàng trăm năm những cây xanh mới đủ trưởng thành cho lần chặt phá kế tiếp. Cũng mỗi phút trôi qua khoảng 55.000 thùng dầu được đưa vào tiêu thụ sản sinh một lượng khí thải khổng lồ trước và sau khi người ta dùng lượng dầu ấy. Chưa kể đến hàng ngàn con sông suối bị khô cạn kéo theo hàng ngàn loài sinh vật quý hiếm bị mất môi trường sống dẫn đến tuyệt chủng…
Vấn đề trầm trọng hơn ở chỗ con người không chỉ khai thác, tức không chỉ lấy tài nguyên ra khỏi lòng đất và mặt đất. Con người còn trả lại cho thiên nhiên một nguồn rác thải lẫn chất độc khổng lồ tạo nên những vết thương sâu không bao giờ lành lặn.
Những nước giàu có với công nghệ máy móc hiện đại sau khi đã xài hết tài nguyên nước họ sẽ chuyển sang giành phần tài nguyên của các quốc gia khác. Họ trả cho nguồn nguyên liệu thô tức khoáng sản ở các nước khác một cái giá rẻ mạt và sau đó mang tài nguyên về nước của mình. Hay một cách khác hay hơn. Dưới danh nghĩa đầu tư, họ đặt những công ty doanh nghiệp lớn ở các nước nghèo và tha hồ đào bới tài nguyên ở vùng đất đó, xả rác xả thải ra vùng đất đó, thuê những người lao động địa phương với một mức giá bèo và rồi sau cùng mang sản phẩm hàng hóa về cho đất nước họ. Đôi khi họ bán sản phẩm cho nước đó luôn và chỉ cần mang lợi nhuận về là đủ. Cách các nước giàu có đầu tư vào các nước nghèo thực chất không gì hơn là một cách bóc lột và khai thác thuộc địa kiểu mới. Hình thức khai thác tuy có thay đổi nhưng bản chất làm mọi thứ để mang về lợi nhuận cho chính mình thì không hề thay đổi.
Xong việc khai thác thì tài nguyên sẽ được mang về các công ty nhà máy để bắt đầu công đoạn sản xuất. Bạn có biết hiện nay hơn 100.000 loại hóa chất khác nhau đang được sử dụng trong các ngành công nghiệp, kể cả công nghiệp thực phẩm?
Chúng ta đưa chất độc vào mọi đồ dùng hàng ngày của con người, từ đồ gia dụng, đồ trang trí, mỹ phẩm cho tới cả thực phẩm nữa. Loài người không chỉ đang đầu độc thiên nhiên, loài người còn đang đầu độc chính mình cho mục tiêu lợi nhuận của chủ nghĩa vật chất.
Nhu cầu của chúng ta là có hạn và dễ dàng đáp ứng, nhưng lòng tham của chúng ta là vô hạn. Nếu cứ đà sản xuất và tiêu dùng như hiện nay thì bao nhiêu trái đất mới đủ cung cấp đủ nguyên liệu cho các ngành sản xuất? Tại sao chúng ta có thể quên rằng loài người hiện chỉ đang có duy nhất một trái đất mà thôi? Tại sao chúng ta lại cứ sẵn sàng phá hủy trái đất này mà không phải là trân trọng và bảo vệ nó? Nguyên nhân có lẽ vì chúng ta đã bị che mắt bởi các phương tiện truyền thông trong việc giấu đi những thông tin quan trọng nhất. Chúng ta được cho biết rằng thành phần của loại dầu gội này là chất X, Y, Z nhưng chúng ta không hề được cho biết rằng X là chất gây ra ung thư, Y là chất gây vô sinh, Z là một chất gây nghiện. Vậy nên chúng ta cứ thản nhiên mua sắm và tiêu dùng mà chẳng cần bận tâm gì tới sự thật đàng sau nó cả. Giả sử như chúng ta thông minh hơn một chút và phát hiện ra các chất ấy là độc hại thì ngay lập tức chúng ta sẽ được an ủi rằng đừng lo lắng, rằng tỉ lệ các chất độc ấy nằm trong giới hạn cho phép nên vẫn an toàn. Rồi với bản tính dễ dãi cả tin, chúng ta lại dễ dàng cho qua chuyện đó và tiếp tục tin dùng sản phẩm. Nhưng có một sự thật không thể thay đổi rằng chúng ta đem chất độc vào người thì chất độc nhất định sẽ gây hại theo cách nào đó bên trong. Chúng không đủ liều lượng để tạo ra sự thiệt hại rõ ràng bên ngoài không có nghĩa là chúng biến mất. Chúng ta cũng chẳng thể đánh giá hết được những khả năng tiềm ẩn khi chúng tích tụ lại hay phản ứng với nhau sinh ra các chất độc mới bên trong cơ thể mình. Biết đâu đó chính là một trong những nguyên nhân khiến cho ngày nay ung thư trở thành một trong những căn bệnh ngày càng phổ biến trên toàn thế giới?
Nếu nhìn sâu hơn vào vấn đề bạn sẽ nhận ra chúng ta chẳng hề có chút thông tin “thật sự” nào về sản phẩm ngoài những thông tin mà người bán hàng muốn chúng ta biết.
Chúng ta được biết rằng bộ quần áo này là mốt mới nhất trên thị trường nhưng chúng ta lại không biết rằng những đứa trẻ khốn khổ ở đất nước Châu Phi xa xôi đang phải làm việc quần quật ngày đêm trong những gian nhà xưởng tối tăm bẩn thỉu, với đồng lương rẻ mạt để có thể mang đến cho chúng ta món hàng ấy.
Chúng ta được biết rằng mẫu giỏ xách này là mẫu được nhiều người nổi tiếng rất yêu thích nhưng chúng ta không biết rằng để làm ra nó, hàng trăm con cá sấu đã bị lột da trong đau đớn và hàng ngàn con chồn cũng đã bị giết chết chỉ để lấy một nhúm lông gắn lên cái móc khóa làm đồ trang trí cho món đồ.
Chúng ta được biết rằng hộp sữa này là tốt cho trẻ em nhưng chúng ta không biết được rằng để có được hộp sữa ấy những con bò tội nghiệp đã bị nhốt vào chuồng bẩn thỉu, ăn duy nhất một món ngô xay trộn với các thể loại thuốc kháng sinh mỗi ngày và bị ép mang thai liên tục để có thể tạo ra đủ lượng sữa theo yêu cầu của nhà sản xuất…
Rất nhiều những góc khuất như thế mà bạn có thể tự hỏi chính mình khi nhìn vào tầng tầng lớp lớp các sản phẩm đang bày biện đẹp đẽ trên các kệ hàng. Người tiêu dùng luôn nghĩ rằng họ biết rất nhiều thông tin về sản phẩm nhưng sự thật có đúng như thế không? Bạn có tự tin rằng mình biết những thông tin cần thiết không ngoài những thông tin được trưng ra trên vỏ sản phẩm và các trang quảng cáo? Vậy làm cách nào để người tiêu dùng chỉ biết một ít thông tin nhưng vẫn vui vẻ bỏ tiền ra mua thật nhiều sản phẩm? Ấy chính là công việc của giai đoạn tiếp theo trong quy trình: giai đoạn phân phối, tức khâu bán hàng.

Nhiệm vụ của khâu phân phối là làm sao để hàng bán ra càng nhiều càng tốt. Và giai đoạn này tôi thật với bạn, thú vị vô cùng.
Liệu bạn có thể đoán xem bao nhiêu hàng hóa vẫn còn được người ta tiếp tục sử dụng sau 6 tháng? 70% ư? 50% ư? 20% à? Không, sai hết. Câu trả lời sẽ khiến bạn giật mình: chỉ 1% mà thôi. Nghĩa là 99% hàng hóa sau 6 tháng đã trở thành rác. Đây là những số liệu được lấy từ bộ phim tài liệu “câu chuyện đồ đạc” rất nổi tiếng của một nhóm người Mỹ nghiên cứu về ngành tiêu dùng Mỹ. Nhưng tôi cho rằng các quốc gia khác cũng chẳng khá gì hơn bao nhiêu cả. Họ nói rằng ngày nay người Mỹ tiêu thụ lượng hàng hóa gấp đôi so với vài chục năm trước. Nếu như trước đây sự tiết kiệm và khả năng sử dụng lâu bền của hàng hóa được đánh giá cao thì ngày nay mọi thứ đều đi ngược lại: sự hào phóng và khả năng thay thế nhanh chóng mới là thứ được quan tâm hàng đầu. Điều này không phải tự nhiên mà hoàn toàn do tính toán. Một sự tính toán công phu của ngành tiêu dùng nói riêng và chủ nghĩa thực dụng nói chung.
Bạn còn nhớ việc những người lãnh đạo nhất quyết cho rằng đẩy mạnh kinh doanh, sản xuất, tiêu dùng là mối quan tâm hàng đầu của quốc gia? Họ quả thật đã làm mọi cách để thực hiện được mục tiêu ấy. Một chiến lược thúc đẩy tiêu thụ vô cùng hiệu quả mà các chuyên gia đã nghĩ ra để thuyết phục người dân tham gia một cách tự nguyện tự giác. Đó là chiến lược tạo ra sự lỗi thời cho mọi sản phẩm hàng hóa, bao gồm “lỗi thời được sắp đặt” và “lỗi thời có ý thức”, mà tôi hay gọi một cách dễ hiểu hơn là “sự lỗi thời chủ động” và “sự lỗi thời bị động”.
Lỗi thời được sắp đặt hay lỗi thời bị động là tạo ra những hàng hóa trở nên vô dụng nhanh nhất có thể, để người tiêu dùng vứt đi và mua mới càng nhiều càng tốt như các mặt hàng dùng một lần, đồ dùng nhà bếp, đồ gia dụng và mọi thứ khác. Người ta thật sự đã tính chuyện làm sao để hàng hóa hư hỏng thật nhanh mà vẫn giữ được lòng tin khách hàng khiến họ mua tiếp, việc này thật sự là có chủ ý. Chỉ cần làm cho đồ dùng mỏng bớt lại, yếu bớt lại hay đôi khi chỉ cần làm cho một chi tiết nhỏ trên đồ dùng nhanh hỏng thì người ta cũng sẵn sàng mua cả một cái mới thay vì chỉ thay thế chi tiết nhỏ ấy. Đôi khi chuyện xảy ra rằng người ta chỉ cải tiến thay đổi một chi tiết nhỏ trên toàn sản phẩm nhưng bạn không thể mua chi tiết mới ấy để thay vào chỗ vì hình dạng của chi tiết đã thay đổi mất rồi. Đặc biệt trong lĩnh vực hàng hóa dùng một lần, sự lỗi thời chủ động được áp dụng càng rộng rãi. Nếu như ngày xưa một người chỉ cần mua một cái dao cạo và thay thế các lưỡi dao mỗi lần dùng thì ngày nay sự tiện lợi được đánh giá cao hơn khiến người ta mỗi lần cạo râu sẽ mua một dao cạo mới, tất nhiên với giá rẻ hơn nhưng về lâu dài lại chẳng hề rẻ chút nào. Không dừng lại ở dao cạo, ngày nay chúng ta có chén dĩa dùng một lần, máy ảnh dùng một lần, khay ăn em bé dùng một lần, khăn trải bàn dùng một lần thậm chí đến cả đồ lót dùng một lần nữa.
Dầu cho kế hoạch lỗi thời bị động này tỏ ra rất hiệu quả khiến người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn nhưng thế vẫn chưa đủ. Vì vậy mà có thêm sự lỗi thời có ý thức, hay lỗi thời chủ động. Lỗi thời chủ động thuyết phục người tiêu dùng vứt đi những thứ vẫn còn rất tốt. Họ làm điều đó như thế nào? Họ thay đổi mẫu mã sản phẩm và hướng bạn theo đuổi những mẫu mã mới ấy kể cả khi bạn chẳng thật sự cần. Ví dụ dễ thấy nhất là những mặt hàng liên quan tới thời trang, may mặc, giày dép, túi xách, hóa mỹ phẩm… Nhìn vào ngành công nghiệp thời trang bạn sẽ thấy. Không phải ngẫu nghiên mà người ta nói thời trang mang tính chu kì, hoặc lặp lại. Một kiểu mốt hôm qua đang rất thịnh hành vậy mà hôm nay đã trở nên lỗi thời, nhưng chính nó ngày mai sẽ lại trở thành mốt một lần nữa. Tất nhiên trong ngành thời trang thì họ tính toán kĩ hơn, họ dành một thời gian đủ lâu để tôn vinh một loại mốt trước khi chuyển qua mốt mới sao cho bạn đã kịp quẳng tất cả những món đồ cũ vào thùng rác rồi. Chẳng dừng lại ở các ngành thời trang mà ngành điện gia dụng tiêu dùng cũng không tránh khỏi sự lỗi thời bị động ấy. Các tập đoàn thi nhau ra những sản phẩm mới hoặc cải tiến các sản phẩm cũ như một cuộc cạnh tranh gay gắt mang tính sống còn. Ví dụ ban đầu gười ta làm ra một cái máy hoạt động tốt nhưng rất ồn ào thế thì sau đó họ sẽ cải tiến nó cho bớt đi tiếng ồn, hoặc khi hết ồn rồi thì cũng cái máy ấy sẽ được giới thiệu là tiết kiệm điện hơn, trông đẹp hơn, nhỏ gọn hơn, thông minh hơn… Sự cải tiến sản phẩm không gì khác hơn việc làm cho hàng hóa càng trở nên mau chóng lỗi thời càng tốt để cho người tiêu dùng không ngại ngần vứt đi các sản phẩm cũ bất kể chúng còn tốt hay không.
Chưa dừng lại ở đó, rất nhiều mặt hàng ngày nay còn muốn nhắm đến cả hai sự lỗi thời trên cùng một lúc. Tiêu biểu nhất là các mặt hàng công nghệ đắt tiền: ti vi, máy tính xách tay, điện thoại di động… Điện thoại của bạn còn rất tốt nhưng thị trường đã có những mẫu mới hơn, hiện đại hơn, nhiều chức năng hơn và thế rồi bạn sẽ sẵn lòng ném bay chiếc điện thoại cũ của mình để theo đuổi cái thứ đồ mới mẻ thần kì ấy. Vậy là cùng một lúc bạn mua một thứ đồ mới trong khi đồ cũ vẫn còn tốt và bạn không hề sử dụng các tính năng mới của món đồ mới một chút nào. Bạn chạy theo thứ gọi là “thời trang” thời thượng” một cách vô ý thức nhưng chủ động. Bạn mua mới vì bạn được bảo rằng như vậy mới là hiện đại, tân tiến, như vậy mới sang chảnh và thể hiện khí phách con người. Chiếc điện thoại có chức năng bảo mật kĩ càng nhất đôi khi không phải được sản xuất cho những người cần bảo mật thông tin, mà cho những người chẳng có gì để bảo mật nhưng vẫn thích cảm giác rằng mình có thông tin rất quan trọng cần bảo mật.
Thừa nhận đi, bao nhiêu lần bạn mua những món đồ mà bạn chỉ xài một đôi lần rồi vứt bỏ hay thậm chí còn không hề đụng đến? Có lẽ đa số trong chúng ta đều từng rơi vào các trường hợp ấy. Đặc biệt là các cô gái. Họ thường xuyên đi mua sắm hàng tháng, có khi hàng tuần, một số người còn đi mua sắm hàng ngày nữa. Bạn nghĩ họ mặc hết mọi thứ sao? Bạn nghĩ họ nhớ hết những thứ họ đang có à? Không đâu. Vì ngày nay mua sắm không còn là nhu cầu nữa, nó trở thành một thú vui, một trò tiêu khiển và đó chính là thành công của chủ nghĩa tiêu dùng. Nó khiến người ta mua sắm kể cả khi người ta không cần thêm bất cứ thứ gì nữa.

Tôi đây cũng là một ví dụ, bản thân tôi tuy không nghiện mua sắm quần áo, giày dép, mỹ phẩm như các cô gái khác nhưng cũng vẫn bị ảnh hưởng bởi sở thích sưu tầm vài thứ đồ đạc. Tôi có cả một bộ sưu tập chén dĩa và ly tách rất đẹp mà không bao giờ sử dụng hết. May mắn là tôi đã có thể ngưng việc mua thêm chúng từ khi nhận ra mình chỉ là một nô lệ cho chủ nghĩa tiêu dùng mua sắm cho vui, dù rằng thứ tôi mua thì chẳng đắt đỏ gì. Và tôi biết không nhiều người may mắn như tôi. Đa phần các cô gái, nếu họ không có một tủ đầy quần áo không mặc thì cũng là một tủ đầy giày dép, mũ nón hay một bàn cơ man đồ trang điểm hóa mỹ phẩm không bao giờ xài tới. Bạn có biết tại sao những người bán mỹ phẩm đều rất giàu có không? Vì họ đánh trúng tâm lý của các chị em thích mua sắm một cách vô ý thức. Một cô gái có thể mua 10 thỏi son một lúc vì: bộ son mới này phải có đủ 5 màu, cây son này đang là mốt thời thượng, thỏi này đang khuyến mãi, thỏi kia được làm thủ công rất tốt cho môi vân vân. Trong khi chúng ta đều biết dù cho có mua 10 hay 100 thỏi son thì mọi cô gái cũng chỉ có duy nhất một đôi môi mà thôi. Xài làm sao cho hết?
Nói về việc đánh trúng tâm lý người tiêu dùng thì cũng phải nói thêm về việc tạo ra tâm lý cho người tiêu dùng để mà đánh trúng nữa. Đó là công việc của hệ thống phân phối và cụ thể hơn là của chuyên ngành truyền thông, quảng cáo – công cụ và tay sai đắc lực nhất của chủ nghĩa tiêu dùng.
Vẫn theo thông tin trong “câu chuyện đồ đạc” thì mỗi người Mỹ là mục tiêu của 3000 quảng cáo mỗi ngày. Tôi không biết số liệu nay được lấy từ đâu nhưng kể cả khi chúng ta “khách quan” hơn và làm cho con số ấy nhỏ lại một chút, cụ thể là nhỏ lại 10 lần thì nghĩa là mỗi người trong chúng ta là đối tượng nhắm tới của ít nhất 300 mẫu quảng cáo mỗi ngày. Con số này tuy không chính thức nhưng tôi tin dù ở Mỹ hay Châu Âu hay Châu Á thì các quảng cáo nhắm đến mỗi người tiêu dùng cũng không khác nhau bao nhiêu cả về số lượng lẫn phương pháp tiếp cận: từ các trang tin tức, mạng xã hội, tivi, tạp chí, bảng hiệu, tờ rơi, video clip… Và chắc chắn rằng mỗi năm ai trong chúng ta cũng đã xem quảng cáo nhiều hơn ông bà chúng ta xem trong cả đời họ chứ không chỉ riêng gì người Mỹ.
Điều đó có nghĩa là 300 lần mỗi ngày chúng ta sẽ bị quảng cáo nhắc nhở rằng tóc ta hư, da ta xấu, áo quần lỗi thời, xe cũ kĩ, đồ đạc hỏng hóc… Và kì diệu làm sao tất cả những bất ổn đó đều sẽ ổn thôi, chỉ cần ta chịu đi mua sắm. Nhưng mua sắm không bao giờ là cách diệt vấn đề tận gốc cả. Chúng ta xem quảng cáo và mua một sản phẩm thì vẫn có 299 sản phẩm khác nhắc nhở chúng ta về những vấn đề chưa ổn khác của cuộc sống. Vậy nên, dù cho người ta mua sắm nhiều hơn và sống cuộc sống sung túc hơn nhưng chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng chỉ số hạnh phúc của con người lại tăng lên cùng chiều với sự sung túc ấy cả. Chỉ số hạnh phúc của người Mỹ được cho là cao nhất vào những năm 50 ngay trước khi trào lưu tiêu thụ bùng nổ. Bởi vì khi chúng ta có nhiều vật chất hơn thì chúng ta lại phải làm việc cực khổ hơn để mua sắm những vật chất ấy. Đồng nghĩa với việc chúng ta có ít thời gian hơn cho những thứ thật sự làm ta hạnh phúc. Chúng ta không còn nhiều thời gian để ở bên gia đình, để dắt chú cún đi dạo, để tập thể dục thể thao, để theo đuổi những khả năng và đam mê nghệ thuật khác. Giống như lão nông Fukuoka đã nói về các nông dân ngày nay rằng họ làm việc quần quật chẳng còn thời gian để mà uống trà ngâm thơ nữa.

Sống trong một thế giới hiện đại nhưng chúng ta lại phải làm việc nhiều hơn bao giờ hết. Một số nhà phân tích cho rằng con người có ít thời gian nghỉ ngơi hơn cả thời phong kiến, thậm chí là ít thời gian hơn cả những người nô lệ thời phong kiến. Và khi người ta có thời gian nghỉ ngơi như vào cuối tuần hay các dịp lễ lớn, bạn có biết người ta thường làm gì không? Người ta xem tivi và mua sắm. Đi siêu thị hay trung tâm thương mại để mua sắm mỗi dịp cuối tuần dường như đã trở thành một lối sống, một phong cách sống mới cho các cư dân thành thị. Giả như không đi mua sắm vì lười biếng thì người ta thường sẽ nằm ườn ở nhà để xem tivi và lướt web. Ấy cũng là lúc việc mua sắm bị động diễn ra. Hàng trăm các thể loại phim quảng cáo, phim giới thiệu sản phẩm liên tục bủa vây mọi chương trình truyền hình, mọi trang web mà người ta vô tình để mắt tới. Sống trong một xã hội mà việc mua sắm trở thành thói quen, thú tiêu khiển lẫn trách nhiệm thì người ta gần như không có lối thoát để nói không với chúng. Nếu bạn không muốn đi đến siêu thị, cửa hàng ư? Dễ thôi chúng tôi sẽ mang cửa hàng tới tận nhà cho bạn. Chỉ cần một vài cú click chuột cùng dãy số chuyển khoản là đủ để bạn mang cả thế giới về nhà của mình mà chẳng cần bước chân đi đâu cả. Thậm chí, nếu như bạn không muốn làm cái việc bấm thanh toán chuyển khoản vì lười thì cũng không vấn đề, họ có dịch vụ thu tiền tận nơi khi giao hàng. Bạn thậm chí không cần nhấc một ngón chân, thưa Thượng đế!
Cái trò gọi những người mua hàng là Thượng đế thật là một chiến lược tinh khôn. Bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ tranh thủ lòng yêu quý của khách hàng mà việc kinh doanh ngày càng trở nên thuận lợi và phát triển hơn bao giờ.
Cái vòng xoay bất tận của quảng cáo và tiêu dùng được kể một cách hài hước trong bộ phim tài liệu về chủ nghĩa tiêu dùng như sau: “Người Mỹ được cho rằng đã dành thời gian mua sắm nhiều gấp 3-4 lần so với người Châu Âu và Châu Á. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm ấy tất nhiên họ phải đi làm, thậm chí làm hai công việc, làm đến kiệt sức. Về đến nhà khi họ nằm phịch xuống sopha để nghỉ ngơi xem tivi thư giãn thì ngay lập tức quảng cáo nhảy ra “đồ lỗi thời” thế là tất cả lại đi mua sắm để cảm thấy dễ chịu và rồi lại làm việc nhiều hơn để trả tiền mua đồ, rồi lại kiệt sức và lại nghỉ ngơi lấy sức tiếp tục mua sắm…”
Cái vòng luẩn quẩn ngọt ngào ấy đang xảy ra từng ngày từng giờ ở mọi quốc gia trên thế giới chứ chẳng riêng gì nước Mỹ. Đấy chính là chức năng của phân phối hàng hóa với sự trợ giúp đắc lực của các công cụ truyền thông. Chúng ta sẽ làm rõ hơn mặt trái của các công cụ truyền thông ấy sau này.
Tiếp theo tới giai đoạn tiêu dùng. Giai đoạn này không có nhiều vấn nạn cho lắm ngoại trừ con số ước tính rằng chỉ 1% hàng hóa bạn mua vẫn còn tiếp tục được sử dụng sau sáu tháng. Vậy câu hỏi đặt ra là 99% hàng hóa còn lại đi đâu? Rõ ràng chỉ một nơi duy nhất đủ sức chứa, là cái thùng rác.

Giai đoạn tiêu dùng thật đẹp đẽ và ngọt ngào nhưng cũng như mọi thứ ngọt ngào, nó đều kết thúc rất nhanh. Tiếp theo đó đến giai đoạn tiêu hủy hàng hóa mới thật là một câu chuyện buồn.
Để thỏa mãn nhu cầu lẫn ham muốn vật chất không đáy của mình mà con người đang biến ngôi nhà chung – trái đất thành một thùng rác khổng lồ. Hãy thử tượng tượng một ngày, hai ngày rồi sau đó là một tuần, một tháng bạn không đổ rác trong nhà của mình đi thì căn nhà trông sẽ ra sao? Chắc hẳn nó sẽ bốc mùi hôi thối và vô cùng bẩn thỉu đến nỗi không một ai có thể chịu đựng được. Giờ thì bạn hãy nhân lượng rác ấy gấp tỉ lần và hình dung tất cả chúng đều đang hiện diện trong ngôi nhà trái đất, thì bạn sẽ nhìn thấy thực trạng nhân loại đang đối xử với mẹ thiên nhiên tệ đến mức nào.

Tôi tự hỏi tại sao chúng ta không cho phép bất cứ ai xả rác vào nhà mình nhưng lại cho phép chính mình góp một tay xả rác vào ngôi nhà chung của sự sống như vậy. Nhờ hành động tự cho mình là chủ của trái đất mà con người đã gây ra một sự ô nhiễm khủng khiếp cho hành tinh xanh, gián tiếp đẩy nhiều loài động vật vào con đường tuyệt chủng.

Theo những thống kê ước tính thì mỗi năm có khoảng tám triệu tấn rác được thải trực tiếp xuống các đại dương và thậm chí đã hình thành nên một “lục địa rác” ngay giữa Thái Bình Dương với diện tích gấp đôi nước Mỹ, chưa kể đến hàng chục triệu tấn rác được xả trên đất liền. Rác thải trên đất liền được xử lý bằng cách chôn hoặc đốt rồi chôn phần còn lại. Đốt rác là một cách xử lý vô cùng độc hại. Chất độc được đưa vào trong sản xuất sản phẩm khi bị đốt sẽ được thải lại môi trường dưới dạng khói độc và đặc biệt một trong những loại khí độc nhất mà con người tạo ra qua việc đốt rác đó là dioxin. Vậy nên người ta thường chọn cách đào những hố lớn để chôn rác bên dưới lòng đất. Cách này cũng không khôn ngoan hơn tí nào khi nó là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng ô nhiễm mạch nước ngầm, đầu độc cả nguồn nước lẫn đất đai trên khắp bề mặt địa cầu.

Chiếm một tỉ lệ lớn trong đống rác thải khổng lồ ấy là plastic – thứ nguyên liệu chính tạo nên các túi nilon và các sản phẩm nhựa – chúng thường mất khoảng 500 năm để có thể phân hủy, đồng nghĩa với việc chúng sẽ tồn tại lâu hơn gấp nhiều lần bất kì sinh vật nào và thậm chí chúng chính là nguyên nhân lẫn thủ phạm đẩy nhiều loài sinh vật khác tới đường tuyệt chủng.

Có thể nói con người bằng việc xả rác vô tội vạ đã và đang phá hủy chính sự sống của mình. Nhiều nơi trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ có bầu không khí ô nhiễm đến mức được so sánh mức độ độc hại tương đương với hút hàng trục thậm chí cả trăm điếu thuốc lá/ngày.

Tuy được đánh giá cao về môi trường nhưng Mỹ lại cũng là quốc gia xả rác nhiều nhất thế giới với con số 2kg rác thải/người/ngày, tức chỉ 5% dân số nhưng lại thải ra khoảng 30% tổng lượng rác thải toàn cầu. Khi các nước không muốn xử lý đống rác của họ thì họ sẽ tìm một nước khác để “xuất khẩu” rác:Trung Quốc, Ấn Độ, Philipines, Somalia… là những nước phải nhận một núi rác thải khổng lồ từ các nước khác, nhiều nhất là rác thải công nghệ cực kì độc hại.

Tái chế là một trong những cách xử lý rác thông minh nhưng dường như tái chế không thể nào là câu trả lời. Bởi vì lượng rác có thể được tái chế chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với núi rác con người thải ra mỗi ngày. Thêm một lý do để tái chế không phải là câu trả lời cho vấn đề rác thải đó là để tạo ra lượng rác trong một thùng mà bạn vứt đi thì người ta đã xả ra tới 70 thùng rác khác ngay từ lúc ban đầu để sản xuất ra lượng hàng hóa tương đương một thùng rác ấy. Hay nói cho dễ hiểu hơn thì rác thải trong công nghiệp và sản xuất nhiều gấp 70 lần rác thải trong tiêu dùng. Nên dù cho có tái chế tất cả rác thải thì cũng chỉ mới giải quyết được phần nhỏ vấn đề. Hơn nữa, phần nhiều rác thải không tái chế được vì nó chứa quá nhiều chất độc hay nó được chế tạo để không thể tái chế được. Ví dụ như hộp giấy đựng sữa tươi hay nước hoa quả được tạo nên từ các lớp kim loại, giấy và nhựa dính chặt với nhau. Làm cách nào để bạn tách rời chúng ra mà tái chế được?

Thêm một điều bất cập: ở những nước tiên tiến thì ý thức của người dân rất cao trong việc phân loại rác thải để tái chế, còn những quốc gia như Việt Nam chúng ta thì sao? Chúng ta không chỉ không được dạy cách phân loại rác một cách bài bản mà dù cho có muốn cũng khó mà thực hiện được khi mọi nơi dường như đều chỉ có duy nhất một thùng rác đựng chung cho mọi loại rác thải. Nghĩa lý gì khi ta phân loại rác thành rác kim loại, rác tái chế, rác thực phẩm nhưng sau cùng những thứ rác có thể phân hủy được như thực phẩm cũng lại được bỏ vào trong một túi nilon khác là thứ không thể phân hủy được. Vậy thì phân loại còn có ý nghĩa gì?

Mọi người thường hay dạy nhau phải vứt rác đúng nơi quy định nhưng theo tôi như thế là chưa đủ. Vứt rác đúng nơi quy định không làm cho rác biến mất. Chúng vẫn cứ chất đống đâu đó ngay bên cạnh hay ngay dưới chân chúng ta mà chúng ta vì không trông thấy nên cứ ngỡ như mình đang sống rất văn minh sạch sẽ. Muốn làm sạch môi trường sống này thì không chỉ vứt rác đúng nơi quy định hay tái chế rác nhiều hơn, nhưng là hạn chế lượng rác mà mỗi cá nhân thải ra mỗi ngày. Đây là một vấn đề nan giải vì người ta không thể nào giảm bớt mua sắm tiêu dùng để mà hạn chế lượng rác thải được. Chừng nào thế giới còn chạy theo chủ nghĩa đua đòi vật chất thì chừng ấy con người còn tàn phá môi trường sinh sống của chính mình.

Ta có thể thấy toàn bộ hệ thống của chủ nghĩa tiêu dùng từ khâu khai thác cho tới khâu tiêu hủy đều đang lâm vào những cơn khủng hoảng lớn và dần tiến đến những giới hạn. Hệ thống ấy đã được chứng minh là không hề hiệu quả, từ việc làm ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cho tới làm suy giảm cuộc sống hạnh phúc và đẩy con người vào tình trạng tự hủy hoại chính giống nòi mình. Hệ thống ấy với sự trợ giúp đắc lực của các chính phủ đã đưa cuộc sống con người vào một ngõ hẹp xấu xí. Nó đánh giá con người dựa trên khả năng mua sắm tiêu dùng. Nó đánh giá một quốc gia dựa trên khả năng sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu. Từ đầu đến cuối thứ duy nhất được quan tâm là lợi nhuận cho các tập đoàn chứ không phải hạnh phúc, sức khỏe và niềm vui cho người dân. Chủ nghĩa tiêu dùng đang bị rơi vào cơn khủng hoảng và cần phải được thay đổi trước khi quá muộn.

Tin vui là ngày nay rất nhiều người ở khắp nơi trên thế giới đã và đang chung tay cố gắng cùng nhau làm mọi điều mà họ có thể, để tác động và thay đổi vào từng giai đoạn trong hệ thống đó. Một số kêu gọi bảo vệ rừng, bảo vệ biển, bảo vệ thiên nhiên; một số khác thì lột trần những sự thật xấu xí trong ngành sản xuất, đề ra các phương pháp sản xuất an toàn sạch sẽ; trong khi những người khác nữa thì hoạt động vì quyền lợi cho công nhân và bình đẳng thương mại; không ít người chọn hành động giúp nâng cao ý thức mua sắm cho người tiêu dùng và kêu gọi giảm rác thải, tái chế rác thải. Và hơn hết có những người hoạt động một cách thầm lặng hoặc kiên quyết để nhà nước thật sự hành động vì lợi ích của người dân chứ không phải vì lợi ích của các tập đoàn… Tất cả công việc này đều tối quan trọng nhưng mọi việc chỉ thực sự thay đổi khi chúng ta ý thức được sự kết nối và nhìn thấy bức tranh toàn cảnh. Khi tất cả mọi người đoàn kết lại, chúng ta có thể cải cách hệ thống này thành một hệ thống mới và sau nữa là đưa nhân loại bước qua một giai đoạn mới của lịch sử loài người: giai đoạn của kỉ nguyên Bảo Bình như đã nói ngay đầu cuốn sách này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *