Khác biệt gì giữa ham muốn và khao khát?
Ham muốn là muốn về cái gì đó ở bên ngoài bạn, nó mang tính đối thể – thứ không phải bạn.
Khao khát là cái muốn bùng nổ trong bạn, nó mang tính chủ thể – nó chính là bản thể của bạn.
Nếu hoa hồng muốn trở thành hoa sen, đó là ham muốn. Nhưng nếu hoa hồng ao ước trở thành hoa hồng tỏa hương thơm ngát, đó là khao khát.
Nếu hạt mầm muốn mọc ra và trở thành cây, đó là khao khát. Nó hoàn hảo trong trật tự. Nhưng nếu hạt mầm muốn trở thành bướm, đó là ham muốn.
Khao khát là việc mở ra của cái bên trong; ham muốn là việc tích luỹ của cái bên ngoài. Ham muốn là ngớ ngẩn điên rồ, khao khát có tính chất của sự tồn tại. Khao khát là phúc lành, ham muốn là nguy hiểm.
Phân biệt này là rất tinh tế, người ta phải rất tỉnh táo. Tỉnh táo để phân biệt và chọn theo đuổi thứ nào ích cho sự tiến hóa của chính mình.
Con người khao khát trạng thái khỏe mạnh nhưng lại ham muốn đồ ăn hoặc ham muốn hình thể bắt mắt.
Con người khao khát tự do nhưng lại ham muốn tiền vì cho rằng tiền mang lại tự do.
Con người khao khát bình an nhưng lại ham muốn quyền lực vì nghĩ rằng quyền lực là có thể mang lại bình an khi họ có thể kiểm soát người khác nhiều hơn.
Con người khao khát về trí huệ, nhận biết nhưng lại ham muốn tri thức, kiến thức.
Con người khao khát nhận biết Thượng đế nhưng lại ham muốn kinh sách mà không biết Thượng đế không hề nằm trong kinh sách.
Con người khao khát được trở thành Thượng đế nhưng lại ham muốn được trở thành Vua, thành tổng thống.
Con người khao khát cảm giác cho đi nhưng lại ham muốn cảm giác được nhận.
Con người khao khát tha thứ nhưng lại ham muốn việc phán xét.
Con người khao khát được trở nên tốt đẹp hơn về bản chất bên trong của chính mình nhưng lại ham muốn những cái đẹp bên ngoài dựa trên tiêu chuẩn của xã hội.
Con người khao khát sự thật nhưng lại ham muốn nghe điều dối trá.
Con người khao khát hòa bình nhưng lại ham muốn chiến tranh, muốn gây sự, muốn vũ lực.
Con người khao khát tự do nhưng ham muốn kiểm soát.
Con người khao khát cảm giác yêu thương vô điều kiện nhưng lại ham muốn làm chủ mọi điều kiện trước khi quyết định việc yêu thương.
Khao khát là điều bản chất của bạn, nó là năng lượng có sẵn nằm trong từng tế bào của cơ thể bạn. Trong khi ham muốn là thứ tập trung ở lý trí, ở bộ não đã bị thiết lập của bạn. Khao khát là điều bản chất vì mọi cá nhân thuộc mọi độ tuổi, mọi dân tộc, mọi vùng địa lý, mọi thời đại… đều có chung những khao khát bản chất về tự do, hạnh phúc, về giải thoát. Nhưng nhìn ham muốn mà xem, nó muôn hình vạn trạng và thay đổi liên tục tùy theo thời kì, theo vùng địa lý, theo độ tuổi và theo mọi hướng khác.
Xung đột giữa khao khát và ham muốn khiến con người bế tắc trong khổ, giống như chú chim khao khát bay tự do trên bầu trời nhưng lại ham muốn đồ ăn có sẵn, sự an toàn trong lồng sắt. Mâu thuẫn ấy khiến nó chấp nhận ở trong lồng nhưng luôn nhớ về bầu trời, nhớ cảm giác soải cánh tự do, nhớ hương thơm gió… Nỗi nhớ ấy day dứt nó nhiều đến nỗi một ngày kia nó sải cánh bay trở lại và nhận ra mình mới ngu ngốc làm sao khi đã phí hoài cuộc đời chôn mình trong những ham muốn nhỏ bé.
Ham muốn làm sao lãng bạn khỏi hành trình của sự thật và giải thoát. Ham muốn đem bạn đi lạc lối. Nó cám dỗ bạn vào những hoang tưởng của hứa hẹn. Nó làm bạn phát điên vì nó cho bạn những hi vọng không thể nào hoàn thành được. Toàn bộ thời gian, năng lượng, cuộc sống của bạn sẽ bị phí hoài.
Hãy hướng về hoàn thành những khao khát bên trong bạn đi, nó vừa dễ hơn vừa thông minh hơn, vì để hoàn thành cái khao khát bạn không cần phụ thuộc vào ai cả, bạn là chủ thể mà. Khao khát chỉ có một nhưng từ khao khát ấy tâm trí bạn vẽ ra hàng triệu ham muốn khác nhau. Hoàn thành một triệu ham muốn ấy khó hơn rất nhiều so với hoàn thành chỉ một khao khát mà thôi. Ví dụ bạn khao khát sự tha thứ nhưng ham muốn của bản ngã khiến bạn không dễ tha thứ cho bất cứ ai cả, bạn chỉ tha thứ khi có những điều kiện kèm theo mà thôi. Tại sao phải phức tạp hóa lên như vậy, cứ tha thứ đi, tha thứ rất là dễ, chỉ có thù hằn mới khó thôi. Bạn đã quên những điều bản chất như thế nên mới nhầm lẫn giữa ham muốn và khao khát, thế rồi mới lạc lối trong mê cung của ham muốn bất tận. Còn ham muốn là còn khổ – Phật Thích Ca đã dạy thế, Ngài cũng dạy “diệt được ham muốn sẽ diệt được khổ” nhưng diệt ham muốn bằng cách nào đây?
Cách thức là nhận biết sự khác nhau của ham muốn và khao khát, sau đó hướng năng lượng của ham muốn vào khao khát, hướng khả năng theo đuổi ham muốn thành khả năng hoàn thành khao khát.
Tập trung vào điều bạn khao khát sẽ dễ hơn rất nhiều so với điều bạn ham muốn bởi vì ham muốn là cái túi không đáy, thật điên rồ khi nghĩ rằng bạn có thể làm đầy cái túi ấy, ngược lại chỉ cần bạn chú tâm đến những điều bạn khao khát, một cách tự nhiên, cả vũ trụ sẽ giúp bạn lấp đầy những khao khát ấy.
Ví dụ, bạn ham muốn hiểu biết nhưng khao khát về nhận biết, để hiểu biết bạn phải học từ mọi nguồn xung quanh – điều này cần thật nhiều năng lượng và thời gian. Nhưng để ngày càng nhận biết nhiều hơn về mọi thứ xảy ra xung quanh bạn chỉ cần tĩnh lặng lại, nói ít đi, nhìn nhiều hơn, nghe nhiều hơn, cảm nhận nhiều hơn. Càng cảm nhận nhiều bạn sẽ càng nhanh nhận thấy cuộc sống thiên nhiên xung quanh thật đẹp đẽ sung túc và hào phóng, cả vũ trụ như đang cố lấp đầy bạn bằng sự giàu có của nó, từ vẻ đẹp của muôn loại hoa, hương thơm của chúng, cảm giác ấm áp của tia nắng, tiếng chim ca… Nhận biết những gì hiện hữu xung quanh trước bằng các giác quan của mình, dần dà bạn sẽ nhận biết cả những thứ mà các giác quan cũng không thể thấy, những thứ như năng lượng của người đối diện, năng lượng của trời đất, năng lượng của chính mình.
Ví dụ bạn ham muốn hiểu và điều khiển người khác làm theo ý mình, thay vì vậy hãy khao khát hiểu và làm chủ được chính mình đi, bắt đầu bằng hơi thở. Tập trung năng lượng mà bạn đang đổ dồn vào người khác vào chính mình đi. Cảm nhận xem cách mình đang thở có đúng như mình mong muốn không? Tập thực hành thở cho đúng và làm chủ hơi thở của mình đi: hít thở đều, chậm và sâu vào. Đấy, thử làm đi xem có dễ không? Bạn còn không điều khiển nổi hơi thở của mình mà lại ham muốn đi điều khiển thế giới, thì làm sao?
Sở dĩ người ta muốn hướng đến điều khiển thế giới, vì nó đôi khi còn dễ hơn cả việc điều khiển hơi thở nữa. Những người đang điều khiển thế giới, tôi không chắc họ đang điều khiển được cả hơi thở của mình. Nhưng những người có thể làm chủ được toàn bộ cách thở, tôi tin họ đang điều khiển cả thế giới của họ nữa.
Làm chủ thế giới hay làm chủ người khác là ham muốn. Làm chủ bản thân là khao khát,
Hướng năng lượng của bạn từ ham muốn vào khao khát đi.
Osho ý, Phi Tuyết phóng tác