Trẻ em không phải thú nuôi
Bởi vì tôi không thích đi học, lại trốn học nhiều nhất có thể nên cả gia đình đã phải phân công; thay phiên nhau đưa tôi đến trường; tận cửa lớp, cho đến khi một giáo viên ra nhận và dẫn tôi vào. Họ làm mọi thứ để tôi không trốn học. Tôi bảo với họ: “Đây là giáo dục sao? Giáo dục là biến con người thành một tù nhân như vậy sao? Con là một con người hay con chỉ là một con vật nuôi của mọi người? Con thậm chí còn không được quyền quyết định rằng mình có muốn đi học hay không. Nếu như giáo dục là biến con người thành thú nuôi; thành nô lệ như vậy, giáo dục để làm gì?”
Và khi tôi ngồi trong lớp, chăm chú nhìn ra ngoài cửa sổ; tôi thấy hàng trăm những chú vẹt nhảy nhót nô đùa trên cành cây, chúng thật hạnh phúc làm sao khi không phải đi học. Tôi còn không được tự do bằng chúng. Con người còn không được tự do bằng động vật sao?
Những đứa trẻ rất mong manh; chúng không thể tự mình tồn tại. Bạn có thể khai thác điều này từ nó. Bạn có thể bắt ép đứa trẻ học những thứ mà bạn muốn nó phải học – hệt như cách người ta huấn luyện chim bồ câu chơi Ping-Pong; thủ thuật tương tự nhau không khác gì: thưởng và phạt. Nếu chúng chơi; chúng được thưởng, nếu không chúng sẽ bị phạt. Nếu chúng di chuyển đúng cách người huấn luyện muốn, chúng sẽ được thưởng đó ăn, nếu chúng di chuyển sai ý đồ người huấn luyện, chúng sẽ bị một cú sốc điện nhẹ. Thậm chí ngay cả bồ câu cũng bắt đầu học cách chơi Ping-Pong.
Đó là những gì xảy ra trong sở thú. Bạn có thể đến đó mà xem. Thậm chí sư tử, những con sư tử đẹp bị nhốt trong lồng, voi thì di chuyển dựa theo cách sợi roi da của người huấn luyện. Chúng đang bị nô lệ hóa và họ thưởng cho chúng – thưởng và phạt – đây là toàn bộ trò chơi.
*
Những năm sau tôi chăm hơn nhưng khi đi học tôi luôn luôn đến lớp trễ bởi vì tôi quá hứng thú với những thứ xảy ra trên đường. Tôi luôn khởi hành rất sớm để có thể đi từ nhà đến trường hoàn toàn đúng giờ, nhưng tôi không bao giờ tới được trường đúng giờ bởi vì quá nhiều thứ hay ho dọc đường đi – như là một vài nhà ảo thuật đang làm vài trò khăm của họ và điều đó thì thật quá cám dỗ. Nghĩ về việc rời bỏ những màn ảo thuật tuyệt vời để đi đến lớp, nơi mà người giáo viên ngu ngốc đang nói về địa lý. Thật là kinh khủng khi phải nghĩ về chuyện đó, tôi đơn giản quên toàn bộ ý tưởng về trường học khi có cái gì đó khác xảy ra trên đường đến trường.
Vậy nên một cách tự nhiên, tôi cứ thường bị phạt, nhưng cũng sớm thôi các giáo viên nhận ra rằng thật là vô ích để mà phạt tôi. Bởi vì tôi gần như năn nỉ xin “được” bị phạt nhiều hơn nữa.
Hình phạt đầu tiên họ dành cho tôi là đi bộ xung quanh ngôi trường bảy lần. Tôi đề nghị: “Nếu em đi mười một vòng luôn thì sao? Điều đó có được phép không?”
Họ nói: “Em điên à? Đây là một hình phạt.”
Tôi nói: “Em biết đây là một hình phạt, nhưng đàng nào sáng nay em cũng bỏ lỡ bài tập thể dục buổi sáng rồi. Vậy nên nếu em có thể xem hình phạt đó như một bài tập thể dục buổi sáng thì thầy cũng không mất mát gì. Hình phạt của thầy được thi hành và bài tập thể dục của em cũng được hoàn thành. Không ai mất gì cả, cả hai chúng ta cùng đạt được mục tiêu.”
Vậy nên họ dừng hình phạt đó lại, bởi vì nó không được tiến hành theo cách họ muốn chút nào. Sau đó họ phạt tôi đứng bên ngoài lớp học. Tôi nói: “Thật là tốt. Trên thực tế, dù cho có ngôi bên trong thì em cũng luôn nhìn ra bên ngoài. Ai thèm quan tâm thầy đang dạy cái gì chứ? Những con chim thì đang hót, những cái cây thì đang lấp lánh… bên ngoài thì đẹp tuyệt vời như vậy.”
Vị hiệu trưởng thường hay đi xung quanh trường và một ngày khi thấy tôi đứng bên ngoài lớp học và ông ấy hỏi: “Có chuyện gì thế này?”
Tôi nói: “Không có chuyện gì cả. Em thích đứng bên ngoài. Ngoài này khiến em thấy khỏe khoắn hơn, không khí trong lành hơn. Và thầy có thấy cảnh vật này xinh đẹp không?”
Nhưng ông ấy nói: “Tôi sẽ gặp giáo viên của em để hỏi tại sao anh ta lại cho phép em ở ngoài như vậy?”
Và ông ấy đến gặp thầy giáo của tôi. Vị thầy giáo nói: Tôi phạt em ấy từ vài ngày trước tội không chú ý bài học. Tôi đã nghĩ nó như một hình phạt nhưng lạ là em ấy lại tận hưởng cái hình phạt đó quá chừng. Mà chưa dừng lại ở đó, em ấy còn đi tạo ra những tin đồn đến những học sinh khác rằng đứng bên ngoài thì khỏe mạnh hơn, trong lành hơn. Và thế rồi tất cả chúng đều hỏi tôi ‘Thưa thầy, chúng em có thể ra ngoài đứng không?’ Và nếu vậy, nếu tôi cho phép chúng thì tôi sẽ làm gì ở đây? Chắc là tôi cũng sẽ bước ra ngoài đó mà đứng luôn cùng chúng nó.”
Nó không phải là câu hỏi về việc mọi thứ xảy đến thế nào.
Nó hoàn toàn là một câu hỏi về cách thức bạn đón nhận mọi thứ xảy đến trong đời bạn.
*
Ngay bên cạnh phòng học là chiếc cửa sổ đẹp, và bên ngoài là cây cối và chim chóc và chim cu cu. Phần lớn thời gian tôi nhìn ra ngoài cửa sổ và những người thầy giáo sẽ tới và nói: “Dù sao thì em cũng đã chịu tới trường.”
Tôi nói: “Bởi vì trong nhà em không có cửa sổ giống thế này. Cửa sổ này trên cao, nó mở ra toàn thể bầu trời. Quanh nhà em cũng không có nhiều cây, nhiều chim cu cu như thế. Ngồi nhà ở trong thành phố, bị bao quanh bởi những ngôi nhà khác, chen chúc đến mức chim cũng không tới đó, chim cu cu không cảm thấy người sống trong cái thành phố chen chúc ấy xứng đáng có được ân huệ nghe giọng hót của chúng. Cho nên em phải tới đây. Ngôi trường này xấu xí nhưng cây cối xung quanh nó thì thật đẹp nên tất nhiên, em sẽ tới.
“Thầy quên chuyện em tới đây để nghe thầy đi! Em trả tiền học phí, thầy đơn giản là người phục vụ và thầy nên nhớ điều đó. Nếu em trượt em sẽ không tới phàn nàn với thầy đâu; nếu em trượt em sẽ không cảm thấy buồn. Nhưng nếu trong cả năm em phải giả vờ nghe thầy, trong khi em nghe con chim cu cu bên ngoài, điều đó sẽ là sự bắt đầu của cuộc sống đạo đức giả. Và em không muốn là kẻ đạo đức giả.”
*
Tôi hay ngồi kê chân lên bàn và mọi thầy giáo đều bị xúc phạm. Họ nói: “Đây là loại cư xử gì thế này?”
Tôi nói: “Bàn chẳng nói gì với em cả. Đây là chuyện giữa em và cái bàn, vậy sao thầy lại phải trông cáu thế, khó chịu thế? Em có cho chân mình lên đầu thầy đâu! Thầy nên thư giãn cũng như em đang thư giãn. Thư giãn thì tốt hơn là cau có một cách không cần thiết như vậy. Và thậm chí, thầy nên khuyến khích mọi học sinh ngồi theo cách này mới phải. Bởi vi khi ngồi như thế này em cảm thấy có khả năng hiểu tốt hơn những điều vô nghĩa mà thầy đang dạy.”
*
Tôi vẫn cứ ngồi trong lớp nhưng bên cạnh cửa sổ và nhìn ra bên ngoài, nhìn vào lũ chim và những cái cây. Người giáo viên này hẳn đã học được gì đó từ người trước. Ông ấy nói “Em phải nhìn lên bảng chứ.”
Tôi nói: “Đây là cuộc đời của em và em có toàn quyền của mình để nhìn mọi chỗ em muốn. Bên ngoài thì quá đẹp, lũ chim đang hót, hoa đang nở, cây đang reo vui và mặt trời thì lấp ló sau tán lá, em không nghĩ cái bảng đen của thấy có thể so sánh được.”
Vị ấy rất tức giận nên nói: “Vậy thì em có thể ra ngoài đứng ngoài cửa sổ mà nhìn, cho tới khi em sẵn sàng để quay trở lại và nhìn lên tấm bảng. Bởi vì tôi đang dạy toán mà em lại muốn nhìn cây và chim.”
Tôi nói: “Đây thật là một phần thưởng tuyệt vời mà thầy trao cho em, nó không phải một hình phạt chút nào cả.” Và rồi tôi nói “Tạm biệt thầy”
Ông ấy nói: “Em có ý gì?”
Tôi nói: “Em sẽ không trở lại đâu. Từ giờ trở đi ngày nào em cũng sẽ ngồi bên ngoài cửa sổ.”
Ông ấy nói: “Em điên rồi sao? Tôi sẽ đi nói với cha mẹ em, cả gia đình em rang họ đang lãng phí tiền bạc vì em chỉ thích ở bên ngoài phòng học.”
Tôi nói: “Thầy cứ đi mà làm những gì thầy muốn. Em biết cách để ứng xử với gia đình em cho nên đừng lo. Cha em thậm chí còn biết rõ ràng hơn thầy rằng khi em muốn làm gì, em sẽ làm nó, kể cả ngồi ngoài cửa sổ lớp học chăng nữa. Không ai có thể thay đổi gì được cả đâu.”
Thầy hiệu trưởng thường thấy tôi đứng ngoài cửa sổ mỗi ngày nên một lần ông ấy tới. Ông ấy rất bối rối và hỏi tôi đang làm gì bên ngoài vậy? Tại sao cứ đứng mãi ở đó?”
Tôi nói: “Em đang được thưởng”
Ông ấy nói: “Thưởng ư, cho cái gì chứ?”
Tôi nói: “Thầy hãy đứng cạnh em và lắng nghe những con chim kia và ngắm nhìn những cái cây này, thầy sẽ hiểu. Thầy có nghĩ rằng nhìn vào bảng đen với những vị giáo viên ngu xuẩn của thầy là tốt hơn? Họ chắc chắn là những người ngu bởi vì chỉ những người ngu thì mới trở thành giáo viên, họ không thể tìm được công việc nào khác cả. Hầu hết họ chỉ có tấm bằng hạng xoàng. Vậy nên em không muốn nhìn họ lẫn bảng đen của họ. Em không bận tâm về toán học cho lắm nhưng em biết mình sẽ xoay xở được, thầy đừng lo. Nhưng em không thể bỏ lỡ những thứ xinh đẹp như thế này.”
Ông thầy hiệu trưởng đứng đó bên cạnh tôi và nói: “Đúng là đẹp thật. Ta đã là hiệu trưởng trong 20 năm ở trường này vậy mà ta chưa bao giờ đến đây. Ta đồng ý với em rằng đây quả đúng là phần thưởng thật. Em không cần bận tâm chuyện toán học, ta là giáo sư toán, em có thể đến nhà của ta để học thêm và ta sẽ dạy em mọi thứ, hãy cứ tiếp tục đứng đây.”
Vậy nên tôi thậm chí còn có một giáo viên tốt hơn – hiệu trưởng của cả ngôi trường – một nhà toán học. Giáo viên toán của tôi tỏ ra thật bối rối. Ông ấy nghĩ tôi sẽ chán việc đứng ngoài sau vài ngày thôi nhưng cả tháng trôi qua và tôi vẫn cứ ở đó không quay vào lớp học. Không chịu nổi nữa, ổng đi ra chỗ tôi và nói: “Ta xin lỗi, ta cảm thấy rất tệ khi đứng bên trong và thấy em bị phạt ngoài này như vậy. Thật ra em cũng không làm gì hại cả. Em có thể ngồi trong lớp và nhìn bất cứ chỗ nào em muốn.”
Tôi nói: “Giờ đã quá trễ rồi thầy ạ”
Ông ấy nói: “Em có ý gì?”
Tôi nói: “Ý em là, em rất thích việc đứng ngoài này. Ngồi trong lớp nhìn ra ngoài cửa sổ khiến cho tầm nhìn bị giới hạn, em không thể tận hưởng chúng nhiều như ngoài này nên em sẽ không vào đâu, thậm chí ai thèm bận tâm cơ chứ vì thầy hiệu trưởng đang dạy thêm toán cho em rồi, mỗi tối em đều tới nhà ông ấy.”
Ông nói: “Sao cơ?”
Tôi nói: “Vâng, bởi vì thầy ấy đồng ý với em rằng đây là một phần thưởng chứ không phải hình phạt.”
Ông ấy ngay lập tức chạy đến chỗ thầy hiệu trưởng và bảo: “Điều này không tốt chút nào. Tôi đang phạt em ấy mà thầy lại đi khuyến khích em ấy thêm sao?”
Thầy hiệu trưởng nói: “Quên chuyện thưởng phạt hay khuyến khích đi, thầy thỉnh thoảng nên ra ngoài và đứng bên ngoài đó. Ngay lúc này tôi cũng không đợi được nữa. Bình thường tôi đi dạo quanh trường như một thói quen và giờ thì tôi không thể đợi để đi cho đúng giờ, tôi thích việc đó và không đợi được. Việc đầu tiên tôi muốn làm khi đến trường là đi dạo một vòng và đến đứng cạnh em ấy để ngắm mấy cái cây. Lần đầu tiên trong đời tôi nhận thấy có những thứ còn đẹp hơn cả toán học: tiếng chim hót, hoa nở, cây xanh rì, mặt trời mọc lặn xuyên qua lớp lá, gió thổi rì rào như những bài hát qua đám lá cây. Quả thật anh cũng nên ra đó đứng một lúc để thấy.”
Ông ấy quay trở lại với điệu bộ vô cùng tội nghiệp và nói: “Hiệu trưởng bảo ta rằng đúng là như em nói, ta có thể làm gì đây? Liệu ta có nên bảo cả lớp ra ngoài đứng không?”
Tôi nói: “Điều đó thật tuyệt. Chúng ta có thể ngồi bên dưới những cái cây này và thầy có thể dạy toán cho mọi người. Nhưng em sẽ không vào lớp đâu, thậm chí kể cả khi thầy đánh rớt em chăng nữa, mà thầy cũng chẳng làm được điều đó đâu vì giờ em đã giỏi toán hơn tất cả các bạn trong lớp rồi. Em đang có một giáo viên tốt hơn thầy nhiều, thầy chỉ là giáo viên hạng ba trong khi thầy ấy là giáo viên hạng nhất với cả huy chương về toán học.”
Thế rồi một vài ngày sau đó ông ấy đã nghĩ về điều đó và một buổi sáng khi tôi đến đó thì thấy tất cả mọi người trong lớp học đang ngồi dưới những góc cây để học toán.
Tôi nói: “Trái tim thầy vẫn đang sống. Thật may khi toán học chưa giết chết nó.”
*
Những đoạn trên được trích từ bộ sách Tự truyện thơ ấu của Osho: *Đứa trẻ nổi loạn + Cách mạng giải phóng trẻ em* do Phi Tuyết sưu tầm, biên dịch, biên soạn và in lưu hành nội bộ số lượng có hạn.
Mời bạn đặt sách qua Facebook cá nhân của tác giả: https://www.facebook.com/phi.tuyet.1990
Hoặc fanpage: https://www.facebook.com/GocPhiTuyet/
Hoặc sđt (zalo, imess, whatsapp) 0933 49 49 26
Giá bộ sách: 500k, có thể chuyển khoản trước thông qua stk:
Phạm Thị Ánh Tuyết – 056 1000 582 682 – Vietcombank Lâm Đồng
Hoặc COD: trả tiền khi nhận hàng.
Đặc biệt: mình sẽ miễn phí vận chuyển bộ sách (chuyển phát nhanh) thay cho lời cảm ơn đến các bạn độc giả cũng như lời tạ lỗi vì những thiếu sót còn xuất hiện trong bản in lần này!
_Namaste_