Chương 13. Ích kỉ không tồi tệ như bạn nghĩ
Trước khi khiến bạn bực mình hoặc hiểu lầm, hãy cùng giải thích ích kỉ nghĩa là gì.
“Ích kỷ là chỉ biết vì lợi ích của riêng mình. Người sống ích kỷ luôn nghĩ về bản thân và chỉ biết lấy lợi ích cá nhân làm thước đo mọi giá trị, bất chấp quyền lợi của người khác. Khi thói ích kỷ trở thành lối sống của con người thì sẽ dẫn đến sự tha hóa về nhân cách và làm con người đánh mất đi hạnh phúc của chính mình.” Đây là một định nghĩa tôi lấy từ trên mạng mà hẳn sẽ nhiều người đồng ý.
Nhưng theo tôi, ích kỉ không phải là một điều xấu xa tệ hại đến như vậy. Nếu chúng ta có thể nhìn theo một góc độ khác đi, chúng ta sẽ thấy những điều tốt đẹp mà một người sống ích kỉ có thể mang lại cho người khác. Với điều kiện người đó phải biết “ích kỉ” một cách đúng đắn. Vậy thế nào là ích kỉ một cách đúng đắn?
Đầu tiên, bản thân việc ích kỉ, tức chỉ hành động vì lợi ích của bản thân là một điều hoàn toàn bình thường, thậm chí nó còn là bản năng của con người từ khi biết nhận thức. Bản năng ấy như bản năng sinh tồn để bảo vệ và duy trì sự tồn tại cho mỗi cá nhân trong tập thể khi những biến cố xảy ra đe dọa sự tồn vong của giống loài. Chúng ta hãy thừa nhận điều đó trước đã.
Thứ hai, chữ ích kỉ dần dà được gán cho những nghĩa xấu nhiều đến nỗi không còn ai nhìn ra mặt tốt của nó nữa. Người ta luôn ích kỉ theo bản năng nhưng lại phải cố tỏ ra mình bao dung, rộng lượng. Chính điều này đã gây ra biết bao nhiêu hiểu lầm và những hành động tai hại cho cuộc sống.
Để làm rõ hơn, hãy để tôi kể bạn nghe vài câu chuyện.
“Một làng quê hẻo lánh xảy ra một trận dịch bệnh. Gần như toàn bộ dân làng đều mắc phải bệnh dịch mà không có phương cách nào chữa trị. Tất cả chỉ trông cậy vào vị thầy thuốc duy nhất trong làng. Ông là một thầy thuốc giỏi và rất tốt. Ông thức đêm thức hôm để vừa chăm sóc những người bệnh vừa đi tìm thảo dược bào chế ra loại thuốc giúp dân làng đẩy lùi cơn bệnh. Một ngày nọ, ông bào chế xong viên thuốc đầu tiên vừa kịp lúc một đứa trẻ trong làng được đưa đến trong tình trạng nguy kịch. Khổ nỗi thuốc chỉ đủ dùng cho một người duy nhất. Đứng trước đứa trẻ đang đau đớn và những người thân của cậu bé đang than khóc. Vị bác sĩ chợt quay cuồng, ông phát hiện ra mình cũng đã mắc phải bệnh dịch ấy. Ông đứng dậy, xin lỗi cậu bé và những người thân của cậu rồi tự mình uống liều thuốc duy nhất trước khi bất cứ ai kịp nói điều gì. Rồi ông ngất đi. Ngày sau đó, vị bác sĩ tỉnh lại khỏe mạnh trong khi đứa trẻ thì qua đời. Gia đình cậu bé lẫn toàn bộ dân làng đều rất tức giận và căm phẫn. Họ những tưởng ông sẽ cứu đứa trẻ thay vì cứu chính bản thân mình. Vậy mà ông lại làm họ thất vọng vô cùng.”
Bạn nghĩ sao? Bạn có cho rằng ông ấy là một người độc ác và ích kỉ? Khi ông ấy chỉ nghĩ cho bản thân mình dù cho nhiệm vụ của thầy thuốc là phải cứu người trước tiên?
Nếu bạn nghĩ như vậy hẳn bạn cũng sẽ hệt như những người dân làng phải xin lỗi vì đã hiểu lầm sự ích kỉ rất đúng đắn của ông ấy. Sự thật là ông không dám chắc chắn về phương thuốc ấy. Nó mới được bào chế lần đầu tiên và ông chính là mẫu thử thí nghiệm của nó. Chưa hết, khi nhìn cậu bé đã chuyển bệnh nặng, ông biết mình không thể cứu vãn mạng sống cho cậu bé được nữa. Mặt khác chỉ duy nhất mình ông là biết cách bào chế phương thuốc vô cùng phức tạp công phu ấy mà thôi. Nếu ông nhường liều thuốc cho cậu bé mà cậu bé vẫn chết, và ông cũng chết thì ai sẽ là người tiếp tục công việc cứu chữa cho dân làng? Nghĩ như vậy nên ông đã tự mình uống liều thuốc đó. Những ngày tiếp sau, trong khi bị dân làng tẩy chay và căm ghét, ông đã lặn lội đi khắp nơi, lên những ngọn núi xa để tìm các cây thảo mộc sau đó lại dành nhiều ngày để bài chế thật nhiều liều thuốc tương tự phân phát cho dân làng. Nhờ có ông, nhờ có sự ích kỉ của ông mà cả làng đã được cứu sống.
Cho nên qua câu chuyện này chúng ta có thể thấy, những gì gọi là ích kỉ thật ra chỉ là những góc nhìn mà thôi. Tôi còn một câu chuyện khác thực tế hơn: câu chuyện của bản thân tôi.
Khi tôi công khai chia sẻ ý định không muốn lập gia đình, không muốn có con của mình. Rất nhiều bạn đọc đã cho rằng tôi ích kỉ. Họ nghĩ rằng tôi chỉ biết nghĩ đến lợi ích của mình mà không nghĩ đến người khác, không nghĩ đến ba mẹ, không nghĩ đến những đứa trẻ có thể là con của tôi sau này. Ơ, tại sao tôi lại phải nghĩ? Vậy nếu tôi đành kết hôn và có con cho vừa lòng ba mẹ thì ba mẹ tôi chẳng phải lại trở thành những người ích kỉ khi họ không hề quan tâm đến mong muốn và lợi ích của tôi hay sao? Thật là một mớ hỗn độn.
Cho nên có những điều bạn cần phải nghĩ sâu hơn nữa về thế nào là ích kỉ. Theo tôi, ích kỉ không phải là người chỉ mưu lợi cá nhân mà không quan tâm người khác. Nhưng ích kỉ cũng có nghĩa là những người luôn bắt người khác phải quan tâm mình, làm theo ý mình, phải mang lại lợi ích cho mình bất kể họ có muốn làm điều đó hay không. Đấy mới là ích kỉ.
Bạn có thể hình dung một cách khác đơn giản hơn. Có hai đứa trẻ đang chơi với nhau và một trong hai đứa ấy có hai cây kẹo mút. Mọi người thường hay cho rằng nếu đứa có hai cây kẹo không chịu chia cho bạn một cây, thì nó là ích kỉ. Nhưng mọi người thường quên một trường hợp khác. Nếu đứa trẻ ấy đã phải làm việc vặt, tiết kiệm tiền nhiều ngày trời mới dám mua hai cái kẹo ấy và nó thật sự không muốn chia sẻ thì sao? Nó có quyền không chia sẻ chứ? Đã nhiều ngày trời nó không được ăn kẹo rồi và nó thật sự rất thèm. Nó nên được tôn trọng quyền chia sẻ kẹo của nó với bạn, hoặc không. Đó mới thật sự là một thế giới văn minh. Nơi mà chia sẻ và ích kỉ đều là quyền của mỗi cá nhân, miễn sao không gây thiệt hại cho người khác.
Lại có một câu chuyện khác, về một vị giáo sư bác sĩ người Ấn. Ông ấy là một giáo sư rất thành công và kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng cả đời ông không làm bất cứ một việc từ thiện nào cả. Ông không cho dù chỉ một đồng xu cắc trong gia tài khổng lồ của mình cho bất cứ ai. Ông nổi tiếng là một người keo kiệt, bủn xỉn và ích kỉ. Ông đã sống trong sự dè bỉu ấy cả đời mình cho tới ngày cuối đời, mọi người đều ngạc nhiên khi ông quyên góp toàn bộ tài sản của mình, không cho đứa con nào mà để xây dựng một ngôi trường đại học tốt nhất. Trước lúc chết, ông đã mỉm cười.
Tôi ấy mà, tôi thừa nhận mình là một kẻ ích kỉ và tham lam siêu hạng. Điều đáng nói là tôi lại hạnh phúc nhờ chúng.
Tôi ích kỉ đến nỗi luôn muốn dành những thứ tốt đẹp nhất cho bản thân mình và biến mình thành một cái kho chứa đầy ắp những điều tốt đẹp đó. Và bạn biết không? Khi cái kho quá đầy tôi buộc phải cho đi, cho đi tất cả những điều tốt đẹp tôi tích lũy được, không phải vì tôi tốt bụng gì nhưng chỉ vì kho quá đầy và tôi muốn có chỗ trống để chứa đựng những điều tốt đẹp hơn cho chính mình.
Nếu bạn không yêu thương bản thân và dành cho mình những điều tốt đẹp bạn sẽ là một cái kho trống rỗng. Và khi trống rỗng bạn có gì để cho ai? Bạn là kẻ ăn xin thì lấy gì để cho người khác? Đấy, quan niệm của tôi về ích kỉ là vậy. Tôi dành những thứ tốt đẹp cho mình nhưng không cướp chúng từ ai cả bởi tôi tin cuộc đời này luôn có đầy đủ mọi điều tốt đẹp cho tất cả mọi người.
Và tôi cũng là đứa tham lam siêu hạng bởi vì tôi muốn có mọi thứ. Người ta cứ phải chọn giữa A và B tôi thì bắt bản thân mình tìm cách để đạt được cả A và B. Người ta cứ đau đầu chọn 1 trong 2 tôi thì sẽ nghĩ xem có cách nào để có được cả 2 không hoặc có cách nào để có được 3, 4, 5 nữa.
Tôi muốn có thân hình đẹp và sức khỏe tốt nên tôi tập luyện và cố gắng sống lành mạnh mỗi ngày.
Tôi muốn mình là người hiểu biết nên tôi thường xuyên đọc sách và trò chuyện với những người giúp tôi trở nên hiểu biết hơn.
Tôi muốn được nghe cảm ơn nên cứ tìm cách giúp đỡ mọi người.
Tôi muốn sống một cuộc đời ý nghĩa nên nghĩ ra rất nhiều việc ý nghĩa để làm.
Tôi muốn sống tự do nên chỉ tập trung vào những việc giúp mình tự do.
Mọi thứ tôi làm chỉ là vì bản thân mình, muốn mình được vui, không phải vì ai cả.
Cứ thế, vì tôi quá tham lam và ích kỉ nên cái kho chứa những trải nghiệm, những bài học cuộc sống trong tôi luôn đầy ứ. Vậy nên tôi chọn cách chia sẻ mọi điều tôi biết, tôi làm với mọi người. Chẳng phải vì tôi muốn giúp ai nhưng là vì tôi muốn giúp bản thân mình, muốn có thêm chỗ trống trong tâm hồn để chứa đựng thêm những điều tốt đẹp khác nữa. Tôi ích kỉ như vậy đấy.
Bạn hãy tưởng tượng một thế giới nơi mà tất cả mọi người đều là những cái kho đầy ắp yêu thương – vui vẻ – hạnh phúc đi. Thế giới đó không phải tốt đẹp hơn nhiều so với một thế giới mà mọi người đều là cái kho rỗng không chờ bố thí sao?
Cho nên là, hãy tích lũy cho bản thân một kho những cảm xúc đẹp đẽ đi. Khi đó bạn chính là kho báu và khi có kho báu bạn mới có thể chia cho mọi người.
Từ một kẻ ăn mày hãy tập sự để trở thành một vị vua.
Từ một nạn nhân hãy tập sự để trở thành người sáng tạo.
Từ một người phụ thuộc hãy tập sự để trở thành kẻ tự do.
Từ một người luôn được dạy không được ích kỉ, hãy tìm cách để ích kỉ một cách đúng đắn.
Hãy làm mọi cách để cho bản thân mình khỏe mạnh trước, thì bạn mới giúp người khác khỏe mạnh được.
Hãy làm mọi cách để cho bản thân mình giàu có trước, thì bạn mới giúp người khác giàu có được. Nhưng đừng quên ý tôi là giàu có về tinh thần, về tình yêu thương chứ không phải về tiền bạc vật chất.
Tất nhiên sẽ nhiều người vẫn tin vào lý thuyết rằng hãy giúp người khác, rồi bạn sẽ hạnh phúc. Thật vậy không? Tôi chứng kiến rất nhiều vị bác sĩ chữa bệnh cho nhiều người mỗi ngày nhưng bản thân họ vẫn không hề hạnh phúc. Tôi cũng chứng kiến nhiều giáo viên, nhiều nhà từ thiện… những người luôn cho rằng họ đang giúp đời giúp người nhưng sâu trong họ chẳng ai thấy hạnh phúc toàn diện cả. Nên con đường đúng đắn, theo tôi là những bác sĩ, giáo viên, nhà từ thiện này nên học cách để trở thành hạnh phúc trước đã. Khi họ có cuộc sống hạnh phúc rồi thì sự giúp đỡ của họ đến những người khác sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Ở một khu phố nọ có hai gia đình sống cạnh nhau đều không hạnh phúc. Một gia đình chọn cách ly dị và bị cả xóm lên án là những người ích kỉ, không chịu hi sinh vì con cái. Một gia đình còn lại thì chọn cách chịu đựng lẫn nhau để cho con cái có chung mái nhà cả mẹ lẫn cha.
Theo đa số mọi người, gia đình thứ hai sẽ được xem trọng hơn rất nhiều so với gia đình số một. Nhưng bạn không phải là người trong cuộc để nhìn ra những sự thật trong cuộc sống của hai gia đình ấy. Gia đình số một tuy chọn cách ly dị nhưng cả hai đều rất tôn trọng nhau và dành cho nhau những lời tốt đẹp. Đứa con của họ vẫn được sống trong đầy đủ yêu thương và trách nhiệm của cả cha lẫn mẹ, kể cả khi cha mẹ nó lập gia đình mới chăng nữa.
Còn đứa trẻ của gia đình số hai, dù được mang tiếng là gia đình đầy đủ cha mẹ nhưng điều ấy có ý nghĩa gì khi cha mẹ nó tối ngày chửi bới, ghen tuông, gây lộn thậm chí bạo hành lẫn nhau. Những bữa cơm trong nước mắt, những buổi tối sống trong lo sợ và ám ảnh bạo lực gia đình. Nó lớn lên với một tâm hồn đầy bất an và luôn luôn lo sợ dù cho được cả khu phố khen ngợi là một gia đình kiểu mẫu.
Điều quan trọng sau cùng tôi muốn nói, là hãy ích kỉ về hạnh phúc, chứ không phải ích kỉ về vật chất, về danh vọng đâu nhé.
Trích sách Nghĩ Khác để Sống khác, tác giả Phi Tuyết
Link mua bộ sách: Sống khác đi, đừng để đời phung phí (tiki) phituyet.com/combo-sach