Đừng để những lời khuyên miễn phí làm lãng phí cuộc đời bạn

  1. Ai đang làm chủ cuộc đời bạn?

Dạo này tôi thích ăn kiwi nhưng phải là kiwi vàng mới thấy ngon ngọt đậm vị, kiwi xanh thường chua và vị nhạt nhẽo không thấy ngon. Tôi làm món sữa chua trộn các loại hạt, quả việt quất khô và những lát kiwi đầy khiêu gợi trông thôi cũng đã thấy thật ngon lành.

Chị hai tôi nói “Trước giờ cũng muốn ăn thử kiwi xem sao mà nghe mọi người nói không ngon nên hai chưa mua ăn bao giờ.”

Tôi bảo “Nếu hai muốn ăn, hai cứ mua và ăn thôi, đừng quan tâm người ta nói gì để rồi quyết định trải nghiệm của đời mình chỉ vì ý kiến người khác. Mình ăn cho mình mà, có ăn cho họ đâu, nếu cứ nghe ý kiến mọi người như vậy cả đời hai sẽ chẳng bao giờ biết kiwi có vị gì luôn.”

Chị hai tôi đồng ý và nói lần tới đi siêu thị sẽ mua ăn thử.

Một bạn độc giả của tôi từng tham gia khoá học Phù Thuỷ và rất thích, rất muốn học thêm những khoá khác, đặc biệt là khoá Nghệ thuật Đầu tư. Thấy cậu ấy đầy khao khát muốn học, muốn thay đổi, muốn sống khác đi, tôi đồng ý sẽ hướng dẫn cậu. Nhưng kì lạ chưa, mỗi lần tôi đưa ra lời khuyên gì hay gợi ý làm gì, cậu ấy lại đi… hỏi ý kiến của một anh bạn thân. Lần đầu tiên là “Bạn thân của mình bảo học Anh văn phương pháp dịch sách không được đâu, chỉ dành cho người giỏi thôi, mình không làm được đâu, đừng tốn công vô ích.”

Lần khác bạn ấy lại bảo “Bạn thân của mình bảo đừng có học khoá đầu tư này, đắt quá, chắc gì hiệu quả, tiền đấy cất đi học cái gì khác đi. Đừng học cái này nghe có vẻ tốn tiền tốn thời gian.”

Tôi bảo cậu ấy “Vậy bạn nghe theo bạn của bạn đi. Mình cũng không có hứng thú muốn dạy một người mà cái gì cũng phải đi hỏi bạn thân như vậy.”

Có lẽ do tôi hơi “gắt” nên cậu bạn mới nhận ra nghịch lý trong hành động của mình. Làm sao một người có thể làm chủ cuộc đời mình nếu như mọi quyết định, dù lớn hay nhỏ, đều phải phụ thuộc vào người khác?

Xin đừng hiểu lầm, tôi không có ý nói xấu ai cả, chỉ là tự dưng trong một khoảnh khắc tôi nhìn thấy sự vô lý của chúng ta, về lý do tại sao chúng ta chẳng mấy khi được sống cuộc sống theo ý mình. Đơn giản vì chúng ta chẳng có “ý mình” nào cả. Dường như mọi điều ta làm, ta hành động, ta quyết định đều phụ thuộc ít nhiều vào ý kiến của người khác và đó là ý do chúng ta cứ liên tục phá hỏng cuộc sống của nhau, từ bên trong, trực tiếp lẫn gián tiếp.

Nhẹ nhẹ thì không mua kiwi vì mọi người bảo dở, nặng hơn tí thì không học Anh văn vì bạn của mình bảo không nên, nặng nữa thì làm công việc mà mình không muốn chỉ vì cha mẹ chuẩn bị cho ta công việc ấy. Trầm trọng hơn nữa là những người sẵn sàng cưới người mình không yêu chỉ vì ba mẹ sắp đặt mối hôn nhân đó. Dễ thấy hơn chút xung quanh ta là đầy những người không li hôn/không kết hôn/không dám thay đổi bất cứ điều gì trong cuộc sống… vì sợ thiên hạ dị nghị, sợ đồng nghiệp nói xấu, sợ họ hàng chê bai, sợ bạn bè xem thường.

2. Nghe theo trái tim, không ai từng hối hận. Nghe cái đầu thì hên xui.

 

Ngẫm lại coi, đã bao nhiêu lần trong đời bạn hành động theo mong muốn của bản thân mà không bị  người khác tác động? Chắc chắn là không nhiều lần lắm đâu.

Và bao nhiêu lần bạn hành động vì nghe theo người khác, thay vì nghe trái tim mình và rồi hối tiếc từ sâu thẳm bên trong? Cái này chắc chắn nhiều hơn nè.

Cơ mà “nghe bản thân” cũng có hai loại: bạn có bao giờ nghe tiếng trái tim mình không? Đừng nhẫm lẫn giữa nghe “giọng của cái đầu” và “giọng của trái tim” nhé. Chúng ta thường nghe cái đầu và nó đa phần chẳng khiến chúng ta hạnh phúc hay hài lòng chút nào. Phàm những ai nghe và hành động theo trái tim, đều không bao giờ hối hận. Hãy phân biệt sự khác biệt này. Thứ mà chúng ta gọi là trực giác đích thực, nó là giọng nói của trái tim, đặc biệt khi bạn đi ngược lại lý trí để quyết định những việc liên quan đến tình yêu, cảm xúc.

Hành động theo cái đầu tức là hành động vì lợi ích vật chất là chính. Hành động theo trái tim là hành động vì tình yêu – lợi ích tinh thần. Mọi hành động theo trái tim đều không bao giờ khiến người ta hối hận, bất kể làm việc bằng trái tim hay yêu bằng trái tim.

Sự phí phạm của những lời khuyên miễn phí

Hồi tôi mới kinh doanh cửa hàng thời trang đầu tiên, tôi cũng nghe lời đủ mọi người rằng cửa hàng phải bán đầy đủ quần áo nữ rồi quần áo nam, rồi đồ trẻ con, đồ trung niên, rồi giày dép, rồi phụ kiện… Mẹ tôi là người thường xuyên khuyên bảo “Phải bán đủ thứ cho người ta ai vào cũng có đồ đi ra. Phải bán mọi thứ mới gỡ được mặt bằng.” Vì chưa có kinh nghiệm cá nhân nên tôi nghe theo mẹ dù cho mẹ tôi có chút kinh nghiệm thời trang nào đâu cơ chứ, mẹ chỉ có kinh nghiệm bán cửa hàng tạp hoá thôi và cửa hàng thời trang của tôi dần biến thành cửa hàng tạp hoá như vậy đó. Tôi gồng lên xoay vốn vì buôn bán nhiều mặt hàng cần vốn rất nặng. Tôi cứ xoay như chong chóng với việc nhập hàng mới, xử lý hàng tồn kho thế nào cho đỡ chướng mắt. Doanh thu lớn nhưng sự đau đầu, mệt mỏi, áp lực còn lớn hơn cả doanh thu.

Sau khi kinh doanh vài năm tôi bắt đầu có kinh nghiệm của riêng mình và bắt đầu ra mọi quyết định kinh doanh dựa trên trực giác và niềm tin của mình. Tôi bỏ đồ phụ kiện, bỏ đồ con nít, dần bỏ luôn cả đồ nữ và chỉ bán duy nhất thời trang nam. Cửa hàng bắt đầu có tiếng, khách quen đông dần đông dần và shop tôi trở thành một trong những shop đồ chuyên nam đầu tiên tại thành phố lúc ấy. Công việc kinh doanh trở nên nhẹ nhàng, thú vị và không chút áp lực nào. Mỗi khi có ai hỏi tại sao con gái lại chỉ bán đồ nam, tôi thường đùa “vì em mê trai” nhưng sự thật đó là cả một quá trình sai và học và cải tiến từ thực tiễn.

Thế rồi mọi người lại bắt đầu xúm dô cho tôi lời khuyên, đầu tiên là mẹ tôi, sau tới anh chị em họ hàng, tới bạn bè, rồi thậm chí cả anh tài xế xe khách chở tôi đi lấy hàng cũng thường xuyên “dạy” tôi cách kinh doanh: “Em phải bán nhiều thứ vào mới sống nổi chứ. Bán mỗi đồ nam vầy sao mà đủ sống được? Con trai mua sắm ít lắm. Em kinh doanh vầy là chết rồi.” Thật tình. Toàn người không bao giờ kinh doanh lại thích dạy cho người đang làm rất tốt công việc của họ. Mới đầu tôi còn thấy buồn cười, sau này tôi mệt tai quá đâm tức, chỉ đáp “Khi nào anh mở shop và làm những gì anh muốn đi và nếu nó hiệu quả thì mình nói chuyện tiếp. Giờ thì cứ để em làm việc của em đi.” Vâng có lúc tôi đã phải “nổi cáu” như vậy đấy chỉ để không phải nghe những bài học miễn phí từ mọi người.

Lời khuyên miễn phí thường không hiệu quả đâu các bạn ạ. Đặc biệt từ những người không có chút kinh nghiệm nào về thứ họ đang khuyên. Kể cả khi họ có kinh nghiệm không có nghĩa lời khuyên của họ luôn khớp với thực tế của bạn.

Nếu tôi cứ nghe theo lời khuyên của mọi người có lẽ giờ tôi vẫn đang dậm chân tại chỗ và chẳng đi được tới đâu. Mẹ tôi thì luôn “Suốt ngày đi chơi, đi du lịch, không lo tích cóp, tiết kiệm”

Hoặc “Đừng mua đất chỗ đấy, hẻm cụt không ngon đâu, ra đường lớn mà mua mới làm ăn được chứ.”

Rồi thì “Cưới đi, cưới sớm đi rồi qua nước ngoài mà sống. Việt Nam khổ lắm, đêm dài lắm mộng đấy.”

Rồi “Có con mau đi, đang còn trẻ, giờ mà không có con đi về già sẽ cô quạnh chán nản lắm đấy” cứ như thể việc có con chỉ là để mua vui cho cuộc đời vậy, trách nhiệm ở đâu?

Rồi lại còn những người rất xa lạ cũng thường xuyên cho tôi lời khuyên miễn phí về mọi thứ trên đời, bất kể tôi có yêu cầu lời khuyên hay không “Em phải thay đổi cách hành xử đi, phải mềm mượt lấy lòng họ một chút cho được việc chứ, cứ thẳng tính như vậy để được gì?”

“Sao lại đóng cửa hàng? Việc kinh doanh đang thuận lợi thế cơ mà. Đừng có đóng, bao nhiêu người mơ có cửa hàng như vậy cũng không được.”

Vân vân và mây mây.

Không phải tôi không tôn trọng ý tốt của mọi người khi cho lời khuyên, tôi biết họ có ý tốt chứ, nhưng họ không trong hoàn cảnh của bạn, họ không trải qua những gì bạn trải qua, làm sao bạn tin rằng lời khuyên của họ là đúng đắn?

Tất nhiên tôi cũng có nhiều quyết định sai lầm trong đời, như khi dốc hết tiền đầu tư cho quán càfe, khi quá dễ tin người và cứ đem cho mượn hết khoản tiền dành dụm của mình vì tưởng họ sẽ trả lại để rồi mất cả tiền bạc lẫn tình bạn. Nhưng cái hay của việc tự thân bạn quyết định sai lầm ấy là bạn sẽ không thể đổ lỗi cho ai được, bạn phải nhận trách nhiệm về mình. Khoảnh khắc bạn nhận trách nhiệm về bản thân, tha thứ cho bản thân và học từ sai lầm ấy để trưởng thành hơn – khoảnh khắc ấy thật tuyệt vời làm sao.

Tôi tự cho mình là một người “tương đối trưởng thành” không phải vì tôi luôn đúng đâu, mà vì tôi sai rất nhiều nhưng luôn học được từ những cái sai ấy để lần sau ra quyết định tốt hơn. Nhìn lại cuộc đời mình, tôi nhận ra những quyết định đến từ trái tim, tức là khi tôi càng ít tính toán thì những quyết định ấy càng mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Những quyết định càng mất nhiều thời gian tính toán lại càng chẳng đi tới đâu, thậm chí dẫn tôi đến thất bại. Thật lạ lùng nhưng cũng rất hợp lý nếu bạn hiểu cơ chế hoạt động của hai giọng nói bên trong bạn: tiếng cái đầu và tiếng trái tim. Phân biệt chúng, thấy cái hay cái dở của chúng, rèn luyện cho cái đầu ngậm miệng lại, bớt ồn ào đi, bớt ta đây đi. Khi ấy bạn sẽ ở trong một trạng thái của trầm tĩnh, rõ ràng, tĩnh lặng và ấy là lúc bạn có thể nghe giọng nói của trái tim dễ dàng hơn rất nhiều.

 

Thiền định giúp cái đầu tôi im lặng hơn và nhờ vậy, trái tim tức trực giác hoạt động hiệu quả hơn bao giờ, giúp tôi cứ sống cuộc sống như trong mơ – một cuộc sống mà cho tới giờ cái đầu vẫn cứ nghi ngờ: liệu mọi thứ có thật không, hay chỉ là ảo giác, bao giờ thì kết thúc, hãy chuẩn bị cho sự kết thúc. Vâng cái đầu không thể tin điều tốt đẹp sẽ tồn tại. Câu nói “quá tốt để thành sự thật” là câu nói của cái đầu, trái tim sẽ nói “sự thật là tất cả mọi việc đều tốt”. 

 

3. Cuộc tranh cãi nảy lửa của tôi và Justin về những lời khuyên

 

Đừng vội nghĩ là tôi tốt đẹp, xin bạn đấy. Tranh cãi đầu tiên của tôi và Justin không gì khác chính là việc này: cách cho những lời khuyên. Justin cũng như văn hoá Âu Mỹ, họ rất ghét những lời khuyên miễn phí, họ sẵn sàng trả nhiều tiền cho chuyên gia để nghe lời khuyên từ tài chính đến tâm lý nhưng họ cực kì ghét khi ai đó xung quanh cứ bảo họ nên làm chuyện này chuyện nọ.

Justin bảo tôi rằng “Đừng bảo anh PHẢI làm gì hay NÊN làm gì. Anh không làm đâu. Anh sẽ làm ngược lại đấy.” Trong tư duy của người Âu Mỹ, khi bạn khuyên ai nên làm gì, nó giống như bạn cho rằng bạn tốt đẹp hơn họ, cách của bạn tốt hơn và cách của người kia dở ẹc. Họ không thích kiểu suy nghĩ như vậy nên với họ, từ “nên” tức “should” là một từ rất nghiêm trọng. Không một ai muốn nghe từ “should” cả. Trong khi văn hoá của chúng ta thì sao? Chúng ta luôn miệng khuyên nhau nên làm thế này, không nên thế nọ, đừng thế kia… kể cả khi chẳng ai bận tâm chúng ta nghĩ gì.

Tôi có một thói quen xấu là rất hay cho người khác lời khuyên. Mọi việc bắt đầu từ khi tôi trở thành một người viết và những bài viết của tôi khá “hợp tình hợp lý”, nó khiến mọi người nghĩ rằng tôi luôn có câu trả lời cho mọi sự và họ bắt đầu … mưa thư để hỏi tôi về mọi sự trên đời. Họ nhờ tôi tư vấn chuyện kinh doanh, ứng xử, chuyện tình cảm, lối sống vân vân mây mây. Mới đầu tôi chẳng dám trả lời ai nhưng thật là khó khi người ta mang cả trái tim ra để hỏi ý kiến bạn mà bạn lại chỉ bảo “tôi không biết”. Tôi đã phải “rèn luyện” chính mình trong việc trả lời câu hỏi và cho mọi người lời khuyên – kể cả khi tôi không thích việc ấy chút nào. Dần dà sau nhiều năm việc cho lời khuyên miễn phí bỗng trở thành một thói quen xấu xí. Chưa kể việc cả đời tôi luôn được tự quyết định mọi thứ mình muốn và tôi cũng “hơi thông minh” trong việc tìm ra những cách nghĩ, cách làm khá hiệu quả trong nhiều việc. Tính tự tin này cứ được bồi đắp dần khiến tôi tin mình “hơi bị tuyệt” và tất nhiên khi bạn tin như thế, bạn sẽ hành động như thế, kể cả khi bạn có nhận thức được hay không.

Khởi đầu là những chuyện rất nhỏ như khi tôi bảo Justin “anh nên đóng gói cái này trước, cái này sau sẽ tiết kiệm diện tích vali hơn” rồi thì “em nghĩ anh không nên mang nhiều giày và nhiều sách vậy đâu vì tụi mình chỉ du lịch có vài ngày” những câu rất “vô thưởng vô phạt” trong mắt tôi như vậy, những chữ “nên” cũng khá nhẹ nhàng, như một dạng đề xuất ý kiến – vậy mà làm cho Justin giận ghê lắm. Cả tuổi thơ của anh ấy phải nghe lời gia đình và không được phép làm bất cứ điều gì cho nên việc suốt ngày khuyên ảnh “nên thế này” “không nên thế nọ” khiến ảnh nhớ lại thời kì “nô lệ tuổi thơ” và làm sống lại những cảm xúc tiêu cực trong anh ấy. Tôi không hề biết những điều này. Những hiểu lầm nho nhỏ trong văn hoá và cách ứng xử như vậy khiến chúng tôi “vất vả” một thời gian để làm rõ và đưa ra quyết định rằng chúng tôi sẽ không dùng từ “Should” với nhau, nhưng nếu chúng tôi muốn đề xuất điều gì, hãy chọn cách giao tiếp cho thông minh và tinh tế hơn, đúng kiểu giao tiếp Âu Mỹ mà bạn thường thấy “Chà, em nghĩ cách làm của anh rất hay, nhưng anh nghĩ sao nếu chúng ta làm thế này… thế này…”.

Cần một sự nhạy cảm và kiên nhẫn lớn lao khi sống cùng người khác và đặc biệt khi hai người khác biệt nhau về văn hoá, lối sống, lối suy nghĩ thì sự tinh tế và kiên nhẫn còn phải lớn hơn bội phần. Tôi học được rất nhiều từ Justin.

Còn nhớ lần gay cấn nhất, ảnh bảo “Anh không thích ai bảo anh NÊN làm gì. Em ĐỪNG có mà bảo anh PHẢI làm gì.”

Tôi cũng nổi cáu không kém, ghê ghê gớm gớm hét lên: “Em cũng không thích ai bảo em KHÔNG NÊN làm gì hay KHÔNG ĐƯỢC làm gì.” (Cụ thể một cách rất triết học là tôi bảo “Em không thích bị anh bảo em không nên khuyên anh nên làm gì hay không nên làm gì.” eo ôi)

Tự dưng nói ra xong mới nhận ra cả hai đều có cùng một ý, đều cùng không thích người khác bảo mình nên làm gì hay không nên làm gì. Thế là oà lên cười và làm hoà, xin lỗi nhau và cùng nhau “kiểm điểm rút kinh nghiệm cho lần tới”.

Tự nhiên viết tới đây tôi sực nhớ ra câu chuyện rất hay mà tôi mới chia sẻ sáng nay trên page Cuộc đời Osho, xin mạn phép dùng làm lời kết cho bài viết hôm nay. Cảm ơn các bạn đã đọc bài.

Xin chúc tất cả chúng ta luôn có thể tự mình ra quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định đó, vì trí thông minh, sự trưởng thành của chính mình.

ĐỪNG ĐỂ AI BẢO BẠN PHẢI/KHÔNG PHẢI LÀM GÌ nhé. Cuộc đời là của bạn mà, nếu muốn làm chủ đời bạn, hãy bắt đầu tự ra quyết định ngay hôm nay, kể cả mua một trái kiwi hay học Anh văn hay lựa chọn một công việc, một người bạn đời cho mình. Kể cả việc theo một tôn giáo nào, quyền quyết định nên là của bạn.

“Đừng có mà ra lệnh cho con, con không phải nô lệ”-Osho

Tôi đến chỗ cha tôi và nói “Con có điều cần tuyên bố với cha”
Cha tôi luôn lo lắng bất cứ khi nào tôi tới chỗ ông ấy, vì ông biết kiểu gì cũng sẽ có rắc rối. Ông nói “Đây là cách một đứa trẻ nói chuyện với cha nó sao: ‘Con có điều cần tuyên bố với cha…’ sao?”

Tôi nói “Tuyên bố với cha nhưng con muốn làm rõ luôn với tất cả mọi người trong nhà mình, thậm chí cả thế giới. Ấy là đừng có ai mong sai bảo con làm việc gì mà con không muốn hoặc thấy không hợp lý. Tốt nhất đừng có ai ra lệnh cho con vì con sẽ không nghe đâu.
Nếu ai muốn con làm gì đó cho họ, tốt nhất mọi người nên chuẩn bị “bài tập” trước. Hãy chuẩn bị các lý lẽ của mọi người trước khi đề xuất chuyện gì và chuẩn bị cả cách nói sao cho không mang nghĩa ra lệnh hoặc sai bảo. Vì con không phải một nô lệ.
Đừng bảo con PHẢI làm gì, nhưng có thể đề xuất những ý tưởng và rồi để con tự xem xét và quyết định con có muốn làm nó không. Hãy thuyết phục con. Xin đừng ra lệnh. Con sẵn sàng nghe theo mọi người nếu mọi người có lý. Mà mọi người biết thừa mọi người chẳng có lý tí nào cả.

Mỗi khi mọi người làm điều gì và bảo con làm theo, khi con hỏi ‘Tại sao lại làm điều này? Nó có ý nghĩa gì? Lợi ích gì thu được từ nó?’ Mọi người lại nói “Hãy cứ làm thôi. Đừng hỏi. Vì truyền thống của chúng ta ai ai cũng làm thế cả, chắc chắn nó là điều tốt để làm. Chẳng ai hỏi tại sao cả”. Thật sao? Đây mà là lời giải thích sao? Kiểu giải thích gì vậy chứ?

Cha có thể là cha con nhưng không có nghĩa cha là trí thông minh của con.

Cha có thể sinh ra con và cấp dưỡng con nhưng không có nghĩa con là nô lệ của cha đâu.

Nếu mọi người dám cam đoan là mọi người luôn luôn đúng, không bao giờ sai, rằng cách của mọi người luôn là tốt nhất, thì con sẽ làm theo. Nhưng làm sao mọi người dám đảm bảo mình luôn đúng cơ chứ? Chẳng một ai trên đời dám đảm bảo điều đó nữa là. Mà nếu mọi người không chắc mình đúng, tại sao lại bắt con phải nghe theo? Phải để con tự tìm ra cách đúng của mình chứ? Xin hãy cho con quyền được tự quyết định cho cuộc đời mình.
Nên cha và mọi người nhớ đấy, nếu muốn con làm gì hay nghe theo mọi người điều gì, hãy chuẩn bị sẵn lý lẽ để thuyết phục con, con sẽ tranh luận tới cùng cho tới khi con cảm thấy hài lòng.”

Và sau đó cha tôi đã có cuộc họp với cả nhà để đưa ra quyết định: “Tốt hơn hết đừng sai nó làm gì cả. Hoặc đề xuất thôi nhưng để nó tự quyết định xem nó có muốn làm hay không. Đừng lãng phí thời gian một cách không cần thiết để quấy rầy nó vì sẽ khổ hơn nữa khi bị nó quấy rầy lại.

Trích sách “Đứa trẻ nổi loạn” – thời thơ ấu của Osho, Phi Tuyết sưu tầm và dịch. (tiện p/s ai muốn mua sách thì comment hoặc inbox mình, đảm bảo sách “độc” không nơi nào có đâu ạ)

Dự định viết ngắn ngắn thôi mà thấy quái nào lại thành ra thế này huhu

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *