Con ngoan con hư?
Sáng 11/9/2018 trên xe bus đi làm, bác tài mở nhạc không lời nhè nhẹ thật dễ thương.
Tôi nhắm mắt tập trung hít thở nhưng tâm trí thì tự nhiên nghĩ về Mark. Tôi nhớ cách anh ấy tỉ mỉ dạy tôi cách đi tàu điện lần đầu tiên khi còn ở Philipines và nhớ cả một ngày cách đây vài tháng (2018) anh ấy hướng dẫn tôi cách đi bus ở… Sài Gòn nữa vì tôi chẳng biết gì về xe bus cả. Vâng, tự lập đã lâu nhưng tôi mắc bệnh sợ bus nên chẳng biết làm sao để bắt bus và xuống chỗ nào ra sao cả. Giờ thì tôi là chuyên gia xe bus rồi nhé.
Đang miên man nhớ về anh chàng thì tiếng một cô nói với một cô bên cạnh: “Con tôi nó bướng, nó hư lắm. Tôi không cho nó tiền xài là nó tự bỏ ra ngoài kiếm việc đi làm thêm để kiếm tiền xài. Nó không chịu nghe lời chút nào. Rất là bướng”
Tôi “hết hồn” khi nghe những câu ấy. Và dường như mọi bà mẹ đều có suy nghĩ như vậy, cứ con cái cãi lời không theo ý mình sẽ lập tức quy cho nó là hư, là bướng trong khi tôi nhìn theo góc độ khác thấy đứa con của cô này rất tuyệt đấy chứ. Nó là đứa khá tự lập, khá mạnh mẽ. Vì tuổi trẻ làm sao mà chỉ ru rú trong nhà chơi game, xem phim, đơi mẹ hầu ăn tận miệng thì chắc mới được ba mẹ tự hào? Một khi tuổi trẻ đã ra ngoài, nhất định là nó cần tiền. Khi cần tiền mà cha mẹ không cho thì sao? Nó đi làm thêm, không trộm cắp là tốt chứ sao?
Cha mẹ nên ủng hộ cho con cái đi làm thêm, đi lao động để chúng nó biết trân quý sức lao động, trân quý tiền bạc, biết cách quản lý và tự chủ tài chính. Đừng nghĩ rằng con cái ham tiền là xấu. Mà kể cả khi nó là xấu chăng nữa thì phải thông qua cái xấu người ta mới học hỏi, mới trưởng thành được chứ. Cha mẹ thấy mặt trái của đồng tiền (hay mặt trái của việc kiếm tiền rất khổ cực, xấu xí, tham lam, bất chấp) và nghĩ rằng họ biết nhiều hơn con cái nên họ cố bảo vệ con cái bằng cách làm cho con cái tránh xa thế giới đồng tiền càng xa càng tốt. Việc này lợi bất cập hại, (câu này nghĩa là gì nhờ, tự nhiên nhớ ra nên buột tay viết chứ không nhớ nó là ý gì nữa) đại loại ý mình là việc cha mẹ làm cho con cái tránh xa chuyện tiền bạc là một việc không có ích gì cả, thậm chí gây hại về sau. Con cái không biết việc kiếm tiền cực khổ sẽ không trân quý đồng tiền, không trân quý sức lao động và có xu hướng lãng phí tài nguyên. Việc của cha mẹ là tạo cho con cái mọi điều kiện để nó tự lập: lao động kiếm tiền là một trong những việc giúp nó tự lập hơn, thì tại sao không?
Hồi tôi học lớp 12, tôi tự ý đi xin làm phục vụ trong một quán cafe mà tôi là khách quen. Tôi không đi làm vì tiền, tôi muốn trải nghiệm cảm giác được đi làm thêm. Ba mẹ tôi biết chuyện, bắt tôi phải nghỉ ngay và luôn không nói nhiều vì họ sợ nếu thiên hạ biết thì họ sẽ mất mặt chuyện tôi đi làm nhân viên phục vụ. Tôi cũng hiểu nỗi khổ tâm của họ nên xin nghỉ dù rằng mới chỉ đi làm được một hai ngày.
Thế rồi tôi có cách khác, tôi vẫn đến quán như một người khách, nhưng lại tự nguyện giúp những bạn nhân viên khác làm đủ thứ khác: order đồ ăn đồ uống, dọn dẹp, tính tiền… Thế là tôi vừa được trải nghiệm cảm giác đi làm, vừa không làm ba mẹ bực mình. Việc làm phục vụ tự nguyện này khiến tôi học được rất nhiều điều hay và cả có mối quan hệ rất tốt với nhiều người khác. Hồi ấy thật là vui. Chính vì có cơ hội quan sát tiếp xúc với thế giới kinh doanh tự do từ sớm nên sau này tôi cũng chọn con đường kinh doanh tự do. Việc ấy hoá ra thay đổi đời tôi rất nhiều nếu không muốn nói là thay đổi đời tôi hoàn toàn.
Chuyện làm thêm, mặt xấu là nó lấy đi quá nhiều thời gian, công sức của một người hoặc có thể làm cho người ta trở nên ham mê đồng tiền một cách mù quáng. Nhưng làm sao cha mẹ có thể dạy cho con cái không mê tiền khi mà bản thân họ cũng rất là mê tiền? Mặt xấu vậy thôi nhưng mặt tốt thì nhiều vô kể. Khi một người lao động, nó sẽ hiểu về thế giới vất vả của đồng tiền mồ hôi nước mắt, nó sẽ biết tôn trọng sức lao động của nó trước tiên và sau đó nó cũng sẽ biết tôn trọng sức lao động của người khác nữa. Nó sẽ học được rằng không ai yêu thương chăm sóc và hào phóng với nó cho bằng những người trong gia đình. Rồi nó cũng sẽ học được những bài học quan trọng của cuộc đời mà không cần cha mẹ dạy vì có cha mẹ nào dạy con được mọi điều đâu. Kể cả khi dạy được lý thuyết thì thiếu đi thực hành, bao nhiêu lý thuyết vẫn là không đủ. Con cái càng không cần cha mẹ sớm bao nhiêu thì càng tự lập và trưởng thành bấy nhiêu.
Nhiệm vụ của cha mẹ là giúp con cái trưởng thành, tự lập và trách nhiệm chứ không phải ôm nó trong lòng và bắt nó phải ru rú ở nhà nghe lời mình, tuân lệnh mình như một nô lệ.
Cha mẹ tôi thường nói điều họ hối tiếc nhất là đã để cho tôi tự lập từ quá sớm, để giờ đây tôi không còn nghe lời họ nữa. Tôi bảo với họ rằng “xin ba mẹ đừng nuối tiếc gì cả vì phúc lành lớn nhất đời con là được ba mẹ cho sống tự lập từ sớm để giờ đây con có thể tự quyết định mọi việc trong đời mình với tinh thần trách nhiệm và sống cuộc đời không hối tiếc gì”. Một lần nữa, họ lại cho rằng tôi “cãi bướng”. Nhưng “cãi” không chỉ có nghĩa bạn là xấu, nó đơn thuần có nghĩa bạn biết mình muốn gì và bạn đủ can đảm để bảo vệ điều mình muốn, bảo vệ ý kiến và cuộc đời của mình. Ba mẹ muốn tôi mau chóng kết hôn vì tuổi tôi đã chạm mức “già” trong mắt họ. Nhưng kết hôn đâu phải là việc mà người ta nên làm chỉ vì đến tuổi? Rồi họ muốn tôi theo đuổi công việc kinh doanh vì nó rất tốt nhưng tôi lại quyết định nghỉ vì đã đến thời điểm tôi phải thử những điều khác trong cuộc sống hơn là chỉ loanh quanh cái cửa hàng với quần quần áo áo, tiền tiền bạc bạc… Những việc như thế, từ nhỏ đến lớn tôi cứ tự quyết và chẳng hỏi ý họ chút nào nên giờ đây họ cảm thấy thật… bất lực. Tôi cũng buồn khi không thể khiến bố mẹ tự hào bằng việc làm theo mọi điều họ khuyên. Tôi biết họ có ý tốt nhưng ý tốt của người khác đâu phải khi nào cũng tốt cho bạn? Từ hồi được biết câu thần chú “Phản bội bản thân mình để không phản bội người khác. Ấy là phản bội cao nhất” Nghĩa là bạn làm điều người khác muốn trong khi bạn không hề muốn, ấy là bạn đang phản bội bản thân mình. Từ khi đọc câu ấy, tôi trở nên cản đảm hơn trong việc bảo vệ những mong muốn và ý định của bản thân, không còn thấy mặc cảm và cắn rứt lương tâm nữa. Vì suy cho cùng, tôi luôn sống tự lập, mãn nguyện và hạnh phúc thì lý gì mà cha mẹ tôi lại không hài lòng nhĩ?
“Phản bội bản thân để không phản bội người khác. Ấy là phản bội cao nhất”
Mới hôm qua tôi xem lại một trong những bộ phim mà tôi yêu thích nhất, phim “ba chàng ngốc” (3 ediots bản Ấn Độ). Farant là chàng trai đam mê nhiếp ảnh và rất có năng khướu chụp ảnh động vật nhưng cậu lại theo học kĩ sư vì cha mẹ cậu khao khát con mình trở thành kĩ sư. Kĩ sư cũng là một ngành kiếm ra tiền và được trọng vọng tại Ấn. Cậu không dám cãi lời cha mẹ vì biết họ đã cố gắng dường nào cho cậu được đi học trong ngôi trường danh tiếng bậc nhất. Cả nhà chỉ đủ tiền lắp một máy lạnh và họ đã lắp nó trong phòng học của Farant. Thế rồi ngày kia cậu giữ lời hứa với hai người bạn của mình, về nhà thuyết phục cha mẹ cho cậu được theo đuổi con đường nhiếp ảnh. Người cha vô cùng tức giận lẫn thất vọng, tìm mọi cách thuyết phục con trai đừng đổi ý. Ông nói “Làm nhiếp ảnh gia ở trong rừng rậm thì được cái gì? Con mà theo con đường ấy, chục năm sau nhìn lại, con sẽ thấy bạn bè kĩ sư của mình có nhà to, xe đẹp, thành công sự nghiệp, công ty lớn và rồi con sẽ hối tiếc, con sẽ oán ghét bản thân mình cho xem.”
Với những giọt nước trong mắt, Farant nói với cha “Theo nhiếp ảnh, có thể con sẽ có nhà nhỏ hơn, xe nhỏ hơn, nhưng con sẽ hạnh phúc ba à. Nếu con làm kĩ sư, con có thể có nhà to, xe đẹp nhưng con sẽ phải sống cả đời trong hối tiếc và oán giận cha. Con thà oán giận bản thân mình vì không có nhà xe đẹp, còn hơn oán giận cha vì con đã sống cuộc đời không hạnh phúc chỉ vì làm theo ý cha. Cả đời con đã luôn theo ý của cha, xin hãy cho con một lần duy nhất được nghe theo trái tim mình.”
Lúc này bạn mà xem phim, tôi tin bạn cũng sẽ khóc. Cha của Farant ôm lấy đầu cậu, mắt đầy nước, ông đặt lên đầu cậu một nụ hôn như khi còn thơ bé và nói “Hãy nghe theo trái tim của con” và ông bước lại chỗ chiếc laptop mà ông định làm quà cho con mình và nói “Một cái máy ảnh chuyên dụng giá bao nhiêu? Cha trả lại cái laptop này thì bù thêm bao nhiêu để đủ cho con mua một chiếc máy ảnh tốt?”
Cả nhà ôm nhau khóc. Tôi cũng khóc mỗi khi xem đến đoạn này và thậm chí lại khóc khi viết ra những dòng này. Tôi ước bạn cũng sẽ xem bộ phim ấy khi bạn có thời gian hoặc muốn cả gia đình xem gì đó ý nghĩa. Đặc biệt những bạn trẻ có cha mẹ “độc tài”, bạn có thể thuyết phục cha mẹ cùng xem phim với mình, biết đâu sẽ nhờ đó mà có gì đó thay đổi trong trái tim họ. Biết đâu?
Ấn Độ có nhiều câu chuyện, con người và văn hoá thật là hay. Tôi biết về văn hoá, truyền thống và lối sống của người Ấn Độ rất nhiều thông qua những bộ phim và những cuốn sách. Đặc biệt hai cuốn mà tôi đã dịch “Cách mạng giải phóng trẻ em” và “Đứa trẻ nổi loạn”. Tôi nhận ra mặc dù các cha mẹ ở Ấn Độ cũng vẫn còn “độc tài” như cha mẹ các nơi, nhưng ít nhất họ rất chân chất và đầy sự tôn trọng cho những đứa con của mình. Họ sẵn sàng lắng nghe và thay đổi, hoặc nếu không nghe thì cũng không bằng mọi cách cản trở quyết định của con mình. Có thể những điều này chỉ là suy nghĩ của tôi hoặc trong câu chuyện mà tôi biết. Có lẽ những người cha mẹ này cũng chỉ là số ít những cha mẹ tuyệt vời ở Ấn và liệu cha mẹ tuyệt vời vì họ có những người con tuyệt vời?
Một câu chuyện khác cũng về cuộc chiến cha con ở Ấn Độ mà tôi yêu thích:
Khi Osho học xong trung học, cả gia đình ông nhao nhao bàn luận xem ông nên học trường gì. Có người muốn ông học kĩ sư, bác sĩ, luật sư… vì những ngành này rất hot và kiếm được rất nhiều tiền ở Ấn Độ. Osho nói “Con đang suy nghĩ xem liệu có nên học đại học hay không?”
Họ nói “Tất nhiên là phải học chứ, thì con mới kiếm được một công việc tốt. Nếu không, con sẽ trở thành một kẻ lông bông.”
Osho đáp “Có khi định mệnh của con là trở thành một kẻ lông bông. Đấy cũng là một ý hay. Thế giới cần những người lông bông cũng hệt như cần bác sĩ, kĩ sư vậy. Thành thật mà nói, làm kẻ lông bông có khi còn thú vị hơn vì ai mà muốn sống trong một thế giới toàn bác sĩ, kĩ sư, luật sư chứ?”
“Nhưng nếu là một kẻ lông bông, làm sao con có thể nuôi gia đình mình”
“Ai bảo với mọi người con muốn có gia đình chứ? Con chẳng muốn nuôi ai cả và sẽ chẳng nuôi ai cả.”
Thế rồi sau đó Osho quyết định sẽ vào đại học, cả nhà lại mong muốn ông học những ngành hot hơn nhưng ông lại chọn ngành triết học. Cha ông nói “Tại sao con lại muốn học triết học? Học triết học làm sao mà con có một công việc tốt được?”
Ông đáp “Con học triết học vì con ghét nó. Con muốn đấu tranh chống lại triết học cả đời con. Và để chiến đấu với ai, tốt hơn hết chúng ta nên biết rõ về họ, rõ mọi ngóc ngách càng tốt. Con sẽ học triết học”
Cả nhà mong ông hãy suy nghĩ lại vì vẫn còn thời gian, vì ở Ấn Độ, triết gia sẽ chẳng xin được một công việc nào, kể cả chân thư kí. Ai mà muốn có một thư kí lại là triết gia cơ chứ? Điều ấy sẽ sinh ra muôn vàn rắc rối. Cha ông hỏi “Đầu tiên con muốn là một kẻ lông bông. Sau đó con muốn học triết học. Nếu là kẻ lông bông thì lông bông thôi, tại sao phải tốn nhiều năm trong đại học để học triết sau đó lại không muốn đi làm mà chỉ là kẻ lông bông?”
Osho đáp “Con muốn là một kẻ lông bông, nhưng là một kẻ lông bông cao cấp với hiểu biết, nhận thức, lịch lãm. Con sẽ có mọi bằng cấp và rồi sau đó sẽ vứt hết chúng đi để trở thành một kẻ lông bông. Con muốn chứng tỏ cho mọi người thấy bằng cấp là điều quá đơn giản, kẻ ngu cũng làm được. Trên thực tế, mọi kẻ ngu mới đi quan tâm bằng cấp. Thế giới quá nhiều những kẻ bằng cấp ngu ngốc và những kẻ lông bông vì thất bại, hèn kém rồi. Thế giới cần thêm những kẻ lông bông bản lĩnh, lông bông vì chọn lựa. Con sẽ là kẻ lông bông ấy.”
“Nếu con kiên quyết học triết học, ta sẽ không chu cấp cho con.”
“Con đâu có nói sẽ cần cha chu cấp. Con đã quyết định những gì mình muốn và con sẽ chịu trách nhiệm cho chúng, tìm cách thực hiện chúng. Cha đừng bao giờ gửi bất cứ đồng nào để chu cấp cho con, vì nếu cha có gửi, con cũng sẽ trả lại. Con sẽ tự tìm đường cho chính mình.”
Sau đó, Osho đi học, trở thành sinh viên xuất sắc, cha của ông đã gửi nhiều bức thư xin lỗi, ông đáp “Con đã tha thứ lâu rồi, nhưng con sẽ không bao giờ quên. Thật ra thì nói tha thứ cũng là sai vì con chưa bao giờ bận tâm cha nói gì hay muốn gì cả. Con chỉ hành động theo ý muốn của mình mà thôi nên cha không cần xin lỗi nữa. Tuy nhiên con sẽ không bao giờ quên đâu, rằng cha muốn con học những ngành con không thích, chỉ vì lý do tiền bạc. Cha quan tâm đến tiền nhiều hơn cả chính con trai của mình. Điều ấy là không thể tha thứ hay quên được.”
Bao nhiêu người trẻ có đủ can đảm, dũng khí để theo đuổi điều mình muốn chứ đừng nói tới cãi lại cha mẹ với lời lẽ đanh thép như này? Và bao nhiêu cha mẹ có đủ bình tĩnh để nói chuyện, giải thích, thuyết phục con cái thay vì cứ nhất nhất ra lệnh cho chúng?
Tôi yêu quý những câu chuyện của Osho vô cùng không chỉ vì nó hay, hài hước, ý nghĩa nhưng vì nó là những câu chuyện có khả năng khai phóng tuyệt vời. Những câu chuyện chứa đựng sức mạnh lớn lao giúp tôi thay đổi cuộc đời mình, giải phóng đời mình theo hướng của độc lập, tự do và hạnh phúc.
Môi trường gia đình chỉ là một trong những công cụ giúp người ta trưởng thành. Ngoài ra còn có môi trường xã hội và môi trường giáo dục. Nhiệm vụ của ba môi trường này không gì khác hơn ngoài việc giúp người ta trở nên độc lập hơn, trách nhiệm hơn, trưởng thành hơn, giàu có hơn và đặc biệt là nhận biết hơn trong cuộc sống.
Ý nghĩa của giáo dục
Giáo dục đích thực là nghệ thuật giúp cho người ta trở nên giàu có. Sự giàu có bên trong: giàu có về tâm hồn, cảm xúc, năng lượng, khả năng sáng tạo, tư duy, giàu cả về trạng thái biết ơn, can đảm, an lạc… Chứ không phải thứ giáo dục què quặt hiện hành chỉ tập trung làm giàu kiến thức khô cứng và vật chất bạc tiền.
Mỗi đứa trẻ khi được sinh ra đều ngây thơ, hồn nhiên, tinh khiết và một khả năng làm giàu vô hạn cho cuộc đời – nếu nó được xuôi theo dòng chảy và được cho phép bộc lộ những tiềm năng ẩn giấu của mình.
Giáo dục thực sự là nghệ thuật lôi cái tiềm năng ấy ra ngoài ánh sáng, khiến cho hạt mầm tài năng của đứa trẻ được nở hoa. Giáo dục hiện hành ngày nay không gì khác là sấy khô mọi hạt mầm để đóng gói bán trong siêu thị để sinh lợi cho một nhóm ít những người lãnh đạo. Không ai bận tâm gieo trồng hạt mầm nữa.
Khi bạn là cha mẹ, trách nhiệm của bạn là bảo vệ hạt mầm và tạo ra một môi trường đủ tốt cho hạt mầm nở hoa. Hãy bảo vệ hạt mầm tiềm năng của con bạn khỏi bàn tay tham lam độc tài của xã hội. Bạn chỉ có duy nhất trách nhiệm giúp cho hạt mầm nở hoa còn việc nó nở thành gì, hoa hướng dương, hoa hồng hay bông cúc dại, ấy là việc của nó chứ. Bạn là ai để mà ép hạt cam phải nở ra cây táo? Thế mà đó là việc các bậc cha mẹ đang làm. Hoặc họ không thấy bàn tay ác độc của xã hội đang cố sấy khô, làm chết mọi hạt mầm hoặc là họ đang cố để ép hạt mầm phải nở thành thứ họ muốn.
Đứa trẻ được sinh ra ngây thơ, hồn nhiên và tràn đầy năng lượng bung nở tiềm tàng. Nhưng khoảnh khắc nó phải làm mọi việc theo ý cha mẹ và xã hội, hạt mầm trong nó cũng chết.
Cho nên, để là những cha mẹ đúng nghĩa, bạn cần phải can đảm, can đảm để không can thiệp, không độc tài, không ép buộc. Can đảm để cho phép con bạn được nở hoa – là chính nó.
Trách nhiệm của mọi cha mẹ là giúp con mình nảy mầm, nở hoa.
Trách nhiệm của mỗi chúng ta cũng chỉ có vậy.
Phúc lành lớn nhất đời tôi, cho đến giờ, vẫn là được tạo điều kiện để tự mình nở hoa, dù cho chỉ là một đoá hoa dại bên đường.