Nhổ lông nách là một công việc thiền định thiêng liêng

Thiền… nhổ lông nách

Mọi thứ trên đời này đều tồn tại vì một ý nghĩa nào đó, bởi vì Thượng đế không bao giờ tạo ra thứ gì dư thừa trên đời này, dù cho một hạt cát trong sa mạc hay một cọng cỏ bên vệ đường. Tôi tin như vậy đấy.

Thế mà có điều tôi vẫn không hiểu, đó là Thượng đế tạo ra lông nách của người phụ nữ để làm gì?

Tất nhiên mọi thứ lông đều có ý nghĩa của nó, tóc để bảo vệ đầu khỏi ánh nắng trực tiếp từ mặt trời, lông mi để cản bụi bay vào mắt, lông mũi tương tự, nhưng lông nách? để làm gì?

Thế là tôi google và biết được rằng lông nách là để giúp nách thoát mồ hôi, loại mồ hôi này bằng cách nào đó lại chính một loại “nước hoa” đặc biệt có tác dụng thu hút người khác giới, rồi thì lông nách là để để bảo vệ vùng da đó khỏi bị ma sát khi cánh tay cử động… vân vân… Thật tuyệt vời! Cảm ơn Thượng đế đã tạo ra lông nách với nhiều ý nghĩa như thế, nhưng dù vậy, tôi vẫn phải “phản bội” Thượng đế lần này bởi vì tôi không thích thấy vùng nách mình cứ lâu lâu lại có một nhúm lông đen lú nhú, thật ngứa ngáy và mất thẩm mỹ.

Đấy, dẫu là một người thích sống thuận tự nhiên, thích mọi thứ được tự nhiên nhất có thể nhưng tôi vẫn có những quy tắc sống riêng phản tự nhiên của mình như thế. Vâng, tôi rất thích nhổ lông nách mỗi tuần.

Và bạn sẽ không tin lý do thật sự đàng sau việc nhổ lông nách nghe có vẻ rất ấm ớ này đâu. Bề ngoài, nó là chuyện thẩm mỹ và thói quen, nhưng có gì đó ở bên trong hành động này khiến tôi mê đắm lắm. Nếu bạn là người từng nhổ lông nách, lông cằm thì có lẽ bạn sẽ hiểu. Khi ta tập trung chăm chú làm một việc gì đó, dù rất nhỏ thôi, trong khoảnh khắc đó đầu óc ta dường như trống rỗng, tâm trí biến mất. Cái khoảnh khắc rất nhỏ mà tâm trí biến mất ấy, chính là khoảnh khắc thiền định. Vâng, đối với tôi, nhổ lông nách là một dạng thiền định và đó chính là lý do quan trọng nhất khiến tôi cứ duy trì thói quen nhổ lông nách lâu nay mà không bao giờ bận tâm chuyện đi spa triệt một lần cho xong.

Không tin bạn cứ thử làm và quan sát đi, khoảnh khắc nhỏ bé bạn tập trung để nhổ một cọng lông tí xíu hay kể cả nặn một cục mụn tí hon khỏi khuôn mặt, bạn tập trung vào nó nhiều đến nỗi bạn không thể nào nghĩ về bất cứ gì khác được. Chẳng ai bận tâm nghĩ chuyện tối nay ăn gì, ai đang nói xấu gì mình, người yêu của mình đang ở đâu, tài khoản mình có bao nhiêu tiền… khi mà người ta đang tập trung nhổ lông nách hay nặn mụn cả. Thật đấy!

Người ta cứ nghĩ thiền định là cái gì ghê gớm kiểu như bỏ nhà vào hang đá ngồi bất động hoặc đi đến nơi yên tĩnh nhắm mắt hàng giờ đồng hồ mới là thiền định. Với tôi, thiền định là bất cứ khoảnh khắc nào bạn nhận ra tâm trí mình trống rỗng, đầu óc trống rỗng, vô suy nghĩ, vô bận tâm về bất cứ gì xung quanh ngoại trừ cái sợi lông hay cục mụn bé nhỏ. Rồi thì cọng lông hay cục mụn cũng biến mất, bạn nhổ nó ra mà thậm chí không nghĩ về nó. Thật sự trống rỗng hoàn toàn. Đó chính là thiền định.

 

Thiền… nặn mụn

Tôi nghiện cảm giác trống rỗng thiền định này đễn nỗi cái nhíp nhỏ bé luôn là một trong những vật bất li thân mà tuần nào tôi cũng phải hẹn hò với nó, đi du lịch bất cứ đâu tôi cũng phải mang nó đi cùng. Và cả việc nặn mụn nữa, tôi không bao giờ để cho khuôn mặt mình được yên. Cứ như thói quen mỗi khi thấy gương là tôi lại nhào tới để… tìm mụn mà nặn. Nặn đến nỗi khuôn mặt đang yên đang lành mịn màng sau chục phút soi gương bỗng trở nên đỏ tưng bừng, nham nhở.

Người đầu tiên nhận thức được về thói quen kì cục này của tôi là Mark. Anh chàng đã phải làm mọi cách để tôi ngừng đụng vào khuôn mặt mình. Cách của anh chàng rất dễ thương, ảnh thường xuyên nhắc tôi rằng tôi trông xinh đẹp như thế nào, không có gì sai với khuôn mặt tôi cả, không có mụn nào cả, làm ơn đừng đụng vào nó, làm ơn để nó yên. Tôi luôn để nó yên khi không có mặt ảnh, hì hì.

Người thứ hai rất chú ý về thói quen này của tôi là Justin, anh ấy quan tâm theo cách nhẹ nhàng hơn và cũng sâu sắc hơn Mark. Anh ấy hỏi tôi tại sao tôi lại thích nặn mụn kể cả khi chẳng có cái mụn nào? Tôi đã phải vất vả giải thích cho anh ấy hiểu về cái cảm giác khi tôi tập trung đến nỗi không còn bất cứ gì trên đời này là quan trọng, cái cảm giác rất trống rỗng đó thật sự mê hoặc. Anh ấy không thích tôi nặn mụn nhưng cũng không bắt tôi phải bỏ thói quen này vì chúng tôi có một cam kết rằng không ai được bảo người kia phải làm gì. Nhưng vì anh quan tâm nên vẫn thường xuyên để ý và nhắc nhở. Mỗi lần thấy tôi đi toilet lâu hơn bình thường anh lập tức gọi to “Em đang làm gì đấy? Anh thấy đó nha.” Đôi khi còn hài hước hơn nữa, chỉ sau tiếng dội nước mà tôi không bước ra khỏi toilet là anh sẽ hắng giọng, e hèm hoặc “Bỏ cái tay xuống nha.” “Bỏ cái tay ra khỏi khuôn mặt em nha.” “Để cho khuôn mặt đẹp đó được yên nha. Đừng phá huỷ khuôn mặt của anh nha.” Thật buồn cười nhưng cũng thật cảm động làm sao. Có lẽ tôi thích những quan tâm, những ngọt ngào khi ai đó quan tâm tôi còn hơn chính bản thân mình, nên tôi vẫn cứ tiếp tục nặn mụn hoài.

Chuyện nặn mụn thì Justin có thể quản nhưng chuyện nhổ lông nách thì anh ấy để yên cho tôi làm mà không bao giờ cằn nhằn gì. Thỉnh thoảng chỉ “Anh có thấy sợi lông nào đâu mà em vẫn nhổ được hay ghê.” Thật sự, những khoảnh khắc quan tâm nhau về những chuyện nhỏ bé như thế khiến chúng tôi yêu nhau chết đi được. Tôi thường giúp anh ấy nhổ những sợi lông mày mọc lộn xộn, mọc quá dài hay đôi khi cả những sợi lông mọc trong tai nữa. Đàn ông nước ngoài khi có tuổi thường xuất hiện nhiều lông trong lỗ tai. (Tôi chưa có dịp quan sát lỗ tai đàn ông Á nên không biết) Hồi đầu tôi không hiểu tại sao nhưng sau này tôi nhận ra, khi người ta già người ta cần nhiều yên tĩnh hơn, nhiều thinh lặng hơn và đó là lý do lông phát triển ở lỗ tai giúp cản bớt đi những âm thanh ồn ào tạp nhạp. Tất nhiên lông tai có giá trị của nó nhưng về mặt thẩm mĩ thì… phải nhổ thôi. Thế nên Justin cũng cần cái nhíp nhiều như tôi vậy.

 

Nô lệ cho một cái nhíp?

Thế rồi chuyện bắt đầu thay đổi khi Justin phải đi Bali cho chuyến công tác dài ngày và mang tất cả nhíp trong nhà đi cùng anh ấy. Tôi không còn cái nhíp nào trời ơi thật là một cảm giác dễ khiến người ta phát điên khi bạn thấy vài cọng lông cần nhổ ngay mà lại không có nhíp. Nó dễ khiến người ta phát điên hệt như khi họ đói mà không có tiền mua đồ ăn vậy. Hoặc ít nhất chỉ mình tôi thấy như vậy, sao cũng được, tôi không thể sống thiếu cây nhíp của mình.

Khoảnh khắc phát điên vì không có cây nhíp ấy tôi đâm bực mình mọi thứ, bực cả Justin và tất nhiên bực bội chính mình vô cùng. Giây phút bực bội chính mình nhiều nhất, tôi chợt bừng tỉnh. Tôi nhận ra mình đang bị phụ thuộc, mình đang là nô lệ cho cây nhíp. Có khác gì khi người ta lệ thuộc vào tiền, nô lệ cho tiền: có tiền thì vui, không tiền thì phát điên. Tôi không bị nô lệ cho tiền nhưng lại là nô lệ cho cây nhíp, thế có… nhục không cơ chứ? Và hôm ấy, lần đầu tiên tôi để mặc cho lông nách của mình được yên. Cũng tốt thôi vì Justin đi vắng, tôi có vài cái lông nách thì ai bận tâm chứ? Thật ra nếu anh ấy ở đây anh ấy cũng chẳng bận tâm. Chỉ có chúng ta luôn bận tâm về những nhỏ nhặt của mình nhiều đến nỗi nghĩ rằng cả thế giới cũng quan tâm đến nó.

Chỉ có chúng ta luôn bận tâm về bản thân mình nhiều đến nỗi nghĩ rằng cả thế giới cũng đang bận tâm về mình.

Sự thật là chẳng ai quan tâm về lông nách, cục mụn của ta. Thậm chí chẳng ai quan tâm chúng ta theo cái cách mà ta tưởng họ quan tâm đâu. Mọi người chỉ quan tâm chính mình và để làm điều ấy một cách không áy náy, người ta giả bộ quan tâm người khác. Thật!

Khi tôi chuyển về Bảo Lộc và quyết định lột xác, thay đổi bản thân từ trong ra ngoài, một trong những việc đầu tiên tôi quyết tâm làm là đi spa để triệt lông vùng nách. Tôi ở ngay trung tâm nên khá gần các spa, tôi chọn một cái gần nhất và đến tư vấn, thoả thuận giá cả liệu trình và bắt đầu thực hiện việc “làm đẹp” hiếm hoi trong đời này.

Mối thù với spa

Tôi từng ghét spa, ghét caí cách nó quá tập trung vào vẻ đẹp ngoại hình, đề cao ngoại hình lên hàng quan trọng nhất trong cuộc sống. Quảng cáo mà, nó phải làm vậy thôi. Rồi tôi cũng không ưa cái cách nó vẽ ra đủ mọi thứ để chiêu dụ người ta dùng dịch vụ. Nó tổ chức soi da khám da miễn phí như thể một ân huệ xong khi làm xong nó bảo bạn phải mua đủ thứ mỹ phẩm, làm đủ mọi liệu trình, rằng da bạn đang hư thế này, đang hỏng thế kia, đang tệ thế nọ, nó không bao giờ giúp bạn hài lòng với chính mình, không bao giờ và biết sao được, đó là cách nó tồn tại mà.

Spa dễ khiến người ta nghiện, nó làm cho người ta cảm giác đẹp hơn sau mỗi lần tới vì vậy người ta lại phải tới thường xuyên hơn. Hệt như phẫu thuật thẩm mỹ cũng khiến người ta nghiện vậy. Nó khiến bạn không bao giờ hài lòng với chính mình. Tôi là một kẻ hài lòng với chính mình, không thích nghiện thứ gì nên tôi luôn từ chối mọi lời mời đi spa kể cả khi nó miễn phí. Mỗi tháng tôi đều nhận những cuộc gọi đi tư vấn sắc đẹp, đi soi da, đi này đi nọ vì các trung tâm làm đẹp liên kết với trung tâm fitness mà tôi là thành viên. Điều đó thật phiền, mỗi lần tôi đều phải bảo họ là mình không có nhu cầu chăm sóc da hay gì cả, hãy đi mà mang cái phần quà tặng may mắn gì đó cho người khác đi. Vâng, mỗi tháng tôi đều nhận những cuộc gọi đó, sao mà mệt!

Thật ra tôi từng đi spa từ sớm vô cùng, từ cả chục năm trước đây, một lần và duy nhất. Sau nhiều năm ở Bảo Lộc tôi hoàn toàn mạnh khoẻ, không dị ứng gì cả nhưng chẳng hiểu sao sau một năm sống ở Sài Gòn, tôi về Bảo Lộc thăm nhà và phát hiện mình bị một thứ bệnh gọi là phong ngứa, hay dị ứng thời tiết. Mỗi khi trời quá lạnh và ẩm là toàn thân tôi mẩn đỏ, ngứa điên lên. Tôi có thể chống lại mọi cám dỗ, trừ việc ngứa. Khi ngứa là tôi sẽ gãi ngay lập tức bất kể biết rằng nó sẽ làm trầy da và gây ra sẹo. Sau những trận ngứa nhớ đời và gãi đã đời, người tôi trầy trụa và dần trở thành những sẹo thâm. Tôi ghét thấy cơ thể mình như thế nên lần nọ đã rút hết tiền tiết kiệm tầm mấy triệu đồng để đến một spa trong phố làm liệu trình trị sẹo thâm. Kết quả sau nhiều lần cà da, bôi kem bôi thuốc, tiền thì mất đã đành, sẹo thâm vẫn còn đó. Tôi thất vọng về spa vô cùng và mọi ảo tưởng về khả năng làm đẹp của spa hoàn toàn tan biến. Từ đó tới nay đã 10 năm, tôi chưa bao giờ quay trở lại bất cứ spa nào, dù cho để massage. Justin luôn rất ngạc nhiên khi chúng tôi đến những spa lớn cùng nhau và trong khi anh ấy thưởng thức các loại massage thì tôi không bao giờ làm bất cứ gì, kể cả khi anh ấy năn nỉ. Tôi chỉ đơn giản giải thích “Em không thích cảm giác người lạ chạm vào cơ thể mình.” Thế thôi và anh ấy hiểu. Anh ấy chỉ không biết tôi có một “mối thù” với spa.

Thế rồi thời gian gần đây do yêu cầu công việc, tôi tiếp xúc và tư vấn cho nhiều bạn học viên làm các công việc liên quan tới spa, làm đẹp. Tôi bắt đầu có cái nhìn khác, thiện cảm hơn và tôn trọng nó hơn. Tôi cũng gợi ý nhiều ý tưởng kinh doanh cho những bạn học viên của mình và chúng xem bộ rất hiệu quả, dẫu cho tôi chẳng đi spa bao giờ. Tôi thích ý tưởng giúp mọi người mang spa về nhà và đã tư vấn nó cho một bạn học viên. Ý tưởng này tôi muốn nhân rộng nó lên để cho mọi người cùng trải nghiệm. Họ vẫn có cảm giác thư thái hơn, đẹp hơn sau mỗi lần chăm sóc cơ thể nhưng chi phí không nhiều và đặc biệt không cần phụ thuộc vào các spa đắt đỏ bên ngoài. Chúng tôi phát triển một bộ sản phẩm spa tại nhà cùng nhau mà sẽ chia sẻ trong Học Viện Đầu Tư, chứ không phải ở đây.

Khiếp, đang nói về lông nách, thiền tự dưng sang spa rồi cái gì nữa đây không biết. Trở lại thôi.

 

Đang nói tới đâu nhờ, à chuyện tôi đi spa triệt lông nách. Tôi muốn làm một lần cho xong luôn, để bản thân không còn phụ thuộc vào cây nhíp. Nhưng đó chỉ là lý do phụ. Lý do chính là giờ đây tôi không còn phải phụ thuộc vào những cọng lông ấy để tìm cảm giác tập trung, vô suy nghĩ, thiền định nữa. Giờ đây tôi có thể đưa mình vào trạng thái vô suy nghĩ, thư thái gần như trong mọi hoạt động thường ngày rồi nên việc nhổ lông nách mỗi tuần đâm ra lại lãng phí thời gian. Tôi muốn thấy nách của mình luôn sạch sẽ và không bao giờ còn phải bận tâm về cây nhíp. Tôi muốn không là nô lệ của cây nhíp nữa. Đủ rồi.

Không còn mệt cái nhíp, tôi chuyển qua mệt với cái spa. Mỗi lần tới đó làm liệu pháp tôi lại phải đương đầu với những tình huống khiến bản thân có phần bực bội. Chuyện nhỏ thôi nhưng có lẽ do tôi khó tính quá, hoặc do tôi đang trong lúc muốn thinh lặng, tĩnh lặng mà các bạn ấy đúng kiểu nhân viên tư vấn cứ hỏi hoài, tư vấn hoài, mệt ơi là mệt.

Lúc thì “Chị cho em xin đánh giá.” Tôi cho 5 sao và “Chị cho em nhận xét” “Nhưng chị không có nhận xét gì, làm sao cho?” “Vậy thì thôi 5 sao cũng được rồi, em cảm ơn.”

Lúc thì “Chị tải app của spa em về điện thoại để theo dõi lộ trình và đánh giá cho dễ hơn nhé.” Tôi từ chối và tất nhiên nó kéo theo việc tôi phải giải thích rằng tôi không thích quá nhiều apps trong điện thoại, rằng điện thoại của tôi không có app nào cả, rằng tôi cũng không có nhu cầu theo dõi sát sao cái việc tẩy lông nách này làm gì.

Lúc thì “Bên em có chương trình soi da miễn phí, chăm sóc da miễn phí chỉ hôm nay, chị làm luôn không?” Tất nhiên tôi từ chối và lại kéo theo việc phải giải thích rằng tôi là người cuối cùng trên đời họ nên mời các dịch vụ vì đơn giản, tôi không phải người ham thích chuyện chăm sóc da, tôi thích da mình khoẻ tự nhiên và không thích phụ thuộc vào các loại mỹ phẩm.

Khi không phải chuyện dịch vụ thì lại chuyện về ngôn ngữ, khiếp hồn, sao lại có người khó tính như tôi vậy nhờ? Bạn nhân viên sẽ tư vấn này nọ và sẽ bảo “Bên em bảo hành dịch vụ này cho chị trọn đời đó. Nếu nó mọc lại, chị cứ đến đây bên em làm miễn phí cho.”

Tôi có thể im lặng khi ai đó hiểu lầm mình nhưng nếu họ đang gây hiểu lầm mà chính họ cũng không biết, thì tôi lại không kiềm được việc phải lên tiếng mà làm cho rõ. Tôi bảo “Em nên xem lại cái từ “bảo hành”, nó không đúng đâu. Bảo hành là khi người ta mua máy móc xong rồi, bên bán xong nghĩa vụ nhưng vẫn quan tâm thêm bằng cách nếu như máy có vấn đề thì khách sẽ được được sửa, thậm chí sữa miễn phí hoặc cho đổi trả. Nó như là dịch vụ cộng thêm. Còn đây là chị đi làm dịch vụ triệt lông, triệt tức là phải làm cho nó mất hẳn, nếu nó mà còn mọc lại, thì rõ ràng bên em chưa làm xong bổn phận, chưa làm tốt dịch vụ, thì trách nhiệm của bên em là phải làm cho nó xong chứ, không thể xem việc này như việc bảo hành hay dịch vụ cộng thêm được. Nó vẫn nằm trong dịch vụ mà chị trả tiền.”

Khổ thân. Khổ thân tôi một thì khổ thân cô bé nhân viên mười vì gặp trúng vị khách khó ưa như tôi. Đến tôi còn chẳng ưa nổi mình nữa là, vậy nên tôi mới chọn cách im lặng. Thế mà đời chẳng cho tôi im lặng, thế có bực không?

Trong một tháng vừa qua tôi hạn chế nói nhiều nhất có thể, trừ những trường hợp bắt buộc. Tôi chẳng bao giờ chủ động gợi chuyện hay bắt chuyện với ai, nhưng nếu họ bắt chuyện thì tất nhiên tôi trả lời chứ. Nhưng như vậy vẫn không đủ, tôi không cảm thấy thoả mãn.

Tôi trông đợi một khoảng thời gian khác, khi mà tôi thậm chí không cần trả lời bất cứ ai, không cần nói bất cứ gì, trong bất cứ trường hợp nào. Và không chỉ trông đợi, tôi biết nó sẽ tới sớm thôi.

Không chỉ muốn tự do khỏi cái nhíp, khỏi việc nhổ lông nách, tôi muốn tự do khỏi tất cả, kể cả mọi nghĩa vụ, trách nhiệm và sau cùng, tôi muốn tự do khỏi chính mình.

Ngày ấy đang tới, xuân đang tới, cỏ ơi xin hãy cứ mọc thật xanh nhưng lông nách ơi, đừng mọc thêm nữa nhé.

Chúng ta hãy chia tay nhau từ đây, một lần cho mãi mãi…

Phi Tuyet 2/11/2019

Mỗi khi viết xong bài nào đấy, dù bài vớ vẩn thôi, cũng cảm giác sung sướng như vừa nhổ được một cọng lông ra khỏi nách, khoan khoái vô cùng!

Cứ mỗi lần viết xong một ý tưởng, trình baỳ được nó ra, tâm trí như được tự do khỏi một gánh nặng hay một ám ảnh nào đó, khoan khoái vô cùng!

Cho nên những bài viết này chẳng có ý dạy bảo hay phê phán gì ai, nó đơn thuần là những chia sẻ mà tôi đang bị đầy ắp cần phải được xả ra, cần phải được giải phóng, được nhổ bỏ.

Tôi viết ra để làm nhẹ tâm trí mình, rất biết ơn nếu bạn đọc và thấy có gì đó giá trị, bằng không thì tôi đành xin lỗi vì phí thì giờ của bạn vậy.

Tôi không còn thích nhổ lông nách nữa nhưng viết lách đã trở thành việc nhổ lông mới của tôi. Một ngày nào đó khi không còn gì để viết, khi đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng khỏi mọi ý tưởng, tôi sẽ dừng viết. Đó sẽ là một cuộc “triệt lông” lớn nhất, một cuộc gỉai phóng lớn nhất, tôi sẽ tự do.

Giờ thì để tự do, tôi cần phải viết! Tôi không viết để được bạn yêu hay ghét, tôi không viết để thay đổi bạn hay thay đổi thế giới, tôi viết để quan sát sự thay đổi của chính mình.

Nếu bạn thật sự đọc đến tận dòng này, tôi biết ơn bạn, vô cùng!

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *