Lần cuối bạn đi bộ là bao giờ?
Lần cuối bạn đi bộ trong thảnh thơi không hối hả, thong thả không gấp rút, là bao giờ?
Tôi nhớ về thời thơ ấu của tôi khi thường xuyên đi bộ cùng đám bạn đến trường. Tôi không phải một học sinh thuộc loại can đảm, nổi loạn như Osho với những màn đối đáp bất hủ: “Em đi học trễ vì trên đường nhiều thứ thú vị quá, cả con sông đang sáng lên trong ánh nắng, đàn chim cúc cu hót véo von trên bụi cây, cả khu rừng rung rinh theo làn gió và nghĩ đến việc phải đến lớp để nhìn vào tấm bản đồ bẩn thỉu của các thầy cô, em không thể bước đi nổi, nên em đến trễ”. Không, tôi ước gì mình có thể can đảm như vậy, nhưng không.
Tôi không nhớ bất cứ lần nào trong suốt 5 năm tiểu học mà tôi đi học trễ cả, vì sợ bị phạt. Nhưng trên đường đi học về thì khác. Con đường từ trường về nhà chỉ khoảng hơn cây số nhưng tôi và đám bạn luôn mất cả tiếng đồng hồ, có khi còn nhiều hơn. Vì người ta quy định giờ đến lớp, chẳng ai quy định giờ phải có mặt ở nhà cả. Ít nhất tôi không bị dính kiểu quy định như vật vì một lý do đơn giản nhưng khá tuyệt vời: ba mẹ tôi quá bận rộn để mà quan tâm tôi đi học về lúc mấy giờ. Thật là một phúc lành.
Con đường đi học của tôi không giống như trong các câu chuyện thường hay miêu tả: đường làng quanh co với những bụi tre ri reo trong gió, cánh đồng thẳng cánh cò bay thơm mùi lúa chín, vài chú bò nằm nghỉ ngơi dưới tán cây bên cạnh ao sen nở rộ… Không, làng quê của tôi chẳng có lúa, chẳng có tre hay hồ sen gì sất, suốt cả dọc đường chỉ toàn cây cà phê và cà phê, thỉnh thoảng xen giữa hai khu vườn cà phê là một… vườn cà phê khác. Nơi đây chỉ toàn cà phê vì đây là giống cây làm nên kinh tế cho cả vùng. Thế nhưng đấy là trong mắt người lớn, còn trong mắt bọn trẻ con chúng tôi thì khác. Chúng tôi không bận tâm vườn cà phê mà quan tâm nhiều hơn tới những hàng rào cây phân cách giữa các vườn. Ở đó người ta trồng đủ thứ, khi thì hàng mít, khi thì hàng ổi, đu đủ, chuối, có khi hàng rào là cả một hàng dứa thơm ngon chín vàng nứt cả mắt, thơm ngào ngạt.
Lũ chúng tôi mùa nào thức ấy, đi học thường chuẩn bị sẵn sàng muối ớt cất trong cặp và quý túi muối ớt còn hơn cả sách vở. Tất nhiên rồi.
Sau mỗi buổi học, cả nhóm cùng làng lại đi cùng nhau, bày trò chơi đủ thứ, tâm sự đủ chuyện và nhất là khám phá cả vùng đất không sót một khoảnh đất nào. Chúng tôi biết nhà nào có cây ổi ngon và thậm chí biết cả khi nào chủ nhà đi vắng. Chúng tôi biết mùa nào thì đi ra khoảnh đồi hoang để săn sim, trân châu, mùa nào ghé bờ suối hái cơm nguội, mâm xôi. Chúng tôi “chăm sóc” cây mít, cây xoài của cụ bà sống một mình từ lúc cây ra trái non đã được hái chấm muối ớt, vùa cay vừa chát mà suýt xoa ngon lành. Thi thoảng có những buồng chuối chín mà chủ đất ở quá xa không biết cũng trở thành một bữa ăn khoái khẩu. Thích nhất là chuối còn ương ương, hơi ngòn ngọt hơi chát chát chấm muối ớt mới thích, chứ chuối chín kĩ quá ăn lại thấy chán òm…
Ôi tuổi thơ, nhắc lại tự dưng thấy thèm quá đỗi.
Ở cái vùng đất đỏ ba dan ấy, mùa mưa là một cực hình, một ác mộng cho bất cứ người lớn nào vì những con đường sình lầy lội, bùn đất nhão nhẹt bám riệt lấy bánh xe khiến cả người lẫn xe không thể nhúc nhích, dở khóc dở cười. Vậy mà lũ trẻ con chúng tôi khoái lắm. Đứa nào cũng luồn hai chiếc dép vào hai cổ tay rồi dùng đôi chân trần và khả năng thằng bằng để trượt theo những rãnh nước trơn tuột và thi xem ai… patin được xa hơn. Mỗi lần đi học về là mỗi lần quần áo, tóc tai, tay chân lấm lem bùn đất nhưng vui thì không tả được. Ấy vậy mà ba mẹ tôi cũng chưa một lần nào mắng chửi, lại cũng vì họ quá bận rộn. Thật quá đỗi phúc lành cho tuổi thơ tôi.
Đáng tiếc cho những đứa trẻ hiện đại luôn được đưa đi đón về bằng xe gắn máy, chúng sẽ không bao giờ có những kỉ niệm đẹp về thời học sinh la cà vui chơi khắp những con đường.
Khi lớn hơn, cũng như những đứa học xa nhà khác, suốt 4 năm cấp hai tôi đạp xe đi học dưới trời thiêu đốt nhiều cây số mỗi ngày. Con đường đi học trở thành nỗi ám ảnh, nỗi sợ hãi mệt mỏi chứ không còn chút gì là thú vui.
Lên cấp ba tôi chuyển đến ở gần trường để tiện đi học, vì gần quá, chỉ cách tầm dăm ba trăm mét nên việc đi bộ cũng chẳng có gì vui ngoại trừ dăm ba câu tán gẫu với vài đứa bạn. Đường đi ngắn quá, chuyện tán gẫu vì thế cũng nhạt thếch theo.
Nhiều năm sau đó, tôi quen với việc đi xe máy khắp mọi nơi, kể cả những quảng đường ngắn, hệt như đa phần mọi người bây giờ, từ đi lên giảng đường, đi chơi, đi làm… mọi thứ đều dùng xe máy.
Năm 2017 tôi ở Philipines một khoảng thời gian vài tháng, phương tiện bên đó chủ yếu là taxi hoặc tàu điện hoặc đôi khi là Jeepy – một loại “xe ôm ba bánh” đặc trưng của đất nước ngàn đảo. Tôi hẹn hò Mark và chúng tôi thường xuyên du lịch cùng nhau. Mark khoái khám phá phố phường nên tôi dù lười cũng bị anh ấy kéo theo lê la khắp phố. Việc đi bộ trở nên thường xuyên và quen thuộc hơn nhưng nó mang tính chất du lịch, nghĩa là bạn đi để tìm kiếm thứ thú vị, bạn đi với một mục tiêu cụ thể, có tính toán. Bạn không đi chỉ để… đi. Nói sao cho dễ hiểu nhĩ. Bạn thấy người đi khất thực chứ? Họ bước đi rất chậm rãi để xin đồ ăn, nhưng mục tiêu của việc đi khất thực không nằm ở chỗ đồ ăn, mà nằm ở việc tỉnh thức, nhận biết trong từng bước chân của mình. Họ đi chỉ để… đi. Đại loại như vậy. Kiểu đi bộ của tôi và Mark trong các chuyến du lịch tuy nhiều nhưng nó là chiều ngang, không phải chiều sâu. Bạn đi để khám phá những cái mới, bạn trông đợi mỗi con đường sẽ cho bạn những bất ngờ và nếu không có gì bất ngờ, bạn đổi hướng. Việc đi bộ này tuy mang lại niềm vui, nhưng cái vui ấy rất nhất thời, rất hời hợt. Nó giống như một công việc, không phải một thú vui. Tôi không khoái đi bộ nhiều lắm. Mark thường bảo tôi là lười biếng nhưng tôi không thể giải thích cho anh ấy được. Mà chính tôi cũng chẳng biết tại sao mình không khoái đi bộ, thì làm sao mà giải thích. Có lẽ đúng là tôi lười thật!
Rời Philipines về Việt Nam, tôi thở phào sung sướng vì đôi chân được phép nghỉ ngơi, không cần đi bộ nữa vì đã có anh bạn xe máy tiện dụng vô cùng.
Sự tiện dụng khiến chúng ta trở nên lười biếng. Tôi không nhận ra điều đó cho đến năm 2018, khi tôi nhận được lời mời làm việc tai Sài Gòn và quyết định nhận lời mời ấy.
Văn phòng công ty đặt ở ngay trung tâm quận một, bên hông Dinh Độc Lập trong khi tôi thuê một phòng trọ xinh xắn ở tận Bình Thạnh, cuối đường Lê Quang Định, phải nói khá là xa. Sở dĩ tôi phải thuê xa như vậy vì giá thuê hợp lý, chỉ 3,5 triệu/tháng/căn phòng nhỏ xíu trống trơn trong một căn nhà trắng tinh mà đối diện là cả một căn villa to vật vã với thảm cỏ kim xanh rì, hồ bơi lớn và bể cá Koi hàng trăm con tung tăng bơi lội. Nếu tôi thuê phòng ở quận một thì ít nhất cũng 8-9 triệu/tháng, quá nhiều so với một cô gái lần đầu đi làm thuê như tôi.
Vì là lần đầu tiên đi làm được trả lương chính thức và được sống cuộc sống của một cư dân thành thị, điều tôi luôn tò mò bấy lâu, cộng thêm tính muốn trải nghiệm mọi thứ nên tôi đã biến con đường đi làm thành một sân chơi của những loại hình vận chuyển. Ban đầu tôi bắt dùng các apps xe ôm công nghệ, sau đó chuyển qua thử đi bus và cuối cùng là mang xe máy từ Bảo Lộc xuống để chủ động hơn trong việc di chuyển đi làm, hẹn hò, đi chơi.
Mỗi ngày bắt Grab hay Bee hay Goviet, tôi đặt mục tiêu phải nói gì đó hay làm gì đó khiến cho những bác tài xế cười nhiều hơn, vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn và có tâm trạng tốt hơn để bắt đầu ngày làm việc mới của họ. Điều đó cũng khiến cho ngày mới của tôi luôn được khởi đầu bằng một nguồn năng lượng thú vị hơn.
Việc đi xe máy cũng có cái thú vui của nó, tôi có thể dừng dọc đường mua hoa, mua trái cây bất cứ khi nào mình thích và đặc biệt, tôi thường thiền trong lúc lái xe, đó là một cảm giác rất tuyệt vời. Tay vẫn cầm lái, chân vẫn sẵn sàng thắng hay vào số, đầu óc vẫn tỉnh táo lạ thường nhưng tuyệt nhiên cảm giác như chiếc xe đang tự lái, không phải tôi. Mỗi khi nói ra điều này ai cũng bảo tôi điên, làm gì có chuyện không chú ý mà vẫn lái được, rồi thì nguy hiểm, lỡ vượt đèn đỏ hay kẹt xe… Thật khó để giải thích nên dần dà tôi chẳng thèm giải thích, chỉ mỉm cười rồi tiếp tục an nhiên tận hưởng cảm giác vô cùng thư thái thong dong trên chiếc xe cub ngầu đời của mình. Chiếc xe cub cho tôi cảm giác như tôi đang làm chủ đời mình, không cần phụ thuộc ai, nhờ vả ai và nhất là không bỏ lỡ những điều nhỏ bé thường ngày mà tôi yêu thích: một xe bán dừa thơm bên đường, chị trái cây hôm nay có quả gì trông lạ thế, một bác gái đẩy chiếc xe bán món bánh khoai mì nướng thơm phưng phức… những thứ này khi tôi đi xe ôm công nghệ hay xe bus đều không tận hưởng được.
Trước khi mang xe máy xuống Sài Gòn, tôi có một thời gian đi xe bus và quả thật không thể tin được đi bus lại tuyệt thế. Đặc biệt khi bạn đi đường xa, xa cỡ Bình Thạnh vào Quận 1, chỉ cần bắt đúng chuyến là thong dong ngồi thư giãn chẳng cần lo lắng gì chuyện mưa gió, kẹt xe, ngập lụt hay bất cứ gì. Tôi thật sự thích xe bus ngoại trừ việc đôi khi phải đợi quá lâu và chuyến xe sáng thường quá đông sinh viên đi học và những người già đi khám bệnh. Thành phố nhìn từ xe bus rất khác biệt, nó có chất thơ riêng và nét đẹp riêng. Một lý do khác khiến tôi muốn đi xe buýt vì tôi muốn thử phong cách sống của một cư dân thành thị đúng điệu: ở tỉnh rìa, bắt xe buýt đi làm, bận đồ đẹp, đi bộ đến văn phòng… Vâng, đây mới là điều tôi muốn nói tới.
Trong toàn bộ khoảng thời gian bắt xe buýt đi làm, điều tôi mong chờ nhất là đoạn đường đi bộ sau khi rời xe buýt. Tôi thường xuống xe ngay gần hồ Con Rùa, đi bộ vài chục mét rồi ghé quán cafe Passio màu xanh khiêm tốn, gọi cho mình một tách cappuccino nóng hổi và rồi đọc vài trang sách – đấy là nghi thức rất “thành thị” mỗi sáng của tôi. Sau khi xong tách cappu tôi sẽ đi bộ tầm 15 phút để đến văn phòng. Đoạn đường này thật đẹp, hai hàng cây xanh rì phủ bóng mát suốt cả ngày. Tôi yêu cây, tôi thích cảm giác đi bộ dưới những tán cây và cảm nhận tình yêu của mẹ thiên nhiên thật ngọt ngào. Thế rồi từ khi nào chẳng biết, tôi nhận ra mình thiền trong lúc đi bộ trên đoạn đường ấy và đó quả thật là một trải nghiệm tuyệt vời. Thiền ở đây bạn cần hiểu vì từ này có nhiều sắc thái nghĩa khác nhau. Đối với nhiểu người, thiền là ngồi im không động đậy, mắt nhắm, tập trung hít thở… Đây là kiểu rất… truyền thống và nhàm tẻ nữa.
Thiền đối với tôi chỉ đơn giản là những khoảnh khắc khi bạn nhận ra mình trống rỗng, không có một suy nghĩ gì, tỉnh thức nhưng không suy nghĩ, nhận biết nhưng không suy nghĩ, ngạc nhiên nhưng không suy nghĩ, ghi nhận mọi thứ nhưng không suy nghĩ… và tất cả những khoảnh khắc không suy nghĩ ấy khiến cho thời gian như ngừng đọng, không gian cũng như ngừng đọng, bạn cảm thấy an yên ngập tràn, phúc lạc ngập tràn.
Tôi trải qua không biết bao nhiêu khoảnh khắc như thế mỗi khi đi bộ dưới những tán cây trên con đường đông đen người qua lại. Đó là một cảm giác không chỉ gây mê đắm, mà còn gây nghiện nữa. Một khi bạn được nếm thử hương vị của một chiều kích khác của cuộc sống, bạn cứ muốn tìm nó thêm lần nữa, rồi lại lần nữa.
Tôi còn nhớ những khoảnh khắc khi mình đang dạo bước bỗng nhận ra đầu mình trống rỗng, suy nghĩ tan đi mà cơ thể mình cũng như tan đi. Tôi bước đi mà chẳng cảm nhận được mình đang bước đi, cứ như thể thân thể là của một ai khác. Rồi thi thoảng một cơn gió mạnh tràn đến thổi những những quả chò-vò với hai cánh mỏng đồng loạt rụng khỏi thân cây, xoay tít trong không khí như hàng ngàn chiếc chong chóng nhỏ. Cảnh tượng mê ly ấy tôi dừng bước và rồi tôi thấy mình chỉ đứng lặng yên ngắm nhìn trong mê mẩn. Cả dòng xe cộ tấp nập càng khiến cho cảnh cô gái đang đứng yên bất động trở nên “tĩnh” hơn bao giờ. Tôi cứ đứng nhìn những cảnh tượng như thế cho tới khi tâm trí quay trở lại, sực nhớ ra mình phải đi làm và rồi tiếp tục bước đi. Đôi khi chỉ cảnh tượng những chiếc lá khô rụng khỏi cành, bay bay trong gió trước khi chạm mặt đất cũng khiến tôi mê mẩn, thật kì lạ. Những lúc khác thì tiếng chim hót gọi nhau trên những tán me; hay một làn gió nhẹ vô tình đưa hương thơm của bụi hoa lài ngập tràn không khí; đôi khi là những giọt nước mưa từ đêm hôm trước đang đọng trên những chiếc lá chưa kịp tan đi, bị ánh nắng chiếu vào long lanh phát sáng… những thứ rất nhỏ bé, rất đời thường như vậy cũng đủ hớp hồn tôi khá lâu.
Tôi yêu quý khoảng thời gian đi làm ấy của mình rất nhiều, không chỉ bởi văn phòng đẹp, công việc thú vị, sếp tốt, đồng nghiệp dễ thương… Thât ra, so với họ, tôi yêu quý họ nhưng nếu nói nhớ, tôi không nhớ nhiều lắm, thậm chí chẳng nhớ chút nào nếu không có dịp ngồi viết lại thế nào. Nhưng kì lạ thay, những khoảnh khắc của vô trí, của nhận biết, của thiền chỉ xảy ra trong khoảnh khắc thôi nhưng lại đeo bám tâm hồn tôi một cách dai dẳng đến mức chính tôi cũng không thể ngờ.
Sau đó tôi lại trở về với luân-hồi-xe-máy của mình, cho tới tận vài tuần trước. Khi tôi về Bảo Lộc và bắt đầu hành trình sống khác, sống chậm, sống thiền của mình. Tôi quyết định dẹp xe máy đi để đi bộ nhiều hơn, dù là đi chợ mua đồ ăn, đi tập yoga hay đi dạo loanh quanh xem trong xóm có gì – tôi quyết định đã đến lúc để làm một thứ gì đó mới. Đi bộ thì không mới với tôi, nhưng lần này, tôi đi bộ với một tâm thức mới: Đi để nhận biết, đi để thưởng thức, đi để khám phá, đi để yêu thương, đi để trân trọng và đặc biệt, đi để tìm lại chính mình, chính xác hơn là tìm lại sự nhận biết về chính bản thân mình, để biết rằng tôi đang sống, để tìm lại sự kết nối với những gì tôi từng bỏ qua. Và kìa, một thế giới khác mở ra trước mắt tôi, đẹp đẽ vô cùng.
Tôi phát hiện ra vô vàn điều thú vị xung quanh nhà mình, trong xóm mình, trên đường từ nhà đến lớp yoga hay ra chợ. May mắn của tôi là mọi thứ đều gần loanh quanh, chứ nếu mà xa quá có lẽ tôi đã không ở đây viết những dòng này. Kì lạ ở chỗ những chuyến đi bộ này mang tôi về lại thời thơ ấu của mình với đầy ắp những cây ăn trái ngọt lành. Tôi phát hiện ra một vườn trái cây với những trái ổi vàng óng to tròn đong đưa trong nắng của một bác khá gìa. Mỗi lần đi tập yoga ngang qua vườn ổi tôi lại không khỏi suýt xoa. Bạn có biết một thứ hạnh phúc được gọi là “nhìn-hái-ăn hoa quả chín trên cây” không? Tôi rất biết nó vì chính tôi vừa gọi tên nó. Tôi thường ngắm nhìn những quả ổi đến nỗi bác nông dân đã phải gọi tôi lại tặng cho một trái vì “thấy cô ngày nào cũng ngắm” – thật xấu hổ. Chưa hết, tôi phát hiện quanh khu nhà mình rất nhiều những người già về hưu và bạn biết đấy, người già về hưu thường thích chăm sóc cây cối, hoa cỏ. Tôi phát hiện ra một nhà kia có một bụi dâu tằm rất cổ thụ, trái ra rất nhiều nhưng không ai thèm ăn và thế là tôi thường thấy mình đứng bên hàng rào nhà đó, si mê hái trái, phủi kiến và ăn ngon lành thứ quả chua chua ngọt ngọt màu tím rịm giống quả cơm nguội, mọng nước giống mâm xôi nhưng vị lại chẳng giống loại quả nào. Tôi luôn cho rằng hoa và quả là hai món quà quý giá mà Thượng đế ban thưởng cho con người. Mỗi khi nhìn thấy trái cây, đặc biệt trái ở trên cây, là tim tôi lại không dừng được xúc động và tay tôi cũng khó mà dừng hành động.
Cách nhà dâu tằm vài căn, phía sau hàng rào nhà kia có một bụi sim chao ôi là lớn, cành lá đâm vươn ra ngoài hàng rào đầy những quả sim tím chín mọng. Tôi gỉa bộ đứng dưới tán lá sim và ních cho đầy một bụng loại quả từ thời ấu thơ này.
Nhà đối diện nhà sim thì có một hàng đu đủ chín đầy cây mà chẳng ai thèm hái. Chúng ở quá xa tầm với nên tôi đành… bó tay, lòng nghĩ đến món đu đủ ương xào lòng gà rắc thêm sợi lá chanh của mẹ mà chảy nước miếng đánh ực. Hoa quả chín không cho ai ăn là một tội, tội của sự phí phạm món quà của Thượng đế.
Những hôm rảnh rỗi, tôi đi lang thang sâu hơn một chút xuống phía thung lũng gần nhà và thật không ngờ, thêm một thế giới khác nữa mở ra. Một con hẻm cụt nhỏ xíu mà xanh rì rì và có tới mấy nhà hàng hồ cá. Một trong số đó nghe bảo khá nổi tiếng với đồ ăn ngon rẻ và không khí thoáng mát nên thơ.
Tôi đi dạo xuống xem hồ cá thì phát hiện ra cả một vườn địa đàng trên đường xuống hồ. Nhà ai đó chăm sóc cây ăn trái quá mát tay nào măng cụt chi chít trên cành, dưa gang mập tròn treo lủng lẳng, nào ổi, xoài, cóc, khế đang chín trên cây, ngay cả thứ quả rất hiếm như bòn bon cũng đang treo mình lủng lẳng chờ chín. Thật tuyệt vời.
Cũng nhờ những chuyến đi lang thang vô định ấy mà tôi phát hiện ra quanh nhà mình thật không thiếu thứ gì, cứ như một địa đàng thu nhỏ, này cây ăn trái trĩu quả, này hồ cá bơi lúc nhúc, này nhà hàng sân vườn mát mẻ suối chảy róc rách, này những tán cây xanh rì phủ bóng cả con đường…
Không chỉ cây ăn trái, tôi dần quen cả những… chú chó trong các ngôi nhà bên đường. Chú chó nào hạnh phúc được chạy nhảy tự do, sủa ầm ĩ khi đuổi theo đám gà, chú chó nào lười biếng cả ngày nằm một chỗ phơi nắng, chú chó nào đáng thương bị chủ xích trong cũi cả ngày lẫn đêm, chán ngán cuôc sống đến mở miệng ra sủa cũng thấy như không còn hơi sức. Vâng, tôi dần làm bạn với cả lũ chó mèo trong xóm và chuyện kì cục là đôi khi tôi không hay chào con người, nhưng lại thích chào hỏi những con chó của họ mỗi lần thấy chúng. Tôi cảm tưởng như chúng cũng chào tôi.
Rồi tôi cũng thấy cả những con người xung quanh với cuộc sống bình dị của họ nữa, rõ nét và đáng quý, chân thực nhưng rất đáng yêu: một cặp vợ chồng trẻ cùng nhau bán hàng tạp hoá, một cặp vợ chồng già cùng nhau nướng thịt bán cơm – thật bình yên; một cụ bà ngồi trước hiên nhà phơi nắng; một người mẹ trẻ tất bật vừa khiêng những quầy dừa nặng trịch vừa chỉ cho cô con gái nhỏ đang ngồi cạnh bên viết bài, một đôi rất trẻ bày biện dăm ba cái ghế nhựa bán món bánh tráng nướng và trà tắc mới dăm ba ngày nay, một anh thanh niên đang nặn những viên bột khoai chiên bánh với mồ hôi lấm tấm trên vầng trán… Nói chung là khi đi bộ, bạn có nhiều thời gian hơn để quan sát những người lao động bình dị làm công việc kiếm sống của họ. Cũng là những hành động rất thường ngày, rất bình dị thôi nhưng khi bạn đi xe máy bạn sẽ bỏ qua tất cả. Ai bận tâm? Còn khi đi bộ, bạn có nhiều thời gian hơn để quan sát, để cảm nhận và dần dà bạn sẽ nhận ra có gì đó toát ra từ sâu bên trong những hành động đó. Bạn nhận ra nhiều cảm xúc bạn chẳng hề để ý trước đây trong từng hành động của người xung quanh. Bạn thậm chí còn đọc được năng lượng mỗi ngày của mỗi người: cô tạp hoá hôm nay trông không vui, chú nước mía sao bữa nay cứ tủm tỉm cười, cụ già bán cam bên đường dường như đang lo âu chuyện gì đó… Những cảm xúc ấy khi bạn nhận ra, bạn thấy chúng đáng yêu và quý hoá vô cùng, hệt như những quả chín cây vậy. – quả cảm xúc, mỗi loại đều có hương vị khác nhau, có thứ khiến bạn vui nhưng cũng có cảnh khiến bạn buồn. Nhưng chung quy cả vui và buồn sẽ làm cho hương vị cuộc đời bạn phong phú. Không có nỗi buồn, người ta khó lòng mà trân trọng những niềm vui.
Dần dà việc đi bộ loanh quanh trở thành việc yêu thích của tôi mỗi ngày. Nó giống như một chuyến du lịch nhỏ giúp tôi khám phá không chỉ thiên nhiên, cảnh vật mà cả con người nữa.
Hoá ra cuộc sống xung quanh chúng ta luôn đầy ắp những điều tuyệt diệu, chỉ là chúng ta đã quá bận rộn, quá hối hả và quá vô tâm đóng đôi mắt của mình khỏi những điều nhỏ bé ngọt lành ngay xung quanh, vì chỉ chăm chăm để nhìn vào những thứ xa xôi, xa như những vì sao trên trời mà không biết rằng, một ánh nến thắp lên ngay trong nhà mình cũng đủ mang lại ánh sáng nhiều hơn cả những vì sao.
Tôi chăm đi bộ hơn bao giờ vì qua việc đi bộ, một thế giới mới mở ra. Mà không, thế giới vẫn như thế, chỉ có một đôi mắt khác mở ra trong tôi. Một đôi mắt khiến tôi nhìn đời khác đi, thong dong hơn, bình thản hơn, trân trọng hơn những điều nhỏ bé tốt đẹp xung quanh mình.
Tôi viết dài đến như vậy rồi, sẽ làm bạn cân nhắc đến chuyện thử làm một chuyến đi bộ xem sao chứ?
Sắp tới, cụ thể chỉ vài ngày tới, tôi sẽ tham gia một chuyến đi bộ xuyên rừng, gọi là trekking, đoạn đường dài hơn 20km từ Lâm Đồng tới Bình Thuận. Một cung đường khá nổi tiếng nếu bạn là người ưa khám phá. Tôi đăng kí chuyến này vì nhiều lý do, một trong số ấy là muốn mang lại tâm thức khác hơn nữa cho việc đi bộ của mình. Sẽ kể lại với bạn sau nhé.
Hẹn gặp lại!
Namaste…