“Tôi là người đưa thư…”
(là tên bài viết tôi viết đã lâu rằng sứ mệnh của tôi là truyền thông điệp của Osho đi khắp thế giới, lẽ nào tôi thật sự là Sohan?)
Đó chỉ là một cảm giác, một cảm giác mung lung nhưng ám ảnh tôi không dứt kể từ ngày tôi đặt bút dịch bài viết đầu tiên về cuộc đời của Osho, một ngày của năm 2015. Cảm gíac ấy khởi lên ngay từ lúc tôi thấy năm mất của ông ấy là 1990, chính năm tôi sinh ra đời. Từ lúc ấy thứ cảm giác mung lung ám ảnh ấy cứ lởn vởn quanh tôi và theo tôi trên từng trang sách dịch cho tới từng sự kiện diễn ra trong đời.
Tôi có cảm giác rằng kiếp trước tôi đã ở Ấn Độ, đã là một sannyasin của Osho, đã ngồi trước ngài để nghe như uống những lời kinh đau, nhưng ngọt ngào. Và có lẽ tôi không phải người thông minh cho nên tôi đã không kịp “ngộ” khi Ngài còn ngồi đó. Nhưng bằng cách nào đó tôi nhìn ra rằng sứ mệnh của tôi là người đưa thư, người mang thông điệp của Ngài đi khắp mọi nơi. Thông điệp trong những cuốn sách thì nhiều người làm rồi nhưng thông điệp qua những câu chuyện hài hước, thông minh, dung dị trong đời sống của Ngài, tôi sẽ lãnh phần trách nhiệm đó.
Vâng, thứ cảm giác rằng kiếp trước của tôi đã ở cùng Ngài rất mung lung nhưng vô cùng mạnh mẽ, ngày càng mạnh mẽ đến nỗi giờ nó không chỉ đơn thuần là một cảm giác. Nó trở thành việc tin và rồi việc biết. Tôi biết thế. Cứ mỗi khi dịch tới những câu chuyện có các nhân vật được nhắc tới, tôi lại tự hỏi tôi có phải là người trong câu chuyện không. Ví dụ khi dịch tới đoạn một anh sinh viên đã thu thập tất cả những câu chuyện cuộc đời của Ngài thành tập Osho’s life and teaching, tôi lại tự hỏi liệu tôi có phải là anh sinh viên đó?
Cả chiều nay tôi đọc cuốn sách “Thiền: Điều huyền bí và thơ ca của cõi bên kia” trong bài giảng Osho có nhắc về một nhà tâm lý học tên Brian Weiss, tôi hơi giật mình, liệu tôi có phải là cái ông Weiss đó? Bởi vì người tôi yêu sâu sắc nhất, tình yêu tâm linh của tôi, anh ấy cũng mang họ Weiss, một cái họ Do Thái. Tôi nhìn thấy nhiều điểm chung của mình và ông ấy: ông là nhà tâm lý học nhưng đã nhìn thấy sự vô nghĩa của tâm lý học, tôi cũng không thích tâm lý học một chút nào, kể cả khi J. Weiss người tôi yêu, anh ấy là một chuyên gia tâm lý học, chuyên gia NLP. Ông Brain Weiss này viết nhiều cuốn sách về luân hồi tiền kiếp, tôi đang viết một cuốn sách cũng về chủ đề này mà tôi tạm đặt tên: “Và tôi thấy luân hồi”. Ông Weiss viết sách, tin vào luân hồi dù đạo Do Thái của ông không cho phép tin điều đó. Tôi cũng tin vào luân hồi dù Đạo Công giáo gia đình tôi không chấp nhận điều này… Những điểm giống nhau này khiến tôi ngay lập tức với chiếc điện thoại để xem ông Weiss này chết năm nào, liệu ông ấy có chết trước khi khi tôi sinh ra?
Thật thở phào nhẹ nhõm làm sao khi biết rằng ông ấy vẫn đang còn sống. Nghĩa là tôi không phải ông ấy, chúng tôi không liên quan. Thâm tâm tôi cũng không muốn tin rằng kiếp trước tôi là người Do Thái nhưng nếu tôi từng ghét tâm lý học vì thấy sự vô nghĩa của nó thì điều này giải thích rất nhiều điều.
Tối 19/02/2020
Tối nay, tôi dịch sách tới đoạn Osho luôn yêu thích vườn và có một người thợ làm vườn rất giỏi. Tự dưng tôi nhìn cuộc sống của mình, sự yêu vườn của mình, bất chợt tôi nghĩ hay có khi kiếp trước tôi chính là người làm vườn của Osho? Bởi vì Osho nói rằng dù sống ở bất cứ đâu, ông ấy không thể sống thiếu những khu vườn đẹp và tôi cũng vậy. Ngôi nhà nhỏ bé của tôi cũng luôn được chừa diện tích để làm một khu vườn bé xinh với cỏ hoa, tiếng chim và ánh nắng.
Tôi nở nhẹ một nụ cười khi nghĩ đến ý tưởng tôi từng là người làm vườn cho Osho.
Thế rồi ngay sau câu chuyện về khu vườn, tôi đọc tới đoạn những bức thư mà Osho viết. Ông ấy nói rất nhiều, giảng rất nhiều nhưng cực kì ít viết vì khi giảng, ông ấy có thính giả, có đối tượng cụ thể để nghe, ông ấy không viết sách vì viết sách cho ai? Ông ấy không biết ai sẽ đọc và nó không còn là một cuộc đối thoại thân tình nữa khi người viết và người đọc không quen biết nhau. Ông ấy ít viết nhưng nếu phải viết thì chỉ là những bức thư cho người thân, bạn bè hoặc những người thân tín.
Tôi cũng là một người thích viết thư tay, cái thời đại số này nhưng tôi vẫn yêu thư tay và vẫn tìm mọi cơ hội để thư tay được sống lại thời kì huy hoàng của nó. Tôi lập hội viết thư tay từ nhiều năm trước, tôi vẫn nhận thư tay của độc giả gửi cho tôi, những bức thư đầy ấm áp yêu thương. Tôi vẫn nhận được thư tay đều đặn từ cậu bạn Lờ Đờ dù thư đôi khi chỉ là những dòng rất ngắn. Tôi viết thư khi không thể tâm sự với mẹ. Tôi viết thư để thổ lộ tình cảm của mình với người tôi yêu thương nhất. Những bức thư tôi vẫn còn giữ trong ngăn tủ kỉ niệm của mình. Tôi mở workshop Học viện Phù Thuỷ và cùng mọi người viết rất nhiều thư tay: viết cho bản thân, cho người yêu, cho gia đình, cho toà soạn báo và giúp họ gửi chúng đi. Không chỉ thích viết thư tay tôi còn giúp nhiều người cũng bắt đầu yêu việc viết này. Vâng, tôi là người thích viết thư tay như vậy đấy. Vậy nên khi đọc tới những bức thư Osho đã viết, đặc biệt ông ấy viết rất nhiều cho một người tên Sohan- một người phụ nữ được xem như đệ tử hết lòng nhất, đọc bức thư ông ấy viết cho Sohan, nước mắt tôi tự dưng rơi lã chã. Cảm giác mạnh thế, rằng tôi đã từng là cái cô Sohan đó, rằng ông ấy đã viết thư cho tôi, rằng vì ông ấy mà tôi yêu những bức thư tay nhiều như vậy. Tôi đọc bức thư mà thấy như ông ấy viết cho chính mình.
Thư mở đầu rằng:
“Đêm qua khi những cái đèn được bật lên và lại thêm nhiều đèn được bật lên trong khắp phố, tôi đã nghĩ: Sohan của tôi ở đâu đó chắc cũng đang bật lên những cái đèn, và trong những cái đèn đó, có những đèn cô ấy chỉ dành cho tôi. Và tôi bắt đầu nhìn thấy những cái đèn mà cô đã thắp cho tôi, tình yêu như ánh sáng bên trong những chiếc đèn luôn được thắp sáng….”
Bạn biết điều kì cục là gì không? Ngay lúc tôi đọc những lời này, nước mắt tôi rơi lả chã, rơi không dừng được, không kiểm soát được, kể cả nước mũi. Có gì đó như ánh sáng vừa chạm một cái thật nhẹ vào sâu tâm hồn tôi đến nỗi không chỉ dừng ở tâm hồn mà đi vào tới linh hồn. Tôi nhìn ra xung quanh: nhà tôi tràn ngập những cái đèn, những cái đèn bàn làm bằng tre và đủ chất liệu, những cây đèn vàng ấm áp và kể cả dàn điện lấm tấm đủ màu ngoài khu vườn. Để tôi đếm, ngay lúc này không kể bóng típ và dàn đèn lấm tấm trong vườn thì nhà tôi có 15 cây đèn như thế, 5 trong số chúng đang được bật toả ánh sáng vàng ấm áp sắp xung quanh tôi. Tôi yêu đèn, đèn vàng mà đặc biệt là đèn bàn. Tôi không thể dừng việc mua đèn và thắp đèn sáng khắp nhà như thể đủ ánh sáng cho cả một khu phố… Và đây, Osho viết một bức thư cho Sohan nói về những cái đèn… Mới hôm qua tôi cũng nhận được những bức thư inbox từ các độc giả, họ nói rằng nhờ tôi mà họ biết đến Osho và nhờ những thông điệp của Osho mà đời họ được giải thoát. Họ cảm ơn tôi đã giúp họ biết tới Osho, tôi cảm ơn họ vì đã đón nhận những câu chuyện và thông điệp này. Lẽ nào đây mới là những “cây đèn” thật sự tôi đang thắp cho Osho, với tình yêu sâu sắc mong góp phần giúp cho thật nhiều cây đèn tự thắp lên ánh sáng bên trong chính mình?
Ngay lúc này, chỉ nghĩ và viết lại, nước mắt tôi lại tự động rơi ướt cả trang giấy. Tội nghiệp cái gối, nó dính đầy cả nước mũi của tôi. Những giọt nước mắt này, nó không phải là cảm giác hạnh phúc, nó cũng không phải cảm giác buồn. Chỉ là một cảm giác mênh mang, mênh mang, cực kì xúc động, cực kì trống rỗng và rất bình an.
Có lẽ, tôi đúng là Sohan (!)
19/02/2020
Namaste