Thuật Tiên Tri

Tôi là Nhà Tiên Tri?

Thật kỳ lạ!

Năm ngoái tôi mở những khoá workshop về Nghệ thuật Đầu Tư Thông Minh cho người trẻ do chính tôi thiết kế và hướng dẫn.

Sau đó tôi có các học viên khác cả trong và ngoài nước, từ doanh nhân tới bác sĩ và đặc biệt một bạn Grab-er muốn thay đổi cuộc đời nữa. Mọi ca khác tôi đều thành công, mọi người rất hạnh phúc với khoá học. Riêng ca với bạn grab-er này là ca mà tôi thất bại vì lý do đơn giản tôi không thể “tẩy não” người không muốn/không thể tự “tầy não” chính mình. Bạn ấy quá dính mắc và đắm chìm trong các những định kiến cũ đến nỗi không thể vượt qua nổi môn học đầu tiên đến nỗi tất cả các môn sau dù cố bao nhiêu cũng không hiệu quả nữa.)

– Vậy môn đầu tiên này là gì?

– Tôi gọi nó là Thuật Tẩy Não.

– Vậy Thuật Tẩy Não là gì?

Môn Tẩy Não chia làm hai mảng:

– Mảng một: lý giải cách thức tâm trí bạn vận hành và cả lý do tại sao nó vận hành như vậy. Não bạn hoá ra đã bị vấy bẩn từ lúc bạn còn là đứa trẻ cơ. Tẩy não thật ra chỉ là hành động xoá đi những vết bẩn đó, trả lại cho bạn sự tinh khiết và một đôi mắt trong veo để nhìn cuộc đời đúng với bản chất của nó. Bản chất của nó lại do chính tâm trí của bạn tạo ra (sau time dài bị xã hội ước định) chứ không ai khác cả.

– Mảng hai: Sau khi hiểu cách thức thế giới, xã hội và tâm trí vận hành, bạn sẽ học được cách để Tự Tẩy Não chính mình và bắt đầu hành trình kiến tạo một cuộc sống mới như bạn muốn.

Bài tập trong mảng hai này gồm các câu hỏi mở buộc học viên phải động não, phải thay đổi tư duy, phải sáng tạo, phải nghĩ về những thứ họ chưa từng nghĩ về và tìm cách để biến nó thành hiện thực.

Một trong số các câu hỏi là:
– Làm sao để các trường học truyền thống biến mất?
– Làm sao để các chợ truyền thống biến mất?
– Làm sao để bệnh viện biến mất?
– Làm sao để các nghĩa trang xấu xí lạnh lẽo biến mất?

Phản ứng ban đầu của mọi người thể hiện rất rõ tư duy của họ: làm sao mà làm được, chúng quan trọng mà, tôi không muốn chúng biến mất…
Thế rồi tôi phải nhắc lại cho họ đây là Thuật Tẩy Não, hãy ném hết lý do và tư duy cũ đi, để đặt mình vào tình thế mới và tìm cách giải quyết.

Tôi phải giúp họ biến hoá câu hỏi một chút, như sau:
– Mục tiêu của trường học là giáo dục, vậy làm cách nào người ta có thể thực hiện việc giáo dục các thế hệ trẻ mà chúng không cần phải đến một nơi cố định như trường học?

– Mục tiêu của chợ là mua bán trao đổi hàng hoá, vậy làm sao người ta có thể mua bán hàng mà không cần đến chợ chút nào?

– Mục tiêu của bệnh viện là chăm sóc sức khoẻ vậy làm sao để mọi người có sức khoẻ tốt hoặc được chăm sóc sức khoẻ tốt mà không cần đến bệnh viện?

– Mục tiêu của nghĩa trang là nơi chôn cất vậy làm sao để chôn cất người chết theo một cách khác không lạnh lẽo u ám, không lãng phí tài nguyên (chặt cây lấy gỗ và lấy chỗ chôn người)?

Sau khi tôi giải thích và lật lại câu hỏi theo cách này, mọi người thường ồ lên và thi nhau “hiến kế”.
– Dạy học tại nhà, home-schooling, giáo viên part-time mọi lĩnh vực, khi mọi cha mẹ trong xóm/khu chung cư… cùng nhau hợp tác, phân chia thời gian và năng lực để cùng dạy các con… là những cách để trường học không còn cần nữa.
– Các chợ online; siêu thị mini; mô hình thực phẩm trực tiếp từ trang trại tới bàn ăn; cùng nhau nuôi trồng thực phẩm và chia sẻ với nhau trong khu vực toà nhà, khu dân cư, xóm làng… là những cách để không ai còn cần đi ra chợ nữa.
– Bác sĩ tại gia; các chương trình phổ cập y tế chính thống trên mọi phương tiện truyền thông, giáo dục ý thức người dân; các phương pháp chữa bệnh hiện đại lẫn truyền thống; quy định đóng phí sk khi khoẻ mạnh và được miễn phí chữa bệnh lúc ốm đau; khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp trại thiền để chữa các bệnh xuất phát từ tâm trí (70%)…. là những cách thức có thể làm cho bệnh viện biến mất. Biến mất là từ tương đối. Nôm na là biến hình thành những mô hình chăm sóc sức khoẻ mới năng động hơn, thích hợp hơn và hiệu quả hơn.

– Nghĩa trang là nơi chôn người chết, một người chết nghĩa là vài cây cũng phải chết theo vì bị chặt hạ để làm quan tài. Vậy nếu như hoả táng (tôi không rõ hoả táng thì là bằng củi hay chất đốt gì) hoặc có cách chôn người chết sao cho một người chết = thêm một cây thế thì thế giới sẽ sớm lên xanh tươi trù phú, chẳng phải sao? Hoặc bằng việc chôn trực tiếp người chết dưới đất sau khi phủ bằng vải chẳng hạn – có gì không tốt? Tiếp đó bỏ lên cơ thể ít hạt giống cây lớn hoặc trồng một cây nhỏ lên phần đất mộ. Bằng cách này khi cây lớn lên sẽ giống như hồn người chết cũng được hoá thân vào cây, vẫn sống động và đầy năng lượng sự sống. Thay vì là khối đá đen ngòm lạnh lẽo khô chết âm u.

Người nhà đến thăm có thể ngồi hóng mát dưới cây, trò chuyện với cây, nghe chim hót trên cây, nghe gió reo trên từng chiếc lá… Cả nghĩa trang có thể biến thành công viên xanh rì, đầy hoa, đầy cỏ, đầy cây xanh hoặc cả cây ăn trái cho các loài chim, động vật động vật nhỏ như sóc, khỉ đến ở, sinh sống một cách tự nhiên. Tự dưng nghĩa trang trở nên thân thiện, tươi xanh, đẹp đẽ chứ không còn u ám đáng sợ nữa.

Đấy là vài ví dụ của môn Thuật Tẩy Não.
Ai học xong môn này cũng tràn đầy ý tưởng, niềm tin và nhất là một năng lượng tươi mới ngập tràn tâm trí lẫn tâm hồn.

Ai không qua được môn này thì chắn chắn không đủ điều kiện để tham gia tiếp các môn tiếp theo về đầu tư thông minh: nghệ thuật đầu tư vào bản thân sinh lợi trên cả ba cấp độ: vật chất, tâm hồn và tinh thần. Ví dụ các mô hình kinh doanh hiệu quả của thời đại mới, cách đọc sách ra kiến thức+ tiền, cách chọn các môn thể dục thể thao ra sk+tiền, cách học ngoại ngữ vừa hiệu quả vừa ra tiền (Học Viện Anh Ngữ Thần Chú là ví dụ), cách giao tiếp kết bạn, tặng quà… vừa vui, ý nghĩa mà cũng ra tiền và sau cùng là cách mang nghệ thuật viết lách vào ứng dụng trong thực tế để sinh ra muôn ngàn lợi nhuận…

Tôi ngừng nhận dạy khoá đầu tư vì… thấy đủ. Thấy muốn tập trung thời gian và năng lượng cho bản thân nhiều hơn. Sau mỗi khoá học tôi đều thấy bị hụt năng lượng khủng khiếp do luôn “trút ra” hết mọi thứ mình có cho mỗi buổi học. Năng lượng này quý đến nỗi mà số tiền 10-20tr/khoá/10 buổi học cũng không còn hấp dẫn với tôi tí nào.
Mà thôi đấy là chuyện khác.

Điều đáng lưu ý mà sáng nay tôi mới nhận ra:
chẳng phải những câu hỏi trên là tuyệt đối thích hợp trong tình hình thời sự Virus Corona toàn cầu hay sao?
– Trường học đóng cửa, đã đến lúc nghĩ ra các phương án cho mô hình giáo dục khác?
– Chợ cũng không an toàn, an ninh lương thực đe doạ, chẳng phải việc đi chợ online và tự cung tự cấp thực phẩm đang trở thành hướng đi bắt buộc trong tương lai?
– Bệnh viện quá tải khủng khiếp. Chẳng phải đã đến lúc mọi người nên thay đổi toàn bộ cách nhìn về y tế? Trách nhiệm giữ và bảo vệ sức khoẻ cá nhân và cộng đồng nên là trách nhiệm của mỗi cá nhân chứ không chỉ là của bệnh viện, bác sĩ?
Nếu trách nhiệm y tế được phổ cập tốt như cách chúng ta đối xử vs căn dịch này chẳng phải góp phần nâng cao ý thức cộng đồng rất cao sao: truyền hình, radio, báo chí chính thống lẫn online… mọi người đều quan tâm cùng một thứ chẳng phải sẽ tác động cực lớn lên tư duy, nhận thức và thói quen hành xử của cả xã hội đấy sao? Tại sao không phát huy nó vào những chủ đề tốt đẹp khác nữa?
– Nghĩa trang: số người chết ngày càng tăng và sẽ tăng nữa. Bao nhiêu cây bị hạ xuống để chôn cất họ? Tại sao không trồng thêm cây và xem cái chết như một bài học, một quy luật để chấp nhận và rồi tìm cách biến cái chết, mọi cái chết thành một phúc lành cho nhân loại, cho người khác, thay vì chỉ là đau thương? Sẽ rất khó cho bạn nhìn thấy phúc lành trong cái chết. Lý do vì bạn đã bị “tẩy não” cả đời rằng chết là xấu.

Sở dĩ chết là xấu vì bạn sợ chết.
Sở dĩ bạn sợ chết vì bạn chưa bao giờ sống cả.
Sở dĩ bạn chưa bao giờ sống vì bạn đã bị thôi miên và tẩy não cả đời rằng sống là để thành công, thành công là tiền bạc – vật chất – danh vọng.

Tôi không sợ chết vì tôi đã sống trọn vẹn từng ngày của đời mình. Ngày nào không sống trọn, tôi ăn năn rồi ý thức để nó không lặp lại. Vậy nên tôi không sợ. Nếu như một ngày tôi chết, nguyện vọng của tôi là được chôn mà không cần quan tài, cứ thế đặt tôi vào lòng đất, để mẹ đất ấm áp ấp ủ tôi và trồng lên trên khoảnh đất nơi tôi nằm xuống một cái cây, tôi chưa quyết định được cây gì vì tôi thích nhiều loại cây quá. Có lẽ một loại cây có tán thật lớn và nhiều quả ngọt. Tôi muốn thân xác mình sau khi chết được tan ra hoà vào mẹ đất, là nguồn thức ăn nuôi sinh vật trong đất, đất đã nuôi tôi cả đời, đến lúc để tôi đáp đền lại một chút. Tôi cũng mong muốn thân thể tôi sẽ làm nguồn sống nuôi dưỡng cái cây và cây sẽ lớn, tán sẽ to, trên cây đầy hoa đầy quả cho chim kéo về làm tổ, cho sóc chạy nhảy vui đùa và cho bất cứ ai muốn một chút bóng mát giữa ngày hè nóng nực…

Vâng, tự dưng thấy cái chết sao mà đẹp…
Phi Tuyết, 19/3/2020

Tôi đã sẵn sàng cho cái chết của mình như thế đấy!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *