Chuyện xảy ra nếu bạn du hành cùng Osho (Giáo sư nổi loạn)

Chương 29. Những hành khách xúi quẩy.

Trong hai mươi năm đi du hành khắp nơi và liên tục ở trong các phương tiện vận chuyển, tôi cũng thường xuyên chứng kiến cảnh các hành khách khác cứ mở hành lý của họ ra, nhìn vào đó, rồi đóng lại, như thể có gì trong đó để mà nhìn. Họ làm vậy chỉ vì họ không có gì khác để làm, không biết phải làm gì khác. Thế rồi họ mở cửa sổ của tàu lửa, rồi đóng nó lại. Họ nằm xuống trên băng ghế, nhắm mắt lại, rồi lại mở mắt ra.

Ở Ấn Độ, nếu bạn muốn đi tới Calcutta từ Bombay, bạn sẽ mất khoảng 48 tiếng. Tôi thường chọn buồng lạnh, tức buồng có quạt máy cho những hành trình dài đó. Thường thì tôi chỉ có một mình nhưng thỉnh thoảng cũng có ai đó ở cùng phòng với tôi.

Mỗi khi có ai đó cùng chia căn buồng máy lạnh, tôi thường ngay lập tức nói với ông ta tên của tôi, tên cha tôi, tên ông nội tôi, tôi tới từ đâu, làm công việc gì, bao nhiêu tuổi… mà chẳng cần đợi được hỏi. Họ đều bị sốc.

Tôi nói: “Tôi đã nói xong toàn bộ tiểu sử của mình rồi đấy, giờ thì ông sẽ không còn phải hỏi thêm gì nữa.”

Thế rồi tôi ngồi xuống chỗ của mình và những hành khách đó sẽ trông rất bối rối, họ thường nói: “Ông thật lạ. Ông là loại người gì thế này?”

Tôi trả lời: “Yên lặng đi. Tôi đã kể ông toàn bộ tiểu sử của mình, chúng ta không còn gì để nói nữa.”

Thế rồi tôi cứ ngồi đó và nhìn người đàn ông trong suốt cả 48 tiếng đồng hồ. Bất cứ khi nào ông ta định mở miệng nói gì, tôi lại nhắc lại điều đó. Thế là ông ấy im lặng và bắt đầu làm những việc vô nghĩa đó: đóng mở hành lý, đóng mở cửa sổ, đọc toàn bộ tờ tạp chí từ trang bìa đến trang cuối, rồi lại đọc lại chúng lần hai… Thỉnh thoảng ông ta liếc mắt lên nhìn tôi.

Rất nhiều lần xảy ra rằng những hành khách đó chịu không nổi sự im lặng đến nỗi họ phải gọi người quản tàu yêu cầu được đổi sang buồng khác.

Những người quản tàu biết tôi vì tôi đã du hành trên tàu của họ khá thường.

Họ nói: “Tại sao anh lại đòi đổi buồng? Người đàn ông này là người tử tế, tôi biết anh ta.”

Người hành khách nói: “Nó không phải vấn đề chuyện anh ta có tử tế hay không. Anh ta quá tử tế, tôi biết. Nhưng làm ơn hãy đổi tôi sang buồng nào nơi mà tôi có thể trò chuyện với những hành khách khác. Người đàn ông này là người nguy hiểm. Anh ta cứ nhìn tôi chằm chằm thậm chí không cả chớp mắt khiến tôi thấy sợ. Sáng nay tôi đã phải đi tắm ba lần chẳng vì lý do gì cả, chỉ vì muốn tránh mặt anh ta trong vài phút.”

Tất nhiên ông ta có thể tránh tôi trong vài phút, nhưng làm gì với 48 giờ? Và thế rồi chính ông ta cũng dần nhận thức được những hành động điên khùng vô nghĩa của mình: đóng mở hành lý, đóng mở các cánh cửa, nằm xuống rồi lại ngồi lên, quay người bên này bên nọ… làm mọi thứ một cách không cần thiết, chẳng để làm gì.

Đó chính là biểu hiện của lối sống nghiện công việc, nghiện hoạt động của mọi người trong xã hội hiện nay. Người ta có thể làm mọi thứ, dù cho vô nghĩa nhưng họ không thể chỉ ngồi im không làm gì.

*

Một lần tôi đang trên chuyến tàu, có một người phụ nữ khác cùng phòng với tôi, chồng hoặc bạn trai cô ấy ở căn phòng bên cạnh. Cứ mỗi lần tàu vào bến và rời đi, anh ta đều ghé qua thăm cô ấy, lần thì mang theo kem, lần mang theo kẹo, lần thì bánh ngọt, đủ mọi thứ.

Tôi hỏi cô ấy: “Anh ta là ai vậy?”

Cô ấy đáp: “Đó là chồng tôi.”

Tôi nói: “Đừng nói dối.”

Cô ấy ngạc nhiên: “Làm sao ông biết?”

Tôi nói: “Một người chồng không bao giờ có khả năng làm những điều nhỏ bé ngọt ngào như vậy ở mỗi trạm tàu. Nếu như đó thực là người chồng, một khi được tự do khỏi sự kiểm soát của người vợ, thế thì anh ta sẽ biến đi luôn và chỉ có mặt cùng lắm ở trạm cuối cùng mà thôi. Và nếu anh ta quả thật chồng cô thế thì cô là người cực kì may mắn vì mỗi trạm anh ta lại xuất hiện với đủ thứ quà.”

Cô ấy đáp: “Ông nói đúng. Anh ấy không phải chồng tôi. Anh ấy là người yêu của tôi.”

“Hai người yêu nhau bao lâu rồi?”

“Gần bảy năm.”

“Cô lại nói dối.”

“Làm sao ông biết?”

“Bảy năm là quá dài cho mọi chuyện tình lãng mạn. Thời trăng mật của mối quan hệ cũng chỉ kéo dài cùng lắm mười lăm ngày và tất cả những gì đang diễn ra ở đây cho thấy hai người vẫn còn đang trong thời gian trăng mật.”

Cô ấy nói: “Ông thật sự làm tôi kinh ngạc. Chúng tôi quả thật đang trong thời kì trăng mật của tìm hiểu. Tôi biết anh ấy độ khoảng bảy hay tám ngày.”

Mọi người đều thấy chán chính bản thân họ, đó là lý do tại sao Phật nói: “Chỉ ngồi im và ta đã đạt tới. Chỉ ngồi im và phúc lạc đã tràn đến trong ta”.

Mọi người nghe ông ấy nhưng mọi người không tin ông ấy. Hay có thể mọi người cho rằng ông ấy là ngoại lệ bởi vì khi bạn ngồi im, chỉ có sự chán nản tràn đến với bạn mà thôi, không gì khác.

*

Một sự kiện lạ lùng đã xảy ra, lần ấy tôi đang trên tàu lửa và trong một buồng có tới bốn chiếc giường, loại giường tầng. Tôi không thể tin rằng ba người đàn ông còn lại trông quá giống nhau đến vậy. Sau đó tôi mới được biết rằng họ là anh em sinh ba. Điều lạ là ở chỗ tiếng ngáy của họ, chúng trầm bổng lên xuống cứ như thể một dàn đồng ca vậy. Tôi đã cố hết sức để tự nhủ bản thân rằng tai tôi bị ảo giác, rằng thế giới này chỉ là mơ, không có thật… Nhưng thật sự không một triết lý hay niềm tin nào có thể giải thích được về việc làm sao họ có thể ngáy một cách đầy nhịp điệu như thế.

Đầu tiên một người ngáy thì hai người kia im lặng. Sau đó người thứ hai ngáy một tiếng to hơn trong khi hai người còn lại im lặng, như thể anh ta đang trả lời cho tiếng ngáy ban đầu. Sau đó đến lượt người thứ ba nhập cuộc. Họ cứ ngáy theo thứ tự, theo vòng như thế.

Lúc ấy là nửa đêm khi tôi bị “dàn đồng ca” đó đánh thức. Tôi biết mình cần phải làm gì đó và thế rồi tôi cũng bắt đầu tạo ra tiếng ngáy – ngay khi đang tỉnh táo. Tôi ngáy to đến nỗi cả ba người đó đều thức dậy. Họ trèo ra khỏi giường và nhìn thấy tôi đang nằm đó, ngáy, nhưng bởi vì mắt tôi vẫn mở nên họ đâm ra sợ hãi.

Họ nói: “Có chuyện gì với ông thế? Ông vừa thức vừa ngáy sao? Và còn ngáy to thế?”

Tôi nói: “Nếu các ông không thôi ngáy, tôi sẽ ngáy như vầy cả đêm.”

Họ nói: “Nhưng ít nhất, hãy nhắm mắt lại. Nhìn ông vừa ngáy vừa mở mắt khiến chúng tôi thấy đau tim quá.”

Tôi bảo: “Muốn tôi dừng thì các ông hãy tự học bài học đi, đừng ngáy nữa. Tôi đã bị tra tấn hàng tiếng đồng hồ rồi. Dừng cái dàn đồng ca của mấy ông đi.”

Họ nói: “Nhưng chúng tôi có thể làm gì đây? Chúng tôi sinh ba và chúng tôi làm mọi thứ giống nhau. Chúng tôi cũng có mọi thói quen giống nhau nữa, kể cả việc ngáy này. Chúng tôi có thể làm gì chứ?”

Tôi đáp: “Làm gì để dừng nó là việc của các ông. Bằng không tôi sẽ cứ ngáy to như vậy với đôi mắt mở khiến các ông không thể ngủ, mà ngay cả buồng khách kế bên cũng sẽ không thể ngủ được.”

Họ nói: “Thế thì tốt hơn là chúng tôi nên thức và đọc gì đó. Ông có thể làm bất cứ gì ông muốn nhưng làm ơn đừng ngáy và mở mắt cùng một lúc. Thế trông thật đáng sợ. Chúng tôi sẽ cố gắng để không ngáy, nhưng xin ông hiểu cho là khi chúng tôi rơi vào giấc ngủ thì chúng tôi không thể kiểm soát được tình hình chút nào.”

Tôi đáp: “Tôi biết. Nhưng tôi rất mệt. Tôi đã du hành trên tàu này 24 tiếng rồi và các ông chỉ mới bắt đầu. Cho nên đừng làm phiền giấc ngủ của tôi. Hãy ngồi dậy mà đọc cái gì đó đi.”

Tôi đưa cho họ những cuốn sách và nói: “Các ông có thể đọc những cuốn sách này và để cho tôi ngủ. Nhớ lấy, nếu bất cứ ai trong các ông mà ngáy, tôi sẽ làm những trò khác còn tồi tệ hơn. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ thôi.”

Tội nghiệp những anh chàng đó, họ phải thức cả đêm và đọc những cuốn sách mà có lẽ họ không hiểu một chút nào. Vào buổi sáng khi tôi đã thức dậy, tôi bảo họ: “Giờ thì các ông có thể ngủ. Tôi định sẽ đi vào nhà vệ sinh. Giờ thì các ông muốn ngáy bao nhiêu và bao to cũng được. Tôi sẽ tận hưởng cái nhà tắm lâu nhất có thể và cho các ông cơ hội toả sáng ngoài này với tài ngáy của mình.”

Không có ý lên án hay phê phán gì, đó chỉ là một kỉ niệm buồn cười, tôi đã tận hưởng những điều kì lạ như vậy rất nhiều trong suốt những năm tháng du hành đó.

 

30.

Kẻ thích đùa dai.

 

Một chuyện xảy ra khi tôi du hành từ Bombay tới Calcutta.

Nó là một hành trình dài và tôi thích đi tàu lửa hơn là máy bay vì trên tàu lửa tôi có thể nghỉ ngơi. Từ Bombay đến Calcutta thường mất 48 tiếng nếu bạn lấy tàu lửa loại nhanh nhất. Vậy nên tôi định bụng sẽ chỉ thư giãn và nghỉ ngơi suốt 48 tiếng này, bởi vì một khi tôi tới Calcutta thì sẽ không còn cơ hội nghỉ ngơi nữa, ít nhất năm cuộc hội họp diễn ra mỗi ngày ngày khi tôi tới đó.

Khi tôi bước vào cabin của mình, có một người đàn ông đã ở đó vì cabin này dành cho hai người. Người đàn ông này hẳn đã quan sát mọi chuyện xảy ra bên ngoài trước khi tôi bước vào. Hàng trăm người tới để tiễn tôi và trao cho tôi những bông hoa hồng và các vòng hoa đeo cổ. Hẳn là người đàn ông này đã thấy cảnh đó. Bởi vì tàu lửa ở Ấn Độ thời đó, nếu bạn ngồi trong khoang máy lạnh, mà thật ra chỉ có máy quạt, thế thì cửa sổ được làm bằng một loại kiếng một chiều. Người bên ngoài không thể nhìn vào bên trong nhưng người bên trong cabin thì có thể nhìn thấy toàn cảnh bên ngoài một cách dễ dàng.

Thế nên khi còn ở bên ngoài, tôi không biết có ai bên trong đang nhìn hay không nhưng người đàn ông này hẳn đã thấy cảnh tôi được đám đông vây quanh. Họ không chỉ tặng vòng hoa cho tôi mà còn cúi người chạm chân tôi nữa. Tất nhiên người đàn ông này hẳn đã nghĩ rằng tôi là một nhà lãnh đạo tôn giáo nào đó.

Vậy nên khi tôi bước vào cabin, anh ta cúi người rạp trên sàn nhà, chạm chân tôi và còn hôn nó nữa. Anh ta nói: “Tôi đã luôn tìm kiếm một người thầy vĩ đại. Có lẽ thầy chính là người đó.”

Và chỉ nhìn vào ngoại hình, tôi có thể biết ngay anh ta là một Brahmin. Vậy nên tôi bảo anh ta: “Vâng, tôi là người đó, nhưng điều khó khăn là, tôi là người Hồi giáo.”

Anh ta kinh hãi thốt lên: “Lạy Chúa tôi. Và tôi vừa mới hôn chân của ông.”

Tôi bảo anh ta: “Anh nên đến ngay phòng tắm mà súc miệng thật kĩ vào. Đó không phải lỗi của tôi, tôi vừa bước vào và anh đã quỳ sụp xuống mà ôm lấy chân tôi, anh thậm chí còn không chịu hỏi tôi theo tôn giáo nào. Anh chẳng cho tôi cơ hội nào để nói cả.”

Thế nên anh ta chạy xô tới phòng tắm và tắm thật lâu, thật kĩ bởi vì anh ta là một Brahmin cơ mà. Tại Ấn Độ, Brahmin là những người thuộc đẳng cấp cao nhất của Hindu giáo: tầng lớp của học sĩ, tu sĩ. Họ tin rằng bản thân họ là thượng cấp và thậm chí sẽ không để bất cứ ai chạm vào người họ.

Khi anh ta quay lại trông anh ta thật khổ sở. Thậm chí tắm rửa xúc miệng xong rồi mà vẫn vô cùng khổ sở. Tôi nói: “Tôi đùa đấy. Anh có nhìn ra vấn đề không? Anh có thấy không? Anh có hiểu không? Liệu anh có thật sự phân định được ai là ai chỉ vì cái vẻ bên ngoài?”

Bởi vì ở Ấn Độ bạn hoàn toàn có thể biết ai là ai thông qua trang phục và vẻ ngoài của họ. Người Hồi giáo thường đội những chiếc mũ rất khác biệt, trang phục khác biệt; người Hindu có mũ khác, trang phục khác; Mọi tôn giáo đều được phân biệt một cách dễ dàng thông qua trang phục của họ.

Tôi nói: “Anh không cần bận tâm đến tôi làm gì cả. Nó là không cần thiết.”

Thế rồi anh ta lại quỳ sụp xuống và lại hôn chân tôi nhưng lần này còn nghiêm túc hơn nữa. Anh ta nói: “Tôi đã cảm thấy có chút nghi ngờ khi tôi đang tắm, rằng thầy trông không giống người Hồi giáo chút nào. Thầy thật sự đã giúp tôi giải toả nỗi lo lắng này, bằng không tôi sẽ phải sống trong ăn năn ray rứt cả đời.”

Tôi nói: “Vậy thì anh sẽ phải cắn rứt. Anh có thấy râu của tôi không?”

Anh ta hỏi: “Thầy nói vậy có ý gì?”

Tôi nói: “Anh nhìn bộ râu của tôi là anh biết mà, tôi đích thực là người Hồi giáo.”

Anh ta há mốc miệng rồi lại chạy xô tới nhà tắm và sau khi trở ra anh ta liền gọi người quản tàu: “Làm ơn đổi cho tôi sang một cabin khác, người đàn ông này có thể sẽ quấy rầy tôi cả đêm mất. Ông ta cứ liên tục thay đổi ý tưởng về việc ông ta là ai.”

Người quản tàu đáp: “Nhưng nếu anh ta thay đổi ý tưởng của anh ta, về việc anh ta là ai, thì có liên quan gì tới ông? Tại sao ông lại bị làm phiền về điều đó? Ông có ghế của ông, vé của ông và cứ ngồi yên ở chỗ của ông là được rồi.”

Tôi bước ra và nói với người quản tàu: “Vấn đề là người đàn ông này sợ rằng tôi là một người Hồi giáo.”

Người quản tàu cười lớn: “Anh nghĩ anh ta là người Hồi giáo sao? Anh ta không phải đâu. Tôi biết anh ta mà.”

Người đàn ông thở phào: “Vậy thì được.”

Tôi đã “tra tấn” anh chàng này nhiều đến nỗi sau cùng anh ta nói: “Dù cho thầy có là bất cứ ai, tôi là đệ tử của thầy. Tôi từ bỏ ý định phân biệt giữa Hindu giáo và Hồi giáo. Chỉ một thứ tôi dám chắc chắn, thầy là… thứ gì đó đáng giá.”

Hãy thiền định và trở nên tỉnh táo.

Mọi sự lựa chọn sẽ biến mất.

Sau đó một cảm giác mới của sự sáng suốt và tinh thần trách nhiệm sẽ khởi lên từ bên trong bạn. Không phải thứ cảm giác đầy mặc cảm mà bạn thường bị áp đặt từ bên ngoài.

Tính trách nhiệm này sẽ dần trở thành hương thơm riêng của bản thể bạn.

Trích sách Giáo sư nổi loạn, tự truyện cuộc đời Osho, Phi Tuyết dịch

Bạn có thể đặt mua sách tại fanpage: Cuộc đời Osho 

Xin cảm ơn và chúc ngày tốt lành!

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *